Chúa Nhật I Mùa Chay Năm B


CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B

Ngày 18/02/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Nội Hà

GIÁO HUẤN SỐ 12

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Phúc thay cho những ai có trái tim trong sạch

vì họ sẽ thấy Thiên Chúa.

Một trái tim yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (Mt 22,36-40) cách chân thành, chứ không chỉ đầu môi chót lưỡi, là một trái tim trong sạch, nó có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Trong bài ca đức ái của ngài, thánh Phaolô nói rằng : hiện nay chúng ta nhìn thấy mờ mờ trong gương (1Cr 13,12), nhưng khi sự thật và tình yêu khải thắng, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy ‘diện đối diện’. Chúa Giêsu hứa rằng những ai trong sạch trong quả tim se ‘nhìn thấy Thiên Chúa’. Giữ một trái tim tự do khỏi tất cả những gì làm ô nnhiễm tình yêu : đó là thánh thiện. (Tông huấn Hãy Vui Mùng Hoan Hỉ, số 86).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15

Thánh vịnh Tuần I

Bài Ðọc I: St 9, 8-15

“Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nướt lụt”.

Trích sách Sáng Thế.

Ðây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe và con cái ông rằng: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”. Và Thiên Chúa phán: “Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Ðáp: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa (x. c. 10).

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 18-22

Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy“.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4,4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Mc 1, 12-15

“Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Xuyên qua sa mạc Thiên Chúa dẫn ta tới tự do

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Giáo Hội dùng Mùa chay là thời gian để hoán cải, chay tịnh, tiết chế và bác ái trong suốt thời gian này mọi tín hữu cũng phải miệt mài cầu nguyện nữa. Như thế, khi khuyên nhủ các tội nhân công khai hối cải, Giáo Hội cũng khích lệ toàn thể cộng đoàn thống hối để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa. Đối với các tín hữu, Mùa Chay đã trở thành một hành trình tiến về Thiên Chúa, một con đường vòng băng qua hoang mạc, một cuộc chiến đấu với những cám dỗ trong đời sống. Giáo Hội đề nghị chúng ta sống trọn vẹn cuộc sống Kitô hữu của chúng ta một cách nồng nhiệt hơn trong suốt mấy tuần Múa Chay hướng về ngày lễ Phục Sinh. Qủa thế, như đoàn dân của Môsê lang thang nhiều năm dài trước khi vào Đất Hứa, chúng ta cũng khám phá ra rằng hành trình tiến về Thiên Chúa, con đường tiến về Nước Trời của chúng ta không phải là không gặp khó khăn, chướng ngại, thụt lùi, đôi khi có phản kháng nữa; thế nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện để mang lại cho ta hy vọng và niềm tin. Khi kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô vẫn luôn trung thành với Chúa Cha trong thử thách cuối cùng, chúng ta sống kinh nghiệm cuộc vượt qua tiến về Chúa Cha qua sự sống và cái chết, chúng ta dần tiến về mầu nhiệm của Đức Kitô để hiệp thông vào đấy một cách sâu xa hết sức có thể.

Làm thế nào để diễn dịch cách cụ thể cuộc hành huơng tiến về với Thiên Chúa mà mỗi Kitô hữu được mời gọi trong suốt thời gian Mùa Chay này? Đức Thánh Cha trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, với chủ đề: “Xuyên qua sa mạc Thiên Chúa dẫn ta tới sự tự do”, Ngài đề nghị chúng ta 2 hành động đó là: hoán cải, chiến đấu với cám dỗ và dừng lại để cầu nguyện.

Thứ nhất, Mùa Chay là mùa hoán cải, mùa tự do. Tin Mừng hôm nay mô tả: “Thần Khí dẫn Người vào trong hoang địa. Người ở đó bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người”. Tại sao đoạn này được đọc cho chúng ta nghe trong Chúa Nhật đầu Mùa Chay? Phải chăng vì nó nói đến thời gian bốn mươi ngày của Chúa Giêsu? Có lẽ đó là một lý do nhưng còn có nhiều ý nghĩa khác nữa. Cụ thể, trong Thánh Kinh Cựu ước cho chúng ta thấy trình thuật sáng tạo bắt đầu “Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” và Ađam kiểm soát các loài thú vật. Rồi đến, hoang địa là nơi dân Israel đã bị thử thách và bị cám dỗ sau khi thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập và được tự do. Hoang địa cũng là nơi các loài thú dữ đe dọa những người lữ khách. Nó cũng được xem là nơi các quyền lực của thần dữ thống trị được biểu tượng qua các loài thú dữ. Hoang địa là nơi Satan, kẻ thù của Thiên Chúa, ngự trị. Với cái nhìn như thế đoạn Tin Mừng lạ lùng hôm nay trở nên đầy ý nghĩa. Thần khí đưa Chúa Giêsu vào hoang địa nghĩa là Chúa Giêsu đến không phải để sống một cuộc đời dễ dãi nhưng là một cuộc sống chiến đấu với tất cả những gì là sự dữ. Chính nơi mà dân Israel đã chịu thất bại thảm thương trong cuộc thử thách thì Chúa Giêsu sẽ chiến thắng. Cũng giống như Ađam trong vườn địa đàng xưa, Chúa Giêsu là Ađam mới cũng kiểm soát các thú dữ, tức là kiểm soát được sự dữ. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa chiến đấu với sự dữ, chiến thắng sự dữ và trả lại “tự do” do tội lỗi sự dữ kèm kẹp con người.

Chính Chúa Giêsu, như chúng ta nhắc lại hằng năm vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, đã được Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu cám dỗ trong sự tự do. Trong bốn mươi ngày, Người là Người Con nhập thể sẽ đứng trước chúng ta và ở với chúng ta. Sa mạc là nơi mà sự tự do của chúng ta có thể trưởng thành trong một quyết định cá vị không rơi trở lại tình trạng nô lệ tội lỗi nữa. Vậy, cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy chiến đấu! Cũng giống như Chúa Giêsu, sau khi chịu bí tích Rửa tội chúng ta vào trong “hoang địa’ của thế gian này, nơi chúng ta phải đương đầu với vô vàn cám dỗ và sự dữ. Vấn đề là chúng ta đương đầu với hoang địa của chúng ta như thế nào? Chúng ta có vượt qua thử thách như Chúa Giêsu hay chịu thất bại như dân Israel ngày xưa? Chúng ta có đủ sức mạnh để loại bỏ mọi cám dỗ của Satan, kẻ muốn chúng ta chống lại Thiên Chúa, và trung thành với bổn phận mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta hay không? Chúng ta chế ngự và kiểm soát các thú dữ, tức là các đam mê, các dục vọng và thói quen xấu, tội lỗi của chúng ta như thế nào?

Hành động thứ 2 trong Mùa Chay mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị đó là “dừng lại để cầu nguyện, để đón nhận lời Chúa, dừng lại như người Samari trước sự hiện diện của một người anh em, chị em bị thương tích. Mến Chúa và yêu người chỉ là một tình yêu. Không có thần nào khác, đó là dừng lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa nơi xác thịt của tha nhân bên cạnh mình. Do đó, cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba hành vi tách rời nhau, mà là một động thái duy nhất của sự cởi mở và trút rỗng chính mình, trong đó chúng ta tống khứ những ngẫu tượng đè nặng trên mình, những quyến luyến giam hãm mình. Rồi trái tim khô héo và cô lập sẽ hồi sinh. Vì thế, ta hãy chậm lại và tạm dừng! Chiều kích sống chiêm niệm mà Mùa Chay giúp chúng ta khám phá lại sẽ giải phóng những năng lượng mới. Trước tôn nhan Thiên Chúa, chúng ta trở thành anh chị em, nhạy cảm với nhau hơn: chúng ta khám phá ra những bạn đồng hành, những người cùng bước đi với mình, thay vì là những kẻ thù và những mối đe dọa”.

