Chúa Nhật XVI TN – Năm C
ƯU TIÊN CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA
Tuần 16 Thường Niên (Hội An 17/7/2022)
Bạn thử cầm trên tay một đóa hoa sen và đặt câu hỏi: “Là người môn đệ Chúa, điều gì cần thiết nhất cho cuộc đời tôi, là ưu tiên của cuộc đời mà tôi đeo đuổi?” Rồi tự trả lời. Mỗi câu trả lời chưa thỏa đáng, cứ gỡ nhẹ một cánh hoa. – Là tiền ư? Cần thiết, nhưng chưa phải cần thiết nhất, vì người giàu có bảo rằng tiền để làm gì? Gỡ một cánh hoa. – Là quyền chức ư? Cần thiết, nhưng không bền vững. Tổng thống Sri-Lanka mới chạy thoát thân vì dân biểu tình cách đây vài ngày. Gỡ xuống một cánh hoa. – Tìm kiếm người yêu hay người bạn đời là một mỹ nhân hoặc một nhân tài ư? – Sức khỏe ư? Cần thiết, nhưng thời gian bào mòn tất cả những thứ đó. – Một công việc làm tốt, một gia đình êm ấm ư? Cần thiết, nhưng chưa phải phải cần thiết nhất đối với một người môn đệ Chúa. Từng cánh sen rơi xuống và tôi gặp được gương sen; giữa danh sách dài những điều tôi nghĩ là cần thiết nhất, tôi gặp được câu trả lời ở Chúa Giê-su là Thầy, là Đấng cứu độ của chúng ta: “Ta không tìm làm theo ý riêng mình, nhưng theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 5,30). Và Chúa dạy Mát-ta cùng chúng ta: “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một chuyện cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10,41-42). Phần tốt nhất Maria chọn là ngồi bên chân Chúa và nghe lời Chúa.
- Giữa xao động cuộc đời
Ngày sống của bà Mát-ta rất bận rộn, đến mức bà quên mất đâu là điều ưu tiên cho đời sống của bà. Ngay cả bà mời Chúa đến và Chúa đang ở giữa nhà bà, thế mà bà không chú tâm đến Chúa. Có lẽ bà đang bận rộn: nấu món gì đây? Con dao ở đâu rồi? Cắt miếng thịt sao cho đẹp? v.v. Nếu có ai hỏi bà: “Chúa đang ở trong nhà chị, chị thấy thế nào?” – “Tôi đang để tâm đến món ăn đây này, đến việc này, việc khác.” Công việc bận rộn của bà không có gì xấu, nhưng bà đánh mất điều tốt nhất trong ngày sống và trong cuộc đời là gặp gỡ và lắng nghe Chúa nói.
Chúng ta đang là hiện thân của Mát-ta. Chúng ta bận rộn với nhiều điều: lo cho con cái, cho gia đình, cho công việc, cho sự nghiệp, cho tương lai, chuyện nhà cửa, bếp núc, tìm đối tác, chuyện học hành v.v. Quá nhiều chuyện lo lắng khiến ta không tìm thấy điều gì tốt nhất cho ngày sống và cuộc đời mình. Nhà truyền giáo nổi tiếng tại Ấn Độ, Sandhu Sundar Singh, đã chia sẻ: “Ngồi cạnh bờ suối, tôi nhặt một viên đá cuội nhẵn thính, mát rượi, rồi đập vỡ nó ra. Bên trong, nó hoàn toàn khô khốc. Tôi tự hỏi: viên đá nằm dưới suối đã lâu, nhưng nước không thấm được vào lòng nó. Đoạn, tôi nghĩ đến điều tương tự xảy ra nơi nhiều Ki-tô hữu. Là Ki-tô hữu đã lâu, nhưng điều ưu tiên số một của người môn đệ không thấm vào trong họ.” Phải, chúng ta đang bận rộn nhiều chuyện và tâm hồn ta khô khốc, quên mất điều quan trọng nhất là ngồi dưới chân Chúa và nghe lời Chúa. Đức hồng y Sarah nhận định: chúng ta đang bị thế giới độc tài tiếng ồn này lấn át, khiến ta không nghe được tiếng Chúa. Chúng ta đang bị nghiện tiếng ồn. Từ sáng đến tối, mọi xao động làm con người bị rã tan thành vô số lo lắng, bận bịu, chúng gớm ghét sự thinh lặng giúp con người đi sâu vào mầu nhiệm làm người và chúng ghê tởm sự thinh lặng đưa ta đến gặp gỡ, ngạc nhiên và quỳ gối trước Chúa.