Trẻ Em Và Tiến Trình Hiệp Hành Của Giáo Hội


WHĐ (26.7.2022) – Trong khi thanh thiếu niên và giới trẻ Công giáo trên khắp thế giới hầu như không hiện diện tại các cuộc thỉnh ý của Thượng hội đồng cấp địa phương, thì tại một quốc gia thực sự có sự tham gia của những thành viên trẻ hơn của Giáo hội, đó là nước Pháp.

Một trong những điều gây thất vọng lớn nhất trong tiến trình Thượng hội đồng giai đoạn cấp giáo phận chuẩn bị Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XI cấp quốc tế vào năm tới tại Rôma, là sự tham gia ít ỏi của thanh thiếu niên và thanh niên. Nhưng ở Pháp, có một nỗ lực đáng chú ý để thu hút sự tham gia của những người trẻ tuổi hơn.

Tổ chức Công giáo Hành động vì Trẻ em ở Pháp (L’Action Catholique des Enfants- ACE) – mới đây đã công bố một tài liệu tổng hợp dựa trên các cuộc thỉnh ý chưa từng có mà tổ chức này đã tiến hành cho khoảng 250 “trẻ em từ vùng ngoại biên“. ACE đã quy tụ trẻ em từ 6-15 tuổi, không phân biệt điều kiện xã hội, văn hóa và tôn giáo để tham gia vào tiến trình Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội.

Dưới đây là những trao đổi giữa Agnès Willaume, một linh hoạt viên của ACE với Félicien Rondel, biên tập viên của tạp chí La Croix về sự đóng góp của trẻ em và điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Giáo hội.

La Croix: ACE đã xuất bản một tài liệu tóm tắt dựa trên sự tham gia của 250 trẻ em. Tại sao bạn lại lôi kéo các em tham gia cuộc thỉnh ý Thượng hội đồng này?

Agnès Willaume: Đối với chúng tôi, việc tham gia vào Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội dường như rất quan trọng bởi vì chúng tôi đang ở trong một bối cảnh đặc biệt thuận lợi cho việc suy tư về vấn đề này.

Thật vậy, tất cả chúng tôi đều bị kinh ngạc bởi báo cáo của Ủy ban độc lập về lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo (Independent Commission on Sexual Abuse in the Catholic Church – CIASE), và chúng tôi tin chắc rằng Thượng hội đồng này là đòn bẩy để suy xét lại về vị thế của trẻ em trong Giáo hội, và rộng hơn, trong xã hội.

Trên thực tế, tình trạng của trẻ em không phải là vấn đề nhỏ vì bạo lực có hệ thống mà trẻ em phải đương đầu với, trong Giáo hội cũng như xã hội, luôn gắn liền với nơi chốn cụ thể. Do đó, điều quan trọng là phải quan tâm đến cuộc sống của các em và tao điều kiện để các em có tiếng nói.

La Croix: Vậy thì có những yếu tố nào nổi lên từ những đóng góp này?

Agnès Willaume: Chúng tôi đã mang lại tiếng nói của trẻ em từ các vùng ngoại biên. Ví dụ, đóng góp của chúng tôi không giống với đóng góp của trẻ em từ các lớp giáo lý. Thật đáng tiếc là trong phần “tổng kết của các bản tổng kết” (tuyển tập từ các tổng kết giáo phận được nhóm quốc gia soạn thảo dành riêng cho Thượng hội đồng), những tiếng nói của các em từ ACE lại không có gì nổi bật. Điều này cho thấy một thực tế là chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc suy tư về Giáo hội bên ngoài các bức tường.

La Croix: Những “trẻ em từ vùng ngoại biên” này có tầm nhìn như thế nào về Giáo hội Công giáo?

Agnès Willaume: Các em không phải lúc nào cũng cảm thấy thoải mái và cũng không phải lúc nào cũng ở đúng vị thế của mình. Nói một cách chính xác, đó là bởi vì các em không có chỗ đứng trong Giáo hội. Mặt khác, các em rất vui vì được rước lễ. Chẳng hạn, chúng tôi đã nhận được những lời hay ý đẹp về các bí tích mà các em chuẩn bị với ACE. Hơn nữa, với những cách nói của trẻ em, các em thể hiện “sự nghèo nàn” của Giáo hội: khi nói về một việc cử hành, các em muốn có âm nhạc, hoặc có ai đó để trò chuyện với mình. Vì thế, các em nhấn mạnh rằng những định hướng mục vụ của chúng ta đôi khi không theo tiêu chuẩn của các em.

La Croix: Bạn đã thích nghi sự thỉnh ý Thượng hội đồng như thế nào để có sự tham gia của trẻ em?

Agnès Willaume: Chúng tôi đã cố gắng đưa ra những câu hỏi dội lại cuộc sống hàng ngày của các em nơi trường học, trong gia đình, hoặc trong khu phố. Chúng tôi đã quen với việc thỉnh ý trẻ em trên cơ sở những câu hỏi này.

Điều quan trọng nữa là cho các em thấy rằng các em là một phần của Giáo hội, bởi vì các em thấy mình không nhất thiết phải nhận thức về sự thật đó. ACE là nơi duy nhất của Giáo hội đối với các em.

May mắn thay, có nhiều tổ chức như của chúng tôi tạo điều kiện cho việc thực hiện cuộc hành trình tâm linh bên ngoài các bức tường

La Croix: Khi đọc lại Thượng hội đồng này, bạn nói rằng trẻ em là “những ngôn sứ nhỏ”, điều đó có nghĩa là gì?

Agnès Willaume: Trong những cử chỉ liên đới, trong sự quan tâm đến người khác hoặc trong những thực hành tâm linh, trẻ em có một điều gì đó mang tính ngôn sứ. Trong cách nói của các em, có những điều các em không phải lúc nào cũng nhận thức được nhưng đó lại là những điều có khả năng biến đổi người lớn. Và Giáo hội cần phải có khả năng nghe được điều này.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: international.la-croix.com (21. 7. 2022)

Nguồn: WHĐ