Thánh Lễ Chúa Nhật II Phục Sinh Kính Lòng Chúa Thương Xót Năm 2023


Từ năm 2000, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ấn định ngày Chúa nhật II Phục sinh là ngày mừng kính Lòng Thương Xót Chúa. Nên hằng năm, cứ đến dịp này, Giáo phận Đà Nẵng chúng ta cũng tổ chức ngày Đại lễ này. Năm nay, sau 2 năm ngăn trở vì dịch bệnh, ngày đại lễ kính Lòng Thương Xót Chúa lại được tổ chức tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng.

Từ 15g00, các Hội đoàn Lòng Thương Xót Chúa trong Giáo phận đã có mặt đông đủ tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng và được đón tiếp bởi Cha Linh giám Đaminh Đặng Bá Linh. Sau khi tập trung và khai mạc, toàn thể cộng đoàn cùng đọc kinh Lòng Thương Xót. Sau đó là đến phần gặp gỡ, chia sẻ của Cha Đaminh Phạm Văn Tụ (SSS) – hiện là Cha Quản xứ tại Giáo xứ An Ngãi Đông, Giáo phận Đà Nẵng.

Trong phần chia sẻ của mình, Cha Đaminh Phạm Văn Tụ đã giúp toàn thể cộng đoàn dân Chúa có mặt hôm nay một lần nữa được “gặp gỡ” với lòng Chúa thương xót qua đời sống hằng ngày và giữa những đau khổ của anh chị em xung quanh mình. Những lời chia sẻ của Cha giúp mỗi người nhìn nhận lại ân sủng lòng thương xót mà mình được nhận mỗi ngày, để rồi từ đó sống xứng đáng với tình thương cao cả đó.

Đến 16g30, mọi người nghỉ ngơi và giải lao để chuẩn bị bước vào Thánh lễ.

Thánh lễ diễn ra tại tiền đường nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng và được chủ sự bởi Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. Đồng tế với Ngài là Cha Tổng đại diện Bonaventura Mai Thái, Cha Linh giám Đaminh Đặng Bá Linh và quý Cha trong Giáo phận. Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Cha Giuse gửi lời chào toàn thể cộng đoàn dân Chúa có mặt trong Thánh lễ và cách riêng là những Hội đoàn Lòng Thương Xót Chúa đến từ các Giáo xứ. Vị chủ chăn nhắc nhở mỗi người chúng ta cảm nghiệm sự “động chạm” tới lòng thương xót của Chúa như tông đồ Tôma, để dọn lòng bước vào Thánh lễ.

Trong bài giảng lễ, Đức Giám mục Giáo phận nhắc lại câu chuyện về Thánh nữ Faustina – một nữ tu ở Ba Lan (1905 – 1938). Người là một nữ tu rất bình thường với đời sống âm thầm trong tu viện, nhưng Người lại được Chúa hiện ra để mạc khải về Lòng Thương Xót của Chúa. Qua đời sống của một nữ tu nhỏ bé, Chúa Giê-su muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta rằng: dù nhỏ bé, tầm thường, yếu đuối, tội lỗi nhưng một khi ý thức và cảm nhận được lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ trở nên phi thường biết bao.

Nói về bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa, Đức Cha Giuse chia sẻ cho chúng ta biết rằng hình ảnh 2 luồng ánh sáng từ trái tim Chúa phát ra mang một ý nghĩa đặc biệt. Luồng ánh sáng trắng chỉ nước cạnh nương lòng của Chúa tha thứ tội lỗi cho con người, luồng ánh sáng đỏ chỉ máu của Chúa để nuôi dưỡng, thánh hóa con người chúng ta. Ngoài ra còn kèm dòng chữ: “Lạy Chúa Giê-su con tín thác vài Chúa”. Chúa Giê-su đã nói với Thánh nữ rằng: “Cha là tình yêu và lòng thương xót, không có sự đau đớn nào của con người có thể sánh bằng lòng thương xót của Cha”.

Có một lần, trong lúc cầu nguyện Thánh nữ đã thưa với Chúa Giê-su rằng mình đã dâng lên Ngài tất cả sự sống của mình và mọi điều mình có. Nhưng Chúa Giê-su lại đáp lại rằng con vẫn chưa dâng Cha những điều thật sự thuộc về con. Trước sự bối rối, băn khoăn của chị, Chúa Giê-su đã dịu dàng nói rằng: “Con của Cha, con hãy dâng lên cả những lầm lỗi của con”.

Đức Giê-su đã Phục sinh để chúng ta hiểu được rằng, tình thương xót vô bờ của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc tha thứ tội lỗi cho con người chúng ta. Mà còn khiến cho mỗi người khi gắn bó với Đấng Phục sinh sẽ được thúc đẩy bởi một Thần khí tình yêu của Người, mang cùng một tinh thần như Đức Ki-tô, để được biến đổi từ thân phận con người trở nên con Thiên Chúa.

Đức Giám mục Giáo phận cũng mời gọi chúng ta cảm nghiệm Lời Chúa vừa được nghe trong Thánh lễ. Ở bài đọc thứ nhất trong sách Tông đồ Công vụ kể lại hình ảnh các tín hữu quây quần xung quanh các Tông đồ để học hỏi giáo lý, hiệp thông trong tình huynh đệ, bẻ bánh và cầu nguyện. Họ bày tỏ sự hiệp thông, nhất trí với nhau, dám đem của cải riêng thành của chung. Điều đó nói lên niềm xác tín rằng chính Chúa Kitô phục sinh đã biến đổi cuộc đời của họ. Chính họ, những Kitô hữu đầu tiên đã chạm tới, cảm nhận và là chứng nhân của lòng thương xót Chúa.

Nếu trước đây họ nhút nhác, sợ sệt người Do Thái, biệt phái… thì giờ đây họ tự tin quy tụ, hiệp nhất với nhau trong tin yêu để cử hành Thánh lễ tạ ơn. Chính hình ảnh đó đã có giá trị truyền giáo lớn đến nỗi được toàn dân mến chuộng. Chính lòng thương xót Chúa đã tăng thêm sức mạnh để những tín hữu đầu tiên can đảm chọn lựa, dù cuộc đời còn đó bao thách đố, kể cả ngăn cản niềm tin của họ.

Bài Tin mừng cho chúng ta thấy Tông đồ Tôma đã tin vì đã được chạm tới trái tim của Chúa. Đức Thánh Cha Fanxico đã chia sẻ: Tôma có thể đụng chạm vào các vết thương nơi tay và cạnh nương long, để hiểu được những đau khổ mà Chúa Giêsu đã chịu cho ông, dù ông đã bỏ rơi Người. Trong những vết thương đó, ông chạm đến sự gần gũi dịu dàng của Thiên Chúa. Mặc dù đến sau các môn đệ khác, nhưng khi cảm nhận được lòng thương xót, ông đã vượt qua các môn đệ khác. Ông không chỉ tin và Đức Kitô phục sinh mà còn tin vào tình yêu vô biên của Ngài. Và ngay sau đó, ông đã có một lời tuyên xưng đức Tin đơn sơ nhất: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”.

Chúa Kitô đã yêu thương chấp nhận lời đề nghị của ông khi hiện ra với các Tông đồ lần thứ 2, mời gọi ông đụng chạm vào những vết thương của mình. Để ông có thể đụng chạm tới trái tim và lòng thương xót Chúa dành cho ông và nhân loại. Giây phút đó, Tôma đã “phục sinh”. Nó kiện toàn sự mỏng giòn, sự thương tổn của người môn đệ. Ở đó, sự hoài nghi được xóa bỏ. Ở đó, Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của ông. Ở đó, chính chúng ta cũng bắt đầu chấp nhận bản thân mình, yêu thương sự sống như đúng bản chất của nó nơi Thiên Chúa. Tâm tình Tôma cũng chính là tâm tình của mỗi người chúng ta hôm nay, trước những giây phút khó khăn thử thách của cuộc đời.

Trước khi kết thúc bài giảng, Vị chủ chăn chia sẻ với cộng đoàn một câu chuyện tu đức của Cha Nguyễn Tầm Thường. Câu chuyện kể về chàng thanh niên nọ muốn chính Chúa Giêsu là thầy dạy cho mình trên con đường theo Ngài. Sau một lần nhìn thấy mão gai rỉ máu trên đầu Chúa Giêsu, vào lần sau đó, anh ta đã nói với Chúa rằng “Ông không phải là Thầy tôi” khi không còn nhìn thấy mão gai đó nữa.  Qua đó, Đức Cha Giuse muốn nhấn mạnh rằng chúng ta, chàng thanh niên kia cũng như Tôma trong Tin mừng ngày hôm nay, nếu không được chạm vào vết đinh và cạnh nương long của Ngài, thì sẽ không tin.

Hội Thánh và mỗi người chúng ta hôm nay cũng đang là chứng nhân cho tình yêu và niềm tin đó. Không thể có Đức Ki-tô phục sinh nếu không đi qua cuộc khổ nạn. Tình yêu và lòng xót thương của Ngài mang dấu ấn về cuộc tử nạn phục sinh cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy thể hiện lòng thương xót của mình bằng chính hành trình cuộc đời mình. Qua những khó khăn, thách đố, khủng hoảng, tai nạn, nghèo khó… mà chúng ta phải đối mặt. Nơi đó, hình ảnh của một Đức Ki-tô tử nạn phục sinh, hình ảnh của lòng thương xót Chúa vẫn lan tỏa và trao ban niềm hi vọng cho chúng ta.

Kết thúc bài giảng, Đức Giám mục Giáo phận bày tỏ ước mong rằng mỗi người chúng ta có mặt trong Thánh lễ ngày hôm nay sẽ khám phá và đón nhận món quà tình thương của Chúa. Để rồi chúng ta mang về gia đình, mang về giáo họ giáo xứ, hay công ty, trường học, làng xóm… hay bất cứ những tương quan của nơi chúng ta sống và hiện diện. Bởi chính tình yêu của Đấng phục sinh và lòng thương xót của Ngài sẽ nuôi dưỡng và thôi thúc chúng ta sống ơn gọi Ki-tô hữu trong tin tưởng, yêu mến, phụng thờ và trở nên chứng tá cho Đức Ki-tô tử nạn phục sinh.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, vị đại diện các Hội đoàn Lòng Thương Xót Chúa đã có lời cảm ơn gửi đến Đức Cha Giuse và quý Cha. Đáp lại, vị chủ chăn của chúng ta cũng có vài lời huấn từ, Đức Cha nói rằng sự hiện diện nơi đây vào giờ phút này cũng nói lên một sự dấn thân của những anh chị em trong các Hội đoàn. Dù mỗi người ở mỗi nơi, mỗi cuộc sống nhưng chúng ta đã được nối kết qua tình thương xót Chúa. Đức Cha Giuse cũng gửi lời chúc đến quý Cha và toàn thể anh chị em trong Hội đoàn Lòng Thương Xót Chúa để tiếp tục cùng nhau giới thiệu và sống mầu nhiệm lòng thương xót Chúa.

Thánh lễ kết thúc khi trời nhá nhem tối, mọi người ra về trong tiếng nhạc rộn rã và gương mặt đầy phấn khởi, hân hoan. Xin cho mỗi người chúng ta luôn cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa tuôn tràn trên cuộc đời mình. Để rồi từ đó sống trọn vẹn và mang lòng thương xót đó đến cho anh chị em xung quanh chúng ta.

BTT/GP

Bài viết: Matta Thanh Thảo

Hình ảnh: F.X Minh Hoàng

 
Failed to get data. Error:
Invalid album ID.