Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm A – Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu
CN 4 PS A
30/4/2023
CHÚA CHIÊN LÀNH
Cầu cho ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ
(Cv 2,14.36-41; 1Pr 2,20-25; Ga 10,1-10)
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Cẩm Lệ
GIÁO HUẤN SỐ 23
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Hoạt động có năng lực thánh hóa (tt)
Cũng những chia trí ấy, vốn tràn ngập trong thế giới hôm nay, sẽ làm cho chúng ta có xu hướng tuyệt đối hóa thời gian rảnh của mình, trong đó chúng ta lao mình vào những thiết bị cung cấp cho ta sự giải trí hay những khoái cảm phù du, Từ đó chúng ta trở nên với sứ mạng của mình, sự dấn thân của ta hóa nên ì ạch, tinh thần quảng đại và sẵn sàng phục vụ của ta bắt đầu suy giảm. Điều này làm biến chất kinh nghiệm thiêng liêng của chúng ta. Làm sao có thể có lòng sốt sắng thiêng liêng lành mạnh khi bên cạnh nó là sự uể oải lười biếng đối với việc loan báo Tin Mừng và việc phục vụ tha nhân ? Chúng ta cần một tinh thần thánh thiện có thể lấp đầy cả sự cô tịch lẫn công việc phục vụ của mình, lấp đầy cả đời sống riêng lẫn nỗ lực loan báo Tin Mừng của chúng ta, để cho mọi khoảnh khắc đều có thể là một diễn tả tình yêu tự hiến trong ánh nhìn của Chúa. Bằng cách này, mọi giây phút đời ta có thể là một bước tiến lên nẻo đường thánh thiện (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 30 & 31).
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Cha Gioan Baotixita Lê Quí Đức
Đức cha Giuse, Đức cha Giáo Phận, đã giảng về cha GB trong lễ an táng của cha, ngày 21-9-2016, như sau :
+ Năm 1964 : Trận lụt lịch sử Năm Thìn kinh hoàng, nước lụt nhấn chìm tất cả, mọi nơi trở thành biển nước mênh mông, Cha bám được trên ngọn một cây mít, suốt một ngày đêm, đến khi có ca-nô đến ứng cứu. Sau cơn lũ lụt, cuốn trụi tất cả , Cha con lại phải làm lại từ đầu….có lúc không còn gì để ăn, lại dùng rau rừng và củ mì ( củ sắn) …. để sống tạm qua ngày. Sự khó khăn còn lên đỉnh điểm, khi chiến tranh ngày càng khốc liệt, không thể gieo trồng sản xuất, lương thực chút ít lại sung vào quỹ nuôi quân. Vì thế, có lúc từng nắm gạo nhỏ được gói cẩn thận, hoặc cho vào vỏ ống đạn , chôn xuống đất , để dành sống cầm hơi.
Đa số Giáo dân di tản ra khỏi vùng chiến sự, nhưng Cha quyết tâm ở lại với đoàn chiên của mình, không trốn chạy hoàn cảnh, yêu thương người nghèo, cứu chữa băng bó vết thương cho những nạn nhân chiến tranh trong làn lưới đạn, sống tinh thần của Thánh Phao-lô “ vui với người vui, khóc với người khóc” ( những người còn ở lại). Vì thế, nhà thờ và Cha Quản xứ, là nơi nương tựa tinh thần cho người Giáo dân Tiên Phước , trong giai đoạn khó khăn nhất này. Và cũng nhờ đó, nhà thờ và khuôn viên Giáo xứ Tiên phước còn như ngày nay. Sau chiến tranh , Giáo xứ từng bước hồi sinh, Cha hướng dẫn trong sản xuất, giúp đỡ chăm sóc đời sống Đạo và nhu cầu thiết yếu cuộc sống cho giáo dân và bất cứ những ai cần đến sự giúp đỡ của Ngài.
+ Sau 1975 : Giáo dân từ 700 người, ngày càng thêm đông… đến nay hơn 1500 người
+ 22/4/1990 : Đức Cha cho Ngài về nghĩ hưu, nhưng Ngài xin Đức Cha cho nghỉ hưu tại Giáo xứ Tiên Phước cho đến 2005, nơi mảnh đất Cha gắn bó cả cuộc đời, sống trọn vẹn tình Chúa tình người, Cha GB là Mục tử ” Nặng Mùi Chiên” ( Đức Thánh Cha Phan-xi-cô )
+ 2005 – 2016 : Cha về hưu dưỡng tại Tòa giám mục Đà Nẵng. Cha hiểu hoàn cảnh từng người Giáo dân Tiên Phước, như người mục tử hiểu rõ từng con chiên. Ngay cả khi già yếu hưu dưỡng tại Tòa giám mục, nhưng những Giáo dân Tiên Phước đến thăm, lại dành những đồng tiền từ những người thân quen tặng , trao tặng cho họ để có tiền xe trở về Tiên Phước, vì Cha cho biết “ họ nghèo lắm…”
+ Cha GB sống đời sống phó thác và vâng phục tuyệt đối vào Thiên Chúa và Bề trên, chu toàn trọn hảo tác vụ được lãnh nhận, suy niệm Lời Chúa và luôn kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi già yếu, hưu dưỡng, hằng tháng vẫn đọc tập “ 5 phút Lời Chúa mỗi ngày”…
+ Ngày 18 / 9 / 2016 : Ngài trở về Nhà cha trên trời, kết thúc một chặng đường sống cho Chúa và chết cho anh em. Cha hưởng thọ 94 tuổi, 61 năm Linh mục, 51 năm Quản xứ và hưu dưỡng tại Tiên Phước . Công ơn của Cha cho Giáo xứ Tiên Phước , không gì so sỏnh được.
+ Thương nhớ Cha GB, Cha Philipphe Maria Lê Văn Vui ( CSsR) (Chính xứ) , Cha Giuse Đinh Hữu Thoại (Phó xứ) và đoàn con Tiên Phước hơn 150 người, ngày 20/9/2016, tìm đến hội trường giáo xứ Chính Tòa , nơi đang quàng xác Cha , để kính viếng Cha GB với lòng biết ơn vô hạn .
xxx
Cuộc sống vì con chiên của cha GB Lê Quí Đức là hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng chăn chiên Đẹp trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay.
Bài đọc 1(Cv 2,14a.36-41): Về bđ1 Cha Hồ Thông viết: “Bản văn này là phần kết diễn từ mà thánh Phê-rô công bố ở Giê-ru-sa-lem vào đúng ngày lễ Ngũ Tuần, và gửi cho đám đông dân chúng đến mừng lễ.
Thánh nhân công bố ý nghĩa cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su… Trong phần kết này, thánh nhân công bố tước vị Đức Chúa và Đấng Ki-tô của Đức Giê-su : “ Thưa toàn thể nhà Ít-ra-en , xin biết chắc cho điều này : Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá. Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô”.
Tước hiệu ‘Đức Chúa’ là tước hiệu mà bản 70 dịch danh xưng của Thiên Chúa. Thánh Phê-rô ban cho Đức Giê-su tước hiệu này, như vậy thánh nhân không ngần ngại định vị Đức Giê-su vào trong lãnh vực thần tính (Phụng Vụ Lời Chúa năm A, trang 314-315).
Bài Tin Mừng (Ga 10.1-10): Về dụ ngôn ‘mục tử đẹp’ Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Yếu tố quan trọng nhất và bao trùm trong cả Lễ Lều là kinh nghiệm về Thiên Chúa là mục tử dẫn đoàn chiên là dân của Ngài. Thiên Chúa đã chọn ông Mô-sê là một người chăn chiên với 40 năm kinh nghiệm ở Ma-đi-an (Xh 3,1-12) để dẫn dân Chúa. Nhưng ông Mô-sê luôn nhận ra mình bất lực, từ việc đi nói với dân, nói với Pha-ra-ô, dân run sợ ở bờ biển khi thấy Pha-ra-ô đem quân đuổi theo và trách móc ông. Vừa qua biển xong thì dân đòi nước, đòi bánh, rồi đòi thịt, nhưng lần nào thì ông Mô-sê cũng chỉ biết hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa ban bánh, nước và ánh sáng. Thiên Chúa chỉ bảo ông từng bước. Chính Thiên Chúa là mục tử, ông Mô-sê chỉ là tôi tớ Thiên Chúa, cũng như ông đi chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô (Xh 3,1); “Toàn dân kính sợ Thiên Chúa, tin vào Thiên Chúa và Mô-sê, tôi trung của Người (Xh 14,31).
Từ đầu cuộc lễ tới giờ, Gio-an đã kể Chúa Giê-su là nước, là ánh sang để ban sự sống. Cuối cùng Chúa Giê-su là Mục tử đẹp.
