Linh Mục – Con Người Của Mầu Nhiệm: Cầu Nguyện, Thúc Đẩy Tinh Thần Hiệp Hành, Lắng Nghe Nhau Và Lắng Nghe Thánh Thần
Lm. Giuse Trần Thăng Hưng O. Carm
WHĐ(18.9.2022) – Có rất nhiều hạn từ nói về linh mục. Dù đã có rất nhiều văn kiện nói về vai trò, sứ vụ và việc đào tạo linh mục nhưng không một văn kiện nào đưa ra một định nghĩa rõ ràng về linh mục. Có lẽ, Giáo hội cũng đã dự đoán rằng, việc đưa ra một định nghĩa về linh mục sẽ làm hạn hẹp đi tính chất, vai trò và sứ vụ của linh mục trong thế giới hôm nay. Thật vậy, sứ vụ của linh mục rất mênh mông và bao la, tùy theo từng thời điểm lịch sử, văn hóa, và vùng địa lý. Tuy cùng là một ơn gọi, có chức thánh, là mục tử, là thầy dạy dân Chúa, là thừa tác viên Lời Chúa và các bí tích, là cánh tay nối dài của Đức Giám mục nhưng khi áp dụng vào hoàn cảnh của từng Giáo hội, văn hoá, xã hội, chính trị và con người cụ thể, sứ mạng của linh mục vượt qua những hạn từ trên; ngài có thể là một thầy thuốc, một thợ xây, là người tạo việc làm cho dân nghèo, là người bảo vệ quyền lợi cho những ai bị áp bức, là người gióng lên tiếng nói cho công lý. Vì thế, linh mục là con người của Thiên Chúa, của dân thánh, là con người của mầu nhiệm trong nhiệm cục cứu độ mà Thiên Chúa trao ban.
1. Con người của mầu nhiệm
2. Con người của Cầu nguyện
3. Con người thúc đẩy tinh thần hiệp hành
4. Biết lắng nghe nhau
5. Lắng nghe Chúa Thánh Thần
Kết luận
1. Con người của mầu nhiệm
Cha Phan Tấn Thành đã đưa ra ba khái niệm khá chuẩn xác về mầu nhiệm: “(1) thứ nhất, mầu nhiệm là một chân lý do Chúa mặc khải, vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ và chúng ta chấp nhận bằng đức tin; (2) thứ hai, Mầu Nhiệm là chính Đức Kitô, vì nơi Ngài, Thiên Chúa đã bộc lộ kế hoạch cứu rỗi; (3) thứ ba, mầu nhiệm là bí tích đưa chúng ta lãnh nhận ơn cứu rỗi của Đức Kitô. Nghĩa thứ ba cũng có thể áp dụng cho Hội thánh: Hội thánh được gọi là mầu nhiệm bởi vì qua các dấu chỉ hữu hình của Hội Thánh (lời giảng, bí tích, cộng đoàn), mà ơn thánh Chúa được ban cho ta.”[1]
Hiểu theo ba nghĩa này, ơn gọi linh mục quả là một mầu nhiệm. Linh mục, một con người bằng xương bằng thịt, cũng bình thường như bao con người khác với đầy rẫy những yếu đuối và tội lỗi, nhưng họ được Thiên Chúa qua sự tác động của Chúa Thánh Thần mà trở nên những người với danh hiệu và chức vị thánh thiêng; linh mục là vị đại diện của Đức Kitô cho dân người, là trung gian của Đức Kitô, các ngài được tham dự vào quyền bính của chính Chúa Kitô.[2] Linh mục là hiện thân của Đức Kitô để làm tròn sứ mạng mà Chúa đã trao phó. Tính mầu nhiệm của thiên chức linh mục không những được thể hiện trong những căn tính thánh thiêng và cao quý, nhưng tính mầu nhiệm này còn được thể hiện trong những sứ vụ và bổn phận hết sức cao trọng và đạo đức mà tự các ngài không thể thực hiện. Qua hồng ân thánh hiến, linh mục trở nên phương thế để chuyển thông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa cho tha nhân, các ngài được thánh hiến để kiến tạo, thánh hóa và tha tội cho dân Người.[3] Linh mục được trở nên đại diện và trung gian của Đức Kitô, qua đó các ngài có thể ban ơn thánh và bí tích cho cộng đoàn.[4] Qua thừa tác vụ linh mục, các mầu nhiệm được cử hành để ơn cứu rỗi được thông truyền cho các tín hữu. Thật vậy, qua bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục truyền phép để “bánh hóa thành thịt, và rượu hóa thành máu Con Thiên Chúa” và đây cũng là điều tuyệt hảo và nhiệm mầu nhất mà Thiên Chúa đã truyền ban cho các linh mục, cho phần rỗi của mọi người[5]. Tất cả những căn tính, danh hiệu cùng với những bổn phận và sứ vụ cao quý và thánh thiêng này, không hệ tại vào khả năng tri thức hay sự thánh thiện của linh mục nhưng lại là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Các ngài như những “kho tàng chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường xuất phát từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4, 7). Khi nhìn vào các linh mục, người đời sẽ không thể hiểu nổi những ân ban cao quý và sứ vụ thánh thiêng dường như bất khả thi này, “nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể” và “ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9). Tông huấn Pastores Dabo Vobis cũng đã khẳng định điều này khi nhấn mạnh “Linh mục nào cũng vậy, một khi đóng vai trò thay mặt Chúa Kitô bằng cách thế của mình thì do sự kiện ấy được phú ban thêm một ơn riêng nữa; ơn này giúp cho linh mục, nhờ phục vụ những người được giao phó cho mình và phục vụ toàn thể Dân Chúa, lúc nào cũng hướng đến sự trọn hảo của Đấng mình đại diện cho; cũng chính nhờ vào ơn này mà sự yếu đuối của con người xác thịt nơi linh mục được cứu chữa nhờ sự thánh thiện của Đấng đã trở thành Linh mục Thượng Phẩm “thánh thiện, vô tội, không tì vết, tách biệt khỏi tội nhân” (Dt 7,26) cho chúng ta”[6] Vì vậy, tính mầu nhiệm nơi linh mục không chỉ là ân ban cao cả mà Thiên Chúa đã trao gửi cho các ngài nhưng còn là sứ vụ thánh thiêng mà các ngài được ký thác qua bí tích Truyền Chức Thánh.
2. Con người của Cầu nguyện
Cầu nguyện được xem là bản chất của linh mục. Ngay từ thời Cựu Ước, các tư tế được tuyển chọn để thi hành việc cầu nguyện cùng với dân chúng và cho dân chúng. Các phận vụ như phục vụ đền thờ, dâng hy tế, cầu nguyện và giảng dạy cho dân chúng là những hành vi của cầu nguyện. Sách Lê vi định nghĩa rõ phận vụ chức vụ của linh mục. Tư tế là người được đặt lên để phục vụ bàn thờ, đưa máu thánh lên bàn thờ và chỉ rõ: chỉ có tư tế mới có thể bước vào gian cực thánh của đền thờ (x. Lv 16,2).
Bản chất cầu nguyện ấy của dân tư tế vẫn không lu mờ nhưng ngày càng được đặt làm trọng tâm trong đời sống phụng vụ của Giáo hội. Các Kitô hữu tiên khởi đều gọi những vị lãnh đạo (thường là các Giám mục, linh mục) trong cộng đoàn của họ lúc đó bằng danh từ episkopos và presbyteros là những người chủ lễ các nghi thức cầu nguyện hay coi sóc một cộng đoàn nhỏ, (từ proistamenoi (tiếng Hy Lạp có nghĩa là người lãnh đạo – người chủ lễ).[7] Theo dòng thời gian, Giáo hội đặt nặng trọng tâm đặc tính hy sinh trong cái chết của Chúa Giêsu Kitô được lặp lại trong thánh lễ và linh mục trở thành những chủ tế cùng với dân Người dâng lên Thiên Chúa lời kinh nguyện tạ ơn.[8] Điều này được xác nhận trong sách Nghi Thức Truyền Chức Linh mục: “Khi rửa tội quy tụ người ta vào dân Thiên Chúa, khi nhân danh Đức Kitô và Hội Thánh ban phép Giải tội, khi xức dầu thánh nâng đỡ bệnh nhân, khi cử hành các nghi lễ thánh, khi dâng lời ca ngợi, tạ ơn và cầu nguyện trong các giờ kinh Phụng vụ, không những thay cho dân Thiên Chúa, mà còn thay cho toàn thế giới: những khi ấy, các con hãy nhớ mình được tuyển chọn giữa loài người và được nhắc lên thay thế họ để lo những việc thuộc về Thiên Chúa.”[9]
Một trong những đặc tính duy biệt trong đời sống cầu nguyện của linh mục là đặc ân cử hành các bí tích đặc biệt là bí tích Thánh Thể, đây được xem là trung tâm điểm của đời sống kinh nguyện và phụng vụ của Giáo hội. “Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục nên giống Chúa Kitô, trở thành thừa tác viên của đầu Nhiệm thể và như những cộng tác viên của hàng Giám mục. Linh mục đảm nhận các chức vụ tư tế qua việc cử hành thánh lễ, phục vụ Lời chúa và ban các bí tích”[10]
Qua bổn phận cử hành Bí tích Thánh Thể, linh mục hiệp cùng cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa lời kinh hy lễ đền tội và tạ ơn. Đây không những là giờ kinh nguyện linh thánh của Giáo Hội mà còn trở thành nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô giáo, là tột đỉnh của việc thờ phượng Thiên Chúa, là việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa.[11]
Qua Bí tích Thánh Thể, các linh mục có bổn phận thực thi lời trăng trối tái diễn hy lễ ơn cứu độ mà Đức Kitô đã trao lại: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Hơn nữa, các ngài có bổn phận “dâng của lễ hy tế lên Thiên Chúa thay cho tất cả các tín hữu, người còn sống cũng như kẻ đã qua đời, dâng lên Thiên Chúa của lễ đền tội cho tất cả mọi người, và để nhận được từ Thiên Chúa những ơn ích thiêng liêng và trần thế.”[12] Qua thánh lễ, linh mục là chủ tế, cùng với dân người, ngài thánh hóa thế gian qua Đức Kitô và thờ lạy Thiên Chúa Cha qua Đức Kitô.
Không những việc cử hành Bí tích Thánh Thể là kinh nguyện phụng vụ chung của Giáo Hội mà linh mục có bổn phận phải cử hành nhưng chính những lời nguyện trong nghi thức Thánh Lễ lại dành cho vị chủ toạ: “Trước hết là Kinh Tạ Ơn, điểm cao nhất của việc cử hành, kế đến là các lời nguyện, là các lời nguyện nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ. Linh mục vị đại diện Chúa Kitô chủ toạ cộng đoàn nhân danh toàn thể dân thánh và mọi người hiện diện, mà dâng các kinh nguyện này lên Thiên Chúa. Vì thế, các kinh này gọi là lời nguyện của vị chủ toạ thì thật đúng.”[13]
Tuy nhiên, việc dâng kinh nguyện trong việc cử hành các bí tích không phải là việc đọc các lời nguyện và nghi thức một cách “vô hồn” nhưng Giáo Hội mời gọi các linh mục thực sự chú tâm và chuẩn bị chu đáo để việc cử hành các bí tích, đặc biệt là việc cử hành Bí tích Thánh Thể trở thành bản chất nội tại của linh mục và mang lại hiệu quả cho đời sống của dân Người. Với cương vị là người chủ tế trong thánh lễ, linh mục phải ý thức cử hành các kinh nguyện, phải thực sự cử hành các bí tích và các mầu nhiệm của Đức Kitô một cách đạo đức và sốt sáng, các ngài phải sắp xếp để “giúp các tín hữu tham dự với cả xác hồn, một cách ý thức, tích cực, đầy đủ, và với lòng tin, cậy, mến nồng nàn”[14]. Làm sao để linh mục luôn hành động để dân Thiên Chúa được ơn cứu độ. Vả lại, chính sự thánh thiện của linh mục giúp các ngài rất nhiều trong việc chu toàn thừa tác vụ của mình một cách hữu hiệu: thật vậy, dù ơn Chúa có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng nghe theo sự thúc giục và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hơn, bằng kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện, để có thể nói như thánh Tông Đồ rằng: “dù tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà thực ra Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20).[15]
Bản chất cầu nguyện không những được thực hiện trong việc cử hành phụng vụ bí tích nhưng cũng là bổn phận mà Giáo Hội trao phó cho các linh mục và tu sĩ. Trong ngày thụ phong linh mục, các ngài phải hứa với Đức Giám mục lo chu toàn bổn phận kinh nguyện để cầu nguyện cho dân thánh và cho thế giới, đặc biệt là giờ kinh phụng vụ; “Con có muốn gìn giữ và gia tăng tinh thần cầu nguyện phù hợp với cách sống của con, và trong tinh thần ấy, con có muốn trung thành chu toàn các giờ Kinh Phụng vụ theo điều kiện của con, làm một với dân Thiên Chúa và để cầu cho họ, hơn nữa, cho cả thế giới không?[16]
Trong bổn phận thánh hóa dân thánh, linh mục không những là người cầu thay nguyện giúp cộng đoàn mà còn là thầy dạy cầu nguyện cho dân thánh, vì vậy các ngài phải có một đời sống cầu nguyện sâu sắc trước vì không ai cho những gì mình không có.[17] “Thật vậy, khi dạy những người khác những điều mình đã chiêm niệm, các ngài mới nếm được “những sự phong phú không thể khám phá hết được của Chúa Kitô” (Ep 3,8) và sự khôn ngoan muôn mặt của Thiên Chúa”.[18]
Là hiện thân và là môn đệ của Đức Kitô, các linh mục được mời gọi để trở nên giống Ngài trong tất cả các phương diện của cuộc sống thì cầu nguyện là phần không thể thiếu trong các phương diện ấy. Đức Giêsu dù bận rộn với việc của Chúa Cha nhưng Ngài luôn dành thời gian để cầu nguyện. Trong Tân Ước, Đức Giêsu là vị thượng tế, đã cầu nguyện liên lỉ với Chúa Cha. Ngài cầu nguyện mọi lúc và mọi nơi, riêng tư và cộng đoàn, sáng sớm cũng như trời tốt mịt (x. Mc 1,35), nơi vắng lặng cũng như lúc đông người. Ngài cầu nguyện cho Ngài và cho cả dân chúng.[19] Qua cầu nguyện, Đức Kitô sống hiệp thông với Chúa Cha và được Thánh Thần thánh hoá. Ngài luôn sống trong sự vâng phục và làm theo thánh ý Cha Ngài.
Căn tính và đời sống của linh mục thể hiện trước hết ở một đời sống cầu nguyện liên lỉ. Các ngài như những “kho tàng chứa trong bình sành dễ vỡ.” Vì vậy, các ngài cần được nâng đỡ qua sự truyền thông và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Qua cầu nguyện, linh mục được bổ sức cho ơn gọi, được thăng tiến trong sứ vụ, nhận ra sự hạn hẹp của mình, cũng như thân phận yếu hèn của mình để sống xứng đáng ơn thánh mà Thiên Chúa ban cho cách nhưng không. Qua cầu nguyện, linh mục được vững mạnh trong ơn gọi, được bổ sức để thực hiện những sứ vụ thánh thiêng mà Thiên Chúa và Giáo hội đã trao ban.
Qua cầu nguyện và suy niệm lời Chúa, các linh mục học biết cách gặp gỡ Chúa trong cuộc sống thường ngày và phó thác đời mình cho Người trong hành trình biến đổi nội tâm. Bằng cách này, các linh mục có thể chấp nhận những khủng hoảng, sa mạc của cuộc đời. Qua cầu nguyện, các ngài học cách lớn lên; nhờ vậy, họ có khả năng dung hợp các giá trị căn bản của đời sống thánh hiến. Qua cầu nguyện, các linh mục lắng nghe được thánh ý Chúa, lắng nghe được những dấu chỉ của thời đại, và qua cầu nguyện, các linh mục nhận ra những nhu cầu của Giáo hội, nhận ra những mối bận tâm của anh chị em xung quanh để cùng hiệp thông với Giáo hội và với tha nhân trong các sứ vụ của mình.
3. Con người thúc đẩy tinh thần hiệp hành
Đức thánh cha Phanxicô lần đầu tiên công bố Thượng Hội đồng Giám mục không phải chỉ là quãng thời gian hội họp ngắn hạn như trước đây. Ngày 9-10 tháng 10 năm 2021, ngài khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục và được diễn ra trong vòng 2 năm. Thượng Hội đồng cũng được tổ chức ở cấp giáo phận và khai mạc một tuần sau đó, vào Chúa nhật 17 tháng 10 năm 2021. Thượng Hội đồng Giám mục kỳ này có chủ đề: Hướng tới một Hội Thánh Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.
Không giống như các Thượng Hội đồng Giám mục khác, thời gian 2021-2023 là thời gian tất cả các thành phần dân Chúa được mời gọi tham dự, gặp gỡ, lắng nghe và phân định để không ai bị lãng quên. Đây cũng là Thượng Hội đồng hướng đến toàn bộ thành phần dân Chúa để họ sống cảm nghiệm tình hiệp hành (Synodality) trong Giáo hội. Cảm nghiệm này không phải là việc trả lời các câu hỏi nhưng là cảm nghiệm hoa trái qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tính hiệp hành này không phải là thứ lý thuyết suông nhưng được đưa vào thực tiễn và được thực hiện bởi mỗi giáo phận, giáo xứ và quốc gia trên toàn thế giới.
Chủ đề Hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục là “cuộc hành trình đi với nhau”. Với gợi hứng trên, Thượng Hội đồng mời gọi tất cả các thành phần dân Chúa sống tinh thần hiệp hành trong hoàn cảnh của mình. Các linh mục, là hiện thân của Đức Kitô không những phải sống tinh thần hiệp hành mà còn là những người đi tiên phong và thúc đẩy tiến trình hiệp hành nơi dân thánh.
Tuy chủ đề Hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục năm nay độc đáo và mới lạ, hướng mọi thành phần dân Chúa cùng bước đi trong một Giáo hội lữ hành để tiến về nước Chúa, nhưng nếu nhìn vào bản chất và sứ mệnh của linh mục mà Thiên Chúa và Giáo Hội trao phó, linh mục đã, đang và vẫn sống cùng thực thi tinh thần hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục. Không những vậy, các ngài còn thúc đẩy tiến trình hiệp hành này trong bổn phận và ơn gọi của mình. Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã chỉ ra rằng linh mục phải là con người có khả năng liên đới với người khác. Đây thực sự là nền tảng đối với người được gọi là chịu trách nhiệm về một cộng đoàn và là con người của hiệp thông.[20]
Là trung gian và là chi thể trong nhiệm thể của Đức Kitô, linh mục trước tiên phải gắn kết đời mình với Thiên Chúa, Đấng đã mời gọi họ tham gia vào sứ vụ cứu độ này. Các linh mục gắn kết đời mình với Thiên Chúa qua hy tế Thánh Lễ, qua đời sống cầu nguyện và qua bổn phận hằng ngày, vì thánh chức linh mục xuất phát từ sự tự do khởi xướng nơi Thiên Chúa, Đấng đánh động và biến đổi họ, đưa họ tới mối tình hiệp nhất với Người, nâng họ lên ngõ hầu cho họ tận hưởng tình yêu nhưng không của Người và sống trong sự hiện diện đầy tình yêu của Người.[21]
Không những sống tình hiệp hành với Ba Ngôi Thiên Chúa, các linh mục trong ơn gọi của mình luôn thúc đẩy tiến trình hiệp thông này cho dân thánh của ngài. Thật vậy qua việc cử hành các bí tích đặc biệt là bí tích Thánh Thể, linh mục quy tụ mọi thành phần dân thánh hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô. Trong việc cử hành bí tích Thánh Thể, linh mục mời gọi tín hữu “dâng lên Chúa Cha lễ vật chí thánh và hợp cùng của lễ đó hiến dâng lễ vật cuộc sống mình”.[22]
Là chủ chăn, với bổn phận thánh hóa dân Chúa, linh mục có bổn phận mời gọi các tín hữu sống tình hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương và đưa họ vào mối tương quan hiệp nhất với Thiên Chúa. Là thầy dạy của cầu nguyện, linh mục mời gọi dân thánh sống mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, gắn kết họ trong bí tích và trong nhiệm thể Chúa như cành nho liên kết với thân cây nho. Qua sứ vụ rao giảng Tin Mừng, linh mục cũng là người mời gọi các tín hữu sống và thực thi các lời khuyên Phúc Âm, đặc biệt là tham gia thực hiện sứ mệnh mà Đức Giêsu trao lại cho dân Người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng” (Mc 16, 9-18).
Trong lòng Giáo hội, các linh mục sống tình hiệp thông phẩm trật với Giám mục của mình vì các ngài là linh mục nhị phẩm và là linh mục thừa tác. Các ngài sống tình hiệp thông với các Giám mục qua sự vâng lời chân thành và qua việc thực thi tích cực những sứ vụ mà giáo phận và Giám mục trao phó. Không những vậy, các linh mục phải thúc đẩy tiến trình hiệp thông và sứ vụ giữa Giám mục và các tín hữu. Họ có thể nhân danh Giám mục thông truyền ý của ngài cho các tín hữu và ngược lại họ cũng có thể thông đạt ý của các tín hữu cho Giám mục. Họ là những tác nhân hiệp thông và hiệp nhất trong việc xây dựng thân thể Chúa Kitô, giúp các tín hữu đồng hành với nhau, cùng nhau tiến bước giữa lòng Hội Thánh.[23]
Trong việc cai quản giáo xứ, các linh mục là mối dây của sự hiệp thông và hiệp nhất trong cộng đoàn dân Chúa. Các ngài là nhân tố quan trọng để “quy tụ các tín hữu thành một đoàn chiên duy nhất nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, các ngài dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha”.[24] Là chủ chăn, các ngài thúc đẩy một tiến trình cùng tham gia, cùng cộng tác và cùng thi hành sứ vụ của giáo xứ và Giáo hội.
Không những thế, các linh mục còn phải thúc đẩy sứ mệnh truyền giáo như Đức Kitô đã dạy, “hãy đi rao giảng khắp muôn dân”. Trong sứ vụ của mình, linh mục được mời gọi để làm sao dân Thiên Chúa tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ một cách hiệu quả nhất.
Trong sứ mạng rao giảng Phúc Âm, là chủ chăn, linh mục có nhiệm vụ mời gọi và khuyến khích các tín hữu nối tiếp sứ mạng của Chúa Kitô, tức nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người trên trần thế “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19). Thánh Công đồng mời gọi vị chủ chăn đặc biệt “chú trọng đến các dự tòng và các tân tòng, họ phải được giáo dục dần dần để hiểu biết và sống đời Kitô hữu”.[25]
4. Biết lắng nghe nhau
Tất cả các linh mục được liên kết và hiệp thông với nhau trong cùng một bí tích Truyền Chức Thánh, trong cùng một căn tính, ơn gọi và một sứ vụ. Các linh mục trong giáo phận dưới quyền Giám mục hợp nhau qua tên gọi linh mục đoàn[26], các linh mục Dòng được liên kết với nhau qua tình huynh đệ cộng đoàn và linh đạo Dòng. Tình huynh đệ của linh mục được biểu hiện trong nghi thức Truyền chức linh mục khi tất cả các linh mục cùng với Giám mục chủ phong đặt tay trên vị tiến chức, và khi các ngài đồng tâm cùng cử hành bí tích Thánh Thể.[27]
Tuy mỗi người có những chức vụ khác nhau và có thể linh đạo khác nhau nhưng các ngài đều có chung một sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó, đó là “Cha muốn họ nhân danh Người tái diễn hy lễ cứu độ, dọn cho con cái Cha bàn tiệc Vượt qua, lấy tình thương dẫn dắt, lấy lời Cha nuôi dưỡng và dùng các bí tích bồi bổ dân thánh của Cha.”[28] Điều này liên kết các linh mục trong tình huynh đệ của Đức Kitô. Vì vậy qua bí tích Truyền Chức Thánh các linh mục trở thành những anh em thực thụ của nhau.
