Chúa Nhật XXXIV Thường Niên Năm A – Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIIEN NĂM A
CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ
Lễ trọng
Ngày 26/11/2023
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo họ Lộc Hòa
Dòng Thánh Phaolô
GIÁO HUẤN 53
TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ
Phúc cho những ai hiền lành
vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp
Đây là những lời mạnh mẽ trong một thế giới mà ngay từ ban đầu đã là nơi của xung đột, bất đồng và thù địch ở mọi phía. nơi mà chúng ta thường xuyên xếp loại người khác dựa trên tư tưởng của họ, dựa trên tư tưởng của họ, dựa trên tập tuc và thậm chí cách nói năng hay cách ăn mặc của họ. Đó là sự ngự trị của thói tự phụ và kiêu
căng, trong đó người ta nghĩ mình có quyền thống trị kẻ khác. Tuy nhiên, Chúa Giêsu
đề ra một lối xử sự khác, dù có vẻ như là điều không thể, đó là con đường hiền hòa. Đây là cách mà ta thấy Người sống với các môn đệ. Ta cũng chiêm ngắm điều này khi Người vào thành Giêrusalem ; ‘Này đây, Đúc Vua của ngươi đang đến với ngươi, khiêm nhường ngồi trên lưng lừa’ (Mt 21,5; Dcr 9,9’) (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 71).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(Ed 34,11-12.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46)
BÀI ĐỌC I: Ed 34:11-17
Lời Chúa trong sách Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en.
Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, Đức Chúa là Chúa Thượng phán. Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA : Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
– CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
– Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
– Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
– Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15:20-26,28
Lời Chúa trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Anh em thân mến, Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha. Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết. Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA :
Alleluia, alleluia. – Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta! – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 25:31-46
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Tượng Vua Giêsu
Ai đến Vũng Tầu, nhất là người Công giáo, đều đến chiêm ngắm tượng Vua Giêsu đứng trên núi Tao Phùng. Tượng cao 32m. Phía trong bên vai tượng đủ chỗ cho 5,6 người đứng nhìn ra biển. Tượng được làm từ năm 1972. Đến năm 1975 đình lại. Năm 1992 được tiếp tục. Tháng 2-1994 thì hoàn thành.
Phần kỹ thuật bê tông do kỹ sư Nguyễn Quảng Đức phụ trách; phần mỹ thuật do điêu khắc gia Văn Nhân cùng với 50 thợ lành nghề thi công. Điêu khắc gia Văn Nhân đã hoàn thành các bức phù điêu dang dở ở chân tượng. Vì tuổi cao, không đủ sức leo 800 bậc đá, nên ông ngồi dưới chân núi chỉ đạo các học trò làm việc từng ngày cho đến khi hoàn tất.
Tượng Vua Giêsu ở Vũng Tầu cao 32m, nhưng chưa cao bằng tượng Vua Giêsu ở Brasil cao 38m. Ngày 7-7-2007, UB Văn Hóa Liên Hiệp Quốc tuyên bố 7 kỳ quan mới của thế giới. Tượng Vua Giêsu ở nước Brasil là 1 trong 7 kỳ quan mới này. Tượng do nhà điêu khắc Silva Costa phác thảo. Nhà điêu khắc Paul Landowski người Pháp thực hiện trong vòng 5 năm. Tượng được khánh thành ngày 12-10-1931.
Tượng Vua Giêsu ở Brasil cũng chưa cao bằng tượng Vua Giêsu ở nước Balan. Tượng ở Balan cao 51m, nặng 30 tấn, tốn phí 1,45 triệu đôla, do linh mục Sylwester Zawadzki chủ xướng. Tượng bắt đầu khởi công từ năm 2008, và hoàn thành ngày 7-7-2010. Ngày 21-11-2010 là ngày khánh thành, ngày làm phép tượng. Ngày khánh thành tượng Vua Giêsu ở Balan cũng là ngày lễ Giêsu Vua.
Ông Arnold Toynbee là sử gia nổi tiếng của nước Anh. Ông đã viết một bộ sách lịch sử rất đồ sộ, cho đến nay chưa có ai viết được như ông. Bộ sách có tên là “LỊCH SỬ THẾ GIỚI”. Kết thúc bộ sách qúi hiếm này, nhà sử học người Anh đã viết những dòng chữ đầy ngạc nhiên sau đây : “Khi chúng tôi bắt đầu công việc này, chúng tôi thấy mình như đang ngắm dòng người đông đảo diễn hành. Nhưng khi đòan diễn hành bước tới, thì tất cả bọn họ, từng người lần lượt ngã xuống bên vệ đường. Và bây giờ chỉ còn một bộ hành vẫn tồn tại và càng ngày càng lớn lên theo từng bước chân đi. Người bộ hành độc đáo ấy không ai khác là Chúa Giêsu Kitô”.
Chúng ta đọc ba bài đọc thánh lễ để biết lý do nào “chỉ còn một bộ hành vẫn tồn tại và càng ngày càng lớn lên theo từng bước chân đi”
Bài đọc 1 (Ed 34,11-12.15-170): Bđ1 đọc sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Sách “Các Sách Ngôn Sứ” năm 1996 của nhóm CGKPV giới thiệu ngôn sứ như sau : “Ê-dê-ki-en trong tiếng Híp-ri có nghĩa là ‘Thiên Chúa làm cho mạnh sức’. Ông là một tư tế. Bằng chứng là trong tác phẩm của ông tỏ ra chú trọng đến Đền Thờ, việc phụng tự theo Lề Luật, việc giữ ngày sa-bát, những nghi thức cần giữ để được trong sạch… Và với tư cách là tư tế, ông còn giải quyết những trường hợp khó khăn về luân lý…(trang 449).
Trong tình cảnh nước mất nhà tan, ngôn sứ Giê-rê-mi-a có sứ mạng giảng cho người Ít-ra-en còn ở lại đất Pa-lét-tin biết đường lối của Thiên Chúa, cho họ biết những hỉnh phạt và trách họ đã sống tồi tệ, đã bỏ đường lối của Thiên Chúa. Còn tại đất lưu đày, ngôn sứ Ê-dê-ki-en được Thiên Chúa gọi để giữ cho niềm tin vào Thiên Chúa luôn sống động nơi những người Ít-ra-en phải sống kiếp lưu đày” (trang 448).
Đọc hai câu 15-16 trong bđ1, Thiên Chúa chính là ‘Chúa chiên nhân lành’ : “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,15-16).
Bài Tin Mừng (Mt 25,31-460: Sách ‘Bốn Sách Tin Mừng’ của nhóm CGKPV giải nghĩa BTM thánh lễ hôm nay như sau : “Chúa Giê–su kết thúc giáo huấn cánh chung bằng một dụ ngôn, mô tả chính cuộc Phán xét chung. Đoạn văn trình bày : vị Thẩm Phán tối cao ngự đến (cc 31-33); người tuyên án trên người lành (cc 34-40) và kẻ dữ (cc 41-45); sau cùng bản án được thi hành (c 46). Vị thẩm phán là chính Chúa Giê-su. Người sẽ xuất hiện với uy quyền và vinh quang của ‘Con Người’. Bản văn không nói đến, nhưng phải hiểu ngầm, chuyện tất cả mọi người sẽ sống lại trước, rồi chung thẩm mới diễn ra. Tất nhiên, người ta sẽ bị phán xét về tất cả cuộc đời, nhưng ở đây dụ ngôn chỉ đề cập tới những việc thương người, theo kiểu Cựu Ước thường kể (x. Is 58,7; G 22,6-9; Hc 7,55; v.v….), chứ không nhắc những việc khác thường có thể đã được thực hiện trên trần gian. Như thế, Chúa muốn cho thấy tầm quan trọng của điếu răn yêu thương, điều răn mới của Chúa (Ga 13,34-35), được Người đưa lên ngang hàng với lòng mến Thiên Chúa, và thánh Phao-lô coi là bao gồm tất cả Lề Luật (Rm 13,9; 1Cr 13). Sự ngỡ ngàng của những người được tuyên công chỉ là một cách diễn tả niềm vui và lòng tri ân; nhưng đây cũng là cách đánh giá các việc thương người : Chúa Giê-su tự đồng hóa với những người đói khát, rách rưới, bệnh hoạn, tù đày … Cách nhấn mạnh lòng thương người trong dụ ngôn như thế, thiết tưởng không được làm cho chúng ta nghĩ lầm rằng trên đời này đức tin không cần thiết, chỉ cần thương người thôi. Sự thật thì không tin thì không thể tới gần Thiên Chúa (Dt 11,6), như chính Chúa Giê-su cũng quả quyết (Mt 10,32tt) (trang 113-114).
Qua BTM, Chúa là vua được nhắc nhớ, vì như cha Nguyễn Công Đoan viết : “Ai ngờ Đức Vua đang ngồi trên tòa vinh hiển phán xét cả thiên hạ, đã tự đồng hóa mình với người đói, người khát, người khách lạ, người trần truồng, người đau yếu, người tù…(Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 196).
Bài đọc 2 (1Cr 15,20-26.28): Với bđ1 Chúa là Đấng chăn chiên nhân lành; với BTM Chúa đồng hóa với những kẻ đói nghèo; Thánh Phao-lô viết trong bđ2 : “Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đói với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống ” (1Cr 16,21-22).
Trong mục “Cánh Cửa Rộng Mở” của báo Catholic Digest có một câu chuyện rất cảm động về một chủng sinh. Anh lớn lên trong một gia đình Công giáo. Anh là một tín hữu rất mộ đạo và thường tham gia vào các công việc ở nhà thờ. Anh vào chủng viện để học làm linh mục.
Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, người chủng sinh đó đã bỏ chủng viện và gia nhập các cuộc biểu tình phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam. Không những thế, anh còn bỏ cả Giáo hội. Anh tìm cách chống lại đức tin và lý tưởng mà một thời anh đã ôm ấp. Càng ngày anh càng coi tôn giáo như là một kẻ thù. Gia đình anh rất buồn và họ đều mất hy vọng cứu vãn được anh.
Vào một ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm 1970, người thanh niên đó lái xe đi ngang qua một nhà thờ Công giáo. Anh nhận ra tên của linh mục mà anh kính trọng ghi trên tấm bảng trước cửa nhà thờ. Một cái gì đó đã thúc đẩy anh dừng xe lại và vào trong nhà thờ. Khi anh vừa bước vô thì nghi lễ suy tôn Thánh Giá cũng vừa bắt đầu. Anh ngồi xuống ở hàng ghế cuối hết và nhìn những người lên thờ lạy và hôn Thánh
Giá. Trong khi ca đoàn hát câu : “Trong khi người ta đóng đinh Chúa tôi, bạn có ở đó không ?”, thì một sự đáng ghi nhớ đã xảy ra. Người chủng sinh bỏ đạo đã viết lại như sau : “Trong tâm hồn, tôi cảm thấy rất xúc động và tôi bắt đầu khóc. Cố gắng kìm hãm lại cảm xúc, tôi nhớ lại những năm trước đây khi còn là một chủng sinh sống trong sự bình an. Đức tin đơn sơ của những ngày tháng xa xưa đã bị phủ lấp và chìm sâu kín trong tâm hồn tôi bao năm qua, nay vụt bừng dậy. Một sức lực nội tại giục giã bắt tôi phải đứng lên, rời khỏi ghế đang ngồi và đến quì lạy trước Thánh Giá và hôn. Vị linh mục trong nhà thờ đã nhận ra tôi và đã đên ôm lấy tôi. Trong ngày đó, tôi lại được tái sinh trong đức tin Công giáo”.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vâng nghe Lời Chúa sống thánh thiện công chính, để trong ngày Chúa đến được Chúa xếp vào bên phải, theo Chúa vào thiên quốc Tình yêu và hạnh phúc đến muôn đời.
SUY NIỆM II
VUA GIÊSU
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Vào năm 1925, Đức Thánh Cha Piô XI đã thiết lập lễ Đức Kitô vua vũ trụ, mục đích là để xác định vai trò và chỗ đứng đặc biệt của Chúa Giêsu trong đời sống của mỗi người, cũng như trong sinh hoạt của Giáo hội. Hôm nay Hội Thánh long trọng mừng lễ Chúa Kitô vua vũ trụ và đây là cơ hội chúng ta tìm hiểu về Chúa Giêsu là vua như thế nào?
Trước hết trong Cựu Ước, với những thánh vịnh, vua Đavít đã cho chúng ta thấy Đức Kitô chính là vua, một vị vua hòa bình sẽ đến để cai trị trong yêu thương: “Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn, lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta” (Tv 2,6). Rồi đến, tiên tri Isaia lại giới thiệu với chúng ta một vị vua đầy quyền năng: “Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai báu Đavít tổ phụ Ngài, Ngài sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Ngài sẽ không bao giờ cùng” (Is 7,1-14). Sang Tân Ước, chính Đức Kitô, trong những giây phút cuối cùng, đối diện với cái chết, Ngài vẫn xác quyết trước mặt Philatô: “Phải, tôi là vua”. Chính vì thế, bản án của Ngài đã được ghi rằng “INRI” (Ieus Nazarenus Rex Iudaeorum – Giêsu Nagiarét, vua dân Do Thái). Thực vậy, trong Mùa Vọng, chúng ta mong đợi một vị vua sẽ đến. Với lễ Giáng sinh, chúng ta không chỉ mừng kính một hài nhi bé nhỏ nơi máng cỏ Bêlem, mà còn mừng kính một vị vua hòa bình. Nhất là với lễ Hiển linh, chúng ta nhìn thấy vị vua ấy xuất hiện và tỏ lộ vinh quang cho muôn dân mà đại diện là ba nhà đạo sĩ Phương Đông cho nên Đức Kitô đến để thiết lập một vương quốc của ánh sáng và tình thương. Bước vào mùa phục sinh, Giáo hội không phải chỉ dừng lại ở những đau khổ của Đức Kitô, nhưng qua những đau khổ ấy, Giáo hội còn nhìn thấy cả chiến thắng vinh quang của Ngài. Trong ngày lễ lá, chúng ta tưởng nhớ biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, một cách long trọng như một vị vua và chúng ta không ngừng tung hô: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, hoan hô Chúa trên các tầng trời”. Tiếp đến, ngày thứ sáu tuần thánh, ngày u buồn nhất của năm phụng vụ, chúng ta thấy Giáo hội đã nhìn thập giá như ngai tòa, như lá cờ của một vị vua đang tiến lên, như bước khởi đầu cho vương quốc của Chúa, như lời Ngài đã phán: “Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta”. Rồi trong ngày lễ Phục sinh và lên trời, chúng ta mừng kính cuộc khải hoàn của Đức Kitô, để rồi từ đó Ngài vĩnh viễn thiết lập vương quốc và trở thành vua của cả vũ trụ. Cho nên, qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy được nơi Đức Kitô hình ảnh ánh sáng của Thiên Chúa, Ngài là một vị vua vinh hiển, điều khiển cả vũ trụ. Chúa Giêsu vị Vua-chiến thắng đã đánh bại các quyền lực sự chết và làm ta thông hiệp vào cuộc Người thắng trận và hôm nay vị Vị vua ấy đến lần thứ 2 để các dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Người thảy mà chịu Ngài phán xét phổ quát. Trong ngày phán xét, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến điểm tối quan trọng đó là các cử chỉ yêu thương đối với người nghèo và người hèn mọn là những kẻ Ngài tự đồng hóa. Cá nhân Ngài không cần ai giúp của ăn, nơi ở, áo mặc, nhưng Ngài muốn được chúng ta phục vụ Ngài trong con người những kẻ Ngài tuyên bố là anh em ưu ái của Ngài. Vì thế, Vương quốc của Chúa Kitô Vua là vương quốc của tình yêu. Muốn vào vương quốc của Ngài, phải là người có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật sự.
Rõ ràng, trong Tin Mừng, Đức Vua đã làm cho những người lành đức bên phải, cũng như những kẻ dữ đứng bên trái, đều phải chửng hửng. Người bên phải rất sửng sốt khi thấy Đức Vua kể những việc tốt họ đã làm cho những người bất hạnh trong cảnh đói khát, rách rưới, tù đày, như là những việc giúp đỡ họ dành cho chính bản thân Đức Vua. Còn người bên trái cũng hết sức ngỡ ngàng khi thấy Đức Vua đồng hóa bản thân Ngài với những người mà họ đã coi thường, nên đã không cho họ cơm ăn, áo mặc, nhà ở… Lời giải thích của Chúa đã làm cho cả hai bên- bên người lành và kẻ dữ- đều sáng mắt kinh ngạc: Họ không ngờ rằng mỗi lần họ tiếp đón hay hất hủi những người cần đến họ giúp đỡ là họ đã tiếp đón hay hất hủi chính Chúa Giêsu!
