Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, Tông Đồ


VÂNG LỜI THIÊN CHÚA – NỀN VĂN MINH THÁNH THỂ

(Hội An 29/6/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Hôm nay toàn thể Hội Thánh long trọng mừng kính cuộc tử đạo của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phaolô, còn được gọi là hai cột trụ của Hội Thánh. Nhưng, các ngài còn là những phạm nhân của đế quốc Rôma lẫn Do Thái giáo. Vậy, điều gì khiến Hội Thánh tôn vinh hai phạm nhân Phê-rô và Phaolô? Điều gì cốt yếu trong đời sống đức tin của các ngài như những cột trụ nâng đỡ đời sống của các tín hữu?

  1. Nguyên tắc sống: vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm

            Theo giáo lý Hội Thánh Công Giáo, chúng ta không buộc vâng theo những điều trái với lương tâm và giáo lý Chúa đòi hỏi. Vì thế, thánh Phê-rô và Phaolô được tôn vinh không phải vì các ngài phá bỏ luật lệ, nhưng cũng như các thánh tử đạo, tất cả các ngài là những người tuân theo lời Chúa dạy trên hết mọi sự. Thánh Phê-rô giải thích: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,19-20), “phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29; ); thánh Phaolô một mực chọn hướng sống cho mình và chỉ bảo các môn đệ của mình: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2).

            Sở dĩ các ngài chọn vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm, vì các ngài luôn để Chúa Giê-su can dự vào mọi chọn lựa của các ngài. Cuộc sống đức tin của các ngài có một nguyên tắc căn bản, đó là luôn đặt Chúa Giê-su làm trung tâm, trung tâm của mọi suy nghĩ và chọn lựa, của mọi quyết định và hành động. Chúa Giê-su luôn là mối bận tâm của cuộc đời các ngài và mọi giải pháp cho cuộc đời của các ngài luôn qui chiếu vào Giê-su Đá Tảng. Đối với thánh Phê-rô, Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa hằng sống và nơi Ngài có lời ban sự sống (x. Mt 16,16; Ga 6,67). Đối với thánh Phaolô, “sống, không còn phải là tôi, mà là chính Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

            Vì vậy, Hội Thánh không tôn vinh hai phạm nhân, nhưng tôn vinh hai chứng nhân đức tin: Phê-rô và Phaolô, những vị đã để lại cho mọi tín hữu nguyên tắc sống: vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.

  1. Kết quả của nền văn minh Thánh Thể

            Nguyên tắc sống của hai thánh Phê-rô và Phaolô trở thành cột trụ đời sống đức tin của Hội Thánh và của mỗi tín hữu. Dù các ngài có những khác biệt như kinh Tiền Tụng hôm nay nêu rõ: “Chúa đã sắp đặt để thánh Phê-rô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng đức tin; thánh Phê-rô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Israel, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân,” nhưng cả hai cùng qui tụ mọi người duy nhất trong Đức Giê-su Ki-tô. Qui tụ mọi người trong Đức Giê-su Ki-tô là điểm chung của sứ vụ của hai thánh tông đồ. Đó là lý do Hội Thánh mừng kính hai ngài vào trong cùng một ngày kính.

            Khi hướng mọi người về Chúa Giê-su và lấy Chúa Giê-su làm trung tâm, hai thánh tông đồ đang hướng mọi người đến Chúa Giê-su Thánh Thể. Nội dung rao giảng của các ngài không chỉ những giáo thuyết về Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, mà hơn hết và cần thiết cho xã hội không màng đến đến Chúa Giê-su trong thời các ngài, là rao giảng Chúa Giê-su Thánh Thể, Đấng đang sống. Đối với thánh Phaolô, Thánh Thể chính là Thân Mình, là chính Mình và Máu Chúa Giê-su. Nếu thánh Phê-rô từng tuyên xưng “bỏ Thầy con biết theo ai?”, thì đó cũng là lời tuyên xưng của thánh Phaolô đối với Chúa Giê-su Thánh Thể. Chính nhờ sống gắn bó và rước lấy Chúa Giê-su Thánh Thể vào lòng, mà hai thánh tông đồ Phê-rô và Phaolô có đời sống thấm nhập nền văn minh qui về Chúa Giê-su.

            Yếu tố làm nên nền văn minh trước hết nhờ những biến đổi bên trong con người. Nền văn minh của một xã hội được cứu và được hướng dẫn nhờ những con người bên trong xã hội đó sống nhờ Thánh Thể Chúa. Bí tích Thánh Thể làm biến đổi những người rước lấy, làm cho họ trở thành những Ki-tô khác, và qua họ, Chúa Giê-su Thánh Thể thiết lập nơi gia đình, giáo xứ, nơi làm việc của họ một nền văn minh thuộc về Chúa Giê-su.[1] Nếu tín hữu gặp gỡ và thông hiệp với Chúa Giê-su trong thánh lễ, thì Chúa Giê-su Thánh Thể không chỉ ban cho tín hữu Mình và Máu của Ngài chỉ một giờ, mà là toàn bộ cuộc đời tín hữu và khơi nguồn cho cuộc sống tín hữu hướng về một nền văn minh quy về Chúa Giê-su.[2] Đó là nguyên nhân khiến hai thánh tông đồ Phê-rô và Phaolô vâng lời Chúa hơn vâng theo người phàm và giữa cộng đòan Ki-tô hữu đầu tiên đã có sự hiện diện của nền văn minh qui về Thánh Thể.

            Ngày nay, Hội Thánh quả quyết “bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Ki-tô hữu.” Thánh Thể là nguồn mạch vì nhờ Thánh Thể, chúng ta được hiệp thông với Chúa Giê-su và nhờ Thánh Thể, đời sống Ki-tô hữu được biến đổi hướng về Chúa Giê-su. Thánh Thể là tột đỉnh vì nhờ Thánh Thể, chúng ta được đón nhận sự hiện diện thực sự và trọn vẹn của Thiên Chúa vào trong chúng ta và hướng dẫn cách sống của chúng ta từ bên trong. Chúng ta than phiền nền văn minh sự chết hôm nay, nhưng chúng ta không nhận biết rằng, con người không thể cứu nền văn minh, mà chỉ Chúa Giê-su Thánh Thể mới có thể.[3]

Vì thế, nếu chúng ta theo gương của hai thánh Phê-rô và Phaolô, chúng ta phải sống mật thiết với Chúa Giê-su Thánh Thể như là nguồn mạch và chóp đỉnh cuộc đời chúng ta, để như hai vị tông đồ, Chúa Giê-su là trung tâm của mọi chọn lựa và quyết định của chúng ta và tạo trong đời sống của chúng ta cũng như trong cộng đoàn chúng ta một nền văn minh Thánh Thể, từ suy nghĩ đến lời nói và hành động luôn qui về Chúa Giê-su,  và với nguyên tắc vàng: vâng lời Chúa hơn vâng lời người phàm.

[1] R. Jared Staudt, How the Eucharist Can Save Civilization (North Carolina: TAN Books, 2023), 16.

[2] Ibid, 187.

[3] Ibid, 321.