Trí Tưởng Tượng Của Trẻ Em Trong Việc Truyền Đạt Đức Tin
Claudia Cangilla McAdam[1]
WHĐ (23.12.2022) – Mọi bộ phim, cuốn sách hoặc vở kịch đều có thể thấy khởi điểm của nó khi có ai đó thốt lên: Điều gì sẽ xảy ra nếu?
– Điều gì sẽ xảy ra nếu một con cá mập khổng lồ tấn công cộng đồng trên biển?
– Điều gì sẽ xảy ra nếu một cậu bé kết bạn với một người ngoài hành tinh bị mắc kẹt và cố gắng tìm cách để đưa người ấy về nhà mình?
– Điều gì sẽ xảy ra nếu một cậu bé phi thường phải chiến đấu để giành lấy mạng sống của mình với Chúa tể bóng tối đã sát hại cha mẹ mình?
Trí tưởng tượng là một khí cụ rất mạnh mẽ và khi chúng ta tham gia vào những câu chuyện bằng tâm trí của mình, chúng ta có cơ hội phát triển như những nhân vật trong câu chuyện. Chúng ta có thể quyết định xem liệu chúng ta có sẵn sàng săn lùng con cá mập khổng lồ đó hay không; liệu chúng ta có quá sợ hãi khi mang một sinh vật ngoài hành tinh vào nhà mình hay không, và liệu chúng ta dám thu hết can đảm để đối đầu với chính Chúa tể bóng tối hay không?
Nguyên lý này hoàn toàn đúng với trẻ em. Bằng việc đồng hoá mình với một nhân vật cụ thể, trẻ em có thể khám phá những giới hạn của những gì chúng có thể làm trong tình huống được miêu tả. Việc can dự vào câu chuyện cho phép một đứa trẻ trải nghiệm khả năng thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời, đưa ra những quyết định sáng suốt, hoặc thể hiện lòng trắc ẩn dịu dàng.
Albert Einstein từng nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Vì kiến thức chỉ giới hạn ở những gì chúng ta biết và hiểu lúc này, trong khi trí tưởng tượng bao trùm toàn bộ thế giới, và tất cả những gì sẽ biết và sẽ hiểu.”
Thật vậy, trong khi sự cụ thể và hình ảnh minh hoạ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ, thì việc sử dụng trí tưởng tượng sẽ giúp hình thành tính cách của trẻ. Mặc dù truyền lại cho trẻ em những chân lý và giáo lý đức tin là điều bắt buộc, nhưng việc khơi gợi trí tưởng tượng là điều cần thiết để trẻ phát triển mối tương quan sâu sắc hơn với Thiên Chúa. Đức tin không chỉ là về những quy tắc mà còn về mối tương quan. Do đó, những câu chuyện rất cần thiết để thực hiện điều này.
Đức Giêsu biết rất rõ điều này. Như là bậc thầy trong việc kể chuyện, Ngài đã mời thính giả liên kết với những nhân vật trong các câu chuyện dụ ngôn của Ngài. Như thể Ngài muốn nói với họ rằng: “Hãy bỏ nhà ra đi với đứa con hoang đàng, để cảm nghiệm xem việc trở về với lòng thương xót là như thế nào”. Hoặc “Hãy chấp nhận thử thách từ bỏ mọi thứ bạn có để có thể sở hữu thứ gì đó tuyệt vời hơn”. Nói tóm lại, Đức Giêsu yêu cầu những người đang nghe Ngài phải hoán cải, phải trải qua sự sám hối (metanoia) thực sự – một sự thay đổi hoàn toàn để thấy họ sẽ trở thành một con người khác như thế nào.
Trẻ em rất giỏi trong việc đóng vai người khác. Một đứa trẻ rất dễ nhập vai để nói với mẹ mình rằng: “Con là mẹ của mẹ, và mẹ là con của con”. Một đứa trẻ khác khi nhặt được một cây gậy dài sẽ nhanh chóng hóa thân thành một hiệp sĩ dũng cảm, hoặc một đứa trẻ khác có thể choàng tấm mền lên vai và không sợ hãi “bay đi” để cứu vũ trụ.
Nhớ lại hồi còn nhỏ, tôi đã ôm những cuốn sách có nhân vật chính vào trạc tuổi của mình. Tôi có thể liên kết với họ, hiểu những khó khăn của họ và cùng họ trưởng thành về mặt đạo đức qua diễn biến của câu chuyện. Và trong đời sống đức tin của mình, tôi luôn tự hỏi: Liệu mình sẽ ra sao nếu sống vào thời Chúa Giêsu, được nhìn thấy Ngài, được chạm vào Ngài, được trực tiếp trải nghiệm những lời giảng dạy và sự chữa lành của Ngài?
Hiện nay, khi viết những cuốn sách dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, tôi cố gắng giúp các em trải nghiệm cảm giác được gặp Đức Giêsu bằng xương bằng thịt. Để làm điều đó, tôi thường tạo ra những nhân vật trẻ em trong các câu chuyện và cho những nhân vật này tương tác với Đức Giêsu, và diễn tả cuộc đời họ được biến đổi sau cuộc gặp gỡ như thế nào.
Một cách cụ thể, dịp Giáng sinh là thời điểm tuyệt vời để chia sẻ Phúc âm với trẻ em. Mầu nhiệm và tình yêu Nhập thể trong các tường thuật về Đức Giêsu Giáng Sinh có sức cuốn hút rất lớn không chỉ đối với trẻ em mà cả với người lớn.
Vậy thì, trong mùa Giáng sinh này, chúng ta hãy thử làm điều gì đó khác một chút. Chẳng hạn, khi kể câu chuyện trong Tin Mừng về Chúa giáng sinh cho trẻ em, chúng ta hãy mời các em tưởng tượng mình là một nhân vật có mặt khi Chúa ra đời. Hãy để các em tự hình dung mình là ai, các em nhìn thấy, cảm thấy, nghe thấy những gì? Các em sẽ nói gì với Thánh Gia? Các em sẽ làm gì cho Hài Nhi Giêsu?
Trên tất cả, trước khi giúp các em tưởng tương khung cảnh máng cỏ và đóng vai một nhân vật đang ở bên cạnh Chúa Hài đồng, chúng ta hãy tự hỏi mình:
– Điều gì sẽ xảy ra nếu câu chuyện này có thể giúp đứa trẻ lớn lên trong đức tin?
– Điều gì sẽ xảy ra nếu đứa trẻ này trở nên gần gũi với Chúa hơn?
– Điều gì sẽ xảy ra nếu khi chia sẻ câu chuyện này với trẻ, chính tôi có thể trở thành một vị thánh?
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholic-link.org
________________________________________
[1] Claudia Cangilla McAdam là một tác giả Công giáo từng đoạt giải thưởng về sách dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Cô xuất bản hơn 20 đầu sách, và cả truyện tranh với nội dung nhằm khám phá những đức tính, xây dựng tính cách, và đào sâu đức tin.