Chúa Nhật V Thường Niên B
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN B
Ngày 04/2/2024
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Thanh Bình
GIÁO HUẤN SỐ 10
TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ
Phúc cho những ai có trái tim trong sạch,
vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa.
Mối phúc này nói về những ai có tâm hồn đơn sơ, thuần khiết, và không uế nhiễm, vì một trái tim có khả năng yêu thương, thì không chấp nhận bất cứ gì có thể làm tổn hại, yếu nhược hay gây nguy hiểm cho tình yêu ấy. Thánh Kinh dùng hình ảnh trái tim để diễn tả những ý hướng thực sự của chúng ta, những gì mà chúng ta thực sự tìm kiếm và khao khát, khác với tất cả nhữn vẻ bên ngoài. Con người nhìn vẻ bề ngoài, nhưng Chúa nhìn tận trong trái tim (1Sm 16,7). Thiên Chúa muốn nói với trái tim chúng ta (Hs 2,16). Ngài muốn ghi luật của Ngài vào đó (Gr 31,33). Nói tắt, Ngài muốn làm cho chúng ta một quả tim mới (Ed 36,26) (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 83),
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39)
Bài Ðọc I: G 7, 1-4. 6-7
“Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”.
Trích sách Gióp.
Bấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Hãy chúc tụng Chúa, Ðấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán.
Xướng: Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một.
Xướng: Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất.
Bài Ðọc II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23
“Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Chiên của Ta nghe biết tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 29-39
“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Giáo dân Đàng Ngoài yêu thích cầu nguyện
Một thừa sai nói về lòng đạo đức của tín hữu Đàng Ngoài không kém phần hấp dẫn : ‘Điều làm tôi ngỡ ngàng về lòng yêu thích cầu nguyện của các tân tòng : giờ kinh hạt được ấn định rõ ràng, không một lợi lộc trần thế nào có thể ngăn cản quên giờ đó. Mỗi gia đình có một bàn thờ đặt nơi trang trọng nhất trong nhà, những người cùng túng nhất cũng không xao lãng việc trang hoàng bàn thờ. Có những người nghèo khổ không đủ cơm ăn, nhưng bàn thờ thì phải huy hoàng. Sáng tối mọi người trong gia đình xum vầy đọc kinh trước bàn thờ, trên đó bổn đạo còn để bình nước thánh, ngoài các ảnh tượng họ có được. Người nào hay đi đường, đều mang theo một bàn thờ nhỏ; khi đến nhà trọ, họ đặt bàn thờ này trước mặt, đọc kinh cầu nguyện theo những giờ giấc quen thuộc. Khi chúng tôi dâng lễ, chẳng thiếu một bổn đạo nào. Sau mỗi thánh lễ, nếu chúng tôi không yêu cầu họ rút lui, thì họ ở lại dự mọi thánh lễ, cấu nguyện với một tâm hồn sốt sắng, đến mức độ làm gương sáng cho các thiên thần. Lòng sốt sáng ấy còn cao độ hơn nữa, nếu chúng tôi cho phép họ rước Mình Thánh Chúa (thời ấy chưa được phép rước lễ hằng ngày là điều họ hằng khao khát’ (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 181).
Hai bài đọc Lời Chúa trong thánh lễ cũng kêu gọi chúng ta cầu nguyện.
Bđ1 ông Gióp cầu nguyện : ‘Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.
BTM là gương cầu nguyện của Chúa Giêsu : ‘Sáng sớm, trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện’.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà,
chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa
xin Chúa hằng che chở chúng con.
Chúng con cầu xin
SUY NIỆM II
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Dành thì giờ cho Chúa và cho bản thân
Vào những ngày cuối, ai ai cũng than rằng con bận quá Chúa ơi và còn có người nói con không chỉ bận cuối năm mà cả năm con qua bận rộn với vô vàn công việc Chúa ơi. Darius Foroux, một doanh nhân và là tác giả của nhiều cuốn sách về bài học cuộc sống cho rằng chúng ta luôn cảm thấy thời gian bay nhanh như một cái chớp mắt. Mỗi ngày, đều chìm đắm trong công việc, mãi lo toan cuộc đời mà quên không nghỉ ngơi chính mình… Thử hỏi: “Bạn có hạnh phúc khi trở nên bận rộn không? Tôi dám trả lời là không. Và đôi khi tôi tự hỏi: Phải chăng, chúng ta đang sống trong thế giới quá bận rộn một cách không cần thiết?”
Người ta có thể quá nhiều công việc, đến nỗi họ không dành ra được lấy một phút nào cho bản thân mình. Làm việc bận rộn quá không đủ thời gian cho Chúa, không lo chăm sóc bản thân mình hay cho tha nhân có thể trở thành một thứ bệnh tật mới ngày nay. Cho nên, chúng ta phải biết chăm sóc bản thân mình bằng cách chú tâm cẩn thận đến những nhu cầu thiêng liêng, thể lý, tình cảm, tâm trí, và tinh thần của bản thân, thì chúng ta mới có thể tiếp tục luôn là những người bình an thanh thản hoan lạc cho thân xác và tâm hồn đồng thời vui vẻ tham gia tích cực vào việc rao giảng Tin Mừng cho Chúa.
Như chúng ta nhận thấy trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ngay cả Đức Giêsu cũng cần dành thì giờ cho bản thân mình để cầu nguyện. Những kẻ đau yếu về thể xác và tâm trí luôn vây quanh Người. Tất cả mọi người đều đang kêu la với Đức Giêsu. Người đang có nguy cơ bị hao mòn sức lực. Tuy nhiên, giữa bối cảnh cuồng nhiệt đó, “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng, và cầu nguyện ở đó”. Tuy suốt ngày bận rộn với con người, Chúa Giêsu phải dành buổi sáng sớm để cầu ngyện. Điều đó cho thấy, đối với Chúa, việc cầu nguyện là quan trọng biết bao. Chúa Giêsu cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho cuộc đời và sứ vụ.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy chúng ta rằng: “Cầu nguyện chính là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để gặp gỡ và hiệp thông với Ngài trong tình yêu và để cầu xin những ơn cần thiết”. Thật vậy, trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn không ngừng yêu thương nhân loại và Ngài luôn kêu gọi mỗi người chúng ta đi vào mối tương quan cá vị, thân tình và sống động với Ngài qua việc cầu nguyện. Từ những điều này, chúng ta có thể khẳng định rằng cầu nguyện là nói chuyện với Chúa trong những suy nghĩ cũng như hoạt động hành hằng ngày của chúng ta, là một trong những tâm tình riêng tư thuộc về cá nhân. Kinh nghiệm của các thánh còn cho thấy cầu nguyện không chỉ đưa chúng ta đến với Chúa, mà còn liên kết chúng ta với tất cả những ai đang có cùng chung tâm tình thờ phượng Thiên Chúa trong sợi dây hiệp thông và nhất là trong tình yêu thương của chính Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể ví cầu nguyện giống như hơi thở của sự sống: nếu hơi thở cần cho sự sống thế nào thì đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu chúng ta cũng không thể thiếu cầu nguyện như vậy. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói về sự quan trọng của cầu nguyện như sau:“Không cầu nguyện thì không có đức tin. Không có đức tin thì không có tình mến, Không có tình mến thì không có phục vụ. Không có phục vụ thì không có niềm vui, không có bình an.”
Gần hết năm Qúy Mão, có khi nào chúng ta đã cảm nhận mình còn thiếu một điều gì đó rất quan trọng trong năm qua chưa, phải chăng đây là những lúc chúng ta dành một phút để nhìn lại sức khỏe và đức tin của mình và nhất là mối liên hệ với tha nhân. Thứ nhất, trong 365 ngày qua, tôi có lúc hối hả tất bật, có lúc thanh thản bình yên sau những ngày tháng bận rộn nhờ cầu nguyện với Chúa chưa? 365 ngày qua, tôi có nhận ra rằng đời người như một dòng sông, thấy là thẳng nhưng không phải thẳng; thấy là uốn khúc nhưng không phải cong; thấy là ngược dòng nhưng luôn xuôi chảy… nên tôi cần phải cầu nguyện xin Chúa giúp chưa? 365 ngày đã qua cho dù tôi thêm một tuổi đời, có thể sức khoẻ có kém hơn trước nhưng bù lại kinh nghiệm sống nhiều hơn, có thể thu nhập ít hơn nhưng công việc nhàn hạ hơn và có nhiều giờ đến với Chúa qua việc tham dự Thánh lễ, kinh nguyện, có thời gian đến với bà con bạn bè và mọi người chưa? 365 ngày qua tôi mải lao theo vòng xoáy của tiền tài danh lợi thú vui bất chính mà bỏ quên cả chồng, vợ con cái, gia đình, bản thân và cả Chúa không? Trong 365 ngày qua, dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm, mất mát, đớn đau, buồn vui, bệnh tật, cuộc sống vẫn vô tình trôi đi… tôi có kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện chưa? 365 ngày đã trôi qua với đủ đầy những hương vị và sắc màu của cuộc sống… thành công có, thất bại có, hạnh phúc có, bất an có, hy vọng có, tuyệt vọng tội lỗi cũng có… tôi có đến với Chúa để dâng hết cho Thiên Chúa chưa? Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là 365 ngày qua tôi đã yêu thương, sẻ chia, tha thứ, bao dung trắc ẩn, thương xót, phục vu bà con, thân thuộc và tha nhân..đến mức độ nào? Có đến mức độ như Thánh Phaolô nói trong bài đọc 2 không: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng”.
Cuối năm mọi người thêm một tuổi để ngắm nhìn bản thân, ngắm nhìn công việc thờ phượng của mình với Chúa suốt một năm qua chúng ta dành thời gian cho Chúa và cho chính mình được bao nhiều trong ngày, trong tuần và suốt 1 năm. Vậy chúng ta hãy dùng ngày cuối năm như một thời gian ngắn để cầu nguyện với Chúa, nhìn lại bản thân để mong một năm khép lại trong bình an và những điều tốt đẹp, thánh thiện và tươi sáng, hạnh phúc, mạnh khỏe hơn sẽ mở ra trong năm mới.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải dành thời gian cho Chúa, phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Chúng ta hãy biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Coi việc cầu nguyện như cội nguồn của hoạt động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công. Ta hãy cảm tạ Chúa đã cho ta một năm qua được bình an, thánh thiện và sống tốt Đạo đẹp đời. Xin cho ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu và chân tình hơn trong năm mới này.
SUY NIỆM III
MỘT ĐỜI THƯƠNG CẢM
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P
Người ta vốn tóm gọn cuộc đời vào bốn chữ sinh, lão, bệnh, tử Ðã có ngày đem tiếng khóc chào đời thì cũng có ngày xuôi tay nhắm mắt từ giã cuộc đời Ðã có thời thanh xuân thì cũng có thời già lão Ðã có lúc khoẻ mạnh sung sức thì cũng có lúc bệnh tật, thập tử nhất sinh Trước thân phận con người như thế, đã có những thái độ khác nhau, hoặc chấp nhận vì cuộc đời là như vậy, hoặc phản kháng vì thấy cuộc đời như vậy là phi lý, là không thể chấp nhận được
Tiếng kêu thương
Ðoạn văn Cựu Ước Chúa nhật hôm nay kể được là một trong những đoạn văn bi ai nhất sách Gióp, một tác phẩm cổ xưa đặt vấn đề về đau khổ của con người Ông Gióp, một người công chính, lâm bệnh Vợ con ông bêu riếu, phê bình, bạn bè không thông cảm, một mình đương đầu với bệnh tật và khổ đau không dứt Nhưng thực ra, ông Gióp chỉ là điển hình cho bất cứ con người nào đang phải đương đầu với những khổ đau và nghiệt ngã của cuộc nhân sinh Người ta vẫn cứ phải gánh chịu những tai hoạ khổ đau, oái oăm, nhất là không phải người ta tự gây ra cho mình Lại càng khó hiểu hơn nữa khi người ta không có gì đáng phải gánh chịu những khổ đau như thế: chiến tranh, tai họa trong thiên nhiên như bão lụt, động đất, những hậu quả do một thiểu số gây ra tất cả vẫn đang tiếp tục nối dài dòng người đau khổ Cũng như ông Gióp, rất nhiều khi người ta không thể lý giải được tại sao lại có đau khổ như thế Nhưng lời than vãn của ông Gióp, dù không giải quyết được những đau khổ riêng của ông, cũng đã nói lên được niềm trông cậy: ông xin Thiên Chúa cứu giúp
Vị Thượng Tế biết thương cảm
Cuối cùng, lời hứa của Thiên Chúa đã hoàn thành Ðấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa, đã đến để cứu chữa những đau khổ nhân loại phải gánh chịu Khi loan báo Nước Thiên Chúa, Ðức Giêsu đương đầu với quyền lực Ác Thần Và tiếp theo sau đó, Người đã thuyên chữa bệnh tật cho nhiều người trong suốt một ngày Tác giả Máccô trình bày một ngày trừ quỷ và chữa bệnh này như thể đó là ngày mẫu cho một đời thương cảm của Ðức Giêsu Một ngày chữa bệnh cho bà nhạc ông Phêrô là một đời kiên trì và thương xót Hội Thánh, xua đuổi sức mạnh của Ác Thần ra khỏi Hội Thánh để Hội Thánh tiếp tục phục vụ Một ngày chữa bệnh cho mọi người chen lấn đến xin sẽ là một đời đi khắp nơi chữa trị những khổ đau thể xác và mở mắt tâm hồn cho con người nhận ra ơn cứu thoát
Nhưng cần đi xa hơn để thấy Ðức Giêsu không phải là thầy lang chữa bách bệnh Người đến cứu thế gian không phải bằng cách dứt khoát loại trừ mọi đau khổ ra khỏi trần gian, để từ nay trở đi không còn một khổ đau nào động đến con người nữa Trái lại, Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta (x Is 53,14; Mt 8,17), và dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế
nào là vâng phục (x Hr 5,8) Người ta có lẽ chẳng bao giờ giải thích cặn kẽ được tại sao Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến cứu vũ trụ và con con người bằng cách dang hai tay ra trên thập giá Tại sao Ðấng cứu loài người khỏi khổ đau và chết chóc lại đón nhận một đau khổ nhục nhã nhất như thế?
Để thiết lập một cộng đoàn biết cảm thương
“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45) Suốt đời dong duổi đây đó, chữa lành những người bệnh tật đau khổ, nhưng cũng là một đời không ngừng in sâu hình ảnh phục vụ theo gương Người: hy sinh mạng sống vì người khác Khi chữa lành bà nhạc của ông Phêrô, Ðức Giêsu chứng tỏ Người có quyền trên Ác Thần và nâng cộng đoàn những người tin dậy để có khả năng phục vụ theo gương Người
Ðức Giêsu muốn cộng đoàn những người tin tiếp tục công trình loan báo Tin Mừng Người đã thực hiện Người muốn cộng đoàn ấy nối dài lòng thương cảm của Người cho các người khác Thánh Phaolô đã thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng như thế Thánh nhân đã trở thành nô lệ mọi người để phục vụ Tin Mừng Mỗi tín hữu cũng được mời gọi như thế Dẫu rằng ngày nay, ta không thể cầm tay một người bệnh và chữa lành người ấy ngay tức khắc như Ðức Giêsu đã làm, nhưng ta không phải là không thể dùng lòng thương cảm, một lòng thương cảm mà Ðức Giêsu đã kín mức từ nơi Chúa Cha, để làm cho một người bệnh cảm thấy được an ủi, một người sầu khổ cảm thấy vơi đi nỗi sầu, một người hèn kém cảm thấy mình được sống đúng giá trị của một con người Những khi người ta làm được như vậy tức là ngày mẫu được thánh Máccô nói về Ðức Giêsu lại được tiếp tục thực hiện, lòng thương cảm của Ðức Giêsu lại tiếp tục tuôn chảy và cộng đoàn những người biết cảm thương như Ðức Giêsu lại lan rộng để trở thành một cộng đoàn yêu thương như Thiên Chúa muốn
Lời nguyện của người được sai đi
Lạy Chúa,
Việc loài người biết nhận ra Ngài khi Ngài tự trao ban trong nước của bí tích Thánh Tẩy, trong Thánh Thể, trong Thánh Kinh… điều đó cũng dễ quan niệm được thôi. Nhưng còn việc Ngài lại cũng muốn đi sâu vào cõi thâm cung của lòng người mà lại qua trung gian của con, thì quả là khó tưởng nghĩ được.
Làm sao con người có thể nhận ra Ngài nơi con, ít ra là làm sao họ lại có thể hiểu ra rằng con là người được Ngài sai đi, là sứ giả của Chân lý Ngài, là kẻ đem lại lòng thương xót của Ngài? Mỗi lần con tự đặt ra vấn nạn này cho mình, thì hình như sứ điệp hạnh phúc mà con thông chuyển lại cho anh em con đã biến thành một gánh nặng khủng khiếp đè trên chính con.
Thật thế, con biết rõ điều đó. Chính Ngài đã sai con đi. Con là sứ giả của Ngài, dù con khốn khổ và nghèo hèn. Con là sứ giả của Ngài, đã được Ngài chọn, bất chấp mọi sự. Con loan báo Chân lý Ngài thì đó không phải là điều làm chân lý Ngài bị suy suyển. Ân sủng của Ngài vẫn tinh tuyền cho dù đi qua đôi tay trần tục của con. Phúc Âm của Ngài vẫn thực sự là một Tin Mừng, cho dù sứ giả của Ngài không sao để lộ được vẻ hân hoan trong Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình. Lòng thương xót của Ngài vẫn bao la mặc dù được biểu lộ qua tấm lòng nhỏ bé của con. Ánh sáng của Ngài vẫn chiếu dọi, vẫn biến đổi bóng đêm âm u của cõi chết thành ánh dương ngày cứu độ, cho dù ánh sáng ấy phải dọi qua những khung kính mờ đục của đời con, của tâm trí phàm trần khốn khổ…
Lạy Chúa, con là người được sai đi, là sứ giả của Con Chí Ái Ngài, của Chúa chúng con. Không còn gì vĩ đại hơn, không còn danh hiệu nào vinh dự hơn…
Ðể đem lại Ánh sáng, để thông chia tình thương, con phải nhóm lên chất dầu của cuộc đời con…
Lạy Chúa,
Xin để cho con biết ngỡ ngàng khi thấy có những người nhận ra được lòng thương xót của Ngài, nhận ra Ngài đã sai con đi và đã đón nhận con với tư cách là sứ giả. Xin cho con cảm nhận được niềm vui chân thật và hết lòng biết ơn Ngài mỗi khi con đứng trước phép lạ ấy, mỗi khi anh em con sẵn sàng đón nhận con trong chốn thâm sâu tâm hồn họ, bất chấp sự bất xứng của con. (theo K Rahner)
SUY NIỆM VI
TẠI SAO BẠN TÌM CHÚA?
(Hội An 4/2/2024)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Tin mừng hôm nay tiếp nối các sự kiện của tuần vừa qua. Tuần qua, nghe lời Chúa Giê-su giảng dạy, đám đông đã ngạc nhiên và so sánh lời giảng dạy của Chúa Giê-su có uy quyền chứ không như các kinh sư của họ. Tiếp đến, lời Chúa phán đã khiến ma quỷ phải xuất ra khỏi người bị chúng ám hại, nên Chúa Giê-su càng nổi tiếng và thiên hạ tìm đến Chúa. Thánh sử Matthêu cho biết, những đám đông ấy từ xứ Syria, vùng Thập Tỉnh, vùng Galilê và Giuđêa, vùng bên kia sông Gio-đan. Hôm nay, sau khi nghe biết Chúa Giê-su vào nhà ông Phê-rô và chữa lành cho nhạc mẫu của Phê-rô, người ta rủ nhau đi tìm Chúa. Biết Chúa Giê-su đi vào nơi thanh vắng cầu nguyện, các môn đệ đi gặp Chúa và thưa: “Thưa Thầy, mọi người đang tìm Thầy” (Mc 1,37).
Họ tìm Chúa để làm gì? Nghe vậy, tại sao Chúa Giê-su bỏ đi nơi khác?
- Đám đông tìm Chúa
Khi trình bày với Chúa về tình trạng đám đông đang háo hức tìm Chúa, có lẽ thánh Phê-rô và các môn đệ muốn nói với Chúa: “Thầy hãy mau trở lại với họ và tiếp tục việc rao giảng, làm phép lạ, những việc đó nay có kết quả, nhiều người đi tìm Thầy.” Làm việc mục vụ mà có nhiều người tìm đến không vui sao được? Chúng ta thường đánh giá thành công mục vụ dựa số đông tìm đến. Càng đông, càng thành công. Vì thế, chúng ta thường tìm mọi cách để có số đông, mà quên nhờ ơn Chúa giúp mình và giúp họ thanh lọc ý hướng đến với Chúa.
Tin mừng cho biết có bốn hạng đám đông tìm đến Chúa, xưa cũng như nay: – Có đám đông hoài nghi. Thấy Chúa Giê-su quyền năng, họ bảo Ngài chỉ là con bác thợ mộc (x. Mt 13,55). Chẳng phải không ít tín hữu hôm nay đến với Chúa mà vẫn hoài nghi Lời Chúa, luật Chúa và Thánh Thể Chúa sao? – Có đám đông tò mò theo Chúa. Thánh sử Mát-cô thuật lại, thấy các môn đệ ra đi, đám đông chạy theo, dù họ không biết đi đâu (x. Mc 6,33). Chẳng phải không ít tín hữu đến với Chúa mà không biết mình đến để làm gì đó sao? – Có đám đông phấn khích thỏa ý mình, chứ không dám theo Chúa đến cùng. Họ hò reo đưa Chúa vào thành Giêrusalem, nhưng không dám bước theo con đường thánh giá (x. Mt 21,11). Nghĩ lại bản thân, nhiều lần chúng ta vui vì những tổ chức lễ hội, nhưng thiếu trung thành đọc lời Chúa hằng ngày hay e dè tham dự thánh lễ. – Có đám đông thực dụng khi theo Chúa. Chúa Giê-su nói rõ, có những người đến với Chúa chỉ vì được bánh ăn và được chữa lành (x. Ga 6,26). Lý do này gần gũi với chúng ta, thay vì thờ phượng và yêu mến Chúa, chúng ta chỉ biết dâng lên Chúa một loạt nhu cầu vật chất tựa bản photocopy danh sách hàng hóa ở siêu thị, ơn ăn nên làm ra, ơn lành bệnh v.v. Mặc dù mọi ơn đều bởi Chúa, nhưng Chúa muốn thanh lọc ý hướng chúng ta tìm Chúa: Tìm Chúa không phải để có của ăn hay hư nát, nhưng để được của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là lời Chúa và Thánh Thể Chúa ban (x. Ga 6,27). Chính vì lý do đó mà Chúa Giê-su quyết định: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (Mc 1,38).
- Chỉ nơi Chúa có ơn cứu độ
Liệu bao nhiêu người hiểu được lý do tìm Chúa như ý Chúa dạy? Bao nhiêu người đi theo Chúa với điều kiện Chúa phải ban cho họ hạnh phúc theo quan niệm thế gian? Anh chị em nên vợ nên chồng với nhau vì để được gia tài sao?
Chúng ta cần nhìn lại gương theo Chúa của các tông đồ, các ngài bỏ mọi sự mà đi theo Chúa, vì các ngài tin nhận chỉ nơi Chúa mới có hạnh phúc đích thực và sự sống đời đời. Hạnh phúc là chính Chúa. Thánh Phê-rô đã thưa với Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Chỉ Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68). Thánh Augustinô là người từng tìm hạnh phúc nơi danh vọng, nơi kiến thức, nơi những đam mê xác thịt, nhưng cuối cùng ngài thú nhận với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con thao thức, thao thức mãi cho đến khi nghỉ an trong Chúa.” Tóm lại, các ngài đã được thanh lọc ý hướng theo Chúa. Các ngài nhận biết hạnh phúc đời đời chỉ ở nơi Chúa, vì thế, các ngài không tìm đến Chúa để được đáp ứng danh sách nhu cầu vật chất, mà tìm sự bình an và thánh thiện Chúa ban. Có sự thánh thiện là có bình an tâm hồn. Các ngài biết Chúa đến để cứu con người khỏi tội như lời Thiên Chúa hứa, để kéo con người ra khỏi tình trạng chết chóc của tội lỗi mà đưa vào sự sống vĩnh cửu của Ngài. Đó là lý do Chúa Giê-su đến trần gian và đó là bằng chứng của tình yêu Chúa.
Vì vậy, không lạ gì trong lúc người ta tìm đến Chúa với mục đích được Chúa đáp ứng nhu cầu vật chất của họ, thì Chúa đã thúc giục các tông đồ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38). Nhiệm vụ cốt yếu của Chúa là loan báo Tin Mừng cứu độ. Và đó cũng là sứ mạng Chúa truyền cho Giáo Hội tiếp tục: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Hiểu như thế, thánh Phaolô chia sẻ: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng” (1Cr 9,16). Các phó tế trong thời Giáo Hội tiên khởi ý thức sứ mạng này, đã nói: “Còn chúng tôi, chúng tôi chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa” (Cv 6,4). Các ngài đã hiểu được sứ mạng Chúa đến và ơn gọi của các ngài.
Trước lời Chúa hôm nay, chúng ta xét mình lại: tại sao tôi tìm kiếm Chúa Giê-su? Tôi đến nhà thờ để làm gì? Có phải tôi đang tìm kiếm phép mầu về vật chất, đột phá về tài chánh, thành đạt sự nghiệp, sống lâu và tiện nghi v.v? Nếu đúng vậy, tôi không thực sự tìm kiếm Chúa như sứ mạng Chúa đến, mà tôi đang đối xử với Chúa như cỗ máy ATM hay như người phục vụ những ý muốn thấp hèn của tôi.
Lạy Chúa Giê-su, xin kéo con đến gần lời Chúa và Thánh Thể Chúa hơn, để con thực lòng tôn thờ Chúa và yêu mến Chúa hết lòng, hết tâm trí con ở nhà thờ, ở nhà và nơi con làm việc, vì Chúa là Đấng cứu độ con, là Đấng con mơ về hạnh phúc, là Đấng khích lệ con sống thánh thiện và thúc giục con cùng với Giáo Hội loan báo Chúa cho mọi người.
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG
Nguồn: giaophancantho.org
1. HÃY NGỪNG TRÁCH CỨ NGƯỜI KHÁC
Có một giai thoại xưa và vui vui như thế này: Một người đàn ông lớn tuổi khá ốm yếu nói với vợ: “Em biết không, Sarah, em luôn ở bên anh – cả khi vui và lúc buồn. Giống như lần anh mất việc – em cũng ở ngay bên cạnh anh. Và khi chiến tranh xảy ra, anh phải nhập ngũ – em đã trở thành y tá để có thể ở bên anh. Sau đó, anh bị thương và em cũng ở đó, Sarah, ngay bên cạnh anh. Rồi cuộc suy thoái ập đến, và chúng ta không có gì cả – nhưng em vẫn ở với anh. Và bây giờ anh đang ở đây, ốm yếu như một con chó già, và cũng như mọi khi, em vẫn đang ở bên cạnh anh. Em biết không, Sarah – em thật là một đứa xúi quẩy! Em luôn mang đến cho anh những điều xui xẻo!” Chúng ta có thể bị cám dỗ tìm kiếm ai đó để đổ lỗi cho tất cả những điều trục trặc xảy ra trong cuộc sống. Rất thường, chúng ta đổ lỗi cho chính những người giúp đỡ chúng ta.
* Không trách cứ ai như ông Gióp, Chúa Giêsu đã dành hết thời giờ để xoa dịu các nỗi đau khổ của mọi người dân bằng giảng dạy và chữa lành, hơn là cân nhắc các giải pháp phổ quát cho vấn nạn đau khổ.
2. KINH NGHIỆM ĐƯỢC ƠN CHỮA LÀNH
Có lẽ chúng ta đều có nghe nói hoặc đã đến Lộ Đức, một trung tâm hành hương Đức Mẹ ở miền nam nước Pháp được xây dựng tại nơi Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với một cô gái trẻ, thánh Bernadette Soubirous, vào năm 1858. Những người hành hương ngày nay tiếp tục đổ về đây với hy vọng được chữa khỏi các căn bệnh. Qua nhiều thập kỷ, hàng ngàn người đã bỏ lại nạng và xe lăn làm nhân chứng thầm lặng cho quyền năng chữa lành của Chúa đã giúp họ được khỏe lại. Tuy nhiên, điều này không có gì là mới. Các địa điểm có phép lạ hiện ra và chữa lành kỳ diệu từ Lộ Đức (Pháp), Fatima (Bồ Đào Nha), Guadalupe (Mexico) và Medjugorje (Nam Tư), cho đến các điểm hành hương trên đất nước chúng ta, đã thu hút khách hành hương từ nhiều quốc gia qua các thời đại. Những người có lòng sùng kính này đã tìm đến những đền thánh, những hang đá và ngọn núi linh thiêng với hy vọng tìm được ơn chữa lành và sức mạnh.
* Chữa lành là một yếu tố thiết yếu của sứ điệp Tin Mừng. Chắc chắn rằng Chúa Giêsu hôm nay vẫn còn thực hiện việc chữa lành qua những phương thế khác nhau để thể hiện quyền năng cứu thế và đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.
3. CÁI CHẾT ĐEN
Cái chết đen (Black Death), trận dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người, đã tàn phá châu Âu từ năm 1347-1351. Người ta cho rằng có tới 25 triệu người (một phần ba dân số châu Âu vào thời điểm đó) đã thiệt mạng trong thời gian ngắn này. Hàng nghìn người chết mỗi tuần. Bệnh dịch này đã giết chết toàn bộ gia đình cùng một lúc và phá hủy ít nhất 1.000 ngôi làng. Khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh, cả gia đình sẽ chết. Cha mẹ bỏ rơi con cái của họ, và những đứa trẻ không cha mẹ lang thang trên khắp các đường phố để tìm kiếm thức ăn. Boccaccio đã nói điều đó hay nhất: “…cha mẹ bỏ rơi con mình, anh bỏ rơi em, chú bác bỏ rơi các cháu, chị bỏ rơi em trai, vợ bỏ chồng…” Nếu người ta chưa chết, họ bỏ chạy để cố gắng tự cứu mình trong vô vọng. Nạn nhân mê sảng vì đau đớn và thường mất tỉnh táo. Cuộc sống hoàn toàn hỗn loạn. Cái chết đen đánh vào người châu Âu mà không có dấu hiệu báo trước. Không có gì lạ khi mọi người chạy đến với Chúa để tìm câu trả lời chứ không đến bác sĩ. Họ không biết cái chết đột ngột tàn nhẫn này bắt nguồn từ đâu. Biết đâu dịch bệnh hiện nay đã tái hiện thảm trạng này.
* Tại sao con người phải đau khổ, mắc bệnh và phải chết là những vấn nạn muôn thuở cho con người mọi thời đại. Bài đọc thứ nhất kể câu chuyện ông Gióp đi tìm câu trả lời trong vô vọng; còn Tin Mừng cho thấy chữa bệnh là một trong những sứ vụ chính của Chúa Giêsu.
4. TÌNH THƯƠNG CHỮA LÀNH
Cách đây vài năm, ở Thụy Điển, một nữ y tá làm việc trong bệnh viện chính phủ được giao cho một bệnh nhân phụ nữ lớn tuổi. Bệnh nhân này là một trường hợp khó khăn. Bà ta không nói một lời nào trong ba năm. Các y tá khác không thích bà và cố gắng tránh xa bà hết mức có thể. Đúng ra họ chủ ý phớt lờ bà. Nhưng một cô y tá mới quyết định thử đối xử bằng “tình yêu vô điều kiện”. Bệnh nhân phụ nữ lớn tuổi đó bỗng thay đổi, bà đung đưa cả ngày trên ghế đu. Một ngày nọ, cô y tá kéo một chiếc đến bên cạnh người phụ nữ và vừa đưa theo bà vừa nói chuyện thân mật. Thỉnh thoảng, y tá lại đưa tay chạm nhẹ và vỗ về bàn tay người phụ nữ lớn tuổi. Chỉ sau một vài ngày kể từ đó, bệnh nhân đột nhiên mở mắt và quay lại và nói với y tá: “Cô thật tốt bụng.” Ngày hôm sau nữa, bà ấy nói chuyện nhiều hơn và hai tuần sau, người phụ nữ đã đủ khỏe để xuất viện và về nhà! Tất nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng xảy ra như vậy, nhưng các nghiên cứu có được cho thấy tình yêu có khả năng chữa lành.
* Tin Mừng hôm nay mô tả cách Chúa Giêsu thể hiện tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa qua sứ vụ giảng dạy và chữa lành.
5. BẠN MUỐN GÌ CHO GIÁNG SINH?
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã sắp xếp các ưu tiên của mình theo thứ tự bằng cách bắt đầu mỗi ngày trong lời cầu nguyện. Gorman Williams đã dành phần lớn cuộc đời của mình hoạt động như một nhà truyền giáo ở Ấn Độ. Năm 1945, ông mua vé cho một kỳ nghỉ đã được mong đợi từ lâu trở về Mỹ. Nhưng vài ngày trước khi lên đường, ông nghe nói về một số người Do Thái đã thoát khỏi cuộc tàn sát của Đức Quốc xã. Họ đã đi bằng thuyền đến Ấn Độ để tìm nơi ẩn náu. Vì đó là thời điểm chiến tranh toàn cầu, chính phủ Ấn Độ đã từ chối yêu cầu nhập cư của họ. Họ được cấp phép ở lại một thời gian ngắn trong gác xép của các tòa nhà gần bến tàu. Điều kiện sống của họ rất tồi tệ. Nhưng vẫn còn tốt hơn là bị đưa vào trại tập trung ở Đức. Đó là đêm Giáng sinh khi Gorman Williams nghe biết về hoàn cảnh của những người Do Thái này. Ngay lập tức ông đi đến bến tàu, bước vào tòa nhà đầu tiên và nói to: “Chúc mừng Giáng sinh! Bạn muốn gì cho Giáng sinh?” Câu trả lời rất chậm: “Chúng tôi là người Do Thái”, ai đó nói. Williams đáp: “Tôi biết, nhưng bạn muốn gì cho lễ Giáng sinh?” Những người Do Thái mệt mỏi, lo sợ cho cuộc sống của họ, trả lời: “Chúng tôi muốn một số bánh ngọt của Đức.” Ngay sau đó, Gorman Williams đã bỏ lại kế hoạch trở về Mỹ và mua nhiều bánh ngọt Đức hơn bất kỳ ai từng thấy. Ông mang nó trong những chiếc giỏ lớn. Sau đó, ông kể câu chuyện này cho một nhóm sinh viên. Một chàng trẻ tuổi có tính hay phê phán đã trách ông. Anh ta nói: “Ông không nên làm điều đó, họ có phải là Kitô hữu đâu, họ là Do Thái giáo!” Nhà truyền giáo lặng lẽ trả lời: “Đúng rồi, họ không phải là Kitô hữu; nhưng tôi là một Kitô hữu!”
* Gorman Williams đã đặt bổn phận ưu tiên của mình là Kitô hữu.
6. TỔ CHỨC TỐT NHƯNG HIỆU QUẢ KÉM
Một người lính Đức bị thương. Anh được nghỉ phép hai tuần và được lệnh đưa đến bệnh viện quân y ở quê nhà để điều trị. Khi đến tòa nhà to lớn và bề thế, anh nhìn thấy hai cánh cửa, một cánh có ghi “Dành cho người bị thương nhẹ” và cánh cửa còn lại là “Dành cho người bị thương nặng”. Anh bước vào qua cánh cửa đầu tiên và thấy mình đang đi xuống một hành lang dài. Ở cuối hành lang là hai cánh cửa nữa, một cánh cửa được đánh dấu “Dành cho sĩ quan bị thương” và cánh cửa còn lại “Dành cho những người nhập ngũ bị thương”. Anh ta bước vào hành lang sau và thấy mình đang đi xuống một hành lang dài khác. Cuối cánh cửa là hai cánh cửa nữa, một cánh cửa được đánh dấu là “Dành cho đảng viên” và cánh cửa còn lại là “Dành cho những người không phải là đảng viên”. Anh ta bước vào cánh cửa thứ hai, và khi anh ta mở ra, anh ta thấy mình đang ở ngoài đường. Khi người lính trở về nhà sau khi được băng bó vết thương ở một bệnh viện tư, mẹ anh đã hỏi anh: “Ở bệnh viện, con được chữa trị như thế nào?” Anh ta trả lời: “Chà, thưa mẹ, nói thật, những người ở đó không làm gì cho tôi cả! Nhưng mẹ thấy tổ chức của họ quá to lớn đồ sộ!”
* Nhận xét của người lính có thể nói đến tình trạng Giáo hội của chúng ta: được tổ chức tốt nhưng thành tựu rất ít. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu và các môn đệ dường như không có tổ chức gì cả, nhưng đã hoạt động vô cùng hiệu quả.
7. ĐỪNG QUÊN MỤC TIÊU CHÍNH
Charles R. Swindoll, trong cuốn sách Dropping Your Guard, kể về Chuyến bay 401 khởi hành từ thành phố New York đến Miami với rất nhiều hành khách trong kỳ nghỉ. Khi chiếc máy bay khổng lồ đến gần sân bay Miami để hạ cánh, đèn báo cho biết việc triển khai thiết bị hạ cánh an toàn không bật sáng. Máy bay bay theo một vòng tròn mở rộng, lượn vòng qua các đầm lầy ở Everglades trong khi phi hành đoàn ở buồng lái kiểm tra lỗi ánh sáng. Câu hỏi của họ là: bộ phận điều khiển hạ cánh không được triển khai hay chỉ là bóng đèn bị lỗi? Để bắt đầu, kỹ sư thử bóng đèn. Anh ấy đã cố gắng gỡ bỏ, nhưng nó không nhúc nhích. Một thành viên khác của phi hành đoàn đến tiếp và cố gắng giúp đỡ… rồi sau đó một người khác nữa lại đến. Bạn có tin được điều đó không? Mọi con mắt đều đổ dồn vào chiếc bóng đèn nhỏ mà không ai để ý rằng máy bay đang giảm độ cao. Trong khi các phi công dày dạn kinh nghiệm lúi húi vào một cái bóng đèn 75 xu, thì toàn bộ máy bay mất thăng bằng và chúi xuống đất. Cuối cùng, nó rơi ngay xuống một đầm lầy. Nhiều người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc đó. Phi hành đoàn đã quên mất điều cơ bản nhất của tất cả các quy tắc về máy bay: “Đừng quên lái máy bay!”
* Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Giáo hội hôm nay. Giáo hội có thể có rất nhiều hoạt động, chương trình, dự án, nhiều cuộc họp, nhiều ủy ban…đến nỗi có thể quên mất mục tiêu chính của mình.
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm