Chúa Nhật XXVI TN C


CN 26 TN NĂM C
25-9-2022

CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xư Hà Tân
Giáo họ phú Quí

GIÁO HUẤN SỐ 44
MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Các lãnh vực cần phát triên (tt)

Những việc phục vụ của Ki-tô hữu là một cơ hội độc đáo để lớn lên và mở ra đón nhận quà tặng đức tin và đức ái Chúa ban. Nhiều người trẻ được thu hút bởi các cơ hội giúp đỡ người khác, nhất là trẻ em và người nghèo. Thường việc phục vụ này là bước đầu tiên giúp khám phá hoặc tái khám đời sống trong Đức Ki-tô và trong Giáo hội. Nhiều người trẻ trở nên mệt mỏi với các chương trình huấn luyện giáo lý và thiêng liêng của chúng ta, và đôi khi họ yêu cầu cơ hội để tham gia tích cực vào các hoạt động giúp ích người khác (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 225).

 

SUY NIỆM I
Am 6, 1a.4-7; 1Tm 6,11-18; Lc 16,19-31
(Lm Giuse Nguyễn Trung Thành)

Lương y Nguyễn Hữu Quỳnh

Thánh nhân là người làng Mỹ Hương, Lệ Thủy, Quảng Bình, 72t. Với ngài, tài sản, trí năng Chúa ban là để phục vụ mọi người, nên thay vì thu tích cho bản thân, ngài quan tâm phục vụ dân nghèo. Đối với họ ngài chữa bệnh miễn phí, đôi khi còn tặng thêm tiền bạc. Khi vợ con kỳ kèo, ngài trả lời : “Tôi chưa thấy ai giúp đỡ người nghèo lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho chúng ta đủ dùng? (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, t.II, trang 195)

Lời Chúa của Chúa nhật 26 hôm nay cũng khuyên dạy chúng ta sống bác ái, thương người.

Bài đọc 1 (Am 6, 1a.4-7): Bài đọc 1 Chúa nhật 25 tuần qua, chúng ta đã nghe ngôn sứ A-mốt tố cáo những người dân Ít-ra-en làm giầu trên người nghèo. Chúa nhật 26 hôm nay ngôn sứ loan báo hình phạt : “giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ lưu đày” (6,7).

Bài Tin Mừng (Lc 16,19-31): Đức cha Ba-tô-mê-ô viết : “Thánh Lu-ca kể rằng một người phú hộ ăn mặc gấm tía và lụa mịn, ngày ngày yến tiệc linh đình. Nếp sống của ông ta làm cho chúng ta nhớ lại bài sách của Amos. Và quả thật ông ta chỉ biết ăn uống; chứ có để mắt tới đồng bào, đồng loại gì đâu. Có người ắn mày tên là Ladarô, nằm ở cổng nhà ông chỉ mong được miếng thừa nào trên bàn của ông liệng xuống mà vẫn không được. Cũng là hai con người, nhưng là hai thân phận. Tác giả Luca không cần mô tả thêm con người giầu có. Đã có Amos kể thay rồi. Ngòi bút của Luca chú ý hon về người ăn mày…

Nhưng tại sao tác giả Luca lại muốn gọi tên người ăn mày là La-da-rô ? Để chúng ta liên tưởng đến người em trai của hai chị em Mátta và Maria được Chúa cho sống lại chăng ? Và như vậy Luca muốn báo trước về số phận tốt đẹp chung cuộc của người ăn xin. Và khi mô tả Ladarô bị lở lói, bị vứt ở cổng nhà người phú hộ, có lẽ tác giả muốn lấy lại hình ảnh ông Job và xác định đây là người nghèo khó công chính, bị bạc đãi ở đời này nhưng chỉ tạm thời, vì chung cuộc tương lai sẽ rất tốt. Hơn nữa trong tiếng Do Thái, từ ngữ Ladarô có nghĩa là ‘Thiên Chúa cứu giúp’. Tác giả Luca muốn nói rằng : những con người nghèo khó là những kẻ đang cần được và sẽ được Thiên Chúa cứu giúp; họ là thành phần được Người quan tâm, chiếu cố và yêu mến. Và Người sẽ bắt tất cả mọi sự phục vụ những con người này, nên ở đây ngay bầy chó hoang, thường chỉ đi xâu xé, đến liếm các ung nhọt cho ông. Và điều này càng nói đến ác tâm bất nhẫn của người phú hộ hơn nữa.

