Chúa Nhật V Mùa Thường Niên – Năm C
CN.5.C
(Is 6,1-2a.3-8; 1Cr 15,1-11; Lc 5,1-11)
7-2-2015
Jorge Bergoglio – nay là Đức giáo hoàng Phanxicô – là một người được giáo dục khuôn mẫu. Ngài sống đạo đàng hoàng, Ngài thích thú những thú vui mà các chàng trai tiên phong thời đó ham thích như bóng rổ, nhạc kịch, chiếu bóng, khiêu vũ. Gần 17 tuổi, ngài nhận được tiếng gọi khác xa đời thường – tiếng gọi làm thay đổi ngài mãi mãi.
Vào một ngày đầu mùa xuân, trên đường đi gặp gỡ bạn bè mừng ngày Lễ Sinh Viên, một ngày nghỉ ở nước Argentina. Khi đi qua nhà thờ của giáo xứ, bỗng ngài cảm thấy cần phải vào nhà thờ.
Vào nhà thờ, ngài thấy một linh mục. Ngài cảm thấy một sự thúc giục không thể diễn tả được, thúc giục ngài đến xưng tội. Xưng tội xong, ngài bị quay cuồng bởi lòng thương xót và dịu dàng của Chúa. Tình cảm yêu thương và thương xót, kèm theo được cảm nhận sự quan phòng của Chúa đem ngài đến nhà thờ và xưng tội. Tất cả đánh động ngài rất sâu xa. Ngài quyết định không đi gặp bạn bè nữa. Thay vào đó, những giờ còn lại trong ngày ngài suy gẫm những điều vừa xảy ra. Ngài cảm nhận ngài được gọi dâng hiến đời mình cho Chúa trong thiên chức linh mục.
Đó là ngày 21-9, ngày lễ thánh Mátthêu. Đức giáo hoàng sánh cuộc gặp gỡ thiên chức linh mục của ngài với cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu của thánh Mátthêu, khi Chúa “nhìn ông, yêu ông, và nói … ‘hãy theo tôi’” (Mc 10,21).
Cảm nghiệm lòng Chúa thương xót đã in sâu trong cuộc đời Đức Phanxicô, làm nên cuộc đời của ngài. Lòng thương xót trở nên đề tài trong cuộc đời giáo hoàng của ngài. Những cách rao truyền Tin Mừng cho người khác, không do cảm nghiệm cá nhân của ngài, nhưng do ngài xác tín rằng lòng thương xót Chúa mong ước ngài đi gặp gỡ mọi người. Trong bài giảng ngày 17-3-2013, ngài nói : “Tôi nghĩ – và tôi nói với lòng khiêm nhường – rằng sứ điệp hiệu năng nhất là lòng thương xót“.
(Kevin Cotter, A Year O Mercy With Pope Francis, trang 7-8).
Từ nhà thương đến nhà Chúa
Vốn là một bác sĩ ngoại đạo, cuộc đời thánh hiến đã đến với cha Augustinô Nguyễn Viết Chung, Tu hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn (CM) từ những dấu ấn khó phai.
Buổi thực hành mô phôi
Vượt qua cung đường gió bụi, men theo con hẻm nhỏ lạo xạo sỏi đá, khúc khuỷu như thách thức người cầm lái, chúng tôi gặp cha nơi cộng đoàn heo hút giữa núi rừng thuộc xã Đăk Tân, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kontum. Giọng chậm rãi, nhỏ đều, vị linh mục ngoài 60 kể về đời mình như chỉ mới ngày hôm qua.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn có sáu anh chị em ở Sài Gòn, tuổi thơ cậu bé Chung là những tháng ngày không êm ả vì ba mẹ hay cãi vã, hục hặc. Ký ức ấy gieo vào tâm trí cậu nỗi ám ảnh, sợ hãi về nơi mà số đông người gọi là tổ ấm. Năm 1973, khi đang học lớp 12, cậu tình cờ đọc được bài báo về sự ra đi của Đức cha Jean Cassaigne – Giám mục của những người bị bệnh phong. Cuộc đời nhân đức, phục vụ quên mình của ngài chợt tác động mạnh mẽ lên tâm thức cậu học trò. Cậu thấy trần gian vẫn còn bao điều tốt đẹp, ý nghĩa và đáng để sống thật trọn vẹn. Một tia hy vọng, một niềm tin mới dần le lói sau những ngày dài bi quan, chán nản. Nắng xuân đã về xua tan đông dài lạnh lẽo.
Ngày 4.11.1974, cậu đạt được ước mơ đỗ vào Trung tâm Giáo dục Y khoa Sài Gòn (nay là ĐH Y Dược TP.HCM) để sau này săn sóc bệnh nhân phong như thần tượng J. Cassaigne. Kinh tế nhà eo hẹp, để có tiền trang trải học phí, chàng sinh viên nghèo đạp xích lô buổi tối kiếm thêm ít đồng. Được một thời gian, không đủ sức khỏe, giờ giấc lại eo hẹp, cậu ngưng việc, tập trung đèn sách. Bữa nọ, trước lúc tiến hành thực nghiệm mổ xác, giảng viên dạy môn Mô phôi (là một linh mục) yêu cầu học trò tham dự thánh lễ cầu nguyện cho người đã hiến xác tại nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc (quận 5, TPHCM), cách trường 1 cây số. Nét thánh thiện về đời tu và chuyên môn vượt trội của người thầy đã đặc biệt thu hút cậu. Thế nên chiều cùng ngày, khi thầy đề nghị viết thông tin cá nhân gởi về, kèm câu hỏi phụ: “Sau khi tốt nghiệp, bạn muốn làm gì?”, cậu Chung đã viết: “Con muốn trở thành linh mục giống thầy”. Dù bấy giờ, cậu chưa là người Công giáo.
Năm 1980, sinh viên Nguyễn Viết Chung ra trường. Đồng lương Nhà nước eo hẹp khi đất nước còn khó khăn, phải xoay sở bằng việc khác. Rồi cậu nộp đơn gởi Sở Y tế TP trình bày mong muốn chăm lo người bị bệnh ở Di Linh nhưng bị từ chối vì không đúng tay nghề (cậu thuộc chuyên ngành Ký sinh trùng sốt rét). Khoảng từ 1986 – 1989, bác sĩ Chung làm việc tại Trạm sốt rét Đồng Nai. Cuối năm 1989, cậu xin vào Bệnh viện Da liễu TPHCM, có cơ hội trau dồi những kiến thức về bệnh phong. Ba năm sau, bác sĩ Chung lên trại phong Bến Sắn (tỉnh Bình Dương) phục vụ. Điều ấp ủ, trông đợi lâu nay cuối cùng cũng thành hiện thực. Ngày qua ngày, chứng kiến sự tận tâm với người bệnh nơi những nữ tu thuộc Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, ý định muốn dâng mình lại sáng lên trong lòng người thầy thuốc.
Nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ của các dì, ngày 15.5.1993, bác sĩ Chung được rửa tội. Tiếp đến, “người tân tòng” bắt đầu tìm hiểu Tu hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn. Cứ làm việc ba tuần, ghé Tu hội một tuần, trong vòng một năm. Do lớn tuổi và đặc thù công việc nên mọi người cũng cảm thông trường hợp “hiếm, lạ” này. Năm 2002, thầy hoàn tất chương trình Triết học và Thần học. Tới lễ Truyền tin năm 2003, thầy Chung thụ phong linh mục tại Dòng Chúa Cứu Thế (quận 3 – TPHCM). Điều kỳ diệu mà Thiên Chúa làm đã được tỏ bày qua hành trình ơn gọi đầy trúc trắc và không ít những bất ngờ thú vị ấy.
—————————-
CN.5.C
7-2-2010
Đầu năm dương lịch vừa rồi, một sơ Việt kiều, sau khi khấn trọn đời, về nước dâng lễ tạ ơn. Sơ là con gái đầu của gia đình. Mẹ sơ muốn sơ sống với bà ngoại để bà ngoại vui cửa vui nhà. Cha mẹ sơ làm cho Mỹ. Năm 1975 giải phóng, cha mẹ sơ không kịp về đem bà ngoại và sơ đi, vì Mỹ cho rất ít giờ để thu xếp ra đi.
Bà ngoại và sơ về quê Lệ Sơn sống. Dù mới 6,7 tuổi. sơ cũng làm ruộng làm vườn như một nông dân. Khi được bảo lãnh, cha mẹ sơ muốn sơ đi Mỹ, nhưng sơ không đi, chờ bà ngạoi qua đơi mới đi.
Sang Mỹ sơ tìm được số điện thoại của tôi. Một tối kia tôi gọi điện thoại cho sơ. Sơ đáp : “Xin lỗi cha, con đang đọc kinh. Kinh xong con sẽ gọi lại cho cha“. Nghe sơ nói, lòng tôi tự nhủ : “Con bé thánh thiện hơn mình. Mình là linh mục có ngày bỏ cả kinh nguyện. Là một sinh viên sống trong nội trú, đủ thứ hạng người, mà tối sáng vẫn đọc kinh thì phải là thánh“.
Được biết : sau khi học xong đại học sơ đi tu. Mẹ sơ không muốn, nhưng sơ từ lâu âm thầm liên lạc với nhà dòng, chờ ngày nhà dòng kêu gọi. Những ngày còn ở lại với gia đình, sơ cảm nhận được một điều là đi theo Chúa không phải là dễ. Mẹ sơ trông thấy sơ là khóc. Thấy mẹ khóc, sơ cũng không cầm được nước mắt. Nhiều khi thương mẹ không muốn đi tu nữa.
Sau 13 năm sống trong dòng “Nữ Tử Bác Ái” của Mỹ và được khấn trọn đời, sơ được phép về dâng lễ tạ ơn. Sơ muốn về Việt Nam và dâng lễ tạ ơn tại ngôi nhà thờ, mà khi còn nhỏ sơ giắt bà ngọi đi dâng lễ đọc kinh.
Cha mẹ sơ về VN trước một tuần. Sơ xin cha mẹ tìm tôi và mời tôi vê Đà Nẵn dâng lễ tạ ơn với sơ. Về tới Sài Gòn, sơ tới thăm tôi. Tôi hỏi lý do nào sơ đi tu ? Sơ kể : “Một tối kia, cha dạy giáo lý (thời đó phải dạy ban tối, vì ban ngày làm ruộng làm vườn). Cha kể câu chuyện ông Áp-ra-ham dâng I-sa-ác cho Chúa. Con cũng muốn bà ngọai dâng con cho Chúa. Tối đó về nhà, con xin bà ngoại. Bà ngoại bảo : ‘Bao giờ tao chết, mày muốn đi đâu thì đi‘. Con ước mong đi tu từ hồi đó“.
Chúa đã gọi sơ Việt kiều trong lớp giáo lý. Chúa cũng dùng khi này khi khác gọi người này người kia.
Bđ1 : Trong bđ1 Chúa gọi ngôn sứ I-sai-a khi ông đến Đền Thờ Giêrusalem thờ phượng Chúa. Ngôn sứ kể lại : “Tôi thấy Chúa ngự trên ngai rất cao, tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Các vị ấy đối đáp tung hô ‘Thánh, Thánh, Chí Thánh !’… Bấy giờ tôi thốt lên : ‘Khốn thân tôi, tôi chết mất ! vì tôi là người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế’… Một trong các thần Xêraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng… Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói : ‘Đây cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội’… Rồi tôi nghe tiêng Chúa phán : ‘Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ?’. Tôi thưa : ‘dạ con đây, xin sai con đi'” (Is 6,1…8).
Bđ2 : Thánh Phaolô đi Đamát bắt bớ con cái Chúa thì được Chúa gọi. Qua thơ Côrintô, bđ2, ngài kể : “Chúa đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Chúa” (1cr 15,7-9).
BTM : Còn thánh Phêrô, Chúa đã gọi ngài trong một mẻ cá. Vì quá đông người Chúa đã mượn chiếc thuyền của thánh Phêrô để ra xa bờ. Chúa ngồi trên thuyền rao giảng. Giảng xong Chúa bảo ông chèo thuyền ra khơi bắt cá. Suốt đêm ông đã đi bắt mà chẳng bắt được con cá nào, ban ngày thì làm sao bắt được. Nhưng vâng lời Chúa, ông đã chèo thuyền đi bắt. Bắt được mẻ cá đầy thuyền, quì sụp dưới chân Chúa, ông nói : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Chúa bảo ông : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta như bắt cá” (Lc 5,10).
Mỗi người Chúa chọn một cách. Sơ Việt kiều Chúa chọn trong giờ giáo lý. Chúa chọn ngôn sứ Isaia trong giờ thờ phượng ở Đền Thờ. Thánh Phaolô Chúa chọn khi ông đi bắt con cái Chúa. Còn thánh Phêrô Chúa chọn khi ông đi bắt cá.
Còn chúng ta, Chúa chọn chúng ta khi nào ? Khi chúng ta cầu nguyện ? Khi chúng ta gặp một người nghèo ? Khi chúng ta ngắm một cảnh đẹp ? và cả khi chúng ta gặp đau khổ ? Khi người thân yêu qua đời ? Khi mất của cải ? Khi bị thất tình ?…Chúng ta hãy lắng tai nghe tiếng Chúa gọi và hãy thưa lại như ngôn sứ Isaia : “Dạ con đây, xin Chúa hãy sai con đi“.
——————————–
CN.5.C
4-2-2007
Theo tuần báo vá nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc, giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Hường viết một bài đăng trên báo Người Lao Động Chủa Nhật ngày 7-1-2007 phủ nhận công ơn hình thành chữ quốc ngữ của cha Đắc Lộ.
Từ xưa đến nay, người có đạo cũng như không có đạo đều công nhận công ơn ít nhiều của cha trong việc hình thành chữ quốc ngữ. Nhờ đó cả dân tộc được diễm phúc viết và đọc theo 24 chữ cái vần Latinh, đến nỗi tại văn miếu Hà Nội dựng tượng cha, và tại Saigòn đặt một đường sau dinh Thống Nhất mang tên cha.
Mặc dầu Tin Mừng đã gieo vãi trên đất nước Việt Nam ít là tư năm 1533 với linh mục I-nê-khu ở Ninh Cường, Bùi Chu. Song khi các cha dòng Tên đến giảng đạo ở Đà Nẵng, Hội An năm 1615 thì các ngài không còn dùng thông ngôn mà học tiếng Việt để giảng đạo tiếng Việt.
Cha Đắc Lộ đến Hội An năm 1624. Cha học tiếng Việt với cha Pina. Cha Pina đến Hội An năm 1617. Cha Đắc Lộ cũng học tiếng Việt với một cậu bé người Quảng Nam. Cậu này biết ơn cha đã lấy tên cha đặt tên cho mình.
Dòng Tên khi truyền giáo Miền Bắc, năm 1627 đã sai cha Đắc Lộ, vì cha nói sỏi tiếng Việt. Cha đến Hà Nội ngày 2-7-1627. Tại đây cha giảng đạo rất văn bản qui mô. Cha soạn cuốn giáo lý Phép Giảng Tám Ngày để dạy các tân tòng.Cha soạn các kinh giúp giáo dân cầu nguyện, đặc biệt Tuần Thánh, cha tổ chức “Ngắm 14 Chặng Đàng”, “Tuồng Thương Khó”. Nhất là cha tổ chức Hội Thày Giảng để thay các linh mục điều khiển các giáo họ. Chỉ được ba năm, năm 1630 cha bị trục xuất. Cha xuống thuyền ra đi, giáo dân đứng chật hai bên sông Hồng tiễn biệt cha trong nước mắt dàn dụa.
Cha về Maco dạy học. Mười năm sau, tháng 2-1640, cha được sai đến Hội An lần thứ hai, nhưng chẳng bao lâu cha bị trục xuất, phải về lại Macao ngày 20-9-1640.
Đến tháng 12-1640 cha trở lại Việt Nam lần thứ ba. Cha vào Phú Yên giảng đạo. Cha rửa tội cho gia đình thày Anrê. Cha bị trục xuất ngày 2-7-1641.
Cuối tháng 1-1642 cha trở lại Hội An lần thứ tư. Thày Anrê được cha Đắc Lộ nhận vào Hội Thày Giảng. Tháng 9-1643 cha bị trục xuất.
Ba tháng sau, tháng 1-1644, cha đặt chân lên Hội An lần thứ năm. Lần này cha được chứng kiến cái chết của thày Anrê vào ngày 26-7-1644. Ngày 7-3-1645 cha bị trục xuất và cha vĩnh biệt Việt Nam trở về Macao.
Ngày 20-12-1645 cha được sai đi Rôma để xin cử giám mục sang Việt Nam. Tòa Thánh muốn chọn cha, nhưng cha khiêm nhường từ chối. Cha về Pháp kiếm người.
Ngày 13-1-1658 Bộ truyền giáo đề cử hai cha Phanxicô Pallu và Lambert de la Motte
Ngày 8-6-1658 Đức giáo hoàng Alexandre VII chấp thuận.
Ngày 9-9-1659 thiết lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong.
Nhưng trước khi ước vọng của cha thành hình, thì ngày 16-11-1654 bề trên sai cha sang Ba Tư truyền giáo. Ngày 16-11-1660, cha bỏ xác tại đất Ba Tư.
Chúa nhật hôm nay chúng ta kể vắn tắt cuộc đời cha Đắc Lộ không phải vì bài báo chê bai cha của ông gsts PVH, nhưng vì ơn gọi tông đồ trong ba bài đọc.
Bđ1 : Bđ1 kể chuyện Thiên Chúa gọi ông I-sai-a làm ngôn sứ. Ngôn sứ từ chối vì biết mình bất xứng. Sau khi được Thiên Chúa tẩy uế môi miệng, ngôn sứ chấp nhận : “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is,6,8).
Bđ2 : Bđ2 kể chuyện Thiên Chúa chọn thánh Phaolô làm tông đồ trên đường đi Đa-mát bắt bớ con cai Chúa. Thánh Phaolô đã tự kể trong thư Côrintô : “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9).
BTM : BTM kể chuyện Chúa Giêsu gọi thánh Phêrô. Trước mẻ cá bắt được đầy thuyền, thánh Phêrô đã sấp mình dưới chân Chúa thưa : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Nhưng Chúa lại bảo : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,10).
Như vậy, người tông đồ là người Chúa chọn. Ơn Chúa sẽ giúp sửa đổi con người đó, để xứng đáng làm việc cho Chúa.
—————————
CN.5.C
8-2-2004
Có nhiều lúc chúng ta tự hỏi : tại sao tôi lại là người theo đạo Công giáo, tôi lại đi tu ? Tại sao những người chung quanh tôi thì không : không theo đạo, không đi tu ? Nhìn lại bản thân, tôi thấy mình chẳng hơn gì họ : về của cải, về học hành, về đạo đức, về địa vị. Có khi họ hơn tôi nhiều. Tôi chẳng có gì đáng làm người Công giáo, đáng làm tu sĩ. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay có thể trả lời thắc mắc đó.
Bài đọc 1 : Trong bđ1, ngôn sứ I-sai-a đã kể lại ơn gọi của mình. Ngôn sứ kể rằng : ngôn sứ đã thấy Thiên Chúa hiện ra trong Đền thờ Giêsrusalem, ngự trên ngai rất cao, có các thiên thần Xê-ra-phim đứng chầu. Xêraphim nghĩa là “các vị cháy lửa”. Các thiên thần tung hô : “Thánh ! Thánh ! Chí thánh ! Đức Chúa các đạo binh là Đấng thánh ! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa” (Is 6,3).
Lời tung hô của các thiên thần chúng ta dùng để tung hô sau Kinh Tiền Tụng trong thánh lễ. Lời tung hô làm các trụ cửa rung chuyển, khắp Đền thờ khói tỏa mù mịt. Cảnh tượng oai nghi và Thiên Chúa thánh thiện đã làm ngôn sứ Isaia khiếp sợ. Ngài nói : “Khốn thân tôi, tôi chết mất ! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế” (6,4). Rồi một thiên thần gắp ở bàn thờ một cục than còn nóng đỏ chạm vào miệng ngôn sứ và nói : “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội” (6,7). Rồi Thiên Chúa hỏi : “Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ?”. Ngôn sứ Isaia thưa : “Dạ, con đây, xin sai con đi” (6,8).
Bài Tin Mừng : Khi Chúa gọi, ngôn sứ Iasia “môi miệng ô uế”. Cả thánh Phêrô cũng thấy mình tội lỗi. Ngài sấp mặt dưới chân Chúa Giêsu và nói : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Câu chuyện bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca vừa lấy lại câu chuyện Chúa Giêsu gọi 4 tông đồ đầu tiên ở biển hồ Galilê trong hai sách của thánh Mátthêu (Mt 4,18-22) và của thánh Máccô (Mc 1,14-20), vừa lấy lại câu chuyện mẻ cá lạ lùng trong sách của thánh Gioan (Ga 21,1-19).
Câu chuyện của hai thánh Mátthêu và thánh Máccô kể rằng : Chúa Giêsu đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy hai anh em thánh Anrê và Phêrô đang quăng chài xuống biển và Chúa đã nói với hai vị thánh : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Chúa Giêsu đi một quãng nữa thì thấy hai anh em thánh Giacôbê và Gioan đang vá lưới. Chúa đã gọi hai ngài. Thánh Luca lấy lại câu chuyện này, nhưng có điểm khác là: vì dân chúng đông, nên Chúa Giêsu mượn thuyền của thánh Phêrô, và bảo ông chèo xa bờ một chút. Chúa ngồi trên thuyền giảng dạy dân chúng trên bờ.
Còn câu chuyện của thánh Gioan là : khi Chúa Giêsu chết, có lẽ các tông đồ buồn và thất vọng, trở về quê làm nghề đánh cá lại. Thánh Phêrô rủ các tông đồ Tôma, Nathanaen, Giacôbê, Gioan và hai người khác, tất cả là 7 người, đi đánh cá. Đêm đó các ngài không bắt được con cá nào. Trời sáng lên bờ, các ngài gặp Chúa Giêsu sống lại, nhưng các ngài đã không nhận ra. Chúa Giêsu nói với các ngài : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” (Ga 21,5). Các ngài trả lời : “Thưa không”. Chúa bảo các ông thả lưới bên phải mạn thuyền. Lưới đầy cá, các ngài không sao kéo nổi. Lúc đó các ngài mới nhận ra Chúa. Chúa Giêsu đã dọn sẵn bánh và cá nướng trên lò. Các ngài ăn với Chúa. Ăn xong, Chúa Giêsu chọn thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh. Chúa hỏi thánh Phêrô : “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không ?” (21,15). Chúa hỏi 3 lần, khiến thánh Phêrô buồn. Rồi Chúa bảo “Hãy chăn chiên của Thầy” (21,16).
Thánh Luca chỉ kể lại mẻ cá, không kể lại việc Chúa chọn thánh Phêrô làm đầu. Tuy nhiên trong câu chuyện, thánh Luca đã nhắc đến tên “Simon” 6 lần và thánh Phêrô là nhân vật chính của câu chuyện. Chúa Giêsu thấy hai chiếc thuyền, nhưng Chúa chỉ chọn chiếc thuyền của thánh Phêrô. Ông Tertullianô và thánh Augúttinô đã coi thuyền là hình ảnh ám chỉ về Giáo hội. Cha Noel Quesson thì viết : “Chúa Giêsu nói tượng trưng như thế này : ‘Hỡi con thuyền của Phêrô, tức là Giáo hội của Thầy, hãy tiến ra chỗ hiểm nguy của biển khơi, chỗ hiểm nguy của thế gian, đừng đứng trên bờ để được an toàn…hãy tiến vào vực thẳm” (Parole De Dieu, p.167).
Bài đọc 2 : Khi Chúa chọn, môi miệng ngôn sứ Isaia thì ô uế, thánh Phêrô là người tội lỗi, và cả thánh Phaolô cũng vậy. Trong bđ2 thánh lễ hôm nay, thư viết cho giáo đoàn Côrintô, sau khi kể những lần Chúa Giêsu sống lại hiện ra : với thánh Phêrô, với Nhóm Mười Hai, với 500 anh em một lượt, với thánh Giacôbê, với các Tông đồ, thánh Phaolô viết : “Sau hết, Người cũng hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ đẻ non” (1Cr 15,8). Đứa trẻ đẻ non có nghĩa là, thánh Phaolô viết : “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì đã ngược đãi Hội thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9).
Trong số 118 thánh tử đạo Việt Nam, có 1 chủng sinh, đó là thánh Tôma Trần Văn Thiện. Ngài sinh năm 1820 tại họ đạo Trùng Quán, tỉnh Quảng Bình, tức là khu du lịch nổi tiếng Phong Nha bây giờ. Nữ tu Maria Yến thuật lại cho Ban điều tra phong Chân phước như sau : “Chú Thiện có một người dì, gọi là dì Nghị, làm bà nhất nhà phước Trùng Quán. Chú thường lui tới thăm dì và tỏ ra rất ngoan ngoãn, nhu mì, lễ phép. Khi linh mục đến dâng lễ ở họ nhà, chú qùi dự lễ cách nghiêm trang. Lên 8, 9 tuổi, chú bắt đầu học chữ nho, tỏ ra thông minh bền chí và tiến bộ rất nhanh. Có lần chú theo dì Nghị đi lễ ở họ Mỹ Lương. Sau lễ vào chào các cha, các cha thấy cậu bé hiền lành, hỏi : ‘Con có muốn đi tu không ?’. Cậu Tôma Thiện không thưa gì. Nhưng chỉ ít lâu sau, người ta thấy chú thường xuyên ở nhà thờ cha Chính của họ Kẻ Sen. Vị linh mục này đã dạy tiếng Latinh cho chú nhiều năm…”.
Năm 18 tuổi, cha giám đốc Candalh Kim gọi chú về chủng viện Di Loan, Quảng Trị. Nhận được tin, chú Thiện cùng với người chị tên là Sao hăng hái lên đường. Dọc đường hai chị em gặp nữ tu Yến , Nữ tu cho biết cha bề trên Candalh Kim đã trốn và quân lính đang lùng bắt. Nữ tu Yến khuyên hai chị em đừng đi nữa, trở về nhà. Chú Thiện nói : “Dầu không gặp cha bề trên, con cũng phải đến tận nơi để biết rõ sự thể. Cha đã gọi, chẳng nhẽ chưa đến nơi đã bỏ về”. Tới chủng viện, hai chị em trình diện cha Tự. Cha nói : “Chúng tôi lo trốn chưa xong, mà chị còn dẫn em đến, chỉ làm khó khăn thêm cho chúng tôi”.
Hai ngày sau, quân lính bao vây làng Di Loan. Họ bắt một số giáo dân, trong đó có chú Thiện, và bị giải về Quảng Trị. Trong phiên toà năm 1836, quan Quảng Trị thấy chú còn trẻ tuổi, tương lai đầy hứa hẹn, đã dụ dỗ chú : “Nếu con bỏ đạo, ta sẽ gả con gái cho, và sẽ lo liệu cho con làm quan”. Chú Thiện đáp : “Bẩm quan lớn, tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng chi danh vọng trần thế”. Quan truyền lính đánh 40 roi. Chú Thiện bình tĩnh nói : “Hãy nhìn xem máu tôi chảy ra kìa !”. Chú bị đánh hai lần nữa. Mỗi lần roi quất vào thân xác chú, chú cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin thêm sức cho con chịu đau khổ vì Chúa”. Không làm cho chú bỏ đạo, quan kết án : “Tên Thiện bị mê hoặc theo đạo Giatô, dầu bị tra tấn cũng không bỏ đạo, nên nó phải chết”.
Sáng ngày 21-9-1838, sau hai năm tù đày, chú bị dẫn ra pháp trường Nhan Biều gần Quảng Trị. Tới pháp trường, chú Thiện qùi xuống. Lính tháo gông, tròng giây vào cổ, cầm hai đầu giây kéo. Đầu vị tử đạo 18 xuân xanh gục xuống, trút hơi thở. Vì giáo dân không được đi theo, nên người ngoại đạo đã chôn chú ngay tại pháp trường. Năm 1847, 8 năm sau, thi hài thánh Tôma Thiện được cải táng. Hài cốt được đem về chủng viện Hội Thừa Sai Paris, Pháp.
Ngày 27-5-1900 Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã tôn chú lên bậc Chân Phước. Ngày 19-6-1988 được Đức Gioan-Phaolô tôn vinh lên bậc Hiển Thánh.
Chúa không xét lý lịch khi Chúa gọi. Song Chúa cũng cần chúng ta đáp lại tiếng Chúa gọi, như các Tông đồ “bỏ mọi sự mà theo Người” (Lc 6,11) hay như thánh chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện : “Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng chi danh vọng trần thế”.
Cám ơn Chúa, Chúa đã không xét lý lịch, nhờ đó chúng ta được Chúa gọi làm người Công giáo, làm tu sĩ của Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta đi theo Chúa tới cùng.
Linh mục Nguyễn Trung Thành