[1] Mặc dù là Ki-tô hữu, nhưng như hạt giống rơi trên vệ đường, trên đá sỏi và vào bụi gai, mọi lo lắng, bận rộn đã chiếm đoạt tâm hồn ta và làm cho lời Chúa không có chỗ trong lòng trí chúng ta. Vì thế, khi nói: “Chỉ có một chuyện cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất,” Chúa Giê-su cho Mát-ta và chúng ta khám phá điều ưu tiên nhất trong đời người theo Chúa và mời ta sống như Maria.
- Ưu tiên chọn ngồi bên Chúa và lắng nghe Chúa nói
Dù Maria cũng bận rộn công việc hằng ngày, nhưng Maria biết điều gì ưu tiên của người môn đệ Chúa phải chọn, nên Maria dành thời giờ ngồi bên chân Chúa. Ngồi bên chân Chúa là vị trí của người môn đệ Chúa. Thánh Phaolô cho biết, khi đang còn là đệ tử của Gamaliel, thánh nhân đã ngồi dưới chân Gamaliel (x. Cv 22,3). Maria chọn chỗ Chúa ưa thích và lắng nghe lời hằng sống từ môi miệng Chúa. Chúng ta ngưỡng mộ và kính trọng những ai mọi Chúa Nhật đến nghe lời Chúa và thờ phượng Chúa, mọi ngày ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Chúa tại nhà hay tại bàn học.
Bởi Thiên Chúa ưa thích nói với chúng ta. Chúa Giê-su là Ngôi Lời Chúa Cha và lời của Ngài là lời yêu thương Chúa Cha muốn nói với con người. Thiên Chúa không muốn lời Ngài vô ích nơi con người. Vì thế Thiên Chúa đã nói: “Như mưa tuyết từ trời xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm… cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh hoa trái” (Is 55,10-11). Thiên Chúa muốn ta nghe lời Ngài.
Thánh Phaolô quả quyết, “có đức tin là nhờ nghe, mà nghe là nghe lời Chúa Ki-tô” (Rm 10,17). Như vậy, làm việc tốt như Mát-ta vẫn chưa đủ, mà còn phải đến bên Chúa và ngồi vào bàn dự tiệc Lời Sự Sống được Chúa dọn cho. Không nghe lời Chúa, sẽ mất đức tin và đó là lúc satan nhảy mừng, vì có một người nghe lời nó mà không còn nghe lời Chúa. Vì vậy, Đức Phanxicô khuyên nhủ mọi tín hữu, hãy lắng nghe lời Chúa hằng ngày, để chúng ta có thể đón nhận lời sự sống giữa muôn tiếng xao động. Hãy có cuốn lời Chúa trên bàn, mang theo trong xách, đọc lời Chúa trong điện thoại để lời Chúa gây cảm hứng thánh thiện cho ta mạnh mẽ đi vào chỗ nước sâu của cuộc đời. Theo gương Maria chọn phần tốt nhất, chúng ta ưu tiên nghe lời Chúa, ưu tiên kết nhóm lời Chúa, ưu tiên đọc lời Chúa trong gia đình cách thường xuyên, không phải vội vàng như người ta ăn thức ăn nhanh (fast food), nhưng như người thưởng thức từng lời của Chúa và để lời Chúa thấm đẫm vào lòng trí đem lại sự sống thần linh cho chúng ta.
Chẳng lẽ bao năm chúng ta được khuyến khích nghe lời Chúa mà chúng ta vẫn không thực hành sao? Không có việc gì không thể đối với người có đức tin và không có gì khó khăn đối với người yêu Chúa. Xin Chúa cho mọi tín hữu biết bắt chước Maria thực hành ngồi bên Chúa và lắng nghe, thực hành lời Chúa hằng ngày, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình (x. Gc 1,22).
[1] Robert Cardinal Sarah, The Power of Silence: Against Dictatorship of Noise (San Francisco: Ignatius Press, 2017), 56.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thú
—————-
CN 16 TN NĂM C
17-7-2022
CHẦU THÁNH THÊ
Giáo xứ Hội An
GIÁO HUẤN 34
MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Các hoạt động chính yếu
Tôi muốn nhấn mạnh rằng mục vụ giới trẻ liên hệ đến hai hoạt động chính. Một là vươn ra, là phương cách mà chúng ta thu hút người trẻ đến với một kinh nghiệm về Chúa. Hai là phát triển, tức là phương cách mà chúng ta giúp những người vốn đã có kinh nghiệm đó, để họ trưởng thành hơn. Về việc vươn ra, tôi tin tưởng rằng người trẻ biết cách nào tốt nhất để qui tụ với nhau. Họ biết cách tổ chức các sự kiện, các cuộc thi đấu thể thao, và những cách để loan báo Tin Mừng xuyên qua truyền thông xã hội, qua các tin nhắn, các bài hát, video, và những hình thức khác. Họ chỉ cần được khuyến khích và được tự do để hăng hái Phúc âm hóa các bạn trẻ khác bất cứ nơi nào họ gặp. Khi sứ điệp được giới thiệu lần đầu tiên, có thể trong một cuộc tĩnh tâm giới trẻ, hay một cuộc trò chuyện trong quán bar, vào dịp nghỉ lễ ở trường học, hay bất cứ cách thức kỳ diệu nào của Thiên Chúa, thì sứ điệp ấy có thể đánh thức một kinh nghiệm đức tin sâu xa. Tuy nhiên điều quan trọng nhất, đó là mỗi người trẻ cần có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống của sứ điệp trên mảnh đất mầu mỡ là trái tim của một bạn trẻ khác (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, các số 209 & 210).
—————
CN 16 TN NĂM C
(St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42)
Mẹ Têrêsa Calcutta
Khi còn sống, mẹ vô cùng bận rộn với biết bao nhiêu công việc. Mặc dù quá bận rộn vì tha nhân và bác ái, nhưng mỗi ngày mẹ đã cầu nguyện 1 tiếng đồng hồ, thường thường vào ban sáng, trước khi mẹ dự định làm bất cứ việc gì cho Thiên Chúa (1Cr 10,31-33). Nếu mẹ đã không liên hệ chặt chẽ với Thiên Chúa như vậy. thì chắc chăn với số hạng công việc quá bận rộn, mẹ sẽ bị ngã quị. Nhờ đời sống cầu nguyện, mẹ đã được nối kết với nguồn sức mạnh tối cao là Thiên Chúa (Nguyễn Văn Thái, Sông Lời Chúa Giữa Dòng Đời trang 258).
Một em bé im lặng
Có một người đàn ông làm việc trong nhà chứa đá lạnh đánh rơi một cái đồng hồ quí giá. Ông tìm kiếm cần mẫn lắm, tìm mãi mà chẳng thấy. Người bạn cùng làm việc với ông cũng tìm giúp ông, nhưng đều vô ích. Một em nhỏ mới lẻn vào nhà chứa đá lúc ban trưa, và nó đã tìm thấy cái đồng hồ. Mọi người ngạc nhiên và hỏi nó làm sao tìm thấy. Nó trả lời: ‘Tôi đã đóng chặt cửa lại, nằm sấp xuống đất và giữ hoàn toàn im lặng. Liền ngay sau đó tôi nghe tiếng đồng hồ kêu ‘tich tắc’ (Nguyễn Văn Thái, sđd, trang 259).
Câu chuyện cầu nguyện của mẹ Tê-rê-sa và sự im lặng của em bé giúp chúng ta cảm nhận được lợi ích của việc cầu nguyện và việc tiếp đón Chúa trong ba bài đọc của thánh lễ hôm nay.
Bài đọc 1 (St 18,1-10a): Bđ1 đọc sách Sáng Thế. Sách kể chuyện ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra tiếp đón Chúa. Ông thấy Chúa đi qua chiếc lều của ông ở cụm sồi Mam-rê. Ông mời Chúa ghé vào. Ông lấy nước rửa chân cho Chúa, bắt ‘bê non, béo tốt’ giết đãi Chúa. Ông còn nói bà Sa-ra, vợ ông, làm bánh cho Chúa dùng. Nhờ đó, Chúa phán: “Sang năm tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sa-ra, vợ ông, sẽ có một con trai” (St,18,10a).
Bài Tin Mừng (Lc 10,38-42): BTM kể chuyện Chúa Giê-su vào nhà hai chị em Mat-ta và Maria. Chị Mat-ta nấu ăn đãi Chúa, còn em Ma-ri-a ngồi nghe Chúa dạy bảo. Cô Mat-ta thưa Chúa: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (Lc 10,40). Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi, Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” Lc 10, 41-42).
Bài đọc 2 (Cl 1,24-28): Đức cha Lâm viết về bđ2: “Thánh Phao-lô bấy giờ đang ở trong tù. Có lẽ đúng hơn người đang ở trong tình trạng là tù nhân, nhưng vẫn được tại ngoại. Người gửi thư cho giáo đoàn Cô-lô-sê. Và ở đoạn này, người nói đến mình không phải tự khoe, nhưng để tín hữu hiểu thế nào là ơn gọi tông đồ. Đó là sứ mệnh được Chúa chỉ cho để rao giảng Lời Chúa. Riêng trường hợp của thánh Phao-lô, việc rao giảng này lại được qui định nơi dân ngoại, để cả lương dân được thấy mầu nhiệm của Chúa. Mầu nhiệm này ngày trước còn bị giữ kín. Các dân tộc ngày xưa không được biết mặc khải của Chúa. Nhưng từ ngày Đức Giê-su Ki-tô đã lên cây thập giá để hủy bỏ bức tường ngăn cách giữa dân’cắt bì’ và những dân ‘không cắt bì’, thì mọi dân tộc đếu được biết mầu nhiệm phong phú và vinh quang, là mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô ở giữa mọi người có đức tin để thảy được tin tưởng vào vinh quang đang chờ mình. Mầu nhiệm cứu độ này, thánh Phao-lô đang phục vụ cho lương dân chẳng quản gian lao thử thách, luôn rao giảng cho mọi người. Nhưng nay bị tù, bị hạn chế, và quản thúc, thánh Phao-lô vẫn tiếp tục phục vụ dưới hình thức khác, đó là hình thức chịu đau khổ. Và đây là điểm chúng ta nên nhớ, thánh Phao-lô vẫn coi trọng việc phục vụ Lời Chúa. Không ai dám nói như người: ‘Thật khốn cho tôi nêu tôi không rao giảng Tin Mừng cứu độ’. Nhưng nay thấy minh trong thân phận tù nhân và suy nghĩ đến mầu nhiệm Chúa Giê-su mà mình được tuyển chọn để phục vụ. Thánh Phao-lô nhận ra: Chịu đau khổ cũng là phục vụ (Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm C, trang 289-290).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa
và rộng tay ban phát mọi ơn lành
để chúng con thêm lòng tin cậy mến
và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành