Chúa Nhật 24 TN C


LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT KHÔNG HỀ MỆT MỎI
Tuần 24 Thường Niên (Hội An 11/9/2022)

Toàn bộ Thánh Kinh mạc khải cho chúng ta về tình yêu Thiên Chúa và sự mạc khải đó trọn vẹn trong Chúa Giê-su Ki-tô. Nơi Chúa Giê-su, nhân loại nhận biết Thiên Chúa. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9), Chúa Giê-su nói như thế. Và hôm nay trong Tin Mừng theo thánh Luca, qua ba dụ ngôn: con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất và người cha nhân hậu, Chúa Giê-su mạc khải Thiên Chúa là Cha đầy lòng yêu thương, không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi thực hiện việc tha thứ tội lỗi cho con người.
1. Thiên Chúa miệt mài tìm kiếm con người hư mất
Thánh Kinh dùng động từ “mất” để chỉ sự vô ích, không hy vọng. Kẻ không nhận biết Thiên Chúa hay khước từ Chúa Giê-su là kẻ ở trong tình trạng hư mất. Con chiên đi lạc và đồng tiền bị mất được Chúa dùng để diễn tả tình trạng hư mất nơi mỗi người và nơi dân Chúa.
Con chiên đi lạc trong đồng vắng, hiểm nguy đang rình rập nó. Nó chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi sói dữ tìm đến hay một kẻ săn mồi nào đó tấn công và giết chết. Chó nhà đi lạc đường còn tìm được đường về, còn con chiên không có khả năng đó. Đó là tình trạng của người lạc xa Chúa. Họ không biết họ đang hư mất, họ không biết hiểm nguy đang rình chờ và chỉ trong khoảnh khắc bất chợt, mạng sống đời đời của họ sẽ bị hủy diệt. Thánh Phaolô nói rõ, ma quỷ làm cho tâm trí họ ra mù tối, khiến họ không thấy ánh sáng Tin Mừng và không nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ của họ (2Cr 4,4). Ngay cả khi họ biết mối nguy đang đối mặt, họ cũng không có khả năng tự cứu mình.
Trong trường hợp người phụ nữ bị mất đồng xu, bà gác mọi chuyện lại để tìm. Bà thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được. Thỉnh thoảng chúng ta cũng gác lại mọi chuyện để tìm chiếc chìa khóa xe, chìa khóa nhà hay tìm một bức ảnh gia đình. Đồng xu bị mất, chìa khóa bị mất, bức ảnh bị mất, nghĩa là chúng không còn và chúng chỉ có giá trị khi được tìm thấy lại.
Con chiên lạc được sống nhờ người mục tử đi tìm về, đồng bạc bị mất có lại giá trị khi được người phụ nữ tìm gặp lại, tội nhân được thoát tình trạng hư mất nhờ Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời của họ. Chúa Giê-su cho mọi tội nhân biết niềm vui đó. Ngài chạm đến cuộc đời của họ. Ngài như người mục tử dám rời đoàn chiên 99 con để đi tìm con chiên lạc, miệt mài cho đến khi tìm được mới thôi. Ngài cũng như người phụ nữ gác mọi chuyện lại để dùng sự thông minh và quan sát của mình tìm cho bằng được đồng xu bị mất. Trong con mắt và trái tim Chúa, tội nhân vẫn có giá trị, không đáng hư mất, nên Chúa đã nói: “Con Người đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Vì thế, Đức cha Fulton Sheen đã ngạc nhiên: “Con chiên bị kẹt trong bụi gai làm trái tim Chúa lưu tâm, chứ không phải cả đàn chiên bình an trong đồng cỏ. Ngài đã giơ tay cứu vớt con chiên đó.”
2. Thiên Chúa mở tương lai cho người hư mất trở về
Tuy nhiên, con chiên và đồng bạc thì thụ động trong tiến trình tìm kiếm lại, còn con người có tự do trở về lại với Chúa hay khước từ. Người con hoang đàng trong dụ ngôn đang phô diễn con người của mỗi chúng ta, anh ta có tự do để quyết định trở về với cha hay không. Đã có lúc anh ấy và chúng ta tự sa mạc hóa tâm hồn của mình, không để cho Chúa chiếm lấy và hiện diện. Chúng ta lao ra ngoài, xa Chúa, càng xa càng thích, không còn dựa vào lời Chúa, muốn nhổ hết các tấm bảng chỉ đường hướng về Thiên Chúa để thỏa mãn bản năng hạ đẳng, say mê trong tội lỗi và cuối cùng khám phá mình đang mất hướng thiện, đang trống rỗng nội tâm và đối mặt với cơn dằn vặt tâm hồn. Người con hoang đàng và chúng ta chỉ có hạnh phúc khi chúng ta quyết tâm và đứng dậy trở về nhà cha, trở về với Chúa.
Quyết tâm trở về không chỉ là ước vọng, mà còn là hành động. Tội nhân không phải chỉ ngồi đó đau đớn về những tội mình đã phạm, mà phải đứng lên thực hiện một hành trình trở về được ước vọng gợi lên. Ai gợi lên ước vọng thánh thiện đó? Chính Thiên Chúa. “Khi anh còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy.” Đành rằng tội nhân có thể đón nhận hay khước từ Chúa, nhưng không ai có thể cấm cản Chúa xâm nhập vào tâm hồn con người. Đức cha Fulton Sheen cho rằng như mặt trời đâu cần xin phép ban đêm để chiếu sáng, Thiên Chúa có quyền đột nhập vào linh hồn tội nhân, khuấy động lương tâm, dằn vặt, cắn rứt nó, để nó từ bỏ tội lỗi và chấp nhận cho lửa ơn thánh bùng lên bên trong.
Và một tương lai rạng rỡ mở ra cho người con hoang đàng và cho mọi tội nhân khi người cha ôm choàng lấy con vào lòng, tha thứ, phục hồi chức vị làm con, cho hưởng lại gia tài qua việc mang nhẫn, áo, giày cho con. Chúa Giê-su nói, bấy giờ “trên trời sẽ vui mừng” (Lc 15,7). Chỉ trong bài Tin Mừng này, từ “vui mừng” được lặp đi lặp lại đến 10 lần: vui vì tội nhân được tha thứ và có tương lai trong trái tim Chúa, thiên đàng vui vì một người tội lỗi hối cải.
Niềm vui thánh thiện này Chúa ban cho tôi thật gần. Chỉ cần đứng lên bước đến tòa giải tội, bước trở lại tuyên xưng đức tin vào Chúa và thờ phượng Chúa, đảm trách lại vị trí của tôi trong công cuộc truyền giáo là tôi được hưởng lòng thương xót của Chúa, có được một tương lai, được Chúa ôm trọn vào vòng tay Chúa và thiên đàng vui mừng vì quyết định đó của tôi. Chúa đang chờ tôi trở về và sống lại ân tình của Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Thú

 

 

 

CN 24 TN NĂM C
11-9-2022

– Ngày 10 và 11-9-1885 Văn Thân kêu lên:
‘Thật lạ lùng có một người Đàn Bà luôn đứng trên nóc nhà thờ,
Bà rất đẹp mà sao ta không bắn trúng’
– Ngày 11-9 Văn Thân tấn công,
đại pháo và công phối hợp
– Ngày 12-9 Giáo dân đột kích đồi Kim Sơn (Hòn Bằng)
– Ngày 13-9 Văn Thân tăng thêm quân viện
– Ngày 14-9 trận chiến biển người ở phía Nam
và voi trận ở phía Đông
– Ngày 15-9 bắn đại bác
– Ngày 16-9 sáng trận chiến ở phía Bắc
chiều ở phía Đông
– Ngày 17-9 bình yên
– Ngày 18-9 trận chiến ở phía Nam
– Ngày 19 và 20-9 Văn Thân tìm thêm viện binh
– Ngày 21-9 Giáo dân chiếm đồi Bửu Châu
(Phạm Cảnh Đán, Đi Tìm Đức Mẹ Trà Kiệu, 56-73)

CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Thánh Giuse Lao Công
Giáo xứ Sơn Trà

GIÁO HUẤN SỐ 42
MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Các môi trường thích hợp (tt)

Sự giao lưu thân hữu, thường diễn ra bên trong nhưng nhóm ít nhiều có tính cơ cấu, cung ứng cơ hội để củng cố các kỹ năng xã hội và tương quan, trong một bối cảnh mà người ta không bị săm soi hay phán xét. Kinh nghiệm nhóm cũng là một cơ hội lớn cho việc chia sẻ đức tin và trợ giúp nhau để trao chứng ta. Người trẻ có thể hướng dẫn các bạn trẻ khác, và thi hành một việc tông đồ đích thực giữa các bạn hữu của mình. Điều ấy không có nghĩa rằng họ phải trở thành cô lập và đánh mất mọi tiếp xúc với các công đoàn của giáo xứ, các phong trào và các tổ chức trong Giáo hội. Nhưng họ sẽ được hội nhập tốt hơn vào các công đoàn mở ra cho họ, sống đức tin của mình, thao thức tỏa chiếu Đức Ki-tô, vui tươi, tự do, đầy tình huynh đệ và tinh thần dấn thân. Những cộng đoàn này có thể là những khung cảnh giúp họ cảm thấy rằng mình có thể vun xới những mối quan hệ đáng quí (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 219 & 220).

CN 24 TN NĂM C
Xh 32,7-11.13-14; 1Tm; Lc 15,1-32

Dòng Mến Thánh Giá
Các dòng tu xuất hiện trên trần gian cũng là để cầu nguyện cho người tội lỗi. Thứ tư ngày 14-9 sắp tới, lễ Suy Tôn Thánh Giá, bổn mạng của dòng Mến Thánh Giá. Dòng Mến Thánh Giá không những là dòng VN, mà còn là dòng hiện diện đầu tiên tại VN.
Năm 1658 được chọn làm giám mục cho GHVN, Đức cha Lambert viếng mộ thánh Phanxica Chantal ở Pháp. Người đã nẩy ý định lập dòng Mến Thánh Giá cho GHVN. Năm 1664 Công đồng đầu tiên của GHVN tại Thái Lan đã quyết định thành lập dòng Mến Thánh Giá. Năm 1669 Đức cha đi tầu buôn của người Pháp, từ Thái Lan sang thăm Đàng Ngòai VN. Mặc dầu lấy danh nghĩa là linh mục tuyên uý cho tầu Pháp, nhưng người Hòa Lan theo Tin Lành biết là giám mục, đã báo cáo với nhà cầm quyền VN. Đức cha không thể đi ra ngòai khu vực Phố Hiến, Nam Định. Chúa quan phòng lo liệu cách khác: ông quan bảo vệ Đức cha là người Công giáo. Ông làm ngơ cho Đức cha làm các việc tôn giáo. Trong hơn 5 tháng ở Phố Hiến, Đức cha làm bốn việc quan trọng : 1- ban phép Thêm Sức, 2- phong chức linh mục cho 7 thày giảng, 3- họp hội nghị, 4- thành lập và chủ toạ lễ khấn cho các chị dòng Mến Thánh Giá.
Đức cha làm các việc này ở đâu ? Có lẽ chỉ có hai nơi : 1- trên tầu Pháp, 2- trong nhà ông Raphael de Rhodes. Ông Raphael de Rhodes là cậu bé của xứ đạo Cây Trâm, Tam Kỳ, Đà Nẵng. Cậu giúp cho cha Alexandre de Rhodes học tiếng Việt. Vì mến cha, cậu lấy tên cha đặt tên cho mình. Lớn lên cậu vào hội Thày Giảng. Sau cậu xuất tu làm thông ngôn cho các nhà buôn Bồ Đào Nha, Hà Lan ở Phố Hiến. Cậu cũng là người góp tiền của xây Nhà Thờ Hà Nội ngày nay.

Khi giảng đạo ở Miền Bắc, năm 1628 cha Alexandre de Rhodes, tên Việt là Đắc Lộ, lập Hội Thày Giảng. Thấy cha tổ chức cho những anh thanh niên độc thân sống chung với nhau phục vụ Chúa và đồng loại, các thiếu nữ và các bà góa cũng muốn cha tổ chức cho giới mình như vậy. Cha không tổ chức, vì nhiều lý do, trong đó có lý do sợ các quan hiểu lầm, vì các quan thường có nhiều vợ. Không được cha Đắc Lộ tổ chức thì các chị tự động tổ chức lấy. Khi sang VN, Đức cha Lambert đã biến các chị thành những nữ tu dòng Mến Thánh Giá.
Ngày lễ Tro ngày 19-2-1670 Đức cha chủ toạ lễ khấn cho các chị, đứng đầu là hai chị Phaola và Anê. Lễ khấn tổ chức vào ban sáng thì ban chiều tầu Đức cha phải nhổ neo về lại Thái Lan, nhưng vì gặp bão to gió lớn, tầu còn đậu lại ở cảng 22 ngày. Lợi dụng những ngày trên tầu, Đức cha viết một lá thư gửi hai chị Phaola và Anê có đoạn sau đây : “Các con không còn thuộc về chính các con nữa, nhưng là thuộc về Đức Giêsu Kitô… Phải năng ghi tạc vào lòng mục đích chính mà các con đã tự đặt cho mình là tiếp tục đời sống đau khổ của Chúa Giêsu và hằng ngày phải cầu xin Người bằng lời cầu nguyện, bằng nước mắt, bằng việc làm, bằng việc hãm mình, để kẻ ngoại đạo và những bổn đạo xấu được ăn năn trở lại…” (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá, trang 65)

Lời Chúa trong hai chúa nhật vừa qua, dạy chúng ta về những đức tính quan trọng trong cuộc đời. CN 22 dạy dức khiêm nhường và hiền lành, CN 23 dạy đức từ bỏ và vác thập giá. CN 24 hôm nay dạy một nhân đức mà ít có tôn giáo nào dạy, đó là lòng thương yêu người tội lỗi.
Bài TM : Câu chuyện “người cha nhân hậu” trong bài TM, ngày xưa thường gọi là câu chuyện “đứa con hoang đàng”. Câu chuyện làm rung cảm mọi người. Con tim ai đó dù có chai đá mấy cũng phải rúng động. Cảnh người cha ôm hôn đứa con hoang đàng cảm động biết bao : “ Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20)
Đứa con hoang đàng đã biết tội mình nặng nề : “Con thật đắc tội với Trời và với cha” (15,18). Anh mong người cha tha thứ, và chỉ xin được là người làm công để có miếng ăn : “Con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa, xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (15,19). Nhưng người cha không để đứa con nói lời xin làm người làm thuê, mà bảo đầy tớ : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng” (15,22).
Người con cả, anh hai, ở ngòai đồng về gần đến nhà, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì ?, Người đầy tớ trả lời : “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ” (15,27). Người anh cả “liền nổi giận không chịu vào nhà” (15,28). Người cha phải ra năn nỉ : “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (15,32).
Người cha nhân hậu là Thiên Chúa, người anh cả là lòai người, và người con hoang đàng là người tội lỗi. Thiên Chúa thương yêu người tội lỗi, còn lòai người thì ghét bỏ.
Bđ2 : Lòng Chúa thương người tội lỗi thể hiện cụ thể nơi thánh Phaolô. Trong thư gửi thánh Timôthê trong bđ2, thánh Phaolô kể : “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót” (1Tm 1,13). Thánh Phaolô còn quả quyết : “Đức Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1,15).
Bđ1 : Qua câu chuyện trong bđ1, chúng ta phải cầu nguyện cho người tội lỗi. Dân Do Thái đã làm con bò vàng, coi con bò vàng là TC, là đấng giải phóng họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. TC nổi giận bảo ông Môsê : “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng”(Xh 32,9). Nhờ ông Môsê van xin, Thiên Chúa đã dịu nét mặt lại và tha thứ cho dân Do Thái.
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta thương yêu và cầu nguyện cho người tội lỗi. Một người tội lỗi trở lại là niềm vui to lớn. Chúa Giêsu bảo : “Triều thần Thiên Chúa, ai nấy cũng vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” (Lc 15,10).

Cầu nguyện
Tv 50,3-4
Lạy Thiên Chúa,
xin lấy lòng xót thương con
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm
xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Lm Giuse Nguyễn Trung Thành