Chúa Nhật XXVII TNC – Mừng Lễ Mẹ Mân Côi


CN 27 TN NAM C

2-10-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Trung Phước

GIÁO HUẤN SỐ 45

MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Các lãnh vực phát triển (tt)

  Chúng ta không thê bỏ qua  tầm quan trọng của nghệ thuật, như kịch nghệ, hội họa và những thể loại khác. Âm nhạc có tầm quan trọng cách riêng, bởi đây vốn là môi trừơng mà thực tế người trẻ thường xuyên ngụp lặn trong đó, đây cũng là một v8am hóa và một ngôn ngữ có khả năng khơi trào cảm xúc và kiến tạo cảm tình. Ngôn ngữ của âm nhạc cũng là nguồn lực mục vụ, với mối liên hệ cách riêng đến phụng vụ và canh tân phụng vụ. Sinh hoạt ca hát có thể là lưc đẩy quan trọng đối với người trẻ khi họ tìm hướng đi trong đời. Như thánh Âu-tinh nói : ‘Hãy ca hát, nhưng tiến bước. Đừng uể oải, hãy ca vang, đường đi sẽ thú vị hơn. Hãy ca hát, hãy tiến bước…Nếu bạn tiến tới, bạn tiếp tục hành trình, nhưng hãy bảo đảm rằng sự tiến bộ nằm ở nhân đức, ở tin đúng và sống tốt. Vậy hãy ca hát, nhưng luôn tiến bước…(Tông huấn Đức Ki-tô hằng sốn, số 226).

 

SUY NIỆM I

CN 27 TN NĂM C

Kb1,2-3;2.2-4;2Tm 1,6-8.13-14;Lc 17,5-10

Được kính trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi

Cv1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38

(Lm Giuse Nguyễn Trung Thành)

Mẹ Mân Côi

Lễ Mẹ Mân Côi bắt nguồn từ biến cố vịnh Lêpantô tức là vịnh Côrintô của Hy Lạp. Ngày 29-5-1453, quân đội Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thành Constantinople ở Hy Lạp. Từ đó Hồi giáo bành trướng sang Âu châu và Phi châu, chờ ngày đặt chân lên nước Ý, chiếm kinh thành Rôma muôn thuở. Trước sự đe doạ của Hồi giáo, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi vua chúa các nước đem quân cứu giúp. Vua Tây Ban Nha và Ý đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng.

Tướng Don Juan, em vua Tây Ban Nha, được cử làm tổng chỉ huy đoàn quân Thánh Giá. Ngày 8-9-1571 đoàn quân ra trận. Trước khi lên đường, mọi binh lính đều xưng tội. Đoàn quân kéo thẳng tới vịnh Lêpantô, nơi các chiến thuyền Hồi giáo đậu neo. 1g30  trưa ngày 7-10-1571 hai bên đụng độ nhau. Trên một chiếc thuyền nhỏ, tướng Don Juan chạy suốt mặt trận, tay cầm Thánh Giá chỉ huy. Khi tiếng kèn đồng vang lên, mọi quân binh Công giáo kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi và đọc kinh Kính Mừng. Tiếng súng đại bác của quân Hồi nổ vang cả vùng vịnh. Cuộc chiến bắt đầu. Lưc lượng quân Thánh giá đã ít, lại chỉ có 209 chiến thuyền, thêm vào đó gió thổi ngược chiều. Còn quân Hồi vừa đông người, chiến thuyền vừa nhiều, 300 chiếc. Hai bên giáp chiến, đánh xáp lá cà, vật lộn, đâm chém suốt cả tiếng đồng hồ. Tướng Hồi giáo bị thương. Một binh sĩ Thánh giá nhanh chân nhảy sang thuyền của tướng địch, chém đầu. Như rắn mất đầu, quân Hồi giáo phải bỏ chạy để lại 284 chiến thuyền bị đắm, 30.000 quân bị giết, 3500 quân bị bắt làm tù binh.

Ở Vaticanô, Đức Giáo hoàng cùng với mọi người lần chuỗi Mân Côi. Bỗng ngài nhìn qua cửa sổ thấy đám mây trắng báo hiệu chiến thắng. Ngài đã cùng mọi người quì gối tạ ơn Đức Mẹ. Để ghi nhớ ơn Mẹ, Đức Giáo hoàng Piô V đã lập một lễ kính Đức Mẹ vào chính ngày chiến thắng 7-10. Người gọi lễ này là lễ Mẹ Chiến Thắng. Đức Giáo hoàng Innôxentê XI đổi là lễ Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Sau hết, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII đổi là lễ Mẹ Mân Côi.

Chính Đức Mẹ cũng tuyên bố vào ngày 13-10-1917 tại Fatima : “Mẹ là mẹ Mân Côi”. Từ tảng sáng ngày 13-10 người ta đã tuốn về tụ tập tại đồi Cova da Iria. Trời mưa như trút nước. Lầy lội bùn. Dù có che dù, người người cũng ướt đẫm. Tuy rét mướt, họ vẫn cầu nguyện và ca hát. Trong khi đó người ta đem ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta tới. Ba em cũng ướt. Dân chúng chen nhau để được chạm vào ba em, khiến em Giaxinta khóc. Khi thấy ông Ti Marto, ba mình, chen lấn phía sau, em Giaxinta kêu lên : “Hãy để ý đến ba em với”. Khi gần tới cây sồi, mưa càng nặng hạt, đất càng trở thành bùn trơn trượt. Họ đặt ba em xuống bãi bùn. Luxia bắt đầu lần chuỗi, rồi tự nhiên kêu lớn tiếng : “Mọi người hãy bỏ dù xuống !”, rồi nói với Phanxicô và Giaxinta : “Đức Mẹ đang tới ! Chị đã trông thấy chớp sáng”. Bà mẹ của Luxia hồ nghi về việc Đức Mẹ hiện ra, đã nhiều lần đánh đòn Luxia, nên nói với Luxia : “Nhìn kỹ con ơi, cẩn thận kẻo lầm” ! Nhưng con bà đã xuất thần. Một làn mây trắng lan ra chung quanh ba em, cao hơn 5 mét. Người ta nghe Luxia hỏi Đức Mẹ : “Bà muốn con làm gì” ? Đức Mẹ giải ánh sáng trước mặt ba em. Các em thấy mặt Đức Mẹ rất buồn . Đức Mẹ nói : “Mẹ là Mẹ Mân Côi. Mẹ muốn xây một nhà nguyện nơi đây để kính Mẹ. Chúng con hãy tiếp tục lần hạt. Chiến tranh (thế chiến I), sẽ sớm kết thúc, và các quân nhân không bao lâu nữa sẽ được trở về nhà”. Sau đó là phép lạ mặt trời quay.

Đức Mẹ hiện ra ở La Vang cũng là lúc giáo dân lần chuỗi van xin Mẹ. Năm 1798, vì những cuộc bắt đạo của nhà Tây Sơn, đòan con của Mẹ phải chạy trốn vào rừng. Vừa sợ bị giết hại, vừa sợ thú dữ và nước độc nơi núi rừng. Đòan con Mẹ chỉ biết chạy đến Mẹ. Họ tập họp dưới một gốc cây đa, lần chuỗi cầu khẩn Mẹ. Mẹ đã hiện ra. Mẹ rất vui vẻ và rất xinh đẹp. Mẹ mặc áo trắng và có ánh sáng bao quanh. Hai trẻ xinh đẹp đứng hai bên, mỗi đứa cầm một bó đuốc,. Mẹ đi đi lại lại nhiều lần trước mặt những người Kitô hữu đang rất đỗi vui mừng. Chân Mẹ chạm đất. Rồi Mẹ đứng lại. Bằng một giọng rất dịu dàng, Mẹ nói  : “Hỡi các con, các con hãy tin tưởng, các con hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”. Rồi  Mẹ căn dặn hái lá cây chung quanh để chữa bệnh. Nói xong,  Mẹ biến đi, và một luồng sáng bao quanh Mẹ.

Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu như sau : Năm 1885 thời Văn Thân, Mẹ đến cứu đòan con của Mẹ ở Trà Kiệu. Quân Văn Thân đầy đủ súng đạn, có cả đại bác và voi trận. Giáo dân Trà Kiệu làm sao chống  nổi. Vì thế, họ đã lập bàn thờ Mẹ. Đốt nến hai bên. Suốt ngày đêm lần chuỗi van xin Mẹ. Mẹ đã hiện ra trên nóc nhà thờ, đứng hai bên Mẹ là hai đòan thiên thần mặc áo trắng và đỏ. Mẹ đứng che chắn đạn quân Văn Thân bắn vào nhà thờ, và vào con cái Mẹ.

Chuỗi Mân Côi là thuẫn đỡ, là khiên che, là sức mạnh. Nên Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã hết sức siêng năng lần chuỗi.

Thánh Anrê Kim Thông, ông câu họ Gò Thị, Qui Nhơn, đã dựng nhà nguyện dâng kính Mẹ Vô Nhiễm. Tối nào gia đình cũng vây quanh tượng Mẹ để lần chuỗi. Trước khi qua đời, ông đã đọc kinh Kính Mừng.

Thánh Philípphê Phan Văn Minh, cha sở Mặc Bắc, Vĩnh Long, ngày 3-7-1853 bị đưa ra pháp trường chém đầu. Trên đường tiến ra pháp trường, cha vui vẻ, vừa đi vừa lần chuỗi.

Lời Chúa trong thánh lễ Mẹ Mân Côi hôm nay nói đến giá trị của việc cầu nguyện với Đức Mẹ, cách riêng với kinh Mân Côi.

Bđ1 (Cv 1,12-14) là đoạn sách Công Vụ Tông đồ tường thuật bién cố các Tông đồ cầu nguyện với Đức Mẹ : “Tất cả các Tông đồ đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1, 14).

Sách Kinh Thánh ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết : “Đây là cộng đoàn đầu tiên đang cầu nguyện, một nhóm khoảng 120 người (Cv 1,15), trong đó các Tông đồ chiếm một vị trí đặc biệt. Các người phụ nữ được nhắc ở đây trước hết là những bà đã theo Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem (Lc 23,55). Như thánh Gio-an đã kể lại lời Chúa Giê-su đã nói với Thân Mẫu Người đứng dưới chân cây thập giá (Ga 19,26), ở đây thánh Lu-ca cho chúng ta thấy tình mẫu tử thiêng liêng  của Đức Ma-ri-a : Mẹ có mặt ở đó, chia sẻ niềm mong đợi của các Tông đồ. Chắc chắn Đức Ma-ri-a giữ một vai trò có tính quyết định trong những ngày này, những ngày các ông đem ra nghiền gẫm tất cả những gì đã thấy và học hỏi được nơi Chúa Giê-su; chỉ mình Mẹ có thể kể cho các tông đồ về biến cố Truyền Tin, về đời sống ấn dật của Chúa, giúp họ đi vào mầu nhiệm nhân cách thần linh của Người. Nhưng về tất cả những điếu đó thì thánh Lu-ca lại không nói gì: giờ đây Đức Ma-ri-a  lui vào thinh lặng. Khác hẳn các anh em của Chúa đầy tham vọng nắm quyền trong Hội Thánh. Mẹ hiện diện ở đó trầm lắng cầu nguyện. Từ những ngày đầu tiên này, Hội Thánh đã có phẩm trật, nhưng tất cả những người sẽ được lãnh nhận Thần Khí đều là những thành viên thực thụ của ;cộng đoàn’ này, còn gọi là ‘nhóm hiệp thông’ (trang 1871).

BTM (Lc 1, 26-28) là trình thuật sách Tin Mừng theo thánh Luca về biến cố “truyền tin”. Nhờ Đức Mẹ “xin vâng” (Lc 1,38), Đấng Cứu Thế đã xuống thế làm người.

Sách Kinh Thánh 2011 viết : “Bài tường thuất này được viết song đối với với bài tường thuật trước (truyền tin cho ông Da-ca-ri-a). Truyện âm thấm xảy ra  ở làng Na-da-rét nhỏ bé. Sứ mệnh của Đức Giê-su  ban đầu được mô ta giống như của vị Mê-si-a điển hình, với những lời sấm của Is 7,14; 9,6 và 2Sm7,14.16 (x. Cc. 31-33), ròi sau đó, giống như sứ mệnh của vị Con  tuyệt hảo của Thiên Chúa (c.35; Rm 1,4), Một trinh nữ thụ thai mà vẫn còn đồng trinh : đó là dấu chỉ Ngôi Con Thiên Chúa độc nhất và huyền bí này. Hai bài tường thuật song song cho thấy Đức Giê-su  trổi vượt ông Gio-an, cũng như lòng tin có suy nghĩ của  của Đức Ma-ri-a tương phản với thái độ hoài nghi của ông Da-ca-ri-a (trang 2261).

Bđ2 (Gl 4,4-7) là đoạn thư Galat nói đến vai trò của Đức Mẹ trong việc cứu độ : “Khi  thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Mình, sinh làm con  một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, đế chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4).

Sách ‘Lời Chúa Các Chủ Nhật Năm C, Đức cha Nguyễn Sơn Lâm viết : “Quả thật, trong suốt chuỗi, chúng ta luôn thấy và chỉ thấy Đức Ma-ri-a mật thiết kết hợp với Chúa Ki-tô trong công cuộc cứu thế. Cuộc đời của Người và  Đức Ki-tô là một. Cuộc đời ấy với những lao công vất vả và đau thương khổ sở như luôn nói với chúng ta theo lời thánh Phao-lô rằng ‘khi thời viên mãn đã đến, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật để cứu chuộc những người dưới quyền lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền là nghĩa tử.

