Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C


CN 25 TN NĂM C
18/9/2022

CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Tiên Phước
Giáo họ Tam Lãnh

GIÁO HUẤN SỐ 43
MỤC VỤ GIÓI TRẺ
Các lãnh vực cần phát triển

Nhiều người trẻ đã biết trân trọng sự thinh lặng và sự gần gũi với Chúa. Ngày càng có nhiều nhóm tập trung với nhau để tôn thờ Thánh Thể hoặc cầu nguyện dựa trên Lời Chúa. Chúng ta không được xem thường khả năng của người trẻ đối với việc cầu nguyện chiêm niệm. Chỉ cần việc tìm ra những cách và những phương tiện thích hợp để giúp họ để đi vào kinh nghiệm quí báu này. Liên quan đến việc tôn thờ và cầu nguyện, trong nhiều khung cảnh, các bạn trẻ Công giáo đang mong muốn việc cầu nguyện và cử hành bí tích nối kết với đời sống hằng ngày của mình xuyên qua một phụng vụ sống động, chân thực và đầy niềm vui. Thật quan trọng việc tận dụng những thời khắc đặc biệt của năm phụng vụ, nhất là Tuần Thánh, lễ Hiện Xuống và lễ Gíáng Sinh. Nhưng những dịp lễ khác cũng có thể là dịp nghỉ thú vị trong nhịp sống đều đặn thường ngày, giúp họ kinh nghiệm niền vui của đức tin (Tông huấn Đức ki-tô hằng sống, số 224).

 

CN 25 TN NĂM C
Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13
(Lm Giuse Nguyễn Trung Thành)

Tiền bạc

-35 anh hùng phủ Qui Nhơn xưng đạo
Cuộc bách hại đã bắt đầu với cái chết của Thầy An-rê, cứ mỗi ngày một đi lên và lan rộng ra. Bắt đầu ở tỉnh Chàm (Quảng Nam) ông trấn cho lính đi lục soát các nhà có đạo để tịch thu hết các ảnh tượng. Nhiều người đã mau tay giấu được, vì thế lính tráng đã phải dùng lối đe dọa tra tấn để bắt nộp. Nhưng lòng can đảm bền vững của giáo dân cũng không chịu thua. Trong số đó phải kể bà trùm Ma-đa-lê-na và cụ An-tô-ni-ô. Biết bà trùm đã giấu trong nhà một mẫu ảnh Chúa Cứu Thế, trước đây vẫn treo ở nhà thờ, chúng tra tấn, cùm chân bà suốt cả một đêm, bà nhất định không chịu xưng, cuối cùng chúng phải chịu tha. Còn cụ An-tô-ni-ô Tề một người đàn anh giầu có trong làng, và là ông tổ dựng đạo ở làng đó, công cuộc truyền đạo của cụ kết quả đến nỗi lúc đó trong làng không cón ai là người ngoại đạo. Nghe tin cơn cấm cách bắt đầu, lo rằng dân làng có ai vì sợ mà nản lòng chăng, cụ liền cho hội dân chúng lại, và khuyên họ bền vững giữ đạo rồi bảo họ đem tất cả ảnh tượng để nhà cụ, để cụ đem giấu đi, nếu lính đến khám và có phải nộp tiền thì cụ sẽ nộp thay cho tất cả.
Chúa đã bênh vực giáo dân và phạt tất cả những kẻ phá đạo. Một tên lính táo bạo hung hăng trong việc lục sóat ảnh tượng tự nhiên bị chứng đau cổ, kêu gào điên dại, rồi sau 2 ngày thì chết. Còn chính quan trấn, trong có ít ngày, cả một đàn bò 50 con bị chết dịch. Nhờ đó cuộc bắt đạo ở Quảng Nam được nới đôi chút.
Còn ở Qui Nhơn, nghe tin giáo dân trấn Quảng Nam bị bách hại và được thấm máu của Thày An-rê, giáo dân không sợ sệt, còn thêm can đảm sẵn sàng đương đầu vời bất cứ sự bắt hại nào. Thời đó phủ Qui Nhơn vẫn còn thuộc tỉnh Quảng Nam.
Đứng đầu giáo đoàn Qui Nhơn lúc đó là ông trùm An-tôn Ngữ. Ông trùm vội đến gặp cha Đắc Lộ để lãnh ý kiến. Trở về, làm theo lời cha, ông dọn lòng các giáo dân. Cuộc bách hại đến ngay sau đó.
Quan trấn Quảng Nam sai một thừa lại đến Qui Nhơn và ra lệnh cho tất cả người có đạo phải ra trình diện. Tưởng như thế làm họ khiếp sợ. Nhưng trái lại vừa nghe lệnh quan, giáo dân lũ lượt kéo nhau đến phủ để khai mình là Công giáo. Ngày đầu đã có tới 700 người, và mỗi ngày đến thêm dông. Quan thấy thế sợ có loạn, liền ra lệnh ngưng điểm mục. Ông chọn trong số những người đã ghi tên 36 người bắt trói giải lên trấn.
Tất cả nhất định dù chết cũng không bỏ đạo, can đảm thưa lại những lời tra tấn đe dọa. Cha Đắc Lộ tìm cách đến thăm họ trong tù. Với những lời lẽ sốt sắng của cha khuyến khích họ can đảm minh chứng đức tin. Tất cả đều xưng tội rước lễ. Họ không buồn sầu lo sợ, trái lại vui mừng sung sướng.
Đứng trước sự can đảm xưng đạo của đoàn người đó, quan trấn cũng không khỏi bỡ ngỡ. Tuy ghét đạo nhưng ông cũng không dám làm quá. Dầu sao nhà chúa chưa bao giờ ra lệnh xử tử những người theo đạo, và vẫn còn muốn giữ mối thịnh tình với những lái buôn Bồ.
Ông ra lệnh chọn 6 người trong số 35 người đem đi đánh đòn. Quan đã gặp phải khó khăn do những cuộc tranh luận. Tất cả đều muốn vào số 6 người. Người thì đưa ra lý do mình vào đạo lâu hơn, người thì cho mình có sức chịu đau khổ. Tấ cả cố tìm cho mình một lý do để được vinh dự chịu khổ vì đạo. Trước cái cảnh chưa từng gặp thấy, quan không biết nên giận hay nên cười, phạt tất cả hay tha tất cả.
Trong số 6 người được chọn lẽ dĩ nhiên là có ông trùm Antôn Ngữ. Thật là hai cảnh tượng khác nhau : 29 người được tha về mặt buồn bã, chân đi chậm chạp. Còn 6 người mang gông vui vẻ đi nhanh nhẹn. Khi đến mặt quan, họ bỡ ngỡ chỉ bị đánh đòn rất nhẹ.
Trong số 12 tông đồ có 1 Giu-đa chối Chúa, thì nay 36 tông đồ (3 lần 12) cũng có 1: Đó là 1 ông già giầu có tiếc của, sợ chết chối đạo (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Viêt Nam, tập I, trang 170-172).
– -Cha Xuyên là quản lý Tòa Giám Mục. Khi cha bị bắt, quan huyện cười nói : “Đem đây một số bạc là được về nhà”. Khi giáo dân quyên tiền để mua chuộc cha, cha nói : “Anh em hãy dành tiền bạc lo cho giáo xứ thì hơn, đừng tốn tiền chuộc tôi vô ích. Ý Chúa đã muốn chẳng ai làm khác được. Anh em bình an về nhà nhớ cầu nguyện cho tôi chịu sư khó cho nên”
Biết cha là quản lý, các quan bắt cha khai báo tài sản địa phận. Quan dùng mọi hình khổ để tra khảo. Những khi đó, cha ngửa mặt lên trời kêu : “Giêsu Maria, lạy Chúa xin thương xót con” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, trang 168-169)

-Cha Hưởng viết thư cho Đc Liêu : “Xin Đc đừng chạy tiền bạc chuộc con làm chi, con sẵn sàng hy sinh để làm chứng đạo Chúa là đạo thật.” (BĐS,sđd,313).

