Đức Cha Giuse Nói Chuyện Với Tham Dự Viên Ngày Tập Huấn Loan Báo Tin Mừng Cấp Giáo Phận Tại GX Nội Hà


Bài nói chuyện  nhân ngày Tập huấn Loan Báo Tin Mừng

Giáo xứ Nội Hà, thứ Bảy, ngày 10/6/2023

HIỆP HÀNH – ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT

TRONG MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO

LỜI CHÚA: (Mt 28,16-20)

Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, những có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông:“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

CẦU  NGUYỆN:

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,

làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”

Trước khi về trời, Chúa Giêsu phục sinh vẫn canh cánh bên lòng một nỗi niềm sứ vụ. Ơn cứu độ Người đã thực hiện cho con người bằng cái chết và sự phục sinh giờ đã hiện hữu. Tuy vậy, sự hoàn tất của chương trình cứu độ mà Thiên Chúa Cha muốn thì vẫn còn ở phía trước. Đó là làm sao để mọi người nhận biết Tin Mừng và có lòng tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn cứu độ. Nỗi niềm sứ vụ ấy của Chúa Giêsu Phục sinh giờ đây được các Tông đồ và Giáo Hội tiếp nối. Lệnh truyền của Người vẫn luôn vang lên: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Làm cho muôn dân trở thành môn đệ luôn là thách đố của người tín hữu Kitô trong mọi thời đại. Bởi lẽ, sự thành bại của sứ vụ này, bên cạnh sự hoạt động của ơn Chúa Thánh Thần, thì vẫn hệ tại nơi cung cách sống và thực thi sứ vụ của các thành phần trong Hội Thánh. Dấu chỉ khả tín cho Hội Thánh trong mọi thời, đó là tinh thần hiệp hành, mọi thành phần dân Chúa cùng hiệp thông sống đức tin và tham gia thi hành sứ vụ.

Lạy Chúa, xin cho tinh thần hiệp hành trở nên sống động giữa các thành phần của Hội Thánh, để tất cả Hội Thánh trở thành dấu chứng ơn cứu độ của Chúa ở trần gian, hầu có thể lôi cuốn và đưa mọi người về với Chúa. Hết lời cầu nguyện.

Như chúng ta đã rõ, định hướng của Công nghị Giáo phận Đà Nẵng năm 2022 là: Hiệp nhất, cùng Sống đức tin và Loan báo Tin Mừng.

Về công việc cụ thể, Công nghị GP Đà Nẵng năm 2022 đã phát động một kế hoạch Loan báo Tin Mừng trong toàn Giáo phận trong 05 năm tới (2022-2027) với hai việc cụ thể:

(1) Duy trì việc đọc kinh tối trong gia đình;

(2) Phát động một kế hoạch Loan báo Tin Mừng trên toàn Giáo phận, theo đó:

  1. Các Giáo họ, Giáo xứ, Cộng đoàn dòng tu, Đoàn thể cấp Giáo phận, các Ban mục vụ Giáo phận mỗi năm thực hiện một chương trình cụ thể cho sứ vụ Loan báo Tin mừng.
  2. Giáo phận sẽ củng cố các giáo điểm truyền giáo đang hình thành tại các khu vực khác nhau của Giáo phận với việc bổ nhiệm và gia tăng nhân sự. Giáo phận cũng sẽ đồng hành, giúp đỡ các thủ tục pháp lý xã hội hầu có thể đạt được những mục tiêu cụ thể đã đề ra.

Cùng với tầm nhìn đã được xác định và những việc làm cụ thể đã được đề ra, giờ đây, trong tư cách là các những Kitô hữu của Giáo phận, hãy cùng nhau lên đường đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Vậy anh em hãy đi…” (Mt 28,19). Ước mong mỗi Linh mục, Phó tế, Tu sĩ nam nữ, và mỗi người giáo dân trong Giáo phận Đà Nẵng chúng ta luôn là những chứng nhân sống tinh thần hiệp hành, biết cùng nhau xây dựng và gìn giữ mối hiệp thông với Chúa và với nhau, biết tích cực tham gia, chung tay cộng tác trong mọi công việc chung, và nhất là từ nay hăng hái thực hành những việc làm cụ thể đã được ấn định, hầu tất cả chúng ta đều trở nên những sứ giả loan báo Tin Mừng tình thương và sự sống, tức là Chúa Giêsu Kitô, cho con người thời đại hôm nay.

  1. Toàn thể Dân Chúa là tác nhân của việc truyền giáo:

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều biết rõ khẳng định cơ bản này của CĐ Vaticanô II, trong Sắc lệnh về truyền giáo:“Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2). Như thế, với khẳng định này, có thể nói rằng, lý do hiện hữu và tồn tại của Hội Thánh chính là để thực thi sứ vụ truyền giáo, hay nói cách khác, chính là để loan báo Tin Mừng, loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người.

