Một Ơn Gọi! Một Cuộc Đời! Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI Nhân Dịp Kỷ Niệm Sinh Nhật 85 Tuổi


Nhà Nguyện Pauline
Thứ Hai, 16 tháng 4, năm 2012

Kính thưa quý Hồng y,
Anh em Giám mục và Linh mục thân mến,
Anh chị em thân mến,

Vào ngày 16 tháng 4 [1927], ngày sinh nhật và cũng là ngày rửa tội của tôi, phụng vụ Giáo hội đã trình bày ba dấu chỉ dạy tôi hiểu con đường dẫn tôi đến đâu và giúp tôi tìm thấy nẻo đường ấy.

Trước hết là lễ nhớ thánh Bernadette Soubirous, người được thị kiến ở Lộ Đức; kế đến là thánh Benoît Joseph Labre, một trong những vị thánh đặc biệt nhất của lịch sử Giáo hội; và trên hết, hôm ấy là ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày luôn được dìm sâu trong Mầu nhiệm Vượt qua, trong Mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh. Năm tôi được sinh ra, ngày sinh nhật đã được biểu tỏ cách đặc biệt: đó là ngày thinh lặng của Thiên Chúa, ngày Thiên Chúa vắng mặt thật sự, ngày Thiên Chúa chết, nhưng cũng là ngày mà chúng ta loan báo sự Phục sinh.

Tất cả chúng ta đều biết và yêu mến thánh Bernadette Soubirous, thiếu nữ đơn sơ của dãy Pyrênê, miền Nam nước Pháp. Bernadette đã lớn lên tại Pháp vào thế kỷ 19, giữa kỷ nguyên Ánh sáng, trong sự nghèo khổ khó tưởng. Sau nhiều đắn đo, cuối cùng nhà tù, vốn đã được dẹp bỏ vì quá nguy hại cho sức khỏe, đã trở nên nơi cư ngụ của gia đình thánh nữ. Đó là nơi thánh nữ đã trải qua tuổi thơ của mình. Trong vùng đó, trẻ em không thể có được một nền giáo dục học đường, chỉ được học một ít giáo lý chuẩn bị rước lễ lần đầu.

Tuy nhiên, chính thiếu nữ đơn sơ ấy, vốn có lòng thuần khiết và chân thật, đã cưu mang trái tim thấu cảm có thể nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa, cũng như có thể nhìn thấy nơi Mẹ sự phản chiếu vẻ xinh đẹp và lòng tốt lành của Thiên Chúa.

Mẹ Maria đã có thể hiện ra với thiếu nữ này và qua thiếu nữ này nói với con người đương thời, thậm chí với con người của những thời đại sau nữa. Bernadette đã biết nhìn thấy bằng trái tim thuần khiết và chân thật. Và Mẹ Maria đã chỉ cho thánh nữ biết nguồn nước: thánh nữ đã có thể khám phá nguồn nước sự sống, tinh khiết và vô nhiễm; một nguồn nước mang lại sự sống, trao ban sư thanh sạch và sức khỏe.

Từ đó đến nay đã qua nhiều thế kỷ, nước sự sống ấy là dấu chỉ phát xuất từ Mẹ Maria, một dấu chỉ dạy cho chúng ta biết nơi chúng ta có thể tìm thấy nguồn suối sự sống, nơi chúng ta có thể được thanh tẩy, nơi chúng ta có thể tìm thấy sự vô nhiễm. Dấu chỉ ấy càng quan trọng hơn ở thời đại chúng ta, trong đó chúng ta nhìn thấy con người mệt mỏi rã rời và khát khao nguồn nước tinh khiết. Từ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, từ trái tim vẹn sạch của Mẹ, cũng xuất phát nguồn nước tinh khiết và chân thật mang lại sự sống, nguồn nước thanh tẩy và chữa lành chúng ta trong thế kỷ này và những thế kỷ sẽ đến.

Tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu nước ấy như họa ảnh của sự thật mà chúng ta gặp thấy trong đức tin: không phải là sự thật lộc lừa, nhưng là sự thật vô nhiễm. Thật vậy, để có thể sống, để có thể trở nên thanh sạch, chúng ta cần có trong lòng nỗi khát vọng về sự sống thanh khiết, về sự thật không bị bóp méo, về điều vốn không bị sự băng hoại làm cho ô nhiễm. Đó là nỗi khát vọng được trở nên những con người không tì vết.

Vì thế trong ngày ấy, vị thánh nhỏ bé này đã luôn là một dấu chỉ giúp tôi hiểu mạch nước sự sống đến từ đâu, mạch nước thanh tẩy chúng ta và trao ban cho chúng ta sự sống. Vị thánh này cũng là dấu chỉ về điều mà chúng ta sẽ trở nên: dù sở hữu mọi kiến thức và mọi năng lực vốn cần thiết, chúng ta cũng không thể đánh mất trái tim đơn thành, nghĩa là cái nhìn đơn sơ của trái tim có năng lực thấy rõ điều cốt yếu, và chúng ta phải luôn khấn xin với Chúa để chúng ta giữ mãi trong lòng mình sự khiêm cung vốn cho phép trái tim chúng ta luôn sáng suốt, luôn thấy điều đơn sơ và cốt yếu, thấy vẻ đẹp và lòng tốt lành của Thiên Chúa, và như thế luôn tìm thấy nguồn suối tuôn trào mạch nước thanh tẩy và trao ban sự sống.

Kế đến là thánh Benoît Joseph Labre, hành khất sùng tín của thế kỷ 18, là người, sau nhiều tìm kiếm bất thành, cuối cùng đã khám phá ra ơn gọi hành hương khất thực của mình, trong thân phận không có gì cả, không vật trợ thân nào cả và chẳng giữ lại gì cả cho bản thân từ những gì mình nhận được, nếu đó không phải là thứ ngài tuyệt đối cần đến.

Ngài đã hành hương khắp Châu Âu, đi qua tất cả các đền thánh của châu lục, từ Tây Ban Nha đến Ba Lan, từ Đức đến tận đảo Sicile: ngài đích thật là một vị thánh của Châu Âu! Chúng ta cũng có thể nói: ngài là một vị thánh đặc biệt. Bằng việc khất thực, ngài lang thang từ đền thánh này sang đền thánh khác và chẳng muốn làm điều gì khác ngoài việc cầu nguyện, và qua đó, làm chứng cho điều duy nhất đáng giá trong cuộc đời: Thiên Chúa.

Chắc chắn ngài không phải là một mẫu gương để cổ võ, nhưng là một người chỉ đường, một ngón tay chỉ về điều cốt yếu. Ngài chỉ cho chúng ta thấy rằng chỉ mình Thiên Chúa thôi đã đủ cho ngài. Ngài chỉ cho chúng ta thấy rằng, vượt trên những gì chúng ta có thể sở hữu trên thế gian này, vượt trên những nhu cầu và năng lực của chúng ta, điều duy nhất cốt yếu và đáng giá chính là nhận biết Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa là đủ rồi. Và ngài đã chỉ cho chúng ta thấy “chỉ mình Thiên Chúa là đủ” bằng cách thức thật cảm động.

Đồng thời, đời sống thật sự mang tầm vóc Châu Âu của ngài, bao quát cả Châu Âu từ đền thánh này sang đền thánh khác, cho thấy rõ rằng ai mở lòng ra với Thiên Chúa thì không thể xa lánh thế giới và con người. Ngược lại, người ấy biết tìm đến gặp gỡ những người anh chị em, vì Thiên Chúa phá đổ các biên cương. Chỉ mình Thiên Chúa có thể loại bỏ những biên cương, vì nhờ Ngài tất cả chúng ta trở thành anh chị em của nhau, chúng ta thuộc về nhau. Ai mở lòng ra với Thiên Chúa cũng giúp chúng ta thấy rằng duy nhất tính của Thiên Chúa bao hàm cả tình huynh đệ, sự hòa giải giữa con người với nhau và việc loại bỏ các biên cương, một việc vốn có thể hợp nhất chúng ta lại và chữa lành chúng ta. Như thế, ngài là một vị thánh của hòa bình, đích thực là thế vì ngài là một vị thánh chẳng đòi hỏi điều chi cả, chết không sở hữu vật gì cả, nhưng lại được vui thỏa trong mọi sự.

Và cuối cùng là Mầu nhiệm Vượt qua. Nhờ sự ân cần của mẹ cha, ngày tôi được sinh ra cũng là ngày tôi được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng. Trước tiên, mẹ cha đã trao tặng tôi ân huệ sự sống ở một thời điểm rất khó khăn, và vì thế tôi luôn mang ơn mẹ cha.

Nhưng sự sống con người tự thân không hiển nhiên là một ân huệ. Có thật sự sống có thể là một ân huệ xinh đẹp không? Chúng ta có biết điều gì đè nặng kiếp người ở một giai đoạn u ám trước mắt, cũng như một giai đoạn tươi sáng hơn có thể sẽ đến? Chúng ta có thể tiên liệu được những khó khăn nào, những biến cố khủng khiếp nào một con người phải đối diện? Liệu có xác đáng không khi chỉ đơn giản trao tặng sự sống như thế? Đó là trách nhiệm hay điều gì đó quá bấp bênh? Nếu chỉ như thế, sự sống quả là một ân huệ rắc rối.

Sự sống sinh học tự thân là một ân huệ, tuy nhiên sự sống ấy lại được vây quanh bởi một vấn nạn sâu thẳm. Sự sống chỉ trở nên một ân huệ thật sự, nếu với sự sống này, chúng ta cùng lúc được ban cho một lời hứa chắc chắn hơn mọi điều rủi ro có sức đe dọa chúng ta, nếu sự sống này được tắm gội trong một sức mạnh có khả năng đoan chắc rằng làm người là điều thiện hảo, rằng mọi việc xảy đến với người ấy trong tương lai đều là điều thiện hảo.

Như thế, sự sinh hạ phải được liên kết với sự tái sinh và với sự đoan chắc rằng, quả thật hiện hữu ở đời là một điều thiện hảo, vì lời hứa mạnh hơn mọi sự đe dọa. Đó là ý nghĩa của việc tái sinh bởi nước và Thánh Thần: được tắm gội trong lời hứa mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thực hiện: thật tốt khi bạn hiện hữu, và bạn có thể xác tín về điều đó, dù bất cứ việc gì xảy đến. Tôi đã có thể sống nhờ chính niềm xác tín ấy, được sinh ra bởi nước và Thánh Thần.

Nicôđêmô hỏi Chúa: “Một người đã già rồi làm sao có thể tái sinh được?”. Thế mà sự tái sinh đã được ban cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội. Nhưng chúng ta phải không ngừng tăng trưởng trong sự sống này, chúng ta phải luôn để cho mình lại được Thiên Chúa tắm gội trong lời hứa của Ngài, để thật sự được tái sinh trong gia đình mới mẻ và vô biên của Thiên Chúa, Đấng luôn mạnh mẻ hơn mọi sự yến hèn, hơn mọi quyền lực chết chóc luôn đe dọa chúng ta. Vì thế hôm nay đối với tôi là một ngày tạ ơn vô tận.

Như đã nói trên, tôi đã được rửa tội vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Ở thời đó, người ta còn giữ thói quen cử hành sớm nghi thức Vọng Phục sinh vào buổi sáng, và cử hành vẫn được tiếp diễn trong sự tối tăm mơ hồ của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, vốn không có lời ca Allêluia.

Đối với tôi, dường như cái nghịch lý đặc thù ấy, nghĩa là một viễn tượng độc đáo về ánh sáng giữa ngày tăm tối, gần như tương hợp với hình ảnh lịch sử của thời đại chúng tôi. Một mặt, vẫn còn đó sự thinh lặng của Thiên Chúa và sự vắng mặt của Ngài. Và mặt khác, trong mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô đã thoáng thấy trước tiếng “vâng” của Thiên Chúa.

Chính nhờ việc tựa nương vào tiếng vâng ấy của Thiên Chúa mà chúng ta sống. Chính qua sự thinh lặng của Thiên Chúa mà chúng ta chờ đợi những lời Ngài phán ra. Chính qua sự tối tăm mơ hồ do sự vắng mặt của Thiên Chúa mà chúng ta thoáng thấy ánh sáng của Ngài. Viễn tượng Phục sinh ngay giữa lòng một lịch sử đang diễn tiến chính là sức mạnh chỉ cho chúng ta thấy con đường và giúp chúng ta tiến về phía trước.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa nhân lành vì Ngài đã ban cho chúng ta ánh sáng ấy, và chúng ta cầu xin Ngài cho ánh sáng ấy có thể tồn tại mãi trong chúng ta. Và trong ngày này, tôi càng có những lý do chính đáng để tạ ơn Chúa, cũng như tất cả những người đã luôn giúp tôi nhận ra sự hiện diện của Ngài, đã đồng hành trợ lực để tôi không đánh mất ánh sáng ấy.

Tôi đang ở giai đoạn cuối của đời mình và tôi không biết điều gì đang chờ đợi tôi phía trước. Tuy nhiên, tôi biết rằng ánh sáng của Thiên Chúa đang hiện diện, rằng Chúa đã phục sinh, rằng ánh sáng của Ngài mạnh hơn mọi bóng tối, rằng lòng tốt lành của Ngài mạnh hơn mọi sự ác của thế gian này. Và điều đó giúp tôi vững tin tiến bước. Điều đó giúp chúng ta tiến về phía trước. Trong giờ phút này, với cả tấm lòng thành, tôi xin cảm ơn những người, qua đời sống đức tin của họ, đã luôn giúp tôi nhận ra tiếng “vâng” của Thiên Chúa.

Cuối cùng, kính thưa Đức Hồng y Niên trưởng, xin nồng nhiệt cảm ơn Đức Hồng y vì những lời thân thiện đầy tình huynh đệ và mọi sự cộng tác của Đức Hồng y suốt những năm qua. Xin chân thành cảm ơn tất cả những cộng tác viên trong suốt 30 năm tôi sống và làm việc tại Rôma, những người đã trợ giúp để tôi có thể gánh vác trách nhiệm nặng nề của mình. Xin cảm ơn. Amen!

TUẦN THÁNH 2020
Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang
Chuyển ngữ từ: w2.vatican.va (16.04.2012)
WHĐ (05.01.2023)