-Thày Lê Bảo Tịnh : “Nếu chỉ vì tiền mà tha, thì tôi không muốn” (BĐS,sđd,316).

-Ngư phủ Đaminh Toại bị bệnh không thể đi bộ lên huyện Quỳnh Côi. Họ cho ông nộp tiền chuộc, ông không muốn để mất cơ hội hiến dâng mạng sống, ông đi xe lên huyện (BĐS,sđd,467).

Lời Chúa chúa nhật hôm nay cũng nói về sư tai hại về việc xử dụng sai lầm tiền bạc.

Bài đọc 1 (Am 8,4-7) : Sách ‘Lời Chúa cho mọi người’ viết về ngôn sứ A-mos như sau : “Cuối thế kỷ 8 trước Chúa Ki-tô, vương quốc Ít-ra-en có vẻ rất phồn thịnh. Người có ít tài sản đã bán sạch, và của cải nằm trong tay một số ít người giầu có, trong khi càng ngày càng có thêm nhiều người nghèo.

Đột nhiên từ Xi-on, Đức Chúa gầm lên và từ Giê-ru-sa-lem, Người lên tiếng qua miệng của A-mốt, một người chăn cừu ở Tơ-cô-a, một làng quê nhỏ bé cách Giê-ru-sa-lem 9 km về phía nam trong xứ Giu-đa.

Thiên Chúa đã bắt lấy ông khi ông đi theo sau đàn vật (7,15) và sai ông tới một xứ lân cận : đó là Ít-ra-en, nằm ở phía Bắc. Thế rồi vị ngôn sứ bắt đầu rong ruổi qua các thành thị ở Ít-ra-en, lên tiếng tố cáo sự bất công trong xã hội, cũng như một tôn giáo chỉ bằng lòng với những thục hành bên ngoài. Ông loan báo hình phạt của Thiên Chúa và việc Ít-ra-en phải lưu đày. Trang cuối cùng của cuốn sách này loan báo những ngày tháng hạnh phúc.

A-mốt là ngôn sứ của sự công bằng xã hội. Ông tỏ cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa bảo vệ người nghèo (trang 1525).

Theo sách ‘The Collegeville BIBLE Commentary’: Amos có nghĩa là ‘gánh nặng (burden) và Tekoa có lẽ có nghĩa là‘tiếng còi’. Sứ điệp của ngài mang gánh nặng tàn phá. Tiếng vang khắp vương quốc miền Bắc và được nhớ mãi sau này ở Giê-ru-sa-lem (trang 487).

Chúng ta đọc lại vài câu trong bđ1:
Hãy nghe đây , hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
Và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ (8,4).

Bao giờ ngày mồng một cho ta bán lúa;
bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra ?
Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm,
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ hàn,
đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ
cả lúa nát gạo mục ta cũng đem ra bán (8,5-6)

Bài Tin Mừng (Lc 16,1-13): Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết về dụ ngôn ‘Ngưới quản gia bất lương’ như sau: ‘Chúa Giê-su không bận tâm lên án người quản lý bất lương; Người chỉ làm nổi bật óc sáng suốt của anh, biết bảo đảm cho tương lai của anh: con người này đã kịp thời hiểu rằng tình bạn thì bền hơn tiền bạc. Con cái ánh sáng cũng phải làm như vậy; dẹp đi cái hào quang tôn tiền bạc lên làm chúa tể. Dường như ai ai cũng nghĩ rằng đem tiền đầu tư đúng chỗ là cách bảo toàn cuộc sống và tương lai của mình. Chúa Giê-su thì trái lại, Người bảo chúng ta đừng ngần ngại tiêu tiền và dùng nó để đối lấy một thứ của quí báu hơn.