Thật vậy, Hội Thánh không thể thoái thác lệnh truyền rõ ràng của Đức Kitô, cũng không thể tước mất của mọi người “Tin Mừng” về tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với họ. Việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn bao gồm một lời công bố rõ ràng rằng: Trong Đức Kitô, ơn cứu độ được cống hiến cho mọi người, như một quà tặng của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa; đó chính là nền tảng, là tâm điểm, và đồng thời là tột đỉnh của động năng việc rao giảng. Mọi hình thức hoạt động truyền giáo đều hướng tới việc rao giảng này, nó tỏ lộ và dẫn tới mầu nhiệm vốn được giữ kín từ bao thế hệ và đã được mặc khải trong Đức Kitô – tâm điểm của việc truyền giáo (x. Rm 44).

Lệnh truyền của Chúa Giêsu vẫn luôn vang lên trong lòng Hội Thánh: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Lệnh truyền đó không phải chỉ dành riêng cho một số người, như Giám mục, linh mục, phó tế hay tu sĩ nam nữ, mà là dành cho tất cả mọi tín hữu, mọi người đã lãnh Phép Rửa trong Chúa Kitô.

Thật vậy, Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (LG, 9). Các thành viên của dân Chúa hợp nhất bằng phép Thanh tẩy và “mặc dù theo ý Đức Kitô, một số người được đặt làm thầy dạy, làm người phân phát các các mầu nhiệm, và làm mục tử, vì lợi ích của những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của toàn thể các tín hữu, trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô”(LG, 32). Do đó, tất cả những người đã chịu phép Thanh tẩy, những người tham gia vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô, “khi thi hành các đặc sủng đa dạng và phong phú Chúa ban cho theo ơn gọi và tác vụ của họ”, đều là những chủ thể tích cực loan báo Tin Mừng, trong tư cách cá nhân cũng như với tư cách toàn thể dân Chúa.

Các Đức Giáo hoàng, qua các thời kỳ, vẫn luôn nhắc nhở chiều kích sứ vụ truyền giáo này. Cách riêng, Đức Thánh cha Phanxicô, chỉ tám tháng sau khi được bầu làm Giáo hoàng, tức là tháng 11/2013, đã ban hành Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, và ngài đã bắt đầu Tông huấn với câu:“Niềm vui của Tin Mừng đong đầy trái tim và cuộc sống của những người gặp gỡ Chúa Giê-su.” Có thể nói, bản văn hoạch định chương trình này của Đức Thánh Cha mời gọi tất cả tín hữu điều chỉnh lại mọi hành động, suy tư và sáng kiến của Giáo hội “về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay”.

Mỗi năm, ĐTC Phanxi cô đều mời gọi Giáo hội qua Sứ điệp Truyền Giáo; với Sứ điệp năm 2019 với chủ đề:“Ðược Rửa Tội và Sai Ði: Giáo Hội Chúa Kitô trong sứ mạng giữa thế giới”… Chiều kích truyền giáo của đức tin chúng ta nơi Ðức Giêsu Kitô, một đức tin đã được Thiên Chúa thương ban cho chúng ta trong phép Rửa. Mối quan hệ con thảo của chúng ta với Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là một điều gì đó riêng tư, nhưng luôn luôn liên quan đến Giáo Hội. Qua sự hiệp thông của chúng ta với Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng với cơ man các anh chị em của mình được sinh ra cho sự sống mới. Sự sống thần linh này không phải là sản phẩm để mua bán – chúng ta không thực hành việc chiêu dụ tín đồ – nhưng là một kho báu để trao tặng, truyền thông và công bố: đó là ý nghĩa của việc truyền giáo. Chúng ta được ban tặng món quà này cách nhưng không và chúng ta chia sẻ nó cách nhưng không với người khác (x. Mt 10:8), không loại trừ một ai. Thánh ý Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi bằng cách nhận biết chân lý và trải nghiệm lòng thương xót của Người qua sứ vụ của Giáo Hội, là mầu nhiệm phổ quát của ơn cứu độ. Ðức tin vào Ðức Giêsu Kitô giúp chúng ta nhìn mọi sự trong viễn cảnh đúng của chúng, khi chúng ta nhìn thế giới bằng con mắt và trái tim của Thiên Chúa. Ðức cậy mở lòng chúng ta ra hướng đến những chân trời vĩnh cửu của sự sống thần linh mà chúng ta được thông phần. Ðức ái mà chúng ta được nếm trước trong các bí tích và tình yêu thương huynh đệ, thúc đẩy chúng ta đi đến mọi tận cùng của thế giới. Một Giáo Hội quyết tiến tới những vùng biên cương xa xôi nhất cần phải có một sự hoán cải truyền giáo thường hằng. Biết bao vị thánh, biết bao những người nam nữ có đức tin, làm chứng cho sự thật rằng sự cởi mở vô hạn này, sự tiến ra trong tình yêu thương xót này quả thật là khả thi và thực tế, vì nó được thúc đẩy bởi tình yêu và ý nghĩa sâu xa nhất của nó như là hồng ân, hy tế và tính nhưng không (x. 2 Cr 5:14-21)! Người rao giảng về Thiên Chúa phải là một người của Thiên Chúa.

 Sứ mạng truyền giáo này chạm tới bản thân chúng ta: Tôi là một nhà truyền giáo, luôn luôn là phải như thế; anh chị em là một nhà truyền giáo, luôn luôn là như vậy; mỗi người nam người nữ đã chịu phép Rửa là một nhà truyền giáo. Ai đang yêu thì không bao giờ bất động; họ bị lôi cuốn; và đến lượt mình lại lôi cuốn người khác; họ hiến mình cho người khác và xây dựng những mối quan hệ trao ban sự sống. Trong mọi việc liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa, không ai là vô ích hay vô nghĩa. Mỗi người chúng ta là một nhà truyền giáo cho thế giới này, vì mỗi người chúng ta là hoa trái của tình yêu của Thiên Chúa.

Thưa quý Cha và cộng đoàn hiện diện, hằng năm, cứ đến ngày lễ truyền giáo, mỗi giáo phận, giáo xứ, giáo họ của chúng ta đều tổ chức những cuộc hội họp, trình bày sứ điệp truyền giáo của ĐTC, thảo luận các phương thế để thực thi việc loan báo TM, cử hành nghi thức sai đi, v.v…Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận rằng, dường như công cuộc truyền giáo của chúng ta chẳng mấy khởi sắc. Vậy đâu là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô, qua Thượng Hội đồng lần này, muốn gửi đến cho Hội Thánh liên quan đến chiều kích sứ vụ?

  1. Hiệp hành, điều kiện tiên quyết trong mục vụ truyền giáo

Có một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy nơi các bài giáo huấn của Đức Phanxicô, đó là ngài thường nói về bản chất truyền giáo của Hội Thánh trong thế giới. Ngài đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần rằng việc loan báo Tin Mừng không phải là “việc chiêu dụ tín đồ”, và rằng Hội Thánh phát triển bởi “sự thu hút” và bởi “chứng tá”. Vậy điều gì làm cho Hội Thánh có sức thu hút con người hôm nay? Đâu là con đường chứng tá mà Hội Thánh biểu lộ cho nhân loại này? Câu trả lời được tìm thấy nơi một lời nhận xét của Đức Phanxicô mà Ủy ban Thần học Quốc tế đã dẫn lại: “Phù hợp với giáo huấn của Lumen Gentium, Đức thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhận xét rằng tính hiệp hành “cung cấp cho chúng ta khuôn khổ phù hợp nhất để hiểu chính chức vụ theo phẩm trật của mình và, dựa trên học thuyết “cảm thức đức tin của tín hữu” (Sensus fidei fidelium), tất cả các thành viên của Hội Thánh là tác nhân của việc truyền giáo. Do đó, việc biến một Hội Thánh mang tính hiệp hành thành hiện thực là một điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với một năng lực truyền giáo mới liên quan đến toàn thể Dân Chúa” (số 9). Như thế, theo Đức Phanxicô, sống chiều kích hiệp hành trong Hội Thánh, biến Hội Thánh mang tính hiệp hành thành hiện thực, chính là con đường truyền giáo của Hội Thánh cho con người hôm nay.

Thật vậy, “con đường hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba. …Cuộc hành trình cùng đi chung với nhau này vừa là một hồng ân vừa là một nhiệm vụ. Bằng cách cùng nhau suy tư về hành trình đã qua, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các thành viên trong Hội Thánh sẽ có thể học hỏi kinh nghiệm và quan điểm của nhau. Được soi sáng bởi Lời Chúa và hiệp nhất trong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ có thể phân định các diễn trình để tìm kiếm thánh ý Chúa và theo đuổi các con đường mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta – hướng tới sự hiệp thông sâu sắc hơn, tham gia đầy đủ hơn và với tinh thần cởi mở hơn để hoàn thành sứ mạng của mình trong thế giới”. Ủy ban Thần học Quốc tế mô tả:“Trước hết và trên hết, tính hiệp hành biểu thị một phong cách đặc trưng của đời sống và sứ mạng của Hội thánh, diễn tả bản chất của Hội thánh là Dân Thiên Chúa đồng hành cùng nhau và tập họp trong cộng đoàn, được Chúa Giêsu quy tụ bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng. Tính hiệp hành phải được thể hiện trong cách sống và làm việc bình thường của Hội thánh”.

Như tư tưởng của ĐTC Phanxicô trong Sứ điệp Truyền giáo năm 2020:“Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Con đường truyền giáo này của toàn Giáo hội tiếp tục được tìm thấy dưới ánh sáng trong tường thuật ơn gọi của tiên tri Isaia:”Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Ðây là câu trả lời luôn luôn mới trước câu hỏi của Chúa:”Ta sẽ sai ai đây?” (nt.). Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay…chúng ta phải chú ý hơn đến cách chúng ta sống tương quan với người khác. Và tâm tình cầu nguyện, trong đó Thiên Chúa chạm đến và lay động trái tim của chúng ta, mở ra cho chúng ta nhu cầu về tình yêu, phẩm giá và tự do của anh chị em chúng ta, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc chăm sóc cho mọi sáng tạo. Việc không thể tập hợp lại như một Giáo hội để cử hành Bí tích Thánh Thể đã khiến chúng ta chia sẻ tình trạng của nhiều cộng đoàn Kitô hữu không thể cử hành Thánh lễ mỗi Chúa nhật. Trong bối cảnh này, câu hỏi mà Chúa đặt ra: Ta sẽ sai ai đây? Ðược hỏi lại và chờ đợi câu trả lời quảng đại và thuyết phục từ chúng ta: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để Người gửi đến thế giới làm chứng cho tình yêu, ơn cứu độ của Thiên Chúa: giải thoát khỏi sự ác, tội lỗi và cái chết.

Đó chính là chủ đề của Sứ điệp Truyền giáo 2021:“Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20) Một khi cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, một khi nhận ra sự hiện diện hiền phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không thể không loan báo và chia sẻ những gì chúng ta đã thấy và đã nghe. Mối quan hệ của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người, nhân tính của Người, như đã được mặc khải cho chúng ta trong mầu nhiệm Nhập thể, trong Tin Mừng và trong Mầu nhiệm Vượt qua của Người, cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương loài người chúng ta như thế nào và biến những niềm vui cũng như đau khổ, các mong ước và quan tâm của chúng ta trở thành của Người (x. Gaudium et Spes, 22). Mọi điều nơi Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta rằng Người biết rõ thế giới của chúng ta và nhu cầu được cứu chuộc của nó, và kêu gọi chúng ta tích cực tham gia vào sứ mạng này: “Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (Mt 22, 9). Không ai bị loại trừ, không ai có thể cảm thấy xa lạ hay xa cách với tình yêu nhân ái này.

Giống như các Tông đồ và những Kitô hữu tiên khởi, chúng ta cũng có thể nói với niềm xác tín hoàn toàn rằng: “Chúng ta không thể không nói về những gì chúng ta đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20). Mọi thứ chúng ta nhận được từ Chúa đều phải được sử dụng tốt và được chia sẻ một cách tự do với người khác. Cũng như các Tông đồ đã thấy, đã nghe và đã chạm vào quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu (x. 1 Ga 1, 1-4), chúng ta cũng có thể hàng ngày chạm vào thân xác đau khổ và vinh hiển của Chúa Kitô trong lịch sử của mỗi ngày và có thể tìm thấy can đảm để chia sẻ với mọi người mà chúng ta gặp một số phận hy vọng, ý thức chắc chắn rằng Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta không thể giữ Chúa cho riêng mình: sứ mạng loan truyền Tin Mừng của Giáo hội tìm thấy sự viên mãn hữu hình trong việc biến đổi thế giới của chúng ta và trong việc chăm sóc thụ tạo.

Chủ đề của việc truyền giáo chính là – “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4, 20), là lời kêu gọi mỗi người chúng ta hãy “sở hữu” và mang đến cho người khác những gì chúng ta mang trong tim mình. Sứ mạng này luôn là dấu ấn của Giáo hội, vì “Giáo hội tồn tại để truyền giáo”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại cho chúng ta lời của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi về trời, cũng là lời mời gọi Giáo hội và mỗi người chúng ta.Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” là lời kêu gọi mọi Kitô Hữu làm chứng cho Chúa Kitô.

Ðây là điểm trung tâm, trọng tâm của giáo huấn Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, liên quan đến việc họ được sai đến thế gian. Các môn đệ phải trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu, nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà họ sẽ nhận được. Bất cứ nơi nào họ đi và ở bất cứ nơi nào họ đến. Ðức Kitô là người đầu tiên được sai đi, với tư cách là “nhà truyền giáo” của Chúa Cha (x. Ga 20:21), và như vậy, Người là “chứng nhân trung thành” của Chúa Cha (x. Kh 1: 5). Tương tự như thế, mọi Kitô hữu được kêu gọi trở thành nhà truyền giáo và làm chứng cho Chúa Kitô. Và Giáo Hội, là cộng đoàn các môn đệ của Chúa Kitô, không có sứ mệnh nào khác hơn là đem Tin Mừng đến cho toàn thế giới bằng cách làm chứng cho Chúa Kitô. Truyền giáo là căn tính của Giáo Hội.

Vì thế, trong việc truyền bá Tin Mừng, gương sáng của đời sống Kitô hữu và việc rao truyền Chúa Kitô không thể tách rời. Ðiều này phục vụ cho điều kia. Chúng là hai lá phổi mà bất kỳ cộng đồng nào cũng phải hít thở, nếu muốn truyền giáo. Hình thái chứng tá trọn vẹn, nhất quán và vui tươi này chắc chắn sẽ là một sức mạnh lôi cuốn đối với sự phát triển của Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba. Tôi khuyến khích mọi người một lần nữa hãy lấy lại lòng can đảm, sự thẳng thắn và sự bạo dạn của những Kitô hữu tiên khởi, để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô bằng lời nói và việc làm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống (Sứ điệp)

Làm mới lại “câu chuyện hiệp hành” trong Hội Thánh ngày hôm nay như thể gợi lại câu chuyện đã diễn ra như một “xuất phát điểm” sau ngày Chúa Phục Sinh tại bờ biển Tibêria của hai ngàn năm trước: Ông Si-mon Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền…” (Ga 21,3). Trên “con thuyền của Thánh Phêrô” hôm nay, mọi người chúng ta, không trừ ai, đều được gọi mời “cùng đi với nhau và với Thánh Phêrô”. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là công việc khởi đầu, nhưng là bước căn bản, để “tấm lưới Nước Trời” được buông trên biển đời dương thế; nếu không có sự “hiệp hành” nầy, thì “người khách lạ đứng trên bờ” có đợi chờ thâu đêm suốt sáng cũng chẳng có “cơ hội” để thể hiện quyền năng “cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, sẽ bắt được cá” (Ga 21,6).

Vì thế cho nên, như câu ngạn ngữ từ ngàn xưa của các dân tộc Phi Châu mà Đức Phanxicô đã lấy lại để ân cần nhắc nhở các bạn trẻ trong tông huấn Christus Vivit: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những người khác”, công cuộc tông đồ của người trẻ hôm nay nói riêng, hay cuộc sống và sứ vụ của Hội Thánh nói chung, phải mang tính “hiệp hành”. Bởi vì, đúng như cách định nghĩa của Thánh Giáo phụ Gioan Kim Khẩu: “Hiệp hành (Sunodos) chính là danh hiệu đặc trưng của hội thánh”.

Câu truyện: “Điều giữ lại là mất, ᵭiều ᵭược là ᵭiều cho ᵭi” – Câu chuyện nhân văn ᵭầy ý nghĩα giáo dục

Tɾước cổng một nghĩα tɾαng nọ, người tα thấy có một chiếc xe Roll Royce sαng tɾọng dừng lại. Người tài xế tiến lại người giữ cổng và nói:

– Xin αnh giúρ một tαy cho người ᵭàn Ьà này xuống xe vì Ьà tα yếu quá không ᵭi ᵭược nữα.Vừα ɾα khỏi xe, người ᵭàn Ьà tự giới thiệu và nói với người giữ cổng nghĩα tɾαng:

– Từ hαi năm quα, mỗi tuần, tôi là người ᵭã gởi ᵭến cho αnh 5 ᵭô ᵭể muα hoα và ᵭặt tɾên mộ con tɾαi tôi, nhưng nαy thì các Ьác sĩ Ьảo ɾằng tôi không còn sống lâu ᵭược nữα, tôi ᵭến ᵭây ᵭể chào từ Ьiệt và cám ơn αnh vì ᵭã muα hoα giùm cho tôi. Thế nhưng, người ᵭàn Ьà không ngờ ɾằng người giữ cổng nghĩα tɾαng tɾả lời như sαu:– Thưα Ьà, tôi lấy làm tiếc ɾằng Ьà ᵭã làm công việc ấy! Người ᵭàn Ьà cảm thấy như Ьị αi vả vào mặt. Nhưng Ьà vẫn còn ᵭủ Ьình tĩnh ᵭể hỏi lại người thαnh niên:– Tại sαo lại lấy làm tiếc về một nghĩα cử ᵭẹρ như thế? Người thαnh niên giải thích:– Thưα Ьà, tôi lấy làm tiếc vì những người cҺết như con tɾαi củα Ьà chẳng Ьαo giờ còn thấy ᵭược một cάпh hoα nào nữα!

Bị chạm tự ái, người ᵭàn Ьà liền lên giọng:– Anh có Ьiết là αnh ᵭã làm tổn tҺươпg tôi không? Người thαnh niên Ьình tĩnh tɾả lời:– Thưα Ьà, tôi xin lỗi, tôi chỉ muốn nói với Ьà ɾằng có ɾất nhiều người ᵭαng cần ᵭến cάпh hoα củα Ьà hơn. Tôi là hội viên củα một tổ chức chuyên ᵭi thăm những người già lão, các Ьệnh nhân tɾong các viện dưỡng lão, các Ьệnh viện… Chính họ mới là những người ᵭαng cần ᵭến những cάпh hoα củα chúng tα, họ có thể nhìn thấy và ngửi ᵭược cάпh hoα ấy.

Nghe thế, người ᵭàn Ьà ngồi Ьất ᵭộng tɾong chiếc xe sαng tɾọng một lúc, ɾồi ɾα hiệu cho tài xế mở máy. Vài tháng sαu người ᵭàn Ьà tɾở lại nghĩα tɾαng. Nhưng lần này không cần αi giúρ ᵭỡ, Ьà tự ᵭộng Ьước xuống xe với một dáng vẻ vui tươi nhαnh nhẹn hơn, và ᵭiều ᵭáng ngạc nhiên hơn nữα, chính Ьà là người lái xe. Với một nụ cười ɾạng ɾỡ Ьà nói với người thαnh niên giữ cổng: – Chú ᵭã có lý, tôi ᵭã mαng hoα ᵭến cho những người già lão, Ьệnh tật. Quả thật, ᵭiều ᵭó làm cho họ ᵭược hạnh ρhúc. Nhưng, người thật hạnh ρhúc lại chính là tôi. Các Ьác sĩ không Ьiết ᵭược Ьí quyết làm cho tôi ᵭược khoẻ mạnh và hạnh ρhúc. Nhưng tôi ᵭã khám ρhá ɾα cái Ьí quyết ấy, tôi ᵭã tìm ɾα lẽ sống.

“Giúρ ᵭỡ người khác chính là giúρ ᵭỡ chính mình”.”Cho thì có ρhúc hơn nhận lãnh”. Ðó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà chúng tα cần ghi nhớ . Bởi vì, tɾαo Ьαn cho người tức là tɾαo tặng cho chính mình.Một ngạn ngữ Anh cũng nói một cách tương tự: “Ðiều tôi tiêu ᵭi là tôi có, ᵭiều tôi giữ lại là tôi mất, ᵭiều tôi cho ᵭi là tôi ᵭược.” Ðó là luận lý củα Tình yêu. Tình yêu lớn lên theo mức ᵭộ củα sự tɾαo Ьαn. Có Ьiết yêu tҺươпg thì con người mới thực sự tɾiển nở, và tìm gặρ lại chính mình. Có Ьiết yêu tҺươпg thì con người mới vui sống, và tìm ᵭược hạnh ρhúc ᵭích thực tɾong cuộc sống

  1. Đức Maria, nhà truyền giáo đầu tiên trong tinh thần hiệp hành

Anh Chị em thân mến, để củng cố tinh thần hiệp hành nơi chúng ta, hầu có thể loan báo TM cho thời đại hôm nay, chúng ta cùng nhau hướng nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria, nhà truyền giáo đầu tiên trong tinh thần hiệp hành. Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi nghe nói đến Đức Maria là vị truyền giáo đầu tiên trong tinh thần hiệp hành. Thật thế, khi nói đến hiệp hành tức là nói đến tinh thần cùng nhau bước đi trên một hành trình, cùng nhau lắng nghe, tham gia và biện phân để thực thi sứ vụ. Nếu vậy, thì chúng ta có thể đặt câu hỏi: Đức Maria đã lắng nghe ai, đã thực thi sứ vụ cùng với ai? Câu trả lời được tìm thấy trong Tông Thư mục vụ “Ngàn năm thứ Ba đang tới” (TMA), trong đó, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đề cập đến nguyên lý hành động của công cuộc truyền giáo Mới: “Ngay giữa thời đại của chúng ta, Chúa Thánh Thần vẫn là nguyên lý hành động của công cuộc Truyền Giáo mới… Đức Maria, Đấng thụ thai Ngôi Lời do quyền năng của Chúa Thánh Thần, và từ đó, suốt cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn… Mẹ đã trở nên như một Mẫu Gương chói ngời Đức Cậy, cho những ai tin vào Lời Chúa hứa bằng cả tâm hồn” (TMA, 45,48). Như thế, chúng ta có thể thấy rõ ý hướng của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II; ngài cho thấy tinh thần hiệp hành của Đức Maria với Chúa Thánh Thần trong suốt cuộc đời và sứ vụ của Mẹ. Có thể nói rằng, Chúa Thánh Thần và Đức Maria là nguyên lý hành động của công cuộc truyền giáo mới.

Trong Tin Mừng Thánh Gioan 19,26-27: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng:”Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”. Ðược đưa Ðức Maria về ở nhà mình, ai có thể nói được điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với người môn đệ Chúa yêu? Ðược cầu nguyện với Người, dùng bữa với Người, có Người ở trước mặt như thính giả khi người môn đồ đó nói với các tín hữu, được cùng với Người cử hành mầu nhiệm của Chúa? Ðức Maria sống kề cận người môn đệ Chúa yêu như vậy, chẳng lẽ lại không có ảnh hưởng nào đến công việc suy tư, đào sâu lâu dài, đưa đến việc biên soạn Tin Mừng thứ Tư hay sao? Các nhà thông thái, các nhà phê bình Tin Mừng thứ Tư, kể cả các người tìm về các nguồn hình thành Tin Mừng thứ Tư, thường cũng không chú ý đến điều đó. Origène viết : “Khởi đầu của các Tin Mừng là Tin Mừng Gioan, không ai có thể hiểu được nghĩa thâm sâu của nó nếu người đó không tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và không lãnh nhận Ðức Maria làm Mẹ mình từ Ðức Giêsu, nhưng, để là một Gioan khác thì, như Gioan, phải trở nên người được Ðức Giêsu chỉ đến như là chính Ðức Giêsu. Bởi chưng nếu theo những người có ý kiến lành thánh về Ðức Maria, không ai khác là con của Ðức Maria ngoài Ðức Giêsu và nếu Ðức Giêsu đã nói với Mẹ Ngài: “Này là con Bà” chứ không nói:”Này, cả người đó nữa cũng là con Bà”, thì như thế, Ngài như thể muốn nói:”Này, người này là Giêsu mà Bà đã sinh ra“.

Đức Hồng Y Raniro Cantalamessa, trong bài viết: Đức Maria, tấm gương cho Giáo Hội đã suy tư:“Chúng ta đặt thêm câu hỏi: việc lãnh lấy Ðức Maria về nhà mình có ý nghĩa đối với chúng ta cụ thể như thế nào ? Tôi thiết tưởng đây là lúc để nói về cốt lõi lành mạnh, giản dị của linh đạo Monfort về niềm tín thác vào Ðức Maria:”Thực hiện mọi hành động nhờ Ðức Maria, với Ðức Maria, trong Ðức Maria, ngõ hầu thực hiện chúng cách hoàn hảo hơn nhờ Ðức Giêsu, với Ðức Giêsu, trong Ðức Giêsu và vì Ðức Giêsu“. “Cần phải phó thác theo tinh thần của Ðức Maria để được thúc đẩy và dẫn dắt theo cách thức Người muốn. Phải tự đặt mình trong đôi tay trinh khiết của Người, như một dụng cụ trong tay người thợ, như chiếc đàn trong tay người nhạc công tài tình. Phải buông mình phó thác cho Người như viên đá ném vào biển cả: điều này thực hiện cách đơn giản, trong một khoảnh khắc bằng chỉ một liếc mắt của tâm trí, một chuyển động nhỏ của ý chí hay bằng môi miệng. Nhưng, như thế phải chăng là tiếm đoạt vị trí của Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu, vì chính Thánh Thần mới là Ðấng chúng ta phải “để cho Ngài dẫn dắt” (x. Ga 5, 18), chính Ngài mới là Ðấng chúng ta phải để cho hoạt động và nguyện cầu trong chúng ta (Rm 8, 26), để ta được nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô? Kinh Thánh lại đã không viết rằng người Kitô hữu phải làm mọi sự “trong Thánh Thần” sao? Tuy nhiên, Ðức Maria là một trong những phương thế ưu việt mà Chúa Thánh Thần dùng để dẫn dắt các tâm hồn và dẫn đưa họ đến chỗ nên giống Ðức Kitô, bởi lẽ Ðức Maria là thành phần của Lời Chúa, chính bản thân Người là một lời bằng hành động (parole en action) của Thiên Chúa. Câu “ad Jesum per Mariam”, nhờ Ðức Maria tới Ðức Giêsu, phải được hiểu theo nghĩa Chúa Thánh Thần dùng Ðức Maria để dẫn đưa chúng ta tới Ðức Giêsu thì mới có thể chấp nhận được. Trung gian thụ tạo (médiation crée) của Ðức Maria, giữa Ðức Giêsu và chúng ta, sẽ tìm lại được tất cả hiệu lực của nó nếu được hiểu như là phương tiện của trung gian bất thụ tạo (médiation incrée) là Chúa Thánh Thần. Như vậy, lãnh lấy Ðức Maria về nhà mình, theo nghĩa thiêng liêng là lãnh nhận Người như bạn đồng hành, như người cố vấn, biết rằng Người biết rõ hơn chúng ta đâu là những mong muốn của Thiên Chúa về chúng ta. Nếu chúng ta tập hỏi ý kiến, tập lắng nghe Người trong mọi sự thì Người sẽ thực sự trở thành vị nữ tôn sư trác tuyệt của chúng ta về các đường lối của Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta cách âm thầm lặng lẽ, thâm sâu trong tâm hồn với Ơn của Chúa Thánh Thần giúp sức.

Thật vậy, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư mục vụ vừa nêu trên đã lưu ý: “chúng ta cần thiết phải tìm ra “điều quan trọng và cảm nghiệm mới về Chúa Thánh Thần như là Đấng thiết lập Triều đại Thiên Chúa giữa dòng lịch sử” (TMA, 45). Trong Thông điệp về “Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban sự sống – Dominum et Vivificantem”, Đức Gioan Phaolô II, đã trình bày một Nguyên lý hành động của công cuộc “truyền giáo mới”, hệ tại ở chỗ luôn liên kết công cuộc Truyền giáo của Chúa Giêsu Kitô với Chúa Thánh Thần và với Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là Bạn “rất thanh sạch và trung tín” của Chúa Thánh Thần.

Với những suy tư mà chúng ta vừa nêu, rõ ràng tinh thần hiệp hành nơi Đức Maria đã bộc lộ cách rõ nét trong cuộc đời và sứ vụ của Mẹ, thể hiện qua sự gắn kết, đồng hành song ba giữa Chúa Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ.

 

  Quý Cha và Anh chị em thân mến,

Giáo phận chúng ta thật hạnh phúc khi có Đức Maria – Mẹ Trà Kiệu. Chính trong tinh thần hiệp hành mà Mẹ đã lắng nghe nỗi khốn khổ của đoàn con cái Mẹ tại mảnh đất này, và với sự đồng hành, Mẹ đã hiện diện tại đây để nâng đỡ, cứu giúp đoàn con của Mẹ. Và qua biến cố này, Mẹ thực hiện công cuộc loan báo TM tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Công cuộc truyền giáo của Mẹ tại Trà Kiệu rõ ràng đã sinh những hoa trái tốt tươi: biết bao nhiêu người, cả lương cả giáo, đã nhận được bao ơn lành, ơn hoán cải, ơn đổi mới, v.v… Như thế, Mẹ Trà Kiệu cũng trở nên gương mẫu cho chúng ta trong hành trình thực thi sứ vụ, với tinh thần hiệp hành cùng với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, thể hiện qua sự lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ, trợ giúp mọi người, bất kể là lương hay giáo.

Xin mượn lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp ngày thế giới Truyền giáo năm 2019; và của Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, trong Tông thư Truyền giáo, 08/12/1975, để thưa lên với Chúa Thánh Thần và Đức Maria, Nguyên lý hoạt động của công cuộc Truyền giáo mới: “Chúng ta phó thác sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội cho Ðức Maria Mẹ chúng ta. Trong tình hiệp nhất với Con của Mẹ từ lúc Nhập Thể, Ðức Trinh Nữ Maria đã cất bước trên con đường hành hương của Mẹ. Mẹ dự phần hoàn toàn vào sứ vụ của Ðức Giêsu, một sứ mạng đã trở thành sứ mạng của chính Mẹ khi đứng dưới chân Thánh Giá: đó là sứ mạng cộng tác, với tư cách là Mẹ Giáo Hội, trong việc mang những con cái mới của Thiên Chúa đến với sự tái sinh trong Thần Khí và đức tin”.

Lạy Mẹ Maria, quan thầy công cuộc Truyền Giáo… Ngay từ sáng ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Mẹ đã chủ tọa buổi cầu nguyện ‘Ngày khởi đầu của công cuộc Truyền giáo’ dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Nay xin Mẹ nên như Sao sáng chiếu giãi trên mọi hoạt động Truyền giáo của Hội Thánh, đang tuân hành theo Ý Muốn của Chúa, với trách nhiệm làm mới lại và phải chu tất công cuộc Truyền Giáo, nhất là trong gian đoạn cam go với nhiều khó khăn, nhưng cũng tràn đầy hy vọng!.

Để kết thúc, chúng ta cùng suy tư bài “Điều con xin Chúa”:

Con xin Chúa lấy đi sự kiêu ngạo ở trong con, và Chúa nói: không/ Chúa nói rằng” sự kiêu ngạo không phải để Chúa lấy đi, nhưng là để con từ bỏ.

Con xin Chúa chữa lành sự tật nguyền của con, và Chúa nói: không/ Chúa nói rằng: tinh thần mới là sự tuyệt hảo, còn thân xác chỉ là tạm thời.

Con xin Chúa giúp con đừng gặp chước cám dỗ, và Chúa nói: không/ Chúa nói rằng : Cám dỗ sẽ dạy con biết con là ai, và giúp con biết nương tựa vào Chúa mà thôi.

Con xin Chúa ban cho con hy vọng, và Chúa nói: không/ Chúa nói rằng: Hy vọng sẽ đến khi con biết cách tránh xa sự thất vọng.

Con xin Chúa ban cho con sự kiên nhẫn, và Chúa nói không/ Chúa nói rằng: Sự kiên nhẫn là sản phẩm của sự thống hối, nó không phải được ban tặng, nó phải được tìm kiếm.

Con xin Chúa ban cho con hạnh phúc, và Chúa nói không/ Chúa nói rằng: Chúa sẽ ban ơn lành, còn hạnh phúc tùy thuộc vào con.

Con hỏi Chúa rằng: Chúa có yêu con không? Và Chúa nói CÓ. Vậy con xin Chúa giúp con yêu người khác nhiều như Chúa yêu con. Chúa nói: cuối cùng con đã hiểu ý Cha”.

NOTE: Trong tư cách mục tử Giáo phận, xin chân thành cám ơn sự dấn thân, sáng kiến và hăng say của quý Cha đặc trách, quý Cha, quý Phó tế, tu sĩ nam nữ và quý ông bà anh chị em đã nỗ lực thực hiện việc truyền giáo bằng những khả năng của mình. Cầu chúc cho mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng tiếp tục tiến bước để Loan Báo Tin Mừng Tình Yêu của Chúa. Nguyện xin Đức Maria – Mẹ Trà Kiệu cầu bầu cùng Chúa Thánh Thần thúc đẩy và ban muôn ơn để giúp chúng ta thu được những kết quả tốt đẹp, hy vọng nơi Đức Tin – Nghị lực, Sáng kiến và Lời chứng đời sống trong hành trình truyền giáo theo tiếng gọi của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh:Chính Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Lc 24,48).

 

+Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Đà Nẵng