Đại Hội FABC 50 – Ngày VI – Những Thực Tế Đang Nổi Lên Tại Châu Á (phần 2)


FABC Media

WHĐ (20.10.2022) – Ngày 18. 10. 2022, Đại hội FABC 50 bước vào ngày làm việc thứ sáu với Thánh lễ do Đức Hồng y Jose Fuerte Advincula Jr. chủ tế.

Đức hồng y Jose Fuerte Advincula Jr.

Tại St. Michael’s Hall, Đức hồng y Oswald Gracias, chủ sự các phiên họp trong ngày, hướng dẫn cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đại hội (The Adsumus). Giờ Kinh Sáng, do quốc gia Sri Lanka phụ trách qua hình thức trực tuyến, với sự điều khiển của Sơ Nilanthi Ranasinghe, FMM.

Sau đó, Đại hội tiếp tục phân đoạn thứ hai về “Những thực tế đang nổi lên tại châu Á”.

– Phiên đầu tiên trong ngày với chủ đề “Youth: A Voice for the Church” (Giới trẻ: Một Tiếng Nói đối với cho Giáo hội) bắt đầu với các cuộc thảo luận nhóm về mối quan tâm và vai trò của Giới trẻ trong Giáo hội. Diễn giả đầu tiên, linh mục Akira Takayama, Tuyên úy mục vụ giới trẻ tại Giáo phận Takamatsu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các linh mục trong việc lắng nghe giới trẻ và tái Phúc âm hoá vì tương lai của Giáo hội. Cha chia sẻ những điểm chung từ giới trẻ và các hội đồng linh mục tại Nhật Bản: sự cần thiết của việc hợp tác với giới trẻ; vị thế của Giáo hội khác với vị thế của gia đình, nơi làm việc, và trường học; tầm quan trọng của giới trẻ lớn hơn nhiều so với việc chỉ xem họ là một lực lượng làm việc cần mẫn và lý tưởng trong các hoạt động của giáo xứ; cần những vị mục tử cung cấp sự hướng dẫn tâm linh và ân cần đối với sự phát triển của giới trẻ.

+ Sau đó, Đức Hồng Y Gracias đã mời anh Anthony Judy và cô Ashita Jimmy đại diện nhóm giới trẻ hiện diện lên chia sẻ. Sứ điệp họ muốn gửi tới Đại hội là lời khẩn nài được lắng nghe; 5 năm kể từ Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới về Giới Trẻ (2018), đã đến lúc để lưu tâm và nhìn lại xem Giáo Hội đã tiến triển như thế nào. Đồng thời, cả hai cũng nhấn mạnh nhu cầu của giới trẻ là muốn nhận được sự tin tưởng, quan tâm, đối thoại, và đồng hành từ những vị hữu trách trong Giáo hội.

+ Tiếp đến, ông Gregory Pravin, một nhân viên mục vụ giới trẻ tại Tổng giáo phận Kuala Lumpur chia sẻ về hậu quả của Đại dịch đã khiến những người sống trong thế giới kỹ thuật số và chủ nghĩa cá nhân, trong sự tự đủ cho mình, không còn khao khát Thiên Chúa ra sao. Khi thách thức cử tọa chuyển đổi câu chuyện từ “sự vắng bóng của giới trẻ” thành “Tôi vắng mặt nơi những người trẻ“, và các mục tử không chỉ là những vị chủ chăn mà còn cần trở nên những người đi tìm kiếm chiên lạc. Ông Pravin nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập những cấu trúc mới, đồng thời phát triển các công cụ và phương pháp nhằm hướng dẫn giới trẻ trở lại với trải nghiệm của sự thuộc về Giáo hội cách trọn vẹn.

– Đề tài thứ 2 “New Pathways for the Role of Women for the Church in Asia” (Những lộ trình mới dành cho vai trò của phụ nữ đối với Giáo hội tại châu Á), do các thành viên của Ecclesia of Women in Asia (Giáo hội của Phụ nữ tại châu Á) trình bày: Tiến sĩ Stephanie Puen, giáo sư thần học tại Đại học Ateneo de Manila University; Tiến sĩ Mary Yuen, giáo sư thần học tại Chủng viện Holy Spirit Seminary of Theology and Philosophy Hongkong; và Sơ Rasika Pieris, một nhà hoạt động nhân quyền, thuộc tỉnh dòng Colombo, Hội dòng Sisters of the Holy Family. Các diễn giả giới thiệu bối cảnh và gia cảnh của nhiều vấn đề mà phụ nữ châu Á phải đương đầu, có thể kể đến sự phân biệt đối xử, não trạng khinh ghét phụ nữ, vai trò kép (vừa làm cha vừa làm mẹ),

sự chênh lệch thu nhập vì giới tính, và bạo lực gia đình.

+ Trước hết, Tiến sĩ Stephanie Puen đưa ra khái niệm về sự quan tâm công bằng, nêu rõ sự quan tâm dành cho phụ nữ thường bị đánh giá thấp như thế nào. Bà khẳng định rằng sự quan tâm phải là trách nhiệm của tất cả mọi người, nó cần được đáp ứng và song hành với sự liên đới, thông tri, tin tưởng và tôn trọng. Để được như vậy, bà kêu gọi cử tọa hãy tạo ra một văn hóa của sự quan tâm.

+ Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, Tiến sĩ Mary Yuen nhấn mạnh những vấn đề kinh tế – xã hội mà phụ nữ châu Á phải đương đầu, nhất là giai đoạn hậu đại dịch. Bà đưa ra những đáp ứng mục vụ mà Giáo hội có thể thực hiện, chẳng hạn như: việc chăm sóc mục vụ, trung tâm hỗ trợ, trung tâm về khủng hoảng gia đình, và sự đảm bảo về quyền và phẩm giá cho phụ nữ. Khi nói thêm rằng trong khi có nhiều phụ nữ hoạt động cách tích cực, Tiến sĩ Yuen mời gọi Giáo hội lưu tâm đến những nơi có hệ thống phẩm trật mang tính phân biệt giới tính, cần tăng cường sự tham gia và giới thiệu thần học dành cho phụ nữ.

+ Về phần mình, Sơ Rasika Pieris khi ghi nhận “phẩm chất nam giới không bị đe dọa bởi lời kêu gọi bình đẳng đối với nữ giới” đã trình bày một số điểm có thể dẫn đến việc phụ nữ châu Á trở thành tác nhân của sự chuyển đổi xã hội. Ủng hộ những cấu trúc xã hội thay thế xóa bỏ sự phân cấp giới tính; một nền thần học phản ánh về sự đấu tranh của phụ nữ và thành phần thiểu số; và một hình ảnh tiếp đón hơn về Thiên Chúa, Sơ Pieris nhấn mạnh sự cần thiết của phụ nữ để trở thành những công dân có quyền đưa ra quyết định chính thức, và tư cách môn đệ bình đẳng trong Giáo Hội.

– Sau đó, Bà Christine Nathan, Chủ tịch Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế (International Catholic Migrant Commission- ICMC), khi giải thích Di cư là một vấn đề lớn chạm đến hơn một triệu sinh mạng như thế nào, đã trình bày về nhiều cuộc đấu tranh kinh tế xã hội; những vấn đề liên quan đến nạn buôn người; việc làm không an toàn; lao động nô lệ; và sự phân biệt đối xử mà những người dân di cư phải đối diện. Bà Nathan cũng cung cấp những cách thế, mà qua đó, Giáo hội có thể hỗ trợ, ví dụ như: vận động cho những hợp đồng tốt hơn, bảo vệ nhân quyền, điều kiện làm việc an toàn hơn, công việc và nơi làm việc rõ ràng hơn; tạo cơ hội làm việc hợp lệ; và biến việc di cư trở thành một lựa chọn chứ không phải là điều bắt buộc.

– Sơ Abby Avelino MM, điều phối viên khu vực châu Á của Talitha Kum, phác hoạ công trình rộng lớn và bao quát mà Talitha Kum thực hiện. Talitha Kum là một mạng lưới quốc tế chống buôn người do Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (UISG) thành lập. Một cách cụ thể, Sơ Avelino cho thấy, ở cấp độ cơ sở, Talitha Kum cộng tác để hành động, nâng cao nhận thức, sát cánh với những thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội, với những chương trình vừa hướng tới việc phòng chống nạn buôn người vừa chăm sóc nạn nhân, tìm kiếm sự chữa lành, và tăng thêm sức mạnh đối với những người sống sót.

– Đức hồng y Vincent Nichols, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và xứ Wales, qua màn hình trực tuyến, gửi tới một sứ điệp khi nhìn nhận rằng: bất chấp nhiều nỗ lực của nhiều người, cuộc chiến chống lại nạn buôn người vẫn đang thất bại. Đồng thời, ngài khuyến khích các tham dự viên dành nhiều thời gian và nỗ lực hướng tới việc ngăn chặn nạn buôn người bao nhiêu có

thể.

 Linh mục Fabio Bagio CS, từ Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, đã giải thích phạm vi và mục đích của Bộ, sự tham gia của Bộ vào các sứ mệnh xã hội, và cung cấp sự hỗ trợ khi cần thiết trong suốt thời gian Đại hội.

Đức Tổng Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi SVD, nguyên Chủ tịch Caritas châu Á, hướng dẫn bài suy tư về “Fratelli Tutti: A Call to Human Fraternity” (Fratelli Tutti: Lời kêu gọi đến tình huynh đệ nhân loại). Sau khi giải thích bối cảnh đại dịch mà qua đó Đức Thánh Cha đã công bố Thông điệp Fratelli Tutti, ngài suy tư về những khía cạnh của thông điệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phụ thuộc lẫn nhau, sự hài hòa trong đa dạng và tình liên đới. Khi nêu bật ý niệm mọi Kitô hữu đều được kêu gọi để trở thành chứng nhân của Tin mừng, ngài mời gọi cử tọa tự vấn về cách mà họ có thể gieo rắc niềm hy vọng trong thế giới hiện tại.

Ngày thứ 6 của Đại hội kết thúc với giờ Giờ Kinh chiều, được truyền cảm hứng từ St. Julian of Norwich, do Đức Hồng Y Gracias chủ sự.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: fabc2020.org (19. 10. 2022)