Chúng ta không phải là sở hữu chủ mà là người quản lý các tài sản chúng ta có; chúng ta phải quản lý những của đó nhằm mưu ích cho mọi người. Tiền của không phải là xấu, miễn là chúng ta sử dụng nó như một phương tiện giúp cho việc trao đổi được dễ dàng. Thế mà Chúa Giê-su gọi nó là bất chính, bởi vì nó không phải là cái thiện chân chính (nó không làm cho chúng ta nên công chính, nghĩa là đáng như Thiên Chúa muốn), cũng như bởi vì không thể mãi thu gọm tiền của mà không mất lòng tin tưởng vào Chúa và không làm hại tha nhân.

Tiền của là thứ vật cầm đó rồi mất đó, không trở nên thành phần của con người chúng ta được; vậy nó không thuộc loại của cải dành riêng cho chúng ta” (trang 1784-1785).

Sách Kinh Thánh 2011 viết: “Theo một thông lệ thời đó tại Pa-lét-tin, quản gia có thê cho người khác vay tài sản của chủ. Thường họ không có thù lao, nên khi lập hợp đồng thi hay ghi số lượng trội hơn số lượng cho vay, để đến lúc hoàn trả, họ thu lấy số dư làm của riêng. Trong dụ ngôn này, có thể người quản gia lại để chỉ ghi số lượng mà ông chủ phải thu hồi, còn hắn thì lần này hy sinh số dư đáng lẽ thuộc về hắn. Người chủ sẽ không bị thiệt mà con nợ lại rất biết ơn hắn. Vậy phải hiểu hắn bất lương không phải vì sửa đổi số lượng ký này, nhưng vì những thao túng trước đó, Kỳ này hắn khôn khéo, nên mới được khen (trang 2315)

Trong sách ‘Lời Chúa Trong Các Chúa Nhật Năm C’, Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô viết: “Tác giả Lu-ca hay dùng một câu chuyện để đưa vào một bài học. Câu chuyện là tùy, bài học là chín. Ở đây câu chuyện là sư khéo léo xoay sở của một người quản lý bất lương. Vì là điều tùy, nên Lu-ca , không quan tâm kể chuyện đầy đủ mọi chi tiết. Người quản lý này bất lương ở chỗ nào, chúng ta không được rõ. Chỉ biết anh ta được tiếng phá của nhà chủ. Ông gọi anh ta đến để báo tin ông ta sẽ cho anh nghỉ việc. Thật là một tin bất ngờ sét đánh. Bỏ nhà này anh sẽ đi đâu ? Sinh sống thế nào ? Cuốc mướn thì không có sức, đi ăn mày thi xấu hổ. Vậy thì chỉ còn một cách tìm được người để nhờ vả. Anh vội vàng gọi các con nợ của chủ đến. Anh làm ơn cho họ, để sau này họ sẽ giúp đỡ anh. Anh biến họ nên những kẻ đồng lõa. Và thấy lợi trước mắt họ đã làm theo anh.

Cư xử như vậy. Đối với chủ là bất lương. Nhưng đã là khôn khéo thế gian. Đức Giê-su đã khen sự khôn khéo đó vì Người thấy con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng. Người đã không khen việc làm của người quản lý, vì anh ta là kẻ bất lương. Nhưng người phải nhận rằng anh ta khôn kheo và mau lẹ. Và Người đau lòng nghĩ tới bình diện Nước Trời, người ta không mau lẹ và khôn khéo như vậy (trang 358-359).

Bài đọc 2 (1TM 2,1-8): Đức cha Nguyễn Sơn Lâm viết : “Tác giả bức thư không muốn thấy độc giả của mình ‘chết đắm về đức tin’ như nhiều người thấy bấy giờ. Họ đã hư đi vì ‘lộng ngôn’, tức là có những lời lẽ ăn nói không đúng với giáo lý tông truyền. Họ đã ngả theo những thứ lạc giáo đó. Vậy không muốn hư đi như họ, tác giả khuyên người ta hãy cầu nguyện. Không phải cầu nguyện cho mình khỏi rơi vào lạc giáo, nhưng là thay vì coi tôn giáo là vấn đề tư tưởng để đem ra tanh luận và suy nghĩ, người ta hãy thực hành đạo và sống đạo.

