Chúa Nhật VI Thường Niên Năm A


CN 6 TN A

12-2-2023

Lời Chúa: Hc 15,16-21; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37

CHẦU THÁNH THỂ

Gíao xứ Thanh Bình

GIÁO HUẤN 12

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Cả Bạn Nữa Cũng Thế (tt)

Bằng cách này, được ân sủng của Thiên Chúa hướng dần, với nhiều cử chỉ nhỏ bé, chúng ta hình thành sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã muốn cho mình, không phải như những người nam nữ hoàn toàn tư lực, mà đúng hơn “như những người quản lý tốt lành kho tàng ân sủng của Thiên Chúa (1Pr 4,10). Các giám mục New Zealand dạy chúng ta cách đúng đắn rằng chúng ta có khả năng yêu thương là nhờ là nhờ ở tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì Chúa Phục sinh chia sẻ sự sống mạnh mẽ của Người cho sự sống mỏng dòn của chúng ta : “Tình yêu của Chúa không có giới hạn và một khi đã trao ban thì không bao giờ rút lại. Tình yêu ấy vô điều kiện và luôn trung thành. Yêu như thế chẳng dễ chút nào, vì chúng ta thường quá yếu đuối. Nhưng ngay trong việc cố gắng yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta cũng cho thấy rằng Đức Kitô đang thông ban sự sống Phục sinh của Ngưới cho ta. Nhờ đó, đời sống chúng ta biểu thị sự hoạt động của quyền năng Chúa – ngay giữa sự yếu đuối của con người (Tông huấn Vui Mừng Hoan Hỉ, số 18).

 

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Ông trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh

Tổng đốc Bắc Ninh, sau một ngày hỏi cung các chứng nhân, thì đệ án vào triều đình xin xử trảm cha Phêrô Nguyễn Văn Tự và lang y Giuse Hoàng Lương Cảnh. Nhà vua đề nghị tra hỏi lại. Nhà tù có hai cửa ra vào. Quan Tổng đốc cho đặt Thánh giá ở cửa thứ nhất, cửa thứ hai không đặt gì cả. Bước qua Thánh giá ở cửa thứ nhất thì được tha, còn qua của thứ hai thì bị tù lại.

Quan khuyên ông Quỳnh : “ Ông còn trẻ hãy nghĩ lại mà khôn ngoan hơn. Ông chỉ bước qua một khúc gỗ”

Ông đáp : “Đúng là khúc gỗ, nhưng là khúc gỗ của Chúa tôi thờ. Quan nghĩ sao nếu tôi đạp ảnh cha mẹ tôi ?”

Quan nghiêm giọng : “Phạm thượng, ta sẽ chặt đầu mi”.

Ông Quỳnh reo lên : “Anh em ơi, tôi sắp bị chặt đầu rồi!”, rồi ông đọc kinh Chúa Thánh Thần và cầu nguyện : “Cầu cho các vua quan trị nước càng ngày càng thịnh”.

Các quan nghe bật cười : “Lão cầu cho kẻ hành hạ mình nữa sao?” (Bùi Đức sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập 2, trang 119).

Thánh lang y Giuse Quỳnh đã sống Lời Chúa trong ba bài đọc thánh lễ hôm nay.

 Bài đọc 1 (Hc 15,15-20): Bđ1 đọc sách Huấn Ca. Sách “Lời Chúa Cho Mọi Người” của hai anh em linh mục Bernard và Louis Hurault giới thiệu : “ Hai thế kỷ trước Đức Ki-tô, ông Giê-su, con ông Xi-ra đã viết cuốn sách này. Đó là một tổng hợp những truyền thống và nhưng giáo huấn của các hiền nhân.

Ông là một người giầu có và học thức. Có lẽ ông là chủ của một gia đình quyền quý, có các gia nhân. Ông quen biết nhiều người, đã từng đi nhiều nơi và thành đạt trong công việc làm ăn. Ông thú nhận rằng chính Sách Thánh đã dạy cho ông bí quyết của sự thành công.

Viết cuốn sách này ông muốn chia sẻ với mọi người những gì ông đã học được trong Sách Thánh và những gì ông đã xác minh được qua kinh nghiệm riêng của mình.

Ông đã viết cuốn sách này ít năm trước cuộc khủng hoảng  tôn giáo  mà các sách Ma-ca-bê kể lại . Nhiều người cùng thời với ông đã để cho văn hóa Hy lạp lôi cuốn; và đối với họ, đạo Do thái đã già cỗi rồi. Tác giả muốn chứng minh cho họ thấy đức tin có ý nghĩa gì khi phải sống và giải quyết những vấn đề của cuộc sống thực tế. Không một dân tộc nào khác có được một sự khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của dân Thiên Chúa, bời vì Thiên Chúa đã gửi Đức Khôn Ngoan đến cư ngụ nơi dân ấy.

Như vậy, sách này cho chúng ta thấy Lề Luật của Thiên Chúa dẫn đưa con người  đến một đời sống cá nhân và xã hội vừa nhân bản hơn vừa trung thực hơn  (CGKPV chuyển dịch trang 1093).

 Bài Tin Mừng (Mt 5,17-37): Cũng sách Kinh Thánh “Lời Chúa Cho Mọi Người”  viết : “Ở đây các mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện : ‘Anh em đã nghe …; còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” Công thức này sẽ lặp lại 6 lần. Chúa Giê-su ám chỉ phần đọc Sách Thánh trong ngày sa-bát ở các hội đường, cũng như ngày nay trong các nhà thờ, mỗi tuần có đoạn Sách Thánh phải đọc  trong phần Phụng vụ Lời Chúa. Người ta nghe đọc đoạn sách bằng tiếng Híp-ri hoặc bản dịch tiếng A-ram, sau đó các trưởng hội đường hoặc khách mời nói lời bình giải. Trước đó, Chúa Giê-su đã ra mắt khi lên tiếng trong các buổi nhóm họp và có thể có nhiều lần Người đã tuyên bố : “Anh em vừa nghe Luật dạy người xưa rằng… còn tôi, tôi bảo rằng…, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền.

Chúa Giê-su không đặt lại vấn đề các đòi hỏi của Kinh Thánh, cũng không chỉ lo việc bình  giải  suông. Luật Chúa Ki-tô chính là một lời kêu gọi thanh luyện cái tâm, tức là các ý định và ước muốn của chúng ta. Đó là một sự minh mẫn mới do cái nhìn hướng về Thiên  Chúa. Khi hướng về Thiên Chúa thì chúng ta thấy rõ các tiêu chuẩn đạo lý của loài người thật bất toàn.

Tội không những là điều thấy được và lên án được, mà tội còn là những tư tưởng xấu và những ước muốn dung dưỡng trong lòng, sẽ phát sinh những hành vi xấu khi có dịp (Sđd trang 1608-1609).

6 điều Chúa dạy là:

  • Chớ giết người…Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : bất cứ ai giận…ai mắng … ai chửi…thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt (Mt 5, 21-22)
  • Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em bất bình với anh thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình (5,23-24).

Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng (5,25-26).

  • Anh em đã nghe Luật dạy rằng : chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi (5, 27-28).
  • Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi… Nếu tay phải anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi vì thà mất một phần thân thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục (5,29-30).
  • Luật còn dạy rằng : Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư li dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, bất cứ ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình (5, 31-32)
  • Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả… Nhưng có thì nói có, không thì phải nói không; thêm thắt điều gì là do ác quỷ (5,33-36).

Bài đọc 2 (1Cr 2,6-10) : Sách ‘Thư Phao-lô’ của Frank J. Matera viết : “ Đây là một trong những bản văn phong phú nhất… Vị giảng lễ có thể xử dụng bản văn này để giải thích cách thức mà sự khôn ngoan Ki-tô giáo có thể đứng vững trong một thế giới có sự khôn ngoan hoàn toàn trái ngược. Như thế cần phải giải thích rằng chỉ những ai biết mặc lấy Đức Ki-tô đóng đinh và sự điên rồ của Thập giá mới có thể đạt được sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Nhóm Majorica chuyển dịch, trang 27-28).