Chúa Kitô là Vua. Vương quốc của Ngài là vương quốc của tình yêu. Ai sống trong tình yêu thì thuộc về Chúa Kitô và là công dân của Nước Thiên Chúa. Tình yêu, nói được là như “thẻ căn cước” của Nước Thiên Chúa. Tình yêu không đòi hỏi nhiều lời nói cho bằng nhiều hành động thiết thực, sống động. Cụ thể là chia sẻ chính những lo lắng, khó khăn, khốn khổ, cùng cực của tha nhân trong hoàn cảnh xã hội chúng ta đang sống. Chúa Giêsu đã khẳng định: chúng ta sẽ bị phán xét trong ngày sau hết về cách chúng ta đã phục vụ Đức Kitô Vua như thế nào trong những người anh em đói, khát, rách rưới, bệnh tật, tù tội… Hãy phục vụ những Đức Kitô Vua ấy thế nào để vào ngày cuối cùng, Chúa Kitô Vua sẽ mời gọi chúng ta: “Hãy đến, hỡi những người Cha Ta chúc phúc. Hãy đến thừa hưởng vương quốc đã dành sẵn cho anh em từ thuở đời đời”.
Nguyện xin Chúa Giêsu vua vũ trụ giúp chúng con thực thi lời dạy yêu thương tha nhân như Chúa để làm cho thế giới nầy ấm lên bằng tình yêu thương nhân ái thay cho hận thù khủng bồ chiến tranh nhờ đó, tất cả chúng con mai đây sẽ được Vua Giêsu mời đón vào hưởng hạnh phúc đời đời với Người trên thiên quốc. Amen.
SUY NIỆM III
CHÚA GIÊ-SU LÀ VUA VÀ LÀ MỤC TỬ TỐT LÀNH
(Hội An 26/11/2023)
Giuse Nguyễn Văn Thú
Khác với lối hiểu ngày nay, trước và trong thời Chúa Giê-su, vai trò “mục tử” và “vua” được gắn liền với nhau. Đó là lý do thánh kinh xem Đa-vít và những vị vua khác của Israel vừa là vua, vừa là mục tử (x. Ed 37,24). Thế nhưng, các vị vua như Sao-lê, Đa-vít, Salomon v.v không là vua như Thiên Chúa mong đợi. Họ làm vua nặng tính trần thế, thống trị hơn là phục vụ, cai trị hơn là chăm sóc. Họ là vua, nhưng Thiên Chúa đã chỉ rõ lỗi lầm lớn của họ là không chu toàn bổn phận mục tử đối với đoàn dân được trao cho họ. Vì thế, Thiên Chúa đã thấy “toàn thể Israel tán loạn trên núi như chiên không người chăn” (1V 22,17) và Chúa Giê-su đã phải chạnh lòng thương đám đông, bởi họ không có người chăn (Mt 9,36). Khi mừng lễ Chúa Ki-tô Vua vào ngày cuối của năm phụng vụ, Giáo Hội vừa tôn vinh Chúa Giê-su là Vua của vũ trụ, vua trên hết các vua, đồng thời long trọng nêu bật vai trò Vua của Chúa Giê-su, Vị Vua đến không để thống trị hay để được phục vụ, mà là vua theo nghĩa thánh kinh, là Mục Tử tốt lành chăm sóc đàn chiên mình. Và mỗi người chúng ta sẽ trả lẽ với Vị Vua-Mục Tử của chúng ta về bổn phận của chúng ta.
- Chúa Giê-su là Vua
Lời ca “Ôi Giê-su! Chúa Giê-su là Vua, Chúa muôn thuở là Vua muôn vua” thường được vang lên trong ngày lễ Chúa Giê-su Vua không là khám phá mới của Hội Thánh, mà là tiếng vọng đầy xác tín của thánh kinh suy tôn vai trò của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là vị Vua được thánh kinh báo trước và được Chúa Giê-su nhìn nhận.
Khi truyền tin cho Mẹ Maria, sứ thần đã loan báo Chúa Giê-su là Vua: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33). Khi Chúa ngồi trên lưng lừa tiến vào thành Giêrusalem, lính Rôma cho rằng đó là một trò đùa, vì không vị vua nào ngồi trên lưng lừa, nhiều người ngạc nhiên khi thấy vua ngồi trên lưng lừa; trái lại, đám đông Do Thái lặp lại lời ngôn sứ Dacaria tung hô Chúa Giê-su là vua: “Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa” (9,9). Chính Chúa Giê-su bày tỏ cho các môn đệ biết Ngài là Vua, vua của toàn thể vụ trụ: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” (Mt 28,18). Thánh Phaolô tuyên xưng: “Trong Ngài, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất” (Cl 1,16). Và tại tòa án, trước mặt quan Philatô cùng đông đảo dân chúng, Chúa Giê-su khẳng định Ngài là vua: “Quan nói đúng, tôi là Vua”.
Chúa Giê-su là Vua, nên Ngài có quyền uy hướng dẫn và bảo vệ dân Chúa. Ngài không như các mục tử mọi thời xua đàn chiên đi trước. Trái lại, Chúa Giê-su luôn đi trước đàn chiên trong vai trò lãnh đạo, hướng dẫn dân Chúa tiến về Chúa Cha: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Chính vì lý do này mà Chúa nói: “Hãy theo Thầy”. Vậy, ai đang là vua của bạn? có phải Chúa Giê-su đang là vua của bạn chăng? Nếu Chúa Giê-su đang là vua của vũ trụ và của bạn, chắc chắn lúc này bạn đang yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, bạn đang dùng ơn Chúa ban để chiến đấu và chiến thắng tội lỗi, bạn đang chọn Chúa làm lẽ sống của bạn, bạn chân thành thưa với Chúa: “Xin Chúa làm vua cai trị lòng con suốt đời”.
Chúa Giê-su là Vua, nhưng trong buổi chịu tra vấn hôm ấy, Chúa Giê-su còn minh định trước Philatô: “Nhưng Nước Tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18,36-37), bởi Ngài còn là Mục Tử tốt lành theo thánh ý Chúa Cha.
- Chúa Giê-su là Mục Tử tốt lành
Những người Do Thái thời Chúa Giê-su hiểu rõ vai trò mục tử của Chúa Giê-su. Tác giả thánh vịnh tuyên xưng: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23,1) và quả quyết: “Ta là dân Chúa, là đoàn chiên tay Ngài dẫn dắt” (Tv 100,3). Chúa Giê-su tự giới thiệu về Ngài: “Ta là Mục Tử tốt lành” (Ga 10,11). Như vậy, Chúa Giê-su đảm trách vai trò Vua-Mục Tử được thánh kinh báo trước.
Chúa Giê-su là Mục Tử tốt lành hiến mạng sống vì đàn chiên (Ga 10,11). Ngài đi tìm chiên đi lạc và khi tìm được, ẵm chiên trên vai về băng bó chữa lành, bởi tình yêu của Ngài dành cho mọi người, kể cả người tội lỗi. Tình yêu của Ngài lớn đến nỗi Ngài thí mạng sống vì họ, để cứu độ họ. Chúa Giê-su Mục Tử chịu chết trên thánh giá vì chúng ta, nên đừng ai nghĩ Chúa bỏ rơi chúng ta, nhưng chúng ta được mời gọi là chiên của Chúa, nghe tiếng Chúa. Thánh Phaolô cho chúng ta biết, chúng ta sẽ ra trước tòa Chúa Giê-su Vua để trả lẽ với Chúa về bổn phận của mỗi chúng ta (x. 2Cr 5,10).
Bạn và tôi cùng mọi người, chúng ta sẽ ở bên phải hay bên trái Chúa Giê-su, là chiên hay là dê, mỗi người chọn lấy chỗ của mình. Dê thì bản tính tò mò, thích tách rời tự liệu; con chiên thì thích ở trong đàn của nó. Sự phân biệt đó giúp ta hiểu rõ hơn: những người ở bên trái là những kẻ bướng bỉnh, dựa vào bản thân, quay lưng lại với Chúa; còn những người ở bên phải Chúa là những người đi theo Chúa Giê-su Chủ Chăn. Những người đi đàng trái là những người nói với Chúa: “Lạy Chúa!, Lạy Chúa” mà không làm theo lời Chúa dạy. Họ nói họ thuộc về Chúa, nhưng buông thả theo tội lỗi. Chân phước Acutis chia sẻ: “Có nghĩa gì khi bạn chiến thắng hàng ngàn cuộc chiến, nhưng lại không chiến thắng tính mê nết xấu của mình. Quan trọng là cuộc chiến chính mình”. Trái lại, người ở bên hữu Chúa là người vâng theo và gắn bó với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho. Nơi họ có sự sống của Chúa, vì họ sống niềm yêu thương như Chúa đã sống.
Xin Chúa cho mọi ngày sống và ngày cuối cùng cuộc đời, chúng ta ở bên phải Chúa, được hân hoan được nghe Chúa nói: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi” (Mt 25,34).