Bài 7: Lời Chào – Lời Dẫn Nhập Đầu Lễ
WHĐ (19.11.2023) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 7: LỜI CHÀO – LỜI DẪN NHẬP ĐẦU LỄ
I. VĂN KIỆN
Dứt ca nhập lễ, linh mục đứng tại ghế, cùng toàn thể cộng đoàn làm dấu thánh giá trên mình. Tiếp đó, linh mục dùng lời chào biểu thị cho cộng đoàn biết sự hiện diện của Chúa. Lời chào của linh mục và câu đáp của cộng đoàn nói lên mầu nhiệm của Hội Thánh được quy tụ. Sau lời chào, linh mục hoặc phó tế hoặc một thừa tác viên giáo dân có thể nói rất vắn tắt dẫn đưa cộng đoàn vào Thánh lễ ngày hôm ấy (Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 50).
II. LỜI CHÀO & Ý NGHĨA
A. Ba công thức
Sách lễ Rôma hiện nay dự liệu 3 công thức cho chủ tế chọn để chào cộng đoàn:
1) Công thức thứ I: Chúa ở cùng anh chị em
Công thức này nằm trong số những yếu tố cổ xưa nhất của nghi thức nhập lễ và là một câu có xuất xứ từ nhiều đoạn Kinh Thánh:[1] [i] Trong sách Rút (2,4) khi ông Bôat chào những người thợ gặt của ông “Xin Đức Chúa ở cùng các anh”; [ii] Trong sách Sử Biên Niên II (15,2), Azarias nói với Asa: “Đức Chúa ở cùng anh em”; [iii] Trong sách Thẩm Phán, Thiên Chúa cũng chào Gêđêon: “Đức Chúa ở cùng ông” (Tl 6,12); [iv] Trong Tân Ước, chính thiên thần Gabriel cũng chào Đức Mẹ: “Kính chào bà đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Công thức “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12; 18,19; Đnl 20,1; Kh 21,3) vừa là lời cầu chúc vừa là sự cam kết của Chúa hỗ trợ những kẻ thuộc về Ngài.
2) Công thức II: Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (x. 2Cr 13,13)
Đây là một công thức phụng vụ được sử dụng từ thời các tông đồ. Nó không những rõ rệt nhắc tới sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng còn cho chúng ta biết công việc riêng của mỗi Ngôi. Lời chào chúc này nhắc nhở các tín hữu tham dự: cầu xin sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi; Thánh lễ được dâng lên để tôn vinh Chúa Cha, nhờ lễ tế của Chúa Con, trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa lễ vật cũng như liên kết mọi người dâng lễ lại với nhau và với Chúa Giêsu làm của lễ thượng tiến Chúa Cha. Ở đây, thánh Phaolô cầu xin sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn của mọi sự hiệp nhất, trở thành nguồn hiệp nhất trong đời sống của Hội Thánh.[2]
3) Công thức thứ III: Nguyện xin Thiên Chúa, Cha chúng ta và Đức Giêsu Kitô ban cho anh chị em ân sủng và bình an
Một cách tổng quát, đây là công thức thánh Phaolô dùng nhiều lần trong khi mở đầu các bức thư của ngài (x. Rm 1,7; Gl 1,3; 1Cr 1,2; 2Cr 1,2; Ep 1,2; Cl 1,3; 1Tx 1,2; 2Tx 1,2). Lời chúc bình an cũng là một đặc tính trong cách chào chúc của Kinh Thánh còn được lưu giữ tới bây giờ, và đã được chính Chúa Giêsu Phục sinh sử dụng (x. Ga 20, 19). Tuy chỉ nhắc tới Chúa Cha và Chúa Kitô, nhưng theo thánh Phaolô, ân sủng nhiều lần được đồng hóa với Chúa Thánh Thần (Ep 1,3) và bình an cũng là hoa trái của Chúa Thánh Linh (Gl 5,22), cho nên công thức này cũng liên hệ đến Thiên Chúa Ba Ngôi.[3]
B. Lời chào của giám mục
