Đức Maria, Mẹ Của Những Kẻ Tin
Trong thế giới ngày nay, nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của tôn giáo không phải là chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy lý hay duy nghiệm nhưng chính là sự thờ ơ tôn giáo. Chủ nghĩa cá nhân ngày nay đã tác hại động mạnh mẽ và gây ra một xã hội vô cảm. Con người không chỉ vô cảm với đồng loại nhưng còn thờ ơ với Thiên Chúa, Đấng dựng nên họ. Vì vậy, Giáo hội cần một làn gió mới, cần một cuộc hiện xuống mới của Chúa Thánh Thần, cần phải tân Phúc âm hoá đời sống đức tin của các tín hữu. Tháng mười, tháng Mân Côi, tháng mà Giáo hội đặc biệt mừng kính Đức Trinh Nữ Maria đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó cho Mẹ. Tôi đã hỏi Chúa Giêsu và Ngài chỉ dạy tôi hãy chiêm ngắm đời sống đức tin nơi Mẹ để rút ra cho mình những cảm nghiệm đức tin nơi Mẹ. Các tín hữu ngày nay cũng cần nhìn đến cảm thức đức tin của Đức Maria để cảm nhận sâu sắc sự hiện diện của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.
Đức Maria có một đức tin vượt quá trí hiểu của con người. Sao ta có thể nghĩ rằng Mẹ có thể tin những gì Sứ Thần đã loan báo (X.Lc 1, 26-38). Những điều ấy thật là phi lý: trái với những quy luật tự nhiên và vượt quá sự hiểu biết của con người. Chắc chắn Đức Maria đủ nhận thức để hiểu rằng việc mang thai là sự kết hợp giữa người nam và người nữ, nhưng đức tin của Mẹ đã vượt trên nhận thức ấy. Chính bởi nhờ niềm tin vào lời Thiên Chúa hứa mà Mẹ được muôn ngàn thế hệ ngợi khen là người phụ nữ diễm phúc (X.Lc 1, 45). Cũng nhờ đức tin của Mẹ mà mọi dân tộc trên thế giới đón nhận Đấng là chính phúc lành của Thiên Chúa: “Giêsu con lòng bà gồm phước lạ” (GLHTCG số 2676).
Dẫu biết rằng đức tin của con người là ơn huệ siêu nhiên được Thiên Chúa tặng ban, vì đó là sáng kiến mạc khải đến từ Thiên Chúa. Nhưng đức tin cũng là hành vi của con người trong việc lắng nghe lời Chúa. Đức Maria đã nỗ lực cộng tác vào ơn huệ của Thiên Chúa bằng việc lắng nghe và suy gẫm lời Chúa. Mẹ luôn suy đi nghĩ lại những biến cố trong đời để tìm ra ý muốn của Thiên Chúa. Nhờ vào lắng nghe và suy niệm thánh ý Thiên Chúa mà Mẹ có thể khám phá ra và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa nơi Con của Mẹ. Mẹ đã bảo các gia nhân trong tiệc cưới Cana: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 1-12). Đức tin của Mẹ thật táo bạo khi tin rằng Chúa Giêsu có thể tỏ lộ quyền năng khi Ngài chưa hề làm như vậy trước đó và đó là phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Đức tin của Đức Maria không phải là đức tin mù quáng nhưng nó xuất phát từ sự cảm nghiệm và lắng nghe sâu sắc lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Thánh Giacôbê Tông đồ đã quả quyết rằng: “Đức tin mà không đi đôi với hành động thì nào có ích gì” (Gc 2, 14) và “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Đức tin của Đức Maria xuất phát từ việc lắng nghe và nổi bật hơn cả là đi đến việc vâng phục. Suốt cuộc đời của Mẹ là một điệp khúc nói tiếng “xin vâng”. Mẹ luôn vâng phục Thiên Chúa với trọn vẹn ý thức và tự do. Chính nhờ tiếng “fiat” Mẹ đã thốt lên cách có ý thức và tự do trong ngày truyền tin đã mở ra trang cuối cùng của lịch sử cứu độ. Cũng chính vì vâng phục đức tin mà Mẹ bước vào một thế giới mờ tối và vô định: Mẹ phải giải thích sao khi đối diện với Giuse, với gia đình và những người xung quanh? Mẹ phải làm gì để nuôi dưỡng Người Con không cha? Mẹ phải nuôi dạy Con Thiên Chúa thế nào? Tương lai của hai Mẹ Con sẽ đi đâu và về đâu? Vì vâng phục, Mẹ bước đi trong sự phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Vì vâng phục, Mẹ phải chịu bảy sự đau đớn. Sự vâng phục ấy đã đưa Mẹ đến chân thập giá cùng chịu những đau khổ của Con Mẹ và hiệp thông ban ơn cứu độ cho nhân loại.
Đức tin nơi Đức Maria và tổ phụ Abraham có một sự liên kết chặt chẽ và trùng khớp với nhau. Abraham đã tin vào lời hứa là ông sẽ có con trong lúc tuổi già và ông sẽ trở thành cha nhiều dân tộc đông đúc (X.St 17,4-8; 18,10). Đức Maria cũng tin vào lời hứa Mẹ sẽ thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Con của Mẹ sẽ là Đấng Tối Cao, Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (X.Lc 1,32-33). Abraham vì vâng phục đức tin nên đã bước vào cuộc sống vô định. Ông từ bỏ xứ sở và họ hàng để đi đến nơi mà Thiên Chúa hứa ban (St 12, 1). Ông đã đi và không biết mình phải đi đâu. Ông đã từ bỏ sự khôn ngoan của con người để vâng phục Thiên Chúa. Đức Maria sau khi nói lời xin vâng cũng bước vào đêm tối giông bão và vô định. Mẹ phải làm gì với lời hứa không rõ ràng của Thiên Chúa? Trước những nghịch cảnh, Mẹ không nao núng nhưng phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Abraham vẫn đặt niềm hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa khi mọi chuyện trở nên bế tắt. Thiên Chúa ban tặng cho ông người con duy nhất và hứa cho ông trở thành người cha nhiều dân tộc nhưng rồi Thiên Chúa lại đòi lại món quà duy nhất ấy. Niềm hy vọng duy nhất của ông giờ Thiên Chúa muốn lấy đi. Trước thử thách đau đớn ấy, ông vẫn hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa. Đức Maria cũng có một người Con được Thiên Chúa hứa ban, Người con ấy sẽ nắm giữ ngai vàng David. Nhưng rồi Thiên Chúa đã cất đi tất cả. Với Isaac Thiên Chúa chỉ thử thách nhưng không giết chết (X.St 22,12), còn với Đức Giêsu mọi chuyện như đã kết thúc với cái chết của Ngài. Trước cái chết của Người Con, Đức Maria vẫn đứng vững (X.Ga 19,25- 30). Mẹ vẫn giữ niềm hi vọng trong lúc mọi người thất vọng. Đức tin của Mẹ vẫn ngời sáng trong một bầu trời giông bão và đen tối. Đức tin nơi Đức Maria và Abraham đều vượt khỏi trí hiểu của con người. Con người khó có thể tưởng tượng được có một niềm tin mạnh mẽ như vậy. Đức tin ấy đều đưa Đức Maria và Abraham vào một thế giới vô định, vượt ra khỏi những dự tính của con người. Đức tin ấy cũng mang đến một niềm hi vọng vô tận trong lúc mọi người đều thất vọng. Nếu vì đức tin Abraham trở thành phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới thì cũng nhờ đức tin, Đức Maria trở thành Mẹ của các kẻ tin (GLHTCG số 2676).
Con người ngày càng sống vô cảm và thờ ơ với Thiên Chúa vì họ cảm thấy cuộc sống này quá đầy đủ không còn cần đến Thiên Chúa. Nhưng đâu phải kiếp người chỉ toàn là vui vẻ, thoải mái, hưởng thụ,… mà còn có những đau khổ do bệnh tật, tai ương, lừa dối,… Nếu con người không có một kinh nghiệm sống đức tin thì sẽ chẳng thể nào vượt qua được những đau khổ ấy. Thân phận của con người rất nhỏ bé và yếu đuối. Nếu chỉ dựa vào sức mình, ta sẽ gục ngã hay trốn chạy trước đau khổ bằng những khoái lạc hão huyền. Kinh nghiệm đức tin là cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và thánh ý của Ngài trên cuộc đời ta. Đức tin sẽ cho ta kinh nghiệm và sức mạnh đến từ Thiên Chúa, giúp ta vượt qua đau khổ và nhận ra thân phận mỏng giòn của con người. Chỉ cần đức tin bằng hạt cải ta cũng có thể bảo cây dâu xuống biển mà mọc (X.Lc 17,6). Đức Maria vì tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa nên đã đứng vững trước đau khổ tột cùng khi Mẹ dưới chân thập giá. Sự vâng phục đức tin cũng có thể khiến ta gặp đau khổ hoặc bước vào một thế giới vô định. Vì sống đức tin nên ta chấp nhận giữ những lề luật, những ràng buộc khiến ta mất sự tự do (theo người đời). Nhưng đức tin cho ta một niềm hy vọng lớn lao vào sự quan phòng của Thiên Chúa khi ta đối diện với đau khổ. Ta bán bỏ sự khôn ngoan của mình để đổi lấy thánh ý của Thiên Chúa. Thiên Chúa cho phép đau khổ xuất hiện với những kẻ tin là để tôi luyện đức tin của họ và để họ kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá nhằm sinh ơn cứu độ cho họ và cho người khác. Thiên Chúa đã thử thách và tôi luyện đức tin ông Gióp bằng những đau khổ không có thể vượt qua nhờ sức người. Nhờ thử thách đó cho thấy đức tin của ông sáng ngời và vững mạnh. Vì vâng phục đức tin nên Đức Maria đón nhận những đau đớn cùng với Con của Mẹ để hiệp thông ban ơn cứu độ cho con người. Để có được một đức tin vững mạnh không gì ngoài việc tôi luyện trong đau khổ. Lắng nghe lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng cũng là phương thế cộng tác với ơn Chúa làm tăng trưởng đức tin nơi ta. Điều quan trọng của việc lắng nghe là giữ cho tâm hồn một sự thinh lặng và cô tịch. Nhờ thịnh lặng và cô tịch ta có thể nhận ra tiếng Chúa nói qua Thánh Kinh, trong sâu thẳm của tâm hồn, qua các biến cố hằng ngày và qua những người khác. Đức Maria luôn suy đi nghĩ lại trong lòng những biến cố trong cuộc đời để nhận ra thánh ý Thiên Chúa để rồi vâng phục.
Đức Maria là mẹ của những kẻ tin. Do đó Mẹ cũng là mẹ của mỗi người chúng ta. Nhờ đức tin sáng ngời, Mẹ đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua những đau khổ trong cuộc đời trần thế. Mẹ là ngôi sao sáng dẫn đường chỉ lối và ban ơn cho chúng ta trong những đêm dông bão của cuộc đời. Trong kiếp người, chúng ta chắc chắn cũng sẽ gặp những đau khổ dường như không thể vượt qua. Khi đó, chúng ta hãy bước theo Mẹ, noi gương Mẹ lắng nghe, tin tưởng và vâng phục Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta có thể đón nhận đứng vững và vượt qua đau khổ, đi đến bến bờ hạnh phúc.
Tác giả
Cánh én
Nguồn: dongten.net