Như vậy việc giới thiệu hai nhân vật đã xong. Tác giả Luca nói đến câu chuyện xảy ra. Ladarô chết và được các thiên thần đưa lên dự tiệc ngay nơi lòng Abraham; còn người giầu có cũng chết và được tống táng. Chỉ hai câu nói thôi, nhưng đầy ý nghĩa. Người Do Thái quan niệm rằng các người công chính sau khi chết, sẽ được các thiên thần đưa lên trời dự tiệc giữa cộng đoàn dân Chúa có tổ phụ Abraham chủ tọa. Và ai cũng được yêu, càng được ngồi gần vị tổ phụ. Kiểu nói ‘ngồi trong lòng Abraham’ chỉ muốn diễn tả chỗ ngồi đặc biệt và tình âu yếm ấy. Số phận của Ladarô đã đổi thay hoàn toàn. Không do một biến động chính trị như Amos đã gợi ý trong bài sách hôm nay. Cũng không như tác giả sách Job đã nói rằng ông này được lại hết mọi sự ở đời này và được gấp trăm gấp nghìn. Ở đây việc đổi thay số phận xảy ra bên kia thế giới, sau khi con người đã chết. Đó là bình diện Nước Trời, chứ không còn ở phạm vi trần gian…

Ngoài những quan niệm về đời sau như định mệnh của người lành kẻ dữ đã khác nhau ngay từ sau khi chết và trước ngày phán xét chung, định mệnh ấy đã dứt khoát không thay đổi được nữa, vì đã hết thời có thể lập công phúc; ở đây khi mô tả sự thay đổi số phận của hai người khi sống và sau khi chết, tác giả Luca có ý diễn tả một giáo huấn thông thường của Đức Giêsu, đó là việc Nước Trời được dành cho những kẻ nghèo khó; vì Thiên Chúa sẽ cứu giúp ho và kẻ tự mãn ở đời này sẽ ra đi tay không về đời sau…

Dù sao ý tưởng chính của tác giả vẫn là muốn kêu gọi người ta trở lại và thay đổi nếp sống chỉ biết cái bụng của mình mà không nghĩ đến ai. Thực ra đó cũng là ý của Amos khi ông dùng hình ảnh lưu đày để đe dọa những kẻ sống đầy đủ mà ích kỷ. Chỉ có điều ông chưa nghĩ đến đời sau và bình diện Nước Trời một cách sâu sắc như tác giả Luca. Nhưng có như vậy Tân Ước mới hoàn tất Cựu Ước!… Tuy nhiên nơi các sách Tin Mừng, tức là giáo huấn đầy đủ của Chúa Giêsu cũng còn cần được triển khai.

Bài đọc 2 (1Tm 6,11-18): Bđ2 đọc thư thánh Phao-lô gửi thánh Ti-mô-thê. Sách Kinh Thánh 2011 viết : “Hai thư gửi môn đệ Ti-mô-thê và một thư gửi môn đệ Ti-tô được gọi là ‘thư mục vụ’, vì có những chỉ dẫn việc tổ chức, quản trị các giáo đoàn mới thành lập hồi bấy giờ và được thánh Phao-lô giao cho hai môn đệ coi sóc. Danh xưng ‘thư mục vụ’ xuất hiện từ thế kỷ 18 và được lưu dụng cho mãi tới ngày nay.
Mục đích các thư này nhằm vấn đề mục vụ, nghĩa là đề cập đến những đức tính và bổn phận của những người đứng đầu coi sóc cộng đoàn” (trang 2647).

Các câu 17-19 nhằm dạy cho người giầu biết cách dùng của cải và chia sẻ với người khác, thông cảm những khó khăn của người ta. Đó là một trong những đức tính của công đoàn tín hữu đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem (sđd, trang 2655).