Và sống đạo trước hết là cầu nguyện. Không những phải câu xin cho mình được nhiều ơn cứu độ, mà còn phải cầu nguyện cho hết mọi người, và đặc biệt phải dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Cầu xin, nguyện giúp và tạ ơn là ba hình thức của việc cầu nguyện.
Ở đây tác giả nhấn mạnh hình thức thứ hai, tức là cầu nguyện cho mọi người. Có lẽ vì chung chung người ta vẫn nghĩ tôn giáo là vấn đề cá nhân. Người ta chì lo cho linh hồn mình. Cũng có thể tác giả muốn phi bác một luận điệu lạc giáo, cho rằng chỉ có cứu độ cho một vài người, những người có tri thức giác ngộ. Và ơn cứu độ không dành cho một số ít, nhưng cho tất cả mọi người muốn đón nhận… Thế nên tác giả kết luận: Tôi muốn người ta cầu nguyện ở mọi nơi, giang lên những bàn tay làn thánh, không nóng giận, không cãi cọ (Sđd trang 361-362).

Cầu nguyện
Tv 112,7-8

Kẻ mọn hèn Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi
Ai nghèo túng người cất nhắc từ đông phân tro
Đặt ngồi chung với hàng quyền quí
Hàng quyền quí dân Người.

 

 

NẮM BẮT CƠ HỘI MỚI CHO TƯƠNG LAI
Tuần 25 Thường Niên (Hội An 18/9/2022)
(Lm Giuse Nguyễn Văn Thú)

Thiết nghĩ cần nhắc lại, dụ ngôn là câu chuyện ngắn, giản dị, nhưng hàm chứa một sự thật. Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giê-su dùng nhiều dụ ngôn để loan báo chân lý đức tin, đồng thời nêu lên bổn phận của người theo Chúa. Và chân lý này chỉ dành cho những “ai có tai nghe thì hãy nghe” (Mc 4,9), chỉ “con cái ánh sáng” là người thuận theo đức tin mới hiểu.
Hôm nay, Chúa Giê-su dùng dụ ngôn người quản gia bất lương để giảng dạy và Ngài cho chúng ta một nhận xét về người quản gia này: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng” (Lc 16,8).
1. Con cái đời này khôn khéo tận dụng cơ hội
Rất “sốc”! Tại sao Chúa Giê-su khen người quản gia bất trung? Dụ ngôn cho biết, người quản gia thay vì làm sinh lợi cho chủ, anh ta đã phá tán tài sản của chủ. Nay người chủ phát hiện, ông ra lệnh cho người quản gia kết toán lại sổ sách cho ông trước khi nghỉ việc. Lại một lần nữa, người quản gia phá tán tài sản của chủ. Anh ta lo sợ cho tương lai khi mất chức quản gia, lấy gì mà sống, nên nghĩ kế gọi các con nợ lại và bảo họ mau mau viết giảm số nợ của chủ, với hy vọng những con nợ này sẽ mang ơn ông và một mai sẽ đón ông vào nhà họ. Nhiều người bị “sốc” khi tưởng Chúa Giê-su khen sự bất lương của người quản gia như muốn khuyến khích chúng ta bắt chước thói gian manh đó. Nhưng không. Chúa Giê-su không khen tính bất lương của người quản gia, nhưng khen sự sắc sảo của anh trong việc nhanh chóng nắm bắt tình hình và cấp bách đưa ra giải pháp cho tương lai của anh. Anh biết cơ hội cho anh không có lần thứ hai, nên tận dụng ngay cơ hội người chủ cho. Chúa mong muốn con cái sự sáng cũng có tính sắc sảo như thế, nắm bắt tình hình và cứu vãn tương lai mình bằng cách tận dụng cơ hội Chúa ban trong hiện tại.
Nhân dịp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phổ biến Huấn Thị “Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ Để Phục Vụ Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh” của Bộ Giáo Sĩ, tín hữu nhìn lại tình hình giáo xứ và tự chất vấn: điều gì Chúa muốn chúng ta cấp bách cứu vãn tương lai của giáo xứ, cũng là tương lai của mỗi chúng ta?
2. Con cái sự sáng cần khôn khéo tận dụng cơ hội
Đối với tình hình giáo xứ, Huấn Thị nhận xét, điều mà mỗi giáo xứ và mỗi tín hữu phải áy náy lương tâm, đó là việc có nhiều người trong giáo xứ đang sống mà không có sức mạnh, không có ánh sáng và niềm an ủi từ tình bằng hữu với Chúa Giê-su. Thay vì xem việc truyền giáo là ưu tiên, là quan trọng nhất, là trục trung tâm của hoạt động mục vụ, thì bổn phận ấy đang bị đánh giá thấp và có nguy cơ biến mất trong đời sống mục vụ của giáo xứ. Phải chăng giáo xứ chúng ta đang lặp lại sự hoang phí của người quản gia bất lương? Ơn cứu độ của Chúa, lời Phúc Âm Chúa trao, những ơn phúc Chúa ban trong giáo xứ để làm gì, nếu không phải trên hết để giáo xứ chu toàn bổn phận truyền giáo? Những công của tín hữu trong giáo xứ hy sinh được sử dụng thế nào? Cho mục đích gì? Một số tôn giáo đã nhận ra những đóng góp của tín đồ, thực tế, đã bị lợi dụng cho việc hoang phí, cho sự khoa trương thanh thế, như thể đó là mục đích duy nhất. Còn tại giáo xứ chúng ta, những hy sinh và nỗ lực của cộng đoàn có nhằm kiến tạo giáo xứ thành cộng đoàn nhiệt thành truyền giáo không? Huấn thị khẳng định, truyền giáo là phần nội tại của hành động mục vụ của giáo xứ và là tiêu chuẩn đánh giá tính xác thực của giáo xứ.
Vậy, nếu giáo xứ chúng ta đang hoang phí những ơn Chúa, những hy sinh của cộng đoàn, thì hôm nay Chúa cho chúng ta cơ hội như cơ hội người quản gia may mắn có được, để xây dựng tương lai giáo xứ. Chúng ta đừng quên lời Chúa hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế,” theo Đức Bênêđíctô, không có nghĩa là từng giáo xứ được bảo đảm tồn tại mãi mãi, nhưng chỉ những giáo xứ chân thực mới là nơi Chúa ngự, là cơ thể, là thịt và là vườn nho của Chúa.
Đây là cơ hội cho con cái sự sáng. Nếu con cái thế gian sắc sảo chộp lấy cơ hội để tạo tương lai, thì con cái sự sáng cũng tận dụng cơ hội được nghe lời Chúa hôm nay để tạo tương lai, để mọi người trong giáo xứ, chương trình mục vụ của giáo xứ, những đóng góp và hy sinh trong giáo xứ nhằm ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng, nghĩa là giúp cho mọi người được chạm tới lời Chúa và chạm tới đời sống bí tích, cho ai nấy ý thức bổn phận làm lan tỏa Tin Mừng. Nói đến đây, chúng ta được gợi nhớ đến lời của thánh Phaolô, lời được loan báo bằng đời sống của ngài: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-9). Thánh nhân đánh đổi tất cả miễn sao được kết hợp với Chúa Giê-su và dành mọi sự cho truyền giáo, thì chúng ta không có lý do gì làm ngược lại, nghĩa là hy sinh tất cả để tạo thanh thế hay khoa trương, để mặc đời sống tín hữu và nhiều người héo hắt Tin Mừng và ân sủng của Chúa. Hôm nay là cơ hội chúng ta nhìn lại tình hình giáo xứ và chỉnh đốn lại hướng đi của giáo xứ cho mục tiêu truyền giáo. Lời của Chúa hôm nay là cơ hội cho chúng ta.
Cũng một cái nhìn của Chúa, người thanh niên giàu có tiu nghỉu bỏ đi, còn thánh Phê-rô thay đổi cuộc đời nhờ cái nhìn của Chúa. Ước gì lời Chúa hôm nay thúc bách giáo xứ chúng ta thay đổi hướng về bổn phận truyền giáo và nắm lấy cơ hội này cho tương lai giáo xứ.