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng;

xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào

để trở nên đền thờ của Chúa.

Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô.

SUY NIỆM II

SỐNG TÌNH YÊU HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thử nhìn lại, chúng ta những người đã lập gia đình và những người sắp lập gia đình đã sống tình yêu hôn nhân một cách trọn vẹn đúng như Lời Chúa chưa? Nếu đúng thì ở mức độ nào? Sống hết mình cho Lời Chúa đòi hỏi không? Hay chỉ là sống theo cảm tính: thương thì chín bỏ làm mười, mà ghét nhau nắng dãi mưa dầm mặc nhau. Yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá chửi đổng nhau ra. Tết năm nay tôi đến tới đâu, nhà nào… hay nhiều người gọi điện nói với tôi rằng Cha ơi, năm nay nhà con bóc Lời Chúa đầu năm đúng ngay tim đen, hay lắm. Tôi mới nói lại họ rằng anh chị nhớ sống Lời Chúa dạy đó hằng ngày trong cuộc sống nghe, Lời Chúa thì lúc nào không hay, không đúng vì Lời Chúa là Chân lý mà nếu mình sống hay, sống đúng với Lời Chúa mới đem lại phúc lộc cho gia đình anh chị không chỉ năm nay mà cả suốt cả đời nữa đó.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tình yêu hôn nhân ngay trong gia đình tương lai hay hiện tại: tình yêu không giận hờn ghen ghét vì đó là cớ dẫn đến tội: ngoại tình, ly dị, bạo lực gia đình nên Chúa Giêsu răn dạy:  chớ ngoại tình, đừng ly dị, đừng thề thốt và chớ trả thù. Vì vậy, trước hết, trong tình yêu hôn nhân chớ có giận hờn ghen ghét vì chúng ta biết giận là một trong bảy tình cảm của con người Chúa phú bẩm cho: hỷ (vui), nộ (giận), ái (thương), ố (ghét), ai (buồn), ô (sướng, khoái), dục (muốn). Giận là tức. Khi giận thường mất khôn và nói quá lời, cho nên ông bà nói: “giận mất khôn”. Tức ai thì nói cho đã tức nhưng sau đó lại hối hận, nhưng muộn rồi. Làm sao để chừa hay từ bỏ tính nóng giận của mình không? Từ bỏ hẳn thì không, vì nó thuộc bản năng con người, nhưng làm chủ được nó thì có thể vì chúng ta có trí khôn. Một người biết mình nóng tính, nên thường ngày tập sống tha thứ, tập sống dịu dàng, vui vẻ với mọi người; từ từ người đó sẽ làm chủ được những cơn nóng giận của mình tránh khỏi tai hại kinh khủng trong hôn nhân gia đình. Còn ghen ghét là một trạng thái cảm xúc tâm lý của con người phản ánh những suy nghĩ mang tính tiêu cực được biểu hiện bằng cảm giác bất an, sợ hãi, bực tức, ích kỷ, cảm thấy mình thua kém và lo lắng về một sự mất mát.

Sau khi con người bỏ Thiên Chúa, thì lòng yêu mến nhau đã bị thương tổn nặng nề (Rm 3:10tt), và sự ganh ghét xâm nhập vào thế gian. Khởi đầu là việc ghen ghét của Cain với em mình là Abel nên anh giết em, cả hai là con trai của tổ tông Adam. Rồi đến vụ bà Sara vợ của tổ phụ Abraham, Sara đã ghen tức với Hagar vì người nữ tỳ có con với ông Abraham đang khi mình vợ chính lại không có con. Trong Tân Ước, khi Gioan và Giacôbê được mẹ dẫn đến gặp Đức Giêsu để xin địa vị cho hai con mình, một ngồi bên tả một ngồi bên hữu Đức Giêsu trong vinh quang Nước của Ngài, các tông đồ khác nghe được thì ghen tức với hai ông kia (Mt 20: 24). Còn trong lịch sử loài người, việc ghen ghét giữa vợ chồng, con cái anh em trong nhà xảy ra tràn lan khắp đó đây như cơm bữa.

Cuộc sống gia đình có những lúc êm ấm hạnh phúc, nhưng cũng có những lúc bất hoà, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Dù vợ chồng có yêu nhau thắm thiết, nhiều lúc vẫn xảy ra những bất hoà. Những bất hoà đó có thể làm cho tình yêu bị sói mòn và có thể đưa đến những đổ vỡ tai hại dẫn đến chia tay, ly thân, ly dị, ngoại tình… Tuy nhiên, nếu biết cách giải quyết, chúng sẽ là cơ hội giúp đội bạn hay vợ chồng hiểu nhau hơn và tình yêu mỗi ngày một thêm triển nở và hạnh phúc dài lâu và đương nhiên sẽ không có chuyện: “Em ơi! hết rồi hết rồi. Chẳng còn chi nữa đâu em. Yêu thương như nước trôi qua cầu như đàn trỗi cung sầu. Còn gì nữa đâu? Tôi thề tôi chẳng yêu ai. Vì người ta cứ phụ tôi hoài. Bây giờ tôi chẳng còn tin. Trong nhân gian có kẻ chung tình. Tôi giận tôi đã ngây thơ. Đem tình yêu hiến dâng cho người hết nên giờ tôi chẳng còn chi. Khi người ngoảnh mặt mà đi”.

Thế nhưng, làm sao để tình yêu dành cho nhau mỗi ngày một thêm triển nở không có chuyện trái ngang, ghen ghét, ly thân hay ly dị? Làm sao để sống lời cam kết ngày thành hôn được thêm sâu xa hơn, để tình nghĩa vợ chồng ngày càng thêm đậm đà và bền chặt? Lời Chúa trong bài đọc 1 nói: Thiên Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội nên đôi bạn hay vợ chồng cần phải: (1) Tôn trọng nhau vì chưng trong ngày thành hôn, anh chị cầm tay nhau cam kết sẽ yêu thương và tôn trọng nhau không chỉ một năm, hai năm, năm năm, mà là “mọi ngày suốt đời”. Vợ kính trọng chồng, chồng tôn trọng vợ qua việc nhìn nhận và đón nhận nhau. Vợ không phải là người hầu hoặc nô lệ của chồng, mà là người bạn đời. Nam và nữ khác biệt nhau, nhưng bình đẳng với nhau vì cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa, được tạo dựng để trở thành trợ tá của nhau, bổ túc cho nhau và hiệp thông với nhau đồng thời đón nhận những ưu điểm, những khuyết điểm, những khác biệt về cách suy nghĩ, cảm nhận… qua việc trao đổi, lắng nghe, để hiểu biết con người của nhau hơn, nhờ đó giúp nhau mỗi ngày một nên hoàn thiện. (2) Hy sinh cho nhau vì hạnh phúc của vợ, của chồng, của con. Hạnh phúc gia đình được xây dựng bằng những điều nhỏ mọn, bằng những hy sinh liên lỉ hằng ngày của cả đôi bên, chẳng hạn như trong việc sử dụng tiền bạc, thời giờ, mua sắm, giải trí… Sự hy sinh còn được biểu lộ qua việc quan tâm đến nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau, không quản ngại vất vả, gian khổ vì nhau, nhất là khi người bạn đời gặp thử thách, bệnh tật, khó khăn. (3) Đối thoại với nhau vì chưng đối thoại là yếu tố quan trọng giúp duy trì và củng cố hạnh phúc trong gia đình. Nhờ đối thoại, vợ chồng, cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, giảm bớt những bất đồng. Những chuyện quan trọng trong gia đình vợ chồng cần phải chia sẻ, bàn bạc cùng nhau. (4) Làm tròn bổn phận vợ chồng vì chưng, Thánh Phaolô khuyên các cặp vợ chồng: “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy” (1 Cr 7,3-5). Và cuối cùng, cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau vì chưng Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài luôn muốn đồng hành với hai vợ chồng để giúp họ yêu thương nhau và xây dựng cuộc sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc như Ngài mời gọi họ. Vì thế, phải thường xuyên cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau. Hạnh phúc của gia đình là có Chúa hiện diện trong nhà, chia sẻ mọi biến cố vui buồn. Ngài ở giữa như nút dây nối kết hai vợ chồng, giúp họ lắng nghe nhau, hiểu nhau, thuỷ chung với nhau và cùng nhau tiến bước, vượt qua mọi gian nan thử thách của cuộc sống.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa giúp mỗi gia đình trong giáo xứ của chúng ta biết yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu ngõ hầu nhờ ơn Chúa chúng ta loại bỏ mọi thứ ghen ghét, bạo hành, hội chứng ly thân hay ly dị đồng thời có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau (Cl  3,12-13) nhờ đó hạnh phúc và tình yêu hôn nhân gia đình mỗi ngay triển nở và dài lâu. Amen.

SUY NIỆM III

CHÚA GIÊ-SU ĐẾN KIỆN TOÀN LỀ LUẬT

(Hội An 12/2/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Chúa Giê-su đã khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ.” Vậy, “Luật” được người Do Thái hiểu là gì?- Là bộ Ngũ Thư được người Do Thái mặc cho Mô-sê là tác giả, trong đó, Mô-sê ghi lại luật Thiên Chúa truyền cho mọi thế hệ, căn bản là Mười Điều Răn. Còn “Lời các ngôn sứ là gì?” – Không chỉ là những bản văn được các ngôn sứ Thánh Kinh ghi lại, mà còn những lời Thiên Chúa dạy trong những cuốn sách lịch sử. “Luật” và “lời các ngôn sứ” được gọi là Cựu ước.

  1. Luật là dấu chứng mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người

            Luật rất cần thiết cho con người sống xứng đáng làm người và rất cần cho sự an hòa trong xã hội. Sách các Vua thuật lại, khi Salômon được chọn làm vua, Thiên Chúa cho ông xin một ơn. Ông xin điều gì cho ông và vai trò làm vua của ông? Thành công, giàu có, sống lâu và tiêu diệt kẻ thù ư? Ông không chọn điều nào trong những thứ đó. Salômon xin Chúa: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1V 3,9). Vua Salômon xin cho ông biết trọng luật, biết giữ luật, là điều cần thiết cho mọi cá nhân và xã hội.

            Luật được Thiên Chúa ban là dấu chứng Thiên Chúa mang con người đi vào mối hiệp thông với Ngài. Khi cho mỗi con người được sinh ra ở đời, Thiên Chúa đã đặt luật trong lòng mỗi người, để con người mỗi khi vâng theo luật bên trong đó, họ sống liên kết với Chúa. Thánh Phaolô quả quyết: ngay cả những anh chị em lương dân, dù không biết luật Mô-sê, thì họ đã có luật ghi khắc trong lòng, để họ biết đâu là điều tốt, đâu là điều xấu mà nghe theo hay để tránh (x. Rm 2,14-15). Vâng nghe theo lệnh truyền của Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa theo luật dạy là sống đức tin và sống hiệp thông với Thiên Chúa. Vì vậy, tác giả Thánh Vịnh đã tha thiết xin Chúa: “Con kêu van hết lòng, lạy Chúa, xin đáp lại/ Thánh ý Ngài con sẽ vâng theo” (119,145) còn “bọn bất lương sống xa luật Ngài” (119,150).

            Đó là lý do Chúa Giê-su khẳng định, đừng ai tưởng Chúa đến để hủy bỏ Luật hay lời các tiên tri mà Thiên Chúa đã truyền cho dân Ngài, bởi luật do chính Thiên Chúa ban cho dân Ngài và để dân Ngài sống đúng với thánh ý Ngài trong mối tương quan thân thiết với Ngài. Chúa Giê-su đến không như một kẻ phá luật như một số người Pharisêu nghĩ. Chúa không đến để bãi bỏ luật hay biến luật trở nên vô nghĩa như một số người thời nay quả quyết. Họ cho rằng họ thuộc về Chúa Giê-su, thuộc về thời Tân ước, nên không còn phải tuân thủ Mười Điều Răn. Đối với họ, đây là thời của tự do, không còn phải thờ phượng một mình Thiên Chúa như luật dạy, vì thế họ tha hồ sa vào mê tín dị đoan; không còn phải đến tham dự thánh lễ ngợi khen Chúa nữa, vì thế họ không sống đức tin; không còn phải chớ giết người, nên họ không ngại ngùng giết các thai nhi; không còn phải chớ lấy vợ chồng người nữa, nên họ dễ dàng ngoại tình và ly dị v.v. Dù vậy, họ vẫn xưng mình là Ki-tô hữu, như thể thuộc về Chúa Giê-su là không còn phải giữ những luật Chúa truyền cho dân Ngài nữa.  Vì thế, hôm nay chúng ta cần được nghe đi nghe lại nhiều lần lời Chúa nói: “Đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17), bởi cũng một Thiên Chúa là tác giả của Cựu ước và Tân ước, và không có mâu thuẫn giữa hai giao ước như Thiên Chúa đã phán: “Chính Ta là Đức Chúa không hề thay đổi” (Ml 3,6). Thánh Phaolô quả quyết: “Lề luật là thánh, điều răn cũng là thánh” (Rm 7,12), nhờ Chúa Giê-su đến để kiện toàn là làm cho luật trở nên trọn hảo, nghĩa là nâng luật trở nên tầm cao mới.

  1. Luật được kiện toàn trong và nhờ Chúa Giê-su Ki-tô

            Luật Cựu ước được kiện toàn khi luật không còn là những quy định khô cứng, mà đã trở thành những đòi hỏi của tình yêu, của nội tâm. Thiên Chúa đã nói: “Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc và tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân Ta” (Dt 8,10). Luật không còn khô cứng nơi mặt chữ “chớ giết người,” vì Chúa đã kiện toàn luật khi khẳng định những ý tưởng xấu hay những lời nói hại đến anh em mình đã phạm đến luật này rồi. Vì lý do đó, Đức Phanxicô cho rằng ngồi lê đôi mách đặt điều nói xấu là giết anh chị em mình. Không phải chỉ công khai ngoại tình, mà nhìn người khác phái mà “thèm muốn” thì đã phạm tội ngoại tình rồi. Luật được Chúa Giê-su kiện toàn bằng cách hướng dẫn Ki-tô hữu sống với Đấng thấu suốt bên trong và là Đấng đã tóm gọn lề luật trong cách sống yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người như Chúa yêu.

            Luật Cựu ước được kiện toàn trong chính Chúa Giê-su, như thánh Phaolô tuyên bố: Luật đưa dẫn chúng ta đến với Chúa Giê-su Ki-tô (Gl 3,24). Quả thật, chỉ trong Chúa Giê-su, luật được kiện toàn trong tình yêu khi Chúa Giê-su thốt lên lời thưa với Chúa Cha “mọi sự hoàn tất” và có tầm cao cứu độ nhờ cái chết và cuộc phục sinh của Chúa Giê-su. Đó là bằng chứng kiện toàn những chữ viết trong văn bản luật trở nên sống động trong chính con người của Chúa Giê-su.

            Khi được chọn làm người coi sóc dân, vua Salomon đã nài xin Thiên Chúa cho mình biết luật để phân biệt phải trái. Còn chúng ta, những người coi sóc số lớn hay số ít người được Chúa giao cho, chúng ta nài xin Chúa điều gì? Chúa đang chờ đợi chúng ta nài xin Chúa biết lắng nghe luật Chúa và ghi khắc luật Chúa trong trái tim, đồng thời biết phân định phải trái dựa vào luật Chúa và lời Chúa dạy, nhờ đó chúng ta hướng dẫn và chu toàn bổn phận coi sóc những người Chúa giao cho. “Mù có thể dẫn mù được chăng? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39).