Phải, cuộc đời của Đức Ma-ri-a đã như vậy và cuộc đời của Đức Ki-tô đã như thế là chúng ta nhận được Thần Khí của Con Thiên Chúa vào  lòng mà kêu lên ‘Abba, lạy Cha’. Mà nếu là con thì chúng ta cũng là người thừa tự mọi lời hứa của Thiên Chúa.

Như vậy, khi lần hạt Mân Côi, chúng ta phải dạt dào mến yêu Chúa Giê-su và Mẹ Người. Chuỗi Mân Côi nói lên  công cuộc cứu thế mà cuộc đời các Ngài đả thực hiện cho chúng ta. Lần chuỗi đến đâu chúng ta phải thấy và mộ mến lòng yêu thương vô cùng quảng đại của các Ngài. Chúng ta phải quí mến ơn gọi Ki-tô hữu  và đời sống đức tin hơn. Nhất là chúng ta phải theo gương các Ngài mà dấn thân nhập thể phục vụ chương trình cứu độ hơn nữa. Đó là cách duy nhất để được thừa tự mọi Lời Hứa và trở nên hữu ích trong Hội Thánh (trang 460).

Cầu nguyện

Lời nguyện đầu lễ

 

Lạy Chúa,

Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin

cho chúng con biết thật

Đức Ki-tô Con Chúa đã xuống thế làm người.

Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con,

để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá

và nhờ lới Thánh Mẫu Ma-ri-a chuyển cầu.

Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen

 

SUY NIỆM II

XIN GIA TĂNG LÒNG TIN

Tuần 27 Thường Niên (2/10/2022)

(Lm Giuse Nguyễn Văn Thú)

            Lời các tông đồ khẩn nài với Chúa: “Thưa Thầy, xin ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5) làm chúng ta ngạc nhiên. Tông đồ mà không có đức tin sao? Tông đồ mà thiếu đức tin sao? Không thể! Và chúng ta tự nghĩ: tôi đã lãnh bí tích Rửa Tội rồi nên tôi an tâm về đức tin của tôi. Từ đó, chúng ta không còn nhìn lại đời sống của mình: có còn đức tin không? Đức tin trong chúng ta đang èo uột hay mạnh mẽ?- Điều Chúa muốn mỗi chúng ta hôm nay là nhìn lại đời sống đức tin của chính mình.

  1. Các tông đồ cần thêm lòng tin

            Khi nhìn lại đức tin của chính mình, các tông đồ đã khẩn xin Chúa ban thêm lòng tin, nghĩa là các ngài đang có đức tin, nhưng đức tin không đủ để theo Chúa.

Đức tin của các tông đồ không đủ nhận ra sự hiện diện của Chúa trong gian nan, thử thách. Thánh sử Luca thuật lại, khi các tông đồ cùng với Chúa Giê-su trong thuyền giữa cơn bão tố, họ đã hoảng sợ, đến nỗi Chúa đã phải trách họ: “Đức tin các con ở đâu?” (Lc 8,25). Đức tin của các môn đệ không đủ mạnh để đón nhận lời Chúa. Họ đã phản ứng “lời gì chói tai” và bỏ Chúa mà đi khi nghe Chúa nói Thịt Máu Chúa là lương thực dưỡng nuôi con người. Đức tin của các tông đồ không đủ vững chãi để theo Chúa đến cùng. Chính Chúa Giê-su báo trước thánh Phê-rô sẽ chối Chúa, nhưng Chúa phù trợ cho Phê-rô khỏi mất đức tin (Lc 22,32). Đức tin của các tông đồ chực chờ mất khi co rúm lại cùng nhau trong căn nhà cửa đóng kín, vì không tin nhận Chúa đã sống lại và đang sống với họ. Không ai rõ đức tin của các tông đồ bằng chính các ngài, vì thế, lời khẩn nài “xin ban thêm lòng tin cho chúng con” là lời chân thành phát xuất từ tâm khảm của các ngài. Còn Chúa Giê-su, Ngài cho các tông đồ thấy thế nào là đức tin mạnh mẽ.

            Đức tin mạnh mẽ là đức tin có sức làm biến đổi đời sống người tin. Người phụ nữ tội lỗi đến bên Chúa Giê-su và can đảm đổ hết dầu thơm trong bình bạch ngọc, là phương tiện phạm tội của chị, để xức chân Chúa, bày tỏ sự dứt khoác với quá khứ tội lỗi và từ nay yêu mến Chúa. Chúa Giê-su khẳng định, đức tin của chị đã cứu chị. Đức tin vững chãi là đức tin hoàn toàn dựa vào tình yêu của Chúa. Viên sĩ quan Rôma đã ủy thác mạng sống của người đầy tớ mình yêu mến cho Chúa với niềm tin tưởng Chúa chữa lành. Như vậy, đức tin Chúa muốn mọi người môn đệ phải có và các tông đồ khẩn xin là đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giê-su, dựa vào Chúa Giê-su như đá tảng cuộc đời, “mắt hướng về Chúa Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2), là đức tin nhận biết Chúa đang sống với tôi như lời Chúa hứa: “Ta ở với con” và sẵn sàng thuận sống theo những lời Chúa dạy, mặc cho lời Chúa đòi hỏi. Đức tin các tông đồ cần gia tăng là đức tin có sức đi trong đêm tối như ngôn sứ Khabacuc đối mặt, một đức tin lớn lên trong thử thách, nghi nan.

            Một đức tin gắn bó với Chúa Giê-su và để đức tin ấy biến đổi cuộc đời mình giữa gian nan là đức tin các tông đồ đang thiếu và các ngài nài xin Chúa: “Xin ban thêm lòng tin cho chúng con.”

  1. Ki-tô hữu cần thêm lòng tin

            Về phần chúng ta, cần nghe lại lời Chúa Giê-su: “Đức tin các con ở đâu?” Chúng ta có nghĩ rằng mình có đức tin mà lại không gần gũi với Chúa Giê-su không? Có thể chúng ta tự hào: tôi đã từng hăng say sống đạo, từng hy sinh nhiều để xây dựng giáo xứ. Nhưng đức tin chỉ của quá khứ là đức tin chết yểu, vì đức tin sống động là đức tin sống với Chúa trong hiện tại. Có ai nghĩ rằng mình có đức tin mà không vâng theo lời Chúa dạy không? Thế mà có thể chúng ta đang rơi vào tình trạng đó, một đàng khẳng định tôi tin vào Chúa Giê-su, nhưng lại không sống theo những đòi hỏi của Đấng mà giáo lý nhiệm nhặt của Ngài gây sốc cho các môn đệ và cũng là Đấng từ chối bất cứ sự nhượng bộ đối với tội lỗi hay sự pha loãng giáo huấn của Chúa. Chúng ta có dám cho rằng người có đức tin chỉ cần nghĩ đến Chúa mà không cần đến với Chúa không? Chúa không khen người thanh niên giàu có ước muốn theo Chúa mà không dám dấn bước lên đường theo Chúa. Người ta có thể có đức tin mà không quan tâm đến đời sống đức tin của người trong gia đình mình không? Chúa khen đức tin của ông sĩ quan Rôma, vì ông biết lưu tâm đến ơn Chúa cho người trong nhà ông. Vì thế, khi nhìn lại đời sống đức tin của mình, chúng ta rất cần lặp lại lời khẩn nài của các tông đồ với Chúa: “Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con.”

            Chính nhờ đức tin được Chúa ban thêm mà các tông đồ đã trở nên chứng nhân cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Chính nhờ đức tin Chúa ban thêm mà chúng ta thuộc về Chúa Giê-su Ki-tô, sẵn sàng chấp nhận tính triệt để của Tin Mừng, mà không một chút uốn nắn hay bỏ qua lời Chúa, không đòi viết lại hay giảm thiểu những đòi hỏi của Chúa. Nhờ được gia tăng đức tin từ Chúa, chúng ta sẵn sàng trao mọi sự cuộc đời ta cho Chúa, không phải một phần nhưng toàn phần, vì nếu chỉ trao cho Chúa một phần, chúng ta chẳng được Chúa đâu. Nhờ đức tin Chúa ban thêm mà chúng ta đón nhận Chúa Giê-su và sống trong hiện tại với Chúa theo các điều kiện của Chúa chứ không phải điều kiện của chúng ta, vì biết rằng dù có rước Mình Thánh Chúa mà không chấp nhận cảm giác khó chịu, đau khổ và cả sự tử đạo đi theo Chúa, thì đức tin đó không phải đức tin đáp lại tình yêu của Đấng đã hiến mình vì chúng ta.

            Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con, một đức tin có sức sống và sức bật của mầm sống trong hạt cải, nhờ đó chúng con tin yêu Chúa, đến gần Chúa hơn, vui thích sống lời Chúa và biển đổi của đời con theo lời Chúa. Xin ban thêm đức tin để chúng con nhận ra Chúa hiện diện trong gia đình con, trong cuộc đời con và trong Thánh Thể chúng con được rước lấy.