Chúa Nhật Đại Lễ Giáng Sinh


CHÚA NHẬT ĐẠI LỄ GIÁNG SINH

25-12-2022

GIÁO HUẤN SỐ 5

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Các Thánh ở kề bên (tt)

Ta hãy để cho mình đượ thúc bách bởi các dấu hiệu của sự thánh thiện mà Chúa cho ta thấy qua những thành viên khiêm hạ nhất của đoàn dân tham dự vào phận vụ ngôn sứ của Đức Ki-tô, bằng cách thể hiện khắp nơi chứng tá sống động cho Người, cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và bác ái. Chúng ta cần nhớ sự thật mà thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá đã nêu ra, đó là lịch sử thật sự được làm ra bởi nhiều người trong họ. Vị thánh nữ viết: “Những gương mặt ngôn sứ và thánh thiện vĩ đại nhất trổi lên khỏi đêm tối âm u. Nhưng phần lớn dòng chảy của đời sống thần bí vẫn không được nhìn thấy. Chắc chắn những bước ngoặt có tính quyết định nhất trong lịch sử thế giới thì thiết yếu được phối hợp ấn định bởi các linh hồn mà không một sử sách nào đề cập về họ. Và chỉ trong ngày mà tất cả những gì giấu ẩn sẽ biểu lộ ra thì chúng ta mới nhận ra những linh hồn mà mình mắc nợ về những bước ngoặt quyết định trong đời sống của mình. Thánh thiện là vẻ mặt hấp dẫn nhất của Giáo Hội . Nhưng cả bên ngoài Giáo Hội Công giáo và trong những bối cảnh rất khác. Chúa Thánh Thần vẫn khơi lên những dấu hiệu sự hiện diện của Ngài để giúp giúp đỡ các môn đệ của Đức Ki-tô”. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nhắc chúng ta rằng: “Việc làm chứng cho Đức Kitô đến mức đổ máu ra đã trở thành một gia sản chung của người Công giáo, Chính Thống, Anh giáo và Tin Lành”. Trong buổi lễ đại kết đầy cảm động được tổ chức tại Colesseum vào Năm Thánh 2000, ngài đã tuyên bố rằng “các vị tử đạo là một di sản có tiếng nói hùng hồn hơn mọi nguyên nhân chia rẽ” (tông huấn Vui Mừng Hoan Hỉ, số 8&9).

SUY NIỆM I

CHÚA NHẬT ĐẠI LỄ GIÁNG SINH

Lễ đêm  : Is 9,1-6; Tt 2,11-14; c 2,1-14

Lễ rạng đông : Is 62,11-12; Tt 3,4-7; Lc 2,15-20

Lễ ban ngày : Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Nói đến Lễ Giáng sinh, phài nói đến ca nhạc, đến điện đèn, đến ngôi sao, đến hang đá… Nhưng hang đá là quan trọng, hang đá diễn tả ý nghĩa Chúa giáng sinh nhất.

Hang đá thánh Phanxicô

Truyện thánh Phan-xi-cô kể lại như sau : “Hai tuần trước lễ Giáng Sinh, thánh Phan-xi-cô mời ông Gio-an Vô-li-ta, một nhà quí tộc. Thánh Phan-xi-cô đề nghị ông: Ông bạn ạ, tôi muốn diễn lại cảnh Be-lem xưa, để thông cảm hết nỗi thiếu thốn của Chúa. Ông gắng giúp tôi một tay. Ông chọn một hang đá rộng rãi trên sườn núi, rồi chuẩn bị một máng cỏ, và dắt vào đó một con bò và một con lừa.

 Lễ Giáng Sinh năm 1223 không khác gì ở Be-lem xưa. Mầu nhiệm Thiên Chúa ra đời được diễn tả lại. Giữa đêm khuya đêm tối, hàng ngàn ánh đuốc chập chờn kéo nhau theo con đường dốc ngoằn ngoèo đi lên hang đá. Ông Gio-an Vô-li-ta dọn sẵn: có máng cỏ, có bò lừa. Tất cả chờ đợi Con Chúa ra đời. Rừng cây, hang đá lấp lánh ánh sáng và vang dội tiếng hát mừng Chúa ra đời” (Antôn, Thánh Phanxicô Assisi, trang 288)

Hài Nhi Giê-su đã hiện ra trong máng cỏ và nhoẻn miệng cười với thánh Phan-xi-cô. Ngài bế Hài Nhi mềm yếu trong tay, ôm Hài Nhi vào lòng. Ngài và Chúa nói chuyện với nhau… Các nông dân tham dự thánh lễ đã được mắt thấy tai nghe Hài Nhi Giê-su hiện ra nói chuyện với thánh Phan-xi-cô. Lòng họ bừng sáng, vui sướng” (Murray, Thánh Phanxicô, Hành Trình Và Ước Mơ, trang 85)

Hang đá thầy Anrê-Phú Yên

Trong cuốn ‘‘Người Chứng Thứ Nhất’’, ông Phạm Đình Khiêm kể: “Lễ Giáng Sinh năm ấy (1643) thầy giảng Anrê Phú Yên (tử đạo ở Thanh Chiêm, Phước Kiều) có bàn tay vàng, khéo léo làm một hang đá rất đẹp. Máng cỏ ở giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ. Giáo hữu khắp vùng lân cận đến viếng Chúa  Hài Đồng. (Người Chứng Thứ Nhất, trang 91)

Ý nghĩa hang đá

Hang đá, không những diễn tả ý nghĩa Chúa sinh ra đời, còn diễn tả một ý nghĩa sâu xa khác.

Đức giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI viết : “Đức Ma-ri-a lấy tã bọc con. Hài Nhi mới sinh được đặt trong tả lót, báo trước cái chết của Ngài. Cũng vậy máng cỏ được cắt nghĩa như một bàn thờ.

Ngài viết tiếp : “Thánh Âu-tinh giải thích ý nghĩa “máng cỏ” hết sức độc đáo. Trước hết là nơi thú vật tìm thấy thức ăn nuôi dưỡng. Nhưng giờ đây, máng cỏ được dùng để đặt Đấng là bánh từ trời, bánh hằng sống, là thức ăn thiêng liêng nuôi dưỡng con người, là của ăn mang lại cho con người sự sống chân thật, sự sống vĩnh cửu. Theo nghĩa này máng cỏ chính là bàn tiệc mà Thiên Chúa mời gọi con người đón nhận Bánh hằng sống.” (Phạm Đình Phước chuyển dịch, trang 69-70).

Be-lem, nơi Chúa sinh ra, có nghĩa là “nhà bánh“, “house of bread” (Scott Hahn, Catholic Bible Dictionary). Như thế, chẳng những máng cỏ hàm ý Chúa là “bánh hằng sống”, mà Be-lem cũng hàm ý nghĩa ấy.

Những lễ Giáng Sinh đầu tiên ở VN

-Ngày lễ GS ở Kẻ Chợ  (Hà Nội) cha Đắc Lộ tổ chưc lễ nghi rửa tội trọng thể, để làm nổi ý nghĩa  cuộc sinh lại trong ngày Chúa giáng sinh. Cha cho đặt nhiều ca vãn để giáo dân cùng nhau ca hát trước lễ nửa đêm. Trước Chúa Hài Đồng, cha giảng về mầu nhiệm Chúa đến cứu chuộc và sau đó mọi người qùi xuống bái lạy Chúa. Nhưng dạo đó, theo nền giáo dục chặt chẽ, phụ nữ không được ra khỏi nhà ban đêm, nên lễ ban sáng thường đông hơn. Sau lễ giáo dân lần lượt lên lạy và hôn chân Chúa Hài Đồng (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 117).

-Quan trấn mới, hoàng tử Nguyễn Phước Anh là nggười không tin đạo. Năm đó nhân dịp thắng trận, sự đạo được dễ dàng hơn, giáo dân tổ chức mừng lễ Sinh Nhật linh đình. Ngoài lễ nửa đêm với những ca vãn thường quen hát, họ còn tổ chức rước kiệu Chúa Hài Đồng, có kèn trống, bát âm, dốt pháo bông và bắn súng hoa mai. Quan địa phương dựa thế quan trấn  cho tuần tráng đến phá, tịch thu các đồ thờ. Chúa sãi theo lời xúi giục của quan trấn lại ra sắc chỉ cấm công khai đeo ảnh tượng và tổ chức thờ phượng đã ra năm trước. Nhưng năm sau 1628 nhờ có sứ giả và tầu buôn Áo Môn đến, nên các cha được tự do truyền giáo (Nguyền Hồng, sđd, trang 139).

-Tuy trở về Ma Cao (Áo Môn), nhưng lòng cha Đắc Lộ vẫn hướng về giáo đoàn xứ Nam. Gian nan càng nhiều,  hy sinh vô vị lợi của cha trong hoạt động truyền giáo càng được chúng tỏ. Không sợ nguy hiểm, cuối năm đó có chuyến tầu buôn ở Áo Môn xuống xứ Nam, cha lại đi theo họ, đem theo cha Bênêđictô de Mattos, người Bồ, ra đi ngày 17-12, thuận buồm xuôi gió, ngày vọng lễ Sinh Nhật  24-12-1641, hai cha tới Cửa Hàn. Nghe biết giáo dân chung quanh lũ lượt kéo đến để mừng lễ Sinh Nhật với hai cha. Sau đó lên cửa Hội An, hai cha được gặp cha Antôn Ruben, bề trên kinh lược tỉnh dòng xuống Phi Luật Tân, gặp bão phải ghé qua đó. Cũng như lần trước lợi dụng thời gian người Bồ ở lại bán hàng, vì kính nể họ, quan trấn tỉnh Chàm cũng như chúa Nguyễn để hai cha được tự do hoạt động truyền giáo, hai cha sau khi đi thăm các họ  chung quanh cửa Hội An, liền chia nhau, cha de Mattos đi thăm các họ đạo vùng Bắc Thuận Hóa, Quảng Bình; còn cha Đắc Lộ  đi thăm các họ đạo ba tỉnh vùng Nam : Quảng Nghĩa, Qui Nhơn và Ran Ran (Phú Yên). Trong thời gian 6 tháng, lúc đi bộ, lúc đi thuyền, hai cha cố rảo thăm một lượt các họ đạo… Theo cha Đắc Lộ, đi đến đâu giáo dân vui mừng đón rước và từ các họ đạo xa người ta kéo đến để gặp cha. Họ khao khát Lời Chúa và các ơn bí tích mà từ lâu không được lãnh nhận. Suốt ngày cha bận bịu với công việc giảng giải, làm các phép bí tích, nhiều lần quên ăn quên ngủ (Nguyễn Hồng, sđd, trang 147)

-Sau hơn 6 tháng hoạt động bí mật, quan Quảng Nam được hay biết  sự có mặt của cha Đắc Lộ. Đánh rắn đánh vào đầu, mất chúa chiên đoàn chiên sẽ tan rã. Lần này, 1644, nhất định không để lọt tay, biết giáo dân quen mừng lễ Sinh Nhật trọng thể, ông chờ dịp đó đế bắt cha, và những giáo dân đến mừng lễ với cha, Một xóm đạo làm muối được chọn làm chỗ hội họp để mừng lễ. Thánh lễ đêm đó sẽ dâng tại nhà ông Ni-cô-la Hào, một căn nhà rộng rãi và đẹp đẽ rất tiện cho việc mừng lễ. Do một nguồn tin nào đó, quan trấn hay biết, sai một toán lính thình lình đến ập vào nhà ông Hào, tưởng thế nào cũng bắt được cha . Nhưng may mắn hôm đó, cha dâng lễ ở nhà bên. Không bắt được tang vật gì, tra hỏi cũng không ai chịu nói, họ đành rút lui. Suốt hôm đó cha giải tội, rửa tội thêm 22 người. đến đêm sang nhà ông Nicola Hào thì đã có bảy, tám trăm giáo hữu đợi sẵn, tất cả đếu qùi gối, chu chu chăm chắm, thật sốt sắng, cảm động. Theo cha Đắc Lộ phải có mặt trong buổi lễ hôm đó, mới hiểu thế nào là đêm Sinh Nhật (Nguyễn Hồng, sđd, trang 174)

-Giáo dân được tự do đến gặp các cha, không phải lén lút đêm hôm như những năm trước. Nhưng các cha vẫn không được ra ngoài Cửa Hàn và Hội An. Cha Phanxicô Rivas ở cửa Hội An, cha Phêrô Marquez ở Cửa Hàn. Lợi dụng thời gian, và để nhóm lại lòng đạo đức của giáo dân, cha Rivas đã tổ chức mừng lễ Sinh Nhật 1656 trọng thể ở Hội An (Nguyễn Hồng, sđd, trang 243)

 

Dâng gì cho Chúa giáng sinh ?

Thánh Giê-rô-ni-mô sống gần hang Belem, để nghiên cứu bộ sách Kinh Thánh. Một đêm Giáng sinh kia, ngài đang quì bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói lòa.

Chúa hỏi thánh nhân :

– Giê-rô-ni-mô, con có gì làm qùa cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không?

Thánh nhân đáp :

– Lạy Chúa Hài Đồng, con xin dâng Chúa trái tim của con.

Chúa nói :

– Tốt lắm, nhưng con còn có gì khác nữa không?

Thánh nhân thưa :

– Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có, và tất cả những gì con có thể có.

Chúa Hài Đồng hỏi:

– Còn điều gì khác nữa không?

Thánh nhân thưa:

– Con không còn điều gì khác nữa để dâng Chúa.

Chúa Hài Đồng bảo:

– Này Giê-rô-ni-mô, hãy dâng cho Ta cả những tội lỗi của con nữa.

Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại:

– Ôi, lạy Chúa, làm sao con dám dâng tội lỗi của con cho Chúa ?

Chúa bảo :

– Được chứ ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con, để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.

Nghe thế, thánh nhân bỗng bật khóc vì sung sướng.

Thiên thần nói với thánh Giu-se : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vi con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi” (Mt 1,20-21).

Giê-su, tên Chúa, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”, Thiên Chúa cứu khỏi tội lỗi. Khi báo tin cho các người chăn chiên, thiên thần nói : “Hôm nay, một Đấng Cứu độ đã sinh ra” (Lc 1,11). Độ, theo ông Đào Duy Anh, có nghĩa là “qua sông”. Phật giáo có kiểu nói “từ bến mê đến bến ngộ”, từ bến mê lầm đến bến tỉnh ngộ.

Ba mệnh lệnh Fa-ti-ma là : Hãy lần chuỗi mân côi, hãy ăn năn đền tội và hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ. Đức Mẹ hiện ra cả thảy 6 lần. 5 lần Đức Mẹ nhắc đến tội lỗi người ta. Ngày đầu, ngày 13-5, Đức Mẹ hỏi ba em : “Các con có sẵn sàng hy sinh chịu đựng tất cả mọi đau khổ mà Thiên Chúa sẽ gửi đến, để làm của lễ đền bù tội lỗi người ta xúc phạm đến Chúa, và để cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi ăn năn trở lại không ?

Chị Luxia trả lời : “Vâng, chúng con sẵn sàng

Bài đọc 1(Is 9,2-4.6-7) cha Hồ Thông viết: “Bđ1 là bài thơ tràn đầy hy vọng của ngôn sứ I-sai-a. 800 nămm trước đó, vị ngôn sứ hân hoan loan báo cuộc đản sinh của Đấng Cứu Độ Phụng Vụ Lời Chúa năm A, trang 65).

Bài Tin Mừng (Lc 2,1-14) : Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Mầu nhiệm Giáng Sinh được Lu-ca đặt trong khung cảnh ‘cuộc kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ’ Dĩ nhiên ‘thiên hạ’ của người thời đó dài rộng thế nào tùy theo kinh nghiệm của mỗi dân trong đế quốc Rô-ma thì thiên hạ là phần đất dưới bầu trời mà người Rô-ma làm chủ. Nhưng vì người ta chưa biết rằng mặt đất rộng hơn tầm nhìn của mình, nên thiên hạ chỉ chung cả loài người, cả mặt đất. Như thế Chúa Giê-su  sinh làm người thật sự, có chỗ rõ ràng trong dân số cả thiên hạ.

Hoàn cảnh éo le này lại giúp cho Chúa Giê-su chào đời tại Be-lem, nguyên quán của nhà Đa-vít. Có nhiều éo le hơn nữa là ‘không có chỗ’… Từ quen dịch là ‘quán trọ’ ở đây, chỉ gặp 3 lần trong sách Tân Ước: ờ đây và ở Lc 22,11 và Mc 14,15. Ở hai nơi kia thì từ này chỉ căn phòng lớn để Chúa Giê-su ăn tiệc Vượt Qua cùng với các môn đệ tức là một phòng lớn ở lầu trên. Như vậy có thể hiểu ở đây cũng không phải là nhà trọ, nhưng là căn phòng lớn của dòng họ Đa-vít, khi con cháu tựu về thì nghỉ ngơi, sinh hoạt tại đó. Nếu hiểu như vậy thì máng cỏ dùng làm nôi đặt Chúa ở ngay nơi nhốt bò lừa trong gia đình, có thể là một hang đá khoét vào vách núi đá vôi, cấu trúc địa chất của vùng này… Điều này cũng hợp với lời trong sách Tin Mừng Gio-an ‘Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp’(Ga 1,11).

Lu-ca nói rõ Chúa Giê-su là ‘con đầu lòng’ để chuẩn bị cho việc dâng vào Đền thờ, không có nghĩa là sau đó Đức Mẹ sinh những người con khác. Ngược lại Gio-an con bà Ê-li-sa-bét cũng là con đầu lòng, nhưng Lu-ca không nhắc đến, vì không kể việc dâng Gio-an vào Đền thờ, nhưng kể việc Gio-an lớn lên trong hoang địa.

Chi tiết ‘bọc tả, đặt nằm trong máng cỏ’ được nhắc tới ba lần trong trình thuật Giáng sinh, đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Tại nơi Chúa sinh ra chẳng có gì khác thường. Nhưng thiên sứ hiện ra với những người chăn chiên đang thức đêm, canh giữ đàn vật ở ngoài đồng, vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh. Thiên sứ bảo cho họ tin rất vui mừng, tin rất vui mừng cho toàn dân: ‘Hôm nay, một Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa’. Những người đầu tiên được thấy vinh quang của Chúa và được nghe loan báo Tin Mừng của Đấng Cứu độ là những người chăn chiên, họ là hạng cùng đinh bên lề xã hội: họ là những người nghèo, và bị coi là ô uế nên chẳng bao giờ được vào Đền thờ. Dấu chỉ để nhận ra ‘Đấng Cứu độ, Đức Ki-tô, Đức Chúa’ lại càng đáng ngạc nhiên: ‘Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: ‘Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ’. Dấu chỉ này không cho thấy một sự khác thường, nhưng là thấy một hài nhi bình thường giống y như những đứa con của họ cũng mang thân phận nghèo hèn như họ. Khi sinh vào đời Chúa đã trương cờ hiệu khiêm tốn và khó nghèo. Những người chăn chiên được nghe các thiên sứ ca hát nói lên ý nghĩa của trẻ sơ sinh này.

Đức Ma-ri-a đã ‘vội vã’ lên đường đi viếng bà Ê-li-sa-bét, những người chăn chiên cũng ‘hối hả’ lên đường sang Be-lem, để xem những gì Chúa đã tỏ lộ cho họ. Người đi loan báo Tin Mừng không thể lùng thửng, người được Tin Mừng không thể ngồi yên.

Những người chăn chiên ‘gặp thấy bà Ma-ri-a và ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong

máng cỏ’. Họ kể lại những gì họ được nói cho biết về Hài Nhi này, rồi họ ra về vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa.

Nghe họ kể ‘ai cũng ngạc nhiên’. ‘Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng’. Năm động tác kiểu mẫu cho việc đón nhận Tin Mừng: kể, ngạc nhiên, chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Chúng ta hãy nghe những người chăn chiên kể, ngạc nhiên và cùng với họ tôn vinh Thiên Chúa, cùng với Mẹ Ma-ri-a ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng (Nguyễn Công Đoan, Phúc Âm Hóa Người Rao Giảng Phúc Âm, trang 72-74)

Bài đọc 2 (Ep 3,2-6): cha Hồ Thông viết : “Thánh Phao-lô có sứ mạng loan báo ‘mầu nhiệm giữ kín từ muôn thuở ơ nơi Thiên Chúa’ nay được tỏ lộ, đó là muôn dân muôn nước trên kgắp toàn cõi địa cầu đều được kêu mời họp thành một dân tộc duy nhất là Giáo hội, trở nên một thân thể duy nhất là Thân thể mầu nhiệm của Đức Giê-su Ki-tô (Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, trang 121).

   

Cầu nguyện

Tv 95.12b-13

Hỡi cây cối rừng xanh

hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa

Vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian

Người xét xử địa cầu theo đường công chính

xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

SUY NIỆM II

LỜI TÌNH YÊU GIÁNG SINH

Lễ ngày Giáng Sinh (Hội An 25/12/2022)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho con người rất rõ ràng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” và tình yêu này hiện rõ trong biến cố Thiên Chúa giáng sinh.  Từ ngày tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã ngỏ lời với nhân loại về tình yêu của Ngài rồi, nhất là sau khi con người đầu tiên sa ngã phạm tội. Ngài đã nói với con người nhiều lần, nhiều cách, qua vũ trụ, qua các ngôn sứ. Nhưng lời, ngay cả lời của Thiên Chúa, có thể dễ dàng bị lãng quên. Vì thế, để nói về tình yêu dành cho con người cách khó quên, Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, theo thánh sử Gioan, “Ngôi Lời đã làm người,” lời tình yêu trở thành xác thịt ở giữa loài người. Hôm nay, toàn thể thế giới nghe lời tình yêu của Thiên Chúa trong hang lừa máng cỏ. Lời tình yêu là Hài Nhi Giê-su có làm rung động trái tim chúng ta không? hay vẫn cứ hững hờ như lời của một bài hát bộc lộ tâm hồn vô cảm của nhiều người ngày nay: “Tình yêu đến em không mong đợi gì?”

  1. Hài Nhi Giê-su – Lời tình yêu giáng sinh

            Lời  của Thiên Chúa giáng sinh làm người nơi Hài Nhi Giê-su nói gì với chúng ta? – Sự hiện diện của Hài Nhi Giê-su tỏ cho nhân loại biết “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16) và giao trọn Con Một của Ngài cho con người, tùy vào sự săn sóc của Mẹ Maria và thánh Giuse, tùy vào cách đối xử của con người. Tình yêu là thế đó! Sự hiện diện của Hài Nhi Giê-su cũng minh chứng Thiên Chúa thực hiện lời hứa gởi Đấng Cứu Độ đến cứu con người khỏi tội, lời được Thiên Chúa hứa cho những con người đầu tiên và cho Abraham cùng dòng dõi nhân loại. Vì lẽ đó, nếu không gắn liền với thập giá và phục sinh, cuộc giáng sinh của Hài Nhi Giê-su không trọn ý nghĩa, bởi Chúa Giê-su sinh ra không chỉ là một Hài Nhi, mà còn là Đấng Cứu Độ nhân loại. Ngài đến trao ban thân mình và sự sống của Ngài cho chúng ta ngay khi chúng ta là những kẻ nghịch với Ngài, chứ không là bạn hữu (x. Rm 5,8). Tình yêu là thế đó! Mừng biến cố Chúa giáng sinh hôm nay, chúng ta còn được Thiên Chúa nói Ngài yêu chúng ta đến cùng, không chỉ tha thứ tội lỗi, mà còn ban Thân Mình Chúa Giê-su làm Bánh Hằng Sống nuôi sống chúng ta cho đến ngày tận thế. Nhờ đó, ngay trong hoàn cảnh tăm tối và chán chường, chúng ta cũng có thể sực tỉnh nhận ra chúng ta được Thiên Chúa yêu, được Thiên Chúa viếng thăm, được có Chúa ở với, đồng thời cũng thấy thế giới này và lịch sử này có Thiên Chúa đồng hành ở giữa chúng ta. Tình yêu là thế đó! Vậy, tình yêu của Thiên Chúa có được con người đón nhận không?

  1. Tình Yêu mời gọi tình yêu

            Nhìn vào hang đá, người ta nhìn thấy những cảnh vật và nhân vật quá quen thuộc: Mẹ Maria, thánh Giuse, Hài Nhi Giê-su, các thiên thần, những vị đạo sĩ phương đông, các mục đồng và đàn chiên lừa vây quanh sưởi hơi ấm cho Hài Nhi Giê-su. Quang cảnh quá quen thuộc đến mức người ta khó nhận ra sự ẩn khuất đáng kính bên trong mỗi nhân vật.

            Để hiện diện được nơi hang đá này bên cạnh Hài Nhi Giê-su, Mẹ Maria phải bày tỏ lòng kính mến Thiên Chúa tuyệt đối của một người tôi tớ Thiên Chúa. Để ở đây trong đêm đất trời giao hòa, thánh Giuse phải chấp nhận để giấc mơ của Thiên Chúa can dự vào cuộc đời, quyết định và làm thay đổi dự định của mình. Sự quây quần vui tươi của các đạo sĩ và các mục đồng quanh Hài Nhi Giê-su hòa với niềm vui của các thiên thần, bởi họ nhận ra Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc và cho cả những người nghèo khổ ít có khả năng đến với Ngài. Ngôi sao và chiên lừa nói lên sự hiện diện của vũ trụ này, những tạo vật ngợi ca Đấng tạo thành mình. Tất cả cùng ca ngợi, đắm chìm trong tình yêu của Thiên Chúa bày tỏ nơi Hài Nhi Giê-su và tận hưởng tình yêu thần linh ấy. Chúa Giê-su ở với họ và họ ở với Chúa Giê-su. Đây là những người và vật đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

            Tuy nhiên, có một sự ẩn khuất đáng tiếc nơi quang cảnh hang đá Bê-lem này, đó là sự vắng mặt của những ai vô cảm nói với Chúa: “Hết chỗ rồi!” Thánh sử Luca ghi lại chi tiết quan trọng này, còn thánh sử Gioan nhấn mạnh theo cách khác: “Ngài đến nhà của Ngài, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Người chủ quán trọ và gia đình của họ không có chỗ bên cạnh Hài Nhi Giê-su, vì gia đình của họ nhộn nhịp đón khách, bận rộn cho dịch vụ hái ra tiền trong dịp đông đảo người về Giêrusalem. Họ không có thời giờ suy ngắm lời tiên báo và sao lạ trên trời, nên họ không có niềm vui ở cạnh Hài Nhi Giê-su. Đừng quên hôm ấy có đông đảo người từ khắp miền về thủ đô Giêrusalem tham gia cuộc kiểm tra dân số, họ không có mặt ở hang Bê-lem, vì họ đang chen chúc cho những sự vụ đối với họ cấp bách hơn. Cũng không có mặt của vua Hêrôđê và quần thần, vì họ sợ “vua mới sinh” tranh giành quyền lực của họ. Thêm nữa, không có mặt những người sành sõi về Sách Luật, bởi họ tự mãn về thân thế của họ thay vì biết Chúa và đến thờ phượng Chúa. Thánh Gioan đã tóm tắt tình trạng của họ: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng thế gian đã chuộng bóng tối hơn sự sáng” (Ga 3,19), vì thế, tất cả họ không có mặt bên cạnh Hài Nhi Giê-su.

Chúng ta hãy nghĩ đến chúng ta: đang hiện diện bên Chúa như Mẹ Maria, thánh Giuse và những người đơn sơ hay đang vắng mặt? Mỗi cá nhân và gia đình của chúng ta có vui mừng cùng Mẹ Maria, thánh Giuse quây quần quanh Chúa Giê-su tại nhà mình hằng đêm không? Có đón nhận “Bánh Giê-su” cách xứng đáng nơi nhà thờ khi cử hành thánh lễ là Bê-lem hôm nay không? Xin Chúa đừng để chúng ta quá kiêu hãnh hay quá bận rộn với những việc chúng ta cho là cần thiết, đến nỗi không nhận ra Hài Nhi Giê-su là tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xin Chúa cho chúng con đừng vô cảm, nhưng mở lòng đón Chúa và hạnh phúc sống bên Chúa mọi ngày.

 

LỄ GIÁNG SINH – LỄ RẠNG ĐÔNG

Lời Chúa: Is 62, 11-12; Tt 3, 4-7; Lc 2, 15-20

HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH

THEO MẨU GƯƠNG GIA ÐÌNH THÁNH GIA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

         Mỗi mùa giáng sinh về, người người nhà nhà cũng nô nức vui tươi hạnh phúc, nhưng cũng có những người buồn rượi rượi và tuyệt vọng vô cùng dù Chúa có giáng sinh tưng bừng. Cụ thể, Anh Đài Phương Trang kể rằng: “Mùa noel đó chúng ta quen bên giáo đường. Mùa noel đó anh dắt em vào tình yêu. Quỳ bên hang sâu nghe lời kinh thánh vang cầu. Nhìn nhau không nói nên câu. Vì biết nói nhau gì đâu”. (mùa Noel đó hai người bắt đầu vào yêu nhau – tình yêu thuở ban đầu nó quá đẹp và thơ mộng). Thế rồi, “Mùa noel qua chúng ta chia tay giã từ. Hẹn nhau năm tới khi giáng sinh về muôn nơi. Mình trao cho nhau hoa hồng nhẫn cưới thiệp hồng. Dìu nhau xem lễ đêm đông. Bên nhau muôn đời em ơi”. (Dự định cưới nhau mùa noel này). “Nhưng nay mùa noel đến rồi. Từng đêm anh thức nguyện cầu. Cầu cho hai đứa thương nhau. Đêm nay giáo đường vang tiếng kinh cầu. Nơi xưa, mình anh đứng, không thấy bóng em đâu. Nửa đêm tan lễ, bước anh bơ vơ trở về. Chợt nghe nước mắt rơi ướt trên bờ môi khô. Rồi noel qua như mộng ước cũng qua rồi. Gặp nhau chỉ để thương đau. Yêu nhau chi rồi xa nhau”. (tình yêu nay vỡ mộng, buồn rượi rượi).

Cách đây hơn hai ngàn năm, Thiên Chúa xuống thế làm người để đem tình yêu đích thực và bình an dưới thế cho người thiện tâm? Ấy thế mà tại sao con người ngày hôm nay yêu nhau làm chi rồi xa nhau, không hiệp thông với nhau và cả với Chúa? Tại sao tình yêu vợ chồng mới hôm nao sắt son mặn mà hôm nay đã chia ly. Rồi Tại sao ngày nay tình cha nghĩa mẹ hôm nay không còn dành cho con cái nữa, không hiệp thông với con cái nữa để rồi những đứa con không nhà, bơ vơ lạc loài giừa xã hội…

 Tại sao gia đình nhân loại ngày nay hết hiệp thông với nhau, mất tình nghĩa với nhau, vô cảm, bất an và bất hạnh trong khi đó đã Chúa xuống dương gian hiệp thông, yêu thương và ban bình an đích thực cho gia đình nhân loại thiện tâm hơn hai ngàn năm nay rồi mà? Còn trong bài đọc 2 Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa biểu lộ lòng từ bi và nhân ái luôn yêu thương con người nhờ ân sủng của Đức Kitô. Tại sao lại có chuyện bất hạnh trong gia đình xảy ra? Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời rằng: “Bởi vì trong và giữa các gia đình, sứ điệp Tin Mừng chưa được vang lên; mà cốt lõi sứ điệp này là “yêu thương tươi đẹp nhất, xuất sắc nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất”. Sứ điệp yêu thương này chưa chiếm trung tâm mọi hoạt động phúc âm hóa” trong các môi trường đặc biệt là gia đình” (số 58). Rồi Chúa xuống thế đem bình an và thánh thiện đến cho mọi thành viên thiện tâm trong gia đình chúng ta nhưng tâm chúng ta không thiện đủ nên chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa trở nên người ở giữa chúng ta, một khi chúng ta khiệp thông với Thiên Chúa hay có hiệp thông với Ngài trong cuộc sống, chúng ta lắng nghe Lời Ngài và giáo huấn của Hội Thánh nhưng chúng ta không sống Lời Ngài dạy, không thực thi những luật điều Hội Thánh dạy nên vẫn còn không hiệp thông với nhau cho nên còn: ghét nhau, còn kỵ thị nhau, tỳ hiềm nhau, bỏ rơi con cái và rồi những người làm con cái không vâng lời cha mẹ, thiếu thảo kính cha mẹ và thậm chí còn bất hiếu nữa là khác, cho nên mới có chuyện mới đây ở Nghệ An, thằng con trai nghịch tử đi nhậu về, thấy mẹ không nấu cơm mà nằm trên giường ngủ, anh chửi bới rồi lao vào đấm đá, đánh chết mẹ đẻ của mình tại chỗ?

Kính thưa cộng đoàn, sống trong cuộc đời này ai cũng khao khát có một gia đình hạnh phúc bởi một tình yêu đích thực. Tình yêu đó là yêu vợ yêu chồng, yêu cha yêu mẹ, yêu gia đình và yêu con cái. Tình yêu đó được Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta qua Con của Ngài là Chúa Giêsu hôm nay được sinh ra cho chúng ta như một phép nhiệm mầu dẫn đưa chúng ta mỗi ngày sống yêu thương, tha thứ, bao dung và hy sinh cho nhau để mỗi này tình yêu ấy được thăng hoa, bình an và hạnh phúc rạng ngời.

Tin Mừng hôm nay kể sau khi Thiên thần báo tin cho các người chăn chiên Chúa đã giáng sinh, lập tức họ hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Như vậy, họ gặp một gia đình có cha có mẹ và có con. Vậy, cùng với các mục đồng năm xưa, giờ đây chúng ta hãy chiêm ngắm người Thứ nhất trong hang đá đó là thánh Giuse, người cha trong gia đình. Thánh Giuse là một người cha, người chồng luôn mau mắn hiệp thông với mọi người trong gia đình bằng việc phục vụ gia đình không quản khó nhọc, không quản ngày đêm, không tính toán hay vụ lợi. Và Thánh Giuse là người cha lao động cần cù để nuôi dưỡng mọi thành viên trong gia đình ngày một hoàn thiện. Tóm lại, Thánh Giuse quả là người cha có hiệp hành vói gia đình bằng tình và nghĩa với vợ và con

Người thứ hai quỳ trong hang đá là Mẹ Maria, một người Mẹ tuyệt vời. Một người Mẹ trổi vượt về khiêm nhường. Cho dù được sứ thần Gabrien gọi là “Đấng đầy ơn phúc” (Lc 1, 28), được bà Ê-li-sa-bét ca ngợi là người có phúc hơn mọi người nữ; (Lc 1, 42) nhưng Mẹ vẫn nhận mình chỉ là “nữ tì hèn mọn” (Lc 1, 48). Mẹ Maria, một Người Mẹ, người vợ đầy lòng yêu thương và phục vụ mọi người từ trong gia đình ra xã hội. Mẹ Maria là người mẹ rất mực hiền lành. Cho nên, nhân lễ kính Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng của Mỹ châu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: ”Phúc cho chúng ta là những người đã tin, và học hỏi nơi niềm tin mạnh mẽ với tinh thần phục vụ vốn đã và đang là đặc tính của Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta. Nơi nào có Đức Mẹ, thì luôn có sự hiện diện và hương vị gia đình. Nơi nào có Đức Mẹ, thì các anh chị em tuy có thể cãi lộn, tranh luận với nhau, nhưng cảm thức hiệp nhất luôn trổi vượt”.

  Thành viên cuối cùng trong gia đình thánh gia là Chúa Giêsu. Dù là Thiên Chúa Ngôi hai, Chúa Giêsu đã trở thành một người con hết lòng yêu thương và phục vụ cha mẹ trần thế. Trong ba mươi ba năm ngắn ngủi sống thân phận con người, Ngài đã bỏ ra đến ba mươi năm, tức 9/10 cuộc đời, để cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse hiệp thông xây dựng gia đình Nadarét. Ngài đã đổ mồ hôi với công việc lao nhọc hằng ngày để nuôi dưỡng phục vụ Đức Mẹ và thánh Giuse cho đến tuổi ba mươi mới lên đường thi hành sứ mạng. Rồi dù là Thiên Chúa quyền năng, nhưng Chúa Giêsu luôn tỏ ra là một người con hiếu thảo với cha mẹ trần gian. Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, ĐGH Phanxico đã nói rằng: “Cuộc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa trong một gia đình nhân loại, gia đình Nazareth, bằng tính mới mẻ của nó, đã chạm tới lịch sử thế giới. Bởi vì, Giao ước tình yêu và lòng trung thành trong hôn nhân được Thánh Gia tại Nazaret thực hiện soi sáng nguyên tắc định hình cho mọi gia đình của chúng ta; nơi gia đình Nazareth, chúng ta hiểu cách sống trong gia đình, hiểu về sự hiệp thông trong tình yêu, hiểu về tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình; làm cho chúng ta thấy gia đình là một trường học ngọt ngào và không thể thay thế; dạy cho chúng ta biết thế nào là chức năng tự nhiên của gia đình đối với trật tự xã hội” (số 66).

Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng trần. Ngài đã đến từng gia đình chúng ta hầu để hiệp thông với thân phận làm người với chúng ta. Ngài hiện diện trong từng thành viên nơi gia đình nhân loại hầu làm cho mỗi người lớn lên trong ân sủng và tình yêu cứu độ đồng thời biết loan báo niềm vui ơn cứu độ này cho mọi người. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người trong gia đình nhân loại, giáo xứ và mỗi gia đình chúng ta biết xây dựng sự hiệp thông  theo mẫu gương gia đình Thánh gia. Cụ thể là chồng phải yêu thương và phục vụ vợ con như thánh Giuse; người vợ phải yêu thương và săn sóc chồng như Mẹ Maria; cha mẹ phải yêu mến và chăm lo cho con cái như thánh Giuse và Mẹ Maria; và con cái trong gia đình phải hiếu kính mẹ cha, biết thờ cha kính mẹ, phụng dưỡng cha mẹ như Chúa Giêsu đã làm đối với Đức Mẹ và thánh Giuse như gia đình hiệp thông với Chúa và với nhau làm thành một gia đình công giáo hòa thuận thương yêu nhau từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Amen.