Chúa Nhật Phục Sinh Năm A


CN PHỤC SINH

Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9 (chiều: Lc 24,13-35)

9-4-2023

GIÁO HUẤN 20

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Hoạt Động Có Năng Lực Thánh Hóa (tt)

Chẳng lẽ Chúa Thánh Thần co thể thúc giục chúng ta thi hành một sứ mạng, và rồi lại yêu cầu ta bỏ sứ mạng đó, hoặc đừng tận tâm tận lực cho nó, để giữ sự bình an bên trong của mình ? Thế nhưng có những lúc chúng ta bị cám dỗ xem việc dấn thân cho mục vụ hay cho thế giới là điều thứ yếu, như thể đó là ‘những chia trí’ trên con đường thánh thiện và bình an nội tâm. Chúng ta có thể quên rằng ‘đời sống không có một sứ mạng, nhưng là một sứ mạng’ (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 27).

 

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Lễ Phục Sinh ở Việt Nam

-Ngày 6-1-1615, tầu nhổ neo từ Áo Môn trực chỉ Đàng Trong, sau 12 ngày tầu tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) 18-1-1615. Đây là ngày Giáo Hội Việt Nam thường coi cuộc truyền giáo được chính thức mở ra ờ Việt Nam, mặc dù trước đó đã có những ‘dấu vết’  Tin Mừng ở xứ này. Ba nhà thừa sai Dòng Tên (cha Buzomi, cha Cavalho, thầy Dias)  bước chân vào cái xứ ‘trầm hương, yến sào, nhờ chuyến tầu buôn Bồ Đào Nha. Lạ nước lạ cái, ngôn ngữ bất đồng, nói chuyện thì qua thông dịch viên ‘i tờ’. Tuy thế. Buzomi cũng cho dựng nên một nhà nguyện ở Cửa Hàn; vào dịp lễ Phục sinh 1615 các cha dâng thánh lễ ở đây và rửa tội được 10 người. Tiếp theo các tu sĩ đến Cacciam (Kẻ Chàm), tức Thanh Chiêm, cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chừng 7 km về phía tây, nơi quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ đặt bản doanh cai trị từ đèo Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép các Giêsu hữu làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của một bà quí phái. Bà này về sau được chịu phép rửa, thánh hiệu Gioanna. Chính trong nhà riêng, bà cũng lập nhiều bàn thờ và hằng cầu khẩn với Đức Chúa Trời đất (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 20-21).

-Trước khi đi yết kiến nhà vương, Rhodes để Pedro Alberto  ở lại Hội An. Ngoài một số lễ vật quí mang từ Áo Môn, Rhodes dốc hết tiền mua sắm thêm nhiều đồ qúy khác để tiến dâng chúa thượng. Cũng may, một giáo hữu giầu có và rộng lượng là ông Anrê đã bỏ tiền bù lại cho vị thừa sai.

Tốt lễ dễ kêu ! Thượng vương tiếp kiến Rhodes rất niềm nở. Nhà thừa sai chỉ cần thế, hầu có thể gặp gỡ giáo hữu ở Kinh đô  và may ra được nhà cầm quyền mần ngơ cho ở lại trong xứ. Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy ! Được tin cha Rhodes vừa đến Kinh đô, bà Maria Minh Đức vương thái phi liền cho mời cha vào dinh bà, trong đó có nhà nguyện riêng của bà. Tại đây Rhodes làm việc bất kể ngày đêm, gặp gỡ giáo hữu, dâng thánh lễ mỗi ngày. Giáo hữu ùn ùn kéo đến không sợ hãi, nhờ uy tín,  vai vế của Minh Đức. Các ngày lễ cha phải dâng nhiều thánh lễ mới đáp ứng được nhu cầu số đông giáo hữu. Tuần Thánh 1640 được cử hành long trọng, sốt sắng chính trong nhà nguyện này. Giáo hữu tham dự Tuần Thánh cảm động đến nỗi sau này cha Rhodes đã ghi lại : ‘Tôi phải nhận rằng chính ở đây chứ không phải ở Âu châu, người ta cảm nhận được sự thương khó của Chúa chúng ta’. Trong những ngày ở Kinh thành, Rhodes đã làm phép Thanh tẩy cho 94 người, trong đó có 3 bà tôn thất, họ hàng gần với chúa thượng, được cha ban bí tích Thánh tẩy.

Thời gian ở Kinh đô cũng tạm đủ, Rhodes phải trở lại Hội An xem xét tình hình có thuận lợi cho cha hoạt động tiếp không ? Tại Hội An cha Rhodes va cha Alberto sống ẩn náu, mục đích chờ cho tầu ăn hàng, nhổ neo về Áo Môn, rồi sẽ lộ diện. Bời vì các cha lý luận rằng một khi tầu rời bến rồi, thì ông nghè Bộ cũng đành chịu để hai cha ở lại một thời gian cho đến khi có tầu khác từ Áo Môn tới (ĐQC, Sđd, trang

81-82).

-Bỏ Kinh đô cha về tới Cửa Hàn nhằm ngày Thứ Tư Tuần Thánh, rồi lui về Hội An. Ngày lễ Phục sinh, vì quá đông giáo hữu, nên cha phải dâng hai thánh lễ: một tại chính Hội An dành cho người Nhật và Bồ Đào Nha; hai tại một nhà thờ khác gần Hội An (có lẽ là Thanh Chiêm) dành cho người Việt. Lòng sốt sắng của giáo hữu  và số đông người tham dự , đã làm cho cha hết sức cảm động (ĐQC, sđd, trang 99).

xxx

Những ngày lễ Phục Sinh của Hội Thánh Việt Nam tiên khởi diễn tả niềm vui của Lời Chúa trong ngày lễ Phục Sinh hôm nay. Bđ1 sách Công vụ cho biết niềm vui người ngoại được vào đoàn con Hội Thánh. Bài TM là niềm vui các tông đồ được gặp Chúa sống lại. Bđ2 niềm vui sống kết hiệp với Chúa sống lại.

Bài đọc 1 (Cv 10,34a.37-43): Sách KT 2011 của Nhóm CGKPV viết : Trình thuật này dài nhất trong sách CVTĐ, Ông Cô-nê-li-ô là một người ngoại được một thị kiến và ông muốn được nghe nói một chứng nhân nói về Đức Giê-su . Còn ông Phê-rô  cũng gặp một thị kiến và ông không buộc ăn những đồ luật Mô-sê cấm. Ông Cô-nê-li-ô và cả gia đình trở lại là một biến cố quan trọng đánh dấu bước ngoặt hoạt động tông đồ  của ông Phê-rô và các tông đồ. Tin mừng được loan báo cho dân ngoại. Họ cũng được kêu gọi sống làm con cái Thiên Chúa như người Do thái, được hưởng ơn cứu độ trực tiếp không cần qua cửa ải Do thái giáo. Xuyên qua trình thuật này, ta có thể rút ra ba điểm căn bản : – Một là Hội thánh mở rộng đón tiếp những người thiện chí, những người kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành (10,34-35); – hai là loại bỏ những luật cấm kỵ về đồ ăn thức uống giữa người Do thái và người ngoài Do thái (10,12-15); – ba là anh em dân ngoại gia nhập Hội thánh không cần phải cắt bì (10,44-48). Như vậy, bức tường nghi thức đã bị phá bỏ. Chỉ còn Tin Mừng được đón nhận và trở thành qui luật sống muôn đời cho mọi thế hệ (CGKPV,KT 2011, trang 2432).

Bài Tin Mừng (Ga 20,1-9 ) Trong phòng hòa nhạc tên là Maigruge, ở thủ đô Fribourg nước Bỉ, có một tượng chịu nạn rất lạ đời. Chúa Giêsu nằm trên thánh giá: đôi mắt Chúa mở thật to, miệng Chúa cười thật tươi. Tác phẩm của một nghệ sĩ vô danh hồi thế kỷ XVI.

Khi chiêm ngắm pho tượng, cha Ducarroz đã viết những dòng chữ sau đây : “Tôi thích cái miệng cười của Chúa bị đóng đinh. Nụ cười đó không làm cho Chúa giả đò đau khổ, giả đò chết, song diễn tả một niềm vui vô biên, mà Chúa Giêsu ban cho loài người, dù loài người đã giết Chúa.

Niềm vui Chúa ban cho loài người khi nằm trên thánh giá lại còn được người nghệ sĩ tài ba diễn tả qua một pho tượng đứng dưới thánh giá. Thay vì Đức Mẹ và thánh Gioan như các nghệ sĩ khác thường vẽ, thường tạc, ông đã tạc pho tượng Ađam, ông tổ của loài người. Ông Ađam, thân hình tuy tiều tụy, nhưng đôi mắt ông mở to, đôi mắt ông sáng như ngọn đèn. Ông ngước nhìn lên Thánh giá, và miệng ông cũng cười thật tươi.

Người trên Thánh giá đã cười, người đứng dưới Thánh giá cũng cười. Chúa Giêsu đã cười, để loài người tội lỗi được cười. Chúa Gêsu đả sống lại, để loài người chết được sống. Sự chết đã thất bại, sự sống đã chiến thắng.

Bài TM thánh lễ hôm nay đã kể rằng : “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời còn tối, bà Ma-ri-a Mac-da-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến” (Ga 20,1-2).

Trong sách ‘Ngài đến đây làm gì’, cha Nguyễn Công Đoan viết : “Không có sách Tin Mừng nào kể việc Chúa sống lại. vì đâu có ai ở trong mộ mà thấy ! Tất cả 4 sách TM và lời rao giảng của các tông đồ chỉ kể lại kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh. Gioan kể những cuộc gặp gỡ tại Giê-ru-sa-lem (chương 20) và tại Biển Hồ (chương 21)… Ngày thứ nhất trong tuần tức là ngày chúa nhật của chúng ta. Người Do Thái nghỉ ngày thứ bảy để tham sự vào sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa (Xh 20,11). Ngày thứ nhất bắt đầu khi mặt trời lặn buổi chiều ngày thứ bảy. Ngày thứ nhất là ngày Thiên Chúa bắt đầu tạo dựng.

 

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a đi đến mộ thì thấy tảng đá  lăn ra khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô và người môn đệ Chúa Giê-su thương mến. Bà nói : Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu (Ga 20,1-2).

Bấy giờ thì hai người đàn ông vọt ra khỏi cửa, chạy đi xác minh và làm chứng. Môt ‘người nhà’, ‘người môn đệ Chúa Giê-su thương mến’, đứa ‘con mới’ của thân mẫu đã trở thành E-và mới và một người đã trở thành ‘xa lạ’ vì ba lần chối không biết… Tiếng bước chân hai người đàn ông cùng chạy. Người môn đệ kia nhanh chân hơn, tới trước. Ông không vào, chỉ cúi nhìn vào, thấy các băng vải còn đó… Ông Phê-rô tới sau, chạy thẳng vào bên trong và thây rõ hơn: khăn che đầu cuốn riêng ra một nơi, không để lẫn với các băng vải . Người tới trước vào theo và cũng thấy như vậy. “Ông đã thấy và ông đã tin”, Thế là hai nhân chứng kiểm tra đúng phương pháp: người tới trước đứng chờ, nhìn vào đã thấy, tuy chưa hoàn toàn rõ. Ông chứng kiên ông Phê-rô đi vào, rồi ông vào sau. Như vậy không ai làm xáo trộn hiện trường, và hai người thấy như nhau. Ông ‘người nhà’ thấy và tin, nhưng không nói tin cái gì. ‘Thực ra trước đó hai ông chưa hiểu rằng theo lời Kinh Thánh thì Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết’. Rồi cả hai ông lững thững ra về. (319).

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa phục sinh với Ma-ri-a Mác-đa-la  được diễn tả bằng nhiều lời va hình ảnh. Ma-ri-a ra mộ lúc còn tối. Sau khi la hoảng, lại thơ thẩn đứng khóc bên mộ Chúa. Hai người đàn ông chạy ra mộ, vào kiểm tra và đi về… Bà cúi nhìn vào như tìm lại trong mộ lần nữa, thì lại thấy hai thiên thần canh giữ hai đầu nơi Chúa đã nằm. Thiên thần hỏi bà : “Này bà sao bà khóc ?” Bà thưa : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !”. Nói xong bà quay lại  và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su hỏi bà : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ? Bà Ma-ri-a tưởng người làm vườn, liền nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”. Đức Giê-su gọi bà : “Ma-ri-a !” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hip-ri : “Rap-bu-ni!” nghĩa là “Lạy Thầy!” Đức Giê-su bảo : “Thôi đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha, nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo hõ : “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (trang 320).

Mọi người đều nhắm mắt, đều ngậm miệng, đều chết.

Nhưng, nhờ Chúa nằm trên Thánh Giá,

Bà Maria Macđala đã cười

Hai tông đồ Phêrô và Gioan đã cười

Nhân loại được mở mắt, được cười

Hal-le-lui-a, hãy vui mừng lên, vì Chúa đã sống lại thật rồi.

Bài đọc 2 (Cl 3,1-4): Cũng sách KT 2011 của nhóm CGKPV viết : Tất cả đời sống mới của người Ki-tô hữu  là đời sống kết hiệp với Đức Giê-su Ki-tô phục sinh (trang 2627).

Cầu nguyện

Lạy Cha từ ái, ngày hôm nay,

Thánh Tử Giê-su đã đánh bại thần chết

khai đường mở lối

cho chúng con vào cuộc sống muôn đời.

Nay chúng con đang hoan hỉ mừng Người sống lại

xin Cha ban Thánh Thần

làm cho chúng con trở nên người mới

để sống một cuộc đời

tràn ngập ánh sáng Đấng phục sinh.

Chúng con cầu xin.

 

SUY NIỆM II

CHÚNG TA ĐẶT HY VỌNG VÀO ĐỨC KI-TÔ HẰNG SỐNG  

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Hôm nay, Hội Thánh long trọng mừng biến cố Chúa Giê-su đã sống lại để cứu độ chúng ta. Và toàn thể tín hữu tụ họp cử hành như cộng đoàn đức tin, cộng đoàn nhớ lại cuộc phục sinh của Chúa.

            Trí nhớ chúng ta còn tốt, nhưng lắm khi không mấy dễ ưa, vì có những điều muốn nhớ nhưng lại quên, có những điều muốn quên mà lại nhớ. Nếu trí nhớ của cô Maria Mađalêna tốt và nhớ điều không được quên là “ngày thứ ba Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết” như lời Chúa đã hứa, thì cô đã không ra tìm Chúa nơi mồ chết; cũng vậy, nếu có trí nhớ như thế, các tông đồ đã không phải buồn sầu đóng kín cửa tự giam hãm mình trong nỗi sợ hãi, thay vào đó đã vội vã đến Galilêa là nơi Chúa hẹn gặp sau khi Chúa sống lại. Vì thế, đức tin vào Chúa Giê-su phục sinh liên quan đến chuyển động từ tính hay mất trí nhớ đến nhớ như in những lời Chúa hứa.

  1. Từ mất trí nhớ đến nhớ lại lời Chúa hứa

            Dân Chúa thường hay mất trí nhớ về Thiên Chúa, nên họ luôn được nhắc nhớ. Mô-sê nhắc lại: “Anh em hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên Ai-Cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã giải thoát anh em ra khỏi đó” (Đnl 24,18). Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cũng nhắc các tông đồ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22,19). Vì thế, Thánh Kinh được xem là cuốn sách phục hồi trí nhớ và đức tin, nhớ lời hằng sống Chúa ban, nhớ những việc Chúa làm cho ta, nhớ Chúa Giê-su, nhớ cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Nhớ để sống đức tin mà dân Chúa thường quên lãng.

            Trí nhớ về lời Chúa nói đã làm sống lại đức tin của tín hữu. Thánh sử Gioan cho biết, bà Maria Mađalêna ra mồ khi trời còn tối. “Trời tối” là lối nói của thánh Gioan chỉ về những người không có đức tin. Ở trong ánh sáng là ở trong đức tin. Trời vẫn còn tối trong tâm trí của Mađalêna, dù bà thấy tảng đá cửa mộ đã lăn ra và không thấy xác Chúa ở đó. Bà không đặt nghi vấn có kẻ đến lấy cắp xác Chúa, nhưng nghĩ rằng họ đã di chuyển xác Chúa đến chôn một nơi khác. Bà đã thông tin cho Phê-rô và Gioan như thế: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2). Bà Mađalêna mất trí nhớ về lời Chúa nói, nên mất đức tin. Trái lại, có một sự chuyển biến rất nhanh nơi Gioan, người tông đồ lý tưởng, đó là Gioan đã di chuyển từ tình trạng bóng tối của người mất đức tin đến tình trạng ánh sáng của người có đức tin.

Gioan không chỉ là người chạy nhanh đến mộ trước, mà còn là người đầu tiên thấy khăn liệm được xếp gọn và là người tin Chúa sống lại. Gioan thấy khăn liệm được xếp gọn, đặc biệt là khăn che đầu. Khác với Lazarô khi được Chúa cho sống lại từ mộ bước ra, đầu vẫn còn quấn khăn vải và phải nhờ người trợ giúp mở lấy, còn Chúa Giê-su thì không. Chúa đã sống lại và tự do khỏi mọi ràng buộc của sự chết. Người môn đệ Chúa yêu đã thấy Chúa chiến thắng sự chết, ông đã thấy và đã tin, chứ không tin thông tin của Mađalêna. Ông đã nhớ lại lời Chúa nói trước, ngày thứ ba sẽ sống lại và hẹn gặp các môn đệ tại Galilêa. Gioan đã tin. Chuyển biến thiêng liêng đó của Gioan phải là chuyển biến trong đời của mọi tín hữu.

  1. Từ trí nhớ đến niềm vui đặt hy vọng vào Đức Ki-tô hằng sống

            Con người ngày nay đang lấy các loại bụt thần thế gian để che khuất Thiên Chúa, như hiện tượng nhật thực mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời, nên mặt trăng che khuất mặt trời. Đức thánh cha Bênêđictô gọi đó là hiện tượng “thiên thực”, nghĩa là một chứng bệnh mất trí nhớ về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng hằng sống, trong thế giới này và trong đời sống cá nhân cũng như gia đình, từ chối kho tàng đức tin đã lãnh nhận. Con người thời này cho rằng có Thiên Chúa, nhưng không chấp nhận Ngài có mặt trong gia đình, xã hội và trong cuộc đời mỗi cá nhân.  Xưa, cô Mađalêna vẫn nhớ tới Chúa, nhưng như nhớ tới một nhân vật quá khứ, còn trong hiện tại, nỗi ưu phiền nơi bà đã che khuất Chúa phục sinh, khiến bà không nhận ra Chúa, không nhớ những lời Chúa đã nói. Bà mất trí nhớ về Chúa phục sinh. Không có gì đáng buồn hơn một người khôn ngoan mà nay mất trí nhớ, một Ki-tô hữu mà lại không nhớ Chúa đang hiện diện trong hiện tại của mình. Trái với Mađalêna, thánh Gioan đã nhớ lại lời Chúa nói và đức tin đó làm thay đổi hướng đi, thay đổi cuộc đời của Gioan, thúc đẩy Gioan đến điểm hẹn Galilêa gặp Chúa, trở thành người loan báo Tin Mừng Chúa sống lại.

            Đức tin Chúa sống lại không phải là một thứ thông tin, mà là một cuộc gặp gỡ với Đấng sống lại và hằng sống hôm nay. Đức tin vào Chúa sống lại không giam hãm chúng ta, nhưng dù trở lại với cuộc sống thường ngày, đức tin vẫn thúc bách chúng ta tiến đến gặp Chúa trong Thánh Thể là Thân Thể của Ngài hôm nay giữa Hội Thánh, đức tin cho chúng ta nghe lời của Đấng hằng sống trong Thánh Kinh, đức tin cho chúng ta có sức mạnh mang Tin Mừng Chúa đến với mọi người và qui tụ gia đình chúng ta thành một cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn có trí nhớ về sự hiện diện của Chúa và cộng đoàn có sức loan báo Tin Mừng như các phụ nữ đã reo lên: “Chúng tôi đã thấy Chúa.”

            Ước gì được sống lại với Chúa hôm nay, chúng con có sự mạnh dạn và liều lĩnh của người loan báo Chúa, dám sống đời người theo Chúa với niềm vui sâu xa, vì nhận ra rằng có Chúa ở với, chúng con được sự sống và được sống với Chúa là Đấng hằng sống trong mọi hoàn cảnh.