Hôm nay cùng với Chúa Giêsu, chúng ta đi vào sa mạc của chúng ta. Không phải sa mạc của muôn thú và quỷ dữ, nhưng là sa mạc của tâm hồn chúng ta. Sa mạc tâm hồn là nơi sống gần gũi với Thiên Chúa, sống trong tình thân mật của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy chiến đấu với những lời xúi giục, dụ dỗ của Satan. Nó xúi giục chúng ta đừng sống theo Lời Chúa, từ bỏ Chúa, nhưng sống trong tội lỗi, độc ác gian tà… Chúng ta hãy theo gương Chúa Giêsu, Thiên Chúa là gia nghiệp, lấy Lời Chúa làm lẽ sống cho sự thánh thiện, lấy cầu nguyện và tham dự các Bí tích để làm sức mạnh, để chiến thắng tội lỗi và sống gắn bó với Thiên Chúa và Ngài sẽ dẫn đưa ta đến bến bớ hạnh phúc tự do như đáp ca chúng ta vừa đọc: “Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (Tv 114, 9)”. Amen.

SUY NIỆM II

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Thánh Antôn, Tu viện trưởng (thế kỷ IV)

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại  Corma, miền Trung Ai Cập. Cha mẹ người nổi danh giầu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ người sống đạo đức ngay từ nhỏ. Khi được 18 tuổi thì cha mẹ người qua đời. Sáu tháng sau ngày cha mẹ mất, tại một nhà thờ, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh : ‘Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó, rồi theo Thầy’ (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình. Người về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo, Sau khi gửi người em gái cho một nữ tu viện, người lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện. Người theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần; sau đó ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn đem bánh cho ngài; nhưng ma quỉ tìm cách quấy phá tìm cách trục xuất người khỏi ngô mộ. Chúng thường la hét và hiện những hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp đôi những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô thất bại, mà quỉ hành hạ người . Một ngày kia người mang bánh đến thấy người nửa sống nửa chết mình đầy thương tích. Khi tỉnh dậy, thánh  nhân chỗi dậy, la lớn :

  • – Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì tách ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa.
  • Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, người đáp lại :
  • – Ồn ào vô ích. Dấu Thánh Giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố. Thánh nhân luôn luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy ma qu3i đã lui bước. Ngài cầu nguyên : ‘Ôi lạy Chúa, Chúa ở đâu ? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con’.

Tiếng Chúa trả lời : ‘Cha ở gần con. Cha giúp con chiến đâu. Bởi vì con đã chống lại ma quỉ. Cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con được rạng rỡ trên trời’ (Theo Vết Chân Người, t.1, trang 31-33).

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay : bđ1 kể cơn cám dỗ của ông bà tổ tiên : A-đam và Evà; BTM kể 3 cơn cám dỗ của Chúa Giê-su; Bđ2 thánh Phao-lô dạy chúng ta cậy dựa vào ơn Chúa. Để được ơn Chúa, hãy noi gương thánh Antôn                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                      Ăn chay cầu nguyện,

Bđ1 (St 2,7-9. 3,1-7) : Ma quỉ không tha ông A-dam và bà E-và, thủy tổ của loài người. Bđ1 hôm nay, sách Sáng Thế kể cuộc cám dỗ mà ma quỉ cám dỗ hai ông bà : “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi loài hoang dã, mà TC đã làm ra… Nó đã khôn khéo dụ dỗ người đàn bà bất tuân lệnh Chúa ăn trái cây giữa vườn. Nó dụ : “Chẳng chết chóc  gì đâu. Nhưng TC biết ngày nào mà ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ nên như những vị thần biết thiện ác” (St 3,4-5).

BTM (Mt 4,1-11): Ma quỉ không ngừng cám dỗ con người chúng ta, mà còn cám dỗ cả Chúa Giêsu-su nữa. Sách TM thánh Mt đã thuật lại 3 cuộc cám dỗ của Chúa Giê-su : cám dỗ I là miếng ăn, cám dỗ II là nghi ngờ TC, cám dỗ III là ham mê vinh hoa thế gian, chối bỏ TC.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Giê-su cũng là ba cơn cám dỗ của dân Ít-ra-en trong hoang địa trên đường về Đất Hứa.

– Cám dỗ miếng ăn xảy ra ở sa mạc Sin. Sách Xuất Hành kể : “Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron. Con cái Ít-ra-en nói với các ông : phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi khỏi đó mà vào sa mạc này, dể bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây” (Xh 16,2-3).

Với cơn cám dỗ về miếng ăn, Chúa Giêsu-su đã chiến thắng, Người nói với ma quỉ : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời TC phán ra”.

– Cám dỗ thứ hai là nghi ngờ Thiên Chúa : Sách Xuất Hành kể : “Ở Ri-phi-dim không có nước cho dân uống. Dân chúng gây sự với ông Mô-sê và nói : ‘cho chúng tôi nước uống đi’. Ông Mô-sê nói : ‘tại sao anh em lại gây sự với tôi ? Tại sao lại thử thách Thiên Chúa ?’” (Xh 17,1-2).

Với cơn cám dỗ thử thách nghi ngờ TC, Chúa Giêsu-su nói với ma quỉ : “Ngươi chớ thử thách TC là TC của ngươi”.

– Cám dỗ thứ ba là ham mê vinh hoa thế gian, mà chối bỏ Chúa; Dưới núi Si-nai, dân Ít-ra-en đã bỏ Chúa, đúc một con bò vàng và thờ lạy con bò vàng (Xh 32).

Với cơn cám dỗ ham mê vinh hoa trần thế, mà bỏ Thiên Chúa, CG nói với ma quỉ : “Ngươi phải thờ lạy TC là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Dân Ít-ra-en đã sa ngã trước ba cơn cám dỗ của ma quỉ, còn Chúa Giê-su đã chiến thắng.

Bđ2 (Rm 5,12-19) : Trước những cơn cám dỗ chúng ta sa ngã, vì chúng ta yếu đuối. Hạnh phúc thay nhờ cái chết của Chúa Giêsu-su, chúng ta trở nên mạnh mẽ, để chống lại những cơn cám dỗ.

Vì thế, thánh Phaolô, trong bđ2, đã viết cho các tín hữu Rô-ma : “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã mà muôn người phải chết, thì ân sủng của TC ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng,

hằng năm Chúa ban cho chúng con

bốn mươi ngày chay tịnh

để tôi luyện hồn xác chúng con.

Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy

mà học biết Đức Ki-tô

và dõi theo gương Người

hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ.

SUY NIỆM III

SATAN VẪN CÒN CÁM DỖ

Lm Giuse Nguyễn Văn Thú

             Trong một bài giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma năm 2000, Đức hồng y F.x Nguyễn Văn Thuận mở đầu bằng câu chuyện như sau: Có một ký giả phỏng vấn Đức hồng y Jean Marie Lustiger, tổng giám mục Paris, với câu hỏi: “Thưa Đức hồng y, ngài tin có ma quỷ không? – Có, tôi tin chứ!” “Nhưng trong thời đại này với bao nhiêu tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm sao Đức hồng y lại vẫn tin có ma quỷ? – Phải, tôi luôn tin có ma quỷ.” “Thế Đức hồng y có thấy ma quỷ bao giờ chưa? – Có chứ” “Đức hồng y thấy ở đâu? – ở Dachau, ở Auschwitz.” Nghe đến đây, người ký giả im lặng, không hỏi gì thêm nữa. Dachau và Auschwitz là những trại tập trung dã man thời đệ nhị thế chiến.

            Nhắc lại câu chuyện đó để có nhận xét, thành công lớn nhất của ma quỷ trong thời đại này là làm cho nhiều người tin rằng không có ma quỷ, không có cám dỗ. Vậy. điều gì sẽ xảy ra khi người ta không tin có ma quỷ cám dỗ?

  1. Satan vẫn còn cám dỗ

            Trong tông huấn “Lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay” (Gaudete et Exsualtate), Đức Phanxicô cảnh giác mọi tín hữu: “Chúng ta không nên nghĩ về ma quỷ chỉ là một thứ huyền thoại, một vở kịch, một biểu tượng, một hình ảnh hoặc một ý tưởng. Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta tới chỗ mất cảnh giác, bất cẩn” (số 161). Quả thật, đó là thứ sai lầm chết người! Vì thế, đừng nghĩ ma quỷ lỗi thời rồi! Đừng nghĩ ma quỷ chỉ mặc bộ đồ đen, răng nanh, mang theo cây chĩa ba như trong các bức tranh. Nếu ma quỷ như thế thì chúng cám dỗ được ai? Đức cha Fulton Sheen cho rằng chúng mặc quần đỏ đẹp, không mang theo cây đinh ba, không phun ra lưu huỳnh, không vung mũi tên ở đuôi. Việc hóa trang này đã giúp ma quỷ làm cho con người nghĩ rằng nó không hiện diện. Nhưng khi con người nghĩ ma quỷ không tồn tại, thì đó là lúc chúng nó mạnh mẽ hơn bao giờ, là lúc chúng bày tỏ nhiều mãnh lực hơn. Vì vậy, khi con người không nhận ra ma quỷ, ma quỷ càng ra tay làm hại hơn.

            Tin Mừng cho biết, Chúa Giê-su bị ma quỷ cám dỗ. Bắt đầu cuộc đời công khai ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã bị ma quỷ cám dỗ. Ma quỷ hiện diện và trong cuộc đời rao giảng của Chúa, Chúa không để mình bị rơi vào cạm bẫy của ma quỷ, mà Ngài còn xua trừ ma quỷ khỏi những người bị chúng ám hại. Chúa biết công việc đầu tiên và quyết liệt ma quỷ làm là phá hoại mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, đồng thời làm cho thế giới này không còn là thế giới thờ phượng Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giê-su gọi ma quỷ là “kẻ thù” (Lc 10,19). Ngài không gọi cách nào khác để làm giảm đi tính ác hại của ma quỷ, không mập mờ để gây hiểu lầm như thể ma quỷ không hiện diện và không làm hại gì ai. Ngài đã chống lại các cám dỗ của ma quỷ và đã chiến thắng.

  1. Các cơn cám dỗ và cách thức chống trả

            Đức hồng y Lustiger thấy ma quỷ ở những trại tập trung đối xử dã man với con người, bởi thấy ở đó con người phạm tội ác tày trời. Chính vì tưởng không có ma quỷ cám dỗ nên mọc lên các chủ nghĩa vô nhân, các trào lưu băng hoại và trong xã hội. Từ xưa đến nay, con người bị ma quỷ cám dỗ rất ngọt ngào và đã ăn mọi thứ trái cấm, chỉ vì nghĩ rằng không có ma quỷ nên không chống lại các cám dỗ. Chúng ta không thấy bàn tay của ma quỷ trong lối sống buông thả, trong những tội ác giữa con người với nhau, trong đời sống vô luân, trong những hình ảnh tục tĩu, những lời chửi bới, trong đời sống rời xa Thiên Chúa sao? Ma quỷ còn dùng chúng ta cám dỗ nhau phạm tội từ lời nói, ăn mặc, cử chỉ đến lối sống thờ bụt thần, phá vỡ cộng đoàn đức tin và yêu thương. Ma quỷ cám dỗ ta đừng chống trả các cơn cám dỗ, vì điều đó vô ích, nhưng khuyên ta cứ phạm tội, vì ta luôn được tha thứ.

            Kẻ trộm không đột nhập vào căn nhà trống; cũng vậy, ma quỷ không cám dỗ bạn, nếu trong bạn không có gì đáng quý (Matthew McConaughey). Gia sản quý báu trong mỗi chúng ta là linh hồn chúng ta. Chúng ta không chỉ được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, mà Ngài còn chịu chết để cứu lấy linh hồn của chúng ta. Điều quý báu trong chúng ta là ý hướng tốt lành sống theo lời Chúa dạy, là phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa khi được sinh ra làm người và khi được lãnh bí tích Rửa Tội. Do đó, ma quỷ cố gắng cám dỗ lôi kéo chúng ta xa Thiên Chúa mà gần gũi với chúng, dụ dỗ chúng ta phạm tội để chúng ta không còn yêu thương và thờ phượng Thiên Chúa và chúng thành công khi chúng ta tự hào chính con người của chúng ta sẽ cứu chúng ta. Thánh Gioan nói: “Ai phạm tội, kẻ ấy là người của ma quỷ” (1Ga 3,8). Khi phạm tội, chúng ta là người của ma quỷ; khi chúng ta lôi kéo kẻ khác phạm tội, chúng ta chẳng phải là quỷ ở giữa anh chị em mình đó sao?

            Vậy, làm thế nào để vượt thắng cơn cám dỗ? Trước hết, chúng ta cần giao hòa với Chúa, đặc biệt qua bí tích Hòa Giải. Thứ đến, chúng ta siêng năng tham dự thánh lễ và cầu nguyện, bởi qua thánh lễ, Chúa ban cho ta sức mạnh của Ngài và lòng thương yêu của Chúa thúc bách chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giê-su cầu xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi satan và dạy chúng ta thưa với Chúa Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.” Chúa Giê-su đã yêu thương và vâng phục Chúa Cha, nên Ngài chiến thắng Satan và các cơn cám dỗ của chúng; nay bám chặt Chúa Giê-su và vâng theo lời Ngài dạy, chúng ta sẽ chiến thắng các cơn cám dỗ.

            Xin Chúa cho chúng con đi vào mùa Chay thánh với lòng đầy xác tín chúng con thuộc về Chúa và xin ban cho chúng con ơn Chúa để chiến đấu và chiến thắng ác thần Satan luôn cám dỗ hại con. Xin cho con yêu mến Chúa nhiều hơn.

 

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

( Nguồn: giaophancantho.org)

     1. TÔI CHỈ MUỐN ĐƯA MŨI VÀO MỘT CHÚT

Một truyện ngụ ngôn Ả Rập kể về một người thợ xay đã giật mình khi thấy mũi một con lạc đà thò vào trong cửa lều nơi anh ta đang ngủ. Lạc đà nói: “Bên ngoài trời rất lạnh, tôi chỉ muốn đưa mũi vào trong lều một chút thôi.” Mũi được cho phép, rồi sau đó đến cổ, cuối cùng là toàn bộ thân thể lạc đà. Chẳng mấy chốc người thợ xay bắt đầu cảm thấy bất tiện bởi một người bạn đồng hành bất đắc dĩ như vậy trong một căn lều không đủ rộng cho cả hai. Lạc đà nói: “Nếu bạn thấy bất tiện, bạn có thể rời đi; còn đối với bản thân tôi, tôi sẽ ở lại nơi tôi đang ở.” Lancelot Andrews nói: “Nếu nhún nhượng một phân ma quỷ sẽ lấn tới một mét; nếu lấy được một cánh tay nó sẽ nắm bắt toàn bộ cơ thể của bạn.

* Tin Mừng hôm nay cảnh báo chúng ta không nên thỏa hiệp với ma quỷ bằng cách để hắn cám dỗ chúng ta.

  1. GIÊRÔNIMÔ, CON VẪN CHƯA TRAO TỘI CHO TA

Thánh Giêrônimô, vị tiến sĩ lỗi lạc của Giáo hội, đã sống hai mươi lăm năm trong hang đá nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra. Một lần nọ, ngài cầu nguyện với Chúa Giêsu như sau: “Lạy Hài Nhi, Chúa đã chịu nhiều đau khổ để cứu con; làm cách nào con có thể cải đổi để nên tốt hơn?” Một giọng nói cất lên: “Con có thể trao cho Ta những gì, Giêrônimô?” Giêrônimô trả lời: “Con sẽ dành toàn bộ cuộc đời mình để cầu nguyện, và con sẽ dâng tất cả tài năng của mình để phục vụ Chúa”. Giọng nói hỏi lại: “Con làm điều đó để tôn vinh Ta, nhưng con có thể cho Ta điều gì hơn nữa?” Giêrônimô trả lời: “Con sẽ dâng tất cả tài sản của mình cho người nghèo”. Giọng nói lại cất lên: “Bố thí cho người nghèo thì cũng giống như thể con trao nó cho Ta vậy. Nhưng con còn có thể cho Ta những gì khác?” Thánh Giêrônimô trở nên quẫn trí và nói: “Lạy Chúa, con đã trao cho Chúa tất cả! Còn lại gì để cho nữa?” Chúa trả lời: “Giêrônimô, ngươi vẫn chưa trao tội lỗi cho Ta”. “Hãy trao cả tội cho Ta để Ta có thể xóa đi.” Với những lời này, Giêrônimô bật khóc và nói: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhận lấy tất cả những gì là của con và cho con tất cả những gì là của Chúa.”

* Mùa Chay là thời gian để tạ tội với Thiên Chúa với tấm lòng ăn năn.

  1. HỘP BÁNH YỂM BÙA

Trong cuốn sách của C. S. Lewis, “The Lion, the Witch and the Wardrobe” (Sư tử, Phù thủy và Tủ áo), nữ hoàng độc ác đã dụ dỗ cậu bé Edmund bằng một hộp bánh làm mê hoặc, hiệu là Turkish Delight. Mỗi miếng bánh Edmund ăn đều cảm thấy ngọt dịu và thơm ngon. Cậu chưa bao giờ được nếm thứ gì ngon hơn như vậy. Chỉ có một vấn đề là càng ăn bánh Turkish Delight đầy mê hoặc này, cậu ấy càng muốn ăn nhiều hơn. Cậu không biết rằng đây là kế hoạch của nữ hoàng độc ác. Cậu càng ăn nhiều, cậu càng muốn nhiều hơn, và do đó cậu sẽ ăn và ăn cho đến khi nó giết chết cậu. Nó không bao giờ có thể thỏa mãn cơn đói của cậu; nó sẽ không bao giờ lấp đầy cái bụng cậu… nó chỉ đơn giản là giết cậu mà thôi.

* Lewis muốn cho chúng ta một thí dụ về những cám dỗ phạm tội. Tội lỗi không bao giờ làm ta thỏa mãn, nó chỉ trói buộc chúng ta trở nên nô lệ.

  1. BẪY KHỈ ĐUÔI NHẪN

Những người bẫy động vật ở châu Phi cho các vườn thú ở Mỹ nói rằng một trong những loài động vật khó bắt nhất là khỉ đuôi nhẫn. Tuy nhiên, đối với Zulus đã từng sống trong miền đất đó, điều này thật đơn giản. Họ đã bắt được nhiều con vật nhỏ bé nhanh nhẹn này một cách dễ dàng trong nhiều năm. Phương pháp mà Zulus sử dụng dựa trên kiến ​​thức về loài vật. Cái bẫy gài bắt chúng chẳng qua chỉ là một loại quả dưa, buộc trên một cành dây leo. Hạt của loại dưa này là món khoái khẩu của khỉ. Biết được điều này, Zulus chỉ cần khoét một lỗ trên quả dưa, vừa đủ lớn để chú khỉ có thể luồn tay vào lấy hạt bên trong. Khỉ sẽ thò tay vào, lấy càng nhiều hạt càng tốt, sau đó bắt đầu rút ra. Nhưng điều này nó không thể làm được nữa, nắm tay của nó bây giờ lớn hơn cái lỗ. Con khỉ sẽ kéo và giật mạnh, kêu la và tranh giành quả dưa trong nhiều giờ. Nhưng nó không thể thoát khỏi cái bẫy, trừ khi nó bỏ hạt dưa ra, điều mà nó từ chối làm. Trong khi đó, Zulus lẻn đến và tóm bắt dễ dàng.

* Ma quỷ cũng dùng thủ đoạn tương tự đối với con người bằng cách khai thác điểm yếu của chúng ta như vậy.

  1. CÁM DỖ THỰC SỰ

Hình ảnh phổ biến mà chúng ta có về Mẹ Têrêsa thường là thấy bà đang ẵm một đứa nhỏ thiếu dinh dưỡng, hoặc bôi thuốc lên vết thương của những người bệnh phong. Và chúng ta coi bà như một người hoạt động xã hội. Một ngày nọ, khi Mẹ Têrêsa nói chuyện với cha Le Joly, một linh mục Dòng Tên, người đã viết một vài cuốn sách về Mẹ và cộng đoàn của bà; Mẹ nói với ngài rằng: “Cha ơi, khi cha viết một cuốn sách về con, hãy nói với mọi người rằng chúng con hiện diện ở đây không phải vì công việc. Chúng con đến ở đây vì Chúa Giêsu. Chúng con là tu sĩ, không phải là nhân viên xã hội, hay y tá hay giáo viên; chúng con là những nữ tu. Tất cả những gì chúng con làm, cầu nguyện, công tác bác ái, hi sinh của chúng con, đều dành cho Chúa Giêsu. Nếu không có Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng con sẽ trở nên vô nghĩa, và…. không thể hiểu nổi…!”

  1. CÂY ĂN THỊT

Ở nước Úc có một loại cây nhỏ gọi là “cây su su”. Nó gồm một thân mảnh mai và những chiếc lá tròn nhỏ viền tua rua với những sợi lông lấp lánh, đọng những giọt chất lỏng sáng trong như sương mịn. Còn những cánh hoa thì mang màu sắc đa dạng: đỏ, trắng và hồng rất lung linh. Hình ảnh này hấp dẫn nhiều côn trùng. Tuy nhiên, những chiếc lá của loại cây này lại có khả năng “hủy diệt”. Sẽ khốn nạn cho đám sâu bọ nào bước vào tìm tòi thức ăn trên đó. Độ ẩm bóng trên mỗi chiếc lá có chất dính và sẽ giam giữ bất kỳ sâu bọ nào chạm vào nó. Khi côn trùng cố gắng để tự thoát thân, sự rung động khiến những chiếc lá khép chặt xung quanh nó. Loài thực vật trông vô tội này sau đó ăn thịt nạn nhân của nó.

* Cám dỗ và tội lỗi cũng vận hành như tình trạng trên đây.

  1. KHÔNG AI BIẾT ĐƯỢC

Vào thời đại hậu Hán bên Trung Quốc, có một chính trị gia tên là Chính Dân, một người nổi tiếng với đức tính ngay thẳng. Sau khi Chính Dân được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng một tỉnh lớn, một trong những người bạn trước đó của ông là Vương Mã, đã đến thăm ông bất ngờ. Khi họ nói chuyện xưa, Vương Mã đã mang ra một hộp vàng lớn và tặng cho Chính Dân. Chính Dân từ chối nhận, nhưng Vương Mã vẫn kiên trì nói: “Tối nay không có ai ở đây ngoài tôi và ông, vì vậy sẽ không ai biết.” Chính Dân trả lời: “Ông nói rằng sẽ không ai biết, nhưng điều đó không đúng. Có trời biết, tôi và ông cũng sẽ biết. Tại sao lại nói không có ai biết?”. Vương Mã xấu hổ và lùi lại. Sau đó, sự chính trực của Chính Dân ngày càng được nhìn nhận và ông ấy đã lên giữ chức vụ cao trong phẩm hàm trung ương.

* Chuyện này làm chúng ta nhớ đến câu Nathanaen hỏi Chúa: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” (Ga 1,48) Bản chất con người là yếu đuối, và chúng ta có xu hướng khuất phục trước sự cám dỗ khi chúng ta nghĩ rằng không ai có thể nhìn thấy chúng ta.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm