Chúa Nhật Cuối Tuần Bát nhật Giáng Sinh – Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa


CN CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
ĐẦU NĂM DƯƠNG LỊCH
ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ TRỌNG,
NGÀY CẦU CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI
GIÁO PHẬN HÀNH HƯƠNG VỀ TRUNG TÂM THÁNH MẪU TRÀKIỆU
1-1-2023

GIÁO HUẤN SỐ 6
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Chúa kêu gọi

Tất cả điều nói trên đều quan trọng. Nhưng với Tông huấn này tôi muốn chủ yếu nhấn mạnh tiếng gọi nên thánh mà Chúa ngỏ với mỗi chúng ta, tiếng gọi mà Ngài cũng nói riêng tư với bạn: “hãy nên thánh vì Ta là thánh” (Lv 11, 44; x.1 Pr 1,16). Công đồng Vatican II tuyên bố rõ: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quí như thế, tất cả các tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự tháng thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành.” Công đồng nói: “Mỗi người mỗi cách”. Chúng ta không nên nản chí trước những mẫu gương thánh thiện dường như mình không thể đạt tới được. Có một số chứng tá có thể thực sự hữu ích và truyền cảm hứng, nhưng không phải để chúng ta sao chép, vì điều đó có thể đưa ta đi lạc khỏi nẻo đường riêng mà Chúa có ý dành riêng cho ta . Điều quan trọng là mỗi tín hữu phân định nẻo đường riêng của mình, dễ thể hiện chính mình cách tốt nhất, tức những ân sủng riêng tư nhất mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn họ (x. 1Cr 12,7), đúng hơn là cố gắng cách vô vọng để bắt chước một cái gì đó chẳng dành cho mình. Tất cả chúng ta d8ược gọi trở thành những chứng nhân, nhưng có nhiều cách thực tế để làm chứng. Thật vậy, khi thánh Gio-an Thánh giá, nhà thần bí vĩ đại, viết Khúc Linh Ca, ngài đã muốn tránh việc đặt những qui tắc rập khuôn cho mọi người. Ngài giải thích rằng những khúc thơ của ngài được viết để người ta có thể vận dụng “mỗi người một cách”. Vì sự sống của Thiên Chúa được chuyển thông “cho người ta theo cách này hoặc cách khác” (Tông huấn Hãy Mừng Vui Hoan Hỉ, số 10&11).

 

SUY NIỆM I
BÀI CHIA SẺ THÁNH LỄ ĐỨC MARIA – MẸ THIÊN CHÚA
Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (01/01/2019)

Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân
********

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay, ngày đầu năm mới Dương Lịch 2019, chúng ta vui mừng cử hành lễ Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa, cũng là ngày cuối của Tuần Bát Nhật Giáng Sinh khi chúng ta đang cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, Con Thiên Chúa-Ngôi Lời Nhập thể, sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, là trưởng tử hòa bình đích thực của chúng ta.
Tước hiệu Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là một tước hiệu đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Đây là một tước hiệu xứng hợp hơn mọi tước hiệu khi nói về Đức Trinh Nữ Maria. Vào thế kỷ V, Công đồng Ephêsô đã định tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con-Thiên-Chúa-làm-người. Như vậy, từ công đồng Ephêsô này, tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức Trinh Nữ Maria. Đây là tước hiệu trổi vượt trên mọi tước hiệu mà Giáo Hội đã ca tụng và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Thánh công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh đã viết: “Từ những thời xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khổ”. Đức Giáo Hoàng Piô XI viết:“Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mối phước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa”.
Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, giúp chúng ta tìm về máng cỏ để học gương sống của các mục đồng và của Mẹ Maria trước mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập thể làm người. Cùng với các mục đồng sau khi nhận được tin báo Đấng Cứu Thế giáng trần, họ liền mau mắn lên đường để chiêm ngắm Chúa Hài Đồng. Họ nhận biết Đấng Cứu Thế được sinh ra bởi Mẹ Maria vì trong hang đá có Mẹ và Thánh Giuse. Mẹ thực là Mẹ Thiên Chúa bởi Mẹ đã sinh hạ Con Thiên Chúa giáng trần. Khi chấp nhận cưu mang Con Thiên Chúa Nhập thể, Trinh nữ Maria đã đáp trả với Sứ thần:“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”(Lc 1,38). Đây là lời đáp trả của đức tin, một đức tin đầy lòng tin tưởng và hy vọng, đức tin của Mẹ Maria là sự chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, là tỉnh thức đón nhận sự mạc khải của Thánh ý Ngài. Với đức tin toàn vẹn, Mẹ Maria khám phá công cuộc tái tạo kỳ diệu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Nhìn vào hang đá máng cỏ, chúng ta nhận ra sứ điệp hy vọng từ nơi đây: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi trao ban chính Con Một của Người cho nhân loại chúng ta”(x.Gio 3,16-17). Tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn nơi Người Con Nhập Thể của Ngài, và tình thương đó là nền tảng cho hòa bình dưới thế. Chính Ngôi Hai Nhập thể đã hòa giải con người với Thiên Chúa, con người với nhau và con người đổi mới tương quan với mọi loại tạo vật.
Giáo Hội đã dành ngày đầu năm dương lịch để cầu nguyện cho thế giới hoà bình như lời Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã viết trong tông huấn Marialis Cultus, khi người dời thánh lễ kính trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01.01 mỗi năm như sau: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng Giêng với ngày thứ tám sau lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày thế giới hoà bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hoà bình đã phát sinh trong lòng nhiều người”. Như lời Thánh vịnh 85 đã viết:
Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên.
Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao.
Sứ điệp Hòa bình thế giới năm 2019 của Đức Thánh Cha Phanxico với chủ đề:“Chính trị tốt phục vụ hòa bình”. Sứ điệp Hòa Bình mở đầu như sau: Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu nói với họ: ”Khi vào bất kỳ nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ”Bình an cho nhà này!”. Nếu tại đó có một người con của hòa bình, thì bình an của các con sẽ xuống trên người ấy, nếu không an bình ấy sẽ trở lại trên các con” (Lc 10,5-6). Trao tặng hòa bình là điều ở trọng tâm sứ mạng các môn đệ của Chúa Kitô. Và món quà này được gửi đến tất cả những người nam nữ đang khao khát hòa bình giữa những thảm trạng và bạo lực trong lịch sử nhân loại. ”Nhà” mà Chúa Giêsu nói, chính là mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, mỗi quốc gia, mỗi đại lục, với những đặc thù và lịch sử của họ; trước tiên đó là mỗi người, không phân biệt cũng chẳng kỳ thị. Đó cũng là ”căn nhà chung” của chúng ta: là trái đất trên đó Thiên Chúa đã đặt để chúng ta cư ngụ và chúng ta được kêu gọi ân cần chăm sóc trái đất ấy…Đức Thánh Cha Phanxico nhắc tới Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII viết trong Thông điệp Hòa Bình dưới thế, năm 1963 có đoạn: “Khi một người được tôn trọng trong các quyền lợi của mình, nơi người ấy sẽ nảy sinh một ý thức trách nhiệm phải tôn trọng quyền lợi của người khác”. Đức Giáo hoàng cũng nhắc tới tâm tình của Đức Đáng kính Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận về “Mối phúc của các nhà chính trị”. Kết thúc Sứ điệp Hòa Bình năm 2019, Đức thánh Cha Phanxico đưa ra một dự phóng lớn về Hòa bình: Thực vậy, hòa bình là kết quả của một dự phóng chính trị to lớn dựa trên trách nhiệm hỗ tương và sự lệ thuộc nhau của con người. Nhưng hòa bình cũng là một thách đố đòi phải được đón nhận ngày qua ngày. Hòa bình là một sự hoán cải tâm hồn, và thật dễ nhìn nhận ba chiều kích không thể tách rời nhau của thứ hòa bình nội tâm và cộng đoàn ấy:
– hòa bình với chính mình, từ khước thái độ khăng khăng nhất mực, giận dữ và thiếu kiên nhẫn, và như thánh Phanxicô đệ Salê đã khuyên nhủ, hãy thực thi ”một chút” dịu dàng đối với bản thân”, để cống hiến ”một chút” dịu dàng đối với người khác;
– hòa bình với tha nhân; thân nhân, bạn hữu, người ngoại quốc, người nghèo, người đau khổ..; dám gặp gỡ và lắng nghe sứ điệp họ mang trong mình;
– hòa bình với thiên nhiên, tái khám phá sự cao cả của hồng ân Thiên Chúa và phần trách nhiệm của mỗi người chúng ta, trong tư cách là người dân của thế giới, công dân và là tác nhân xây dựng tương lai.
Anh Chị em thân mến,
Ngày đầu tiên của năm mới dương lịch 2019 là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại một năm đã qua, nhìn lại cuộc sống của chính mình, nhìn lại những ưu khuyết điểm của chính mình. Nhìn lại chính mình để nhận thức những trách nhiệm, những bổn phận phải chu toàn với ơn gọi riêng của mỗi người. Nhìn lại chính mình để nhận ra những hạn chế, những yếu kém, yếu đuối của thân phận làm người. Thời gian của một năm trôi qua còn giúp chúng ta cảm nhận, đã làm người không ai trường sinh bất tử, bởi vì tiếng khóc chào đời cũng gắn liền với hơi thở cuối cùng của kiếp nhân sinh. Điều chúng ta suy tư là chúng ta đã làm gì, đã sống ra sao trong năm đã qua để giúp cho mình và giúp Giáo hội và xã hội.
Có lẽ gần gũi và thiết thân với chúng ta hơn cả: có thể là hạnh phúc, thành công, may mắn hay thất bại, đau khổ; có thể là bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp, nghèo khó, thiên tai, môi trường độc hại, hoặc là cái chết của những người thân yêu ruột thịt hoặc sự đổ vỡ của tình yêu, tình vợ chồng, cha mẹ con cái…tất cả những biến cố lớn nhỏ đó cho chúng ta cảm nhận thân phận làm người. Những hạn chế của hiểu biết, của sức khỏe, của tuổi tác cộng với sự mong manh của thân xác càng làm chúng ta thấm thía hơn về thân phận dòn mỏng của con người. Chắc chắn chúng ta không chối bỏ thực tại của khổ đau, bệnh tật và chết chóc. Nhưng chúng ta cũng được mời gọi để không nhìn vào những biến cố đó như tiếng nói cuối cùng, như một ngõ cụt. Hướng đi lịch sử của loài người không phải là ngõ cụt của thất vọng, sự chết mà là Hy vọng và Sự sống. Cuộc sống luôn có ý nghĩa trong chương trình tràn đầy tình thương của Thiên Chúa, Đấng là Chủ tể Sự sống và Ân sủng.
Trong ngày đầu Năm Mới Dương Lịch, chúng ta luôn xác tín rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách lạ lùng đặc biệt, vượt quá sự hiểu biết hạn chế của mỗi người chúng ta. Ngài mời gọi và yêu thương con người trên mọi nẻo đường của cuộc đời. Niềm hy vọng của chúng ta là gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời. Lời của Thiên Chúa luôn vang vọng trong tâm hồn con người và gửi tới cho mỗi người chúng ta nhiều sứ điệp ý nghĩa và thiết thực.
Giờ đây, chúng ta hướng về Đức Mẹ Maria, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể và công cuộc Cứu độ loài người được nối kết nơi Đức Mẹ Maria. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta nhận ra kỳ công của Thiên Chúa đã và đang thực hiện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, để cuộc đời chúng ta là sự đáp trả bằng ơn gọi riêng và không ngừng dâng lời cảm tạ tri ân, biết đón nhận tất cả thánh ý Chúa với một lòng tin tưởng phó thác và mau mắn thi hành.
Xin Phúc lành và Tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô luôn đồng hành, đỡ nâng, khích lệ quý cộng đòan hiện diện trong ơn gọi Đức Tin và cuộc đời. Amen.

 

SUY NIỆM II

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Việc chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Cứu Thế giáng sinh đã đưa các tín hữu không những gọi Đức Trinh Nữ rất thánh là Mẹ của Đức Giêsu, mà còn nhìn nhận Người là Mẹ của Thiên Chúa.
Chân lý này đã được đào sâu và cảm nhận như là một điều thuộc về gia sản đức tin của Hội Thánh ngay từ những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitôgiáo và công đồng Êphêsô tuyên bố long trọng trong năm 431.
Trong cộng đoàn Kitôhữu tiên khởi, khi các môn đệ càng ý thức rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì họ cũng càng thâm tín rằng Đức Maria là Theotokos, Mẹ của Thiên Chúa. Tước hiệu này không xuất hiện rõ ràng trong các bản văn Phúc Âm, tuy rằng ở đây ta thấy nói tới “Mẹ của Đức Giêsu” và Đức Giêsu là Thiên Chúa (x.Ga 20,28; 5,18; 10,30.33). Dù sao Đức Maria được giới thiệu như là Mẹ của Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,22-23).
Từ thế kỷ III, như có thể suy diễn từ một chứng ta cổ điển, các Kitô hữu ở Ai-cập đã hướng tới Đức Maria với lời cầu nguyện như sau: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm đến nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin Mẹ đừng chê bỏ, nhưng xin hằng giải thoát khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh dự ai bì, Trinh nữ đầy ơn phúc” (x. Giờ Kinh Phụng Vụ). Trong chứng tá cổ kính này, lần đầu tiên từ ngữ Theotokos, “Đức Mẹ Chúa Trời”, đã được xử dụng một cách minh thị.
Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II
(Những Bài Huấn Giáo Về Đức Maria, Phan Tấn Thành chuyển ngữ, trang 144)

Cuộc hành trình đức tin của Đức Maria với Chúa Giêsu khởi đầu với lời “xin vâng” của buổi truyền tin. Sách Giáo Lý (SGL) đã bình luận biến cố này ở nhiều chỗ khác nhau : số 148, 484, 490, 494, 965, 2617, 2674. Từ đó Người lên đường qua những trạm chính: Giuđea để thăm viếng bà chị họ; Belem, Giêrusalem, Nadrét, Cana, và sau cùng là Gôngôta. Những chặng đường ấy đã được SGL ghi lại và chú giải
1/ Cuộc hành trình đi Giuđêa để thăm viếng bà Isave được nói tới ở các số 148, 495, 523. 717, 2676-2677. Đức Maria được chúc tụng là ‘kẻ có phúc vì đã tin vào Lời Chúa, được tuyên xưng là “Mẹ của Chúa tôi”, việc Đức Maria đi thăm viếng bà Isave cũng còn được ví như cuộc gặp gỡ giữa Cựu Ước với Tân Ước, ví như việc Thiên Chúa đến thăm viếng dân Ngài và là hình ảnh của Hội thánh truyền giáo.
2/ Chặng kế đó là Belem, nơi Người đã hạ sinh Đấng Cứu Thế. Người là mẹ khi đón nhận Lời Chúa bằng đức tin trước khi là mẹ vì ban thân thể cho Chúa (số 506)
3/ Tiếp theo là việc dâng Con trong đền thờ (số 529), khi mà Mẹ được loan báo là sẽ phải dâng hiến mỗt lần nữa trên Thánh giá, như lưỡi gươm đâm qua lòng.
4/ Những năm sống với Chúa tại Nadarét là thời gian thinh lặng, cầu nguyện, làm việc (số 532-534), đó cũng là thời gian để Đức Maria tâm niệm Lời Chúa, để nghiền gẫm trong lòng, bời vì qua cảnh lạc mất Chúa trong đền thờ, Mẹ đã nhìn nhận rằng mình chưa hiểu hết đường lối của Chúa (số 534).
5/ Biến cố tại Cana được ghi lại ở số 2618 để nối kết vai trò của Đức Maria như là kẻ cầu thay nguyện giúp trong đức tin.
6/ Cuộc hành trình của Đức Maria với Chúa Giêsu đạt tới tột đỉnh ở Gôngôta, nơi mà Mẹ đã chúng tỏ đức tin không hề nao núng trước mọi thử thách (số 149), nơi mà Mẹ đã kết hợp mật thiết với mầu nhiệm của sự đau khổ mang giá trị cứu đọ (số 618).
Tuy nhiên, nếu cuộc hành trình đức tin của Đức Maria với Chúa Giêsu kết thúc tại Gôngôta, thì cuộc hành trình với Giáo hội vẫn nối tiếp. Dựa theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, SGL đã dành các số 963-972 để nói về Đức Maria như là Mẹ của Giáo hội, Mẹ trong đức tin và ân sủng. Người khởi sự cuộc hành trình với Giáo hội từ chân Thập giá khi Đức Kitô trao cho Người làm mẹ các môn đệ. Đức Maria đã hiện diện với Giáo hội sơ khởi khi cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly cho tới lúc về trời và Người còn tiếp tục chức vũ làm mẹ trong ơn thánh qua lời chuyển cầu cho Giáo hội lữ hành (966: Đức Maria hồn xác lên trời; 971: Việc tôn kính Trinh Nữ; 972: Mẹ Maria hình ảnh cánh chung của Giáo hội)
(Phan Tấn Thành, Vầng Trăng Tuyệt Vời, trang 219-220).

 

SUY NIỆM III

LỄ MẸ THIÊN CHÚA – NĂM MỚI 2023

XÂY DỰNG HOÀ THUẬN GIA ĐÌNH RA HOÀ BÌNH THẾ GIỚI

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Tại sao Hội Thánh chọn ngày 1.1 đầu năm mới là ngày lễ mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới, mà không phải là ngày lễ Chúa Ba Ngôi mới phải chứ vì chưng Thiên Chúa Ba Ngôi mới là Chúa vũ trụ, Chúa thời gian? Thưa, sau Công Đồng Vaticanô II, Đức Phaolô VI đã ấn định vào ngày 1.1, vì lý do sau: Đức cố Giáo hoàng Gioan 23 đã lấy ngày lễ kính Đức Mẹ Thiên Chúa 11-10-1962 để khai mạc Công Đồng Vaticanô II, và đã thành công rực rỡ như một lễ Hiện Xuống mới; như một cuộc sáng tạo mới. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đặt Lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng 1, Ngài nói: “Mục đích việc cử hành này là để tôn kính vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu chuộc và đồng thời ca khen địa vị có một không hai của Mẹ là Mẹ Thiên Chúa… Lễ trọng này cũng cho ta cơ hội tuyệt vời để đổi mới lòng thờ kính cần phải bầy tỏ với Hoàng Tử Hòa Bình vừa mới sinh ra, cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, qua sự bầu cử của Nữ Vương Hoà Bình, để được ơn bình an vô giá”(Phaolô VI, Marialis Cultus, tháng 2 năm 1974, số 5).

Hoà thuận và hòa bình điều cần thiết cho gia đình và thế giới hôm nay. Cho nên, chúng ta cầu nguyện Thiên Chúa cho yêu thương được ngự trị, cho oán thù được tiêu tan, cho mọi người biết tha thứ và yêu thương nhau như chính bản thân mình là điều cần thiết trong ngày đầu năm. Đặc biệt hơn cả, chính mỗi người chúng ta hãy là sứ giả bình an và hòa bình của Chúa cho gia đình và thế giới để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Mẹ Maria với vai trò của một người Mẹ, Mẹ cũng nếm trải những gian truân qua từng giai đoạn lớn khôn của con của Mẹ. Mẹ đã sinh Chúa Giêsu trong thiếu thốn tư bề. Mẹ cũng lo lắng cho sự an nguy của con khi bạo chúa tìm cách giết con Mẹ. Mẹ cũng “thức trọn năm canh” để lo cho con ngủ ngon trong lúc giá rét mùa đông và trong khi chạy tị nạn bên Ai-Cập. Mẹ luôn sát cánh bên con không chỉ giai đoạn tuổi thơ mà cả khi khôn lớn. Mẹ cũng từng bôn ba tìm con khi trẻ thơ bị lạc trong đền thờ. Mẹ đã đi sát bên Chúa đến đỉnh đồi Calve để cùng hiệp thông đau khổ với con Mẹ mà cứu độ trần gian.

Có lẽ hiểu được tấm lòng của Mẹ và vai trò của Mẹ nên Chúa Giêsu trước khi kết thúc tháng ngày dương gian, Chúa Giêsu đã trao ban Mẹ Maria cho nhân loại chúng ta. Qua Gioan, Chúa Giêsu muốn gởi gắm nhân loại qua bàn tay chăm sóc của Mẹ Maria. Từ nay Mẹ Maria nhận nhân loại chúng ta là con của Mẹ. Mẹ tiếp tục đồng hành với các con của Mẹ qua mọi thời đại. Mẹ luôn lo liệu cho con cái của Mẹ luôn no đầy ân phúc bởi trời. Mẹ luôn cùng chúng ta đi qua những đỉnh đồi của thương đau trong kiếp sống nhân trần. Điều này đã thể hiện qua những lần Mẹ hiện ra trên khắp thế giới. Nơi nào có chiến tranh, ly tán, Mẹ hiện ra để hoà giải và quy tụ con cái trở về trong hoà bình. Nơi nào có bách hại, Mẹ sẽ hiện đến để bảo vệ, chở che. Nơi nào có khóc lóc thở than, Mẹ sẽ hiện diện để ủi an nâng đỡ. Nơi nào thiếu thốn tư bề, đau khổ Mẹ sẽ ngự trị ban bình an, nhất là mỗi gia đình luôn có Mẹ là nữ vương sự bình an làm cho mọi người gia đình sống hoà thuận thương yêu nhau khi an vui cũng như lúc sầu đầy.

Cho nên, hôm nay Hội Thánh mời gọi chúng ta cũng hãy chiêm ngưỡng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương Hòa Bình để cầu cho hòa bình thế giới. Sở dĩ chúng ta gọi Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình, bởi vì Mẹ là người nữ tì khiêm hạ và khó nghèo của Thiên Chúa. Mẹ đã trút bỏ mọi sự để trở thành trống rỗng và rồi được chính Thiên Chúa lấp đầy. Như thế, người xây dựng hòa bình là người được Thiên Chúa lấp đầy tâm hồn mình. Cũng như Mẹ Maria, chúng ta cũng được mời gọi trút bỏ mọi tội lỗi, tính hư tật xấu, sự kiêu ngạo. tính ích ỷ… và có tinh thần nghèo khó đích thực như Đức Mẹ để xây dựng hòa thuận và hòa bình ngay chính trong gia đình và xã hội chúng ta đang sống. Cho nên, muốn có hoà thuận trong gia đình và hòa bình trên thế giới, chúng ta phải ra đi không ngừng và ra đi là để đến với Thiên Chúa và đến với người khác bằng việc tha thứ, yêu thương, giúp đỡ và sẻ chia.

Chim có tổ, nước có nguồn, con người có tổ có tông. Đã là người, thì phải có cha mẹ, phải có tổ ấm, phải có gia đình. Chúa Giêsu khi tới trần gian này, cũng không muốn sống ngoài định luật của con người. Ngài cũng có mẹ, có cha. Đó là tính cách rất người của Chúa Giêsu. Chúa không muốn trở thành một vị tiên giáng trần. Chúa đã chọn con đường bình thường như mọi người là có một gia đình để sinh ra. Mẹ Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu đã được chọn lựa giữa muôn  người nữ. Mẹ sinh con mà vẫn đồng trinh vì “Đối với Thiên Chúa không gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Mẹ Maria đã cưu mang Chúa Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần. Mẹ sinh ra Đấng Cao Cả, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Quả thật, không ai biết rõ những chi tiết về mầu nhiệm Giáng Sinh hơn Mẹ Maria, Thánh sử Luca chỉ có thể viết : “Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng”(Lc 2, 19). Mẹ Maria im lặng bởi vì Mẹ đã gắn bó mật thiết với mầu nhiệm Giáng Sinh đến nỗi Mẹ không thể diễn tả ra bằng lời trần gian được. Mẹ đã hiểu giá trị của sự từ bỏ hoàn toàn, sống nghèo khó, âm thầm phục vụ Chúa và tha nhân. Mẹ chấp nhận sống như một nữ tỳ để phục vụ hơn là để hưởng vinh quang. Mẹ xứng đáng là người được Thiên Chúa tuyển chọn.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khắc họa hình ảnh của “Người Mẹ Việt Nam” chắt chiu chăm sóc đàn con bằng những lời ca thật đẹp trong ca khúc “Huyền thoại Mẹ”: “Mẹ về đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ canh từng bước chân thù, mẹ ngồi dưới cơn mưa. Mẹ lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại, mẹ nhẹ nhàng đưa lối, tiễn con qua núi đồi…Mẹ là nước chứa chan, trôi dùm con phiền muộn, cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan…”.  Hôm này giữa lòng Hội Thánh Công Giáo, Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa không chỉ là một ảnh hình khắc họa của thi ca, của âm nhạc, mà Mẹ Maria đã đang và mãi mãi hiệp thông với Hiền Thê của Con Mẹ, để làm cho Hội Thánh lớn lên và không ngừng tươi trẻ. Cụ thể, từ Lộ Đức tới La Vang, từ Trà Kiệu tới Fatima… Mẹ luôn dõi theo từng bước chân của người con mẹ trong Hội Thánh để chăm sóc giữ gìn, để động viên an ủi, để dạy bảo từng người con của Mẹ. Nói cách khác, Mẹ không ngừng đem cho Hội Thánh những làn gió mát của Thánh Thần để chiếc sáo Hội Thánh rung lên những giai điệu tuyệt vời hầu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho muôn dân tộc, như cách diễn tả của thi sĩ Xuân Diệu, một người ngoại giáo, đã cảm nhận sâu sắc về Mẹ Trà Kiệu qua mấy vầng thơ mượt mà thanh thoát: “Nên hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ, Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng. Con là sáo mẹ là ngàn vạn gió, Mẹ là trời con là hạt sương rung”.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã từng bao bọc chở che cho Ngôi Hai Thiên Chúa. Xin Mẹ cũng đoái thương đến từng người chúng con. Xin Mẹ luôn bảo vệ và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con luôn biết chạy đến cùng Mẹ và kêu cầu Mẹ rằng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con hôm nay và trong giờ lâm tử”. Amen

 

SUY NIỆM VI

ĐỨC MARIA – MẸ THIÊN CHÚA VÀ GƯƠNG MẪU CHO KI-TÔ HỮU

            Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (Hội An 01/01/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Hôm nay cộng đoàn chúng ta hợp cùng Hội Thánh mừng kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, đồng thời, hôm nay còn là ngày cuối của tuần bát nhật Giáng Sinh và là ngày đầu năm mới 2023. Có sự gắn kết chặt chẽ nào giữa các sự kiện đó khiến Hội Thánh cử hành làm một trong thánh lễ hôm nay?

Chúng ta biết, vào năm 431, Hội Thánh đã triệu tập công đồng chung Êphêsô để chống lại lạc giáo Nestoriô và tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vào năm 1931, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm công đồng Êphêsô, Đức Piô XI đã thiết lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày 11/10 hằng năm. Đến năm 1969, Đức Phaolô VI đã chuyển Lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm mới và ngài giải thích sự liên kết các sự kiện này như sau: – Trở lại ngày đầu năm cho đúng phụng vụ Rôma xưa; – tôn kính việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu rỗi và tôn vinh địa vị rất thánh của Mẹ; – Dịp Ki-tô hữu tôn thờ Vua Hòa Bình, nghe lại lời chúc hòa bình của thiên sứ và nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình, ban cho thế giới ơn hòa bình (Marialis Cultus, 5b). Như vậy, có một sự liên đới chặt chẽ giữa vai trò Mẹ Thiên Chúa với biến cố giáng sinh của Chúa Giê-su và niềm khát vọng bình an của thế giới.

  1. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

            Thật vậy, nếu không liên đới với mầu nhiệm giáng sinh, vai trò của Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa không có ý nghĩa, bởi Đấng làm người ở trong lòng Mẹ là Thiên Chúa, nên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Hội Thánh không gọi Mẹ là Mẹ Chúa Ki-tô, mà tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Chúa Giê-su không chỉ là vĩ nhân như thế giới ca ngợi, mà Ngài còn là Thiên Chúa, là Emmanuel, Thiên-Chúa-làm-người ở giữa chúng ta, là Thiên Chúa thật và là người thật trong một Ngôi Vị duy nhất. Không có sự tách biệt thiên tính của Chúa Giê-su ra khỏi nhân tính của Ngài. Đó là lý do Hội Thánh tôn vinh Mẹ Maria với danh hiệu trọng nhất “Mẹ Thiên Chúa.”

            Hơn ai hết, Mẹ Maria khiêm cung đón nhận ơn trọng đại làm Mẹ Thiên Chúa. Mẹ cảm nghiệm sự gần gũi của Thiên Chúa ở với con người, cách riêng trong lòng Mẹ, đến nỗi Thiên Chúa mang lấy xác thịt của Mẹ, xác thịt của con người, không chỉ ở gần với con người mà còn trở nên giống con người từ nay cho đến muôn đời. Mẹ Maria có thể nói với Hài Nhi Giê-su: “Con là xương là thịt của mẹ” (x. St 29,14). Tuy nhiên, Mẹ Maria biết rõ hạnh phúc cưu mang Con Thiên Chúa làm người là do lòng yêu thương của Thiên Chúa ban cho Mẹ, vì người Con của Mẹ là “Giê-su – Thiên Chúa cứu độ,” tên do Thiên Chúa đặt để loan báo vai trò cứu độ duy nhất của Chúa Giê-su mà chính Mẹ Maria cũng được hưởng ơn cứu độ đó. Vì thế, “Mẹ Maria hằng ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19).

            Mẹ ghi nhớ và suy niệm việc gì vậy? Đức Phanxicô giải thích, đó là những sự vui và sự thương khó. Mẹ có niềm vui được Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ, niềm vui được làm Mẹ Thiên Chúa, niềm vui được cùng thánh Giuse đón các mục đồng và các đạo sĩ đến viếng thăm và thờ phượng Chúa, niềm vui Chúa Giê-su nay đã hoàn thành lời Thiên Chúa hứa với nhân loại làm Đấng cứu độ thế giới. Nhưng Mẹ cũng lo lắng cho tương lai của Con mình, khi nhiều người nói “hết chỗ rồi” đối với Chúa. Mẹ đã được ông già Simêon báo trước, mỗi khi thiên hạ đối xử “hết chỗ rồi” với Chúa, lúc ấy như thể lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ. Tất cả, niềm vui và nỗi thương khó, ánh sáng và bóng tối cuộc đời, được Mẹ ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Mẹ “giữ” trong lòng không phải để oán than, nhưng để dâng cho Thiên Chúa như cuộc đời Mẹ qua tiếng “xin vâng” hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Thật vậy, Mẹ đã lắng nghe nhịp tim của Giê-su từ trong lòng Mẹ, nay Mẹ lắng nghe tiếng từ trái tim của Chúa Giê-su trong lịch sử nhân loại và trong lịch sử cuộc đời của Mẹ. Giữa Mẹ và Chúa Giê-su có một cuộc đối thoại thường trực trong ngày sống giữa bao biến cố. Vì thế, Mẹ trở nên gương mẫu cho toàn thể Hội Thánh và cho mỗi chúng ta khi bước vào năm mới.

  1. Đức Maria, gương mẫu cho Ki-tô hữu

            Trước hết, Mẹ được Chúa Giê-su là Thiên Chúa ở trong lòng Mẹ và Mẹ được gọi là Mẹ Thiên Chúa, thì chúng ta cũng được gọi là con Thiên Chúa, được nên một với Chúa Giê-su và được Chúa nhận lấy xác thịt con người chúng ta trong Chúa, do đó, chúng ta không lẻ loi, không mồ côi trong hiện tại và khi bước vào tương lai. Nhận ra ơn trọng đại cưu mang Chúa Giê-su và ơn chúng ta được Chúa ở với, thánh Phaolô vừa khẳng định một sự thật nơi chúng ta, vừa khát khao vươn tới hằng ngày: “Anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Chúa Ki-tô” (Gl 3,27), nghĩa là nên giống Chúa Giê-su, suy nghĩ như Chúa Giê-su và sống trong Chúa Giê-su. Xin Chúa đừng để một lúc nào hay lần nào chúng ta tệ bạc nói với Chúa “hết chỗ rồi!”, kẻo đời sống chúng ta bất hạnh và mất gia nghiệp đời đời, nhưng xin cho chúng ta biết chúng ta được Chúa yêu và được có Chúa ở cùng mọi ngày.

            Thứ đến, Mẹ hằng giữ sự thinh lặng cần thiết trong ngày sống để suy niệm những biến cố và lắng nghe lời Chúa. Xin cho chúng ta mỗi ngày bắt chước Mẹ có những giây phút thinh lặng bên Chúa, để sự thinh lặng đó đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa, giữ chúng ta bình an giữa cơn bão tố của xã hội tiêu thụ và hưởng thụ, giữ linh hồn chúng ta xa lánh cơn kiêu hãnh của xã hội tự mãn hôm nay.

            Xin Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, cũng là mẹ của chúng con, Mẹ là tạo vật tuyệt hảo của Thiên Chúa, xin Mẹ gìn giữ chúng con trong năm mới này và luôn van nài cho thế giới chúng con được sự bình an của Chúa Giê-su, Con Yêu Dấu của Mẹ.