Có 20 Nhà Truyền Giáo Bị Sát Hại Trong Năm 2023


Theo phúc trình thường niên được hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng công bố hôm 30/12, trong năm 2023 trên thế giới có 20 thừa sai bị sát hại, gồm 1 giám mục, 8 linh mục, 2 tu sĩ, 1 chủng sinh, 1 tập sinh và 7 giáo dân.

Vatican News

Như những năm trước, hãng tin Fides dùng từ “nhà truyền giáo” theo nghĩa rộng, nói đến tất cả những người đã được rửa tội, như Đức Thánh Cha đã diễn tả trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Nhờ phép rửa, mọi thành phần Dân Chúa đều trở thành môn đệ truyền giáo”.

Hơn nữa, danh sách hàng năm của Fides không chỉ xem xét  các “nhà truyền giáo” ad gentes theo sát nghĩa, nhưng cố gắng ghi lại tất cả những người đã được rửa tội tham gia vào đời sống Giáo hội, đã chết vì bạo lực, chứ không chỉ vì “thù hận đức tin”. Vì thế, Fides không dùng cụm từ “các vị tử đạo”, để từ đó tiến hành xem xét việc phong chân phước hay phong thánh.

Theo phúc trình này, châu Phi là nơi có nhiều thừa sai bị sát hại nhất, với 9 vị, gồm 5 linh mục , 2 tu sĩ, 1 chủng sinh và 1 tập sinh. Tiếp đến là châu Mỹ, có 6 vị bị sát hại, gồm 1 giám mục, 3 linh mục, 2 giáo dân. Ở châu Á, có 4 giáo dân bị sát hại. Cuối cùng ở châu Âu với một giáo dân bị giết bởi bạo lực.

Một trong những điểm đặc biệt của các nhà truyền giáo bị sát hại trong năm 2023 là những người có một cuộc sống bình thường. Nghĩa là tất cả những vị này, từ giám mục đến giáo dân đã không có những hành động nổi bật gây sự chú ý và trở thành tầm ngắm của một ai đó. Các vị bị sát hại trong khi đang trên đường đến nơi cử hành Thánh lễ, thi hành mục vụ. Những vị khác bị giết trong các cuộc tấn công bạo lực của các nhóm vũ trang, hoặc là nạn nhân của các hành động khủng bố, các vụ nổ súng.

Cũng theo phúc trình, trong cuộc sống “bình thường” này, trong bối cảnh nghèo về kinh tế và văn hoá, suy thoái đạo đức và môi trường, nơi sự sống và nhân quyền không được tôn trọng, các nhà truyền giáo đã sống đức tin qua việc trao ban chứng tá Tin Mừng cách đơn giản qua các hoạt động mục vụ, dạy giáo lý, chăm sóc sức khoẻ, bác ái. Các vị thừa sai có thể đi nơi khác, chuyển đến một nơi an toàn hơn, hoặc ngừng dấn thân, nhưng các vị đã không làm như vậy, mặc dù nhận thức được những nguy hiểm phải đối diện mỗi ngày.