ĐTC Phanxicô Gặp Những Người Di Tản Nội Địa


Sau khi nghỉ trưa, lúc 4 giờ 30 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã đến Hội trường Tự do, bên cạnh Lăng “John Garang” để gặp những người di tản nội địa của Nam Sudan. Ước tính trong năm 2022, khoảng 33.000 người sống trong các trại di tản nội địa, tăng hơn 2.000 người so với năm 2021.

Văn Yên, SJ – Vatican News

Buổi gặp gỡ bắt đầu bằng lời cầu nguyện và các chứng từ của các em nhỏ sống trong các trại di tản nội địa. Sau đó, ĐTC đã đáp lời bằng những lời khích lệ và khuyến khích họ hoà giải. Ngài nói: “Tôi đã nghĩ đến anh chị em từ lâu, mang trong tim niềm khao khát được gặp anh chị em, được nhìn vào mắt anh chị em, được bắt tay và ôm lấy anh chị em: cuối cùng thì tôi cũng ở đây, cùng với những người anh em mà tôi cùng chia sẻ cuộc hành hương hòa bình này, để nói lên tất cả sự gần gũi và lòng quý mến của tôi dành cho anh chị em. Tôi hiện diện cùng anh chị em, đau khổ cho anh chị em và với anh chị em.”

Kêu gọi chấm dứt bạo lực

Đức Thánh Cha mạnh mẽ nói rằng: “với tất cả nỗ lực của mình, tôi lập lại lời kêu gọi chân thành nhất nhằm chấm dứt mọi xung đột, nghiêm túc thực hiện lại tiến trình hòa bình để bạo lực chấm dứt và mọi người có thể trở lại một cuộc sống xứng đáng. Chỉ có hòa bình, sự ổn định và công bằng mới có phát triển và tái hội nhất xã hội.” Ngài nói với các trẻ em: “Tương lai không thể ở trong các trại tị nạn. Tất cả những đứa trẻ cần có cơ hội đến trường và cả không gian để chơi bóng đá! Xã hội này cần được phát triển như một xã hội cởi mở, hòa nhập, hình thành một dân tộc duy nhất vượt qua những thách thức của hội nhập, các con cần được học các ngôn ngữ đang sử dụng trên khắp đất nước chứ không chỉ trong một nhóm dân tộc của riêng mình.”

Tình trạng khủng khoảng tị nạn

Đức Thánh Cha cảm ơn Phó Đại diện Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan, bà Sara Beysolow Nyanti, đã nói về cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất trên Lục địa vẫn tồn tại, với ít nhất bốn triệu trẻ em của vùng đất này phải di tản, với tình trạng bấp bênh lương thực và suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến hai phần ba dân số và với những dự đoán về một thảm kịch nhân loại có thể tồi tệ hơn trong năm nay. Ngài cũng cảm ơn bà và nhiều người khác đã dấn thân không mệt mỏi cho người dân Nam Sudan.

Phụ nữ là chìa khoá để thay đổi

Đặc biệt, Đức Thánh Cha xác tín: các bà mẹ, phụ nữ là chìa khóa để thay đổi đất nước: nếu họ nhận được cơ hội thích hợp, bằng sự cần cù và năng khiếu bảo vệ sự sống của họ, họ sẽ có khả năng thay đổi bộ mặt của Nam Sudan, để mang lại cho miền đất này một sự phát triển thanh bình và gắn kết! Nhưng, tôi xin anh chị em, tôi xin tất cả cư dân của những vùng đất này: phụ nữ cần được bảo vệ, tôn trọng, đánh giá cao và tôn vinh. Xin vui lòng bảo vệ, tôn trọng, coi trọng và tôn vinh mọi phụ nữ, trẻ em, thiếu nữ, thanh niên, người lớn, người mẹ, người bà. Không có họ, sẽ không có tương lai.

Viết lại trang sử mới

Đức Thánh Cha khuyến khích những người dân Nam Sudan: “anh chị em là hạt giống của một Nam Sudan mới, hạt giống cho sự phát triển màu mỡ và xum xuê của đất nước. Chính anh chị em, thuộc tất cả các dân tộc khác nhau, đã đau khổ và đang đau khổ, nhưng không muốn đáp lại sự ác bằng sự ác hơn. Chính anh chị em, những người hiện đang lựa chọn tình huynh đệ và sự tha thứ, đang vun đắp cho một ngày mai tốt đẹp hơn.”

Để được như vậy, như cây luôn có gốc rễ, những người “những vùng đất này người ta ‘không bao giờ được quên cội nguồn’, bởi vì ‘tổ tiên nhắc cho chúng ta biết chúng ta là ai và chúng ta phải đi trên đường lối nào… Không có tổ tiên, chúng ta lạc lối, sợ hãi và không có kim chỉ nam. Không có tương lai nếu không có quá khứ’ (C. Carlassare , La capanna di Padre Carlo. Comboniano tra i Nuer , 2020, 65). Ở Nam Sudan, những người trẻ lớn lên biết kế thừa những câu chuyện của người lớn tuổi và, nếu câu chuyện của những năm gần đây được đặc trưng bởi bạo lực, thì thực sự, có thể cần phải khai mở một câu chuyện mới, bắt đầu với anh chị em: một trình thuật mới về cuộc gặp gỡ… nơi mà những gì đã phải chịu đựng không bị lãng quên, nhưng được sống bởi ánh sáng của tình huynh đệ; một câu chuyện không tập trung vào bi kịch thời sự mà tập trung vào khát vọng hòa bình cháy bỏng.” Đức Thánh Cha khuyến khích: “Chính anh chị em, những người trẻ thuộc các nhóm dân tộc khác nhau, là những trang đầu tiên của câu chuyện này! Nếu xung đột, bạo lực và hận thù đã tước đi khỏi những trang đời đầu tiên của nước Cộng hòa này những ký ức tốt đẹp, thì chính anh chị em là người viết lại lịch sử hòa bình của nó!”

Cảm ơn những người đã dấn thân cho Nam Sudan

Đức Thánh Cha cũng gởi lời cảm ơn đến những người đã dấn thân giúp đỡ những người di tản. Ngài cảm ơn đặc biệt đến các nhà truyền giáo, các tổ chức nhân đạo và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc vì công việc vĩ đại mà họ đã và đang làm. Ngài kêu gọi: “Tôi hết lòng khẩn xin tất cả mọi người: chúng ta hãy giúp đỡ Nam Sudan, chúng ta đừng bỏ mặc người dân Nam Sudan, những người đã và đang phải chịu đựng rất nhiều đau khổ!”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha và cùng Đức TGM Justin và Vị Điều hành Tổng Công nghị của Giáo hội Scotland Iain ban phúc lành cho người dân Nam Sudan, đặc biệt là cho các trẻ em. Ngài nói: “Với phép lành này, tôi cũng mang đến cho anh chị em phước lành của rất nhiều anh chị em Kitô hữu trên thế giới, những người muốn ôm lấy và khích lệ anh chị em.”