Đào Tạo Linh Mục Đào Tạo “Người Môn Đệ Truyền Giáo” Trong Bối Cảnh Hướng Đến Tiến Trình Phong Thánh Đức Cha Pierre Lambert De La Motte
Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng
DẪN NHẬP
I. TIẾN TRÌNH PHONG THÁNH CHO ĐỨC CHA LAMBERT
1. Hai hồ sơ Phong thánh
2. Định hướng của HĐGMVN về việc Phong Thánh cho Đức cha Lambert
3. Mẫu gương thánh thiện của Đức cha Lambert để lại cho Giáo hội hôm nay là gì?
II. HAI GIÁM MỤC TIÊN KHỞI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM: ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU VÀ PIERRE LAMBERT SỐNG VÀ CHẾT CHO SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG
1. Hai cuộc đời – một ơn gọi
2. Hai ơn gọi – một sứ mạng
3. Sống và chết cho sứ mạng Loan báo Tin Mừng
4. Trổ sinh hoa trái thánh thiện
5. Nền linh đạo tập trung vào Chúa Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh
KẾT LUẬN
DẪN NHẬP
1. Theo Văn Kiện ĐÀO TẠO LINH MỤC do Bộ Giáo sĩ ban hành 2016 (Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis), đào tạo linh mục được định nghĩa là “đào tạo người môn đệ truyền giáo” (missionary disciple). Văn kiện xác định: “tinh thần truyền giáo phải được vun trồng và cũng được xem như một tiêu chuẩn phân định thực sự, vì truyền giáo là mục đích và viễn cảnh của việc đào tạo linh mục” (RF 33- Ghi chú bổ sung số 8).
Và giai đoạn triết học được gọi là “giai đoạn đào tạo người môn đệ” (RF 61-67); giai đoạn thần học được gọi là “giai đoạn đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (RF 68-73). Đồng thời, hành trình môn đệ và đồng hình đồng dạng kết hợp một cách hài hòa những chiều kích khác nhau của đào tạo: nhân bản, thiêng liêng, tri thức, mục vụ (RF Dẫn nhập 3).
Sự thay đổi tên “giai đoạn triết học” thành “giai đoạn đào tạo người môn đệ” và “giai đoạn thần học” được gọi là “giai đoạn đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” cho thấy đào tạo linh mục không phải chỉ là học xong một số tín chỉ triết học hay thần học là đã hoàn tất việc đào tạo. Việc đào tạo tại cuối mỗi giai đoạn phải trả lời câu hỏi này:
– sau 2 năm học triết: tôi đã trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu chưa?
– sau 4 năm thần học: tôi đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô như thế nào?
2. Trong thời dịch Covid-19, lệnh phong tỏa và cách ly làm cho tương quan đối với Chúa và đối với nhau bị giới hạn trong “không gian ảo online”. Thế nhưng, những hy sinh dấn thân, liên đới, “không sợ lây nhiễm”, quên mình… của những y bác sĩ, của các linh mục, tu sĩ… đã phá vỡ những rào cản này, để chăm lo cho sự sống của anh chị em mình. Các linh mục tương lai cần được đào tạo để dám bước trên con đường thập giá, hy sinh, quên mình theo gương Chúa Giêsu là Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.» (Mt 20,28).
3. Trong hướng đào tạo theo Ratio 2016 và trong thời Hậu – Covid-19 như thế, chúng ta có thể thấy việc đào tạo linh mục theo linh đạo của Đức cha Lambert nhấn mạnh đến “gắn bó, yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh” vẫn luôn là chính thống và hợp thời. “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mc 8,34). Và tinh thần hy sinh, quên mình, dấn thân phục vụ đã được Đức cha Lambert nhấn mạnh trong tập sách “Những nhắn nhủ cho các thừa sai” (Monita ad Missionarios).
4. Khi quyết định xin phong thánh cho Đức cha Lambert, HĐGMVN ước mong rằng: các thành phần Dân Chúa, đặc biệt các chủng sinh linh mục sẽ noi theo đời sống thánh thiện, hy sinh, quên mình, luôn gắn bó với “Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh” của Đức cha Lambert, vị “giám đốc tiên khởi” của Chủng viện đầu tiên cho Giáo hội Việt Nam, để mang lại ơn cứu độ cho dân tộc Việt Nam.
I. TIẾN TRÌNH PHONG THÁNH CHO ĐỨC CHA LAMBERT
1. Hai hồ sơ Phong thánh
Trong cuộc họp tại Foyer Phát Diệm, Roma vào tháng 3.2018, nhân dịp Ad Limina, HĐGMVN đã quyết định mở Hồ sơ xin phong thánh cho hai vị giám mục tiên khởi của Việt Nam là Đức cha Pallu và Đức cha Lambert; đồng thời, giao cho cho Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, lúc đó đang là Giám mục Hải Phòng, phụ trách hồ sơ Đức cha Pallu và Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, lúc đó đang là Giám quản Tông tòa Sàigòn, phụ trách hồ sơ Đức cha Lambert.
Nguyên tắc đầu tiên, Giám mục nơi Vị Thánh qua đời được gọi là “Giám mục thẩm quyền” (Évêque compétent) để phụ trách Hồ sơ Phong thánh.
a) Dưới đây là Văn thư trả lời “chấp thuận” của Bộ Phong thánh cho Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên về Hồ sơ Đức cha Pallu (dù không thể liên hệ với giám mục Phúc Kiến):
CONGREGAZIONE
DELLE CAUSE DEI SANTI
Prot. N. 3542-1/20
Tuyên phước và tuyên thánh
Của Tôi Tớ Thiên Chúa Phanxicô Pallu
Hội Thừa sai Hải ngoại Paris
Giám mục Hiệu tòa Heliopolis ở Augustaminica
Đại diện Tông Tòa Phúc Kiến
Đức cha rất đáng kính Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Hà Nội, thỉnh cầu với Bộ Phong thánh để Cuộc Điều tra Cấp Giáo phận về đời sống và các nhân đức, cũng như về danh tiếng thánh thiện và về các dấu lạ của Tôi Tớ Thiên Chúa Phanxicô Pallu, thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, Giám mục Hiệu tòa Heliopolis ở Augustaminica, Đại diện Tông tòa Phúc Kiến, có thể được tiến hành nơi giáo phận (Curia) của Đức cha, mặc dù vị Giám chức này qua đời trong lãnh thổ của Địa phận Phúc Ninh.
Bộ Phong thánh, với những lưu tâm đặc biệt, sau khi đã cân nhắc kĩ lưỡng, đối với lời kiến nghị nài xin được trình bày và được gửi kèm, cũng như Phủ Quốc Vụ Khanh cùng với bức thư prot 10832/21/RS, bằng lòng chấp thuận đối với đặc ân theo như lời thỉnh cầu: trong khi lưu ý tuân giữ mọi đòi hỏi khác theo như luật định. Dù có bất cứ điều gì trái ngược đều không cản trở.
Làm tại Rôma, từ văn phòng của Bộ này, ngày 15.9.2021.
b) Dưới đây là thư ủy quyền của Đức Tổng Giám mục Fx. Kriengsak Kovithavanij, Giám mục Bangkok, ủy quyền cho Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng tiến hành hồ sơ xin phong chân phước và phong thánh cho Đức cha Lambert:
Kính gởi Quý Chư Huynh có liên quan
Tôi ký tên dưới đây là Hồng y Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovithavanij, Tổng Giám mục Bangkok (Thái Lan), được biết rằng Hội đồng Giám mục Việt Nam muốn khởi sự án tuyên Chân phước và tuyên Thánh cho Đức cha François Pallu, Đại diện Tông tòa Địa phận Đàng Ngoài (Việt Nam) và Đức cha Pierre Lambert de La Motte, Đại diện Tông tòa Địa phận Đàng Trong (Việt Nam) vì các nhân đức anh hùng, đời sống thánh thiện và giáo huấn thiêng liêng của các ngài. Tôi, với tư cách Tổng Giám mục Bangkok, là nơi mà Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte qua đời, đồng ý với lời thỉnh cầu của Hội đồng Giám mục Việt Nam và đồng thuận với Thánh bộ Tuyên Thánh để chuyển năng quyền trong án tuyên Thánh Đức cha Françoise Pallu và Đức cha Pierre Lambert de La Motte cho Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo phận Phan Thiết (Việt Nam) theo Huấn thị “Sanctorum Mater” (Mẹ Các Thánh) điều 22 triệt 2, ban hành năm 2007 bởi Thánh bộ Tuyên Thánh và sau khi nhận được thư Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng thỉnh cầu tôi chuyển năng quyền cho ngài vào ngày 15.5.2020.
Đức cha Pierre Lambert de La Motte là Đại diện Tông tòa tiên khởi Địa phận Đàng Trong. Ngài cũng hoạt động tích cực cho Miền Truyền giáo Đàng Ngoài và đã lập Dòng Mến Thánh Giá vào tháng 2 năm 1670. Đời sống và giáo huấn thiêng liêng của ngài hiển nhiên có giá trị cao quý đối với tất cả chúng ta ngày nay. Vì thế, ngài xứng đáng được Giáo hội tôn vinh là Tôi Tớ Chúa, là Chân Phước và là Thánh trong thời gian sắp đến. Tổng Giáo phận Bangkok sẽ hết lòng nâng đỡ và cộng tác với Hội đồng Giám mục Việt Nam trong mục đích này.
Nguyện xin Thiên Chúa không ngừng ban ơn phúc dồi dào cho quý vị, tuôn đổ trên quý vị sức mạnh, sự kiên trì và khôn ngoan để tiếp tục sứ mạng đáng kính và cao cả này.
Làm tại Bangkok ngày 18 tháng 5 năm 2020.
Trong Đức Kitô,
Hồng y Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovithavanij
Tổng Giám mục Bangkok
(đã ký và đóng dấu)
2. Định hướng của HĐGMVN về việc Phong Thánh cho Đức cha Lambert
a) Từ năm 2018, việc khởi động tiến trình phong thánh hướng đến hoa trái của Đức cha Lambert là các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá; nhưng trong Hội nghị Thường niên tháng 4.2021 tại Nha Trang, Đức cha Giuse Võ Đức Minh đã trình bày về việc Đức cha Lambert đến Đàng Trong lần đầu vào năm 1671 (tới 2021 là đúng 350 năm) tại Giáo xứ Chợ Mới, Nha Trang cùng với những chứng từ khác. Và HĐGMVN đã nhất trí với Đức cha Nha Trang, xác định rằng hoa trái của Đức cha Lambert không phải chỉ là Dòng Mến Thánh Giá mà là toàn thế Giáo hội Việt Nam hôm nay với 27 Giáo phận.
Với định hướng đó, trong buổi họp trực tuyến với các Đại Chủng viện vào ngày 17.9.2021, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã trình bày với các giáo sư Đại Chủng viện đề tài “Công Cuộc Truyền Giáo Của Hai Giám Mục Tiên Khởi Tại Giáo Hội Việt Nam”. Bài thuyết trình này sau đó đã được đăng trên Web của HĐGMVN: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cong-cuoc-truyen-giao-cua-hai-giam-muc-tien-khoi-tai-giao-hoi-viet-nam-42925
b) Sau đó tiếp tục nghiên cứu, và tại Hội nghị Thường niên vào tháng 4.2022 vừa qua tại Thái Bình, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã trình cho HĐGMVN bản Di chúc của Đức cha Lambert, trong đó ngài đã nói rất rõ ước muốn của ngài là để lại toàn bộ tài sản của mình để lo cho Chủng viện Đàng Trong (x. Bản Di Chúc).
Chính bản Di chúc này đã giúp Ủy Ban Giáo sĩ Chủng sinh (UBGSCS) và các Chủng viện xác tín thêm về Đức cha Lambert chính là Đấng Sáng lập nên Hàng Giáo sĩ Việt Nam và Các Chủng viện tại Việt Nam. Từ đó, các Đại Chủng viện thấy rõ bổn phận đối với Đức cha Lambert, qua việc tìm hiểu, học hỏi và đi theo hướng dẫn của ngài, một cách cụ thể:
– Phổ biến và học hỏi sâu rộng hơn về tài liệu tập sách “Huấn dụ gởi các thừa sai” (Monita ad Missionarios) của Đức cha Lambert. Đây là tài liệu được Bộ Truyền giáo đề cao và đang là tài liệu đào tạo các linh mục được sử dụng tại các Chủng viện, với điểm nhấn, đó là “Đời sống thiêng liêng được đề nghị cho các linh mục địa phương là một nền linh đạo tập trung vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.”
– Tổ chức Hội nghị Thường niên các Đại Chủng viện, từ ngày 04 đến ngày 09.7.2022, tại Tòa Giám mục Đà Lạt, với chủ đề: Con đường Loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo hội Việt Nam của Đức cha Pierre Lambert de la Motte và việc đào tạo linh mục trong bối cảnh tiến trình hiệp hành và hậu Covid-19.
3. Mẫu gương thánh thiện của Đức cha Lambert để lại cho Giáo hội hôm nay là gì?
Có thể nói một cách tóm tắt: Mẫu gương thánh thiện của Đức cha Lambert để lại cho Giáo hội hôm nay là Sự hiến dâng cả cuộc đời, thực thi thánh ý Chúa qua bổn phận được giao phó là xây dựng nên 2 Giáo phận đầu tiên tại Việt Nam, với một đường hướng Loan báo Tin mừng và xây dựng Giáo hội đúng theo đức tin Công giáo với 4 điểm nòng cốt:
1) Trước hết, theo gương thánh Phaolô, để thành lập một giáo đoàn mới, thánh Phaolô đã xác tín về nội dung mình rao giảng, đó là “Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh”:
“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (Cr 1,22-23).
Và cũng theo gương thánh Phaolô, Đức cha Lambert đã sống tâm tình say mê “Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh”:
“Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2).
“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! (Gl 6,14)
– Xác tín sâu đậm đó đã thể hiện rất rõ trong chương trình truyền giáo và xây dựng Giáo hội Việt Nam:
a) Trước hết, tập sách “Huấn dụ gởi các thừa sai” (Monita ad Missionarios) của Đức cha Lambert, đã trở thành một tài liệu được Bộ Truyền giáo đề cao và đang là tài liệu đào tạo các linh mục được sử dụng tại các Chủng viện, với điểm nhấn, đó là “Đời sống thiêng liêng được đề nghị cho các linh mục địa phương là một nền linh đạo tập trung vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh”.
b) Tiếp đến, việc thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá với Linh đạo hướng đến: Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí mình.
c) Cùng với việc thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá, Đức cha Lambert cũng lập Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá. Ngài ước mong rằng người giáo dân cũng được hướng dẫn để đi vào Linh đạo Mến Thánh Giá.
2/ Điểm thứ hai, đó là sự hiệp thông với Tòa Thánh, được biểu lộ qua việc Đức cha Lambert sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ giám quản tại Địa phận Đàng Ngoài, để Đức cha Pallu có thể trực tiếp về Rôma trình những những quyết định và công việc tại Giáo hội Việt Nam; nhất là qua lời đầu tiên rất cảm động trong di chúc của ngài: Tôi ao ước sống và chết trong đức tin của Giáo hội Công giáo rất Thánh Thiện, Tông Truyền và Rôma, và trong sự phục tùng trọn vẹn đổi với Đức Thánh Cha.
3/ Điểm thứ ba, đó là sự hiệp nhất giữa mọi thành phần Dân Chúa trong Địa phận qua việc trân trọng vai trò của phụ nữ nơi các nữ tu Mến Thánh Giá. Thời thế kỷ 17, trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, Đức cha Lambert đã nhận ra vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc xây dựng Giáo phận. Cho đến nay, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đã và đang cộng tác đặc biệt với Giám mục và các cha sở để xây dựng giáo xứ và Giáo phận.
4/ Sống tình bạn đặc biệt với Đức cha Pallu trong việc cùng nhau cộng tác để chu toàn Thánh Ý Chúa qua bổn phận được trao phó. Hai người bạn Pallu và Lambert đã sống trọn vẹn Lời Chúa dạy trong việc loan báo Tin Mừng cho dân tộc Việt Nam: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” (Mc 6,7).
II. HAI GIÁM MỤC TIÊN KHỞI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM: ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU VÀ PIERRE LAMBERT SỐNG VÀ CHẾT CHO SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Giáo hội chỉ có thể phát triển nhờ vào những hoa trái thánh thiện nơi chính con cái mình: đời sống cầu nguyện, hy sinh, phó thác cho Chúa, thực thi lời Chúa dạy và làm tất cả vì tình yêu Chúa. Đây là chứng tá sống động nhất như lời Đức Thánh cha Phanxicô đã khẳng định: “Chính đời sống của các con phải nói lên một đời sống có sức tỏa ra rạng ngời niềm vui và vẻ đẹp để sống Phúc Âm và đi theo Đức Kitô” (Evangelii Gaudium 14). Hơn nữa, đây cũng là lời kêu gọi khẩn thiết của một Hội Thánh Hiệp hành: Cùng nhau cất bước hành trình, cùng nhau sống tinh thần hiệp thông, “cùng nhau tìm hiểu tường tận các dấu chỉ thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng” (Gaudium et Spes 4). Một nhà thừa sai gương mẫu sẽ chiếu tỏa hương thơm thánh thiện cho mọi người, và đó chính là sức thu hút mãnh liệt đang tiềm ẩn trong một Hội Thánh hôm qua cũng như hôm nay.
1. Hai cuộc đời – một ơn gọi
Người ta thường nói: “Hương của hoa bay theo chiều gió. Hương nhân đức vượt gió khắp tung bay”. Đây là điều mà chúng ta muốn nói về cuộc đời và sự nghiệp của hai Đức cha: François Pallu và Pierre Lambert de La Motte, hai vị Đại diện Tông tòa đầu tiên của Giáo hội Công giáo Việt Nam, thuộc Hội Thừa sai Paris. Hai cuộc đời – một ơn gọi.
Đức cha François Pallu chào đời năm 1626[1] tại thành phố Tours, nước Pháp, trong gia đình quý tộc và vị vọng. Ngài được rửa tội ngày 31.08.1626. Sau khi học xong chương trình ở chủng viện, ngài thụ phong linh mục vào tháng 09.1650 và tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ dân luật và giáo luật. Ngài là thành viên Nhóm Bạn Hiền và Hiệp hội Thánh Thể, là những tổ chức góp phần vận động Tòa thánh gởi các Giám mục sang Việt Nam và Trung Hoa cũng như hỗ trợ cho việc hình thành Chủng viện Thừa sai Paris[2]. Đức cha François Pallu được thụ phong Giám mục ngày 17.11.1658 tại Rôma.
Đức cha Pierre Lambert sinh ngày 28.01.1624, trong một gia đình thuộc dòng họ quý tộc giàu có, đã lâu đời gắn bó với nghề thẩm phán tại vùng Normandie, tây-bắc nước Pháp[3]. Ngài là chuyên viên ngành luật và là một giáo dân say mê đời sống thần bí và khổ hạnh. Sau khi làm linh mục, ngài trở thành một nhà hoạt động xã hội với chức danh Giám đốc Trung tâm Xã hội Rouen (1655-1660), chăm lo cho người nghèo thuộc nhiều loại, từ trẻ mồ côi, thiếu niên thất học, người vô gia cư và thất nghiệp, đến những phụ nữ lầm lỡ[4]. Trong thời gian sống tại quê hương Normandie, ngài đã được môi trường phong phú phi thường của Giáo hội Pháp thế kỷ XVII, thế kỷ tâm linh hun đúc thành người có chí lớn, đức cao và tài rộng[5]. Nữ sử gia Françoise Fauconnet-Buzelin nhận định thêm rằng: Đức cha Lambert là “một con người thần bí say mê cô tịch và cầu nguyện”[6], một con người “khao khát hết mình đạt tới sự kết hợp thần bí bằng cách từ bỏ triệt để mọi sự”[7].
Ngày 29.07.1658 với sắc lệnh Apostolatus Officium, Đức Thánh cha Alexandre VII chọn cha François Pallu làm Giám mục hiệu tòa Heliopolis và cha Pierre Lambert làm Giám mục hiệu tòa Béryte[8]. Và ngày 09.09.1659 với sắc lệnh Super Cathedram, Đức Thánh cha Alexandre VII lại bổ nhiệm hai vị tân Giám mục này làm Đại diện Tông tòa đi truyền giáo cho lương dân. Đức cha François Pallu đảm nhiệm Đàng Ngoài Việt Nam, Lào và năm tỉnh miền nam Trung Hoa. Đức cha Pierre Lambert phụ trách Đàng Trong Việt Nam, Cambốt, bốn tỉnh miền tây nam Trung Hoa và đảo Hải Nam[9], và ngày 11.06.1660, ngài được Đức cha Bouthillier, Tổng Giám mục Tours tấn phong Giám mục tại nguyện đường Dòng Thăm Viếng ở Paris.
Với tinh thần hăng say và đầy nhiệt huyết, ngày 24.11.1660, đoàn thừa sai gồm Đức cha Pierre Lambert, cha Jacques de Bourges, cha François Deydier và một người giúp việc rời Pháp, vượt biển Địa Trung Hải, lên bờ Alexandrette (Thổ Nhĩ Kỳ) rồi mạo hiểm bằng đường bộ qua Iraq, Iran, đến Ấn Độ và tới Ayutthaya thủ đô Xiêm La (Thái Lan) ngày 22.08.1662. Còn với Đức cha François Pallu, ngày 02.01.1662, ngài rời Pháp đi Việt Nam với bảy linh mục và hai giáo dân bằng con đường bộ. Sau hai năm, ngày 27.01.1664 phái đoàn của ngài đã tới được kinh đô Ayutthaya, nhưng chỉ còn hai linh mục và một giáo dân[10].
2. Hai ơn gọi – một sứ mạng
Có thể nói, Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert là những tông đồ yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội và đầy nhiệt thành hy sinh để loan báo Tin Mừng cho dân tộc Việt Nam. Đức cha François Pallu, mặc dù chưa một lần đặt chân tới nhiệm sở Đàng Ngoài, vì hoàn cảnh lúc bấy giờ, nhưng ngài đã ủy quyền cho Đức cha Pierre Lambert thay ngài điều hành địa phận tông tòa này. Ngài hoạt động ở “tiền tuyến” như nhân vật đứng mũi chịu sào, với sự hậu thuẫn hữu hiệu của Đức cha François Pallu (1626-1684), người chuyên vận động ngoại giao ở “hậu phương”[11]. Hai ơn gọi – một sứ mạng.
Đối với Đức cha Pallu và Đức cha Lambert, tính tình rất khác nhau, nhưng lại tương kính và bổ túc cho nhau[12]. Đức cha Lambert đã gây ảnh hưởng lớn trên Công nghị Ayutthaya (1664-1665), do ngài đề nghị triệu tập và cùng chủ tọa với Đức cha Pallu. Công nghị này đã vận dụng vào thực tiễn châu Á các Huấn thị (Instructiones) nổi tiếng của Thánh bộ Truyền giáo năm 1659[13]. Đặc biệt, kết quả quan trọng nhất của Công nghị là soạn ra được văn kiện Huấn dụ gửi các thừa sai (Monita ad missionarios) rất có giá trị, khiến Tòa thánh hài lòng đến nỗi nhận in ấn và tái bản nhiều lần cho các thế hệ thừa sai mang theo như cẩm nang[14]. Linh mục Giuse Trương Đình Hiền cũng khẳng định: “Huấn thị Monita ad missionarios của Công đồng Ayutthaya 1664 đã để lại cho Dân Chúa Việt Nam hôm nay (và cả Á châu) như một gia tài quý báu. Chắc chắn, tư liệu lịch sử liên quan đến buổi đầu loan báo Tin mừng tại Á châu này sẽ chỉ cho chúng ta những con đường, những định hướng mục vụ truyền giáo mang giá trị vượt thời gian”[15]. Đây cũng chính là chứng từ rõ nét phản ảnh chính tâm tư, nguyện vọng, đời sống tu đức trọn hảo, đường lối mục vụ đúng đắn và thức thời của cả hai vị còn lưu lại. Đặc biệt, đang là kim chỉ nam cho công tác huấn luyện chủng sinh và mục vụ truyền giáo (hiện tại, Huấn thị Monita là giáo trình truyền giáo tại các Đại Chủng viện: Đại Chủng viện Xuân Lộc đã chính thức in vào năm 2020. Trước đó, Giáo phận Kontum, Giám mục người Pháp cuối cùng tại Việt Nam đã phổ biến tài liệu này).
Hơn nữa, chính Đức cha Lambert thay thế Đức cha Pallu, đi kinh lý Đàng Ngoài năm 1669-1670. Tại đây, qua Công nghị Phố Hiến (14.02.1670), ngài đặt nền móng pháp lý và mục vụ vững chắc cho cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, mà ngài sẽ kinh lý hai lần (năm 1671-1672; và 1675-1676). Những gì ngài đã thực hiện tại Đàng Ngoài, ngài cũng làm cho Đàng Trong. Đó là: phổ biến các Sắc chỉ của Đức Giáo hoàng quyết định thiết lập chế độ Đại diện Tông tòa; phong chức linh mục cho những thành viên thuộc Hội Thầy giảng do cha Đắc Lộ thành lập (1630 tại Đàng Ngoài, 1643 tại Đàng Trong) và được các thừa sai Dòng Tên đào tạo, nay quy phục quyền bính của các Đại diện Tông tòa, thì được Đức cha Lambert biến thành những cộng sự viên đầy uy tín, đứng đầu những giáo điểm rộng lớn tương đương với một tỉnh hạt hành chính[16]. Hội Thầy giảng trở thành Nhà Đức Chúa Trời. Các trùm trưởng tiếp tục là những cánh tay nối dài của hàng giáo sĩ, bên cạnh các thầy giảng. Hai tổ chức này xuất phát từ sáng kiến của Dòng Tên, được Đức cha Lambert trân trọng đưa vào cơ cấu mục vụ của cả hai Miền Truyền giáo, qua Công nghị Phố Hiến (1670) và Công nghị Hội An (1672). Điều này chứng tỏ ngài tiếp nối và kiện toàn những gì các thừa sai Dòng Tên đã khởi sự. Tại cả hai Địa phận Tông tòa, ngài đều lập Dòng Mến Thánh Giá: Đàng Ngoài năm 1670, Đàng Trong 1671 và tại Thái Lan 1672.
Xuyên suốt 17 năm hoạt động tại châu Á, cái vốn phong phú tạo lập được tại châu Âu trong ngành luật, trong lĩnh vực linh đạo và trong địa hạt bác ái xã hội, đã đóng góp rất nhiều cho thành công của ngài trong việc đương đầu với vô vàn vấn đề khó khăn và sự chống đối kịch liệt do các đối thủ tạo ra, và nhất là giúp ngài chu toàn mỹ mãn sứ mệnh do Tòa Thánh trao phó. Nhưng, nhìn ở chiều sâu, bí quyết mang lại thành công bền bỉ nhất là đời sống thiêng liêng của ngài, và hoa quả độc đáo nhất do kinh nghiệm thiêng liêng của ngài mang lại cho Giáo hội, chính là việc ngài thành lập Hàng giáo sĩ và Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá cùng với Dòng Mến Thánh Giá[17].
3. Sống và chết cho sứ mạng Loan báo Tin Mừng
Như chúng ta đã biết, việc tiến hành các thủ tục xin phong Chân phước và Phong thánh là một việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có kiến thức và thời gian cũng như nhân sự chuyên môn. Đối với hai Đức cha Pallu và Đức cha Lambert, đang gặp nhiều khó khăn, vì thiếu hiểu biết chuyên môn và tài liệu về các ngài, nhất là những chứng nhân và chứng từ đương thời với các ngài cách nay đã quá lâu. Tuy nhiên, chúng ta đặt niềm hy vọng và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, Ngài muốn thì điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Chúng ta có thể so sánh cuộc đời của hai ông bà Louis Martin, là cha mẹ của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, hai ngài không để lại bút tích nào, thế nhưng, con đường nên thánh của hai ông bà là chu toàn bổn phận làm vợ làm chồng và làm cha mẹ. Hơn nữa, Giáo hội Phong thánh cho hai ông bà qua con đường nên thánh trong bậc hôn nhân. Cũng vậy, hai Đức cha mặc dù không để lại nhiều bút tích hay những tác phẩm nổi tiếng, nhưng đã để lại cho chúng ta đời sống thánh thiện được thể hiện bằng sự quyết tâm chu toàn thánh ý Chúa qua bổn phận được trao phó là xây dựng Giáo hội Việt Nam. Các ngài đã sống và chết cho sứ mạng truyền giáo, là xây dựng hai Giáo phận Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam trong tình say mến Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Đây chính là điều đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô lưu ý trong Tông huấn Gaudete et Exsultate: “Chứng tá của họ nhắc chúng ta rằng Hội Thánh cần, không phải những quan chức bàn giấy cho bằng là, những thừa sai đầy nhiệt huyết, hết lòng chia sẻ đời sống thực. Các Thánh làm chúng ta kinh ngạc và băn khoăn vì cuộc sống của các ngài thúc bách chúng ta từ bỏ cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt và mê ngủ” (GE 138). Điều này đã được thực hiện qua một đường hướng truyền giáo hết sức rõ ràng và cụ thể với 3 điểm nhấn:
– Nền tảng của việc truyền giáo và xây dựng Giáo hội là “Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh”: có hơn 130.000 tử đạo (giám mục, linh mục, giáo dân tử đạo) theo gương “Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh”, nhất định không bước qua thập giá.
– Luôn hiệp thông với Tòa thánh và tuân theo những hướng dẫn của Tòa thánh; Đức cha Lambert một mình đã “được ủy quyền”: năm 1670 đến Đàng Ngoài trước, ngài phong chức cho bảy Thầy giảng trên chiếc thuyền được gọi là Nhà thờ chính tòa đầu tiên của Việt Nam trên sông Hồng. Tổ chức Công nghị Phố Hiến (lắng nghe mọi thành phần Dân Chúa) và lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng ngoài, sau đó lập Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá; năm sau 1671 ngài đến Đàng Trong (Chợ Mới tại Nha Trang).
– Mời gọi và nối kết mọi thành phần Dân Chúa để xây dựng Giáo hội, xây dựng Giáo phận: linh mục (thành lập Chủng viện), nữ tu (lập Dòng Mến Thánh Giá), giáo dân (lập Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá). Trong môi trường Á châu thế kỷ XVII chương trình này là điều hoàn toàn mới mẻ, táo bạo, vì đi ngược lại với quan niệm cổ truyền văn hóa Á châu về vị trí và vai trò người phụ nữ. Trong thực tế lịch sử, tư tưởng của Đức cha Lambert chỉ được thực hiện từng bước rất chậm, do hoàn cảnh khách quan ngăn cản hoặc hạn chế sinh hoạt của các nữ tu Mến Thánh Giá. Nhưng đó là một tư tưởng mang tính chất tiên tri và chính sự hiện hữu, với sức phát triển mạnh mẽ của Dòng Mến Thánh Giá, tự nó đã là một thành công rạng rỡ cho chương trình thăng tiến nữ giới tại châu Á.
Thật vậy, trong một xã hội đang bị chi phối bởi quan niệm trọng nam khinh nữ, và dồn người phụ nữ vào chân tường của ngôi nhà gia đình trong tư thế hoàn toàn phụ thuộc của người vợ và người mẹ, người nữ tu Mến Thánh Giá, mẫu người trinh nữ thánh hiến đầu tiên của Kitô giáo tại châu Á, xuất hiện như một mẫu người phụ nữ mới: được nhìn nhận là người “hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu-Kitô, vì đã hiến thân trọn vẹn cho Người”[18], để trở thành tông đồ xây dựng Nhiệm Thể Người là Hội Thánh[19]: Đây có thể được gọi là tính ngôn sứ trong Giáo hội Hiệp hành hôm nay.
Linh mục sử gia Jean Guennou, chuyên viên nghiên cứu về Đức cha Lambert và Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, nhận định về Vị Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong như sau: “Vì thấm nhuần Phúc âm đến cực độ, Đức cha Lambert là một trong những nhà thừa sai hợp thời nhất trong số các thừa sai lớn của thời hiện đại”[20]. Bí quyết thành công của ngài và yếu tố làm cho tinh thần tông đồ thừa sai của ngài luôn hợp thời là chính lòng yêu mến sâu sắc dành cho Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, ý chí vững mạnh muốn bắt chước đức khiêm nhường và sự từ bỏ mình của Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, và lòng nhiệt thành rao giảng Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, theo gương Thánh Phaolô, vị tông đồ của Dân Ngoại[21].
4. Trổ sinh hoa trái thánh thiện
Giáo hội Việt Nam hôm nay là hoa trái từ những lao nhọc của hai vị Thừa sai đầu tiên này. Tiếp nối các ngài, liên tục có các vị thừa sai dấn thân hy sinh để phục vụ cộng đoàn tín hữu tại Việt Nam. Trải qua những cuộc bách hại đau thương suốt ba thế kỷ 17, 18, 19, mặc dù phải hy sinh mạng sống, những tín hữu Việt Nam vẫn can đảm trung thành với Đức tin đã lãnh nhận từ các vị Thừa sai.
Hoa trái thánh thiện của các ngài đã để lại chính là Giáo hội Việt Nam:
– Với hơn 130.000 Kitô hữu chết vì Đức tin, trong số đó, có 117 vị đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh ngày 19.06.1988, và một vị được tuyên phong Á Thánh ngày 05.03.2000;
– 27 giáo phận, 11 Đại Chủng viện với 2.802 chủng sinh.
– 30 Hội dòng Mến Thánh Giá. Mỗi năm có khoảng 250 nữ tu Mến Thánh Giá khấn trọn. Tổng số nữ tu Mến Thánh Giá hiện nay (2021) là hơn 10.000 nữ tu
– Có trên 15.000 thành viên Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá, đang hoạt động trong nhiều Giáo phận, họ là những giáo dân sống giữa đời, nhưng theo linh đạo do Đức cha Pierre Lambert đề nghị.
Sau thời bách hại, khi Giáo hội tại Việt Nam đang lớn lên và phát triển, các vị thừa sai vẫn không ngừng hiện diện và phục vụ hết mình cho công cuộc truyền giáo và củng cố Giáo hội Việt Nam. Có thể nói được rằng, từ những vị thừa sai này, mối liên hệ giữa Giáo hội Việt Nam và Giáo hội Pháp được liên kết, nhất là giữa Giáo hội Việt Nam và Hội Thừa sai Paris.
Có sử gia đã không ngần ngại so sánh Đức cha Lambert với ba nhà thừa sai vĩ đại là các cha Dòng Tên Ricci, Nobili và cha Lebbe, vị sáng lập Hội Trợ tá các Miền Truyền giáo. Ngài giống ba vị kia ở điểm căn bản là chủ trương thích nghi và hòa nhập vào văn hóa Á châu, nhưng khác với họ ở cung cách và mức độ thực hiện cụ thể. Đức cha Lambert ý thức mình đang thi hành Huấn thị năm 1659 của Thánh bộ Truyền giáo, là văn kiện chứa đựng một tinh thần mới mẻ, vẫn luôn phù hợp với giáo huấn của các Đức Giáo hoàng thế kỷ XX và nhất là của Công đồng Vatican II[22]. Chúng ta có thể nói thêm rằng khi làm như thế, Đức cha Lambert cũng ý thức mình đang tiếp nối và hoàn tất sáng kiến của cha Đắc Lộ, vị thừa sai lỗi lạc đã sáng lập giáo đoàn Đàng Ngoài Việt Nam[23].
5. Nền linh đạo tập trung vào Chúa Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh
Linh đạo Mến Thánh Giá được Đức cha Lambert đề nghị với mọi thành phần Dân Chúa tại các miền truyền giáo Á châu mà ngài trực tiếp điều khiển trong cả đời Giám mục của ngài. Theo ngài, linh đạo đó rất thích hợp với não trạng Á châu, như chính ngài viết trong thư gửi cha Lesley ngày 20.10.1670: “Tôi thỉnh cầu Đức Thánh cha phê chuẩn Dòng Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô (ở đây phải hiểu là “Dòng Ba” Mến Thánh Giá) do tôi đề xuất sau khi nhận thấy lòng sùng kính lớn lao của các tín hữu ở những địa phương này là biểu lộ tâm tình tri ân đối với Chúa Cứu Thế đã chịu Thương khó và chịu chết cứu chuộc loài người”[24].
Ba mươi năm trước, cha Đắc Lộ cũng đã nêu lên một nhận định tương tự: “Tôi ở kinh đô Huế cả Tuần Thánh (năm 1640), và tôi thú nhận chính ở đây, chứ không phải bên châu Âu mà người ta thấu cảm sự Thương khó Chúa”[25]. Trong số những điểm gặp gỡ giữa hai nhà thừa sai lớn nhất và dày công nhất của Giáo hội Việt Nam, điều nhận xét trên đây chứng tỏ sự bén nhạy chính xác của các ngài. Lòng sùng kính đặc biệt của các tín hữu Việt Nam đối với mầu nhiệm Thánh Giá Chúa Kitô như người ta vẫn thấy hiện nay, xác nhận hai ngài có lý[26]. Sự tồn tại của tập tục Ngắm sự Thương khó Chúa Giêsu trong mùa chay dưới hình thức “Ngắm Đứng” do cha Đắc Lộ sáng tạo, cũng như sự tồn tại và phát triển của Dòng Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert sáng lập, chứng tỏ Linh đạo tập trung vào Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh gặp thấy một mảnh đất phì nhiêu nơi tâm hồn người tín hữu Việt Nam vốn bén nhạy với huyền nhiệm tình yêu và đau khổ. Đây là một đặc điểm sâu sắc, phong phú, đáng trân trọng. Và như vậy, giữa vị chủ chăn chính thức đầu tiên của Giáo hội Việt Nam và Dân Chúa tại đây có một sự gặp gỡ tinh thần hài hòa và sâu sắc, đến nỗi có thể xem như một mối duyên tiền định.
Quả thật, khi bàn tay Chúa Thánh Thần dùng Đức cha Lambert làm Vị Sáng lập Dòng Mến Thánh Giá và tổ chức Giáo hội Đông Á thành cơ cấu, thì người cũng dùng cả kinh nghiệm thiêng liêng, nghĩa là Linh đạo Mến Thánh Giá của ngài, để in dấu trên tâm hồn Dân Chúa tại miền đất đã được bóng Thánh Giá bao trùm cách đặc biệt, trong suốt quá trình hình thành của một Giáo hội mang đầy vết máu của các vị Tử đạo, trong đó có rất nhiều nữ tu Mến Thánh Giá Việt Nam.
Đức cha Lambert có một đời sống phong phú lạ thường và sự nghiệp của ngài thật lớn lao. Theo lời nhận định của Đức cha François Pallu: “Công trình Đức Giám mục hiệu tòa Béryth đã thực hiện trong đời ngài, không ai khác có thể làm nổi… Sau Thiên Chúa, chính nhờ Đức cha Lambert, chúng ta có được những công trình hiện nay tại Thái Lan, Đàng Trong và Đàng Ngoài là những nơi ngài đã vượt qua vô vàn khó khăn và đương đầu với bao cơn bão táp”[27]. Sự nghiệp của ngài đứng vững với thời gian và được tiếp nối, phát triển, phong phú hóa qua hơn ba thế kỷ lịch sử đầy thử thách của Giáo hội Á châu. Tinh thần của ngài vẫn sống động trong Giáo hội này, đặc biệt qua Dòng Mến Thánh Giá, là công trình độc đáo nhất của ngài và là người thừa kế đúng nghĩa nhất Linh đạo Mến Thánh Giá.
KẾT LUẬN
Người xưa thường nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”, những ai đã một lần được biết, nghe, đọc về cuộc đời của hai Đức cha Lambert và Pallu đều cảm nhận được sức lan tỏa hương thơm nhân đức thánh thiện nơi các ngài, vì đã sống chết cho sứ mạng Loan báo Tin Mừng.
Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Hội thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng bằng sức thu hút”[28]. Quả thật, một cuộc sống thánh thiện, chứng tá đức tin lúc nào cũng có âm hưởng và có sức đánh động trên người khác.
“Xem quả thì biết cây”, nhìn vào Giáo hội Việt Nam và Dòng Mến Thánh Giá hôm nay, người ta có thể thấy được cuộc đời đạo hạnh và con đường từ bỏ của hai Đức cha đã để lại, đặc biệt thật gần gũi và thân thương của Đức cha Lambert. Bởi vì hoa trái đạo đức đích thực, phải là kết quả của cả một cuộc sống lâu dài bền bỉ và sâu thẳm từ trong tâm hồn. Chúa Giêsu cũng đã khẳng định rằng: “Cây tốt sinh trái tốt. Cây tốt không thể sinh trái xấu được” (Mt 7,17-18).
Tóm lại, Hội nghị Thường niên của các Đại Chủng viện năm 2022 là cơ hội tốt để những người con của Đức cha Lambert, các Đại Chủng viện và các Hội dòng Mến Thánh Giá, lần đầu tiên gặp gỡ, trao đổi để cùng khám phá, đào sâu và phát triển kho tàng mà vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam đã vun đắp suốt cuộc đời và để lại. Đó là lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và con đường Thập giá Cứu độ của Ngài: “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 132 (Tháng 11 & 12 năm 2022)
WHĐ (18.02.2023)
________________________________________
[1] x. Gérard MOUSSAY et Brigitte APPAVOU, Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères, (1659-2004), ordre alphabétique suivi de l’ordre chronologique, Paris, AMEP, 2004, tr. 50 (Trong lược sử của hai Cha đi cùng với Đức cha Cotolendi là Louis Chevreuil và Antoine Hainques, chúng ta cũng thấy ghi cùng một ngày, họ rời Paris ngày 06.01.1661, nhưng xuống tàu ở Marseille, vĩnh viễn rời nước Pháp, ngày 03.09.1661), p. 52.
[2] x. Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Nxb. Tôn giáo, 2020, tr. 10.12.14.22
[3] x. Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá (NNCLĐMTG), Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018, tr. 60; Trích từ bài viết: “Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam” của linh mục Phi Khanh Vương Đình Khởi chia sẻ tại khóa thường huấn Linh Mục Đà Lạt tháng 5/2016, tr. 2.
[4] x. Trích từ bài viết: “Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam” của linh mục Phi Khanh Vương Đình Khởi chia sẻ tại khóa thường huấn Linh Mục Đà Lạt tháng 5/2016, tr. 2.
[5] x. T.sử 1-5.
[6] Françoise FAUCONNET-BUZELIN, 1) Aux sources des Missions étrangères…, Tìm về nguồn gốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại, …, bản dịch của SH Lucien Hoàng Gia Quảng, NXB Phương Đông 2015, tr. 19.
[7] Françoise FAUCONNET-BUZELIN, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong (1624-1679), bản dịch của SH Lucien Hoàng Gia Quảng, NXB Phương Đông 2015, tr. 198.
[8] x. ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, Lưu hành nội bộ, năm 2010, tr. 67.
[9] x. ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, sđd, tr. 67.
[10] x. Françoise FAUCONNET-BUZELIN, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong, Nxb. Phương Đông, 2015, tr. 347.
[11] x. Trích từ bài viết “Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam” của linh mục Phi Khanh Vương Đình Khởi chia sẻ tại khóa thường huấn Linh Mục Đà Lạt tháng 5/2016, tr.3.
[12] x. Jean GUENNOU, Missions Étrangères de Paris. Fayard, Paris 1986, pp. 135-136.
[13] X. Françoise FAUCONNET-BUZELIN, hai quyển sách đã dẫn: 1) Tìm về nguồn gốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại…, tr. 74-75; 2) Người Cha bị lãng quên…, tr. 204-221. Các Huấn thị này đi trước Công đồng Vaticanô II cả ba thế kỷ về tầm nhìn cởi mở và trân trọng đối với các tôn giáo và văn hóa ngoài Kitô giáo.
[14] x. Trích từ bài viết “Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam” của linh mục Phi Khanh Vương Đình Khởi chia sẻ tại khóa thường huấn Linh Mục Đà Lạt tháng 5/2016, tr. 4.
[15] Linh mục GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, Huấn thị 1659, Công Nghị 1664, Kim chỉ nam truyền giáo thế kỷ XVII, Nxb Antôn & Đuốc sáng, năm 2021, tr. 61.
[16] X. Văn kiện Công nghị Dinh Hiến trong Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission du Tonkin. Documents historiques I (1658-1717), Paris 1927, tr.92-100, đặc biệt điều 3: phân chia phạm vi mục vụ cho 9 linh mục Đàng Ngoài vừa được Đức cha Lambert phong chức (2 vị tại Ayutthaya năm 1668 và 7 vị trong một chiếc thuyền lênh đênh trên sông Hồng ngang Phố Hiến đầu năm 1670: x. Báo cáo của LM de Bourges: Relation de ce qui s’est passé au Tonkin par M. de Bourges, trong AMEP, tập 677, tr. 231 do LAUNAY đăng tải trong sđd, tr. 126-133, chính xác tr. 132; và bài viết của Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM, Mẹ Giáo Hội Việt Nam có hai chiếc thuyền, trong HIỆP THÔNG, bản tin của HĐGMVN, số 42 (tháng 7&8 năm 2007), tr. 163-181.
[17] x. Trích từ bài viết “Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam” của linh mục Phi Khanh Vương Đình Khởi chia sẻ tại khóa thường huấn Linh Mục Đà Lạt tháng 5/2016, tr. 4-5.
[18] Btt 3b.
[19] X. Btt 4.
[20] Jean GUENNOU, Missions Étrangères…, op. cit., p. 194.
[21] X. 1Cr 2,2.
[22] x. Jean GUENNOU, Missions Étrangères de Paris, op. cit., pp. 207-208; B. de VAULX, Các vị Đại diện Tông tòa tại Viễn Đông, trong Lịch sử Truyền giáo thế giới, quyển II; Thời Cận đại, tr. 156-158.
[23] x. Linh đạo Lâm Bích (LĐLB) 18.
[24] Thư Lesley 7.
[25] PHẠM ĐÌNH KHIÊM, Minh Đức Vương Thái Phi, Lịch sử khai nguyên Công giáo Việt Nam, Sài Gòn 1957, tr. 32.
[26] X. NGUYỄN HỒNG, Lịch sử Truyền giáo ở Việt Nam. Quyển I, Sài Gòn 1959, tr.124-125; ĐỖ QUANG CHÍNH, Les adaptation culturelles d’Alexandre de Rhodes. Dans: Etudes interdisciplinaires sur le Viet Nam, Volume I, Saigon 1974 (Cha Đắc Lộ và vấn đề thích nghi văn hóa. Trong: chương trình nghiên cứu về Việt Nam từ nhiều quan điểm chuyên môn. Tập I, Sài Gòn 1974, tr. 123-125.
[27] Tiểu sử-Bút Tích-Linh đạo, số 12.
[28] Evangelii Gaudium, số 14