“Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” dưới ánh sáng của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo – Phần 1
WDN. 20.5.2024
Trong dịp Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, kỷ niệm 135 năm Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu (1885 – 2020), Giáo phận đã tổ chức cuộc hội thảo chuyên đề: “ĐỨC BÀ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU”: LỊCH SỬ VÀ LINH ĐẠO tại Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu vào ngày thứ hai, 23/11/2020 với loạt bài xoay quanh chuyên đề này:
- Chủ đề: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu”: Thánh Kinh, giáo phụ và lịch sử( Cha Phêrô Phan Tấn Khánh)
- Chủ đề: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” dưới ánh sáng của Tông Huấn Marialis cultus của Đức Phaolô VI, 1974 (Cha Giêrađô Trần Công Dụ)
- Chủ đề: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” dưới ánh sáng Thông điệp Redemptoris Mater của Đức Gioan-Phaolô II, 1987 (Soeur Maria Clara Nguyễn Thị Thảo)
- Chủ đề: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” dưới ánh sáng của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ( Cha Phaolô Vũ Chí Hỷ)
- Chủ đề: “Sự Hiển Linh Của Đức Mẹ Trà Kiệu” (Giáo dân Giuse. M Phạm Cảnh Đáng)
Nay, Ban Truyền thông GP trước hết xin lần lượt đăng từng phần bài trình bày của Cha Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS.
Trà Kiệu – “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu”
dưới Ánh Sáng của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
____________
“Thật lạ lùng, có một người đàn bà luôn đứng trên nóc nhà thờ. Bà rất đẹp, mặc áo trắng, mà bắn không trúng”.
Lời Mở
Những lời truyền tụng đó đã được lưu giữ cho tới ngày nay trong văn liệu lịch sử “Linh Địa Trà Kiệu”, cũng như trong đời sống tâm linh và cảm thức đức tin của nhiều thế hệ các tín hữu khiến chúng ta không khỏi nhớ đến biến cố Đức Mẹ hiện ra cứu cả Giáo Xứ thoát khỏi mọi hiểm nguy cùng khốn của cuộc bách hại cấm đạo, cuộc bao vây tấn công tàn khốc của quân lính Văn Thân vào năm 1885.[1] Theo những câu chuyện truyền tụng về biến cố kỳ diệu này, Đức Mẹ đã tỏ lộ chính mình như một huyền nhiệm linh thánh, tỏa sáng lên giữa đêm tối hãi hùng của bạo lực, giữa những tiếng súng nổ ầm vang và đại pháo bắn phá liên hồi: “Một Bà Xinh Đẹp Mặc Đồ Trắng” uy nghi đứng trên nóc nhà thờ, dang cánh tay bảo vệ bênh đỡ đoàn con, những tín hữu đang thiết tha cầu khẩn với tất cả niềm tin tưởng tìm đến nơi ẩn trú dưới bóng Mẹ chở che, được an toàn qua cơn gian nan biến động. Chúng ta có thể ghi nhận tất cả những gì đã xảy ra ở đây nhờ những câu chuyện được tích hợp, được tường thuật trong lịch sử trải dài hơn một trăm năm qua. Và tất cả những dữ kiện đó, thiết tưởng cũng đủ để nói lên như những bằng chứng về một một biến cố thánh thiêng nhiệm mầu, cùng tấm lòng sùng kính mến yêu của Cộng Đoàn Dân Chúa đối với Đức Maria, “Đấng Phù Hộ các Giáo Hữu” một cách hết sức đặc biệt.[2]
Vì thế, những gì được trình bày ở đây, trước hết như là một cố gắng góp phần vào những nhận định, suy tưởng và thảo luận về đạo lý về mầu nhiệm Đức Maria và tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” dưới ánh sáng của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bởi lẽ, như chúng ta có thể nhận thấy, không phải vô cớ hay tình cờ mà Sách Giáo Lý Hội Thánh được soạn thảo để diễn giải đức tin Kitô giáo trong bối cảnh của Lịch Sử Cứu Độ, từ Khởi Nguyên cho tới Khải Huyền.[3] Trong bối cảnh đó, đạo lý về mầu nhiệm Đức Maria và sự thánh thiện của Người được minh định diễn giải ở cả bốn phần chính của bộ sách gồm các tiết mục nối tiếp nhau. Từ phần “Tuyên xưng đức tin” đến phần nói về phụng vụ “Cử hành mầu nhiệm đức tin”, rồi dẫn vào phần giải thích ý nghĩa của đời sống luân lý đạo đức là “Đời sống trong Đức Kitô”. Và cuối cùng là phần “Kinh nguyện Kitô giáo”. Không phần nào mà chúng ta không nhìn thấy trong đó có sự hiện diện chủ vị, dù lặng lẽ âm thầm, nhưng thấm đậm tình hiệp thông trìu mến của Đức Mẹ đối với Cộng Đoàn Giáo Hội.
