Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm A
CN CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
28-4-2023
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ An Sơn
GIÁO HUẤN SỐ 27
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Ngộ Đạo Thuyết Hiện Đại
Ngộ Đạo thuyết giả định một đức tin hoàn toàn chủ quan với mối quan tâm duy nhất là một kinh nghiệm nào đó hay một tập hợp các ý tưởng và các thông tin nhằm mục đích an ủi và soi sáng, nhưng rốt cục nó cầm tù người ta trong chính các tư tưởng và các cảm nghĩ của họ. Tạ ơn Chúa, xuyên qua lịch sử Giáo hội, bao giờ cũng rõ ràng là sự hoàn thiện của một người thì không được đo lường bởi thông tin hay kiến thức mà họ sở đắc, nhưng bởi chiều sâu bác ái của họ. Nhưng người ‘ngộ đạo’ không hiểu điều này, vì họ phán xét người khác dựa trên khả năng nhận hiểu sự phức tạp của một số giáo thuyết. Họ nghĩ về trí năng như tách rời khỏi xác thịt, và do đó họ thiếu khả năng đụng chạm đến xác thịt đau khổ của Đức Ki-tô nơi tha nhân. Điều xảy ra là họ khép kín mình lại trong một tự điển bách khoa về những khái niệm trừu tượng. Cuối cùng, do việc tước cái cụ thể mầu nhiệm, họ nghiêng chiều về ‘một Thiên Chúa mà không có Đức Ki-tô, một Đức Ki-tô mà không có Giáo hội. và một Giáo hội mà không có dân chúng chúng của mình’ (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 36 và 37).
Lễ Vọng Chúa Thánh Thần
THẦN KHÍ CHÚA LÀM CHO GIÁO HỘI HỒI SINH
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Có lẽ chúng ta chưa từng nghe ai nói: “Giáo Hội chết,” vì thế không biết thế nào là “Giáo Hội chết” và không dám nói “Giáo Hội chết.” Thế mà trong sách Khải Huyền, Chúa Giê-su đã dám nói giáo hội tại Xác-đê là “một giáo hội chết.” Vì sao? Vì nhìn bên ngoài giáo hội này có vẻ đang sống, nhưng thực ra, nó đã chết về đức tin, nó chỉ mang danh giáo hội thế thôi. Các bài lời Chúa hôm nay nói đến tình trạng “chết” đó của dân Israel và có thể của Giáo Hội hôm nay, không phải chết lâm sàng, mà đã trở thành một thung lũng xương khô!
- Từ những bộ xương khô
Thiên Chúa cho ngôn sứ Êgiêkiel thấy một thung lũng đầy xương đã khô đét. Rồi Thiên Chúa hỏi Êgiêkiel, liệu các bộ xương đó có hồi sinh được không? Rõ ràng, điều đó không thể đối với con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho Êgiêkiel biết, hố xương đó là dân Israel, là đồng hương của Êgiêkiel chứ không phải của ai khác. Dân Israel cũng như giáo hội tại Xác-đê đã trở nên một dân tộc chết, một giáo hội chết, dù đó là dân tộc của Thiên Chúa và giáo hội của Thiên Chúa. Êgiêkiel đã thấy trước mắt tình trạng của dân Chúa Israel như những bộ xương khô, không có chút sự sống, gân và da thịt đã thành tro bụi. Họ không còn tha thiết thờ phượng Thiên Chúa, cứ lao vào tội lỗi và không còn quan tâm họ là ai trong chương trình của Thiên Chúa. Êgiêkiel mô tả tội lỗi của họ là chạy theo các thần tượng tựa như những kẻ lăng loàn cho đến tuổi già, không hề nghĩ lại con đường trở về với Thiên Chúa và với bổn phận của dân Thiên Chúa. Họ không còn là một dân tộc, mà là một thung lũng xương khô!
Giáo hội Xác-đê trở thành một giáo hội chết như dân Israel, vì họ sống giữa mọi tiện nghi, giàu có và vênh vang về quá khứ của mình, nhưng Chúa Giê-su nói, thực ra họ đã chết. Họ chết bởi họ mê ngủ, chẳng khác gì người tài xế đang ngủ mê trên chiếc xe đang chạy. Chắc chắn ông ta chạy đến chỗ chết. Cũng vậy, giáo hội Xác-đê đang mê ngủ trên quá khứ theo Chúa của mình mà không còn nhìn nhận hiện trạng tội lỗi và sự ươn hèn của mình. Họ nghĩ thành phố của họ xây trên ngọn đồi, thế là an toàn cho họ bên trong, nhưng họ đã chết, vì như người ngủ mê có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe lời Chúa. Họ đã chết.
Chúng ta cũng cần chẩn đoán tình trạng giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội của chúng ta đang ở trong tình trạng nào? Đang là một cộng đoàn đức tin sống động hay là thung lũng xương khô như dân Do Thái, đang chết như giáo hội Xác-đê? Nếu các thành phần giáo xứ không còn nhiệt huyết tông đồ, thì giáo xứ này còn tồn tại bao năm? Nếu nhiều người, nhiều gia đình trong giáo xứ ơ hờ sống đức tin và không màng học biết giáo lý của Chúa, không còn tha thiết lãnh nhận các bí tích, giáo xứ còn là cộng đoàn đức tin không? Nếu giáo xứ lấy việc xây dựng cơ sở vật chất thay cho việc truyền giáo, thì ai sẽ giúp cho giáo xứ này đi vào tương lai như một cộng đoàn loan báo Tin Mừng? Nếu mỗi người không còn tha thiết với đời sống thánh thiện, không còn say mê liên kết với Chúa Giê-su và mỗi người cứ sống ích kỷ lo cho chính mình như một khách du lịch ở giữa giáo xứ, thử hỏi, tương lai giáo xứ sẽ đi về đâu? Dường như chúng ta đang được Chúa cho thấy trước hình ảnh của giáo hội đang chết tại Xác-đê hay hình ảnh thung lũng xương khô đang dần dần hiện rõ trên giáo xứ, giáo phận của chúng ta, bởi sự hào ngoáng bên ngoài, nhưng bên trong đức tin đã khô đét. Vì thế, lời Chúa hôm nay thật là Tin Mừng dành cho toàn thể Giáo hội chúng ta. Thiên Chúa nói: “Hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh… Ta sẽ đặt thần khí Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh” (Ed 37,9.14).
- Thần Khí Thiên Chúa cho hồi sinh thành cộng đoàn sống động
Nhiều Ki-tô hữu ngày nay thiếu niềm hy vọng. Chúng ta bối rối trước thực trạng của gia đình hay của giáo xứ, giáo phận và không tìm ra giải pháp chắc chắn để đáp ứng. Chúng ta không biết tìm đâu ra giải pháp cho đời sống cá nhân, gia đình và giáo xứ? Chúng ta quên Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn chúng ta về với Chúa Giê-su và về với Chúa Cha sao? Chúng ta không nhớ Chúa đã nói: “Ai khát hãy đến với Ta, ai tin vào Ta, hãy đến mà uống” sao? Chúa Giê-su là Đấng ban Thánh Thần của Ngài cho những tâm hồn bủn rủn, làm mạnh lại những đôi chân, cánh tay bị tê liệt, thổi hơi thở thần linh của Ngài qua các bí tích làm cho những tín hữu hay những cộng đoàn đang chết được hồi sinh. Chúng ta không nhớ sao? Thiên Chúa đã từng ban thần khí của Ngài làm cho những bộ xương khô trở thành đoàn quân hùng mạnh, thì hôm nay, Ngài cũng tiếp tục ban Thần Khí là Thánh Thần của Ngài cho Hội Thánh, cho từng giáo phận và giáo xứ, cho mỗi gia đình và mọi Ki-tô hữu trở thành cộng đoàn hăng hái loan báo Tin Mừng. Chúng ta còn nhớ hay đã quên sự thật sống còn này? Giáo Hội đang sống là Giáo Hội đang sống với Chúa Thánh Thần bên trong. Ki-tô hữu đang sống là Ki-tô hữu đang được thúc đẩy sống thánh thiện và loan báo Tin Mừng. Giáo hội tin Chúa Thánh Thần là linh hồn và sức mạnh của Giáo Hội.
Vì thế, Đức Phanxicô khẳng định, thế giới đang cần những người nam, người nữ không khép kín mình, nhưng mở ra và được đầy Chúa Thánh Thần. Đức Phanxicô nhấn mạnh, khép kín mình đối với Chúa Thánh Thần không chỉ là mất tự do, mà còn là một tội. Chúa Thánh Thần không chỉ đưa chúng ta ra khỏi tội, mà còn qui tụ chúng ta lại thành một cộng đoàn, chẳng phải một cộng đoàn quanh quẩn với chính mình, nhưng là một cộng đoàn cởi mở, tươi trẻ và nhiệt huyết với việc truyền giáo.
Nơi cá nhân hay cộng đoàn chúng ta tưởng an toàn, nhưng có thể là ngôi mộ đẹp bên ngoài, còn bên trong xương xẩu. Chúng ta được mời gọi nhìn vào Giáo Hội đang đẹp ở bên ngoài trong thế giới, nơi đó nhiều anh chị em chúng ta đang tự do theo Chúa Thánh Thần, cả trong cơn gian nan, những người cha người mẹ vừa vất vả nuôi con cái, nhưng không bỏ mặc con cái cho thế gian; trái lại dạy dỗ và củng cố đức tin cho con cái, những cộng đoàn đang cùng nhau giới thiệu Chúa Giê-su và đưa nhiều người vào dân Thiên Chúa. Chẳng lẽ anh chị em chúng ta đang chiến đấu, còn chúng ta cứ ung dung sao? Tất cả họ hân hoan truyền giáo, đang sinh hoa trái, vì họ biết Chúa Giê-su và Thánh Thần của Ngài ở trong họ và trong cộng đoàn sinh động của họ. Họ đang vui trong thần khí của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta được sống động như thế.
CN CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
SUY NIỆM I
Lm Giuse Nguyễn Trung Thành
Đồi Kim Sơn và Đồi Bửu Châu
Cố Nhơn sợ những khẩu thần công trên đồi Kim Sơn tiếp tục bắn sập nhà thờ; nhà thờ sập thì tinh thần gíao dân cũng sập theo. Tối ngày 11-9, cố Nhơn triệu tập các vị chỉ huy, để trình bày mối hiểm nguy từ đồi Kim Sơn. Đồng thời cha cũng xác tín là trong hai ngày qua, Đức Mẹ đã phù hộ chúng ta một cách tỏ tường, nên chúng ta phải hành động , phải làm hết sức mình, thì Mẹ mới giúp chúng ta được. Đã đến lúc chúng ta phải chủ động, phải giải trừ mối nguy. Cuối cùng cha đưa ra quyết định : ‘Tấn công đồi Kim Sơn ngay đêm nay…
Ông đội Phổ, một người rành về binh pháp, đồng tình với những nhận định của cố Nhơn; nhưng ông xin tấn công vào sáng ngày mai, vì lúc đó Văn Thân lơ là canh gác… Sáng sớm ngày 12-9 giáo xứ hoàn toàn chiếm được đồi Kim Sơn…Quân Văn Thân rút về đồi Bửu Châu…
Tối ngày 20-9, cố Nhơn bàn với các vị chỉ huy chiếm đồi Bửu Châu.. Sáng sớm ngày 21-9, 10 bạn trẻ của đội 3 leo lên đồi Bửu Châu. Khi phát hiện các bạn trẻ, đồng thời Văn Thân cũng thấy ‘những đạo quân trẻ nhỏ xuống từ các lũy tre’. Họ sợ hãi chạy trốn… Khi mọi việc xong xuôi, vơi tinh thần vui mừng hơn hở, giáo dân kéo nhau về nhà thờ tạ ơn Chúa, Đức Mẹ và các thiên thần…
Giáo dân Trà Kiệu không nghĩ đến một cuộc chiến thắng quân sự, về sự tàn sát, về
sự thù hằn, mà chỉ là một chiến thắng về niềm tin, về sự bảo vệ mạng sống của mình (theo Phạm Cảnh Đán).
xxx
Cuộc chiếm đồi Hòn Bằng (Kim sơn) và đồi Bứu Châu giúp chúng ta hiểu Lời Chúa trong lễ CTT hôm nay. Nhờ đâu những thanh niên leo lên hai ngọn đồi trong trận chiến ? Đó chẳng phải là lòng can đảm và tha thứ được CTT ban cho, như ngày xưa các Tông đồ đã được.
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô viết về ngày lễ Hiện Xuống hôm nay như sau : “Ngày lễ hôm nay kết thúc mùa Phục sinh gồm 50 ngày, tính từ lễ Phục sinh cho đến lễ CTT hiện xuống, được đánh dấu một cách đặc biệt bởi sự hiện diện của CTT. Vì chưng, chính CTT là hồng ân phục sinh tuyệt hảo. Chính Thần Khí sáng tạo là Đấng luôn thực hiện những điều mới mẻ. Các bài đọc hôm nay trình bày cho chúng ta hai điều mới mẻ : Trong bđ1 Thần Khí làm cho các môn đệ trở thành một dân tộc mới và trong bài Phúc Âm Thần Khí tạo cho các môn đệ một quả tim mới
Một dân tộc mới (Bđ1 Cv 2,1-11) : Ngày lễ Ngũ Tuần, Thần Khí từ trời ngự xuống dưới những hình lưỡi, giống như lửa được phân phối và đậu xuống trên đầu mỗi người… Tất cả đều được đầy tràn CTT, họ bắt đầu nói các ngôn ngữ khác nhau (Cv 2,3-4). Lời Chúa đã mô tả tác động của Thần Khí như thế đó. Thần Khí trước tiên đậu xuống trên đầu mỗi người, và sau đó làm cho tất cả liên lạc với nhau. Thần Khi ban cho mỗi người một ân huệ, và liên kết tất cả trong tình hợp nhất. Nói cách khác, cùng một Thần khí tạo nên sự đa dạng và sự hợp nhất, và như thế tạo nên một dân tộc mới, đa dạng và hợp nhất : Giáo hội hoàn vũ. Trước tiên, theo một cách thế, vừa mang tính sáng tạo, vừa mang đặc tính không thể nào tiên liệu được. Thần Khí tạo nên sự đa dạng, vì chưng vào mỗi thời đại, Thần Khí làm phát sinh những đặc sủng mới và khác biệt nhau. Kế tiếp cũng một Thần Khí đó lại tạo nên sự hiệp nhất những tâm trí khác biệt và tách biệt nhau (thánh Cy-ri-lô thành Alexandria, chú giải Phúc âm thánh Gioan, XI,11). Thần Khí thực hiện thế nào để cho có sự hợp nhất thật sự, hợp nhất theo ý Chúa, chứ không phải là đồng bộ, mà là hợp nhất trong sự khác biệt.
Để thực hiện đước điều này, chúng ta cần phải giúp đỡ nhau tránh hai cơn cám dỗ vẫn thường tái diễn. Cơn cám dỗ thứ nhất, đó là cám dỗ đi tìm sự đa dạng không có sự hợp nhất. Có đa dạng mà không có hợp nhất, khi ta muốn làm cho bản thân mình
đưọc nổi bật, khi ta tạo nên những liên minh, những phe phái, khi ta làm cho mình trở nên cứng nhắc dựa theo những lập trường mang tính loại trừ, khi ta chỉ nghĩ đến những quyền lợi cá biệt, riêng tư, khi ta xem mình tốt hơn những người khác, hay cho mình lúc nào cũng có lý. Họ xem mình là những ‘người nắm giữ chân lý’. Lúc đó người ta sẽ chọn phe phái hơn là chọn tập thể, người ta sẽ xem mình thuộc về bên này hay thuộc về bên kia, trước khi nói mình thuộc về Giáo hội. Chúng ta sẽ trở thành những ‘người ủng hộ’ của phe này nhóm nọ, hơn là anh chị em với nhau trong một Thần Khí. Chúng ta sẽ là những Ki-tô hữu thuộc ‘cánh tả hay cánh hữu’, trước khi thuộc về Đức Giêsu. Chúng ta sẽ là những người bảo thủ khư khư nắm giữ quá khứ, mà không ai có thể lay chuyển được, hay là những người tiên phong của tương lai, trước khi trở thành những người con khiêm nhường và biết ơn của Giáo hội. Như thế, đó là đa dạng mà không có hợp nhất.
Còn trái lại, cơn cám dỗ đi ngược lại, đó là cám dỗ đi tìm hợp nhất mà không có sự đa dạng. Nếu như thế thì sự hợp nhất sẽ trở thành đồng bộ sẽ bắt buộc mọi người cùng nhau làm tất cả giống y như nhau, bắt buộc mọi người luôn suy nghĩ như nhau. Nếu như thế thì sự hợp nhất sẽ là phê chuẩn, và sẽ không còn tự do nữa. Nhưng thánh Phaolô lại nói : ‘Nơi nào có Thần Khí Chúa hiện diện , thì nơi đó có tự do’ (2Cr 3,17).
Chúng ta hãy cầu xin CTT ban cho chúng ta ơn hiệp nhất của Người, ban cho chúng ta một cái nhìn, vượt qua bên kia những sở thích cá nhân của mỗi người, có thể bao quát và biết yêu mến Giáo hội của Người, Giáo hội của chúng ta. Xin Người ban cho chúng ta biết đảm nhận trách nhiệm lo cho mọi người được hợp nhất. Xin Người giúp chúng ta biết chấm dứt những câu chuyện ngồi lê đôi mách chỉ gây chia rẽ, và đố kỵ đầu độc mọi người, bởi vì sống trong Giáo hội , với tư cách là nam cũng như nữ, có nghĩa là trở thành những con người sống đời hiệp thông. Chúng ta cũng cầu xin CTT ban cho chúng ta một con tim cảm nghiệm được Giáo hội là mẹ, và là ngôi nhà của chúng ta, ngôi nhà mở rộng hai cánh đón tiếp mọi người; ngôi nhà mà nơi đó mọi người chia sẻ cho nhau niềm vui đa dạng của CTT”.
Một quả tim mới (BTM Ga 20,10-23) : “Giờ đây chúng ta xét đến điều mới mẻ thứ hai : một quả tim mới. Khi hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ, Đức Giê-su phục sinh đã nói : Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha (Ga 20,22-23). Đức Giê-su không hề lên án các môn đệ đã bỏ mặc Người một thân một mình trơ trọi. và đã chối từ Người trong cuộc thương khó, nhưng Người đã ban cho họ Thần Khí tha tội. Thần Khí là hồng ân đầu tiên của Đấng Phục sinh và Đức Giê-su đã ban cho các môn đệ hồng ân này trước tiên là để tha tội. Ơn tha thứ là sự khởi đầu của Giáo hội, là chất keo nối kết tất cả chúng ta lại với nhau, là ximăng liên kết các viên gạch lại với nhau. Bới lẽ ơn tha thứ là hồng ân ở cấp cao cả nhất, là tình yêu vĩ đại nhất. Ơn tha thứ bảo tồn sự hiệp nhất, là tình yêu vĩ đại nhất. Ơn tha thứ bảo tồn sự hiệp nhất, dù có xảy ra điều gì chăng nữa. Ơn tha thứ giữ cho tòa nhà khỏi sụp đổ. Ơn tha thứ tang cường và củng cố. Ơn tha thứ làm cho con tim của chúng ta được tự do, và cho phép chúng ta lại bắt đầu. Ơn tha thứ mang hy vọng. Không có ơn tha thứ, thì chúng ta không thể nào xây dựng Giáo hội được. Tinh thần tha thứ giải quyết được tất cả mọi sự trong sự hòa hợp, và giúp chúng ta từ chối những con đường khác, con đường xét đoán cách vội vàng, con đường không lối thoát của người đóng chặt tất cả các cánh cửa ra vào, con đường một chiều của người chỉ trích người khác. Nhưng ngược lại, Thần Khí khuyến khích chúng ta bước đi trên con đường hai chiều của ơn tha thứ cho đi, và ơn tha thứ lãnh nhận của lòng thương xót Chúa biến thành tình yêu tha nhân, của tình bác ái được xem là ‘tiêu chuẩn duy nhất để dựa vào đó mà quyết định phải làm hay không phải làm, phải thay đổi hay không phải thay đổi’ (Isaac de l’Étoile, Diễn văn 31). Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết làm cho gương mặt của Giáo hội là mẹ chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn, và canh tân con người chúng ta, nhờ ơn tha thứ của Chúa, và hành động tự sửa mình. Chỉ lúc đó, chúng ta mới có thể sửa lỗi cho anh chị em của chúng ta trong tình bác ái. CTT là lửa tình yêu đang đốt cháy trong lòng Giáo hội, và trong tâm hồn chúng ta, ngay cả khi chúng ta che phủ Người bằng tro than tội lỗi của chúng ta.
Chúng ta hãy cầu xin với CTT : ‘Lạy Thần Khí Thiên Chúa, ôi lạy Chúa, Chúa đang hiện diện trong tâm hồn con, và trong lòng Giáo hội. Chúa là Đấng dẫn dắt Giáo hội , xin hãy đào luyện Giáo hội trong sự đa dạng, xin Chúa hãy đến ! Để được sống, chúng con cần Chúa như cần nước uống : xin ngự xuống lần nữa trên chúng con, và dạy bảo chúng con con đường hợp nhất, xin canh tân quả tim chúng con, và dạy chúng con biết yêu như Chúa yêu chúng con, dạy chúng con biết tha thứ, như Chúa tha thứ cho chúng con. Amen (Quảng trường Thánh Phêrô 4-6-2017, JB Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, trang 188-192)
SUY NIỆM II
RA KHỎI NHÀ ĐI VÀO THẾ GIỚI
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Câu chuyện tường thuật biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống được kể đi kể lại nhiều lần và mỗi lần, chúng ta được nhớ lại, không phải như nhớ lại một câu chuyện cũ, nhưng nhớ và sống lại biến cố ấy ngay trong hiện tại của Giáo Hội, giáo phận, giáo xứ và gia đình của chúng ta.
- Chúa Thánh Thần qui tụ dân Chúa
Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống là biến cố mang tính hoàn vũ, tụ họp “các dân thiên hạ,” gồm người Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a v.v, những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập” (Cv 2,9-11). Không phải tự dưng mà họ kéo đến. Mọi sự được chuẩn bị theo hướng dẫn của Chúa Giê-su trước khi Ngài lên trời: “Các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” (Cv 1,4), nghĩa là Chúa bảo các tông đồ ở lại bên nhau để đón nhận Chúa Thánh Thần và họ đã cùng Mẹ Maria cầu nguyện chờ đợi biến cố được hứa ban này. Điều đặc biệt, chỉ mười ngày sau khi Chúa Giê-su lên trời, không chỉ Mười Một tông đồ, mà còn có mọi dân tộc được tham dự vào biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống.
Với số người tham dự như thế và với cảnh tượng lạ thường như tiếng động, gió mạnh ùa vào, có lưỡi lửa xuất hiện, nhiều người nghĩ rằng nơi xảy ra phải là một sân rộng lớn, nhưng không, tất cả diễn ra trong căn nhà. Mọi sự bắt đầu từ bên trong căn nhà, nơi mọi người đang tụ họp. Tất cả được qui tụ lại nghe công bố lời Chúa, được tham dự vào cộng đoàn đức tin và loan báo Tin Mừng. Họ nhận biết sự hiện diện và sứ mạng của Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội xem đây là ngày khai sinh Giáo Hội. Thánh Phê-rô đã nói với mọi người: “Xưa anh em chưa phải là một dân, còn hôm nay, anh em là dân Thiên Chúa” (1Pr 2,10). Xưa mọi người ở bên ngoài nhà, ngoài cộng đoàn, vì tội lỗi đã chia cắt họ ra khỏi Thiên Chúa; nay họ ở trong nhà, trong cộng đoàn, vì họ được tha thứ tội lỗi và đức tin đã liên kết họ với Chúa Giê-su phục sinh, nên họ đi vào mối tương quan thân thiết với Chúa Giê-su và với các tín hữu, trở thành dân Thiên Chúa, một Hội Thánh.
Chúa Thánh Thần hiện xuống giữa cộng đoàn đức tin này để làm cho cuộc đời, sự chết và sống lại lên trời của Chúa Giê-su không bị giam cầm trong lịch sử chỉ để ghi nhớ hay nghiên cứu, nhưng biến đổi mọi tín hữu trở thành những Giê-su sống động nơi môi trường họ hiện diện.
Chúng ta hãy nhìn vào cộng đoàn của ngày Chúa Nhật, chẳng khác gì cộng đoàn tụ họp trong căn nhà hôm ấy. Chúng ta thuộc mọi thành phần xã hội, thuộc nhiều quê quán khác nhau, nhưng được qui tụ thành cộng đoàn dân Thiên Chúa. Tuy nhiên, có thể có một thứ ung nhọt đang lây lan toàn cộng đoàn, đó là tình trạng ơ hờ với đời sống thánh thiện, với việc truyền giáo và dễ dàng đóng khung trong vài người bạn để chỉ trích kẻ khác, nói rằng “chán ngấy rồi!” hay “mọi thứ không còn như trước nữa!” Cộng đoàn đức tin là cộng đoàn rã rời sống thánh sao? là cộng đoàn không màng đến yêu thương để truyền giáo sao?
- Chúa Thánh Thần thúc bách đi vào thế giới
Khi Chúa Thánh Thần đến ở cùng, cộng đoàn được tụ họp trong căn nhà không còn là cộng đoàn bị giam hãm, nhưng là một cộng đoàn được sai đi ra khỏi nhà, đi vào thế giới với nhiệm vụ tối ưu là loan báo Chúa Giê-su cho mọi người: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con… Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22). Gió đã thổi, cửa mở ra, lửa nhiệt thành tỏa xuống, tất cả cộng đoàn lao vào thế giới, bởi được Chúa Thánh Thần thúc bách bên trong mỗi tín hữu. Trong biến cố Bê-lem, Thiên Chúa ở với chúng ta, trong biến cố trên đồi can-vê, Thiên Chúa vì chúng ta, thì nay trong biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thiên Chúa ở bên trong chúng ta, thúc bách chúng ta đi ra với thế giới, không chỉ ở giữa thế gian và không thuộc về thế gian, mà còn là người truyền giáo giữa thế gian.
Những người Chúa Thánh Thần thúc bách truyền giáo không phải là những người “nhà nghề.” Họ chỉ là những người nam nữ rất bình thường trong xã hội. Nhiệm vụ của họ tập trung loan báo Chúa Cha và Đấng Chúa Cha sai đến là Chúa Giê-su Ki-tô. Cộng đoàn này không dựa vào của cải hay quyền thế, cũng chẳng đòi hỏi phải có cơ sở vật chất đầy đủ, nhưng họ có kinh nghiệm đức tin của người được sai đi và được Chúa Thánh Thần thúc bách rao giảng, hiệp nhất với Chúa và Giáo Hội và sống đời chứng nhân Tin Mừng, dù bị cấm cách hay mất mạng sống vì truyền giáo.
Đến đây mừng lễ Chúa Thánh Thần, chúng ta nhìn vào cộng đoàn đang tụ họp đây và tự hỏi: cộng đoàn này có ảnh hưởng gì vào dòng người xuôi ngược bên ngoài? Chúng ta chỉ là cộng đoàn dân Chúa, cộng đoàn đức tin, cộng đoàn truyền giáo ở trong ngôi nhà thờ hay khuôn viên này thôi sao? Chúng ta cứ sống khép kín mãi sao? Chúng ta cứ lấy cớ một mình tôi không làm gì được! 50 nhát búa có thể tảng đá chưa bể ra, nhưng đến nhát búa thứ 51, tảng đá bể ra. Không phải nhát búa thứ 51 là bể tảng đá, mà 51 nhát búa mới có kết quả đó. Công cuộc truyền giáo đang chờ mỗi tín hữu và đừng để ơn Chúa Thánh Thần vô ích nơi chúng ta, nhưng xin cho mỗi người mói được như thánh Phaolô: “Tình yêu Chúa thúc bách tôi.”
SUY NIỆM III.
Lm. Đaminh Phạm Văn Tụ
” Bình an cho anh em”
Cuộc sống của chúng ta hôm nay có quá nhiều mối bận tâm, bận tâm trong công việc làm ăn, bận tâm về sức khỏe, bân tâm về học hành, bận tâm về nhiều mối lo cho gia đình để có một tương lai tốt đẹp. Nhưng càng bận tâm, càng lo lắng, con người lại càng mất bình an. Mất bình an là biểu hiện của một tâm hồn luôn bị xáo trộn. Mất bình an dẫn đến bệnh hoạn, cuộc sống héo úa và lạc hướng. Thế giới ngày nay cũng ẩn chứa nhiều những xáo trộn, con người mất hướng đi của cuộc sống, tìm những giải pháp chiến tranh thay cho hòa bình, xây dựng xã hội bằng những cơ chế dựa trên nền tảng duy lý và duy vật, nặng trĩu những luật lệ mà thiếu những khối óc chân chính và con tim yêu thương. Nên con người cứ đổ lỗi cho nhau, chẳng ai muốn nhường nhịn ai, kéo ghì thế giới vào cơn khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng năng lượng, lương thực, môi trường bị tàn phá, nếp sống văn hóa bị lãng quên, bạo hành và ngược đãi gia tăng, đạo đức bị coi thường… tất cả những điều đó xuất phát từ một thế giới thiếu niềm tin vào Thiên Chúa, nên luôn bị khủng hoảng và đối diện với những xáo trộn nội tâm, mất bình an.
Bài Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần, đang khi các môn đệ ở trong một căn phòng đóng kín vì sợ người Do-thái. Nỗi sợ hãi đã làm cho các môn đệ phải giam mình trong bốn bức tường. Cánh cửa phòng nơi các ngài cư ngụ bị đóng kín, cũng làm cho cánh cửa tâm hồn các ngài khép lại với vỏ bọc an toàn. Nhưng ở trong căn phòng đóng kín, tưởng rằng nơi đó là sự bình an, nhưng tâm hồn các ngài không tránh khỏi sự xáo trộn và xao xuyến, niềm tin bị sa sút, khủng hoảng tâm hồn và chẳng lúc nào ngơi nghỉ những lo âu và chán chường. Chỉ khi Chúa Giêsu đến hiện diện với các ngài, ban bình an và ban Thánh Thần, các ngài mới được bình an đích thực. Sự bình an chính là niềm vui trong Chúa Thánh Thần. Niềm vui không ai có thể lấy đi được, vì bình an Chúa ban tặng là sự hiện diện và sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần. Sự bình an Chúa ban tặng khác với sự bình an của thế gian ban tặng. Sự bình an Chúa ban tặng không loại trừ thập giá. Trên đỉnh đồi Can-vê, chịu treo trên cây thập giá, Chúa Giêsu vẫn bình an, sự bình an của sự kết hợp mật thiết với Chúa Cha trong lúc đau khổ, sự bình an của một tâm hồn luôn tín thác và hiệp thông trọn vẹn với thánh ý Thiên Chúa Cha. Sự bình an đã giúp Ngài vượt lên trên sự đau khổ của thân xác, để biến sự đau khổ thập giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho con người. Trên cây thập giá Ngài vẫn là niềm hy vọng và bình an cho những ai có lòng tín thác vào Ngài. Ngài vẫn ban lời tha tội cho anh trộm lành và hứa với anh: ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi. Ngài vẫn tha thiết cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha tha tội cho những kẻ nhục mạ Ngài. ” Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, để các ngài cũng biết vượt qua những thử thách và chông gai trong sự bình an mà các ngài đã nhận được từ chính Chúa Giêsu Phục Sinh, để ở giữa thế gian mà các ngài không thuộc về thế gian. Không phụ thuộc vào những ơn huệ trần gian ban tặng để có được một lớp vỏ bình an giả tạo. Các ngài đã chấp nhận bị xiềng xích gông cùm, tù tội, tra tấn, tù đày, nhục mạ và kết án đến chết, nhưng tâm hồn các ngài vẫn đầy sự hoan lạc bởi các ngài có Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi đỡ nâng, nên các ngài vẫn bình an trong niềm tín thác vào tình thương của Thiên Chúa. Các ngài đã chấp nhận sự ghét bỏ và loại trừ của thế gian như lời của Chúa Giêsu đã nói với các ngài: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” ( Ga 15,18-20). Các môn đệ có thể chấp nhận thế gian ghét bỏ và tước đoạt ngay cả mạng sống, để được thuộc trọn về Đức Ki-tô, vì tâm hồn các ngài luôn có sự che chở và hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch phát sinh sự bình an để các ngài không còn sợ hãi trước thế lực của trần gian, băng qua những lớp cánh cửa đóng kín của căn phòng an toàn, nhất là dám mở toang cánh cửa của tâm hồn, ra khỏi chính mình, để ra đi loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16).
Lạy Chúa! Chẳng có niềm vui nào ngoài niềm vui được gặp Chúa, chẳng có sự bình an nào sâu thẳm trong tâm hồn mà không bởi Chúa Thánh Thần ban tặng. Vì hoa trái của Thánh Thần- là niềm hoan lạc và bình an. Sau khi Chúa Giêsu ban bình an và thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ, Ngài sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, hành trang dành cho các ngài không gì khác hơn là Chúa Thánh Thần, Đấng bảo trợ. Ngài đến nâng đỡ và bảo vệ các ngài trên từng dấu chân trên hành trình phục vụ. Chúa Thánh Thần là Người kiện toàn sứ vụ nơi các ngài. Làm cho các ngài trở nên nguồn bình an đỡ nâng những con người đau khổ, bất hạnh. Thánh Thần trợ giúp các ngài và ban ơn khôn ngoan, để các ngài biết cách ứng xử với những người thù ghét. Trao cho các ngài bảo kiếm của yêu thương, để lời và ngôn ngữ các ngài phát ra đều xuất phát từ một trái tim yêu thương và ngập tràn niềm hy vọng. Hành động của các ngài đều do bởi quyền năng và hoa trái của Thánh Thần, làm cho thế giới nhận biết đâu là chân lý sự thật toàn vẹn.
Mỗi người chúng ta hôm nay đều nhận được Chúa Thánh Thần trong ngày rửa tội và thêm sức. Nhưng chúng ta có cảm nghiệm được vai trò của Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong chúng ta hay không? Ngài luôn đồng hành và khơi lên niềm hy vọng cho chúng ta sau những đau khổ và tuyệt vọng. Cho chúng ta nhận biết tình yêu của Chúa dành cho mình, để chúng ta cũng biết cư xử với mọi người bằng một trái tim của Chúa Thánh Thần. Yêu thương cả kẻ thù và những người hiềm khích. Cho chúng ta nhạy bén trước nỗi khổ đau của nhân loại, của anh chị em mình, để chung chia niềm đau khổ và dìu họ bước đi trong ánh sáng của Tin Mừng. Giúp họ nhận ra bình an nội tâm sâu thẳm trong tâm hồn mà Chúa đã ban cho họ xuyên qua những đau khổ thử thách hằng ngày. Thế giới hôm nay đang trên đà lạc hướng, mất niềm tin, mất niềm trông cậy và tín thác. Nhiệm vụ của Hội Thánh là thắp lên những đốm lửa của bình an từ Chúa Thánh Thần, vừa soi đường để thế giới khỏi bước lầm xuống vực thẳm, vừa trao ban bình an cho thế giới, làm cho thế giới được đổi thay và muôn người được hạnh phúc.
Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay, là hiệp thông với Hội Thánh, cùng mang trong mình nỗi thao thức của Hội Thánh, lên đường như các môn đệ đầu tiên, ra khỏi chính mình và những nơi an toàn mình cư ngụ, đến với những con người nghèo khổ, thất học, bần cùng, giúp họ sống niềm hy vọng và ngập tràn bình an. Để ơn bình an của Đức Ki-tô ban tặng, thực sự biến đổi tâm hồn chúng ta và trở nên lời ngợi khen Thiên Chúa. Như lời của thánh Phao-lô Tông đồ trong thư gởi giáo đoàn Cô-lô-xê đã viết: “Ước gì ơn bình an của Ðức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân” (Cl 3, 15).Amen.
SUY NIỆM VI
CHÚA THÁNH THẦN HƠI THỞ CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một chàng thanh niên đến thưa với vị thầy tu đắc đạo trên một ngọn núi rằng: “Thưa thầy, trước đây con theo học nhiều đạo rồi nhưng con chưa tìm được chính đạo, con nghe nói Thầy là vị thầy tu đắc đạo, hôm nay con đến đây xin được tầm đạo, mong sau này con cũng tu được đắc đạo như Thầy”. Vị sư cười và nói tôi sẽ nhận anh. Anh chàng thanh niên mừng lắm vui vẻ, sáng sớm hôm sau anh chạy đến nói: “Thưa Thầy, hôm nay bắt đầu học đạo, xin Thầy hãy dạy bảo con đi!” Anh muốn Thầy truyền đạo nhanh như vậy là vì mong được mau đắc đạo càng sớm càng tốt, mau nổi tiếng…” Vị Thầy trả lời: “Hôm nay anh quét nhà, nấu cơm, rửa chén”. Anh thanh niên nghe xong hơi đỏ mặt vì nghĩ rằng mình tới đây học đạo mà, sao Thầy bảo làm chuyện này. Nhưng, anh nghĩ vì tương lai thôi mình tạm làm theo lệnh Thầy, biết đâu ngày mai ổng dạy đạo cho mình. Thế rồi, ngày mai, ngày mốt và ngày kia ngày nào Thầy cũng bảo một câu: quét nhà, nấu cơm, rửa chén. Một hôm, anh chàng thanh niên tức quá nói với Thầy rằng: “Thưa Thầy, con tới đây là để học đạo, để tu cho đắc đạo chứ đâu phải để làm ba chuyện này. Tưởng gì chứ như vậy, con xin bye bye Thầy nhé. Con xuống núi đây. Vị Thầy nói: “Được nhưng trời tối rồi, sáng mai anh xuống cũng chẳng muộn mà. Chàng thanh niên ở lại và sáng sớm mai. Ông Thầy đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy bảo hai Thầy trò mình xuống tắm cho mát. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, vị Thầy đưa anh ta ra giữa dòng sông rồi túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu, cho anh ngộp thở, anh sợ muốn chết và kêu cứu. Vị Thầy đưa anh vào bờ, khi anh ta tỉnh táo Thầy mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?” Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần nhất là hơi thở”. Thầy nói tiếp đấy muốn đắc đạo thì phải có hơi thở của đạo, tức là sống đạo.
Sự sống của chúng ta có là nhờ có hơi thở, mà hơi thở là do Thiên Chúa ban tặng. Cụ thể, Sách Sáng Thế kể: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Rõ ràng, Thiên Chúa đã thổi hơi thở vào Ađam, con người đầu tiên, để Ađam có sự sống. Chúa Giêsu Phục Sinh hôm nay cũng đã lặp lại hành động ấy khi Ngài xuất hiện giữa các môn đệ và thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy hơi thở của Thiên Chúa, nhận lấy hơi thở của Thiên Chúa là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa, sự sống của Thiên Chúa đó là Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa. Cho nên, hơi thở của Thiên Chúa có tên là Thánh Thần ban cho chúng ta không chỉ là hơi thở của thân xác làm cho chúng ta sống mà còn làm cho chúng ta có sự sống của Thiên Chúa đồng thời là dưỡng khí để nuôi sự sống Thiên Chúa trong ta.
Thứ nhất, Chúa Thánh Thần làm cho ta có sự sống thân xác và sự sống của Thiên Chúa ở chỗ nào? Sách Sáng Thế kể thuở tạo thiên lập địa, cả vũ trụ chưa nên hình nên dạng, chưa có sự sống. Trời đất là một khối hỗn mang. Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước và ban sự sống cho muôn loài trong đó có loài người đầu tiên là Ađam và Eva. Cho nên, Giáo lý Hội Thánh dạy con người được Thiên Chúa tạo dựng nên có xác và hồn. Thân xác chúng ta là do cha mẹ sinh ra, còn linh hồn là sự sống con người được tạo dựng trực tiếp bởi Thiên Chúa chứ không phải do cha mẹ “sinh sản”; vì vậy Hội Thánh dạy chúng ta quý trọng sự sống tự nhiên và sự sống siêu nhiên của mình cũng như của người khác, và do đó, cấm mọi hình thức phạm đến sự sống con người vì chỉ Thiên Chúa là nguồn sự sống và chỉ Ngài có quyền can thiệp vào sự sống (SGLHTCG, số 366). Đó là sự sống thân xác, còn sự sống thần linh, tức là sự sống của Thiên Chúa cũng chính Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta. Cụ thể, trong bí tích Rửa Tội, nước là một biểu tượng nói lên tác động của Chúa Thánh Thần. Nước Rửa Tội thật sự nói lên rằng việc chúng ta được sinh vào đời sống thần linh được ban trong Chúa Thánh Thần. Cho nên, không lạ trong Tin Mừng Gioan kể rằng có một người tên là Ni-cô-đê-mô đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Ông Ni-cô-đê-mô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? ” Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,1-6)
Thứ hai, hơi thở của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần là dưỡng khí nuôi sự sống trong chúng ta ở điểm nào? Bài đọc 1, Sách Công Vụ Tông Đồ kể khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Và kể từ khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các tông đồ trở nên khác hẳn. Trước kia các ngài nhút nhát sợ hãi, nay các ngài mạnh dạn hăng hái. Trước kia các ngài chỉ là những ngư phủ thất học, không am hiểu giáo lý, nay các ngài cất tiếng rao giảng Tin Mừng cho mọi người thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi chủng tộc. Trước kia các ngài còn nghĩ đến bản thân, tranh giành nhau chỗ cao chỗ thấp, nay các ngài chỉ nghĩ đến Nước Chúa, sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần đã đổi mới tâm hồn các ngài. Các ngài đã nhận được sự sống mới, sự sống của Chúa, để sống vì Chúa và sống cho Chúa.
Ngày chịu Phép Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta đã nhận được hơi thở của của Chúa Thánh Thần và được Chúa Thánh Thần dưỡng nuôi linh hồn ta qua bảy ơn Chúa Thánh Thần: Khôn ngoan, thông hiểu, lo liệu, sức mạnh, suy biết, đạo đức và kính sợ Chúa. Tuy nhiên có nhiều chỗ trong linh hồn và trong đời sống ta không có sự sống của Chúa Thánh Thần vì tội đã ngăn cản ơn thánh và làm chết đi nhiều phần trong linh hồn. Những dục vọng, đam mê, tham vọng, tinh thần thế tục giống như vi trùng len lỏi vào linh hồn và đời sống đức tin của chúng ta làm cho sự sống của Chúa bị tổn thương và sự sống đời đời của ta gặp nguy hiểm. Nhưng, mỗi người chúng ta ai ai giờ nay cũng có hơi thở của Chúa Thánh Thần thật sự bên trong, Ngài ban cho mỗi người mỗi đặc sủng khác nhau để làm cho đời sống đức tin của mỗi người chúng ta phong phú tràn đầy và toả ra bên ngoài bằng những hoa trái trong cuộc đời mà Thánh Phaolô diễn tả là bình an, hoan lạc, yêu thương, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng, tha thứ và phục vụ vì lợi ích chung.
Ước gì qua Lời Chúa của ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, xin cho mỗi người mỗi ngày hãy biết hít lấy hơi thở Chúa Thánh Thần qua cầu nguyện nhờ đó chúng ta được Chúa Thánh Thần đến và sống trong ta, hướng dẫn và giúp đời sống đức tin của chúng ta sống một cách mạnh mẽ và dồi dào trong đời sống hằng ngày đồng thời giúp ta biết tẩy bỏ lối sống tội lỗi, lối suy nghĩ, lối cư xử xưa cũ theo tinh thần thế tục, để sống một đời sống mới là sẵn sàng sống và thi hành Lời Chúa dạy và dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân một cách chân tình. Amen.