Một số điểm nổi bật trong diễn văn của Đức Thánh Cha trước ngoại giao đoàn dịp đầu năm 2023


Trong bài phát biểu trước Ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh hôm 9/1/2023, Đức Thánh Cha kêu gọi “chấm dứt ngay cuộc xung đột vô nghĩa này” ở Ucraina và bãi bỏ án tử hình, nhấn mạnh mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân, kêu gọi quyền cho cho phụ nữ và chống phá thai, lưu ý đến tự do tôn giáo và mời gọi liên đới với người di dân, vv.

Hồng Thủy – Vatican News

Hiện nay có 183 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Toà Thánh; bên cạnh đó còn có các tổ chức quốc tế như Liên minh Châu Âu và Hội Hiệp sĩ Malta. Trong số này có 91 quốc gia và tổ chức có trụ sở chính tại Rô-ma. Một số tổ chức khác có quan hệ ngoại giao với Toà Thánh cũng có trụ sở ở Rô-ma như Liên minh các nước Ả-rập, Tổ chức Quốc tế về Di dân và Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp quốc.

Trong cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã có bài nói chuyện dài gần một giờ, trong đó ngài đề cập đến một loạt các chủ đề quốc tế. Ngài nêu bật những thách thức chính đối với thế giới của chúng ta và ảnh hưởng đến tất cả mọi người, ví dụ như mối đe doạ của chiến tranh hạt nhân, điều mà thế giới đã một lần cảm thấy sợ hãi và đau khổ, như cuộc chiến ở Ucraina và “sự chết chóc và hủy diệt” mà nó để lại, với những người chết không chỉ vì bom đạn mà còn vì đói và lạnh. Ngài đề cập đến những căng thẳng chính trị và xã hội ở Brazil, cũng như ở Peru và Haiti, bạo lực giữa người Israel và người Palestine, án tử hình ở Iran và việc loại bỏ phụ nữ khỏi giáo dục ở Afghanistan. Ngài dành sự quan tâm đến các cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới: Syria và Yemen bị chiến tranh tàn phá với những người dân phải đối mặt với bom đạn; khủng bố ở Châu Phi; các cuộc xung đột ở miền Nam Caucasus; cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị ở Libăng; và bi kịch.

Làm thế nào chúng ta có thể dệt lại những sợi chỉ hòa bình? Chúng ta bắt đầu ở đâu? Theo Đức Thánh Cha, con đường dẫn đến hoà bình có thể có khi tôn trọng bốn điều thiện: sự thật, công lý, liên đới và tự do, như là các cột trụ điều tiết các mối tương quan giữa các cá nhân và các cộng đoàn chính trị. Ý tưởng này được Đức Thánh Cha nhắc lại từ thông điệp Hoà bình dưới thế của Thánh Gioan XXIII, được ban hành vào năm 1962.

Xây dựng hoà bình trong sự thật

Trước hết, “xây dựng hoà bình trong sự thật“, Đức Thánh Cha giải thích nó có nghĩa là tôn trọng con người với “quyền sống và sự toàn vẹn về thể lý” của con người, và bảo đảm “quyền tự do điều tra sự thật, quyền tự do ngôn luận và xuất bản” của họ. Điều này đòi hỏi các cơ quan dân sự phải “đóng góp tích cực vào việc tạo ra một môi trường tổng thể, trong đó các cá nhân có thể vừa bảo vệ các quyền của mình vừa thực hiện nghĩa vụ của mình, và có thể làm như vậy một cách dễ dàng.”

Bảo vệ sự sống

Đức Thánh Cha nói: “Hòa bình trước hết đòi hỏi phải bảo vệ sự sống, một sự thiện mà ngày nay đang bị đe dọa không chỉ bởi xung đột, đói kém và bệnh tật, rất thường xảy ra ngay trong lòng người mẹ, thông qua việc thúc đẩy ‘quyền được phá thai’. Tuy nhiên, không ai có thể tuyên bố có quyền trên sự sống của một người khác, đặc biệt là một người không có sức mạnh và do đó hoàn toàn không thể tự vệ.” Từ đó ngài kêu gọi “lương tâm của mọi người nam nữ thiện chí, đặc biệt những người có trách nhiệm chính trị, để nổ lực bảo vệ quyền của những người yếu thế nhất và chống lại nền văn hóa vứt bỏ, một nền văn hóa đang ảnh hưởng một cách bi thảm đến những người bệnh, người khuyết tật và người già.”

Bãi bỏ án tử hình

Cũng liên quan đến quyền sống, Đức Thánh Cha kêu gọi bãi bỏ án tử hình, cụ thể như tại Iran trong những ngày này khi các cuộc biểu tình đòi tôn trọng phẩm giá của phụ nữ. Ngài nói: “Hình phạt tử hình không thể được sử dụng cho một công lý của một quốc gia có tham vọng, vì nó không ngăn cản được tội phạm cũng như không mang lại công lý cho các nạn nhân, mà chỉ thúc đẩy khát khao báo thù.” Và Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt án tử hình, “điều vốn luôn luôn không thể chấp nhận được vì nó tấn công quyền bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người, theo luật pháp của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng ta không thể bỏ qua sự thật rằng, cho đến giây phút cuối cùng của mình, một người vẫn có thể hối cải và thay đổi.”

Quyền của phụ nữ

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những tự do căn bản của mỗi người, khi mà tại nhiều quốc gia, phụ nữ vẫn bị xem là các công dân hạng hai. Ngài nhận xét: “Họ phải chịu bạo lực và lạm dụng, đồng thời bị từ chối cơ hội học tập, làm việc, sử dụng tài năng của mình và được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thậm chí cả thực phẩm.” Theo Đức Thánh Cha, “khi quyền con người được công nhận đầy đủ cho tất cả mọi người, phụ nữ có thể cống hiến những đóng góp đặc biệt của họ cho đời sống xã hội và trở thành đồng minh đầu tiên của hòa bình.”

“Sợ hãi” cuộc sống đang gia tăng và đưa đến sợ hãi tương lai và khó khăn trong việc lập gia đình và sinh sản con cái, đây là điều Đức Thánh Cha nhận thấy trong xã hội ngày nay, đặc biệt tại các nước phương Tây. Theo ngài, những lo sợ được thúc đẩy bởi sự thiếu hiểu biết và định kiến, và do đó dễ biến thành xung đột.

Giáo dục

Đức Thánh Cha nhận định rằng thuốc giải cho nỗi sợ chính là giáo dục: “Công việc giáo dục luôn đòi hỏi phải thể hiện sự tôn trọng toàn diện đối với con người và đối với diện mạo tự nhiên của họ, đồng thời tránh áp đặt một cách nhìn mới lạ và mơ hồ về con người.” Ngài lên án việc loại một thành phần dân chúng nào đó ra khỏi giáo dục, như đang xảy ra với phụ nữ Afghanistan.

Trong khi đề cập đến chủ đề giáo dục, Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ đối với các quốc gia “hãy can đảm để đảo ngược mối quan hệ đáng xấu hổ và không cân xứng giữa tài trợ công cho giáo dục và chi tiêu cho vũ khí!”

Tự do tôn giáo

Đức Thánh Cha cũng mạnh mẽ kêu gọi sự công nhận phổ quát về tự do tôn giáo, bởi vì “điều đáng lo ngại là mọi người đang bị đàn áp chỉ vì họ công khai tuyên xưng đức tin của mình.” Và điều này xảy ra ngay cả ở những quốc gia mà các Kitô hữu không phải là thiểu số.

Ngài nói: “Tự do tôn giáo cũng bị đe dọa ở bất cứ nơi nào các tín đồ thấy khả năng bày tỏ niềm tin của họ trong đời sống xã hội bị cấm đoán bởi một sự hiểu sai về tính bao gồm. Tự do tôn giáo, không thể bị giản lược thành tự do tín ngưỡng, là một trong những điều kiện tối thiểu để có một lối sống xứng nhân phẩm. Các chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ quyền này và đảm bảo rằng mỗi người, theo một cách phù hợp với lợi ích chung , có cơ hội hành động phù hợp với lương tâm của chính mình, cũng như trong lĩnh vực công cộng và trong việc thực hiện nghề nghiệp của họ.”

Trên thực tế, tôn giáo “cung cấp những cơ hội thực sự để đối thoại và gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau”, Đức Thánh Cha khẳng định khi nhắc lại Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại được ký kết vào năm 2019 tại Abu-Dhabi.

Xây dựng hoà bình trong công lý

Nói về xây dựng hoà bình bằng việc tôn trọng công lý, Đức Thánh Cha kêu gọi “tái suy tư cách sâu sắc” về các hệ thống đa phương như Liên Hiệp Quốc để làm cho chúng hiệu quả hơn trong việc ứng phó với các cuộc xung đột như cuộc chiến ở Ucraina. Nhưng ngài cũng chỉ trích các tổ chức quốc tế vì “áp đặt các hình thức thực dân hóa ý thức hệ, đặc biệt là đối với các nước nghèo hơn” và cảnh báo về nguy cơ ngày càng tăng của “chủ nghĩa độc tài về ý thức hệ” đang thúc đẩy sự bất khoan dung đối với những người bất đồng về một số lập trường được cho là đại diện cho ‘sự tiến bộ’ nhưng trên thực tế dường như sẽ dẫn đến sự thụt lùi toàn diện của nhân loại, với sự vi phạm quyền tự do tư tưởng và quyền tự do lương tâm.”

Xây dựng hoà bình trong tình liên đới

Đức Thánh Cha cũng nói về sự cần thiết phải đào sâu ý thức liên đới toàn cầu và nêu ra bốn lĩnh vực liên kết với nhau: nhập cư, kinh tế và việc làm, và chăm sóc thụ tạo. Ngài nói: “Con đường hòa bình là con đường liên đới, vì không ai có thể được cứu một mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới kết nối với nhau mà cuối cùng, hành động của mỗi bên sẽ gây hậu quả cho tất cả.” Đặc biệt, Đức Thánh Cha kêu gọi dấn thân hơn và tập trung hơn vào vấn đề di dân. Ngài nói rằng di dân không phải là một vấn đề mà chúng ta có thể “tiến lên một cách ngẫu nhiên”; ngài nói rằng chúng ta chỉ cần nhìn vào Địa Trung Hải, nơi “những sinh mạng bị huỷ diệt là biểu tượng của sự đắm tàu ​​của nền văn minh.”

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi “khôi phục phẩm giá cho công việc, chống lại mọi hình thức bóc lột dẫn đến việc coi người lao động như một món hàng” và làm việc vì ngôi nhà chung của chúng ta, do những tác động của biến đổi khí hậu tạo ra sự tàn phá, như đã xảy ra ở Pakistan.

Xây dựng hòa bình trong tự do

Cuối cùng, liên quan đến việc xây dựng “hòa bình trong tự do“, Đức Thánh Cha cảnh báo về “sự suy yếu của nền dân chủ” ở nhiều nơi trên thế giới và sự gia tăng phân cực chính trị. Ngài nói rằng “Việc xây dựng hòa bình đòi hỏi rằng không có chỗ cho sự vi phạm tự do, toàn vẹn và an ninh của các quốc gia khác, bất kể lý do của việc mở rộng lãnh thổ hay khả năng phòng thủ của họ là gì.” Và hòa bình chỉ có thể thực hiện được nếu “trong mỗi cộng đồng đơn lẻ, không tồn tại thứ văn hóa áp bức và xâm lược, trong đó người hàng xóm của chúng ta bị coi là kẻ thù để tấn công, thay vì là anh chị em để chào đón và ôm ấp.”