Gốc tích các chặng đàng thánh giá?


Các chặng đàng thánh giá hoạ lại đường tử nạn Đức Giêsu đi qua, bắt đầu từ dinh tổng trấn Philatô cho đến nơi an táng Người. Chặng đàng thánh giá đã trở thành một hình thức đạo đức bình dân được thực hành tại nhiều giáo xứ, đặc biệt trong Mùa Chay và trong những ngày trước lễ Phục Sinh.

Hình thức đạo đức này đã có những tiến triển cùng thời gian. Tương truyền, sinh thời Đức Mẹ có thói quen hàng ngày đi viếng lại tất cả những nơi Chúa Con đã đi qua trong cuộc tử nạn. Sau khi hoàng đế Constantine công nhận Kitô giáo vào năm 313, địa điểm của một số chặng quan trọng trong đàng thánh giá này đã được xác định cụ thể. Thánh Giêrônimô (342-420), đã chuyển đến sống và qua đời tại Bê-lem, thánh nhân chứng nhận rằng có nhiều đám đông hành hương từ nhiều nước khác nhau đến thăm các nơi thánh và đi đàng thánh giá tại Thánh Địa.

Thực hành đạo đức này càng ngày càng được phổ biến. Vào thế kỷ V, một phong trào xuất hiện trong Giáo hội cho “tái dựng” lại các chặng đàng thánh giá ở các khu vực khác nhau, hầu giúp cho các khách hành hương dù không thực sự đến được Thánh Địa vẫn có thể thực hành hình thức đạo đức này với một tâm tình ngưỡng kính. Chẳng hạn, thánh Petronius, giám mục Bologna, đã cho xây dựng một chuỗi các nhà nguyện tại đan viện San Stefano, mô phỏng lại những di tích quan trọng tại Thánh Địa, trong đó có một số chặng trong đàng thánh giá.

Năm 1342, các tu sĩ Phanxicô được chỉ định làm người canh giữ các di tích Thánh Địa. Các tín hữu sẽ nhận được ân xá khi cầu nguyện ở những chặng sau: Tại dinh tổng trấn Philatô, tại nơi Đức Mẹ gặp Đức Giêsu, tại nơi Chúa ngỏ lời với các người phụ nữ thành Giêrusalem, tại nơi Chúa gặp ông Simôn thành Kirênê, tại nơi lính tráng lột áo Chúa, tại nơi Chúa chịu đóng đinh, và tại hang đá nơi an táng Chúa.

William Wey, một khách hàng hương đến từ Anh, thăm Thánh Địa năm 1458 và năm 1462. Ông đã mô tả cách thức người ta đi chặng thánh giá tại đây. Trước đây, người ta thường đi ngược chiều với cách thường thấy hiện nay – đi từ đồi Canvê xuống dinh Philatô. Nhưng vào thời gian ông này đến Thánh Địa, thói quen đi đàng thánh giá từ dinh Philatô đến đồi Canvê đã được áp dụng.

Khi những người Thổ Hồi giáo chặn đường sang Thánh Địa, việc cho tái dựng các chặng đàng thánh giá được thực hiện tại các trung tâm hành hương, tâm linh, chặng hạn tại tu viện Đa Minh ở Cordova, tại tu viện Clara Khó Khăn ở Messina (đầu những năm 1400), tại Nuremberg (1468); tại Louvain (1505); tại Bamberg, Fribourg và Rhodes (1507); và tại Antwerp (1520). Nhiều chặng đàng thánh giá được xây dựng bởi các hoạ sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng, nhiều tác phẩm được kể là kiệt tác cho đến ngày nay. Vào năm 1587, Hồi giáo đã lệnh cấm tất cả mọi người không được “dừng lại, tỏ ra cử điệu sùng kính tại những nơi thánh với đầu trần, cũng cấm tuyệt đối các hình thức rước xách hay biểu dương khác nữa”. Lệnh cấm này chủ yếu nhắm triệt tiêu, không cho người ta thực hành việc đạo đức này tại Thánh Địa nữa. Tuy vậy, thực hành đạo đức này đã trở nên phổ biến tại Châu Âu.

Vào thời này, số chặng đàng thánh giá không thống nhất. Theo như mô tả của William Wey, có tới 14 chặng, nhưng chỉ có 5 chặng là giống với chặng đàng thánh giá ngày nay. Một số nơi bao gồm cả chặng nhà của ông Dives (người đàn ông giàu có trong trình thuật về Ladarô), cổng thành nơi Đức Giêsu đi qua, và nhà của vua Hêrôđê, nhà của ông Simon thuộc nhóm Pharisêu. Một cuốn sách của Adrichomius, xuất bản năm 1584, có tựa là Jerusalem sicut Christi Tempore floruit, mô tả đàng thánh giá có 12 chặng, và các chặng ấy giống hệt như ngày nay. Cuốn sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và lưu hành rộng rãi. Vào thế kỷ XVI, trong các sách đạo đức đặc biệt là ở các nước Bắc Âu, đàng thánh giá có 14 chặng, với những lời cầu cho mỗi chặng.

Cuối thế kỷ XVII, việc cho dựng các chặng đàng thánh giá trong cách nhà thờ, thánh đường trở nên phổ biến hơn. Năm 1686, đức Innocent XI nhận thấy hiếm người có thể tới được Thánh Địa vì sự cấm cản của Hồi giáo, ngài ban cho các tu sĩ dòng thánh Phanxicô đặc quyền được dựng chặng đàng thánh giá nơi tất cả các nhà thờ của mình. Đức giáo hoàng cũng tuyên bố rằng tất cả những ân xá ban cho người đi viếng các nơi thánh thiêng ở Thánh Địa cũng được áp dụng cho tu sĩ dòng thánh Phanxicô hay giáo dân liên hệ với dòng này khi họ viếng các chặng đàng thánh giá đặt trong thánh đường. Năm 1726 đức Bênêđictô XIII mở rộng đặc ân đó cho tất cả mọi người tín hữu. 5 năm sau, đức Clementê XII cho phép tất cả mọi nhà thờ được đặt các chặng đàng thánh giá, thường là 14 tượng thánh giá có kèm theo bức ảnh mô tả diễn tiến mỗi chặng. Thực hành đạo đức này trở nên phổ biến cũng là một phần nhờ lời giảng, sự cổ võ của các nhà giảng thuyết. Chẳng hạn, thánh Leonard Casanova (1676-1751), được cho là đã xây dựng hơn 600 chặng đàng thánh giá trên khắp nước Ý.

Cho đến nay, chúng ta có 14 chặng đàng thánh giá theo cổ truyền:

1. Quan Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu
2. Đức Chúa Giêsu vác thánh giá.
3. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
4. Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác thánh giá
5. Ông Simon vác thánh giá đỡ Đức Chúa Giêsu
6. Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt
7. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
8. Đức Chúa Giêsu đứng lại an ủi con thành Giêrusalem
9. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
10. Quân dữ lột áo Đức Chúa Giêsu
11. Quân dữ đóng đanh Đức Chúa Giêsu
12. Đức Chúa Giêsu sinh thì trên thánh giá
13. Tháo đanh Đức Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ
14. Táng xác Đức Chúa Giêsu trong hang đá.

Vì có một liên hệ rõ ràng giữa cuộc tử nạn, cái chết và cuộc phục sinh của Đức Giêsu, một số sách đạo đức hiện nay đã thêm vào chặng thứ 15, kính nhớ cuộc Phục Sinh.

Tại các nhà thờ Công giáo, việc đi các chặng đàng thánh giá vào những ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay đã trở thành thông lệ. Nhiều nhà thờ còn cử hành hai lần, một vào buổi chiều, thường dành cho học sinh, và một vào buổi tối. Nơi một số nhà thờ Tin Lành, đặc biệt là các chi phái Episcopal và Lutheran, cũng đi các chặng đàng thánh giá như là một hoạt động trong Mùa Chay, nhất là vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://catholicstraightanswers.com