Người ta thường dịch là ‘mục tử nhân lành, tốt lành’. Nhưng bản văn Hy Lạp dùng từ ‘đẹp’, gợi lại hình ảnh vua Đa-vít (Is 16,12), phù hợp với những lời hứa về Giao ước mới, trong đó Thiên Chúa hứa ban một mục tử nhà Đa-vít, một Đa-vít mới…
Chúa Giêsu là cửa. Kẻ trộm, kẻ cướp leo rào để vào chuồng chiên. Người chăn chiên thì qua cửa mà vào, Chúa Giê-su vừa là cửa vùa là người giữ cửa. Người chăn chiên và chiên nhận biết nhau. Người chăn chiên gọi tên từng con chiên, con chiên nhận ra tiếng người chăn chiên, Người chăn chiên đi trước, chiên theo sau. Chiên không đi theo người lạ, vì chúng không biết tiếng người lạ. Đó là hình ảnh quen thuộc ở vùng này, xưa cũng như nay…
Chúa Giê-su là Mục tử đẹp như Đa-vít, là Đa-vít mới . Khi Đa-vít tình nguyện ra đương đầu với Gô-li-át, Đa-vít kể chuyện mình đi chăn chiên
Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên trong bầy, thì con ra đuổi theo nó, đánh nó, và giật con chiên ra khỏi mỏm nó. Nó mà chồm lên con, thì con cầm lấy râu nó,
đánh cho nó chết luôn (Is 17,34-35).
Đa-vít liều mạng để cứu chiên. Chúa Giê-su là Đa-vít mới, sẽ hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên được sống. Trái với kẻ trộm, kẻ cướp, Chúa Giê-su hy sinh mạng sống vì đoàn chiên thể theo thánh ý của Chúa Cha : “Đó là mệnh lệnh của cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18).
Chúa sẽ qui tụ cả đoàn chiên , để chỉ có ‘một đoàn chiên và một mục tử’, như Thiên Chúa đã hứa trong sách Ê-dê-ki-en (34,14-16) (Tĩnh Tâm với Tin Mừng Gio-an, trang 176-180).
Bài đọc 2 (1Pr 2,20b-25). Cha Hồ Thông viết về bđ 2 : “Phụng vụ hôm nay chọn đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô, vì câu cuối của đoạn trích này vang dội Tin Mừng hôm nay về mục tử nhân lành : ‘Vì trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về cùng Vị Mục tử chăm sóc linh hồn anh em’.
“Trong đoạn trích này, thánh Phê-rô đưa ra những lời khuyên cho những người Ki-tô hữu thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Những lời khuyên này cốt yếu được gửi đến cho những tôi tớ, những gia nhân…, vì những lời khuyên này có giá trị đối với tất cả những người đang chịu đau khổ.
“Việc thánh Phê-rô chú ý đến những người bé mọn chứng thực Ki-tô giáo được đón nhận rộng rãi ở giữa những thành phần xã hội bị ngược đãi nhất… Thánh nhân chỉ nhằm đến việc biến đổi bên trong. Sống những giá trị Ki-tô giáo trong điều kiện mà người ta đang sống, đó là cách thức biến đổi những mối tương quan giữa con người. “Cách ăn nết ở của những Ki-tô hữu phải khiến cho lương dân suy nghĩ, soi sáng họ, khiến họ thay đổi cách hành sử của mình. Lúc đó, sức mạnh giải phóng của Đức Ki-tô thay đổi cơ cấu xã hội và biến đổi toàn thể xã hội thành một cộng đoàn huynh đệ và bình đẳng (Sđd, trang 317-318).
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
Đức Ki-tô, vị mục tử oai hùng của chúng con
đã khải hoàn tiến vào thiên quốc;
xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn
cũng được theo gót Người
vào chung hưởng hạnh phúc vô biên.
Chúng con cầu xin…
SUY NIỆM II
CỨ ĐỂ TÌNH YÊU CHÚA CHIẾM LẤY
(Hội An (30/4/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Chúa Nhật 4 Phục Sinh còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, vì Tin Mừng trong Chúa Nhật này của cả ba năm A, B, C đều công bố Chúa Giê-su là Đấng Chăn Chiên tốt lành. Đồng thời Chúa Nhật này còn là Chúa Nhật được thánh giáo hoàng Phaolô VI chọn là ngày cầu nguyện cho ơn gọi, đặc biệt cho ơn gọi linh mục, tu sĩ.
- Ơn gọi gia đình
Ơn gọi trước hết không giới hạn trong ơn gọi linh mục, tu sĩ, nhưng được hiểu rộng hơn, gồm ơn gọi Thiên Chúa dành cho mọi người và ơn gọi Thiên Chúa dành cho mỗi người. Ơn gọi Thiên Chúa dành cho mọi người là ơn gọi nên thánh. Mọi người đều được mời gọi sống thánh như Thiên Chúa là Đấng thánh. Như chiên chỉ nghe theo tiếng mục tử chứ không nghe theo tiếng kẻ lạ, người sống thánh là người nghe theo tiếng Chúa và sống với Chúa.
Ơn gọi còn được hiểu là ơn gọi Thiên Chúa mời gọi mỗi người: người thì được mời gọi sống đời độc thân hay hôn nhân, người thì được mời gọi sống đời tu sĩ, linh mục. Thỉnh thoảng người lớn hỏi một em nhỏ: “Lớn lên, em là gì?” Thiết nghĩ, câu hỏi đúng hơn phải là: “Chúa muốn em làm gì?” Bởi khi cho mỗi chúng ta sinh ra ở đời, Thiên Chúa đã có kế hoạch về chúng ta. Vì thế, nhiệm vụ của mỗi người là tìm hiểu ơn gọi Thiên Chúa muốn thể hiện nơi mỗi cuộc đời.
Về ơn gọi gia đình, những người vợ chồng trong gia đình theo gương Chúa Giê-su Mục Tử nhân lành trở nên mục tử trao tặng cuộc đời của họ như hy lễ sống động, để kiến tạo gia đình trở thành cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương và làm cho bầu khí gia đình là môi trường thánh thiện và giáo dục con cái hướng đến sự sống đời đời. Khi nói về gia đình, Đức hồng y Fx Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình Công giáo. Không vị giám đốc nào tài ba, chuyên môn đến đâu có thể thay thế cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội Thánh và nhân loại rung rinh sụp đổ.”
Dĩ nhiên, không gia đình nào mà không bị sói dữ rình rập. Nghi kỵ, hiểu lầm, không chung thủy v.v là những loại sói dữ cắn xé gia đình. Những tệ nạn và cả trào lưu khước từ Thiên Chúa tranh nhau đi vào gia đình gây nên nguy cơ phá nát cộng đoàn yêu thương và Giáo Hội tại gia. Trong hoàn cảnh đó, người cha người mẹ được mời gọi ý thức ơn gọi của mình, như một người mục tử theo gương Chúa Giê-su, chứ không như một kẻ chăn thuê bỏ mặc gia đình cho sói dữ. Đặc biệt, môi trường gia đình là vun trồng và bảo vệ mầm non ơn gọi tu trì. Chính gương sáng của đời sống cha mẹ sẽ khai tâm cho con cái biết cầu nguyện, yêu thích lời Chúa, phân định được ơn gọi của mình và trở nên người quảng đại lại tiếng Chúa mời gọi. Chúng ta cầu xin cho mọi người sống ơn gọi gia đình được nhiều ơn Chúa, để họ ý thức ơn gọi Chúa trao cho họ, nhờ đó họ noi theo gương Chúa Giê-su Mục Tử nhân lành, gánh vác gia đình và tạo môi trường gia đình thật tốt cho ơn gọi con cái triển nở.
- Ơn gọi linh mục, tu sĩ
Hôm nay, đặc biệt Hội Thánh mời gọi mọi người cầu nguyện cho có nhiều người hiến dâng cuộc đời mình theo kế hoạch của Chúa để làm linh mục, tu sĩ. Hội Thánh suy tôn Chúa Giê-su là Mục Tử nhân lành, chăm sóc và thí mạng vì đàn chiên. Chúa Giê-su và Hội Thánh tiếp tục mời gọi nhiều người trẻ đáp lại kế hoạch của Chúa cho cuộc đời mình, trở nên những mục tử tốt lành giữa thế giới hôm nay. Chúa Giê-su đã xác nhận: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con.” Chúa chọn và Chúa mời gọi người được chọn đáp lại. Như vậy, ơn gọi linh mục, tu sĩ không phải là sáng kiến hay lựa chọn do con người, mà là do Thiên Chúa ngỏ lời trước.
Trong Cựu ước, đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, nhiều người đã thoái thác hoặc nêu lý do khước từ. Isaia viện cớ môi miệng ô uế và ở giữa một dân ô uế nên không xứng đáng, Giêrêmia lấy lý do còn non trẻ không biết ăn nói, nhưng tất cả các ngài đều đã thua trước tình yêu Thiên Chúa, điều mà sau này Giêrêmia đã thố lộ: “Lạy Chúa, Chúa đã quyến rũ con và con đã để cho Chúa quyến rũ. Ngài đã mạnh hơn con và Ngài đã thắng… Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Ngài, cũng chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa.” Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt con” (Gr 20,7-9). Giêrêmia và các ngôn sứ đã trở nên ngôn sứ của Thiên Chúa vì đã thua tình yêu Thiên Chúa. Cũng vậy, Chúa Giê-su tiếp tục chọn gọi nhiều người trong các người trẻ nam nữ hôm nay trở thành linh mục, tu sĩ và Hội Thánh đang chờ đợi những người trẻ này thua tình yêu Chúa Giê-su. Họ sẵn sàng thua tình yêu Chúa Ki-tô khi nghe Chúa nói: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Họ chấp nhận thua tình yêu Chúa Giê-su khi để cho Ngài quyến rũ bước theo Ngài với bước quyết định vào chủng viện hay đệ tử viện và chọn Ngài làm lẽ sống. Họ để cho tình yêu của Chúa Giê-su, một tình yêu của Mục Tử nhân lành dành cho đoàn chiên thế giới đến cùng, chiếm lấy hiện tại và tương lai của họ ngay từ giờ phút này và từng giây phút cuộc đời. Họ thua tình yêu Chúa Giê-su hôm nay và ngày mai lại thua tình yêu Chúa Giê-su.
Người ta thắc mắc: trong xã hội ít con này, trong xã hội ích kỷ, ngại hy sinh, đua đòi và hưởng thụ này, trong xã hội dè bỉu việc đi tu v.v, thì làm sao có những người trẻ dám đi tu? Phải, khó khăn đã thấy trước mắt, vì thế rất cần lời cầu nguyện của cha mẹ, bầu khí thánh thiện trong gia đình, sự quan tâm giáo dục trong giáo xứ để khơi dậy tình yêu của người trẻ dành cho Thiên Chúa và các linh hồn, cho người trẻ dễ dàng thua tình yêu Chúa Giê-su. Hội Thánh và các linh hồn mong chờ như thế.
Xin Chúa gieo vào lòng người trẻ hôm nay lý tưởng cao đẹp và ước mơ lớn lao trong trái tim rộng mở của họ trước những cơn khát Lời Chúa và ơn cứu độ của Chúa nơi con người thời đại. Xin cho họ biết nhìn vào ánh mắt của Chúa, để họ được Chúa chiếm lòng.
SUY NIỆM III
CHÚA GIÊSU MỤC TỬ NHƯ MẸ HIỀN ẤP Ủ CON
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Hôm qua, tôi đọc trên báo điện tử một bài báo về viết về một Bà mẹ phi thường gần 10 năm ăn cám nuôi 4 con học đại học ở xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Bà tên là Tăng Thị Lộc, chồng bà bị cụt một chân vì mắc bệnh phong. Gia đình nhà chồng cũng là một gia đình nghèo, đông con. Khi bà về nhà chồng, cha mẹ chồng chia cho vợ chồng bà một mảnh đất và dựng cho một túp lều nhỏ để chui ra chui vào. Từ khi lấy chồng, bà đã thực sự thấm thía thế nào là nghèo, là cơ cực, đói khát. Cái đói đó thấm thía hơn bao giờ hết khi lần lượt 4 đứa con của bà ra đời, vì chưng mỗi lần mang thai và sinh ra con ra, chưa bao giờ bà biết thế nào là một ngày nghỉ đẻ, cũng chưa bao giờ bà được tẩm bổ, bồi dưỡng như những người phụ nữ khác mang thai và sinh con. Cũng một phần vì thế mà con cái bà giờ đều thấp bé, gầy gò. Nhưng ngay cả trong cảnh cùng khổ ấy, người mẹ kiên cường vẫn lạc quan, bà kể: “Nhờ trời thương, nên ngần ấy năm ăn cám, tôi vẫn khỏe như người ta ăn cơm, vẫn lao động và nuôi ngần ấy đứa con. Mà tôi ăn cám riết thành quen, đến nỗi không còn cảm giác khó ăn nữa. Đều đặn mỗi bữa tôi ăn 3 bát cám ngon lành. Người ta nhìn hoàn cảnh tôi, ai cũng nói tôi khổ. Nhưng ở trong cái khổ đó, tôi không thấy mình khổ. Khổ vì chồng, vì con, vì tương lai con cái, thì khổ thế chứ khổ nữa tôi vẫn chịu được. Qủa thế, gần 10 năm trời ăn cám lợn để ki cóp từng đồng nuôi 4 người con ăn học, có những lúc tôi đã đứng giữa cánh đồng nắng chang chang và òa khóc vì tưởng rằng không còn đủ sức thực hiện ước mơ nhìn thấy con ăn học thành tài, nhưng tình yêu và sức mạnh phi thường của một người mẹ đã giúp tôi vượt qua tất cả, để giờ đây sau một chặng đường dài đầy khó khăn của cuộc đời mình, tôi đã có thể mỉm cười khi thấy 4 người con của mình đều đã học xong đại học và có những bước đi vững vàng trong cuộc sống”.
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, và rõ hơn hết Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của người mục tử tốt lành đó là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chiên lành. Người mục tử luôn gắn liền đời mình, sống chết với đàn chiên tựa như người mẹ gắn liền với định mệnh đời con. Người mẹ được Thiên Chúa sắp đặt để bảo vệ đứa con, chăm sóc đứa con, dậy dỗ và gìn giữ đứa con khỏi những nguy hiểm trong suốt hành trình cuộc đời dù phải ăn cám như người mẹ kia. Không có mẹ đứa con sẽ không lớn nổi thành người. Cũng vậy, không có chủ chiên nhân lành, đàn chiên cũng không thể có đồng cỏ xanh tươi, có suối mát ngọt ngào nếu không được người mục tử miệt mài tìm kiếm cho đàn chiên. Đàn chiên sẽ không thể sống an toàn khỏi cạm bãy, khỏi thú dữ rình chờ, nếu không có chủ chiên canh phòng với đầy đủ trách nhiệm và đầy yêu thương.
Chúa Giêsu hôm nay sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên. Người mục tử tốt lành đầy yêu thương luôn gắn bó với đàn chiên, luôn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình vì lợi ích đàn chiên, để cho đàn chiên được sống dồi dào cả thể xác lẫn tâm hồn. Cụ thể, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Dồi dào ở chỗ nào? Thưa rõ ràng, nhìn vào trọn cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu, từ lúc chào đời cho đến chết và phục sinh, chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn hy sinh tất cả để cho chúng ta được tất cả phần hồn lẫn xác. Thứ nhất, vì chúng ta, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì thương yêu chúng ta, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha (Ga 8,19) và căn tính của mình cho mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36-41) được Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a). Ngài còn mạc khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Ngài sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga 3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Thứ ba, vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đến thế gian như người tôi tớ phục vụ và cứu độ hết mọi người (Ga 5,20-27). Cuối cùng, vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cây thập giá để cho mọi người được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa (Ga 14,1-3). Cho nên, trong bài đọc hai, Thánh Phêrô xác tín rằng: “Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em”.
Thánh Gioan Phaolô II là một môn sinh đã hoạ lại rõ nét hình ảnh mục tử của Thầy Chí Thánh Giêsu. Người mục tử luôn làm việc không nghỉ ngơi. Cho dù tuổi đã cao lại thêm bệnh tật kéo dài, thế mà ngài vẫn đến với đàn chiên, vẫn cất cao tiếng gọi đàn chiên, vẫn là chỗ dựa thật vững chắc và an toàn cho đàn chiên. Đến nỗi khi ngài qua đời, Đức tổng Giám mục Leônardo Sandri, thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh đã nói với toàn thể thế giới rằng: “Hôm nay, chúng tôi như những đứa con mồ côi”. Qủa thế, Thánh Gioan Phaolô II là một mục tử canh giữ hoà bình không chỉ cho đàn chiên mà cho hàng tỉ người trên khắp hành tinh này. Người mục tử với 26 năm chăn dắt đàn chiên của Chúa đã không ngừng bảo vệ quyền sống của con người, nhất là của các thai nhi. Người mục tử đã không ngừng đi đến tận cùng thế giới để gieo rắc an bình, công bình, tha thứ và yêu thương. Người mục tử đã đi đến cùng đường để quy tụ đàn chiên, để tìm kiếm các con chiên lạc đưa về một mối và cuối đời, trong những tiếng nấc hoà trộn với hơi thở bị ngắt quãng, ngài đã nói với đàn chiên đang canh thức cầu nguyện cho ngài trong giờ lâm chung rằng: “Ta đã đi tìm kiếm các con. Và bây giờ các con đã đến với Ta. Ta xin cám ơn các con”.
Uớc gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội luôn có những mục tử như lòng Chúa mong ước. Nhất là tri ân Thiên Chúa đã thương chăm sóc, chở che và gìn giữ cuộc đời chúng ta trong tình thương quan phòng của Chúa. Và vì vậy, chúng ta phải biết luôn cảm tạ tri ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có một mục tử nhân lành là Chúa Giêsu đã hy sinh tất cả để cho chúng ta được sống và sống dồi dào.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, qua Đức Giêsu Kitô Con Cha, chúng con cảm nhận được tình thương và quyền năng vô biên của Cha. Dù cuộc đời có sóng gió đến đâu thì bàn tay quyền uy và yêu thương của Cha luôn bảo vệ và chở che chúng con. Xin cho chúng con hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho Cha, nhờ đó, chúng con luôn bình an, hạnh phúc mà vui sống. Amen.
SUY NIỆM III
Đaminh Phạm Văn Tụ, SSS
Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên lành, phụng vụ của Giáo Hội qua các bài đọc và đáp ca cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn chân dung của Đức Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành, Ngài đã nêu gương cho các mục tử về đời sống phục vụ đoàn chiên là các Ki-tô hữu, những người đã được Thiên Chúa qui tụ từ khắp tứ phương thiên hạ qua Bí Tích Rửa Tội, để bước vào đồng cỏ xanh tươi của Chúa là Giáo Hội.
Bài đọc 1: Trích sách Tông Đồ Công Vụ, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các Tông Đồ đã nhận được quyền năng và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, nên Thánh Phê-rô và nhóm Mười Một đã mạnh dạn rao giảng về Đức Ki-tô, Đấng đã chịu đóng đinh và bị treo trên thập giá, nhưng Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Ki-tô. Ngài kêu gọi mọi người sám hối, xa lìa tội lỗi thế gian và chịu phép rửa, nhân danh Đức Ki-tô để được ơn tha tội và nhận được ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Bài đọc 2: Thánh Phê-rô kêu mời cộng đoàn tiên khởi là những người anh em của mình hãy nhận ra ơn Thiên chúa ban qua việc kiên tâm làm việc lành, cho dù phải chịu đựng đau khổ, vì đó là ơn Thiên Chúa kêu gọi. Ngài cũng cho chúng ta thấy, Đức Ki-tô chính là Vị Mục Tử mang trên mình những vết thương của anh em, để những vết thương nơi anh em được chữa lành. Đồng thời, ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy quay về với Thiên Chúa, Vị Mục Tử nhân lành, để được chăm sóc linh hồn.
Thánh vịnh 22 phần đáp ca, cũng mời gọi chúng ta hãy ca tụng tình thương của Thiên Chúa, bởi Ngài chính là Vị Mục Tử Nhân lành, Ngài ra sức bảo vệ đoàn chiên khỏi sợ hãi trước mặt quân thù, dẫn dắt đoàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, bên dòng nước trong lành, Ngài cho chiên nằm nghỉ.
Quả thật Đức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân lành, Ngài chính là chuồng chiên, là tòa nhà Giáo Hội, để những ai mang cõi lòng tan nát, mang những vết thương tâm hồn đau khổ, khi bước vào được sưởi ấm và chữa lành. Ngài là Vị Mục Tử đã bỏ chín mươi chín con chiên trong đồng vắng, rong ruổi đi tìm cho bằng được con chiên bị thất lạc, tìm được rồi, Ngài vác chiên trên vai, bồng ẵm chiên trong vòng tay ấm áp để đưa chiên về đàn. Ngài là cửa chuồng chiên, để tất cả những con chiên trong đàn đều qua cánh cửa trái tim yêu thương của Ngài mà vào chuồng. Qua cánh cửa trái tim của Ngài, chúng ta cũng được bước vào tòa nhà của Giáo Hội, được đỡ nâng và được chữa lành nhờ các Bí Tích, tái sinh chúng ta thành những con người mới. Đức Giêsu ví mình là cửa chuồng chiên, và cũng là người chăn dắt và bảo vệ Chiên khỏi tay của kẻ trộm và kẻ cướp, để chúng ta thấy được cõi lòng thương xót của Ngài dành cho chúng ta biết chừng nào. Ngài cho chúng ta thấy được tình yêu dám hy sinh mạng sống của Ngài dành cho con người. Ngài là cánh cửa của chuồng chiên để mở ra cho chúng ta một khung trời của sự sống và niềm hy vọng . Khi dang tay trên thập giá và chịu khổ hình, Ngài bảo vệ và canh giữ chúng ta đến cùng, để khỏi rơi vào tay ác thần và quyền lực của sự chết. Ngài đã chấp nhận chịu đánh đòn đến bầm dập, không còn mang dáng vẻ của một con người để trở nên nguồn sinh lực và ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào danh Ngài. Ngài đã tự nguyện hiến mình chịu chết, để đưa hết thảy mọi người từ cõi chết bước vào cõi sống. Ngài đã đón nhận những dấu đinh và mang trên mình những vết thương do tội lỗi của con người gây ra, để chữa lành tất cả những vết thương trong tâm hồn của toàn thể nhân loại. Ngài đồng bàn với những người tội lỗi và ăn uống với phường tội lỗi, để cho chúng ta thấy rằng, trái tim của Ngài là một trái tim của một Thiên Chúa đã chút bỏ hoàn toàn vinh quang và tước bỏ Ngôi Vị của một Thiên Chúa uy quyền để bước vào nhân gian, mang thân phận của những tội nhân như lời của thánh Phao-lô Tông Đồ trong thư gởi giáo đoàn Phi-líp-phê đã viết: “ Đức Giêsu Kitô,vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất, quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang ,mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2, 6-7). Ngài đã chút bỏ vinh quang Thiên Chúa và mặc lấy thân phận lô lệ vì con người và để chữa lành những vết thương không thể lành do tội lỗi Adam và Eva gây ra.
Sứ mạng của Đức Giêsu Vị Mục Tử tối cao khác hẳn với những mục tử chăn thuê, không biết gì đến đoàn chiên của mình, chẳng bảo vệ nổi đoàn chiên, để mặc cho sói dữ đến ăn thịt, để mặc cho kẻ trộm và kẻ cướp đến bắt chiên, nên chiên không nghe được tiếng của họ, và họ cũng chẳng bao giờ nghe được tiếng của chiên. Đức Giêsu đã quả quyết rằng: “ Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,11-15)
Đức Giêsu là chủ của đoàn chiên, Ngài trông nom giữ gìn đoàn chiên của mình, Ngài là cánh cổng để đưa chúng ta về với nôi lòng xót thương của Thiên Chúa là Cha. Lời của Thánh Gioan Kim Khẩu đã minh định rằng: “Khi Đức Giêsu đưa chúng ta đến với Chúa Cha, Người nhận mình là Cửa. Khi Người săn sóc dưỡng nuôi ta, Người nhận mình là Mục Tử” .
Hôm nay, Giáo Hội dành ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành, để mời gọi mọi người tín hữu chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi thiên triệu trong Giáo Hội. Trước hết với vai trò của mỗi Ki-tô hữu, chúng ta hãy chuyên chăm cầu nguyện cho các vị mục tử trong Hội Thánh được thấm nhuần tinh thần Đức Ki-tô, Vị Mục Tử nhân lành, biết xả thân, quên mình vì lợi ích thiêng liêng của giáo dân, những người được Thiên Chúa đặt vào tay các ngài, để các ngài chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ bằng chính tình yêu của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh. Xin cho các ngài luôn chìm sâu trong đời sống cầu nguyện, nhất là luôn kết hợp với Chúa Giêsu nơi Bí Tích Thánh Thể mà các ngài cử hành mỗi ngày trên bàn thờ. Để công việc tông đồ của các ngài làm, đều với mục đích làm sáng danh Chúa chứ không phải làm vinh danh các ngài. Xin cho các ngài có bàn tay của Chúa, luôn biết đưa ra để nâng đỡ, ủi an những con người thấp cổ bé họng, những người bị coi là lạc loài khó ưa, dơ bẩn, không xứng đáng. Xin cho các ngài có được ánh mắt và trái tim nhân từ của Chúa, để các ngài thấy được những giọt mồ hôi, lam lũ, thấy được những đau khổ tâm hồn và thân xác của những con người nghèo khổ để đỡ nâng.
Về phía mỗi người chúng ta, là những Ki-tô hữu đang thuộc về đoàn chiên của Chúa, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn cứ thờ ơ, dửng dưng trước những đau khổ của anh chị em mình, chúng ta thường trách móc, lên án các vị mục tử, đòi hỏi các ngài phải đáp ứng những nhu cầu cho chính bản thân mình, mà chẳng bao giờ biết cảm thông, nâng đỡ và cộng tác với các ngài trong công việc mục vụ Giáo xứ. Chính vì thế, chúng ta vẫn còn mang những quan niệm tiêu cực và sai lạc khi cho rằng, Giáo xứ thuộc về trách nhiệm của các các Linh mục chứ không không phải thuộc về trách nhiệm của mỗi chúng ta. Trong tinh thần củng cố sự hiệp thông trong Giáo Hội, chúng ta cũng xin chúa cho mỗi người chúng ta biết khát khao xây dựng Hội Thánh Chúa, xây dựng Giáo xứ của mình, bằng những viên gạch của yêu thương, bằng những giờ kinh gia đình mà Công Nghị Hiệp Hành của Giáo phận đã thôi thúc, kêu mời. Bằng sự cộng tác và dấn thân cùng với các vị mục tử, làm cho hình ảnh Giáo Hội mỗi ngày mỗi đẹp hơn trong lòng thế giới, để bất cứ ai nhìn vào đời sống Giáo Hội, họ cũng phải thốt lên rằng: “ kìa xem họ yêu thương nhau biết chừng nào.” Amen.