Nếu là giám mục, chủ tế sẽ chào cộng đồng bằng câu: “Bình an [của Chúa] ở cùng anh chị em” (Chúc anh chị em được bình an) – dân chúng đáp “và ở cùng cha” (Xin chúc cha cũng được như vậy). Lời chào và câu thưa này càng hướng chúng ta về Chúa Giêsu hơn, vì đó chính là câu Ngài chào các tông đồ khi sống lại và hiện ra với các ông (x. Ga 20,19; Lc 24,36). Câu “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” là một công thức được sử dụng bên Antiôkia và Constantinopoli trong khi bên Tây phương và Ai Cập lại dùng công thức “Chúa ở cùng anh chị em.”[4]
Như được ghi trong cuốn Truyền thống Tông đồ, cuộc đối thoại giữa chủ tế và dân chúng: “Chúa ở cùng…” – “Và ở cùng …” xuất hiện trong Kinh nguyện Thánh Thể hồi thế kỷ IV và cuối cùng được chấp nhận đưa vào phần khởi đầu Thánh lễ. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng khi tiến vào thánh đường, ngài nói với cộng đoàn: “Bình an cho anh chị em” và dân chúng đáp lại: “Và ở cùng thần trí của cha.”[5]
C. Chúa ở cùng anh chị em
Công thức “Chúa ở cùng anh chị em” không đơn giản chỉ là một lời chào mà còn là một lời cầu xin, một lời chúc / một lời mời nhằm kêu xin Chúa ở với cộng đoàn, cũng là chúc cho điều đó xảy ra cho nên chính xác hơn phải nói là “Xin Chúa ở cùng anh chị em.”[6]
Đọc công thức “Chúa ở cùng anh chị em”, linh mục chủ tế “nhìn nhận rằng mình đang đứng trước một dân thánh, tập họp nhân danh Chúa Kitô và Chúa Kitô cũng hiện diện với họ.”[7] Đây không phải là một công thức bình thường, nhưng diễn tả mầu nhiệm Chúa Giêsu là Emmanuel, “Thiên Chúa ở giữa chúng ta.” Mở đầu Tin Mừng theo thánh Matthêu, tác giả đã nhấn mạnh đến mầu nhiệm Chúa Kitô: “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’.” Kết thúc Tin Mừng, thánh sử lại khẳng định mầu nhiệm này một lần nữa: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Hai lần xác quyết như vậy được coi như hai trụ cột ở hai bên từ đó làm nên một nhịp cầu để cộng đoàn có thể bước đi trên đó từ lúc Chúa Giêsu giáng sinh cho đến cuộc phục sinh của Ngài. Cũng vậy, khi đưa mầu nhiệm Emmanuel vào lúc mở đầu và kết thúc Thánh lễ, phụng vụ muốn khẳng định rằng toàn bộ cử hành Thánh lễ được thiết lập trên nền tảng Emmanuel ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’; và cộng đoàn, một khi đã được thay hình đổi dạng trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, đến lượt mình, cũng sẽ trở thành Emmanuel cho thế giới.[8]
Lời chào đầu lễ mang thể thức đối thoại giữa chủ tế và cộng đoàn không phải là lời chào xã giao ngoài xã hội. Nó mang ý nghĩa sâu đậm hơn là tình cảm bạn hữu, thân quen, thân thuộc… giữa người này với người kia và những lời chúc hay ý muốn tốt lành dành cho nhau.[9] Đây là cuộc đối thoại giữa mục tử và đoàn chiên của ngài, giữa Chúa Kitô và dân tư tế của Ngài, giữa vị tư tế hành động nhân danh Chúa Kitô và Dân Thánh mà cùng với họ và cho họ mà vị tư tế hiến dâng hy lễ hằng sống và thánh hiện lên Chúa Cha.[10] Mặt khác, nhờ trung gian của thừa tác viên mà Thiên Chúa được ban cho họ.[11] Đây cũng lời loan báo và mong ước rằng mọi người sẽ thực sự cảm nghiệm được sự hiện diện và quyền năng của Chúa Kitô đang ở giữa cộng đoàn, nghĩa là ở giữa những người đã được Chúa Kitô quy tụ trong Hội Thánh. Vì vậy, lời chào này không những nói lên mầu nhiệm Chúa Kitô đang hiện diện mà còn nói lên mầu nhiệm cộng đoàn Hội Thánh được quy tụ (QCSL 50).[12]
D. Và ở cùng cha
Câu đáp “Và ở cùng cha” của cộng đoàn phụng vụ là một kiểu nói quen thuộc trong những lời chúc tụng của Do Thái giáo đã được Kitô hóa. Chúng ta tìm thấy những kiểu nói tương tự trong các thư của thánh Phaolô (2Tm 4,22; x.. Plm. 25; Gl 6,18; Pl 4,23).[13]
Từ thời cổ, câu đáp “và ở cùng thần trí cha” (Et cum spiritu tuo) đã được thêm vào và nó có ý nghĩa thiêng liêng hơn. Ngay từ thế kỷ V, Narsai đã giải thích trong bài giảng số 17 rằng lời đáp “và ở cùng thần trí cha” không phải nói đến linh hồn hay sinh khí của linh mục nhưng quy chiếu về Chúa Thánh Thần mà ngài đã lãnh nhận qua việc đặt tay của Đức Giám mục trong ngày chịu chức.[14] Qua lời đáp “và ở cùng thần trí cha”:
– Mọi người cầu chúc vị chủ tế nhận được sự hỗ trợ từ ân huệ của Thần Khí và Thiên Chúa. Ngài là thừa tác viên đã lãnh nhận Thánh Linh của Thiên Chúa vào trong tâm trí mình trong ngày chịu chức linh mục và nhờ đó trở thành “người tôi tớ đặc biệt của Chúa Kitô và người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr, 4,1; x. 1Tm 4,14; 2Tm 1,16);[15]
– Như một sự đồng tâm nhất trí của cộng đoàn đối với công việc của tư tế (J.A. Jungmann, SJ);
– Với dụng ý rằng: vị chủ tế chỉ có thể cử hành Thánh lễ nhờ sự thúc đẩy và nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần, “Đấng liên kết với thần trí Ngài” (x. Rm 8,16);[16]
III. LỜI DẪN NHẬP VÀO THÁNH LỄ
Mục đích của phần dẫn nhập này là: [i] Giúp cộng đoàn trở nên Nhiệm Thể duy nhất của Chúa Kitô một cách trọn vẹn hơn, một cộng đoàn được quy tụ trong Chúa Thánh Thần và để phụng thờ Thiên Chúa Cha; [ii] Là một cơ hội thích hợp để hướng tâm trí người dự lễ về ý nghĩa cử hành, về tinh thần của mùa lễ, ngày lễ (dựa chủ yếu trên kinh nhập lễ hay ca nhập lễ), có thể nói đôi nét về vị thánh mừng kính hôm ấy nhưng không phải là thời gian để kể chi tiết về cuộc sống và cái chết của ngài; [iii] Là lúc để định hướng việc cử hành và tạo cho bầu khí ngày lễ một sắc thái cá biệt; [iv]] Là thời điểm có thể nhắc qua sơ qua chủ đề của Phụng vụ Lời Chúa sẽ được trình bày trong bài giảng.[17]
Trong thực hành, không chỉ linh mục, mà ngay cả phó tế hay một thừa tác viên khác cũng có thể nói lời dẫn nhập (x. NTTL 3; QCSL 31, 50, 124), nhưng luôn luôn phải thật ngắn gọn. Vì vậy, tốt nhất nên dọn sẵn lời dẫn nhập.
IV. SUY NIỆM[18]
“Chúa ở cùng anh chị em”. Ôi lạy Chúa Giêsu, đây là lời vị chủ tế chào đón chúng con, với lời này, Chúa đã ân cần quy tụ chúng con vào cử hành Thánh lễ. Đây là lời chào, nhưng không giống như bất cứ lời chào xã giao bình thường nào, lời chào này loan báo rằng Chúa đang ở giữa chúng con. Đối với một số người, lời chào này chất chứa bao hy vọng, vui tươi và an lành. Đối với những người đang u buồn và đau khổ, lời chào này trở thành niềm an ủi và động viên nâng đỡ họ. Lạy Chúa, Chúa ở với chúng con và đó là quan trọng, là tất cả đối với chúng con.
Bởi vì Chúa ở với chúng con nên chúng con là Hội thánh của Chúa: chúng con là Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được quy tụ ở địa điểm phụng tự này. Vì nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Chúa, thì lạy Chúa, Chúa sẽ ở ngay đó với họ. Đây thật là một thông tuệ sâu sắc biết bao về đặc nét của một cộng đoàn phụng vụ Thánh Thể.
Sự hiện diện của Chúa đã thiết lập chúng con thành một cộng đoàn phụng tự mà Thiên Chúa đã “kêu gọi ra khỏi nơi tăm tối mà vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền”. Không có Chúa, chúng con sẽ đứng trước ngai Thiên Chúa mà không có danh phận gì, không dám tin chắc được lắng nghe.
Đoàn dân quy tụ trong ngôi nhà thờ chính tòa nguy nga rộng lớn là Hội thánh hữu hình của Chúa, đặc biệt khi đức giám mục chủ tế tại bàn thờ cùng với linh mục đoàn cũng như với sự tham gia tích cực của dân chúng. Đó là sự quy tụ bày tỏ sự hiển hiện cách đầy đủ hơn Hội thánh của Chúa, một Hội thánh rộng lan khắp thế giới.
Thế nhưng, cộng đoàn tại ngôi nhà nguyện nhỏ nhé ở những miền làng quê heo hút, cách xa trung tâm giáo xứ hay thành phố cũng vẫn đại diện cho Hội thánh hoàn vũ, bởi vì trong sự hợp nhất và bằng thẩm quyền của vị giám mục, họ vẫn được quy tụ trong danh Chúa. Họ gánh vác bổn phận mà Chúa đã đặt để trên toàn thể Hội thánh, đó là bổn phận cầu nguyện cho toàn thế giới. Họ tuy chỉ là một nhúm nhỏ, nhưng tâm hồn và bàn tay họ cũng chứa đựng đầy rẫy mối bận tâm của Hội thánh đối với nhân loại, đối với quốc gia và đối với toàn cõi địa cầu.
Lạy Chúa, khi Chúa bao bọc chúng con trong vòng tay của Chúa, thì mọi khác biệt giữa con người với nhau liền tan biến. Cộng đoàn giàu có hay nghèo nàn, ở thành thị hay thôn quê, nhỏ bé hay lớn mạnh: những khác biệt như thế sẽ không còn nữa. Chúng con là một, Hội thánh duy nhất, thánh thiện công giáo và tông truyền đang phụng thờ nhân danh Chúa và theo mệnh lệnh của Chúa. Amen.
[1] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 10.
[2] James P. Moroney, The Mass Explained (New Jersey: Catholic Book Publishing Corp., 2008), 44.
[3] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 139-140.
[4] Robert Cabié, “The Eucharist,” trong A. G. Martimort, The Church at Prayer (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 2:50.
[5] PG 57:385, trích lại trong Paul Turner, At the Supper of the Lamb, 7.
[6] J. Gélineau, Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 1992), 246.
[7] A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, 21.
[8] Lucien Deiss, The Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 18-19.
[9] X. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville: The Liturgical Press, 1997), 114.
[10] James P. Moroney, The Mass Explained, 43.
[11] Le Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray: C.L.D, 1992), 26.
[12] X. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 138.
[13] Anscar J. Chupungco, “The ICEL 2010 Translation” trong Foley Edward (ed), A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 137-138.
[14] Narsai of Nisibis, Hom. 17, ed. R. H. Connolly, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 7 và trong Robert Cabié, “The Eucharist”, 2: 51.
[15] X. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration, 115.
[16] A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, 21.
[17] X. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration, 116; J. Gélineau, Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II, 157.
[18] Anscar J. Chupungco, OSB, Meditations on the Mass (Quezon: Claretian Publications and Flipside Publishing, 2013), dg. Giuse Phạm Đình Ái, SSS.