Bài 5: Lòng Thương Xót Với Hỏa Ngục
BÀI 5 : LÒNG THƯƠNG XÓT VỚI HOẢ NGỤC
Một vấn nạn thần học được đặt ra là : làm sao có thể dung hoà lòng Chúa thương xót với hình phạt hoả ngục đời đời ?
Có nhiều người vì gẫm suy lòng Chúa thương xót vô biên nên đã không muốn nhận sự hiện hữu của hoả ngục.
Nhưng Lời Chúa về hoả ngục thì rất rõ ràng : lửa không hề tắt ; tối tăm… (Mt 5, 29-30 ; Lc 12, 5 ; Mt 10, 28 ; Mt 13, 50 ; 22, 13 ; 24, 51 ; 25, 30 ; II Pr 2, 4-17 ; Mt 18,8 ; 25, 41 ; Mc 9, 48 ; Kh 19, 20) Ấy là chưa nói đến óc tưởng tượng của các họa sĩ : cưa, xẻ, những quỉ dữ đen đủi, gớm ghiếc, dữ dằn…
Dĩ nhiên, những hình ảnh về hoả ngục trên phải hiểu theo nghĩa bóng ! Nghĩa là một hình phạt ghê gớm ; trái ngược với hạnh phúc tuyệt vời là phần thưởng.
Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa duy nhất toàn năng mà lại đầy lòng thương xót, thì một hình phạt ghê gớm như vậy có thể hiểu được không ? Nhất là khi hình phạt đó lại là vĩnh viễn, đời đời !
Nếu ta tìm hiểu theo nghĩa vừa nói trên : hoả ngục là cái gì ngược hẳn lại với hạnh phúc được coi là phần thưởng, thì sự xung khắc giữa “hoả ngục (><) lòng thương xót” sẽ không còn “quyết liệt” đến nỗi không thể đi đôi với nhau được !
Vì nếu khách quan mà nói : người không được một thứ hạnh phúc nào đó (hạnh phúc gia đình vợ con đầy đủ, an vui chẳng hạn) không có nghĩa là họ phải khổ ! Người đi tu đâu phải là người khổ ?! Có khi trái ngược nữa là khác !
Dĩ nhiên so sánh trên là không hoàn toàn xác đáng ; vì hạnh phúc thiên đàng đâu phải như hạnh phúc gia đình : vì “vợ, con” làm sao so sánh được với Thiên Chúa ! Thiên Chúa là tất cả của con người mà !
Nhưng cũng vì Thiên Chúa là “tất cả” của con người, vì Ngài là Đấng Tạo Thành con người từ hư vô : nghĩa là dựng nên cả những cái bên ngoài lẫn những cái bên trong (xx. Lc 11, 40), dựng nên cỏ lá cho loài bò gặm nhấm, và cũng dựng nên cái dạ dày để tiêu thụ được cỏ ; và khi thiếu cỏ, thì con bò khổ, khi ăn cỏ thì con bò hạnh phúc ! Tương tự, con chó lại khác con bò !
Vậy con người cũng thế. Chúa dựng nên óc thẩm mỹ của con người và dựng nên màu sắc, âm thanh để con người thưởng thức ! Khi con người thích màu sắc thanh nhạt nhẹ nhàng, mà gặp được các sắc màu đó thì thích thú ; đang khi những người ưa chuộng màu sắc đậm đối nghịch thì lại không ưa !
Vậy hạnh phúc và không hạnh phúc có còn đối nghịch quyết liệt nỗi không ?
Thế thì, tại sao Chúa nhân từ thương xót lại không có thể dung hoà được “hạnh phúc” với “không hạnh phúc” ; do việc Chúa “ban” và “không ban” ; ban cho người này thế này, lại ban cho người kia thế khác !
Khách quan thì có thể thấy khổ ; nhưng chủ quan thì vẫn thấy bằng lòng ! Lên thiên đàng, thấy Đức Mẹ hạnh phúc hơn mình, nhưng không phải vì thế mà mình thấy khổ !… Nhưng trái lại, thấy “ý Cha được thể hiện”, “Danh Cha được cả sáng” mới chính là hạnh phúc tuyệt vời của mình rồi ! L ýdo vì Thiên Chúa đáng yêu vô cùng ; mà mình được yêu “cái đáng yêu và đáng yêu vô cùng” thì quả là hạnh phúc và hạnh phúc vô cùng !
Ngược lại, hoả ngục là không được như vậy ! Chúa đầy lòng thương xót sẽ cho họ cái gì ? Chúng ta nhất định không thể làm “cố vấn”, lại không thể làm “quan toà” để truyền lệnh cho Chúa được !
Chúa Giêsu thì cảnh báo chúng ta : “Hay là bạn ghen vì tôi tốt lành?” (Mt 20, 15)
LM. Antôn Trần Văn Trường