Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm A
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN A
13/8/2023
CHẦU THÁNH THÊ
Giáo xứ Vĩnh Điện
GIÁO HUẤN SỐ 38
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Thuyết Pê-la-gi-ô Hiện đại (tt)
Cuối cùng, việc thiếu sự nhìn nhận trong tinh thấn chân thành và cầu nguyện về những giới hạn của mình sẽ không cho phép ân sủng hoạt động hữu hiệu trong chúng ta, vì không còn chỗ cho tiềm năng thiện hảo vốn gắn liền với hành trình trưởng thành chân thực. Ân sủng, chính bởi dựa trên tự nhiên, không ban cho chúng ta trở thành siêu nhiên ngay lập tức. Cách nghĩ ấy cho thấy sự quá tin tưởng vào những khả năng của mình. Ẩn bên dưới tính chính thống của mình, các thái độ của chúng ta có thể không tương hợp với những gì mình nói và nhu cầu cần có ân sủng, và trong những trườp hợp nào đó, chúng ta có thể rốt cuộc chẳng tin vào ân sủng bao nhiêu. Trừ phi chúng ta có thể nhìn nhận hoàn cảnh cụ thể và giới hạn của mình, chúng ta sẽ khôgn thể thấy được những bước thực tế và khả dĩ mà Chúa yêu cầu mình tại mỗi khoảnh khắc, khi mà chúng ta được lôi cuốn và được tăng cường sức mạnh bởi ân sủng của Chúa. Ân sủng hoạt động trong lịch sử, và ân sủng thường nắm giữ và dân dần biến đổi chúng ta. Nếu chúng ta loại bỏ thực tại có tính lịch sử và tiến bộ này, thì đấy là chúng ta thực sự từ khước và chận đứng ân sủng cho dù chúng ta tán dương ân sủng bằng lời lẽ của mình (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 50).
LỜI CHÚA
(1V 19,9a.11-13a; Rm 9,1-5; Mt 14,22-23)
Bài Ðọc I: 1 V 19, 9a. 11-13a
“Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang… Có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con
Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong Ðất Nước chúng tôi.
Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.
Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Ðất Nước chúng con sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.
Bài Ðọc II: Rm 9, 1-5
“Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! – Ngôi lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 14, 22-33
“Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Bài đọc 1 (1V 19,9a.11-13a): Sách Các Vua hôm nay thuật lại câu chuyện ngôn sứ Ê-li-a đang ở núi Car-mel thì bà hoàng hậu I-de-ven, vợ vua A-khaz, sai sứ giả tới giết. Ngôn sứ Ê-li-a phải chạy trốn. Đường từ núi Car-mel tới núi Khô-rép, tức núi Si-nai nơi Thiên Chúa ban 10 giới răn, quá xa. Ông Ê-li-a mỏi mệt và đói. Chúa sai thiên thần đem bánh và nước cho ông. Ông ăn uống no nê đủ sức đi tới núi Khô-rép, mất 40 ngày 40 đêm. Tới núi ông ẩn vào hang sâu. Ông nghe có tiếng Chúa phán bảo. Ông ra ngòai. Ông thấy gió bão nổi lên, núi xẻ đá vỡ mà chẳng thấy mặt Chúa. Rồi động đất cũng chẳng thấy Chúa. Rồi lửa cũng chẳng thấy Chúa. Cuối cùng gió hiu hiu thổi, dịu dàng nhẹ nhàng thì ông lại thấy Chúa. Ông sợ quá lấy áo che mặt.
Bài Tin Mừng (Mt 14,22-23) Cũng như ông Phê-rô trong BTM : cứ tưởng khi cho ông đi trên mặt biển thì mới có Chúa; còn khi ông bắt đầu chìm thì không có Chúa. Ông sợ, ông la cầu cứu : “Thày ơi, xin cứu con”. Chúa Giê-su phải lên tiếng trách ông : “Người đâu mà kém tin thế. Sao lại hòai nghi”.
Bài đọc 2 (Rm 9,1-5) : Trái lại thánh Phaolô trong bđ2 luôn xác tín Chúa có mặt trong mọi biến cố to nhỏ, quan trọng và tầm thường, vui vẻ và đau khổ của cuộc đời ông và thế giới. Ngài nói với giáo hữu Rô-ma : “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi…Giả như vì anh em đồng bào của tôi mà tôi có bị nguyền rủa thì tôi cũng cam lòng…Chúc tụng Chúa đến muôn đời muôn thuở”.
Có lẽ chúng ta cũng như ngôn sứ Ê-li-a, như thánh Phê-rô, nghĩ rằng : Chúa chỉ có mặt trong cuộc đời chúng ta khi chúng ta làm việc lớn, khi chúng ta vui sướng; chứ Chúa đâu có khi chúng ta làm những việc tầm thường, khi chúng ta đau khổ.
Bà thánh Tê-rê-sa A-vi-la trên đường đến Bur-gos để lập một nhà kín. Đang lội qua sông bà trượt té, nước cuốn bà đi. Bà thưa với Chúa : “Sao Chúa đặt nhiều khó khăn trên đường con đi như vậy ?” Chúa hiện ra bảo bà : “Đó là cách Ta thích xử với bạn Ta”. Bà hóm hỉnh thưa Chúa : “Chính vì thế mà Chúa ít bạn”
Nhưng có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ tội lỗi. Khi phạm tội, chúng ta thấy lương tâm cắn rứt khổ đau biêt chừng nào. Biết mình bán Chúa, tội nặng hết sức, nên ông Giu-đa đã thắt cổ tự tử. Nhưng Chúa đâu bỏ các tội nhân. Chúa còn yêu họ hơn nữa : Chúa bỏ 99 con chiên, để đi tìm 1 con chiên lạc.
Được rước Chúa, Chúa trở nên lương thực, của ăn của uống cho chúng ta sống. Hỏi có ai yêu thuơng chúng ta bằng Chúa?
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu
chúng con đã được phúc gọi Chúa là Cha,
xin cho chúng con ngày càng thêm lòng hiếu thảo
hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban.
Chúng con cầu xin…
SUY NIỆM II
HƯỚNG TÂM VỀ CHÚA GIỮA SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI
(Hội An 13/8/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Theo Thánh Kinh, bão tố là dấu chỉ hoàn cảnh bất lợi xảy ra trong cuộc sống con người, gồm hoạn nạn, gian nan, chán chường v.v, hòng quật ngã tinh thần lẫn thể chất con người. Vì vậy, dù cơn bão do tội lỗi chúng ta gây nên hay cơn bão do người khác đưa đến, mọi cơn bão đều có thể làm gãy đổ đức tin và lòng nhiệt thành của chúng ta, như nó từng bẻ gãy niềm kiêu hãnh của con người nơi chiếc tàu Titanic hay nhấn chìm đức tin của Phê-rô, con người tưởng chừng vững tin.
- Hướng tâm về Chúa là dấu chỉ đức tin
Khó có đức tin của ai so bì được với đức tin của thánh Phê-rô. Thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su rất vững chãi: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức tin đó trở thành nền tảng cho đức tin và đời sống của toàn thể Hội Thánh. Mọi Ki-tô hữu được mời gọi tiến tới một đức tin trưởng thành như thế. Thánh Phê-rô còn mạnh dạn bày tỏ đức tin: “Dẫu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”, “con sẵn sàng hy sinh mạng sống con cho Thầy.” Phê-rô thành thật nói với Chúa về đức tin của mình, chứ không muốn hứa cuội.
Và hôm nay, Tin Mừng tường thuật thêm trường hợp đức tin mạnh mẽ của Phê-rô. Trong đêm tối giữa biển hồ, sau khi nghe Chúa nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”, thánh Phê-rô tin vào Chúa, bèn xin cho mình bước đi trên mặt nước mà đến với Chúa. Chúa bảo: “Cứ đến.” Nghe lời Chúa, thánh Phê-rô càng mạnh tin, không sợ hãi bước xuống biển tiến về phía Chúa, điều chưa bao giờ Phê-rô dám làm trong đời. Đức tin của thánh Phê-rô mạnh mẽ giữa sóng gió vì ngài biết hướng nhìn vào Chúa Giê-su. Nghe Chúa kêu gọi “cứ đến”, thánh Phê-rô bước ra khỏi thuyền theo lời Chúa và bước những bước tiếp hướng về Chúa.
Quả thật, đức tin của thánh Phê-rô khó ai bì! Giống như cái chớp mắt, cần nhắm lại chút xíu để tạo điều kiện cho mắt nhìn rõ hơn, người có đức tin mạnh mẽ là người thay vì chăm chăm chú chú nhìn sóng gió cuộc đời, họ hướng nhìn vào Chúa Giê-su.
