Lễ Đêm Giáng Sinh
THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH
Chúa Nhật, 24/12/2023
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6)
“Chúa ban Con của Người cho chúng ta”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]
Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Ðavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 11-12. 13
Ðáp: Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Ðức Kitô, Chúa chúng ta
Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người..
Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc..
Xướng: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.
Xướng: Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành..
Bài Ðọc II: Tt 2, 11-14
“Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 2, 10-11
Alleluia, alleluia! – Ta báo cho anh em một tin mừng: Hôm nay Ðấng Cứu Thế, là Chúa Kitô, đã giáng sinh cho chúng ta. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 2, 1-14
“Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Ðavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Ðavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.
Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.
Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.
Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
NHỮNG LỄ GIÁNG SINH ĐẦU TIÊN
Nguyễn Hồng, lịch sử truyền giáo ở Việt Nam
1.Ngày lễ Giáng sinh, cha Đắc Lộ tổ chức lễ nghi rửa tội trọng thể để làm nổi ý nghĩa cuộc sinh lại trong ngày Chúa giáng sinh, cha cho đặt nhiều ca vãn để giáo dân cùng nhau ca hát trước lễ Nửa Đêm. Trước tượng Chúa Hài Đồng, cha giảng về mầu nhiệm Chúa đến cứu chuộc, và sau đó mọi người qùi xuống đê bái lạy Chúa. Nhưng dạo đó, theo nền giáo dục chặt chẽ phụ nữ không được ra khỏi nhà ban đêm, nên lễ ban sáng đông hơn. Sau lễ giáo dân lần lượt lên lạy và hôn chân Chúa Hài Đồng (trang 117).
2.Quan trấn mới, hoàng tử Nguyễn Phúc Anh, là người không ưa đạo. Năm đó nhân dịp thắng trận, sự đạo được dễ dàng hơn, giáo dân tổ chức mừng lễ GS rất linh đình. Ngoài lễ nửa đêm với những ca vãn thường quen hát, họ còn tổ chức lễ rước kiệu Chúa Hài Đồng, có kèn trống bát âm, đốt cây bông và bắn súng hỏa mai. Quan địa phương dựa thế quan trấn cho tuần tráng đến phá cuộc lễ, tịch thu các đồ thờ và lấy của cải giáo dân. Chúa Sãi theo lời xúi giục của quan trấn ra sắc chỉ nhắc lại lệnh cấm công khai đeo ảnh tượng. Nhưng năm sau 1628, nhờ có sứ giả và tầu buôn Áo Môn đến, nên các cha lại được tự do (trang 139).
3.Tuy trở về Ma-cao, nhưng lòng cha (Đắc Lộ) vẫn hướng về giáo đoàn xứ Nam. Gian nan càng nhiều, hy sinh vô vị lợi của cha càng được chứng tỏ. Không sợ nguy hiểm đến tính mệnh, cuối năm đó có chuyến tầu buôn ở Áo Môn xuống xứ Nam, cha lại đi theo họ, dem theo cha Bênêđitô de Mattos, người Bồ, ra đi ngày 17-12 thuận buồm xuôi gió, ngày vọng lễ GS 24-12, hai cha tới Cửa Hàn. Nghe biết, giáo dân chung quanh lũ lượt kéo đến để mừng lễ GS với hai cha. Sau đó lên Cửa Hội An, hai cha được gặp cha Ruben, bề trên kinh lược tỉnh dòng xuống Phi Luật Tân, gặp bão phải ghé qua đó. Cũng như lần trước, lợi dụng thời gian người Bồ ở lại bán hàng, vì kính nể họ, quan trấn tỉnh Chàm cũng như chúa Nguyễn để hai cha tự do hoạt động. Hai cha đi thăm các họ đạo chung quanh Hội An, chia nhau : cha Mattos thăm các họ vùng bắc, Thuận Hóa, Quảng Bình; còn cha Đắc Lộ thăm ba tỉnh vùng nam Quảng nghĩa, Qui Nhơn, Ran Ran (Phú Yên). Trong thời gian 6 tháng lúc đi bộ lúc đi thuyền, hai cha cố rảo thăm một lượt các họ đạo..
Theo cha Đắc Lộ, đi đến đâu giáo dân vui mừng đón rước và từ các họ đạo xa người ta kéo đến để gặp cha. Họ khao khát Lời Chúa và các bí tích mà từ lâu không được lãnh nhận. Suốt ngày cha bận rộn với công việc, nhiều khi quên ăn, quên ngủ (trang 147).
4. Hiền Vương thắng quân Trịnh, chiếm được vùng Bắc Bố Chánh, vì thế hai năm 1656 và 1657 giáo dân xứ Nam được qua một thời kỳ hòa hoãn… Giáo dân được tự do đến gặp các cha, không còn phải lén lút đêm hôm như những năm trước. Nhưng các cha vẫn không được ra khỏi Cửa Hàn và Hội An. Để nhóm lại lòng đạo đức, cha Rivas đã tổ chức lễ GS năm 1656 trọng thể ở Hội An (trang 243).
Niền vui của những câu chuyện GS phản ảnh niềm vui trong những bài đọc thánh lễ đêm hôm nay. Bđ1 nói đến niềm vui giải thoát của người Miền Bắc Ít-ra-en trước sự khổ đau lưu đày; BTM nói đến niềm vui giải thoát khỏi tội lỗi; bđ2 nói đến niềm vui được làm dân riêng của Chúa.
Bài đọc 1(Is 9,2-7): Cha Kevin O’Sullivan viết về Bđ1 : “Ngôn sứ Isaia (765-700 tCn) viết nhiều dữ liệu về Đấng Thiên sai. Lời ngôn sứ vừa đọc nói về vương quốc Miền Bằc Ítraen bị tàn phá và dân chúng bị lưu đày sang Assyri (722 tCN). Những lời của ngôn sứ an ủi số người ‘còn lại’. Dầu xem ra bi thảm, thất vọng, nhưng ngày nào đó sẽ đến, Thiên Chúa đem niềm vui hạnh phúc cho mảnh đất và dân chúng (The Sunday Readings B, trang 32). Đó là ngày Thiên sai : ‘Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi’ (Is 9,1).
BTM (Lc 2,1-14): Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM : ‘Mầu nhiệm GS được đặt trong khung cảnh của ‘cuộc kiểm tra dân số trong khắp thiên hạ’. Dĩ nhiên ‘thiên hạ’ của người thời đó dài rộng thế nào tùy theo kinh nghiệm của mỗi dân : trong đế quốc Rôma thì ‘thiên hạ’ là phần đất dưới bầu trời mà người Rôma làm chủ. Nhưng vì người ta chưa biết rằng mặt đất rộng hơn tầm nhìn của mình, nên ‘thiên hạ’ cũng chỉ chung cả loài người, cả mặt đất. Như thế Chúa Giêsu sinh làm người thật sự có chỗ rõ ràng trong dân số cả thiên hạ.
Hoàn cảnh éo le này lại giúp cho Chúa Giê-su chào đời tại Be-lem, nguyên quán của nhà Đa-vít. Có điều éo le hơn nữa là ‘không có chỗ’…Từ quen dịch là ‘quán trọ’ ở đây, chỉ gặp 3 lần trong sách Tân Ước : ở đây và ở Lc 22,11 và Mc 14,14. Ở hai nơi kia thì từ này chỉ căn phòng lớn để Chúa Giê-su ăn tiệc Vượt qua cùng với các môn đệ tức là phòng lớn ở lầu trên. Như vậy có thể hiểu ở đây cũng không phải là nhà trọ, nhưng là căn phòng lớn của dòng họ Đa-vít, khi con cháu tựu về nghỉ ngơi, sinh hoạt tại đó. Nếu hiểu như vậy thì máng cỏ dùng làm nôi đặt Chúa Giê-su ở ngay nơi nhốt bò lừa của gia đình, có thể là một hang đá khoét vào vách núi đá vôi, cấu trúc địa chất của vùng này. Điếu này cũng hợp với lời trong sách Tin Mừng Gio-an ‘Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp’ (Ga 1,11).
Lu-ca nói rõ Chúa Giêsu là ‘con đầu lòng’ để chuẩn bị cho việc dâng vào Đền thờ, không có nghĩa là sau đó Đức Mẹ sinh những người con khác. Ngược lại Gio-an con bà Ê-li-sa-bét cũng là con đầu lòng nhưng Lu-ca không nhắc đến, vì không kể việc dâng Gio-an vào Đền thờ, nhưng kể việc Gio-an lớn lên trong hoang địa.
Chi tiết ‘bọc tã nằm trong máng cỏ’ được nhắc tới 3 lần trong trình thuật Giáng sinh, đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Tại nơi Chúa sinh ra chẳng có gì khác thường. Nhưng thiên sứ hiện ra với những người chăn chiên đang thức đêm, canh giữ đàn vật ở ngoài đồng, vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh. Thiên sứ báo cho họ tin rất vui mừng, tin rất vui mừng cho toàn dân : ‘Hôm nay một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa’. Nhưng người đầu tiên được thấy vinh quang của Chúa và nghe báo Tin Mừng của Đấng cứu độ là những người chăn chiên, họ là hạng cùng đinh, bên lề xã hội; họ là những người nghèo, vì bị coi là ô uế nên chẳng bao giờ được vào Đền thờ. Dấu chỉ để nhận ra ‘Đấng Cứu Độ, Đức Ki-tô, Đức Chúa’, lại càng đáng ngạc nhiên : ‘Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ’. Dấu chỉ này không cho thấy một sự khác thường, nhưng là thấy một hài nhi bình thường, giống y như những đứa con của họ, cũng mang thân nghèo hèn như họ. Khi sinh vào đời Chúa đã trương cờ hiệu khiêm tốn và khó nghèo !
Những người chăn chiên được nghe các thiên sứ ca hát nói lên ý nghĩa của ‘trẻ sơ sinh’ này.
Đức Ma-ri-a đã ‘vội vã’ lên đường đi viếng bà Ê-li-sa-bét, những người chăn chiên cũng ‘hối hả’ lên đường sang Be-lem, để xem những gì Chúa đã tỏ cho họ. Người đi loan báo Tin Mừng không thể lửng thứng, người được Tin Mừng không ngồi yên.
Những người chăn chiên ‘gặp thấy bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ’. Họ kể lại những gì họ đã được nói cho biết về Hài Nhi này, rồi họ ra về, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa. Nghe họ kể, ‘ai cũng ngạc nhiên’. ‘Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng’. Năm động tác kiểu mẫu cho việc đón nhận Tin mừng : kể, ngạc nhiên, chúc tụng tôn vinh Thên Chúa, ghi nhớ, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Chúng ta hãy nghe những người chăn chiên kể, ngạc nhiên và cùng với họ tôn vinh Thiên Chúa, cùng với Mẹ Ma-ri-a ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng (Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Lu-ca, trang 72-74).
Bài đọc 2 (Tt 2,11-14) : Cha Kevin viết : ‘Ti-tô là người ngoại trở lại. Ngài là đồ đệ thân tín, là cộng tác viên trong công việc truyền giáo của thánh Phao-lô. Ngài được trao phó coi sóc các giáo đoàn ở đảo Crê-ta. Trong một lá thư, thánh Phao-lô đã gọi ngài là ‘con yêu dấu trong niềm tin’. Trong thư thánh Phao-lô đã ca ngợi ngài nhiệt thành trong công việc rao giảng Tin Mừng. Titô là gương mẫu : biết dùng ơn Chúa, biết loại bỏ những sai lạc, biết chờ đợi niềm hy vọng vinh quang của Chúa Ki-tô.
GS là mùa vui, vui cho những ai khốn khổ. Đối với các Ki-tô hữu, GS là lễ lớn thứ hai trong năm (thứ nhất là lễ Phục sinh) nhắc đến tình yêu bao la Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Chắc chắn chúng ta vui, vì Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi đã mang bản tính nhân loại, hiệp nhất nên một với chúng ta, để nâng chúng ta lên là con Cha trên trời. Thánh Phao-lô viết trong bđ2 thánh lễ hôm nay : ‘Ân sủng Thiên Chúa đã được biếu lộ, đem ơn cứu độ cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức trong thế gian này’ (Tt 2,1).
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Chúa đã sáng tạo con người cách kỳ diệu
lại còn phục hồi phẩm giá con người
cách kỳ diệu hơn nữa
xin ban cho chúng con được chia sẻ
chức vụ làm Con Chúa với Đức Ki-tô
là Đấng đã chia sẻ kiếp người với chúng con.
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa
đến muôn thuở muôn đời.
SUY NIỆM II
NGƯỜI TRONG CUỘC LỄ CHÚA GIÁNG SINH
(Hội An 24/12/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Hôm nay, toàn thế giới hân hoan mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Câu chuyện Chúa giáng sinh được nghe đi nghe lại nhiều lần, rất quen thuộc với mọi người. Không chỉ quen thuộc các nhân vật Hài Nhi Giê-su, Mẹ Maria và thánh Giuse, mà người ta còn biết đến các nhân vật thiên thần, mục đồng, ba nhà đạo sĩ, dân chúng thành Giêrusalem và cả vua Hêrôđê. Tuy nhiều người biết đến biến cố giáng sinh, nhưng không phải tất cả có cùng cái nhìn về biến cố trọng đại này. Có thể phân biệt: cái nhìn của người ngoài cuộc và cái nhìn của người trong cuộc.
- Người ngoài cuộc biến cố Chúa Giáng Sinh
Người ngoài cuộc là người xem dịp giáng sinh là một lễ hội văn hóa, là mùa huyên náo, là dịp kích thích tiêu thụ, dịp mua quà và tặng quà, dịp trang trí và tụ họp với nhau trong những bữa tiệc, dịp ông già No-el và các con tuần lộc lên ngôi. Họ biết lễ giáng sinh, biết lịch sử biến cố giáng sinh, như biết một sự kiện lịch sử, nhưng không dám tìm hiểu Đấng nào giáng sinh, Vị giáng sinh ấy từ đâu đến và có liên hệ gì đến cuộc đời của tôi. Đối với người ngoài cuộc, giáng sinh không có Chúa Giê-su, chỉ là dịp đèn nhạc rầm trời, mà không dám xướng tên Hài Nhi giáng sinh, không dám thêm chữ “Chúa” trong câu mừng giáng sinh, không dám dành đôi phút để chiêm ngưỡng Hài Nhi Giê-su, Thiên Chúa làm người giáng sinh.
Thưa anh chị em, lắm khi chúng ta là người ngoài cuộc đối với biến cố Chúa giáng sinh. Chúng ta như nhân vật Hêrôđê vậy, người muốn loại trừ và giết chết lễ Chúa giáng sinh. Nếu hôm ấy không có Hài Nhi Giê-su mà chỉ có tiếng hát thiên thần trên trời, chỉ có các mục đồng hân hoan, chỉ có bầu trời đầy sao sáng, thậm chí có Mẹ Maria và thánh Giuse quỳ sốt sắng trong hang đá hay ngay cả trong biệt thự cao sang, thì những nhân vật và hiện tượng đó chẳng ảnh hưởng gì đối với Hêrôđê. Vì trong cung điện của ông không thiếu màu sắc rực rỡ, không thiếu tiếng nhạc ca như thần tiên ca hát, không thiếu thứ gì. Nhưng khi nghe các nhà đạo sĩ loan báo có vị Vua mới sinh, là nhân vật chính của lễ Giáng Sinh, là Vị Vua làm cho lễ giáng sinh có ý nghĩa, thì Hêrôđê hoảng sợ, cả dân thành Giêrusalem cũng hoảng sợ (Mt 2,3). Nếu vấn đề của những người chủ quán trọ là hết chỗ cho Chúa vào nhà, thì vấn đề của Hêrôđê là muốn loại trừ Chúa khỏi đất nước ông và khỏi biến cố giáng sinh, bởi ông sợ sự hiện diện của Hài Nhi Giê-su sẽ đe dọa quyền tự quyết của ông. Chỉ vì muốn loại trừ Chúa Giê-su, cuộc đời của Hêrôđê chỉ có lễ giáng sinh, mà không có lễ Chúa giáng sinh và ông đã giết chết ý nghĩa đích thực của biến cố Chúa giáng sinh.
Ngày này, có rất nhiều “fan” của Hêrôđê, nhiều người hâm mộ Hêrôđê. Họ là những người yêu cầu Chúa Giê-su ở ngoài cuộc đời của họ. Họ không muốn Chúa can thiệp vào nghề nghiệp, công việc làm ăn, địa vị xã hội, quyền lực, đam mê, chương trình sống của họ. Ngay cả họ sẵn sàng dành thời giờ mừng lễ Chúa giáng sinh, đóng góp cho buổi lễ tổ chức huy hoàng, chấp nhận Chúa là ân nhân trợ giúp thiêng liêng những khi họ cần đến, nhưng họ không muốn Chúa xen vào những quyết định và lựa chọn của họ, không muốn Chúa can dự vào đời sống luân lý của họ. Tóm lại, họ như đám đông đến nói với Chúa: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua của chúng tôi” (Lc 19,14). Họ mừng giáng sinh, nhưng không đón nhận Chúa giáng sinh.
Lắm khi chúng ta là người ngoài cuộc như thế đối với biến cố Chúa giáng sinh.
- Người trong cuộc biến cố Chúa giáng sinh
Những người trong cuộc không nhìn lễ giáng sinh chỉ như một biến cố lịch sử, mà còn là dịp thờ phượng Hài Nhi Giê-su, Đấng sinh ra trong máng cỏ, là Thiên Chúa làm người, là trung tâm của lễ giáng sinh, đồng thời là trung tâm của lịch sử nhân loại. Biến cố Chúa giáng sinh lần thứ nhất vào sáng sớm tại Bê-lem là biến cố liên quan đến những người có lòng tin, không là chuyện thời sự phớt qua bên lề cuộc sống của họ, mà là biến cố làm chuyển động lòng của họ, những người đang ở gần Hài Nhi Giê-su. Hài Nhi Giê-su đã chiếm lấy trái tim của họ và họ quỳ gối xuống thờ phượng Ngài. Đối với Mẹ Maria, thánh Giuse, các mục đồng và các nhà đạo sĩ, quỳ gối thờ phượng là việc phải làm trước bất cứ điều gì khác. Và trước bất cứ việc gì khác, quỳ gối thờ phượng để nắm bắt ý nghĩa sâu xa của biến cố Thiên Chúa làm người trong cảnh thấp hèn hang lừa máng cỏ để cứu độ nhân loại.
Thờ phượng Chúa Giê-su Hài đồng là cốt lõi của cử hành mừng Chúa giáng sinh. Không chỉ ca hát, bởi ca hát là chỉ là cách thể hiện lòng thờ phượng. Thờ phượng đích thực là thái độ của trái tim, là lời kèm theo tâm tình từ bên trong chúng ta dành cho Chúa Giê-su “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” của chúng ta. Thờ phượng đích thực là thái độ ngạc nhiên như Maria, Giuse, như các mục đồng sững sờ trước Thiên Chúa làm người trong hình hài bé mọn, trong khung cảnh nghèo hèn để đến được với mọi người, nhờ đó mọi người cũng có thể đến thờ phượng, ngợi khen mầu nhiệm cao cả Ngài thực hiện hôm nay.
Hôm nay cử hành mầu nhiệm Ngôi Hai giáng sinh. Việc cử hành này xuất phát từ trái tim và đức tin của mỗi chúng ta. Xin cho chúng ta từ nay mời Chúa đến với tâm hồn và gia đình của chúng ta, không chỉ có mặt trong cuộc của cuộc đời chúng ta, mà xin Chúa còn làm chủ cuộc đời chúng ta nữa. Đó là lý do chúng ta vui mừng nói với nhau: “Nào, cùng đi Bê-lem thờ phượng Chúa.”
SUY NIỆM III
NGÔI HAI GIÁNG TRẦN
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Đêm nay toàn thể Giáo Hội long trọng mừng Đại Lễ kỷ niệm ngày Ngôi Hai, Con Chúa giáng trần làm người. Trước hết chúng ta hiểu chữ “giáng”, có rất nhiều nghĩa: (1)“hạ”, ví dụ: giáng cấp, anh ấy bị giáng cấp do tham nhũng, trong âm nhạc hạ xuống nửa tong; (2) đập thật mạnh, ví dụ giáng cho nó một trận, giáng cho một búa nên thân; (3) từ trên cao xuống, ví dụ ông trời giáng trời mưa đã đời và hôm nay Ngôi Hai giáng trần. Nhưng thử hỏi Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần để làm gì? Để cứu chuộc loại người chúng ta. Vậy, tôi hỏi tiếp Cứu là gì? Nghĩa thứ 1 là giúp cho nên anh em nhà Phật gọi là độ, độ đây là giúp thôi chứ không giải thoát. Bạn đang khổ tôi giúp bạn mở mắt ra để bạn giác ngộ để bạn tới niếp bàn. Nghĩ thứ 2 của cứu là chữa, ví dụ cứu cho khỏi một cơn bệnh ngặt nghèo. Như vậy, cứu là giúp cho thoát một tình trạng nào đó mà tình trạng này phải tiêu cực, xấu, khổ, đau, tồi tàn hay mối đe dọa… Chẳng hạn, làm cho thoát giặc ngoại xâm gọi là cứu nước; giúp thoát khỏi một căn bệnh gọi là cứu chữa, giúp khỏi cái chết gọi là cứu mạng; giúp thoát khỏi thiên tai, lũ lụt gọi là cứu trợ; giúp thoát khỏi đám cháy gọi là cứu hỏa; mất mùa giúp cho họ khỏi chết đói gọi là cứu đói; giúp thoát khỏi mọi nỗi khổ triền miên gọi là cứu vớt; giúp cho bạn đời của mình khỏi đau khổ gọi là cứu bồ.
Như vậy, xét về chữ nghĩa: giáng có hai nơi cao và thấp, cứu có một người cao, người thấp để hạ xuống ra tay cứu giúp. Vì thế, ý nghĩa lễ giáng sinh hôm nay thật rõ ràng ý nghĩa hơn nhiều: Thiên Chúa từ trên cao hạ mình xuống để rồi giáng trần sinh ra làm người để cứu giúp chúng ta. Đặc biệt hơn là Ngài không dùng quyền thế cao sang toàn năng để cứu giúp mà làm người nhưng chúng ta mọi đàng trừ tội lỗi, Ngài giúp chúng ta từ thấp đến cao chứ không phải ra oai uy quyền mà cứu giúp. Vì vậy, chúng ta gọi Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc, mà chuộc nghĩa là lấy lại những gì đã mất, muốn lấy lại thì phải trả giá, phải mất cái gì đó của mình. Cho nên, Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta, Chúa phải trả giá mà cái giá đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người, rao giảng chịu nạn, chịu chết và sống lại để chuộc tội cho chúng ta được rỗi linh hồn: sạch tội tổ tông, bình an, hạnh phúc và sống lại đời sau. Rõ ràng, Thiên Chúa cứu chuộc hay cứu rỗi người thiệt thòi là Thiên Chúa, chúng ta không bị thiệt thòi gì. Qủa thế, Thánh Phaolô đã khẳng định: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,6-11). Cho nên Lời Chúa trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe, Tiên tri Isaia đã loan báo cho Dân Chúa sẽ được cứu chuộc rằng: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ,
đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa. Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9,1-5).
Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Ngài là Emmanuel ở giữa nhân loại. Ngài giáng trần để cứu chuộc và cứu rỗi mọi người hôm nay và mỗi ngày, Ngài là niềm vui cho muôn người. Qua Ngôi Lời giáng thế, Thiên Chúa đã đi sâu vào kiếp người chúng ta. Thiên Chúa chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng ta và để hiểu được nhu cầu của con người mà ra tay cứu chúng ta đồng thời làm cho ta được rỗi. Vì thế, chính Ngài đã đi cùng con người qua những thăng trầm của đời người. Chính Ngài cũng muốn nếm cảm sự mỏng dòn của kiếp người vô thường: sinh – lão – bệnh – tử. Chính Ngài đã đi đến tột cùng của hiến dâng là dám chết cho người mình yêu là con người chúng ta.
Vì vậy, sứ điệp của giáng sinh là cứu chuộc, cứu giúp, cứu rỗi nghĩa là hãy hạ mình xuống để trao ban, chia sẻ, bác ái, cảm thông, sám hối, tha thứ, và hy sinh. Để được như vậy, Lời Chúa trong bài đọc 2 dạy rằng: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”.
Uớc gì qua Lời Chúa đêm nay và khi chiêm ngắm Ngôi Hai Thiên Chúa trong hình hài một hài nhi yếu đuối, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy dành cho Ngài một chút chia sẻ tình thương cứu chuộc và cứu rỗi qua những người yếu đuối, đau khổ, tội lỗi và nghèo hèn ốm đau bệnh tật… Như các mục đồng năm xưa đã dâng cho Hài Nhi Giê-su những con lừa, con bò, những cọng rơm để sưởi ấm cho Chúa. Hôm nay, Ngài đang cần chúng ta tham gia vào sứ vụ chia sẻ một chút tình người, một chút lòng bác ái, một chút tinh thần dấn thân phục vụ để xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần trên những con người bất hạnh mà chúng ta gặp trên mọi nẻo đường qua những việc rất bình thường trong đời sống hằng ngày. Đó chính là sự tham gia xây dựng tình liên đới với nhau từ trong giáo xứ ra ngoài xã hội bằng sợi dây yêu thương, hiệp nhất, sống đức tin và loan báo Tin Mừng cứu rỗi đến cho mọi người hầu làm cho việc kỷ niệm Con Chúa Giáng sinh thêm nồng ấm tình thương. Amen