Đức Thánh Cha: Giáo Lý Không Phải Là Một Tảng Đá Không Thể Thay Đổi
Ngày 28/8, tạp La Civiltà Cattolica-Văn minh Công giáo đã cho công bố nội dung buổi trò chuyện của Đức Thánh Cha với các tu sĩ Dòng Tên trong chuyến tông du đến Bồ Đào Nha. Trong cuộc trò chuyện này Đức Thánh Cha đã đề cập đến một loạt chủ đề, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về những thách đố của Giáo hội và tầm nhìn của ngài về tính toàn diện phát triển giáo lý và Thượng hội đồng.
Vatican News
Trước hết về tính toàn diện, Đức Thánh Cha nhắc lại những gì ngài luôn nhấn mạnh trong suốt thời gian diễn ra Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon: “Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người”. Ngài khẳng định tầm quan trọng của việc tạo ra không gian cho mọi người, bất kể xu hướng tính dục, và phê bình việc tập trung quá mức vào các hành vi vi phạm tính dục, nhưng lại bỏ qua các tội khác. Cần phải có một cách tiếp cận nhạy cảm và giàu tưởng tượng về mặt mục vụ để đồng hành với những cá nhân trong hành trình thiêng liêng.
Cuộc trò chuyện tiếp tục liên quan đến những căng thẳng đang có trong Giáo hội, bao gồm thái độ phản đối giáo lý của Công đồng Vatican II. Ngài nhấn mạnh bản chất năng động của giáo lý Giáo hội, theo đó giáo lý không phải là một tảng đá không thay đổi được, nhưng là một thực thể đang phát triển. Ngài đưa ra những ví dụ lịch sử mà giáo lý đã thay đổi như về án tử hình, vũ khí hạt nhân và chế độ nô lệ.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha bày tỏ sự lo ngại về sự xâm chiếm quá mức tinh thần thế tục vào đời sống tôn giáo. Ngài cảnh báo không được thoả hiệp với các giá trị cốt lõi với sự quyến rũ của các hệ tư tưởng thế tục. Ngài đi xa hơn nữa khi đề cập đến những thách đố đặt ra bởi một xã hội tràn đầy đặc tính “khiêu dâm” và tác động của các vấn đề như nội dung khiêu dâm trong thời kỹ thuật số.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha bày tỏ sự mong đợi của ngài đối với Thượng hội đồng sắp tới, một cuộc gặp gỡ của các vị lãnh đạo Giáo hội để thảo luận về những vấn đề quan trọng. Đức Thánh Cha nói Thượng hội đồng không phải là phát minh riêng của ngài, nhưng đúng hơn Thượng hội đồng nhằm khôi phục tính hiệp hành trong Giáo hội, một khái niệm đã được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI ủng hộ. Như thế, chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn các cuộc thảo luận, và Thượng hội đồng không thiên về chính trị hay tập trung vào phiếu bầu.