Các Ca Đoàn Phụng Vụ Sau Công Đồng Vatican II
Tác giả: LM Anrê Đỗ Xuân Quế, OP
WHĐ (19.07.2023) – Có nhiều ca đoàn trong các nhà thờ tại Việt Nam. Những ca đoàn này đã góp phần đáng kể trong công việc thờ phượng Chúa. Nhưng tất cả đã là những ca đoàn phụng vụ chưa thì tôi chưa dám quyết, mà chỉ muốn đưa ra một mô hình ca đoàn phụng vụ sau Công Đồng Vatican II trong bài viết dưới đây, dựa theo một số tài liệu trong tạp chí Maison-Dieu, Célébrer và một bài nhận định của linh mục Nguyễn Hữu Triết về hiện tình Thánh Nhạc Việt Nam.
Những tạp chí và tài liệu đó càng làm cho tôi thêm xác tín về sự cần thiết và vai trò của các ca đoàn phụng vụ trong việc tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa. Vì vậy, tôi xin chia bài này làm hai phần: phần I nói chung về các ca đoàn, phần II nói về các ca đoàn phụng vụ sau Công Đồng Vatican II ở bên ta cũng như bên Tây, để đi tới kết luận rằng ca đoàn là một bộ phận cần thiết và đắc dụng của cộng đoàn, nên cần được chăm sóc và huấn luyện về cả hai phía ca đoàn cũng như cộng đoàn, đặc biệt nơi những người có trách nhiệm riêng như cha sở và ca trưởng.
I. NÓI CHUNG VỀ CA ĐOÀN 1. Ca đoàn là gì?
4. Thế nào là ca đoàn phụng vụ? II. CÁC CA ĐOÀN PHỤNG VỤ SAU CÔNG ĐỒNG VATICAN II 1. Ban Hát Nhà Thờ Chánh Tòa Đức Bà Paris |
Ca đoàn là một từ mới được sử dụng trong những năm gần đây. Ngày trước những người hát trong nhà thờ thường được gọi là hội hát hay ban ca vịnh, gồm toàn nam giới và hoạt động cũng khá hạn chế, nghĩa là chỉ hát lễ và hát chầu bằng tiếng la tinh.
Trước năm 1945, ngoài các bài hát bằng tiếng la tinh là các bài hát bằng tiếng Pháp trong cuốn Cantique de la jeunesse. Một số bài trong cuốn này cũng như một số bài bằng tiếng la tinh như Veni Creator, Jesus dulcis memoria v.v… được đặt lời Việt vào để hát. Ngoài ra lại có cả một cuốn sách hát Tây lời Việt đề là Thanh Niên Kinh Nhạc, do ông Nguyễn Đức Lợi sưu tầm và xuất bản, nhưng không biết xuất bản năm nào[1], và một cuốn khác do cha già Vượng, giáo phận Hà nội sưu tầm và đặt lời. Thỉnh thoảng có một số bài do mấy chủng sinh Đại Chủng Viện Liễu Giai-Hà-nội[2] sáng tác như Nguyện xin Mẹ rất từ bi của thầy Hùng Lân và Ôi thiêng liêng cao quý vô cùng của thầy Phương Linh trước 1945, nhưng ít được ai biết đến. Vào tháng 10 năm 1945, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ra đời và cho phát hành Cung Thánh I. Thánh ca Việt Nam phát khởi từ đây và lan rộng khắp nơi. Ngoài ra, trong Nam trước đó đã có những bài rất nổi tiếng như Nửa đêm mừng Chúa ra đời và Nguyện xin Chúa Thánh Thần của linh mục Phao-lồ Đạt cũng như mấy bài của thầy Mạc Khanh ở Thanh Hóa như Chói lói Con Chúa nơi cửu trùng và Hải tần v.v…
Vậy ca đoàn là gì? Thưa là một tổ hợp thanh niên thiếu nữ hát lễ trong các nhà thờ ngày Chúa nhật cũng như ngày thường và các ngày lễ cưới, lễ an táng, chầu Mình Thánh Chúa v.v… hay một hội, một nhóm đồng ca, hát những bài ca phụng vụ[3].
Từ ca đoàn không có trong tự điển tiếng Việt. Thông thường hiện nay, người ta hiểu ca đoàn là những người đi hát lễ. Hiểu như vậy không sai, nhưng chưa đủ. Vì vậy, cần phải nói thêm về vai trò và nhiệm vụ của ca đoàn nữa.
Ca đoàn có một vai trò và nhiệm vụ cao quý. Điều này chính Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã nói như sau: “Nếu đọc kỹ các tài liệu về Thánh Nhạc, người ta sẽ thấy rõ, ngay cả bây giờ, nhiệm vụ Hội Thánh giao cho Thánh nhạc, những người sáng tác cũng như các nhạc công, các ca đoàn và những người hát trong nhà thờ thật là cao quý và hệ trọng, như từ trước đến nay vẫn thế. Khi cử hành phụng vụ, phải liệu phô diễn những hình thức nghệ thuật sao cho thật hay, thật đẹp, như kèm theo các nghi thức là những cử điệu khoan thai, đẹp mắt, xứng hợp, trang trọng, cung giọng trong sáng dễ nghe, dễ đáp; như đi đôi với lời cầu nguyện của Hội Thánh là những bài hát vừa hay vừa cảm động, lại có sức nâng tâm hồn người nghe lên cùng Thiên Chúa và giúp cầu nguyện. Âm nhạc tỏa chiếu trên cộng đoàn họp nhau lại nhân danh Chúa Kitô một thứ ánh sáng rực rỡ như chính gương mặt của Người vậy. Nhờ sức mạnh vô hình của nghệ thuật, các ca đoàn dễ bay lên vùng ánh sáng rạng ngời của chân lý, tìm gặp Thiên Chúa là Đấng thanh tẩy và thánh hóa. Như thế, họ có thể giúp cộng đoàn cử hành mầu nhiệm cứu độ trong những điều kiện thuận lợi khi chính họ thông phần mật thiết vào các ơn ích của mầu nhiệm đó.
Nhằm mục đích này, những tài liệu tôi vừa trưng dẫn, nhằm cổ võ các ca đoàn, từ những ca đoàn trong các đại giáo đường, các nhà thờ chánh tòa, các đan viện nổi tiếng cho tới các ban hát trong các nhà nguyện, nhà thờ nhỏ, say sưa tập luyện và chuyên cần trau dồi nghệ thuật. Huấn thị về Thánh nhạc muốn rằng không một buổi cử hành phụng vụ nào mà không có hát, nên đã yêu cầu trong trường hợp không có ban hát nhỏ, thì phải có ít là hai hay ba người biết hát và được huấn luyện vừa đủ, để có thể giúp giáo dân tham dự thánh lễ và các nghi thức bằng những bài hát đơn sơ dễ hát, lại biết điều khiển và làm điểm tựa cho họ dựa vào để hát”[4].
Qua những lời lẽ trên, Hội Thánh tỏ ra săn sóc đặc biệt đến các ca đoàn, kêu mời họ đạo và cha sở lưu tâm đến ca đoàn. Lý do của sự quan tâm này là vì các ca đoàn góp phần vào việc tôn vinh thờ phượng Chúa, một nhiệm vụ hàng đầu của Hội Thánh.
Đó là bản chất và lý hữu của ca đoàn. Bây giờ xin nói đến nhiệm vụ của ca đoàn.
Ca đoàn có nhiệm vụ yểm trợ và làm nền cho cộng đoàn hát, hay hát đối đáp với cộng đoàn, và đảm nhận những phần hát khó và đòi hỏi hơn. Riêng đối với bản thân, mỗi ca viên có bổn phận phải lo cho mình được huấn luyện về đường thiêng liêng, tìm cách để được hiểu Kinh Thánh, Phụng Vụ và các tài liệu Thánh Nhạc. Ngoài ra là tuân hành nội qui và nhịp độ sinh hoạt của ca đoàn, vì vào ca đoàn là làm một công tác thuộc đức thờ phượng, và ở trong ca đoàn là làm một tông đồ nhằm phổ biến vẻ đẹp của nghệ thuật cả về nội dung lẫn hình thức, qua lời ca tiếng hát để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Đây là lý tưởng cần phải nhắm tới, còn thực tế thì phải nói là khó, vì vấn đề không được các vị hữu trách lưu tâm đến bao nhiêu, cứ để cho ca đoàn và ca trưởng tự do xử lý, dù đã có những thông cáo hướng dẫn[5].
Năm 1987, Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Thành Phố đã ra các tập in ronéo về Mùa Vọng, Mùa Chay, Tam Nhật Vượt Qua, nhưng không lấy gì làm phấn khởi, vì các linh mục quản xứ không lưu tâm, giới trẻ không thích nhạc phụng vụ. Sở dĩ như vậy vì phần đông không hiểu Thánh nhạc là nhạc dùng trong nhà thờ để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tín hữu, nên có qui luật riêng về nghệ thuật là phải hay, phải thánh thiện và mang tính phổ quát, nghĩa là ở đâu và thời nào cũng hay.
Vì vậy, muốn giúp ca đoàn thi hành nhiệm vụ này, các vị hữu trách nên nhắc cho ca trưởng và ca đoàn luật hát xướng của Hội Thánh trong nhà thờ, kiểm tra bài hát về nội dung và nhạc điệu, chỉ cho cách chọn bài hát, nhấn mạnh đến tính cầu nguyện, cổ vũ và cho người đi học các lớp thánh nhạc và đệm đàn.
Ca đoàn phụng vụ là ca đoàn chuyên lo ca hát ở nhà thờ theo qui luật của Thánh nhạc cũng như các chỉ dẫn và đòi hỏi của Phụng vụ. Là phụng vụ, khi ca đoàn hát các bài ca phù hợp với từng phần trong thánh lễ, theo từng thể loại như đáp ca, đối ca, tung hô, ca vịnh, cung đọc, ca khúc, nghĩa là từ vị trí, thể loại cho đến nội dung lời ca, tất cả đều nằm trong mục đích tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Những ca đoàn như thế này tương đối còn ít ở nước ta, vì những lý do như nói ở trên, lại gặp hoàn cảnh không thuận lợi, không có phương tiện, không sẵn người chuyên môn, tuy có nhiều ca đoàn hát hay nhưng chưa phải là phụng vụ. Có chăng thì mới chỉ có Ban Hợp Xướng Pio X từ 17 năm nay đã luôn theo sát các qui luật của Thánh nhạc mà hát theo phụng vụ, đúng như các phần đoạn trong thánh lễ cũng như hình thức, thể loại và lời ca lấy từ các bản văn phụng vụ và Kinh Thánh. Còn bên Âu Mỹ, người ta có nhiều chuyên viên, lại sẵn phương tiện và truyền thống lâu đời nên thấy khác. Hơn nữa, kỷ luật về Thánh nhạc nơi họ được áp dụng và tuân hành chặt chẽ hơn. Các thứ loại nhạc mới phát xuất từ nơi họ, nhưng họ phân biệt rất rõ nhạc ngoài đời với nhạc trong nhà thờ. Trong nhà thờ, người ta không hát và đệm đàn như trong các nhà thờ Việt Nam. Nói đúng ra là người ta hiểu và thi hành kỷ luật một cách nghiêm túc. Có lẽ vì vậy mà những người xuất thân từ các học viện thánh nhạc như Viện thánh nhạc Rôma, bài hát họ làm ra không phải kiểm duyệt, vì họ đã kiểm duyệt trước theo những điều đã được học biết và cũng vì lương tâm nghề nghiệp và tinh thần tự trọng nữa.
Nói gọn lại, có thể căn cứ vào những tiêu chuẩn sau đây để xác nhận một ca đoàn là phụng vụ:
(1) Ca tụng tôn vinh Chúa: Ca đoàn ấy theo đuổi mục đích chính là ca tụng tôn vinh Chúa và thánh hóa các tín hữu.
(2) Phân biệt nhạc đạo với nhạc đời: Ca đoàn ấy phân biệt rõ nhạc đạo với nhạc đời. Nhạc nào là đời thì chơi ở ngoài đời, nhạc nào là đạo mới đem vào nhà thờ.
(3) Cầu nguyện thật sự: Ca đoàn ấy cầu nguyện và giúp cầu nguyện thật sự, trong khi hát và giúp người ta cầu nguyện, bằng những bài hát mà tâm tình và ý tưởng phát xuất từ những bản văn Kinh Thánh và Phụng vụ, lại được thể hiện với một cung cách đưa tâm hồn người nghe, người hát lên cao và mang đến cho tâm hồn họ, những tâm tình sốt mến, nghĩa là nghe hát và hát xong, người ta thấy có một cái gì đó và cũng còn để lại một cái gì đó.
(4) Không theo lối đời: Lối đời là hát để được tiếng cho cá nhân cũng như đoàn thể. Ca đoàn ấy hát không phải để đề cao cá nhân như ca sĩ hay tự đề cao mình như ca đoàn vượt trội. Ở đây không có cơ hội cho cá nhân trở thành ngôi sao và không biến người lĩnh xướng thành ca sĩ như ở phòng trà, các tụ điểm ca nhạc hay trên màn hình.
(5) Thi hành đúng phần việc: Khi hát, điều khiển ca đoàn hay chơi nhạc cụ, ai cũng chỉ thi hành công việc cần thiết và không ai chơi trội để lấy tiếng cho mình.
- CÁC CA ĐOÀN PHỤNG VỤ SAU CÔNG ĐỒNG VATICAN II
- Ban Hát Nhà Thờ Chánh Tòa Đức Bà Paris[6]
Tôi nói mà không dám giới thiệu, vì giới thiệu thì phải biết rõ, đàng này tôi mới dự có một buổi Kinh Chiều vào đầu tháng 2, năm 1993. Bởi vậy, tôi chỉ nói những điều mắt thấy tai nghe.
Tôi thấy có vài chục ca viên gồm người lớn, thanh niên, thiếu nữ, nhi đồng mặc đồng phục màu xanh đậm. Họ đứng hai bên các hàng ghế được dành cho các kinh sĩ hay tu sĩ hát kinh phụng vụ[7]. Mỗi khi hát thì ca trưởng ra đứng ở giữa đánh nhịp cho họ. Người đánh nhịp hôm đó là một thiếu nữ. Cô đánh nhịp không đẹp và không có gì hấp dẫn bằng phần đông các cô đánh nhịp trong các ca đoàn của chúng ta. Tôi chỉ thấy nhịp của cô làm cho người ta hát được, hát đều và hát đúng cũng như mấy cô đầm đánh nhịp ở nhà thờ Mai Khôi cho người Pháp vào các lễ Chúa Nhật lúc 10g30 sáng. Ca đoàn hát đối đáp với cộng đoàn, mỗi bên chu toàn đúng phần việc của mình. Các bài hát được in sẵn và để tại chỗ người tham dự. Chiều nào người ta cũng hát như thế tùy theo bậc lễ. Những người hát trong ban này là những thành phần chuyên nghiệp được huấn luyện và được trả lương. Tuy vậy, họ không hát như những người hát thuê mà hát như những người có trách nhiệm. Tiền lương họ nhận được là mối dây buộc họ phải làm cho chu đáo. Đó là điều công bằng về cả hai phía. Kể cũng đáng đối với một nhà thờ như nhà thờ Đức Bà Paris, nơi có nhiều du khách đến thăm viếng và tham dự các giờ kinh mỗi ngày.
- Ca Đoàn Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Phao-lô ở Lyon[8]
- Vài dòng lịch sử
Nguồn gốc Ban Hát của nhà thờ này có từ rất lâu đời. Năm 800, Đức cha Leitrade mở một trường dạy hát ở gần nhà thờ Chánh Tòa, theo lời yêu cầu của bạn ngài là hoàng đế Charlemagne. Trường này tồn tại mãi cho đến thế kỷ XVIII. Hiện nay còn ngôi nhà rất đẹp tên là Mécanterie, nơi lưu trú của các em ca viên thời xưa. Cuộc Cách Mạng năm 1789 làm cho mọi sinh hoạt của trường bị gián đoạn lần đầu tiên. Nhờ sự kiên trì của Đức cha de Bonald trường mau chóng phục hồi các sinh hoạt vào giữa thế kỷ XIX. Ban hát bấy giờ trở thành tổ chức âm nhạc đầu tiên của thành phố. Cuộc gián đoạn thứ hai xảy ra vào năm 1969, khi tiểu chủng viện, nơi tuyển mộ các ca viên nhỏ bị đóng cửa.
Đến năm 1974, theo lời khuyên sáng suốt của linh mục Marcel Godard, quản nhiệm nhà thờ Chánh Tòa. Linh mục Jean-Francois Duchamp, giáo sư trường Saint Bernard bắt đầu luyện tập cho những em thích hát. Dần dần nhóm nhỏ này phát triển và lấy tên là Les Petits Chanteurs de Saint Bernard rồi sau thành Les Petits Chanteurs de Lyon.
Năm 1982, Đức Hồng y Albert Decourtray vừa từ Dijon đến, tặng cho nhóm này danh hiệu Ban Hát Trẻ. Năm 1984, ngài đặt linh mục Duchamp làm quản nhiệm nhà thờ Chánh Tòa. Thế là bắt đầu một thời kỳ phát triển rực rỡ. Thời kỳ này Ban Hát hợp tác với trường Sainte Marie cho đến năm 1991 thì mở trường đào tạo ca viên hát trong nhà thờ.
- Cấu trúc
Ban Hát Nhà Thờ được đặt dưới quyền vị quản nhiệm thánh đường. Vị này được Đức cha giáo phận bổ nhiệm. Ban Hát được điều hành theo qui chế một hiệp hội chiếu theo bản luật năm 1901. Ban có một Hội Đồng Quản Trị gồm các vị đại diện của Tòa Tổng Giám Mục, nhà thờ Chánh Tòa, nhà trường và các thành viên được tuyển chọn trong số các phụ huynh. Chủ tịch Hiệp Hội, ông Jacques Dumont điều hành toàn bộ công việc với sự hợp tác chặt chẽ của ông Giám Đốc. Hội có hai phó chủ tịch đặc trách việc liên lạc với gia đình các ca viên và với bên ngoài, một thư ký và một thủ quỹ lo sổ sách tiền bạc. Từ năm 1996, thêm một cô thư ký làm việc bán thời gian, lo tiếp khách và một số công việc khác.
Việc điều hành Ban Hát về mặt nghệ thuật được giao cho linh mục Duchamp. Có một Hội Đồng Âm Nhạc gồm một số người liên hệ đến công việc đào tạo hỗ trợ. Hiện nay Ban hát có 150 thanh thiếu niên chia làm bốn ca đoàn[9]:
Ca đoàn 4: lớp 10-11, 6,7 tuổi, bậc khai tâm
Ca đoàn 3: lớp 7-8, chừng 7-8 tuổi, giai đoạn dự bị
Ca đoàn 2: lớp 6-7, chừng 8-9 tuổi, bậc trung cấp
Ca đoàn 1: từ lớp 6 trở đi, chừng 10 tuổi hoặc trên 10 tuổi là lớp lớn.
Ca đoàn nam giới gồm các ca viên kỳ cựu.
Việc huấn luyện chia thành nhiều ban do nhiều huấn luyện viên phụ trách:
Huấn luyện âm nhạc: ông Francois Terrieux
Huấn luyện thanh nhạc: ông Emmanuel Magat
Lịch sử âm nhạc: bà Paule Delorme
Hợp xướng: linh mục Francois Duchamp.
- Trang bị
Có hai phòng tập hát ngay trước nhà thờ chánh tòa, hai phòng hội, một phòng để sổ sách và một làm văn phòng. Ngoài ra, Ban Hát còn được sử dụng hai phòng nữa để giảng dạy trong khuôn khổ đào tạo. Có 4 dương cầm loại thông thường và một cái có “đuôi”, một quản cầm có 4 hàng phím, hai đàn điện tử và một dương cầm điện tử, một dàn âm thanh và dụng cụ vidéo cao cấp.
- Cơ quan bảo trợ
Cơ quan bảo trợ chính yếu là giáo phận dưới quyền Đức Tổng Giám mục với sự trợ giúp của cha sở nhà thờ Chánh Tòa. Vị quản nhiệm thánh đường cũng là Giám Đốc Ban Hát, thành viên Ban Thánh nhạc giáo phận và Ban Quản trị Viện Thánh nhạc Lyon.
- Các dịch vụ âm nhạc
Ban Hát nhận hát các buổi lễ của nhà thờ Chánh Tòa với các ca đoàn hỗn hợp: ca đoàn người lớn và ca đoàn chỉ gồm toàn thiếu nữ. Ít khi hay đặc biệt lắm các ca đoàn mới cùng có mặt chung trong một buổi lễ. Mỗi tháng hai lần Ban Hát nhận hát lễ Chúa Nhật ở nhà thờ Chánh Tòa. Khi nào Đức Tổng Giám mục tới cử hành lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh, Hiện Xuống, lễ Các Thánh, Ban Hát phải có mặt. Các chiều thứ ba hàng tuần, Ban Hát hát Kinh Chiều có giáo dân tham dự. Buổi hát này buộc phải được chuẩn bị chu đáo, ca viên phải có mặt đông đủ, bài hát được chọn lọc kỹ lưỡng và tập luyện công phu. Ngoài ra, Ban Hát cũng tới các gia đình giúp việc hiếu hỷ. Đó cũng là một cách thế mang lại cho các gia đình niềm vui và sự an ủi.
Les Petits Chanteurs de Lyon là một Ban Hát được tổ chức qui mô và được sự bảo trợ chính thức của giáo phận. Khi giới thiệu Ban Hát này, tôi chỉ muốn nói một điều là Ban Hát dù nhỏ hay lớn cần được sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đồng thời bản thân các ca đoàn cũng phải tổ chức và chấn chỉnh nội bộ không ngừng, nếu muốn là một ban hát có giá trị đích thật. Chúng ta chưa thể sánh được với những ban hát lâu đời và có tầm cỡ lớn như người ta ở nước ngoài. Chúng ta nhỏ và ít khả năng cũng như phương tiện thì hãy tổ chức và hoạt động theo khả năng mình có.
Xin dừng lại về các ca đoàn bên Tây để nói về các ca đoàn bên ta.
Thời kỳ này có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn I từ cuối năm 1975 đến sau lễ Giáng sinh năm 1980 và giai đoạn II từ 1980 đến nay.
- Giai đoạn I
Có thể nói giai đoạn này là thời kỳ nở rộ của các ca đoàn. Nhiều nhà thờ như Chúa Cứu Thế, Huyện Sĩ, Đắc Lộ, Tân Định, Thị Nghè vô hình trung trở thành nơi tụ họp và gặp gỡ của giới trẻ, nhất là Nhà Nguyện Đắc Lộ ở đường Yên Đổ[10]. Người trẻ hồi đó đi nhà thờ chưa hẳn vì lòng tin hay đạo đức mà có lẽ vì vui, có đông người, có ca đoàn hát hay, có người mặc quần áo đẹp, hợp thời trang v.v… Đàng khác, thời đó ít có chỗ nào để vui chơi giải trí, lại đang phải sống trong nỗi lo sợ. Bấy giờ các ca đoàn hát nhiều bài mới lạ mà lời ca và nhất là nhịp điệu gần với nhạc đời hơn là nhạc đạo. Ngoài ra, có nơi hát cốt cho người ta nghe thôi, chứ ít để ý đến hát để cầu nguyện và giúp cầu nguyện. Rốt cuộc, đi những lễ này, dường như người ta chỉ muốn nghe hát cho thích thôi. Vì vậy, có nơi trong phần đáp ca, hát hai bài hợp xướng một lúc và những bài đó chẳng ăn nhằm gì với đáp ca, cả về nội dung lẫn hình thức. Thời kỳ này có thể nói ai muốn hát gì thì hát, hát làm sao cũng được, chẳng ai lên tiếng hay đưa ra nhận xét nào, có chăng thì cũng riêng tư thầm kín vậy thôi.
- Giai đoạn II từ sau 1980 đến nay
Một phần vì mấy ca đoàn tên tuổi như Cung Chiều, Y Nhã, Thái Hòa không còn sinh hoạt nữa, sau vụ Trung Tâm Đắc Lộ bị dẹp năm 1980, phần khác vì một số thanh niên thiếu nữ vượt biên, đi làm hay đi học, nên các ca đoàn thiếu người hoặc nếu có thì lại vướng vào nhiều công việc khác, không có thời giờ rảnh rỗi bao nhiêu. Hơn nữa ca đoàn cũng không còn là nơi hấp dẫn và thu hút như trước. Nhiều nhà thờ bắt đầu hát cộng đồng và tỏ ra ít cần ca đoàn và ca đoàn cũng không còn đóng một vai trò quan trọng như xưa. Rồi vào năm 1987, có nhiều lời than phiền về việc hát xướng trong các nhà thờ đến tai Đức Cố Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn văn Bình, khiến ngài lưu tâm và ra những thông cáo về Thánh Nhạc nhằm chấn chỉnh lại tình trạng nói trên[11]. Đây mới chỉ là một tiếng chuông báo động nhưng chưa đạt tới kết quả mong muốn, vì thiếu một sự hiểu biết về Thánh Nhạc nơi các ca đoàn và ca trưởng. Gần đây đã có một vài biến chuyển về việc hát đáp ca, nhưng các bài hát vẫn chưa được chọn lọc hoàn toàn chính xác và việc đệm đàn còn là một vấn đề nhức nhối. Vào nhiều nhà thờ bây giờ, người ta cảm thấy đau đầu nhức óc vì tiếng đàn và kiểu đệm đàn, khiến cho rất khó cầu nguyện và dường như không cầu nguyện được, vì sự ồn ào náo động của tiếng đàn và giọng hát. Vì thế, hiện Ban Thánh nhạc giáo phận đã mở những khóa dạy đàn dạy nhạc trong Trung Tâm Mục Vụ. Từ mấy năm qua, nhiều cuộc Đại Hội Thánh Nhạc toàn quốc đã được tổ chức tại Trung Tâm này, dưới sự chủ tọa của Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, và sự điều hành tích cực của Ban Tổng Thư Ký, cùng với sự tham gia của các linh mục Trưởng Ban Thánh nhạc các giáo phận và đông đảo nhạc sĩ sáng tác, ca trưởng, ca viên các ca đoàn. Sau mỗi cuộc Đại Hội là một đặc san Hương Trầm đúc kết các điều bản thảo và đưa ra những hướng dẫn thiết thực cho công việc hát xướng. Nhờ vậy, tình hình Thánh nhạc đã được cải tiến và đang hướng tới một giai đoạn tốt đẹp hơn.
Dù thế, công việc hát xướng ở nhà thờ vẫn còn cần được các cha sở quan tâm và góp phần chấn chỉnh luôn mãi, vì đây là việc thờ phượng có liên hệ trực tiếp đến đời sống cầu nguyện của các tín hữu. Các ca viên cũng cần được động viên, hướng dẫn về Phụng vụ và Thánh nhạc như Ban Thánh nhạc Việt Nam đã khởi xướng và thúc đẩy từ nhiều năm qua và những cố gắng của Ban Thánh nhạc thành phố qua 97 số báo Hát Lên Mừng Chúa, Tài liệu Thánh nhạc, các lớp dẫn vào Thánh Nhạc, những băng nhạc Tam Nhật Vượt Qua, Thánh ca Mùa Giáng sinh v.v…
Ca đoàn cũng như một cái cây. Cây không được tưới nước bón phân thì cây sẽ chết. Nếu được tưới nước bón phân mà không chăm sóc thường xuyên thì lá không đẹp và trái cũng chẳng ngon. Vì vậy, muốn ca đoàn phục vụ tốt thì họ đạo, đứng đầu là cha sở, cũng phải phục vụ tốt ca đoàn bằng sự lưu tâm, săn sóc, giúp đỡ, cổ võ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho ca đoàn phát triển về mặt kỹ thuật, hiểu biết chuyên môn cũng như tinh thần phục vụ. Không thể bỏ mặc ca đoàn mà lại đòi ca đoàn đáp ứng các yêu sách về Phụng vụ và Thánh nhạc. Phần đông các ca đoàn rất có thiện chí và tinh thần phục vụ. Sở dĩ còn những hạn chế và thiếu sót là vì ca đoàn chưa được huấn luyện và quan tâm cho đúng mức; các ca trưởng cũng chưa đóng đúng vai trò của mình và nhiều cha sở viện cớ không biết hát, biết nhạc nên phó mặc cho ca đoàn xoay xở.
Nói tóm lại, các ca đoàn là những bộ phận không thể thiếu để phục vụ công việc thờ phượng. Muốn thế, các vị hữu trách cần quan tâm cho đúng mức và các ca viên cũng phải ý thức về sự cao quý của công việc này, vì đó thuộc phạm vi nhân đức thờ phượng, một việc phục vụ bác ái và một sinh hoạt nghệ thuật. Vậy từ nay, ước mong các vị hữu trách quan tâm, huấn luyện, dìu dắt về phụng vụ và công việc thiêng liêng đạo đức cho các ca đoàn. Các ca viên cũng cần phân biệt nhạc đạo với nhạc đời và tuân hành giáo huấn cũng như kỷ luật của Hội Thánh về Thánh nhạc để việc ca hát vừa làm đẹp cho buổi lễ, vừa nuôi dưỡng đời sống đức tin của các tín hữu. Làm thế nào để khi vào nhà thờ nghe hát, người ta không có cảm giác là vào một phòng trà hay một tụ điểm ca nhạc mà đến một nơi cầu nguyện, để tâm hồn được thanh thoát và tai được nghe những tiếng hát có sức biến đổi tâm hồn.
Trích: Tập san Hương Trầm của Ủy ban Thánh nhạc / Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 35 (tháng 04 năm 2023)
[1] Tôi có cuốn sách này nhưng bị mất bìa
[2] Tiền thân Đại Chủng Viện Xuân Bích sau này
[3] Tự điển Larousse: association, groupe de personnes interprétant des chants écrits pour choeur; groupe de personnes chantant des chants liturgiques
[4] Bàn về Thánh Nhạc, Đức Tin Văn Hóa 2006 trang 130-131
[5] Xuân Thảo: Các thông cáo 1/94; 2/94; 3/94 nói gì trong Hát lên mừng Chúa từ số 2-15
[6] Maitrise de la Catédrale de Paris
[7] Thường gọi là choeur hay chorus trong các tu viện và các nhà thờ chánh tòa dành cho các kinh sĩ
[8] Les Petits chanteurs de Lyon
[9] Theo tài liệu năm 1996
[10] Nay là Lý Chính Thắng
[11] Thông cáo số 58/88, Hát Lên Mừng Chúa số 17, trang 2-8 và 18, trang 2-8