Cầu nguyện
Tv 18,14

Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo
đừng để tính xấu này thống trị con
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.

 

SUY NIỆM II

MỞ RỘNG CÁNH CỔNG TƯƠNG QUAN

Tuần 26 Thường Niên (Hội An 25/9/2022)

Lm Giuse Nguyễn Văn Thú

            Nghe dụ ngôn Chúa Giê-su nói hôm nay, chúng ta đừng để mình bị nghĩ lầm, rằng Chúa Giê-su đang lên án những người giàu của cải và tự cho chúng ta là người nghèo cơ hội để luận tội những người giàu. Đừng quên, dụ ngôn này chỉ có một người nghèo có tên tuổi hẳn hoi là Lazarô, còn người giàu không có tên, như thể để mỗi chúng ta điền tên mình vào nhân vật giàu có đó; rằng hôm nay Chúa Giê-su đang đòi hỏi những người giàu phải phân chia của cải cho những người nghèo như những nhà chính trị mị dân thường làm khi tước lấy của cải giới giàu để phân chia làm vui lòng giới nghèo. Đừng quên Chúa Giê-su từng trả lời cho người thanh niên đến xin Chúa phân xử gia tài: “Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay chia gia tài cho các anh?”, vì đó không phải là sứ mạng của Chúa khi đến trần gian. Sứ mạng của Chúa Giê-su là đến cứu những gì hư mất, Ngài đòi hỏi chúng ta mở cổng và lấp hố sâu ngăn cách.

  1. Lời mời gọi cho dân Chúa xưa

            Chúa đến cứu con cháu Abraham, tức những người Do Thái đang nghe Chúa nói. Lời người giàu thưa với Abraham: “Lạy tổ phụ Abraham” minh chứng ông là con cháu Abraham theo huyết thống (Mt 3,8). Abraham đã không phủ nhận nguồn gốc huyết thống đó của người nhà giàu khi đáp lại “Hỡi con.”

Con cháu Abraham được Thiên Chúa ban cho giàu có thực sự. Họ được ban cho của cải, được chiếm ngự vùng đất chảy sữa và mật, và thánh Phaolô nói rõ hơn, “họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Ngài cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa… và sau hết, chính Chúa Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ” (Rm 9,4-5). Abraham đã nhắc lại cho dân Israel: “Hỡi con, hãy nhớ lại, suốt đời con, con được toàn sự lành” (Lc 16,25). Lịch sử của Israel là lịch sử lòng Chúa thương xót, con cháu Abraham được toàn sự lành của Thiên Chúa. Nhưng con cháu của Abraham đã làm gì với những ân phúc Thiên Chúa ban?

            Nếu người giàu trong dụ ngôn có một cái cổng, dân Israel cũng có những chiếc cổng. Cổng là ranh giới chia cách. Bên trong cổng là sự xa hoa, vô tình và tự mãn; bên kia cổng là sự túng nghèo, mong đợi. Đối với con cháu Abraham, bên trong cổng là sự kiêu ngạo và quên ân huệ Chúa ban; bên ngoài cổng là tiếng réo của các dân tộc đang mong đợi Israel thực hiện sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho Abraham và con cháu ông. Sứ mạng đó là “nhờ ngươi, mọi dân tộc trên khắp mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3). Nhà giàu đóng cổng và tự mãn với những gì mình có, cắt đứt mọi tương quan; con cháu Abraham tự mãn vì sự giàu có của mình và kiêu ngạo cho rằng do năng lực và bàn tay họ làm nên. Họ quên bẵng Thiên Chúa mà đi thờ các thần tượng và xa lạ với các dân tộc khác (x. Đnl 8,7-20). Thực ra, khi họ đóng cổng lại đối với Thiên Chúa và tha nhân, chiếc cổng biến thành hố sâu phân cách và hố sâu đó đã hiện diện trong lòng họ trước khi ngăn cách họ với Thiên Chúa và mọi người.

            Chính vì thế, Chúa Giê-su đến cứu vớt dân Israel, bằng nhắc cho họ mau biết mở cổng, lấp đầy hố sâu để nối lại mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân qua việc đảm trách lại sứ mạng Thiên Chúa trao cho Abraham: làm cho mọi dân tộc được phúc của Thiên Chúa. Đừng để mọi sự quá muộn rồi mới nhớ đến các mối tương quan đó: “Xin thương xót con”, “con còn năm người anh em nữa.”

  1. Lời mời gọi cho dân Chúa hôm nay

            Chúa Giê-su muốn cứu vớt chúng ta, những người đang nghe lời Chúa hôm nay. Chúng ta là những người giàu có ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cho biết, “Chúa Giê-su Ki-tô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9) và chúng ta cũng được mời gọi tiếp tục làm cho người khác được giàu ân sủng Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhắc lại như thế: “Chúng tôi bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực, chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có” (2Cr 6,10). Sứ mạng của Ki-tô hữu vào ngày lãnh bí tích Rửa Tội là thờ phượng Thiên Chúa và làm cho người khác được giàu ơn Chúa ban. “Hỡi con, hãy nhớ lại, suốt đời con, con được toàn sự lành.” Chúng ta đã làm gì với sự phong phú Thiên Chúa ban? Vì thế, chúng ta cần phải kiểm tra trái tim của chính mình để tìm ra những chiếc cổng hay hố sâu do chính chúng ta tạo nên ngăn cách với Thiên Chúa và tha nhân.

            Những cánh cổng nào, hố sâu nào chúng ta đang cố tạo ra giữa chúng ta với Thiên Chúa? Đức hồng y Sarah nhận định, đó là sự quên lãng Thiên Chúa, không phải chối bỏ Thiên Chúa, mà là sống như thể không có Thiên Chúa hiện diện và là trung tâm cuộc đời mình, là cách sống pha trộn đức tin với lối nghĩ và lối sống của thế gian và các trào lưu ngoại giáo, là thứ thuốc độc dạng lỏng dễ xâm nhập vào những chọn lựa mà trong đó Thiên Chúa không còn ưu tiên tuyệt đối và chuẩn mực. Vì thế, điều cấp thiết là mở cổng ra với Thiên Chúa, lấp đi hố ngăn cách là “tìm gặp lại Chúa.” “Tìm gặp lại Chúa” là hướng dẫn của Đức Bênêđíctô, cụ thể lắng nghe lời Chúa, thờ phượng Chúa và chọn Chúa là nền tảng của mọi ước muốn xã hội xây dựng. Vì vậy, mỗi lần miệng ca hát ngợi khen Chúa, quây quần trước nhan thánh Chúa, dâng lời cầu nguyện và luôn chọn sống theo lời Chúa dạy là lúc chúng ta mở cổng và lấp hố sâu.

            Những cánh cổng nào, hố sâu nào chúng ta đang cố tạo ra giữa chúng ta với tha nhân? Thưa, đó là sự thờ ơ của chúng ta đối với những người nghèo, nhất là người nghèo đói đức tin. Trong cuốn “Tiếng Khóc từ Trái Tim” (Cri de Coeur), Đức hồng y Sarah nhận định, một Giáo Hội không còn mang đến cho mọi người niềm xác tín Thiên Chúa là trung tâm cuộc đời thì đó là Giáo Hội bệnh hoạn. Vì thế, hố sâu giận dữ, tham lam, thành kiến hay ghen tỵ, hoài nghi phải được san lấp để ai nấy cùng với chúng ta đến với Chúa trong an bình và niềm vui với niềm xác tín “có Thiên Chúa là đủ.”

            Tóm lại, mọi ơn phúc Chúa ban cho dân Chúa để ơn Chúa được lan tỏa. Đóng cổng hay đào hố sâu không phải cách Chúa Giê-su sống và cũng phải phải là những dự định của chúng ta, những môn đệ của Chúa. Chúa đến mở bàn tiệc cho người đói nghèo yếu hèn. Xin cho chúng ta siêng năng tham dự bàn tiệc thánh này để vừa sống tình thân với Chúa vừa noi gương Chúa mở rộng chiếc bàn thân ái cho nhiều anh chị em chung quanh.