Chúa Nhật XX Thường Niên Năm A


Chúa Nhật XX Thường Niên năm A

20/8/2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Lệ Sơn

Giáo xứ Cẩm Sơn

GIÁO HUẤN SỐ 39

HAI KẺ THÙ CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Thuyết Pê-la-gi-ô hiện đại (tt)

Khi Thiên Chúa ngỏ lời với Abraham, Ngài bảo : ‘Ta là Đức Chúa toàn năng, ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo’ (St 17,1). Để sống hoàn hảo như Ngài kêu gọi mình, chúng ta cần lòng khiêm nhường trong sự hiện diện của Ngài, mặc lấy áo choàng vinh quang của Ngài, chúng ta cần bước đi trong sự kết hợp của Ngài, nhận ra tình yêu thương thường hằng của Ngài trong đời sống mình. Chúng ta cần bỏ đi nỗi sợ hãi của mình trước sự hiện diện vốn chỉ có ý nghĩa tốt lành của chúng ta. Thiên Chúa là người cha đã trao ban cho chúng ta sự sống và yêu thương chúng ta vô cùng. Một khi ta biết chấp nhận Ngài và không còn cố sống cuộc sống mình một cách bất cần Ngài, thì nỗi khổ cô đơn biến mất (x. Tv 139,23-24). Bằng cách này chúng ta sẽ biết ý Chúa muốn về cái gì đẹp lòng Ngài và hoàn hảo (x.Rm 12,1-2) và sẽ cho phép Ngài  đúc nặn chúng ta như một người thợ gốm  (x. Is 29,16). Rất thường, ta nói rằng Thiên Chúa ở trong ta, nhưng tốt hơn nên nói rằng chúng ta ở trong Thiên Chúa, rằng Ngài giúp ta có thể ở trong ánh sáng và tình yêu của Ngài. Ngài là đền thờ của chúng ta, chúng ta xin được cư ngụ trong nhà Chúa mỗi ngày suốt đời mình (x.Tv 27,4) vì một ngày trong hành lang nhà Chúa thì còn hơn cả ngàn ngày ở nơi khác (Tv 84,10). Sự thánh thiện của chúng ta ở nơi Ngài (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ số 51).

 

LỜI CHÚA

Is 56, 1.6-7; Rm 11,13-15.29-32; Mt 15,21-28

Bài Ðọc I: Is 56, 1. 6-7

“Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Thiên Chúa phán: “Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện.

“Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài

Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu, thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ.

Xướng: Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.

Xướng: Chư dân hãy ca tụng Ngài. Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.

 

Bài Ðọc II: Rm 11, 13-15. 29-32

“Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Israel, thì Người không hề hối tiếc”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?

Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 15, 21-28

“Này bà, bà có lòng mạnh tin”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Thánh Maximilianô Kolbê

Thứ hai lễ thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê. Thánh Kônbê người Ba Lan. Ngài sinh năm 1894 . Năm 16 tuổi ngài đi tu dòng Phan sinh. Ngài được du học ở Rôma. Mặc dầu ngài đã đậu tiến sĩ triết và thần học, nhưng ngài thích khoa học. Ngài đã vẽ một họa dồ về con tầu mang phi đạn.

Thánh Kônbê chịu chức linh mục năm 24 tuổi. Ngài nhìn thấy người ta dửng dưng với tôn giáo. Ngài coi đó là một thứ thuốc độc giết người. Nhân lọai cần được Đức Mẹ chữa trị. Ngài lập phong trào Chiến Sĩ Mẹ Vô Nhiễm. Đời sống đạo đức, cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ là phương thuốc chữa trị được thứ độc dược giết người này. Ngài ra tờ báo “Hiệp Sĩ Mẹ Vô Nhiễm”. Mỗi ngày xuất bản 1 triệu số. Ngài xây dựng một nhà dòng gọi là “Thành Phố Mẹ Vô Nhiễm” có 762 thầy dòng Phansinh sống làm việc trong đó. Năm 1930 ngài sang Nhật truyền giáo. Ngài cũng lập “Thành Phố Mẹ Vô Nhiễm” ở Nagasaki.

Năm 1939 Đức Quốc Xã chiếm Ba Lan. Ngài trở về Ba Lan. “Thành Phố Mẹ Vô Nhiễm” của ngài bị trúng bom đổ nát. Ngài bị bắt, gần ba tháng tù đày. Ngài nói : “Tôi muốn chịu đau khổ và chết như một người hiệp sĩ.” Ngài được thả  vào ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm 8-12-1939.

Hai năm sau, Tháng 2 năm 1941, ngài bị bắt lại. Ngài bị giam ở Ô-súyt (Auschwitz), một trại tù dã man nhất. Tháng 7-1941 một người tù vượt ngục. Cai tù ra lệnh 10 người khác chết thay. Anh cai tù chỉ tay người này, người nọ. Đủ 10 người. 10 người xếp hàng thẳng chuẩn bị đi vào phòng chết đói. Chẳng có gì cho nhau sống. Khát qúa thì uống nước tiểu của nhau. Bỗng một người òa khóc kêu to : “Khốn cho vợ con tôi ! Tôi chẳng còn được trông thấy nữa !”. Một người tù giơ cao tay nói : “Tôi muốn chết thay cho người tù đó. Anh ta có vợ có con.” Cai tù hỏi : “Mày là ai ?”. Người tù đáp : “Tôi là linh mục Công giáo.” Người tù không cho biết tên, biết tuổi, chỉ vỏn vẹn khai “Tôi là linh mục Công giáo.”   Mọi sự như chùng xuống. Những tiếng nói, những vẻ mặt đằng đằng sát khí biến mất. Tất cả đều im lặng. Sự sống đã chiến thắng sự chết. Tình thương đã chiến thắng hận thù. Cai tù gật đầu đồng ý. Cha Kolbe nhập hàng với 9 người kia đi vào phòng chết đói. Cha giúp cho tất cả vui vẻ đón chờ cái chết. Phòng chết biến thành phòng cầu nguyện, tiếng hát thay cho tiếng khóc. 6 người đã tắt thở. Chiều ngày 14-8-1941 cai tù tới, thấy cha cùng ngồi trong góc phòng cầu nguyện. Cha còn bình tĩnh giơ tay cho cai tù chích mũi thuốc độc kết thúc cuộc đời. Cha cùng 9 người bạn tù bị vất vào lò thiêu đốt thành tro.

Khi còn sống, Thánh Kônbê đã kể lại rằng : “Tôi đang cầu nguyện, xin Đức Mẹ nói cho tôi biết sau này tôi sẽ ra sao. Đức Mẹ hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một trắng một đỏ. Mẹ hỏi tôi thích cái nào. Tôi đáp : Con thích cả hai. Đức Mẹ cười và biến đi.” Thánh Kônbê đã được cả hai triều thiên : triều thiên đồng trinh và triều thiên tử đạo.

Năm 1982 Đức Giáo hòang Gioan-Phaolô II đã phong thánh cho cha. Trong lễ phong thánh có sự hiện diện của người tù cha đã chết thay, ông Phanxicô Gia-cô-ni-véc (Francis Gajowniczeck). Trong bài giảng, Đức Giáo hòang đã nhắc lại lời Chúa Giêsu : “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.”.

Ba bài đọc thánh lễ chúa nhật hôm nay đều nói đến lòng yêu thương không biên giới của Chúa.

 Bài đọc 1(Is 56,1.6-7) : Trước hết là bđ1. Sau lưu đày ở Babylon trở về xây dựng lại quê hương xứ sở và Đền thờ Giêrusalem trên đồi Sion, dân Do Thái không muốn chung sống với dân ngọai. Nhiều dân ngoại muốn đóng góp vào việc xây dựng Đền thờ. Họ không cho. Họ coi dân ngọai là kẻ thù của họ và cả của Chúa. Ngôn sứ Isaia phải nhắc lại lời Chúa : “Người ngọai bang đều được Ta dẫn lên núi thánh, và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta…Vì nhà của Ta là nhà cầu nguyện của muôn dân.” (Is 56,1.6.7). Dù vậy, khi xây xong Đền thờ, người Do Thái không cho dân ngọai ngồi chung cầu nguyện với họ. Dân ngọai muốn đến Đền Thờ thì có chỗ riêng, chỗ mà người Do Thái buôn bán Chúa Giêsu đã xua đuổi.

 Bài Tin Mừng (Mt 15,21-28) : thọat nghe câu nói Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Canaan, một phụ nữ ngọai giáo là chó con, ngày nay chúng ta lấy làm chướng. Trong ngôn ngữ thời Chúa Giêsu, người Do Thái rất ghét người ngọai giáo, và sau này cũng rất ghét người Công giáo. Người Do thái khinh bỉ gọi là “chó ngọai đạo”, “chó Công giáo”. Đó là lọai chó lang thang ở ngòai đường. Người Việt Nam cũng gọi kẻ mình khinh ghét là “đồ chó má”. Trong bài TM Chúa Giêsu gọi bà Canaan là “chó con”, là lọai chó nuôi trong nhà, lọai chó được cưng chiều. Chúa Giêsu không những không khinh bỉ người ngọai đạo, mà còn khen ngợi. Chúa Giêsu nói : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật” (Mt 15,28). Còn dân Do Thái, trước đó Chúa đã phải đau lòng mà nói thẳng : “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mt 15,8).

 Bài đọc 2 (Rm 11,13-15.29-32) : Cả thánh Phaolô trong bđ2 cũng chê đức tin của người Do Thái kém người ngọai. Ngài nói : “Thưa anh em…là những người gốc dân ngọai…Nay anh em đã được thương xót, vì con dân Ít-ra-en đã không vâng phục.” (Rm11,13.30).

Tóm lại, Lời Chúa trong thánh lễ đã cho thấy lòng thương của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu. Lòng thương không hạn hẹp, lòng thương vô bờ bến, lòng thương hy sinh, lòng thương hiến mạng sống mình.

Thánh Kônbê đã noi gương Chúa hy sinh mạng sống mình cho người bạn tù.

Cao cả thay ! Vĩ đại thay !

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng

cho nhưng người mến Chúa,

xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt

xuống tâm hồn chúng con

giúp chúng con một niềm mến Chúa

trong mọi sự và hơn mọi loài

hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa,

là gia ngiệp cao quí

hơn những gì lòng người dám ước mong.

SUY NIỆM II

ĐỨC TIN MẠNH MẼ NHỜ CẦU NGUYỆN

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Đến viếng mộ Cha Trương Bửu Diệp ở Tắc Sậy, Cà Mau, hay nơi linh địa Đức Mẹ Maria, chúng ta thấy những tấm bảng đá tạ ơn gắn đầy tường, phần đông người tạ ơn đều không có tên thánh, chứng tỏ người lương được ơn cứu giúp nhiều hơn người Công giáo. Tại sao vậy? Chúng ta thật khó trả lời. Chỉ có Chúa mới trả lời thật chính xác: “Lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao được vậy” (Mt. 15,18). Cho nên, ơn Chúa xuống dồi dào cho mọi người, như Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến cho họ được sống và được sống dồi dào” và “Thiên Chúa đã cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ xấu cũng như kẻ tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt. 5, 45).

Người phụ nữ Canaan trong bài Tin Mưng hôm nay, là một người ngoại giáo có một đức tin mạnh mẽ vào quyền phép của Chúa Giêsu. Quả thật nhờ lòng tin, người đàn bà xứ Canaan được Chúa cứu người con gái bà bị quỷ ám đã nhiều năm phải sống trong tình trạng rất khổ sở, đức tin của bà đã được chính Đức Giêsu khen “Bà có lòng tin mạnh thật”. Nhưng đức tin mạnh mẽ của bà do đâu?

Thứ nhất, nhờ lắng nghe và đi tìm. Xứ Canaan là nơi mà người Do thái xưa kia cho là dân ngoại, không hề biết đến Thiên Chúa, nếu có biết thì cũng chỉ thoảng qua. Người đàn bà xứ Canaan chắc chắn không biết Đức Giêsu xuất thân từ đâu và cũng không thể nào biết Đức Giêsu có một quyền năng siêu phàm cải tử hoàn sinh, là thần y chữa bá bệnh để rồi tự tìm đến với Chúa, có phải chăng bà đã nghe những người Do thái truyền miệng cho nhau về Đức Giêsu, từ lắng nghe, bà cất bước đi tìm để rồi những cố gắng của bà đã được toại nguyện, gặp được Chúa. Qủa đúng như bài bài đọc 1 xác tín khi người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa đều được Thiên Chúa tỏ lộ cho người ấy biết Ngài qua mọi sự việc, biến cố.

Thứ 2, đức tin của Bà Canaan mạnh do tình yêu dành cho con cái. Bà yêu người con gái của mình, đó là giọt máu của bà, là niềm vui của bà trong cuộc sống “con đau mẹ cũng đau”, chính cái đồng cảm trong tình yêu mẫu tử, bà đã mạnh dạn đến để xin cùng Đức Giêsu chữa cho con bà và chính tình yêu đó thúc đẩy bà tin Chúa sẽ thực hiện điều bà mong ước là cho con gái được khỏe mạnh. Từ tình yêu dành cho con dẫn đến lòng tin vào Thiên Chúa, bà đã được Chúa đáp trả.

Thứ 3, Đức tin của Bà mạnh do bà biết ăn ở khiêm nhường. Bà tỏ ra rất khiêm nhường trước những lời miệt thị của người Do thái, khiêm nhường khi chính Đức Giêsu lặng im nhưng bà cứ theo sau kêu xin mãi, khiêm nhường chịu đựng khi các tông đồ quát mắng nhiều lời và khiêm nhường chấp nhận mình chỉ là con chó con dưới bàn ăn của chủ. Chính nhờ lòng tin trong sự khiêm nhường đó mà bà đã được thỏa lòng mong ước.

Và cuối cùng, đức tin của bà mạnh do lòng kiên nhẫn của bà. Thánh Mátthêu đã trình thuật một cách tỉ mỉ về sự kiên nhân của người đàn bà xứ Ca-na-an: Lần đầu bà van xin, Chúa như vờ không nghe thấy. Lần hai chính các môn đệ thưa với Chúa nhưng Chúa đáp lại với các môn đệ một cách như vô tình “Thầy chỉ được sai lạc nhà Israel mà thôi”. Lần ba bà lại van xin một cách tha thiết nhưng chính Đức Giêsu đáp lại, “Không thể lấy bánh của con mà ném cho chó” với lòng kiên nhẫn bà đã đáp lại “Nhưng thưa Ngài! Chó con cũng được thừa hưởng những miếng bánh vụn từ bàn ăn rơi xuống”. Mà con chó trong Thánh kinh nói rằng Do chó ăn những vật dơ bẩn, cho nên các dân tộc sống ở vùng Cận Động đã dùng chữ “chó” để mô tả khái niệm bẩn thỉu, hung bạo và man rợ. Quả thật điều bà xin với Chúa rất chính đáng và đó cũng là những lời giáo huấn của Đức Giêsu, bà không xin cho chính bà, bà xin cho người con đang rất cần tình yêu liên đới của mọi người và cũng từ nơi Chúa. Nếu không có sự kiên nhẫn liệu bà ta có được những điều mình mong ước ngay lúc hiện tại và tương lai? Chính do lòng kiên nhẫn bà đã thành công một cách mỹ mãn đem lại cho chính bà niềm vui, đem lại cho con gái bà một sức sống mới và đem lại vinh quang cho Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

Chúng ta cảm tạ vì Chúa đã ban nhưng không Đức tin cho chúng ta, mà đức tin là gì? Đức Cố giáo hoàng Bênedicto XVI định nghĩa rằng: “Đức tin là hồng ân Thiên Chúa nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người. Đức tin không đơn thuần là một sự đồng ý trí tuệ của con người với những chân lý cụ thể của Thiên Chúa mà đức tin là hành động tự do phó thác chính mình cho Thiên Chúa Đấng yêu thương tôi nên tôi gắn bó với Ngài với hy vọng và tin tưởng” (Thông điệp Ánh sáng Đức Tin). Vâng, lòng tin thường là điều kiện cần thiết để Chúa thi thố tình thương của Ngài dành cho chúng ta. Lòng tin chúng ta càng lớn thì ân ban cho chúng ta càng nhiều. Lòng tin càng được tôi luyện trong gian nan thử thách thì càng thấy rõ hơn tình thương của Chúa khi được Ngài giải thoát khỏi mọi hiểm nguy như Thánh Giacôbê nói: “Thưa anh chị em, anh chị em hãy tự cho mình là được chan chứa nim vui khi gặp thử thách trăm chiu. Vì như anh chị em biết: đức  tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh chị em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh chị em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).

Vâng, mới đây cũng vì lòng tin kiên trì cô bé Jimena được Đức Mẹ Fatima cầu bầu cùng Chúa cô đã được phép lạ sáng mắt. Bé bé kể rằng trong hai năm rưỡi, Jimena đã bị mất thị lực do chứng cận thị khiến thị lực của cô bị giảm 95%. Trước những ngày biết Đức Thánh Cha đến Mẹ Fatima, cố bé cùng những người quen của cô gái trẻ đã tổ chức một tuần cửu nhật để cầu nguyện với Đức Mẹ Tuyết. Vào sáng ngày 5 tháng 8, khi Đức Thánh Cha cũng đang lần chuỗi Mân Côi tại đền thờ Fátima, Jimena đã nhận được điều mà chính cô mô tả là “món quà tuyệt vời” từ Đức Trinh Nữ Maria. Cô bé đã đi tham dự Thánh lễ với bạn bè của mình và sau khi rước lễ, tôi bắt đầu khóc rất nhiều, vì đó là ngày cuối cùng của tuần cửu nhật và tôi muốn được chữa lành và tôi đã cầu xin Chúa rất nhiều: làm ơn [chữa bệnh cho tôi].” “Khi tôi mở mắt ra, tôi có thể thấy rõ ràng,” “thật choáng ngợp; phải cảm ơn rất nhiều về phép lạ, vì tôi đã nhìn thấy bàn thờ, đền tạm, những người bạn gái của tôi ở đó, và tôi có thể nhìn thấy họ một cách hoàn hảo.”

Ước gì, Qua Lời Chúa hôm nay, Xin cho chúng ta biết đi tìm Chúa mọi lúc, mọi nơi, luôn có một tình yêu như Chúa đã yêu chúng con và cuối cùng xin cho chúng ta có lòng kiên nhẫn mạnh mẻ vào Chúa trong đời sống cầu nguyện. Nhờ đó mà chúng ta có được sự bình an, niềm vui của Chúa và không bao giờ bỏ cuộc trước gian nguy, nhưng luôn tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Amen.

 

SUY NIỆM III

ĐỨC TIN LỚN LÊN TRONG THỬ THÁCH

(Hội An 20/8/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Hôm nay Chúa cho chúng ta cơ hội nhìn lại đức tin của mỗi chúng ta. Hãy nghĩ lại thời điểm chúng ta từng gặp thử thách đức tin nhất. Đó là lúc gia đình đổ vỡ, lúc sự nghiệp tiêu tan, lúc bị chẩn đoán mang bệnh nan y, lúc mất sạch của cải, lúc mất người thân yêu nhất, lúc bị hiểu lầm hay hiểu đúng khiến chúng ta bàng hoàng trước ánh mắt soi mói của người chung quanh, lúc bị dập vùi bởi thói ghen tỵ v.v. Những lúc ấy chúng ta làm gì? Buông xuôi hay đứng dậy, tin hay không tin vào Thiên Chúa? Có ai dám bảo đó là thời gian ngọt ngào sống đức tin?

Bước tiến đức tin trong gian nan của người đàn bà Canaan được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta soi mình rõ hơn.

  1. Đức tin gặp thử thách

            Trước hết, đức tin của bà vào Chúa Giê-su gặp thử thách nặng nề. Bà rơi vào nỗi sợ hãi mất con, con bà đang bị quỷ ám hại. Bà cuống cuồng tìm niềm hy vọng cứu chữa cho kịp trước khi con chết. Tiếp đến, khi chạy đến Chúa Giê-su và van lơn Ngài ra tay cứu lấy gia đình mình, nhưng Chúa Giê-su không đáp một lời nào. Đức tin của bà như va đầu mạnh vào bức tường đá vô cảm. Thử hỏi, đức tin của bà bây giờ sẽ đi về đâu? Thử thách càng dữ dội khi bà nghe Chúa Giê-su nói: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”, nghĩa là Chúa ban ơn cho những người khác, chứ không cho tôi. Những người khác là những người xứng đáng hơn tôi, đạo đức hơn tôi, có đức tin hơn tôi. Khi cuộc đời ném vào mặt chúng ta nhận xét không xứng đáng, chúng ta có cầu nguyện nữa không, còn tin vào lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta là những người không xứng đáng nữa không? Không ít người trong chúng ta đã trải qua những thời điểm đức tin hấp hối bên trong bản thân mình, không chịu đựng nỗi sức o ép không tin vào Thiên Chúa, như thể người đàn bà Canaan sắp kết liễu đức tin khi Chúa dùng lối nói của người Do Thái khinh miệt người Canaan là chó con để nói với bà.

Đến đây, bà có đủ lý do để mất đức tin, đủ lý do chống lại việc cầu nguyện, sự tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Bà có đủ lý chứng để giận dữ với Chúa Giê-su: “Tôi không phải là chó. Tôi là một người mẹ đang tìm cách cứu con mình. Nếu ông xúc phạm đến phẩm giá của tôi, thì ông không phải là người tốt lành và tôi không cần sự giúp đỡ của ông nữa.” Nhưng không, thay vì rời bỏ Chúa, bà khiêm tốn chấp nhận lời Chúa nói và ân cần thưa với Chúa: “Thưa Ngài, lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Dù không là người Do Thái, bà tin trái tim Chúa vướng bận số phận con chiên trong bụi gai như bà, hơn là số phận của đàn cừu bình an trong đồng cỏ. Bà nhìn nhận bà không đáng được hưởng, nay được hưởng những ân phúc Thiên Chúa ban cho người Do Thái như thể được hưởng bánh từ bàn rơi xuống và bà chỉ cần có vậy thôi. Và bà được hưởng phần thưởng của người có đức tin: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy” (Mt 15,28).

  1. Đức tin lớn lên trong thử thách

            Chúa Giê-su khen người phụ nữ Canaan có đức tin mạnh mẽ, vì bà không rời bỏ niềm hy vọng vào Chúa Giê-su, dù bà không dễ dàng được Chúa đáp ứng lời khẩn nài hay được một lời dỗ dành an ủi. Thế mà, bà vẫn cứ tin vào Chúa Giê-su trong nghi nan. Đức tin của bà lớn lên trong thử thách.

            Quả thật, đức tin luôn đòi hỏi chịu thử thách. Đức tin không phải là cuộc chạy trốn, nhưng là lời đáp trả lời Thiên Chúa; không phải dựa thánh giá để tìm an nhàn, nhưng là vác thánh giá. Đức tin không hề dễ chịu đối với những người tìm sự dễ chịu, bởi sự dễ chịu chỉ gặp thấy nơi những cuộc vui chóng qua, nơi những lời tán tỉnh dối lừa, nơi sự êm ái của vũng lầy.

            Ma quỷ luôn đặt mối nghi ngờ trong đời Ki-tô hữu: “Tại sao Chúa cho phép điều bất hạnh này xảy ra trong đời tôi, trong gia đình tôi?” Những nghi ngờ bị Chúa bỏ rơi như thế là kinh nghiệm trong đời sống đức tin của các thánh. Chúa Giê-su từng thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha đành bỏ con?” Tuy nhiên, khủng hoảng đức tin không có nghĩa là khước từ đức tin. Ki-tô hữu có thể chịu mất hết tất cả trong cuộc thử thách đức tin, chỉ có phần gia nghiệp họ không bao giờ chịu mất là đức tin. Trong thử thách, nhờ giữ lấy đức tin vào Chúa Giê-su, Ki-tô hữu càng biểu lộ nhu cầu đi sâu vào mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa.

            Đến đây, chúng ta mượn hình ảnh con chim vành khuyên được Đức cha Fulton Sheen dùng trong cuốn “Con đường về trời” để diễn tả niềm vui của người sống đức tin trong thử thách. Bài hót hay nhất chim vành khuyên học được là trong đêm tối. Ban ngày nó chỉ học được vài điều vặt vãnh. Trong đêm tối, nó học được cả bài đến nỗi thuộc lòng và cứ hót như thế cho đến chết. Tiếng hót của nó làm say lòng người và làm mọi loài chim phải ghen tỵ. Tương tự, đời Ki-tô hữu có ý nghĩa và cất được lời loan báo có sức thuyết phục khi sống đức tin trong đêm tối, trong thử thách gian nan. Trong cơn khốn cùng, Chúa Giê-su thưa với Chúa Cha: “Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha.” Trong đêm tối, người phụ nữ Canaan không rời bỏ Chúa Giê-su và bà trở thành gương sáng cho đến tận thế. Đức tin của các tín hữu giữa các cuộc bách hại vẫn sáng ngời trong Hội Thánh. Đức tin của mọi ông bà, cha mẹ và anh chị em sẽ là nét đẹp cho những thế hệ đang sống đức tin hay đang yếu kém đức tin, vì giữa đêm tối đức tin trong đời hoặc trong gia đình, anh chị em vẫn giữ một điều duy nhất là sống với Chúa Giê-su và nói với Chúa Giê-su: “Chúa là gia nghiệp đời con.”

            Ước gì mọi Ki-tô hữu ngày càng mạnh tin, bất chấp thử thách nghi nan.