Với cách cấu trúc trình bày như thế, chẳng phải Giáo Lý Hội Thánh chủ ý muốn giới thiệu chân dung Đức Maria như là “mẫu gương tuyệt vời của người tín hữu” đó sao?[4] Thật vậy, vì Đức Maria là một người tín hữu ưu việt tiêu biểu giữa các tín hữu đã tuyên xưng, cử hành và sống trọn vẹn đức tin của mình với tất cả lòng yêu mến thiết tha và niềm cậy trông tuyệt đối tín thác vào Thiên Chúa qua những thái độ vâng phục, cầu nguyện, chiêm nghiệm và thực thi thiên ý. Với một cuộc đời thiện hảo hơn ai hết (Lc 2, 19. 51), Đức Mẹ được chúc tụng như “Trinh Nữ Diễm Phúc” bởi đã tin (Lc 1, 45). Và hơn nữa, nếu đức tin của chúng ta luôn được hiểu trong sự liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước, thì chúng ta nhận thấy trong lịch sử đức tin ấy hình ảnh rạng ngời tuyệt mỹ xuyên suốt của Đức Mẹ, cũng như vai trò trổi vượt của Người giữa những phụ nữ khôn ngoan và cao quý, trung tín và đức hạnh được ghi nhận trong Kinh Thánh, trong toàn bộ “kế hoạch mặc khải nhiệm mầu” của Thiên Chúa (Gl 4, 4; Ep 1, 9-10). Như Giáo Lý Hội Thánh tường thuật:
Suốt thời Cựu Ước, sứ vụ của Đức Maria đã được chuẩn bị trước bởi sứ vụ của những phụ nữ thánh thiện. Từ lúc khởi đầu, là bà Evà: bất chấp sự bất tuân phục của mình, bà đã nhận được Lời Hứa rằng một hậu duệ của bà sẽ chiến thắng ma quỷ (St 3, 15) và bà sẽ là mẹ của tất cả chúng sinh (St 3, 20)… Cuối cùng … thời gian đến hồi viên mãn và một nhiệm cục mới đã bắt đầu với Đức Maria, người “Thiếu Nữ Sion” cao trọng nhất.[5]
Sở dĩ xin được trích dẫn chi tiết đó trong cũng là để muốn chứng thực rằng, trong nhận thức của Giáo Hội, niềm tin và lòng cậy trông vào sự cầu bầu phù hộ của Đức Maria là những tâm tình và hành vi đạo đức đích thực được phát sinh tận nguồn mặc khải. Vì vậy, có thể thấy, dựa theo các bản văn Tân Ước, Giáo Lý Hội Thánh đã phác họa chân dung Đức Maria trong mối tương quan mật thiết với Đức Kitô và sứ mạng cứu thế của Người, cũng như trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội. Đức Mẹ được mô tả như một người Mẹ, nhưng cũng là người môn đệ hoàn hảo luôn đồng hành trong suốt cả cuộc đời với Đức Giêsu, Đấng Kitô, Đấng của Lời Hứa. Từ lúc Truyền Tin (Fiat), khi Đức Mẹ cất bước lên đường thăm viếng bà Elizabeth, loan báo ơn cứu độ và chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa (Magnificat) cho tới chân Thập Giá (Stabat). Đức Mẹ cũng đã cùng sống chung với Cộng Đoàn các tín hữu qua các giai đoạn của lịch sử, từ thuở khai sinh vào ngày Lễ Hiện Xuống.[6] Thái độ suy phục của Đức Mẹ trước thánh ý Thiên Chúa ngay từ giây phút “Xin Vâng” (Lc 1, 28) khi mở lòng ra cho Ngôi Lời nhập thể vào đời theo đúng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thì quả thật là “diễm phúc”. Và chẳng phải đó là lý do để Giáo Lý Hội Thánh nhìn nhận rằng: “Những gì đức tin Công Giáo tin về Đức Maria, đều đặt nền tảng trên những gì đức tin đó tin về Đức Kitô, và những gì đức tin dạy về Đức Maria, lại làm sáng tỏ đức tin vào Đức Kitô”.[7]
Trong viễn tượng này, chúng ta có thể làm sáng tỏ thêm ở nhiều góc độ, mở rộng những suy tư về tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” của Đức Maria. Chúng ta sẽ triển khai các chiều kích ý nghĩa hàm chứa trong các phần, các tiết mục chính yếu được Giáo Lý Hội Thánh phác thảo, tiêu biểu nhất là Tiết 6 với Tựa Đề: “Đức Maria – Mẹ Đức Kitô, Mẹ của Hội Thánh”.[8] Và trong ánh sáng niềm tin của Giáo Hội, chúng ta sẽ đọc để gợi lên những suy tưởng, rồi minh định và diễn giải mối tương quan, sự tương hướng trong ý nghĩa giữa các mầu nhiệm cũng như nội dung hàm chứa trong đạo lý về Đức Maria. Như thế, chúng ta có thể đi sâu vào niềm tin để hiểu biết và mến yêu hơn khi trình bày tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” trong sự nối kết với vai trò, chức phận và sứ mạng của Đức Maria trong Lịch Sử Cứu Độ dựa theo cấu trúc dàn ý của Giáo Lý Hội Thánh: 1) Mẹ Đức Kitô – Mẹ của Giáo Hội – 2) Đức Trinh Nữ Diễm Phúc – 3) Nữ Vương Vũ Trụ – Hình Ảnh Cánh Chung của Giáo Hội.
Như thế, chúng ta có thể hiểu được phần nào về mầu nhiệm Đức Maria là nhờ mầu nhiệm này gắn bó sâu xa với các mầu nhiệm khác, đặc biệt với mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội. Rồi từ đó mà tất cả có thể gặp gỡ tổng hợp, đi sâu vào trong mối tương quan tương ứng với nhau, để cùng hình dung, gợi mở và làm sáng tỏ ý nghĩa phù hợp nhất quán trong nhau. Và cũng nhờ đó, trong một bối cảnh như thế, chúng ta có thể chiêm ngưỡng, nhận ra được lý lẽ chân thực và chính đáng của truyền thống đạo đức phong phú về lòng sùng kính tôn vinh Đức Maria trong Giáo Hội với tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu”.
- Đức Maria: “Mẹ Đức Kitô – Mẹ của Giáo Hội”
Trước hết, liên quan đến lịch sử mặc khải, chúng ta nhận thấy Giáo Lý Hội Thánh trình bày chân dung Đức Maria, không chỉ đặt Người trong tương quan với mầu nhiệm Đức Kitô, nhưng còn trong tương quan với mầu nhiệm Giáo Hội. Và cũng chính trong bối cảnh ý nghĩa này mà chúng ta có thể hiểu được mối tương quan giữa tước hiệu “Mẹ của Giáo Hội” với tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” trong phụng tự và lòng sùng mộ đạo đức của Giáo Hội. Bởi lẽ theo Tin Mừng Gioan, vào giờ quyết định dưới chân Thập Giá, Đức Giêsu đã trao phó Đức Maria cho người môn đệ mình thương mến trong tư cách là đại diện các môn đệ, để rồi ủy thác tất cả Cộng Đoàn các môn đệ cho Đức Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà… Đây là Mẹ của anh”. Kể từ giờ phút đó, với những lời nói cuối cùng như thế, người môn đệ “rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25-28). Và phải chăng chính “lúc này, ở đây” Đức Giêsu biết là “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30), và đó là “giờ” của Người để tỏ lộ cho Đức Maria biết trọng tâm và cao điểm của chức phận làm Mẹ? Bởi vì, có thể nói, nếu được làm Mẹ của Đấng Cứu Độ, thì Đức Maria cũng đương nhiên làm Mẹ của tất cả những người được cứu độ, những chi thể trong Thân Mình mầu nhiệm của Con Mẹ.[9]
Như thế, những lời nói cuối cùng hết sức cảm động và thâm tình của Đấng chịu đóng đinh, chẳng phải đã hàm chứa ý nghĩa chủ yếu tạo nên một thời điểm trong Lịch Sử Cứu Độ cho các môn đệ sẵn lòng đón nhận tình mẫu tử thân yêu của Đức Maria? Vì thế, theo Công Vụ Tông Đồ, sau biến cố Chúa về trời, các môn đệ tụ họp gắn bó với nhau thành một Cộng Đoàn Giáo Hội hiệp thông trong Phòng Tiệc Thánh, “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, và có bà Maria thân mẫu của Đức Giêsu” (Cv 1,14). Và từ đây, chúng ta có thể thấy Đức Mẹ luôn hiện diện, tham dự vào tất cả mọi sinh hoạt và mọi biến cố của Cộng Đoàn các tín hữu, đặc biệt là trong ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày khai sinh nhật Giáo Hội với sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần. Những cảnh trí sinh động này, quả thực, theo nhận định của Đức Gioan Phaolô II, gợi lên một “cảnh quang mặc khải” chứa đựng đầy ý niệm tiên trưng về Đức Maria như là người “Mẹ dịu hiền của Giáo Hội, Mẹ thật của các tín hữu”.[10]
Thực ra, tưởng chúng ta cũng biết rằng, trong lịch sử thần học và đạo lý của Giáo Hội, việc tôn nhận cũng như lòng tôn kính hướng lên Đức Maria với tước hiệu là “Mẹ của Giáo Hội” đã thực sự xuất hiện từ thời các Giáo Phụ. Tiêu biểu như giáo phụ Origen (185-232), có thể nói, là người đầu tiên đề cập đến chức phận làm Mẹ các tín hữu của Đức Maria trong bối cảnh dưới chân Thập Giá trong Tin Mừng Gioan. Kế đến, phải nói về một khuôn mặt nổi bật khác nữa là Thánh Ambrôsiô vào thế kỷ thứ IV (340-397). Các ngài đã cố gắng tóm kết các luồng tư tưởng thần học đương thời theo hướng diễn giải dựa trên Kinh Thánh để nhận định rằng Đức Mẹ là “mẫu thức” và “hình ảnh” của Giáo Hội. Chỉ vì Đức Kitô sống trong các tín hữu, và các tín hữu được sống trong Đức Kitô; thế nên nếu Đức Maria thực sự là Mẹ Đức Kitô, thì cũng là Mẹ thật của tất cả những ai được Đức Kitô sống bên trong nhờ ân sủng (Gl 2, 20).[11] Với cảm thức đức tin sâu đậm với những suy tư tâm huyết đó, các ngài đã khởi xướng việc triển khai mối liên kết “bất khả phân ly” giữa mầu nhiệm Đức Kitô với mầu nhiệm Đức Maria và mầu nhiệm Giáo Hội, đồng thời củng cố phát huy lòng đạo đức sùng mộ của các Kitô hữu.[12]
Từ đó vào những thế kỷ sau, qua thời Trung cổ cho tới thời hiện đại, nhờ hướng suy tư thần học này về vai trò đặc biệt của Đức Maria được triển khai sâu rộng hơn mà chúng ta nhận thấy có nhiều vị Giáo Hoàng đã sử dụng danh xưng “Mẹ của Hội Thánh” trong các huấn quyền, nổi bât nhất là Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II, cũng như Đức Bênedictô XVI. Và như một luận cứ lịch sử rõ ràng hơn cả, xin được trích dẫn lời tuyên bố của Đức Phaolô VI vào ngày chính thức ban hành Hiến Chế về Giáo Hội, Lumen Gentium: “Vì vinh quang Đức Trinh Nữ, chúng tôi tuyên xưng Đức Maria Rất Thánh là Mẹ Hội Thánh, nghĩa là Mẹ của toàn thể Dân Chúa, của các tín hữu cũng như của các mục tử …Và chúng tôi ước mong Mẹ Hội Thánh sẽ được toàn thể các tín hữu tôn vinh hơn nữa, kêu cầu hơn nữa dưới tước hiệu ngọt ngào này”.[13] Thế nhưng, từ suy nghĩ phổ quát này đến suy đi nghĩ lại trong tâm hồn, thì chẳng phải là Đức Maria, Mẹ hiền của Đức Kitô và toàn thể Giáo Hội? Đó là lý do tại sao Đức Gioan Phaolô II nói về một biến cố trong mọi biến cố: “Tước hiệu Mẹ Giáo Hội phản chiếu niềm xác tín của người Kitô hữu, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Đức Kitô, mà còn của người tín hữu. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ của những người được cứu độ và Mẹ kẻ sống thì thật chính đáng khi tuyên bố Người là Mẹ của Giáo Hội”.[14]
Với những lời giáo huấn trên đây, và dưới ánh sáng của mặc khải Kinh Thánh, chẳng phải Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Maria vào chức phận làm Mẹ của Đức Kitô đó sao? Để rồi, theo như Giáo Lý Hội Thánh, quả thực là các tín hữu được “tuyển chọn” vào chức phận làm con cái của Thiên Chúa qua sự “tuyển chọn” Đức Maria vào vai trong trò làm Mẹ của Đức Kitô. Nói cách khác, Giáo Hội được sinh ra vào “thời viên mãn”, vào công trình “sáng tạo mới” (Gl 4, 4) của Thiên Chúa (Gl 4,4 ), khởi sự từ biến cố Truyền Tin. Thật vậy, vì trong Tân Ước, việc thụ thai kỳ diệu của Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, mang ý nghĩa cánh chung hình dung như một công trình tạo dựng mới. Và điều này được Giáo Lý Hội Thánh giải thích: “Đức Trinh Nữ Maria… được nhận biết và tôn kính với tư cách Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Độ … Mẹ cũng thật là Mẹ các chi thể của Đức Kitô… bởi vì đã cộng tác bằng đức mến để các tín hữu được sinh ra trong Hội Thánh, được làm chi thể của Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh. Đức Maria là Mẹ Đức Kitô, cũng là Mẹ của Hội Thánh”.[15]
Chính ở đây, trong bối cảnh tình mẫu tử thiêng liêng đó của Đức Maria đối với Giáo Hội, chúng ta có thể nhận ra được ý nghĩa tương hợp giữa tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” với tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu”. Bởi lẽ, cả hai tước hiệu đều bao hàm một trách nhiệm, một sứ vụ cứu giúp trọng đại, như lập luận của Đức Phaolô VI: “Chúng tôi tin Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, bà Eva mới, Mẹ Hội Thánh, giờ đây ở trên trời, vẫn tiếp tục nhiệm vụ làm Mẹ đối với các chi thể của Đức Kitô”.[16] Và như một liên tưởng tự nhiên, chúng ta có thể suy tư theo lời của Đức Gioan Phaolô II, về bản chất đích thực sự chăm sóc trìu mến của Đức Maria đối với Giáo Hội, vừa như một người Mẹ hiền, đồng thời vừa là Đấng Phù Hộ các Giáo Hữu: “Với tư cách người Mẹ, Đức Maria bênh vực con cái mình và bảo vệ chúng khỏi sự độc hại do tội lỗi… Người Kitô hữu kêu lên Đức Maria là Đấng Cứu Giúp, vì công nhận tình yêu từ mẫu của Người luôn nhìn thấy các nhu cầu của con cái mình và sẵn sàng đến trợ giúp chúng, đặc biệt khi phần rỗi đời đời của chúng bị lâm nguy”.[17]
Hơn nữa, phải ghi nhận rằng trong suốt lịch sử đời sống của Giáo Hội, ngay từ thuở ban đầu, các tín hữu đã thường xuyên kêu cầu Đức Maria với tước hiệu “Đưc Mẹ” trong sự tin tưởng đầy lòng cảm mến và niềm cậy trông. Tiêu biểu như lời nguyện trong ngày lễ kính thánh danh Đức Maria: “Xin cho chúng con là những kẻ kêu cầu thánh danh Đức Maria, Hiền Mẫu của chúng con, với niềm tin tưởng vào sự chở che của Ngài, được lãnh nhận sức mạnh và an ủi trong cơn khốn cùng”.[18] Cũng như một trong những lời kinh nguyện cổ xưa trong truyền thống đạo đức và lòng sùng kính Đức Mẹ của Giáo Hội: “Lạy Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng Phù Hộ các Giáo Hữu, chúng con phó mình cho sự phù trợ từ mẫu của Mẹ. Trong suốt lịch sử Giáo Hội, Mẹ đã cứu giúp các tín hữu trong những thời kỳ thử thách, cám dỗ và hiểm nguy”.[19]
Còn ở “Linh Địa Trà Kiệu, chúng nghe thấy gì khi Giáo Xứ lâm cảnh biến loạn tang thương cùng khốn? Câu chuyện tương truyền rằng: “Với niềm tin mãnh liệt, với lòng biết ơn vô vàn, Cha quản xứ và giáo dân Trà Kiệu đã đến quỳ trước bàn thờ của Mẹ mà không sao cầm được nước mắt… Trong những ngày đầu mới bị bao vây, Cha quản xứ đã chạy đến cầu cùng Mẹ, ngài đã thiết lập một bàn thờ Đức Mẹ ngay tại nhà xứ, để cho những ai không đi chiến đấu được thì ở lại đọc kinh cầu nguyện với Mẹ”.[20]
Như thế, nhìn lại một cách tổng quan, hẳn chúng ta nhận thấy chính tước hiệu thân thương “Mẹ Giáo Hội” của Đức Maria vừa bao hàm ẩn chứa vừa tương ứng với các tước hiệu khác, nhất là với tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu”.[21] Phải chăng, có thể nói rằng, chính qua vai trò phù hộ các tín hữu mà chúng ta có thể nhận biết Đức Maria là Mẹ thật của Giáo Hội? Và ngược lại, cũng vì nhận biết Đức Maria là Mẹ thật của Giáo Hội, nên chúng ta cũng một lòng tín thác cậy trông, để rồi như con cái có thể tự nhiên chạy đến cùng người Mẹ của mình mà khấn xin ơn phù trợ chở che, đặc biệt khi lâm cảnh phong ba thử thách? Như Giáo Lý Hội Thánh khẳng định: “Nhiệm vụ của Đức Mẹ đối với Hội Thánh và toàn thể nhân loại còn được mở rộng hơn nữa. Chính Mẹ đã cộng tác một cách tuyệt đối độc nhất vô nhị vào công trình của Đấng Cứu Độ, bằng sự vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức mến nồng nhiệt, để phục hồi sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Vì lý do đó, Mẹ là Mẹ của chúng ta trong ân sủng”.[22]
[1] Cf. Jos. M. PCĐ và Matheo LVT, “Linh Địa Trà Kiệu”, NXB Tôn Giáo, (Hà Nội, 2018), 93.
[2] Lòng tôn kính Đức Maria dưới tước hiệu “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu” đã có từ lâu trong Giáo hội. Tước hiệu “Auxilium Christianorum” được các Đức Giáo Hoàng Piô V (1571) và Piô VII (1814) cổ võ vào lúc Giáo Hội gặp những cơn nguy khốn và bị tấn công trong lịch sử. X. Giuse Phan Tấn Thành, “Magnificat”, HV. Đa Minh, (2010), 267. Ngày lễ Đức Maria Phù hộ các Giáo hữu được Đức Giáo hoàng Piô VII thiết lập vào ngày 24 tháng 05 năm 1815, như một dấu chỉ về lòng biết đối với Đức Mẹ, khi được thả tự do sau một thời gian bị hoàng đế Pháp giam tù. Chúng ta có đọc thấy và hiểu được những tâm tình khấn cầu này của các tín hữu suốt một quá trình lịch sử lâu đời, vì được phản ánh rõ nét nhất, cô đọng và được hình thành trước hết trong “Kinh Trông Cậy” (Sub Tuum). Hiện nay vẫn còn được lưu giữ và sử dụng. Một Lời kinh, quả thực, đã làm nổi bật tước hiệu: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” trong truyền thống đạo đức và lòng sùng mộ đối với Đức Maria của toàn thể Giáo Hội. Chính bản văn kinh nguyện đã được tìm thấy ở một di cảo có từ thế kỷ thứ III, thời kỳ cao độ của những cuộc bách hại. Lời kinh vừa thể hiện kinh nghiệm tâm linh phổ quát, vừa cho thấy các tín hữu luôn một lòng trông cậy vững vàng, và chỉ biết trông lên Đức Maria như một người Mẹ đầy quyền năng và lòng thương cảm: “Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ – Amen”. Nhưng theo bản văn La Tinh: “Sub tuum praesidium confugimus, Sancta Dei Genitrix. Nostras deprecationes ne despicias in necessitatibus nostris, sed a periculis cunctis libera nos semper, Virgo gloriosa et benedicta”. Bản dịch của CGKPV: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin Mẹ đừng chê bỏ. Nhưng xin hằng giải thoát khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh diệu ai bì, Trinh Nữ đầy ơn phước!”.
[3] Cf. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bản Dịch của UBGLĐT thuộc HĐGMVN, NXB Tôn Giáo (Hà Nội, 2009).
[4] GLHTCG, số 144, 148.
[5] GLHTCG, số 489; Cf. Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium, 55.
[6] GLHTCG, số 963, 972.
[7] GLHTCG, số 487.
[8] GLHTCG, số 963.
[9] Cf. “70 Bài Giáo Lý về Đức Maria” của ĐGHGioan Phaolô II, Hướng về Năm Thánh 2000, Lm. Phêrô Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ, Lưu Hành Nội Bộ, 142.
[10] Cf. “70 Bài Giáo Lý về Đức Maria” của ĐGHGioan Phaolô II, 139.
[11] Cf. Denis Farkasfalvy, Mầu Nhiệm Đức Maria – Đề Cương của Thánh Mẫu Học, Bản dịch của Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CssR. NXB Tôn Giáo (Tp. Hồ Chí Minh, 2018), 138, 140.
[12] Cf. Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ, Học Trường Đức Mẹ, Tập III: Đức Maria, Gương Mẫu của Lòng Tin, NXB Đồng Nai (Biên Hòa, 2019), 139-142, 236. Tuy nhiên, chúng ta cũng ghi nhận rằng cho mãi đến thế kỷ thứ XII, tước hiệu “Đức Maria: Mẹ của Hội Thánh” mới thực sự được sử dụng, đúng theo nghĩa là “lần đầu tiên”, do Đức Giám Mục thành Trier là Berengaud (+1125) với luận đề: “Đức Maria được gọi làm Mẹ của Hội Thánh, vì là Mẹ Đức Kitô theo thể xác và là Mẹ thiêng liêng của các Kitô hữu”.
[13] Cf. Anthony E. Chiffolo, Một Trăm Danh Hiệu của Đức Maria – Truyện và Kinh, 130. Cũng xem Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ, Học Trường Đức Mẹ, Tập III: Đức Maria, Gương Mẫu của Lòng Tin, 241-242. cũng là ngày bế mạc khóa III của Công Đồng Vatican II (21/11/1964).
[14] Cf. “70 Bài Giáo Lý về Đức Maria” của ĐGHGioan Phaolô II, 179.
[15] GLHTCG, số 963.
[16] GLHTCG, số 975. Cũng xem Lumen Gentium, 63: Đức Mẹ “cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục các tín hữu,
[17] Cf. “70 Bài Giáo Lý về Đức Maria” của ĐGHGioan Phaolô II, 182.
[18] Cf. Anthony E. Chiffolo, Một Trăm Danh Hiệu của Đức Maria – Truyện và Kinh, 19.
[19] Cf. Anthony E. Chiffolo, Một Trăm Danh Hiệu của Đức Maria – Truyện và Kinh, 57. Đặc biệt là lời kinh nổi bật trong thời hiện đại của Đức Phaolô VI: “Xin Mẹ hãy nhớ đến tất cả những con cái của Mẹ, nâng đỡ những lời nguyện cầu của họ dâng lên Thiên Chúa, làm cho đức tin của họ vững mạnh, làm cho đức cậy của họ nên kiên vững, làm cho đức ái của họ thêm tiến triển. Xin Mẹ hãy nhớ những người trong cơn thử thách, gian truân, nguy hiểm, nhất là những người đang chịu bách hại và những người đang bị giam cầm vì Đức Tin”, 95.
[20] Cf. Jos. M. PCĐ và Matheo LVT, “Linh Địa Trà Kiệu”, 95.
[21] Cf. Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ, Học Trường Đức Mẹ, Tập III: Đức Maria, Gương Mẫu của Lòng Tin, 242, 243. Có thể nói, mặc dù Đức Maria được tôn kính bằng nhiều tước hiệu cổ truyền trong Giáo Hội, nhưng tước hiệu bộc phát hết sức tự nhiên và thân ái từ môi miệng của các tín hữu chính là tước hiệu “Mẹ”. Như Đức Phaolô VI đã xác nhận trong một diễn từ: “Đây là một tước hiệu vốn không phải là không được lòng sùng kính của dân Kitô biết đến, nhưng hơn thế nữa, các tín hữu và toàn thể Giáo Hội yêu mến kêu cầu Mẹ với danh xưng “Mẹ” hơn hết. Danh xưng này chắc chắn đi vào con đường sùng kính Đức Maria cách đích thực, vì được xây dựng trên phẩm tước mà Đức Maria được khắc ghi trong tư cách là Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể”.
[22] GLHTCG, số 968 và Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium, 61.