Chúa Nhật XXIX Thường Niên C
CN 29 TN NĂM C
16-10-2022
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Nhượng Nghĩa
GIÁO HUẤN SỐ 47
MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Các lãnh vực cần phát triển (tt)
Thiên nhiên đặc biệt hấp dẫn nhiều thanh thiếu niên nhận ra nhu cầu phải quan tâm chăm sóc mội trường. Đây là trường hợp của Hướng Đạo và các nhóm khác muốn khích lệ sự gần gũi thiên nhiên, khuyến khích những chuyến cắm trại, đi bộ, thám hiểm, và những chiến dịch cải thiện môi trường. Trong thinh thần của thánh Phánxicô Assisi, những kinh nghiệm này có thể là một khởi điểm thực sự cho trường học sống tình huynh đệ phổ quát và cho cầu nguyện chiêm niệm (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 228).
SUY NIỆM 1
CN 29 TN NĂM C
Xh 17,8-12; 2Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8
(Lm Giuse Nguyễn Trung Thành)
Tinh thần cầu nguyện của giáo đoàn VN tiên khởi
Với sự thúc đẩy của các quan ghét đạo và các vương phi, Trịnh Tráng ra chỉ thị cấm đạo. Đại khái : ‘Hoàng Thượng ban sắc dụ cho nhân dân biết; từ trước đến nay, như trẫm biết, thì các Tây giang đạo trưởng ở trong triều của trẫm không có dạy nhân dân những đạo lý sai lầm hại dân hại nước, nhưng để đề phòng những điều có thể xảy ra sau này, những âm mưu ngấm ngầm mà trẫm chưa biết, trẫm cấm ngặt từ nay các thần dân của trẫm không được đi lại với các đạo trưởng và tin theo đạo đó nữa’.
Sắc chỉ được viết trên mảnh gỗ lớn cắm ngay cửa nhà các cha. Hôm đó ngày lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Sau khi giải tán giáo dân để tránh những tai hại xảy đến. Hai cha (Đắc Lộ và Marques) qùi cầu nguyện trước bàn thờ, sẵn sàng chờ đợi những sự không hay xảy đến. Bị quản thúc, hai cha lợi dụng thời gian để tĩnh tâm. Thời gian kéo dài 4 tháng. Nhiều lần các cha xin gặp nhà chúa để minh oan, đều không được.
May mắn, tổ chức Thày Giảng đã được thành lập. Tất cả trách nhiệm trông coi giáo đoàn, giảng dạy tân tòng đều nhờ các thày. Không thể họp chung ở nhà thờ, thì phân tán trong 6 xóm đạo. Chúa nhật, lễ trọng bí mật họp ở các tư gia, để đọc kinh, nghe giảng dạy (Nguyễn Hồng, Giáo đoàn Kẻ Chợ với những thử thách đầu tiên, trang 124-125).
Lời Chúa trong thánh kễ hôm nay, qua ba bài đọc, cũng nói những ích lợi của việc cầu nguyện.
Bài đọc 1 (Xh 17,8-12) : Bđ1, sách Xuất Hành, nói đến việc cầu nguyện của ba ông Mô-sê, A-ha-ron và Khua. Nhờ việc cầu nguyện, ông Giô-suê đã thắng quân A-ma-lếch. Sách kể : ‘Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế, còn khi ông hạ tay xuống thì quân A-ma-lếch thắng thế. Khi ông Mô-sê mỏi tay, người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông A-ha-ron và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên’ (17, 11-12).
Bài Tin Mừng (Lc 18,1-8) : Sách ‘Tin Mừng Theo Thánh Lu-ca’ của ông William Barclay viết : ‘Bà góa tượng trưng cho hết thảy những người nghèo nàn, cô thân cô thế. Dĩ nhiên vì không tiền bạc, bà ta chẳng hy vọng gì được xét xử công bình bởi một quan tòa như vậy. Nhưng bà ta có khí giới là kiên trì. Rất có thể, điều mà quan tòa này sợ là một loại bạo lực nào đó. Từ được dịch là ‘quấy rầy’, có nghĩa là ‘kẻo nó làm cho mắt ta tối đen’. Chúng ta có thể mất bằng hai cách ‘hoặc bằng giấc ngủ hoặc do những cú đấm’. Dù sao cuối cùng sự kiên trì của bà ta đã thắng’ (Dương Đình Tảo chuyển dịch, trang 211).
Bài đọc 2 (2Tm 3,14-4,2) : Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô viết về bđ2 như sau : ‘Bài thư Phao-lô hôm nay không trực tiếp nói vè việc cầu nguyện. Đây chỉ là một đoạn trong thư II gửi cho Ti-mô-thê. Chúng ta đã được biết ông này bấy giờ đã rả rời chán nản vì thấy Phao-lô, thầy mình, bị xiềng xích và giải sang Rô-ma. Thầy mà như vậy thì trò sẽ như thế nào? Công việc của thầy rốt cuộc đã đi đến xiềng xích, thì tiếp tục rao giảng Tin Mừng như Thầy đã dạy bảo sẽ đi đến đâu ? Phao-lô gửi ngay cho Ti-mô-thê : ‘Con hãy bền vững trong các điều con đã học… và hãy cứ rao giảng Lời Chúa’.
Thử thách mà Ti-mô-thê gặp phải cũng giống như việc con cái Israel gặp Amalek, và cũng như những lúc chúng ta thấy chán nản trong việc cầu nguyện. Tất cả đều là cám dỗ và trở ngại khiến chúng ta giảm bớt lòng tin vào Chúa và đời sống đạo đức của chúng ta không còn tín nghĩa nữa. Phao-lô hôm nay giúp Ti-mô-thê một phương pháp : ‘Hãy cầm lấy Thánh Kinh như Mô-sê cầm cây gậy leo lên núi’ (Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm C, trang 392-393).
Cầu nguyện
Tv 120,1
Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi
ơn phù hộ tôi đến từ nơi nao ?
Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa
là Đấng dựng nên cả đất trời.
SUY NIỆM II
CẦU NGUYỆN LÀ MỘT CUỘC CHIẾN
Tuần 29 Thường Niên (Hội An 16/10/2022)
Lm Giuse Nguyễn Văn Thú
Một phóng viên người Đức, Peter Seewald, đã hỏi Đức Bênêđíctô XVI: Đức Thánh Cha có nói chuyện với Chúa cách tự nhiên như khi gọi điện thoại không? – Đức Bênêđíctô trả lời: “Tôi biết Chúa luôn có đó và Ngài dĩ nhiên biết tôi là ai và tôi là người như thế nào… Tôi có thể trao đổi với Chúa những chuyện thật đơn giản, thật riêng tư, thật khó chịu cũng như những điều lớn lao. Tôi gặp Chúa dễ dàng, suốt ngày luôn có thể nói chuyện với Chúa.”[1] Có những lúc chúng ta có kinh nghiệm đức tin đó, rất dễ dàng cầu nguyện với Chúa và cầu nguyện sốt sắng, nhất là những lúc được như ý nguyện xin như lời Chúa nói: “Xin thì sẽ được.” Tuy nhiên, Đức Bênêđíctô chia sẻ tiếp: “Nhiều lúc tôi cứ loay hoay với câu hỏi: tại sao Chúa không giúp tôi nhiều hơn? Đôi khi tôi thấy Chúa khó hiểu. Những khi bất chợt gặp bực tức, tôi cũng cảm thấy Chúa bí ẩn và xa lạ.” Thì ra, như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định: “Cầu nguyện là một cuộc chiến” (Sách GLHTCG, 2725), nên Chúa dạy chúng ta: “Phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng” (Lc 18,1).
- Cầu nguyện là một cuộc chiến
Người đàn bà góa được nói đến trong dụ ngôn này đang đi vào cuộc chiến. Là người góa bụa, trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, bà không còn nơi nương tựa, không ai bênh vực công lý cho bà, dù bà đang bị người khác ức hiếp. Nay bà lại phải đến gõ cửa một quan tòa không kính sợ Thiên Chúa, không biết kính trọng con người, không tôn trọng công lý. Bà phải trải qua một cuộc chiến trong bản thân: phải bỏ cuộc hay phải kêu nài không ngừng? Bà đã chọn kêu nài không ngừng và bà đã được toại nguyện. Chúa Giê-su khen sự kiên trì van nài của bà.
Đến đây, Chúa Giê-su cho chúng ta một sự thật bất ngờ, đó là Thiên Chúa không như ông quan tòa ấy, mà là Đấng hằng yêu thương chúng ta. Chúa bảo, ông quan tòa bất lương còn vì sự quấy rầy của người đàn bà góa mà phải minh xét cho bà, huống hồ “Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài sao?” Thiên Chúa là Đấng thương xót, đặc biệt thương xót những người khốn khổ, những người chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Đó là sự thật. Và Thiên Chúa là Cha đã biết rõ con cái cần gì, trước khi con cái cầu xin (x. Mt 6,8). Chúng ta đâu có xin có ánh sáng, thế mà Chúa cho chúng ta mặt trời. Chúng ta đâu có xin khí thở, thế mà Chúa cho ta cả một bầu khí bao la. Chúng ta đâu xin cho trái tim ta đập nhịp, thế mà Chúa cho ta một trái tim miệt mài đập nhịp v.v. Tuy nhiên, kinh nghiệm bản thân cũng cho ta biết, không phải mọi lời cầu xin của ta được Chúa ban ơn cho ngay từ lời cầu xin đầu tiên. Có khi được Chúa ban cho được như ý ngay, có khi phải chờ vài ngày, vài tháng, vài năm trước khi Thiên Chúa đáp lời. Vậy Chúa muốn gì khi dường như Ngài trễ nải đáp lời ta cầu xin? Quả thật, chúng ta đang đi vào một cuộc chiến: Tôi bỏ cuộc hay phải không ngừng cầu xin? Và tại sao phải cầu xin liên lỉ?
- “Phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng”
Những quyết định của các nhân vật lớn trong Thánh Kinh cho ta nhiều hiểu biết ý nghĩa cuộc chiến trong đời cầu nguyện này. Mô-sê đã cầu nguyện không ngừng trong trận chiến giữa Israel với quân A-mê-léc. Hễ Mô-sê giơ tay lên cầu nguyện, thì dân Israel thắng thế; hễ Mô-sê buông tay không còn cầu nguyện, thì dân Israel thua trận. Vì thế, có hai người đã đỡ tay cầu nguyện của Mô-sê để dân Israel chiến thắng. Biến cố này quả quyết, chỉ Thiên Chúa là sức mạnh và là Đấng duy nhất bảo vệ dân Chúa và buông lời cầu nguyện là buông bỏ sức mạnh và mất nơi nương tựa. Từ đó, Đức hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận cho chúng ta kết luận: “Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin và phản bội Hội Thánh ư? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính là họ bỏ cầu nguyện từ lâu” (ĐHV, 124). Người Ki-tô hữu sẽ mất tất cả, khi không còn cầu nguyện.
Trường hợp của ông Gia-cóp cho ta hiểu phải kiên trì cầu nguyện như đang trong một cuộc chiến, bỏ cuộc là mất ân phúc. Vì sợ khi phải đi qua vùng đất của anh Ê-sau, người có hiềm khích với mình, ông Gia-cóp đã nài xin Đức Chúa ban ơn lành cho ông. Đêm đó, ông có thị kiến vật lộn với một người, mà sau này ông nhận ra đó là Thiên Chúa. Gia-cóp dùng hết sức của mình cứ níu lấy Thiên Chúa suốt đêm đến sáng, không buông thả. Ông nói: “Tôi sẽ không buông Ngài ra, nếu Ngài không chúc phúc cho tôi.” Dẫu rằng ông bị thương tích trong cuộc vật lộn ấy, nhưng cuối cùng ông đã được Thiên Chúa ban phúc, vì ông không rời bỏ Thiên Chúa. Qua đó ta biết, Thiên Chúa là Đấng luôn luôn ta cần đến mọi lúc và mọi nơi, nhờ Ngài ta có được ân phúc và được kết hiệp với Ngài, nên Ki-tô hữu phải kiên trì và chấp nhận khó khăn như trong một cuộc chiến vậy. Có ai chiến thắng mà không cần chiến đấu? Có ai muốn được gần gũi và được ân phúc của Chúa mà không cần cầu nguyện?
Đức cha Jeffrey M. Monforton chia sẻ: tôi bắt đầu ngày sống bằng đọc kinh Nhật Tụng, tiếp đến tôi dâng thánh lễ, tôi cầu nguyện và nguyện gẫm sau thánh lễ. Trong ngày, ngoài việc đọc kinh Nhật Tụng, tôi còn lần hạt Mân Côi và dâng lên Chúa lời cám ơn, lời cầu xin ơn này, ơn khác. Trong mọi lúc cầu nguyện, tôi xin Chúa cho tôi thực hiện ý Chúa hơn là đòi hỏi Chúa làm theo yêu cầu của tôi.
Ước mong mỗi chúng ta nhớ đến lời Chúa dạy: “Phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng,” để chúng ta chiến đấu với tính biếng nhác và hay nản lòng trong việc cầu nguyện. Xin Chúa cho chúng ta nhớ đến nhu cầu của bản thân, của gia đình, của giáo xứ và toàn thể thế giới cùng Hội Thánh, để chúng ta kiên trì nài xin ơn Chúa như Mô-sê, như Gia-cóp: “Tôi sẽ không buông Ngài ra, nếu Ngài không chúc phúc cho tôi.” Xin Chúa cho chúng ta nối kết với Chúa hằng ngày qua lời cầu nguyện và cho chúng ta được ơn ích nhờ ơn Chúa ban qua lời cầu nguyện.
[1] Joseph Ratzinger (Benedict XVI), Thiên Chúa và Trần Thế: Tin và Sống Trong Thời Đại Ngày Nay (Tp HCM: Nxb Tôn Giáo, 2011), 13-14.