Chúa Nhật Lễ Hiển Linh


CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Ngày 07/01/2023

GIÁO HUẤN SỐ 6

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

“Phúc cho những ai đói khát công lý, vì họ sẽ được thỏa lòng” (tiếp theo)   

“Công lý thực sự đến trong đời sống của người ta khi họ công chính trong các quyết định của mình; nó được diễn tả nơi việc họ tìm kiếm công lý cho người nghèo và người yếu thế. Trong khi quả thực là từ “công lý” có thể là một từ đồng nghĩa với sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta, nếu chúng ta hiểu từ này theo một nghĩa quá rộng, thì chúng ta quên rằng nó được diễn tả cách đặc biệt trong công lý cho những người yếu đuối nhất: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, bảo vệ cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1,17). Đói khát sự công chính: đó là thánh thiện”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 79).

 

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Tam Kỳ và Giáo xứ Vân Đõa .

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12)

Bài Ðọc I: Is 60, 1-6

“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.

Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.

Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.

Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Ma-đi-an và Ê-pha; tất cả những ai từ Sa-ba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13

Ðáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa

Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.

Xướng: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.

Xướng: Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ.

Xướng: Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người.

Bài Ðọc II: Ep 3, 2-3a. 5-6

“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giê-su Ki-tô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 2, 2

Alleluia, alleluia! – Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 2, 1-12

“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua“.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi Chúa Giê-su sinh hạ tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đa, trong đời vua Hê-rô-đê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-ru-sa-lem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hê-rô-đê bối rối, và tất cả Giê-ru-sa-lem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Ki-tô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bê-lem, đất Giu-đa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giu-đa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hê-rô-đê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bê-lem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Ma-ri-a Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và một dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hê-rô-đê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

KHÁT VỌNG GẶP CHÚA TRỞ THÀNH ĐỨC TIN

 (Hội An 7/1/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú.

            Đức cha Fulton Sheen nhận định: Có hai hạng người nghe được tiếng Hài Nhi Giê-su khóc trong đêm giáng sinh, đó là những mục đồng và các nhà đạo sĩ. Mục đồng là những người biết họ không biết gì; đạo sĩ là những người biết họ không biết hết mọi sự. Nói tóm lại, chỉ những người đơn sơ và những người khao khát Thiên Chúa mới gặp được Ngài. Hôm nay Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy như các nhà đạo sĩ, để cho lòng khao khát Thiên Chúa cháy bỏng trong tâm hồn đến mức thúc đẩy chúng ta lao đi về phía Chúa.

  1. Nuôi dưỡng khát vọng gặp Chúa

            Theo Đức Bênêđictô XVI, sự tiến bộ và thành công trong khoa học kỹ thuật của thời nay đang trở thành cơn cám dỗ gạt Thiên Chúa ra bên lề cuộc đời, bởi người ta tin tự tay mình có thể làm được mọi sự, tự tạo ra hạnh phúc, kể cả bào chế ra thứ sản phẩm đáp ứng nhu cầu nội tâm của con người, chẳng hạn tạo ra các phong trào huyền bí mang tính tôn giáo mà chẳng cần đức tin, chẳng cần Thiên Chúa. Như vậy, đối với người thời đại, vấn đề Thiên Chúa chẳng cần thao thức tìm kiếm nữa, vì con người được thỏa mãn mọi ước muốn nơi chính mình.

            Nhưng, các nhà đạo sĩ và những người thiện tâm thì không thể kìm nổi niềm khao khát đang cháy bùng bên trong tâm hồn mình. Các đạo sĩ hay ba vua phương đông là những người giàu có cả của cải lẫn kiến thức, đầy khôn ngoan, quyền lực và uy danh của một vị vua. Trong cái nhìn đầy tự hào của con người thời đại chúng ta, các đạo sĩ không thiếu thứ gì, không cần tìm kiếm gì nữa. Thế nhưng, đối với các nhà đạo sĩ, kiến thức không làm thỏa mãn, giàu có và khôn ngoan vẫn không làm yên lòng, quyền lực và uy danh không là tất cả, bởi cuộc sống không chỉ bây giờ và hiện tại, mà là một mầu nhiệm lớn lao đang vẫy gọi chúng ta nhìn về phía xa, lao mình về phía trước. Các nhà đạo sĩ lao ra khỏi thói đơn giản hóa mọi thứ trong những gì họ có, không phải để đi tìm gặp những thứ do mình nghĩ ra, nhưng khao khát tìm kiếm một điều lớn lao đối với họ, hơn những gì con người có thể nghĩ ra hay làm ra. Nhà danh họa lừng danh Vincent Van Gogh đã diễn tả lòng khao khát tìm gặp Thiên Chúa trong lòng ông mãnh liệt đến mức ông lao ra ngoài vào đêm tối để vẽ các vì sao, với mong ước thấy được ngôi sao soi đường từng giúp các nhà đạo sĩ tìm gặp Thiên Chúa. Khát vọng gặp Thiên Chúa thôi thúc các nhà đạo sĩ lên đường tìm gặp với câu hỏi thường trực: “Vua người Do Thái mới sinh, hiện đang ở đâu?” (Mt 2,2).

  1. Khát vọng gặp Chúa trở thành đức tin và lòng thờ phượng

            Là những người thông thái, họ suy luận chỉ ở cung điện Giêrusalem mới có thể gặp vị vua mới sinh. Nhưng họ đã lầm! Họ tìm sai địa chỉ! Họ gặp vua Hêrôđê. Vua Hêrôđê chẳng những không biết gì về vị vua mới sinh, ông còn rất lo sợ vị vua ấy, ông muốn tìm vị vua ấy không phải để thờ phượng, nhưng để giết chết vị vua đó.

            Một lần lạc đường không làm các đạo sĩ nản lòng, họ bắt đầu lại hành trình tìm gặp Thiên Chúa, có ngôi sao soi đường, có thánh kinh chỉ dẫn. Họ vui mừng khôn xiết khi ngôi sao dừng trên nơi vị vua sinh ra, thêm nữa, họ vui mừng vì đã tìm gặp vị vua của lòng họ. Họ gặp được mục đích của hành trình tìm kiếm, Chúa Giê-su, Vị Vua mới sinh nằm trong máng cỏ. Niềm vui của họ trọn vẹn, từ ước mong nay trở thành đức tin, họ quỳ xuống thờ lạy, dâng lễ vật cho Ngài.  Họ gặp được Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Ngài là phần thưởng cho các nhà đạo sĩ. Chúa Giê-su là câu trả lời cho vẹn cho câu hỏi: “Vua người Do Thái mới sinh, hiện đang ở đâu?”

            Chúng ta lắm khi lạc đường như các đạo sĩ. Có những khi ta nghĩ rằng chỉ sự sung túc của cải, chỉ với công việc thành đạt, nhà cửa tráng lệ hơn, được nổi tiếng hơn là đủ lấp đầy những khát vọng trong ta. Lầm to! Đôi khi chúng ta bị lôi cuốn vào vẻ đẹp đầy ấn tượng của Giêrusalem trần thế, vào sự bề thế của các cơ sở của Giáo Hội mà đánh mất ánh sáng của trời cao, hoặc bỏ qua sự soi sáng của thánh kinh, nên lạc lối và không gặp được Chúa Giê-su hôm nay.

            Như các nhà đạo sĩ, tôi tự hỏi Chúa Giê-su đang ở đâu trong gia đình tôi? đang ở đâu trong giáo xứ tôi? đang ở đâu nơi tôi làm việc? đang ở đâu trong chương trình sống một ngày của tôi? Mỗi câu hỏi giúp ta khao khát tìm gặp Chúa hơn. Chúng ta cần theo gương các nhà đạo sĩ, để đức tin lớn lên bằng cách bắt đầu lại, khơi dậy lại khát vọng gặp Chúa, chấp nhận thử thách để bước vào mối quan hệ thân thiết với Thiên Chúa, làm cho khát vọng trở thành đức tin, trở thành hành động và cuộc đời thờ phượng. Cuộc sống lại của Chúa là phần thưởng mới mẻ Chúa mang xuống trần gian, đó là Chúa không ở nơi đâu xa cả, ở giữa khi gia đình cầu nguyện chung, ở đâu có hai ba người tụ họp vì danh Chúa.  Trong toàn bộ lời Chúa và Thánh Thể, trong Giáo Hội, Thiên Chúa hiện diện lạ thường, ở bên ta, cho ta chạm được Ngài và đón nhận Ngài vào lòng và trí của ta và nên một trong ta.

Gặp Chúa Giê-su vị vua mới sinh, các đạo sĩ sấp mình thờ phượng và dâng lễ vật. Xin Chúa cho chúng ta khao khát và đến gặp Chúa. Hành trình đến với Chúa không chỉ là từ nhà chúng con đến nhà thờ, mà còn là hành trình từ lòng khao khát đến đức tin và lòng yêu mến thờ phượng Chúa trong chúng con. Xin cho hành trình của chúng con tìm được điểm đến là gặp gỡ Chúa và thờ phượng Chúa.

SUY NIỆM II

HÃY LÀ SÁNH SAO YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

          Thánh Matthêu là tác giả duy nhất trong bốn tác giả Tin Mừng nói về “ngôi sao lạ” đã xuất hiện vào thời điểm Chúa Giêsu sinh ra. Ngôi sao này đã hướng dẫn các nhà đạo sĩ từ phương Đông đến Belem để thờ lạy Hài Nhi. Ngay từ rất sớm trong lịch sử, đã có nhiều người nghiên cứu để tìm xem “ngôi sao lạ” này thực sự là một hiện tượng thiên văn hay chỉ là dấu chỉ tượng trưng. Có người cho đó là một sao chổi, như ý kiến của nhà thiên văn Nga, nhà thiên văn Hoa Kỳ Michael Molnar lại cho rằng ngôi sao Belem có thể là “sao Mộc Tinh”. Dù đó có phải là một hiện tượng tự nhiên hay không, chúng ta chắc chắn một điều, dưới lăng kính của tác giả Tin Mừng, việc nhắc tới ngôi sao lạ nhằm nhấn mạnh tới ý nghĩa tượng trưng. Cộng đoàn Kitô giáo từ thời sơ khai đã sớm nhận ra điều đó, và khi nói đến ánh sao dẫn đường cho các nhà đạo sĩ từ phương Đông, Giáo Hội coi đó là lời mời gọi các dân tộc đến thờ phượng Chúa. Sự kiện viếng thăm của các nhà đạo sĩ cũng hàm chứa một thông điệp cho thấy Chúa Giêsu là Ánh sáng các dân tộc và là Đấng cứu độ muôn dân muôn nước. Chúa Giêsu là ánh sáng vĩnh cửu soi đường dẫn lối cho con người đang sống trong tối tăm lầm lạc, giúp họ nhìn thấy con đường của Chân lý Tình Yêu và nhờ đó, họ được cứu độ. Trong lời mở đầu của Tin Mừng Thánh Gioan, tác giả đã nhấn mạnh: Đức Giêsu là Ánh sáng (1,9), nghĩa là Đức Giêsu chính là Ánh sáng ngàn đời từ cung lòng Chúa Cha đã đến soi chiếu thế gian, đẩy lùi tối tăm tội lỗi và làm cho Vương quốc tình yêu của Thiên Chúa lan rộng trong cuộc đời qua muôn thế hệ trên từng các dân tộc.

Vì vậy, Tin Mừng Mát-thêu hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta khám phá ra Ngôi sao ánh sáng ấy, đó chính là – Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Cho nên, ý nghĩa của Lễ Hiển Linh, chính là Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Người, qua Chúa Hài Đồng tỏ mình ra cho những người ngoài Do-thái, mà đại diện là các vị hiền sĩ phương đông.

Có thể nói rằng, trong cuộc sống, ít khi Thiên Chúa mạc khải cách trực tiếp cho con người, mà thường chỉ tỏ mình cách gián tiếp qua một trung gian nào đó. Đứng trước những dấu chỉ Thiên Chúa dùng để tỏ mình ra, có người đã đón nhận, nhưng phần đông không nhận ra. Trong bài Tin Mừng hôm nay, các luật sĩ và biệt phái rất thông hiểu Kinh Thánh, am tường lời ngôn sứ nói về Đấng Cứu Thế, bằng chứng là khi vua Hê-rô-đê hỏi họ rằng: “Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu?” (Mt 2,4), thì họ trả lời ngay rằng: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,6). Lẽ ra khi biết thế họ phải đi tìm Đấng Cứu Thế, nhưng họ đã bỏ qua. Trong khi các vị hiền sĩ phương đông chưa chắc đã thông hiểu Kinh Thánh bằng họ, nhưng nhờ sự dẫn đường của ngôi sao lạ – một dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người – họ mau mắn ra đi vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su. Sở dĩ như thế vì họ có tâm hồn ngay thẳng, thành tâm thiện chí, muốn tìm chân lý tình yêu. Còn các luật sĩ biệt phái thì tự phụ kiêu căng nên không muốn tìm đến sự thật, mà sau này chính Chúa Giê-su đã lên án họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Lc 16,15).

Hôm nay, Thiên Chúa Hiển Linh nữa không? Thưa còn! Và còn rất nhiều qua những dấu chỉ thời đại, qua những con người mà chúng ta gặp gỡ. Cha Charles de Foucauld, vị sáng lập dòng Tiểu đệ, sống nghèo khó, yêu thương, phục vụ người nghèo theo tinh thần “hiện diện với Chúa và hiện diện với và trong những người đau khổ khó nghèo, bệnh tật”. Mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta, cả cuộc đời dấn thân phục vụ người nghèo, người khuyết tật, những người bệnh hoạn ốm đau sắp chết vì Mẹ đã nhận ra hình ảnh Chúa Kitô đau khổ trong họ. Còn biết bao nhiêu người khác đang miệt mài ngày đêm quên mình hy sinh, phục vụ, chăm sóc cho những người phong hủi, tâm thần, trẻ mồ côi… khắp nơi trên thế giới. Cho nên, các ngài yêu thương chăm sóc và tôn trọng họ như yêu thương chăm sóc và tôn trọng Chúa vậy. Cho nên, 10 điều răn tóm về 2 hành động này là mến Chúa yêu người như nhau… Vì vậy, Lời Chúa quả quyết rằng: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét, kỳ thị, khinh chê  anh chị em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương chị anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh chị em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1Ga 2,9-10).

Vậy, mỗi người chúng ta ngày hôm nay, cũng hãy nên những ngôi sao của Chúa giữa cuộc đời, bằng chính đời sống chứng nhân, yêu thương, bác ái, phục vụ tha nhân như lời Chúa Giê-su đã dạy: “Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau.” (Ga 13,35). Đó có thể là việc thăm nom người ốm đau tại các bệnh viện, hay như thu gom giấy, ve chai… để bán và dành số tiền đó cho các trẻ em nghèo. Đó có thể là một ánh mắt yêu thương hay một lời an ủi chia sẻ với những người chung quanh chúng ta khi họ gặp cảnh ốm đau, bệnh tật, buồn nản, sầu khổ…Hay có thể đó là việc thăm viếng, giúp đỡ sửa sang nhà cửa, giặt giũ mùng mền, áo quần hay tặng thuốc, chiếu chăn, áo ấm cũ cho những người già neo đơn, người nghèo khổ không nơi nương tựa trong mùa đông giá rét này.

Qủa thế, những hành động ấy là dấu chỉ của ánh sáng tình yêu thương phục vụ sẻ chia chúng ta sẽ trở nên là men, là muối cho đời, và là ánh sáng cho trần gian (Mt 5,13-16), mà những người chung quanh có thể nhận ra được tình yêu Thiên Chúa đang hiện diện, như ngôn sứ I-sai-a đã nói trong bài đọc thứ I hôm nay, “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi” (Is 60,3). Nhờ đó tất cả chúng ta trở nên anh chị em với nhau trong tình yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta được hưởng ơn cứu độ như lời thánh Phao-lô Tông đồ đã nói trong bài đọc thứ II, “Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6). Amen.