Các Cuộc Xung Đột Sẽ Không Ngăn Được Chuyến Viếng Thăm Của ĐTC Tại Nam Sudan


Các giám mục Công giáo ở Nam Sudan chào đón chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha như một phúc lành trong một năm khó khăn và tin rằng tình hình căng thẳng xung đột tại quốc gia này không ngăn được chuyến viếng thăm của ngài.

Hồng Thủy – Vatican News

Chuyến viếng thăm Nam Sudan của Đức Thánh Cha, từ ngày 3 đến 5/2/2023, được gọi là cuộc “Hành hương Đại kết vì Hoà bình đến các miền đất và dân tộc Nam Sudan”.

Đồng hành với Đức Thánh Cha trong chuyến thăm Nam Sudan sẽ có Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby của giáo phận Canterbury và mục sư Iain Greenshields, người điều hành Đại hội đồng của Giáo hội Scotland.

Các vị lãnh đạo tôn giáo đã bày tỏ mong muốn đến thăm quốc gia trẻ nhất thế giới, nơi các Kitô hữu chiếm đa số. Nước này giành được độc lập vào năm 2011, nhưng chỉ hai năm sau đó, một tranh chấp chính trị đã gây ra một cuộc xung đột chết người. Vào thời điểm nó kết thúc sau một thỏa thuận hòa bình vào năm 2018, ước tính có khoảng 400.000 người đã thiệt mạng. Trong khi giao tranh quy mô lớn đã kết thúc, các cuộc đụng độ chết người giữa các sắc tộc và các cuộc tấn công của lực lượng dân quân vẫn tiếp diễn.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có ý nghĩa quan trọng

Đức cha Stephen Nyodho Ador Majwok của Malakal, Nam Sudan, cho biết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có ý nghĩa đặc biệt đối với ngài và các tín hữu, và ngài bày tỏ sự đau buồn trước những điều kiện tồi tệ của những người dân phải di tản trong các khu vực xảy ra đụng độ.

Trả lời phỏng vấn của OSV News hôm 19/1/2023 Đức cha Majwok nói: “Chuyến thăm này có một ý nghĩa to lớn đối với chúng tôi. (Giáo phận) Malakal bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cần hòa bình nhất. Vì vậy, chuyến thăm có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi với tư cách là giám mục.” Nói về những người phải di tản vì xung đột, Đức cha cho biết ngài vừa từ khu vực người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất trở về. Điều họ cần là hòa bình để có thể quay trở lại.”

Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Nam Sudan nói rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ khuyến khích hòa bình và hòa giải, đồng thời thể hiện tình liên đới của Giáo hội hoàn vũ với nước này. Nó cũng được cho là sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị lựa chọn các giải pháp hòa bình. Đức cha nhấn mạnh rằng nguyên việc chuyến tông du mang tính chất đại kết cũng giúp duy trì hòa bình. (Ucanews 21/01/2023)