Tình huynh đệ thực thụ của linh mục có nghĩa là vượt qua những đặc quyền và khác biệt trong một tinh thần đồng tham gia và đồng trách nhiệm, trong các sứ vụ và chương trình chung,[29] trở nên huynh đệ là quan tâm săn sóc cả tình trạng tâm lý và tâm linh qua cách đối thoại và hòa giải.[30] Các linh mục lớn đón nhận linh mục trẻ như là những người em; giúp đỡ và động viên. Các linh mục trẻ phải kính trọng và tham khảo ý kiến các linh mục lớn tuổi trong công tác mục vụ.[31]
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, và qua chủ đề Hiệp Hành của Thượng Hội đồng Giám mục, các linh mục cần trở nên những con người biết lắng nghe nhau để cùng hỗ trợ nhau và thực thi sứ mệnh
mà Thiên Chúa trao phó. Các linh mục liên kết với nhau nhờ Chúa Thánh Thần bằng một tình huynh đệ duy nhất, hợp tác với nhau, mỗi người tùy theo tài năng riêng của mình, để làm cho mọi người được tăng trưởng trong đức tin và đức ái. “Vả lại, đức bác ái mục vụ đòi hỏi các linh mục không được chạy theo hư vô nhưng phải luôn luôn làm việc trong mối hiệp thông với các Giám mục và với những anh em linh mục khác. Có làm như thế, các linh mục mới tìm được sự thống nhất đời sống của mình trong chính sứ mệnh duy nhất của Giáo hội, và như vậy các ngài mới hiệp nhất với Chúa, và qua Người, với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, để có thể tràn đầy an ủi và dư thừa hoan lạc.”[32] Các giá trị của tình huynh đệ linh mục cần được nuôi dưỡng qua việc cùng dâng Thánh lễ, lắng nghe Lời Chúa, cùng cầu nguyện chung, tham dự các buổi tĩnh tâm và tham dự các ngày thường huấn.
Đời sống giữa các linh mục cũng phải là gương sáng cho dân thánh để họ noi theo. Các ngài phải là mẫu gương của tình hiệp thông và hiệp nhất qua việc lắng nghe và tôn trọng nhau, cùng tham gia và cùng cộng tác vào các sứ vụ chung của Giáo hội và giáo phận trao phó.
5. Lắng nghe Chúa Thánh Thần
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã sai Chúa Thánh Thần xuống để tiếp tục đồng hành với Hội Thánh lữ hành. Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục tuôn đổ hồng ân, canh tân, thánh hóa và hướng dẫn Giáo hội. Là chi thể của Hội thánh và cũng là người được Thiên Chúa tuyển chọn để dâng hy lễ, thánh hóa dân thánh; chắc chắn, các linh mục nhận sự trợ giúp đắc lực của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ của mình.
Chính Chúa Thánh Thần đã đánh động và dẫn các linh mục đến một tình yêu hiệp thông. Chúa Thánh Thần đã thánh hiến và xức dầu cho các ngài trong ngày các ngài lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, và chính Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hoạt động khi các ngài cử hành bí tích. Trong việc cử hành các bí tích, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính để ban ơn.[33]
Qua Chúa Thánh Thần, Chúa Cha thánh hiến các linh mục, biến đổi họ và làm cho họ tương hợp với hình ảnh Chúa Kitô, hướng dẫn chúng ta hiệp thông với Người và với anh chị em. Và chính Chúa Thánh Thần dần dần biến đổi ơn gọi linh mục và làm cho các ngài nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.[34] Chúa Thánh Thần là đấng trợ lực trong cuộc chiến tâm linh, mặc cho chúng ta áo giáp của Thiên Chúa, đổ các ơn huệ của Người cùng sự hiện diện thần linh, cho đến khi ta được hoàn toàn biến đổi. Chính Chúa Thánh thần cũng đã sai các Ngài ra đi loan báo Tin Mừng và hoa trái được trổ sinh của sứ vụ này cũng chính do ngài ban tặng.[35]
Trong bổn phận thi hành sứ mệnh của Giáo hội, hơn hết các ngài lại cần Chúa Thánh Thần đến để soi sáng hướng dẫn và thánh hóa những công việc của mình. Để những gì các ngài làm không phải các ngài làm mà chính Thiên Chúa làm trong các ngài. Chính Đức Giêsu cũng để Thánh Thần hướng dẫn trong sứ vụ của Ngài: “Bấy giờ Chúa Giêsu được thần khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1).
Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo hội và trong người mục tử, bởi đó, khi thi hành thừa tác vụ của Chúa Thánh Thần và của sự công chính, các ngài được vững mạnh trong đời sống thiêng liêng, miễn là các ngài ngoan ngoãn theo Thánh Thần Chúa Kitô, Đấng ban sự sống và dẫn dắt các ngài.”[36] Và để có thể phân định ơn gọi và sứ vụ của mình và “nhận ra đâu là ý muốn của Thiên Chúa, nghĩa là biết rõ những hoạt động đó có thích hợp với những tiêu chuẩn của sứ mệnh Phúc Âm của Giáo Hội hay không”,[37] các ngài cần phân định đời sống mình qua việc để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tác động trong cuộc sống của mình.
Kết luận
Có thể nói, linh mục là dấu chỉ hữu hình cho sự hiệp nhất mọi thành phần dân Chúa, là cầu nối chuyển thông yêu thương và ân phúc của Thiên Chúa Ba Ngôi cho nhân loại, là sợi dây liên kết giữa tình Trời cao và đất thấp, là tấm gương phản chiếu hình ảnh Đức Kitô một cách rõ nét nhất qua ân ban và qua chính đời sống cầu nguyện liên lỉ của mình. Thiên chức linh mục là hồng ân vô cùng cao cả, nhắc nhớ người linh mục mang trong mình trọng trách lớn lao trong việc dạy dỗ, truyền giảng đức tin, loan báo Tin Mừng cứu độ và chăm sóc dân Chúa như người mục tử săn sóc đoàn chiên. Các ngài là những cánh tay nối dài của Chúa Kitô, thúc đẩy tinh thần hiệp hành trong Giáo hội và mọi thành phần dân thánh. Cũng bởi linh mục không phải là ý định của con người nhưng là sáng kiến của Thiên Chúa, nên ơn gọi linh mục là một huyền nhiệm cao cả, được liên kết với sứ mạng cao cả của Đức Kitô và được hoàn tất nhờ ơn thánh Chúa cùng với sự nỗ lực và cố gắng hết mình của người linh mục. Như thế, chẳng có gì là khoa trương khi nói rằng: Linh mục là con người của mầu nhiệm, con người của hiệp thông, con người lắng nghe của Thiên Chúa.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 129 (Tháng 5 & 6 năm 2022)
________________________________________
[1] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Là Gì? https://giaophanphucuong.org/suy-tu-than-hoc/mau-nhiem-la-gi-1570.html
[2] X. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các Linh mục Presbyterorum Ordinis (PO), #2
[3] Ibid.
[4] Juan Espuerda Bifet, Sứ Mệnh và chức Linh mục qua dòng lịch sử, (Phan Cường, O.P chuyển ý)
[5] Nguyễn Khắc Hy, Linh mục Sau Thời Kỳ Các Tông Đồ, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/LinhMuc/61LMSauTDCV.htm#ftn9_8442
[6] Pastores Dabo Vobis (PDV) #20
[7] Nguyễn Khắc Hy, Linh mục Sau Thời Kỳ Các Tông Đồ, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/LinhMuc/61LMSauTDCV.htm#ftn9_8442
[8] Nguyễn Khắc Hy, Linh mục Sau Thời Kỳ Các Tông Đồ, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/LinhMuc/61LMSauTDCV.htm#ftn9_8442
[9] Nghi Thức Truyền Chức Linh mục
[10] Nghi Thức Truyền Chức Linh mục
[11] Sách Lễ Roma
[12] Toát Yếu Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo #1322-1323-1409
[13] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (Ấn bản mẫu thứ ba), #30.
[14] Ibid., #18.
[15] PO #12
[16] Nghi Thức Truyền Chức Linh mục.
[17] Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Thánh Lễ Truyền Chức Linh mục Dòng Cát Minh, ngày 17 tháng 3, 2022
[18] PO #13
[19] Mark Link SJ, Cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, trg 9, 11
[20] X. PDV #43
[21] Ratio Đào Tạo Dòng Cát Minh #38
[22] PO #5
[23] Cẩm Nang Hiệp Hành 4.3
[24] PO #5
[25] PO #6
[26] X. PO #8
[27] Ibid.
[28] Kinh Tiền Tụng Lễ Truyền Dầu
[29] Hiến Pháp Cát Minh #9
[30] Hiến Pháp Cát Minh #9
[31] Antôn Nguyễn Đức Khiết, Linh mục, Con Người của Hiệp Thông, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2009/06LMConNguoiCuaHiepThong.htm
[32] PO #14
[33] X. PO #66
[34] Ratio Đào Tạo Dòng Cát Minh, #34
[35] Ratio Đào Tạo Dòng Cát Minh #31
[36] X. PO #1
[37] PO #14