- Hướng tâm về Chúa là chọn lựa duy nhất trong mọi hoàn cảnh
Điều gì xảy ra khi thánh Phê-rô lạc hướng nhìn? Mọi sự trở nên tồi tệ khi Phê-rô nhìn xuống sóng gió mà không còn nhìn về Chúa Giê-su. Sự sợ hãi tràn vào tâm hồn của Phê-rô chẳng khác gì sóng nước ùa vào thuyền và nhấn chìm Phê-rô. Một bài học cho Phê-rô và cho chúng ta: khi chúng ta quá bận tâm lo lắng về hoàn cảnh của mình hơn là hướng tâm về Chúa, chúng ta sẽ mất đức tin và trở nên kẻ nghi ngờ Chúa. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm sai lầm của Phê-rô giữa sóng gió. Khi mọi sự yên bình và thành đạt, chúng ta dễ hướng tâm về Chúa và yêu Chúa thiết tha, dễ cầu nguyện và thờ phượng Chúa, thấy bàn tay Chúa rõ ràng trong cuộc đời mình. Nhưng khi ngày trả nợ gần kề, khi học phí của con cái và mọi chi phí gia đình đuổi sát lưng, khi có những trục trặc trong đời sống vợ chồng hay gia đình, hoặc khi những cơn đau thân xác hành hạ v.v, những thứ ấy trì kéo con mắt tâm hồn của chúng ta rời xa Chúa, chúng dán chặt đôi mắt chúng ta vào những lo âu và gian nan ấy, khiến chúng ta không còn nhìn thấy Chúa và không biết phải làm gì giữa sóng gió cuộc đời, thậm chí ma quỷ còn rủ rê chúng ta làm điều dại dột, điều mà chúng ta nghĩ không bao giờ ngây dại như thế. Vậy, chúng ta phải làm gì giữa sóng gió cuộc đời?
Mọi sự trở lại tốt đẹp với Phê-rô khi Phê-rô lại hướng nhìn và đưa tay về phía Chúa với lời kêu cầu: “Lạy Thầy, xin cứu con!” (Mt 14,30). “Chúa Giê-su đưa tay nắm lấy ông” (Mt 14,31). Chúa Giê-su là Đấng cứu độ, là giải đáp cho mọi hoàn cảnh chúng ta đối mặt. Mọi giải đáp cho các vấn đề từ đơn giản đến phức tạp nhất đều như nhau, vì Chúa Giê-su chính là Đấng giải đáp cho mọi sự và mọi giải pháp được tìm thấy nơi Ngài. Cũng vậy, mọi sự trở nên tốt đẹp với chúng ta khi giữa mọi hoàn cảnh, nhất là lúc lao đao, chúng ta vẫn một mực tin tưởng và thờ phượng Chúa, trung thành nghe và sống lời Chúa, cầu nguyện và tín thác vào Chúa. Chúng ta cần tự vạch hướng cho mình: Chúa Giê-su là tâm điểm của cuộc đời chúng ta và là Đấng chúng ta nương cậy.
Trong thư gởi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã cho chúng ta một mẫu gương đức tin. Thánh Phaolô nêu hoàn cảnh của Abraham như hoàn cảnh của thánh Phê-rô và của chúng ta, nhưng Abraham không quá bận tâm và hoảng hốt như Phê-rô và nhiều người, Abraham xác tín sự hiện diện của Thiên Chúa và dán chặt mắt tâm hồn của mình vào Chúa trong nghịch cảnh. Thánh Phaolô viết: “Mặc dù không còn gì để trông cậy, Abraham vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông trở thành tổ phụ nhiều dân tộc…, ông chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa… ông hoàn toàn xác tín điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Ngài có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4,18-21). Nói cách khác, mắt hướng nhìn về Chúa Giê-su, thì Ngài sẽ khai mở và kiện toàn lòng tin của chúng ta (x. Dt 12,2).
Xin Chúa cho mỗi người và mọi gia đình tín hữu chúng con, luôn hướng mắt và tâm hồn về Chúa trong mọi hoàn cảnh, bởi Chúa là Đấng làm phát sinh đức tin nơi chúng con và là Đấng đức tin chúng con qui về. Giữa bão tố cuộc đời hay những lúc chúng con phản bội Chúa, xin Chúa nắm tay con đang đưa về phía Chúa, dắt con đi qua đêm tối và đưa con vào lòng Chúa, bởi trong mọi lúc con chỉ muốn kêu lên: con chỉ muốn một mình Chúa, một mình Chúa thôi.