Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm C


CN.3.MC.C

(Xh 3,1-8a.13-15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9)

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu

 

Chúng ta sắp vào tháng thánh Giu-se. Thánh Giu-se là Đấng đầy quyền thế  trước Thiên Chúa, vì Người là Đấng nuôi dưỡng Chúa Giê-su. Chúng ta hãy chạy đến kêu xin Người giúp chúng ta trở về với Chúa trong Mùa Chay thánh này.

Cha Giu-se Su-rin, dòng Tên, người Pháp, kể rằng : Có một chàng thanh niên, cha mẹ đạo đức, được học trong trường Công giáo. Lớn lên theo bạn bè sống bê tha tội lỗi.. Tội lỗi nhiều như tóc trên đầu. Một hôm chàng vào nhà thờ. Tòa thánh Giu-se đầy hoa nến. Ai nấy sốt sắng cầu khẩn thánh Giu-se. Như có một sức thiêng liêng lôi kéo. Chàng đến tòa thánh Giu-se. Chàng quì xuống cầu nguyện : “Lạy thánh Giu-se, con xin hứa với ngài, nếu ngài ban cho con ơn trở về với Chúa, con sẽ công bố cho mọi người biết ơn cao cả này“.

Tội lỗi hiện lên trong đầu óc chàng. Nước mắt hối hận từ đôi mắt chàng chảy ra. Chàng nhất định trở về với Chúa, cương quyết sống thánh thiện. Nhưng vừa ra khỏi nhà thờ, chàng bị cám dỗ trở lại con đường cũ. Chàng phải luôn miệng kêu cầu : “Lạy thánh Giu-se, xin thương giúp đỡ con !” Nhờ thánh Giu-se, chàng đã bỏ được đàng tội lỗi và sống thánh thiện cho đến chết.

Lời Chúa trong thánh lễ Chúa nhật III Mùa Chay hôm nay thúc giục chúng ta sám hối ăn năn.

Bđ1 : Bđ1, sách Xuất Hành nói về lòng thương xót Chúa đối với dân tộc Do-thái. Đó là biến cố Chúa gọi ông Mô-sê, để giải cứu dân Chúa khỏi ách nô lê Ai-cập. Thiên Chúa nói với ông Mô-sê : “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3,7-8).

BTM : Thiên Chúa chẳng những giải cứu dân tộc Do-thái, mà qua Chúa Giê-su, Người cứu cả nhân loại. Ba câu chuyện trong BTM diễn tả lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa; còn người ta dễ kết án người khác, mà không nhận ra lỗi mình.

  1. Câu chuyện I : Câu chuyện quan Phi-la-tô cho lính đàn áp và giết một số người Ga-li-lê. Theo ông William Barclay, người Ga-li-lê rất dễ hưởng ứng những cuộc bạo động chính trị, bởi vì họ dễ bị kích động. Ông Phi-la-tô đã có một quyết định tốt là Giê-ru-sa-lem cần có một hệ thống cung cấp nước mới và tân tiến. Để xây dựng công trình này, ông dùng một số tiền Đền Thờ. Người Do Thái nổi lên chống đối. Khi dân chúng tụ họp, ông sai lính ăn mặc như thường dân và trà trộn vào dân. Họ được bảo dùng gậy chứ không dùng gươm. Khi hiệu lệnh được ban ra, họ xông vào và giải tán dân chúng. Thế nhưng, lính tráng đã dùng bạo lực bất chấp chỉ thị, nên một số người đã mất mạng. Hầu chắc những người Ga-li-lê cũng tham gia (The Gospel of Luke, p.172-173).

Người ta cho những người bị đàn áp đó, vì tội lỗi. Song Chúa Giê-su bảo : “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó, vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,2-3)

  1. Câu chuyện II : Câu chuyện 18 người bị tháp Si-ô-a đè chết. Có lẽ khi đào mương nước, tháp Si-lô-a gần đường mương, bị hẫng chân sụp đổ. Người ta cho những người bị tháp đè chết là vì có tội, tội nhận lương bằng tiền Đền Thờ ông Philatô lấy trả. Song Chúa Giêsu nói : “Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,5).
  2. Câu chuyện III : Cây vả. Trồng ba năm rồi mà không ra trái. Ông chủ bảo người làm vườn : “Anh hãy chặt nó đi, để làm gì cho hại đất” (Lc 13,7). Người làm vườn van xin : “Xin để nó năm nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông chặt nó đi” (Lc 13,8-9).

Cây vả ám chỉ dân Do-thái, ông chủ là Thiên Chúa, người làm vườn là Chúa Giêsu, ba năm là ba năm Chúa Giê-su rao giảng, một năm hoạt động của các tông đồ.

Ông F.Bovon nói : “Giữa cái hư mất hiện tại và cái chết sẽ tới, Thiên Chúa ban cho ta khả năng hoán cải” (Hugues Cousin, Tin Mừng Luca, tr.312).

Bđ2 : Bđ2 là thư thánh Phao-lô gửi cho cộng đoàn Cô-rin-tô. Thánh Phao-lô kể ra biết bao ơn  lành Thiên Chúa ban trên đường về Đất Hứa : cột mây cột lửa hướng dẫn, qua Biển Đỏ ráo chân, ăn man-na chim cút, được uống nước từ tảng đá… Thế mà dân Ít-ra-en vẫn vô ơn. Như thế mới hay con người yếu đuối, sa ngã, tội lỗi. Thánh Phao-lô kêu gọi ; “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12).

Chúng ta cần nhờ sự trợ giúp của Đức Chúa, Đức Mẹ, thánh Giu-se và Các Thánh, như câu chuyện chàng thanh niên được chừa cải tội lỗi là nhờ thánh Giu-se.

7-3-2010

_____________________________________ 

CN.3.MC.C

Có phải những tai họa ở đời là hậu qủa của tội lỗi, của lối sống chống lại Thiên Chúa không ? Nhìn những tai họa xảy đến cho người khác, chúng ta thường bảo là Chúa phạt, và chúng ta nguyền rủa : “Đáng kiếp !”

 

Bài Tin Mừng : Thế nhưng, bài TM thánh lễ hôm nay, Chúa Giê-su không nghĩ như vậy. Chúa đưa ra ba câu chuyện :

– Câu chuyện I : Những người Ga-li-lê bị quan Phi-la-tô giết chết. Để có tiền làm đường mương dẫn nước cho thành Giê-ru-sa-lem, quan Phi-la-tô đã lấy tiền dâng cúng trong Đền Thờ. Tiền dâng cúng dùng vào việc thờ phượng Chúa, quan dùng làm đường mương. Người Do Thái, đặc biệt là người Ga-li-lê có máu nóng, đã biểu tình phản đối. Quan đã cho lính tới giải tán và đánh đập, giết chết một vài người Ga-li-lê. Phần đông người ta cho những người Ga-li-lê bị giết là vì tội lỗi, nên bị Chúa phạt. Nhưng Chúa Giê-su bảo : “Không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không ăn năn sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,3).

– Câu chuyện II : 18 người bị tháp Si-lô-a đổ đè chết. Người ta cũng kết án là họ tội lỗi, nên bị Chúa phạt. Chúa Giê-su nói : “Không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (13,5).

– Câu chuyện III : Cây vả. Cây vả là lọai cây qúi của người Do Thái. Trong Kinh Thánh đã hơn 60 lần nhắc đến cây vả. Chẳng hạn sách Sáng Thế kể : sau khi phạm tội, hai ông bà nguyên tổ đã lấy lá vả làm áo che thân. Sách Khải Huyền so sánh sao trời rụng xuống trong ngày tận thế như trái vả từ cây rớt xuống. Người Do Thái ví người hạnh phúc là người ngồi dưới bóng cây vả.

Cây vả trồng được 3 năm thì ra trái. Ba năm mà không ra trái thì bị chặt đi. Cây vả trong bài TM cũng bị ông chủ bảo người làm vườn chặt đi, nhưng người làm vườn đã xin hõan một năm. Cây vả là lòai người, ông chủ là Thiên Chúa, người làm vườn là Chúa Giêsu, ba năm là ba năm rao giảng của Chúa Giêsu, một năm là những họat động của các tông đồ và của Hội Thánh. Qua đó cho thấy : dù vất vả ba năm mà không kết qủa, Chúa Giêsu cũng không nóng giận, Người vẫn  xin Chúa Cha khoan dung chờ đợi.

Bài đọc 1 : Bđ1 cũng minh chứng lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa. Như Thiên Chúa nói với ông Môsê : “Ta đã rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thóat chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miến đất tràn trề sữa và mật.. Giờ đây tiếng rên xiết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta. Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập” (Xh 3,7-9).

Thiên Chúa đã thấy cảnh khổ của người Ít-ra-en, khiến Chúa phải ra tay cứu, mà sai ông Mô-sê. Thiên Chúa nói : “Bây giờ ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân ta ra khỏi Ai-cập” (3,10).

Ông biết đồng bào ông sẽ không tin ông được Thiên Chúa sai,  vì  hai lý do : một là ông được giáo dục trong hòang cung vua Ai Cập, chứ không do cha mẹ của ông; hai là ông đã trốn ra khỏi Ai-cập, không còn chung sống trên đất Ai-cập với đồng bào của ông nữa. Ông đã trốn và đến lập nghiệp trên đất Ma-đi-an. Vì thế, ông mới xin TC cho ông biết tên Chúa, ông nói : “Bây giờ con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con ; Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao ?” (3,13).

Biết tên ai là biết đến cả con người ấy. Tên là một sự bí nhiệm. Càng làm lớn người ta càng phải giấu tên. Sợ phạm húy. Người miền Trung và miền Nam không gọi tên, mà gọi theo số thứ tự : anh hai, chị ba…Người Bắc gọi cha mẹ bằng tên con trai đầu.

Chỉ vì để cứu dân mình khỏi bị người Ai-cập chà đạp, Thiên Chúa sẵn sàng cho ông Mô-sê biết tên, làm thỏa mãn yêu cầu của ông Mô-sê. Thiên Chúa nói với ông Mô-sê : “Ta là Đấng Hiện Hữu” (3,14), nghĩa là Thiên Chúa có trước mọi sự và làm cho mọi sự hiện hữu. Tuy đã được Thiên Chúa cho biết tên, người Do Thái vẫn không đám gọi, sợ bất kính. Một năm trong ngày lễ Đền Tội, vị thượng tế vào gian cực thánh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem một lần. Lúc ấy vị thượng tế mới được gọi tên Thiên Chúa.

Ta là Đấng Hiện Hữu” : không những làm cho mọi sự hiện hữu, Thiên Chúa còn ra tay cứu vớt khi mọi sự lâm cảnh khốn khổ.

Bài đọc 2 : Thư thánh Phao-lô gửi các tín hữu Cô-rin-tô trong bđ2 cũng nói lên lòng khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa. Mặc dầu dân Ít-ra-en càm ràm than trách Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tha thứ và ban cho dư đầy : nào là cột mây, cột lửa dẫn đường, nào là vượt qua Biển Đỏ cách lạ lùng, nào là man-na, chim cút từ trời rơi xuống để làm thức ăn, rồi tảng đá vọt ra nước uống khỏi khát…Thế mà dân Ít-ra-en vẫn vong ân. Thánh Phao-lô viết : “Dân đã ngồi xuống để ăn uống, rồi lại đứng lên chơi đùa” (1Cr 10,7), nghĩa là sau khi ăn no thì ăn chơi phạm tội.

Thậm chí, Thiên Chúa có thử thách thì TC cũng vẫn nương tay. Thánh Phaolô nói: “Người sẽ không để anh em bị thử thách qúa sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (10,13).

Câu đáp ca thánh lễ hôm nay là “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu” ! Qủa thật Thiên Chúa không chấp tội con người, mà chỉ biết xót thương.

11-3-2007

——————————-

 

CN.3.MC.C

Thánh tử đạo Matthêu Lê Văn Gẫm là mẫu gương sám hối ăn năn cho chúng ta. Thánh Gẫm sinh năm 1813 tại làng Long Đại, Biên Hòa. Cha là Phaolô Lê Văn Lại, mẹ là Maria Nguyễn thị Nhiệm. Hai ông bà đạo đức thánh thiện. Năm 15 tuổi, thánh Gẫm được chọn vào chủng viện Lái Thiêu. Một tháng sau, cha mẹ xin cho thánh nhân về, vì ngài là con đầu lòng, trợ lực với ông bà, để nuôi 4 em trai và 1 cô em út. Năm 20 tuổi ngài kết hôn với một thiếu nữ họ Long Điền, Bà Rịa và sinh được 4 người con. Ngài có thuyền đi buôn bán, sang mãi tận Macao, Singapore… Tiền nhiều và xa nhà, thánh Gẫm đã sa ngã và chung sống với một tình nhân. Ngài đã hối hận và dứt khoát làm lại cuộc đời. Để đền bù tội lỗi, ngài giúp đỡ Giáo hội. Năm 1844 Giáo phận Đàng Trong chia làm hai : Giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) và Giáo phận Tây Đàng Trong (Sàigòn). Nay là 160 năm. Đức cha Lefèbre được chọn làm giám mục Saigòn, nhưng ngài đang ở Singapore. Cha Lợi, cha sở Bà Rịa, nhờ thánh Gẫm đem thuyền sang Singapore chở Đức cha về. Khi về tới Sàigòn thì bị bắt. Sau 7 tháng giam cầm, thánh Gẫm bị chém đầu tại mảnh đất của nhà thờ Huyện Sĩ ngày nay vào ngày 11-5-1847. Giáo dân đã chôn ngài tại nhà thờ Chợ Quán.

Chúa nhật 3 hôm nay nói đến việc ăn năn sám hối. Chúng ta hãy noi gương thánh Mát-thêu Lê Văn Gẫm ăn năn sám hối để trở về với Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, trở về với Cha của chúng ta. Lời Chúa hôm nay nói lên lòng Chúa từ bi nhân hậu

Bài đọc 1 : Câu chuyện Thiên Chúa gọi Mô-sê trong sách Xuất hành đọc trong bđ1 đã nói lên lòng từ bi nhân hậu của Chúa. Sau khi ông Giu-se qua đời, vua Pha-ra-ô mới của Ai-cập không còn nhớ công ơn của ông Giu-se; hơn nữa người Do-thái càng ngày càng thêm đông. Nên, vua Pha-ra-ô bắt người Do-thái làm các công việc nặng nhọc như một người nô lệ, xây các kim tự  tháp. Vua còn ra lệnh giết các con trai sơ sinh.

Khi đã không thể giấu được nữa, cha mẹ ông Mô-sê làm một cái thúng, đặt ông vào trong, rồi bỏ xuống sông Nil. Công chúa Ai-cập ra sông, nghe tiếng con trẻ khóc, đã vớt lên, đem về cung điện nuôi nấng, đặt tên là Mô-sê, nghĩa là “Vì ta đã vớt nó lên khỏi nước” (2,10). “Vớt lên khỏi” hay “đưa ra khỏi”, tên của Mô-sê, đã nói lên sứ mạng Chúa sẽ trao phó cho ông.

Khi lớn lên, một ngày kia, ông Mô-sê đi ra ngoài thấy một người Ai-cập đánh một người Do-thái, đồng hương của mình, ông Mô-sê đã đánh chết người Ai-cập và chôn giấu xuống cát. Lần khác, thấy hai người Do-thái đánh nhau, ông tới can. Một người nói : “Ai đã đặt ông lên làm người lãnh đạo và xét xử chúng tôi ? Hay là ông tính giết tôi như đã giết tên Ai-cập ?” (Xh 2,14).

Câu chuyện đã lộ, vua Ai-cập tìm cách giết. Ông Mô-sê phải trốn về miền Ma-đi-an. Ma-đi-an là một trong 6 người con do bà Cơ-tu-ra sinh ra, bà vợ thứ hai của ông Ap-ra-ham (St 25,1-4). Ông Mô-sê chăn chiên cho ông Gít-rô và lấy một trong 7 người con gái của ông Gít-rô làm vợ. Một ngày kia, ông dẫn đàn chiên lên núi Khô-rép, còn gọi là núi Si-nai, nay thuộc nước Ai-cập. Ông thấy một bụi gai lửa cháy bừng bừng, nhưng bụi gai không cháy. Ông lại gần. Từ trong bụi gai, Thiên Chúa gọi ông : “Mô-sê ! Mô-sê !”. Ông thưa : “Dạ, tôi đây !”. Thiên Chúa phán : “Chớ lại gần ! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh”. Rồi Thiên Chúa nói với ông : “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than, vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết nỗi khổ đau của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (3,7-8). Và Thiên Chúa bảo ông : “Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập” (3,10).

Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa : “Con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ : Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con : Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao ?”. Và Thiên Chúa đã cho ông biết tên của Người, đó là : “Ta là Đấng hiện hữu” (3,14). Hiện hữu là bản chất đích thực của Thiên Chúa. Sự hiện hữu của mọi tạo vật có giới hạn, vì có khởi đầu và cùng tận. Còn Thiên Chúa thì luôn luôn hiện hữu : hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Thiên Chúa không chỉ hiện hữu để hiện hữu, Người hiện hữu để làm nên mọi sự hiện hữu. Người là nguồn gốc của mọi sự hiện hữu, của mọi tạo vật. “Hiện Hữu”, tên của Thiên Chúa, là một động từ, chứ không phải là danh từ hay tĩnh từ, nghĩa là Thiên Chúa hiện hữu để hoạt động, để làm việc. Vì thế mỗi lần bảo ông Mô-sê làm một tai ương để vua Ai cập cho dân Do thái ra đi, thì Thiên Chúa đều nói : “Cứ dấu này các ngươi sẽ biết Ta là Đức Chúa” (7,17…).

Bài đọc 2 : Đoạn thư thánh Phao-lô gửi các tín hữu Cô-rin-tô đọc trong bđ2 nói lên ý nghĩa thiêng liêng cuộc xuất hành của người Do thái ra khỏi Ai cập dưới sự lãnh đạo của ông Mô-sê. Chính ý nghĩa thiêng liêng này đã cho thấy : Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi sai Con mình là Đức Giê-su xuống thế, để cứu chuộc.

Thánh Phao-lô đã so sánh cuộc vượt qua Biển Đỏ dưới đám mây với phép rửa tội Chúa Giê-su thiết lập : “Tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển” (1Cr 10,1-2). Lửa, khói, mây, gió là dấu hiệu sự hiện diện của Thiên Chúa. “Chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển”, nghĩa là Thiên Chúa rửa chúng ta bằng nước.

Thánh Phao-lô cũng nhìn bánh man-na dân Do-thái ăn trong sa mạc là hình bóng Mình Máu Thánh Chúa : “Tất cả cùng ăn một thức ăn thiêng liêng. Tất cả cùng uống một thức uống thiêng liêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá thiêng liêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (10,3-4). Thế nhưng, thánh Phao-lô viết : “Phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã qụy ngã trong sa mạc” (10,5). Thậm chí ông Mô-sê cũng chết bên này sông Gióc-đan, không được vào Đất Hứa, để chia sẻ với cái chết của dân ông trong sa mạc (Đnl 32,48-52). Thánh Phao-lô nói : “Những sự việc ấy xảy ra đề làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta” (1Cr 10,6).

Bài Tin Mừng : Dân Do-thái đã qụi ngã trong sa mạc, chỉ vì họ cứng đầu cứng cổ. Thật ra mỗi khi họ sám hối ăn năn, Thiên Chúa đều tha thứ. Thế nhưng, người ta chỉ biết gán tội, đổ lỗi cho người khác, chứ không đấm ngực thú nhận tội lỗi của mình để sửa đổi.

Trong bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay, người ta đã gán cho những người ở Ga-li-lê, đã đứng lên vì nền độc lập của dân tộc, mà bị nhà cầm quyền Rô-ma giết chết, hay 18 người bị tháp canh Đền thờ Giê-ru-sa-lem gần giếng Si-lô-a đè chết là vì tội lỗi, nên bị Thiên Chúa phạt. Chúa Giê-su bảo họ : “Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13,3).

Dụ ngôn cây vả đã nói lên lòng từ bi nhân hậu và sự  kiên nhẫn của Thiên Chúa. Người chủ vườn nói với người trồng cây : “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?” (13,7). Nhưng người làm vườn đáp : “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (13,8). Cây vả là loài người, người chủ vườn là Thiên Chúa, người trồng cây là Chúa Ki-tô. “ Đã ba năm” tức là đã ba năm Chúa Giê-su rao giảng mà người ta vẫn cứng đầu cứng cổ, không trở lại. Song Chúa Giê-su xin  Chúa Cha “để nó lại năm nay nữa”, nghĩa là chờ đến thời các thánh tông đồ, thời Giáo hội rao giảng, xem loài người có ăn năn trở lại không; nếu không, đến thời tận thế sẽ sửa phạt.

Đoạn 12 và 13 trong sách TM, thánh Lu-ca nói về ngày tận thế. Sám hối trong Cựu Ước, tiếng Do thái là “Shub”, nghĩa là “quay trở lại”, như câu nói trong Thánh vịnh 55,7 : “Kẻ gian ác hãy bỏ đường lối mình đang theo; người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa, và Người sẽ xót thương”. Trong Tân Ước, tiếng Do-thái sám hối là “me-ta-noi-a”, nghĩa là “có nhiều việc phải làm để thay đổi cả bên ngoài lẫn bên trong”. Khi kêu gọi sám hối, Chúa Giêsu muốn người ta quay trở về, tái lập lại mối giây thân tình với Thiên Chúa.

Lời Chúa của Chúa nhật thánh lễ hôm nay kêu mời chúng ta sám hối ăn năn, bỏ con đường tội lỗi mà trở lại con đường nhân đức, sửa đổi tính hư tật xấu để trở nên con người có tư cách, thánh thiện.

Xin thánh Mát-thêu Lê Văn Gẫm cầu cho chúng ta.

Linh mục Nguyễn Trung Thành