Chúa Nhật II Thường Niên Năm A


CN 2 TN NĂM A

15-1-2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Phú Hương

GIÁO HUẤN SỐ 8

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Cả Bạn Nữa Cũng Thế

 

Để nên thánh không cần phải trở thành giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút ra khỏi công việc hằng ngày để dành nhiều giờ cho việc cầu nguyện. Điều đó không đúng. Tất cả chúng ta được gọi nên thánh bằng việc sống đời sống mình với yêu thương và bằng những việc làm chứng trong tất cả những gì mình làm, bất cứ nơi nào mình hiện diện. Bạn được gọi sống đời thánh hiến ? Hãy nên thánh bằng việc vui tươi  sống trọn lờ cam kết  của bạn. Bạn kết hôn ? Hãy nên thánh bằng việc yêu thương và chăm sóc vợ hay chồng của bạn, như Đức Ki-tô vẫn yêu thương và chăm sóc Hội thánh. Bạn đang làm việc kiếm sống ? Hãy nên thánh bằng cách bằng cách làm việc với hết khả năng và sự liêm chính để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hay ông bà trong nhà ? Hãy nên thánh bằng việc nhẫn nại dạy bảo con cháu mình biết đi theo Chúa Giê-su. Bạn đang ở vị trí nắm giữ quyền bính ? Hãy nên thánh bằng cách làm việc phục vụ cho công ích và nói không với việc trục lợi riêng tư. (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 14).

 

SUY NIỆM I

CN 2 TN NĂM A

Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Ngày 18-1-1615.

Từ hơn 100 năm trước, vua Bồ Đào Nha (BĐN) đã đòi hỏi : bề trên các nhóm thừa sai dòng tu, nhất là cỡ giám tỉnh, trong khu vực bảo trợ của BĐN, ăn suốt từ Brasil qua châu Phi tới Ấn Độ và Đông Á, phải là người BĐN…

Phái đoàn Giê-su hữu (dòng Tên) đến Đàng Trong (ĐT) lại không do người BĐN làm bề trên, mà là người Ý, Francesco Buzomi. Có lẽ vì đây là một nhóm nhỏ, công việc mới chỉ khởi đầu, gần như là thăm dò, thử nghiệm; đàng khác uy thế BĐN có dấu hiệu giảm sút do sự xuất hiện của Hà Lan ở Ấn Độ dương và Đông Á, nhất là từ giữa thế kỷ 17.

Ngày 6-1-1615, tầu nhổ neo từ Áo Môn (Ma Cao) trực chỉ ĐT ; sau 12 ngày tầu tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18-1-1515. Đây là ngày Giáo hội VN thường coi cuộc truyền giáo được ‘chính thức’ mở ra ở VN, mặc dù trước đó đã có những ‘dấu vết’ Tin Mừng ở xứ này. Ba nhà thừa sai DT (Dòng Tên) bước chân vào cái ‘xứ trầm hương, yến sào’, nhờ chuyến tầu buôn BĐN. Lạ nước lạ cái, ngôn ngữ bất đồng, nói chuyện thì qua thông dịch viên loại ‘i-tờ’. Tuy thế, Buzomi cũng cho dựng lên một nhà nguyện ở Cửa Hàn, vào dịp lễ Phục sinh 1615 các cha dâng thánh lễ ở đây và rửa tội được 10 người. Tiếp theo các tu sĩ đến Cacciam (Kẻ Chàm) tức Thành Chiêm, cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chừng 7 km về phía Tây, nơi quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ đặt bản doanh, cai trị suốt từ Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép các Giê-su hữu  làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của một bà rất quí phái. Bà này về sau được chịu phép rửa, thánh hiệu Gio-an-na. Chính trong nhà riêng, bà lập nhiều bàn thờ và hằng cầu khẩn với ‘một Đức Chúa Trời đất’.

Tuy các sử liệu đầu tiên không ghi rõ nhóm thừa sai DT đặt cư sở  ở Hội An vào ngày tháng nào trong hai năm 1615-1616, nhưng chúng tôi nghĩ  là các ông trú ngụ  tại đây ngay sau năm 1615, có thể liền sau lúc đến Quảng Nam dinh. Hãy coi ba địa điểm Cửa Hàn – Quảng Nam dinh – Hội An là một tam giác, mà từ Cửa Hàn tới Hội An dinh khoảng 7 km. Quảng Nam dinh nơi trú đóng của trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ, thế tử của Nguyễn Phúc Nguyên. Cửa Hàn, thành phố Đà Nẵng ngày nay, tức cửa sông Hàn, hải cảng quốc tế của ĐT; Hội An, phố cảng sầm uất nhất của ĐT, là nơi cư trú và buôn bán của các thương gia Hoa, Nhật. Hội An cửa ngõ giao thương với nước ngoài, đặc biệt với Áo Môn, hàng hóa còn phong phú hơn cả Phố Hiên sau này của Đàng Ngoài (ĐN). Thương thuyền BĐN từ Áo Môn đến đây đổ hàng và ăn hàng, nhưng các thương gia BĐN không ở hẳn tại đây như người Hoa, Nhật, cũng chẳng mở thương điếm như người Hà Lan, Pháp, Anh tại Phố Hiến. Phải nói rằng vào thế kỷ 17, Hội An là thị trấn dành riêng cho người nước ngoài, cách riêng cho người Hoa, Nhật. Người ta cho rằng, chúa Nguyễn Hoàng khi còn là đại diện nhà Lê tại xứ Quảng (từ Quảng Bình đến Qui NHơn) đã cho mở thị trấn này, chỉ cách cửa Đại Chiêm 4 km về phía tả sông Thu Bồn.

Ngay từ khi mở ra Hội An, có lẽ cuối thế kỷ 16, Nguyễn Hoàng, tức An Nam quốc thiên hạ Thống binh Đô nguyên soái Đoan quốc công, đã chú ý dành nơi này cho người Hoa đến đây sinh sống vì lý do kinh tế, nhưng sang giữa thế kỷ 17 lại thêm tàn quân nhà Minh, thoát khỏi Trung Hoa xin tỵ nạn chính trị, vì nhà Thanh nổi lên lật đổ nhà Minh. Trường hợp người Nhật đến Hội An cư trú từ cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17 là do mấy cuộc cấm đạo Công giáo ở Nhật năm 1587,1596, nhất là năm 1618. Ngoài ra còn có những thương thuyền chính thức đến Hội An do giấy phép ‘Châu ấn thuyền’ của các tướng quân dòng họ Đức Xuyên cấp cho. Ngoài ra tình cờ có tới 75 chiếc thuyền được loại giấy phép trên đã đến Hội An, Cửa Hàn trong khoảng năm 1604-1615. Từ năm 1636, tướng quân Nhật tuyệt đối cấm dân Nhật ra khỏi nước, nên cũng chẳng còn cấp ‘Châu ấn thuyền’ nữa.

Khi Giê-su hữu đến Cửa Hàn, Hội An, số Nhật kiều Công giáo ở đây được bao nhiêu ? Cho đến nay chúng tôi không rõ. Chỉ biết là

  • Ở Hội An có một số người Nhật Công giáo
  • Năm 1620, 27 người Nhật ở Hội An lãnh nhận bí tích Thánh tẩy
  • Năm 1664-1665, nhiều người Nhật Công giáo giầu có ở Hội An ‘quá khóa’, làm gương mù cho khoảng 120 người Việt giầu nhất ở Quảng Nam dinh (giáp với Hội An) cũng bắt chước.

Hội An đón tiếp không những thương gia Đông Á, đặc biệt là người Hoa, Nhật đến làm ăn, mà còn tiếp nhận thương thuyền BĐN và một số nước Tây phương khác. Đây cũng là cửa ngõ cho các nhà truyền giáo bước vào ĐT.

Phái đoàn Buzomi đến Cửa Hàn trước hết, nhưng lại lập cư sở đầu tiên tại Hội An. Cửa Hàn chỉ là nơi tầu thuyền cập bến, không bao giờ có cơ sở chính thức của các Giê-su hữu, mặc dầu ở đó cũng có nhà nguyện, nhà ở, nhưng coi như là nhà vãng lai của Giê-su hữu và là phụ sở của Hội An. Trong các báo cáo thường niên  của DT ở ĐT bao giờ cũng đặt ‘cư sở ở Hội An’ đầu tiên, chẳng bao giờ viết ‘cư sở Cửa Hàn’.

Các Giê-su hữu còn coi cư sở Hội An là trụ sở chính của DT ở ĐT. Hội An là nơi người nước ngoài ra vào. Trong số đó có các Giê-su hữu mà đến 90% là người Tây phương. Nên nhớ, mọi người Tây phương tại Hội An đều do ‘bang trưởng’ Nhật chịu trách nhiệm trực tiếp với nhà vương, vì Hội An là khu biệt lập, chỉ trực thuộc chính quyền trung ương ở kinh đô ĐT.

Trước năm 1615, tại đây đã có người Công giáo, đó là một số Nhật kiều chạy trốn các cuộc cấm đạo ở Nhật. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng phái đoàn Buzomi bắt đầu đến ĐT, xem ra mục đích chính là để giúp Nhật kiều Công giáo, đồng thời xem xét hoàn cảnh thực tế, nếu truyền giáo cho người ĐT được thì càng tốt. Sau khi các Giê-su hữu tiếp xúc với người Việt, nhận ra đây là cánh đồng truyền giáo phì nhiêu. Vì vậy, có lẽ ngay từ cuối năm 1615, phài đoàn Buzomi đã chuyển hướng. Tích cực giới thiệu Tin Mừng với người Việt là chính, còn việc mục vụ cho người Nhật là phụ. Do đó đầu năm 1616 trở đi, có thêm nhiều Giê-su hữu đến ĐT. Năm 1618 các Giê-su hữu đã hoạt động tới Qui Nhơn, giáp với biên giới phía Nam của ĐT thời đó (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 19-24).

Phái đoàn truyền giáo do cha Buzomi dẫn đầu là hình ảnh của ‘những tôi trung’ trong bđ1 và ‘Chiên Thiên Chúa’ trong BTM của thánh lễ Chúa nhật hôm nay.                                                                                           Bài đọc 1 (Is 49,3.5-6) : Phần nhập đề sách ngôn sứ I-sai-a của Nhóm CGKPV viết về người tôi trung như sau : “Bốn bài ca Người tôi tớ (42; 49,1-2; 50,4-9; 52,13-53,12) đã được Tân Ước áp dụng vào Chúa Giê-su từ biến cố Phép rửa cho tới cuộc thương khó. Ttong thư Phi-líp-phê 2,6-11, thánh Phao-lô đã dựa vào bài ca Người Tôi Tớ Đau Khổ để giải thích mầu nhiệm thương khó; Lu-ca thì dùng chính bài ca này làm cái khung để viết trình thuật thương khó”.

 Bài Tin Mừng (Ga 1,29-34) Sách Tân Ước 1994 của Nhóm CGKPV viết về con chiên như sau : “Lời phát xuất từ miệng ông Gio-an Tẩy Giả trong 1,29 ám chỉ chiên lễ Vượt Qua (Xh 12,3-14;21-27;43-46). Trong Gio-an có 3 điểm liên quan đến Đức Giê-su và chiên lễ Vượt Qua:

1-Tòa án tổng trấn Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su vào giờ thứ sáu (12 giờ trưa) ngày áp lễ Vượt Qua (Ga 19,14) hình như đó là lúc các tư tế bắt đầu sát tế chiên lễ Vượt qua trong Đền thờ.

 2- Nhánh hương thảo đóng một vai trò quan trọng trong nghi thức lễ Vượt Qua (Xh 12,22-23: người Do Thái lấy một bó hương thảo, nhúng vào máu trong chậu và bôi máu trong chậu lên khung cửa…); có lẽ vì vấn đề tượng trưng mà Gio-an viết 19,29 chăng ?

3- Chỉ thị về chiên lễ Vượt Qua trong Xh 12,46b (các ngươi không được đánh gẫy xương chiên) được ứng nghiệm, theo Ga 19,33-36, động từ Hy Lạp airein có nghĩa là nâng lên; do đó đông từ có thêm hai nghĩa :

  1. mang, gánh vào mình.
  2. b) đem đi, cất đi, làm biến mất, xó bỏ.

Tác giả Gio-an hay dùng nghĩa thứ hai (x.2,26; 5,8-12; 10,18); ở đây cũng vậy. Như trong lễ Vượt Qua đầu tiên, nhờ máu chiên được sát tế bôi lên khung cửa, người Do Thái thoát khỏi cái chết, con người chìm đắm trong bóng tối và thù nghịch với Thiên Chúa (trần gian) cũng nhờ cái chết của Chúa Giê-su mới thoát khỏi tội lỗi như một gánh nặng đè lên nhân loại (trang 400).

Bài đọc 2 (1Cr 1,1-3): Trong bđ2, thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết : “Những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được gọi là thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh thánh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giê-su  Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an” (1Cr 1,2-3).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất

xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu

mà ban cho thời đại chúng con được bình an.

Chúng con cầu xin,

nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen

 

SUY NIỆM II

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34

CON CHIÊN NGOAN ĐẠO

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 

Người Việt Nam có thói quen lần đầu gặp nhau thường hỏi tên gì, tuổi con gì? Tại sao không hỏi sinh năm mấy mà hỏi tuổi con gì? Bởi vì khi trả lời tuổi con gì, thì người hỏi vừa biết tuổi vừa biết tính tình của người đó dựa vào tính khí của 12 con giáp. Chẳng hạn, người tuổi Tý thì rất duyên dáng và năng động. Người tuổi Sửu thì siêng năng và kiên nhẫn. Người tuổi Dần thường rất dễ nổi giận, mạnh mẽ. Người tuổi Mẹo thì ăn nói nhẹ nhàng, nhiều tài năng, có tinh thần mềm dẻo và kiên nhẫn. Người tuổi Thìn thì rất trung thực, năng nỗ nhưng rất nóng tính và bướng bỉnh. Người tuổi Tỵ thường nói ít nhưng rất thông thái, rất điềm tĩnh, hiền lành, sâu sắc và cảm thông nhưng thỉnh thoảng cũng hay nổi giận. Người tuổi Ngọ thường ăn nói dịu dàng, thoải mái và rộng lượng, có tính thanh sạch, cao quý, thông thái và đầy thân ái tình người. Người tuổi Mùi thường rất điềm tĩnh nhưng nhút nhát, rất khiêm tốn, rất cảm thương người hoạn nạn và thường hay giúp đỡ mọi người. Người tuổi Thân thường là một nhân tài, có tính cách thất thường, nhưng rất vui vẻ, khéo tay, tò mò và nhiều sáng kiến, nói nhiều nên dễ bị người khác xem thường và khinh ghét. Người tuổi Dậu là người có tư duy sâu sắc, làm ăn cần cù. Người tuổi Tuất quan tâm đến những người khác nhiều hơn chính bản thân mình. Người tuổi Hợi rất hào hiệp, galăng, tốt bụng và dũng cảm nhưng thường rất bướng bỉnh, nóng tính nhưng siêng năng và chịu lắng nghe.

Trong Thánh Kinh có nó đến hai con: con dê và con chiên. Thứ nhất con dê, sách Lêvi, Chương 16 kể rằng Ngày 10 tháng 7, dân Israen cử hành đại lễ Đền tội. Họ phải hãm mình và ăn chay chung. Đây là ngày duy nhất trong năm, vị Thượng Tế được phép vào tận trong Cung Cực Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, và ông vào đó chỉ cốt để xin ơn xá tội, tội của mình, tội của gia đình ông, tội của toàn dân. Ông lại ra ngoài và người ta đưa đến cho ông hai con dê: ông sẽ bắt thăm, trúng con nào, ông tế sát con ấy và đem máu vào trong Cung Cực Thánh rẩy lên Bàn Xá tội, lần này để xin tha tội cho dân. Còn con dê kia, ông cho dẫn lại đặt hai tay trên đầu dê còn sống, ông lớn tiếng xưng thú mọi tội lỗi dân đã phạm cùng mọi điều ngỗ nghịch họ đã làm, ông trút lên đầu nó mọi tội lỗi của dân, rồi ông sai một người đem thả con dê ấy vào sa mạc đồng hoang cỏ cháy, con dê sẽ mang lấy trên nó các lỗi lầm của dân chúng vào đất khô khan… Có lẽ ông bà ta lấy ý nghĩa này mà đặt vào vận mệnh của con dê là thương người họan nạn và giúp đỡ mọi người nên mang hết tội mọi người vào thân.

Hôm nay, trong Tin Mừng, Gioan Tẩy giả giới thiệu cho chúng ta con chiên, không phải là con chiên bình thường mà là Chiên Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho người hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, hy sinh và phục vụ. Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt chiên Vượt Qua, kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhờ con chiên đã chết thay cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi chết, khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do. Rồi, đến thời Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là Con Chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại. Chúa Giêsu là Con Chiên hiền lành, khiêm nhường, yêu thương và phục vụ nhân loại bằng cách gánh lấy tội lỗi nhân loại. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Và nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp. Người gánh lấy tội của chúng ta để chúng ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống cho chúng ta.

Vậy, nếu người đời có tuổi con này con kia và mang tính khí của con đó, chúng ta là Kitô hữu khi chịu Phép Rửa Tội, không những có tuổi con chiên mà mang trong mình Chiên Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Chiên Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Cho nên, nói đến người Công Giáo, người ta thường gọi chúng ta là con chiên của Chúa, là con chiên của Chúa tức là người biết “nghe tiếng Chúa”, dám “bước theo Chúa” để không bao giờ phải hư mất, nhưng “được sống đời đời”. Là con chiên của Chúa Giêsu thì phải có tính tình như Chiên Thiên Chúa: hiền lành, khiêm nhường, vị tha, yêu thương, phục vụ và hy sinh. Cho nên, trong bài giảng Thánh Lễ Làm Phép Dầu, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 2013, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thế giới hôm nay đang rất cần những tín hữu nói chúng và các giáo sĩ nói riêng mang mùi con chiên. Tại sao lại như thế? Thưa là bởi vì chính sự phục vụ hết mình của tín hữu là nét đẹp của Tin mừng, là dấu chỉ của tình yêu thương dành cho những mảnh đời bất hạnh giữa lòng thế giới hôm nay. Thế giới hôm nay đang chạy theo chạy theo tiền tài, dục vọng, chạy theo tiếng gọi của sự giả dối và ích kỷ của lòng người. Vì vậy, sự hiện diện của các tín hữu giữa lòng xã hội là một hình ảnh nói lên nét đẹp của tình yêu thương và phục vụ chân chính.

Ước mong người tín hữu chúng ta hôm nay sống theo gương của Chiên Thiên Chúa bằng cách nối gót theo Chúa Giêsu, Chúa chiên lành đi con đường hiền lành khiêm nhường, tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa đồng thời cũng biết gánh lấy số phận của người khác bằng cách yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh chị em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ, đó mới thật xứng đáng là con chiên ngoan đạo. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót và giúp chúng con sống như Chúa. Amen.

 

 

SUY NIỆM III

THÁNH THỂ LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA

Tuần 2 Thường niên (Hội An 15/1/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Vừa qua, vào lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa, Tin Mừng đề cập Gioan Tẩy Giả là người làm phép rửa cho Chúa Giê-su. Vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả lại xuất hiện trong Tin Mừng tuần này. Gioan Tẩy Giả có vị trí trong cả Cựu ước lẫn Tân ước. Vai trò của ngài như chiếc cầu nối lời loan báo về Đấng Cứu Thế từ Cựu ước sang Tân ước. Ngài vừa là ngôn sứ giống ngôn sứ Ê-li-a, nhưng không phải Ê-li-a tái sinh (Ga 1,21), vừa có mặt trong Tân ước với vai trò người dọn đường và loan báo Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi đang đến. Tin Mừng hôm nay thuật lại, khi thấy Chúa Giê-su đang đi về phía mình, thánh Gioan Tẩy Giả đã công bố với đám đông: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).

  1. Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa

            Thánh Gioan Tẩy Giả đã sử dụng biểu tượng con chiên rất thân thuộc với khán thính giả đang nghe. Đối với người Do Thái, chiên có vai trò quan trọng, được dùng làm lễ vật hiến tế dâng lên Thiên Chúa. Abel dùng chiên làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Abraham theo lệnh Thiên Chúa dùng con chiên làm lễ vật sát tế thay cho con mình. Dân Do Thái được lệnh cử hành lễ vượt qua hằng năm với lễ vật là con chiên một tuổi bị sát tế. Thì nay, khi công bố Chúa Giê-su là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian,” Gioan Tẩy Giả loan báo Đấng Cứu Thế không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là Đức Giê-su, Đấng đến chấm dứt mọi sát tế của người Do Thái trong Đền Thờ, và từ nay, Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.

            Không phải con người dâng của lễ, mặc dù con người đã sát hại Chúa Giê-su, nhưng chính Chúa Giê-su dâng mạng sống Ngài chuộc tội cho mọi người.  Chúa Giê-su không phải là con chiên của người Do Thái hay của nhân loại, mà là Chiên của Thiên Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả làm chúng ta nhớ lại sự kiện Thiên Chúa đòi hỏi Abraham sát tế con mình là Isaac cho Thiên Chúa, một tiên báo Thiên Chúa Cha sẽ làm cho Con mình trở nên hy tế. Isaac đã hỏi Abraham: “Thưa cha, củi lửa đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu ở đâu?” Ông Abraham đáp: “Chính Thiên Chúa lo liệu chiên làm lễ toàn thiêu con ạ” (St 22,8). Vì thế, thắc mắc đâu là lễ hy tế của Isaac và của bao đời dân Do Thái, nay được thánh Gioan Tẩy Giả giải đáp khi chỉ về Chúa Giê-su và công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa.”

            Thánh Gioan đặc biệt liên kết Chiên Thiên Chúa với sự hiến thân của Ngài mang lấy tội nhân loại và dùng tình yêu đầy quyền năng để xóa tội lỗi nhân loại qua cái chết và sống lại của Ngài. Là Chiên Thiên Chúa, Chúa Giê-su là lễ hy tế, đồng thời chỉ Ngài là chủ tế xứng đáng dâng lễ hy tế là chính Thân Mình Ngài lên Thiên Chúa Cha đền thay tội lỗi nhân loại. Đó là lý do thánh Phê-rô đã xác tín: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô” (1Pr 1,18-19).

            Do đó, khi loan báo Chúa Giê-su “đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, thánh Gioan Tẩy Giả vừa tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su là Thiên Chúa, vừa xác tín Ngài là Đấng gánh lấy tội lỗi của thế gian và ban lại cho họ sự sống của Ngài.

  1. Thánh Thể là Chiên Thiên Chúa

            Khi thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, thiên hạ chỉ thấy một con người bình thường trước mặt họ, nhưng với con mắt đức tin, thánh Gioan nhận biết Chúa Giê-su là Thiên Chúa, Đấng là của lễ hoàn hảo dâng cho Thiên Chúa hầu đem lại sự sống cho nhân loại. Cũng vậy, trong thánh lễ, khi Mình thánh Chúa được nâng lên và cộng đoàn được nghe: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian,” cộng đoàn chỉ thấy một tấm bánh nhỏ, nhưng với con mắt đức tin, tín hữu tin nhận tấm bánh ấy là Chúa Giê-su, Chiên Thiên Chúa. Vì thế, cộng đoàn quỳ gối kính tôn Mình thánh Chiên Thiên Chúa với lời tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

            Khi quỳ kính thờ Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa trong thánh lễ, Giáo hội ý thức rằng phụng vụ Giáo hội đang cử hành trên thế giới này là sự tham dự phụng vụ trên trời. Sách Khải Huyền đề cập đến phụng vụ trên trời, cho biết Chiên Thiên Chúa là Chúa Giê-su đứng trước ngai trên trời và tất cả mọi người quỳ xuống thờ lạy Ngài. Cũng vậy trong thánh lễ hôm nay, chúng ta quỳ xuống thờ lạy Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian và tha thứ tội lỗi mỗi chúng ta.

            Xin Chúa cho lòng tin của chúng ta vào Chúa Giê-su Thánh Thể rõ ràng, bằng lòng yêu mến Chúa hết tâm hồn và hết trí khôn, bằng đời sống gắn bó với Thánh Lễ, bằng cử chỉ cung kính quỳ lạy Thánh Thể Chúa, vì Thánh Thể chính là Chúa Giê-su, là Chiên Thiên Chúa hiến tế vì tội lỗi chúng ta và vì Thánh Thể là Chiên Thiên Chúa ban lại cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa.