Chúa Nhật XI Thường Niên Năm B


CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM B

Ngày 16/6/2024

 

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Thanh Đức & Giáo họ Ô Gia

GIÁO HUẤN SỐ 28

TIÊU CHUẨN LỚN

Việc thờ phượng được Thiên Chúa ưa thích nhất

Chúng ta có thể tưởng rằng mình tôn vinh Thiên Chúa chỉ qua việc thờ phượng và cầu nguyện hay đơn giản chỉ qua việc tuân thủ một số qui tắc đạo đức nào đó. Quả đúng là mối ưu tiên thuộc về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng chúng ta không được quên rằng tiêu chuẩn tối hậu theo đó chúng ta được phán xét chính là những gì chúng ta làm cho tha nhân. Cầu nguyện là quí nhất, vì cầu nguyện giúp nuôi dưỡng sự dân thân cho tình yêu hằng ngày. Việc thờ phượng của chúng ta trở thành được Thiên Chúa vui lòng khi chúng ta quên mình  để sống quảng đại và cho phép ơn huệ của Thiên Chúa được ban cho trong cầu nguyện, thể hiện ra trong mối quan tâm của chúng ta đối với anh chị em mình (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 104).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Ed 17, 22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34)

Bài Ðọc I: Ed 17, 22-24

“Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp”.

Trích sách ngôn sứ Êdêkien.

Ðức Chúa là Chúa Thượng phán như sau:

Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en.

Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Ðức Chúa.

Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.

Chính Ta là Ðức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 91, 2-3.13-14.15-16

Ðáp: Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài (c. 2a).

Xướng: Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Ðâng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya.

Xướng: Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa Ta.

Xướng: Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công.

Bài Ðọc II: 2Cr 5,6-10

“Dù còn ở trong thân xác, hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa… Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Ðức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Ðức Ki-tô. Ai tuân giữa lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4, 26-34

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.”

Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”

Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Hạt giống Tin Mừng đầu tiên gieo trên đất Việt

Ngày 6-1-1615 tầu nhổ neo từ Áo Môn (Ma-Cao) trực chỉ Đàng Trong, sau 12 ngày tầu tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18-1-1615. Đây là ngày Giáo Hội Việt Nam thường coi cuộc truyền giáo được ‘chính thức’ mở ra ở Việt Nam, mặc dù trước đó đã có những ‘dấu vết’ Tin Mừng ở xứ này. Ba nhà thừa sai dòng Tên  bước chân vào cái xứ ‘trầm hương, yên sào’, nhờ chuyến tầu buôn Bồ Đào Nha. Lạ nước lạ cái, ngôn ngữ bất đồng, nói chuyện thì qua thông dịch viên ‘i tờ’. Tuy thế , Buzomi cũng cho dựng lên một nhà nguyện ở Cửa Hàn; vào dịp lễ Phục Sinh 1615 các cha dâng thánh lễ ở đây và rửa tội được 10 người. Tiếp theo, các tu sĩ đến Cacciam (Kẻ Chàm), tức Thanh Chiêm, cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chừng 7 km về phía Tây, với quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ đặt bản doanh cai trị suốt từ Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép các Giê-su hữu làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của một bà rất quí phái. Bà này về sau được chịu phép rửa, thánh hiệu Gio-an-na. Chính trong nhà riêng, bà cũng lập ‘nhiều bàn thờ’ và hằng cầu khẩn với ‘một Đức Chúa Trời đất’ (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 20-21).

Theo Niên Giám 2016, GHCGVN hiện có : 6.756.303 giáo dân, 3..907 lm triều, 1.290 lm dòng, 915 chủng sinh,  1.703 nam tu sĩ,  14.338 nữ tu sĩ, 66.624 giáo lý viên (trang 485)

Từ 2 lm, 1 tu sĩ, 10 giáo dân năm 1615 đến năm 2016, hạt giống Tin Mừng triển nở nhiều như vậy, mừng lắm.

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng nói đến sự lạc quan, vui mừng của đạo thánh Chúa, của đời người : có khổ có sướng, có buồn có vui, có khóc có cười…

Bài đọc 1 (Ed 17, 22-24): Sách KT năm 2011 của nhóm CGKPV viết : ‘Kết thúc lời sấm đau thương, ngôn sứ mở ra chân trời hy vọng. Hình phạt không là dấu chấm hết. Lời TC hứa Đấng Cứu độ thuộc dòng dõi Đa-vít vẫn còn. Thiên Chúa sẽ lại mở ra một thời đại mới, thời đại của Đấng Cứu thế. Người lại hạ thấp những kẻ ngạo mạn , và nâng dậy những người nhục nhã. Giê-ru-sa-lem phục hồi  lại được vị trí thu hút dân ngoại đến với Thiên Chúa (x. Mt 13,31-32)

Bài Tin Mừng (Mc 4,26-34): Sách Tân Ước năm 2008 của nhóm CGKPV viết : ‘Dụ ngôn này chỉ có trong Mc. Cần liên kết dụ ngôn này với dụ ngôn gieo giống (4,3-8), vì hai dụ ngôn nói về những giai đoạn kế tiếp nhau : gieo hạt giống, hạt giống nẩy mầm, cây lúa mọc lên, mùa gặt. Trong Nước Thiên Chúa, hạt giống chỉ Tin Mừng. Hạt giống đã gieo xuống đất, Tin Mừng đã được rao giảng. Thiên Chúa âm thầm hoạt động, ban cho Nước TC một sức mạnh thầm kín giúp Nước của Người phát triển cho đến giai đoạn hoàn thành. Trong giai đoạn này, điều cần thiết là phải kiên nhẫn chờ đợi, phải tin tưởng vào quyền năng TC đang âm thầm hoạt động trong lịch sử nhân loại (trang  206).

Bài đọc 2 (2Cr 5,6-10) : Sách Tin Mừng 2008 viết : ‘Người Ki-tô hữu còn sống dưới thế thì sống trong Chúa, chết rồi thì ở bên Chúa (5,8). Con người từ tình trạng hiệp thông với Chúa, được chuyển sang tình trạng được hiện diện bên Người nhờ việc lìa xa thân xác (5,8b) (trang 681).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông

xin nghe lời chúng con cầu khẩn

loài người chúng con thân phận yếu hèn

không thể làm được chi

nếu Chúa không nâng đỡ

xin Chúa hằng tuôn đổ hông ân

giúp chúng con tuân lệnh Chúa truyền

 mà chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích.

Chúng con cầu xin.

SUY NIỆM II

HÃY CỨ GIEO TIN MỪNG GIÊ-SU

(Hội An 16/6/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Thế là đã hơn 2.000 năm kể từ khi Chúa Giê-su, các môn đệ và các tín hữu tiên khởi loan báo Tin Mừng. Nhưng cho đến nay, ảnh hưởng của Tin Mừng Đức Ki-tô dường như ngày càng lép vế so với các ảnh hưởng trong nhiều lãnh vực xã hội. Ví dụ, nước uống Coca-Cola xuất hiện vào năm 1886, đến nay được 138 năm đã được hơn 90% dân số thế giới biết đến. Ví dụ khác, Internet bắt đầu phổ biến vào năm 1969 (Việt Nam vào năm 1997), tính đến 2023, tỷ lệ người dùng trên thế giới là 64,6% và tại Việt Nam là 73,2%. Trong lúc suốt hơn 2.000 năm, tỷ lệ Ki-tô giáo trên thế giới chỉ đạt 17,67% (năm 2023). Riêng tại Việt Nam đã ngót gần 420 năm Tin Mừng được loan báo, nhưng chỉ mới 7,21% người Công giáo trên tổng dân số Việt Nam. Có mấy ai trong chúng ta quan tâm đến tình trạng ngưng trệ đó không? Nguyên nhân nào gây ra sự ngưng trệ đó?

  1. Sống lại tinh thần người gieo Tin Mừng

            Trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rõ nguyên nhân như sau: hoạt động truyền giáo như thể đang xìu xuống, cũng vì người tin vào Chúa Ki-tô không lưu tâm tới loan báo Tin Mừng và việc không lưu tâm tới truyền giáo là dấu hiệu “khủng hoảng đức tin” (x. Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, số 2). Điều đó có nghĩa các môn đệ Chúa hôm nay suy yếu đức tin nên không ra sức gieo hạt giống Tin Mừng Giê-su. Người ta không biết đến Chúa Giê-su do bởi người biết Chúa Giê-su không giới thiệu cho họ. Một lý do khác đó là, chúng ta dễ nản lòng khi công việc truyền giáo của chúng ta không có kết quả ngay lập tức, như “ship” hàng thì phải có hàng ngay, không thể chờ đợi lâu, dạy dỗ con cái thì con cái phải nghe ngay, giảng dạy lời Chúa thì phải có kết quả ngay, không thể chậm trễ! Không được như thế thì chán nản, bỏ cuộc. Vì những lý do đó, hạt giống Tin Mừng Giê-su ít được Ki-tô hữu gieo vào xã hội hôm nay. Vậy, làm sao vực lại tinh thần của các nhà truyền giáo hôm nay?

            Lời Chúa hôm nay cho chúng ta giải pháp: “Một người gieo hạt xuống đất, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm mọc lên” (Mc 4,26-27). Việc của tín hữu là cứ gieo hạt giống lời Chúa theo gương Chúa Giê-su, cứ loan báo Chúa Giê-su cho mọi người. Ơn gọi của Ki-tô hữu như ơn gọi của Chúa Giê-su, là gieo hạt giống lời Chúa.

            Thiên Chúa là Đấng ban hạt giống lời Chúa cho nhân loại. Chúa Giê-su được Chúa Cha sai xuống thế làm người đi gieo hạt giống lời Chúa, đồng thời chính Ngài là hạt giống Tin Mừng Giê-su mà Thiên Chúa muốn ban cho nhân loại. Suốt cuộc đời Chúa làm người gieo giống Tin Mừng cách hào phóng, nơi đá sỏi, nơi vệ đường, trong bụi gai, những nơi theo lẽ thường không mấy hy vọng lời Chúa sinh hoa trái. Giáo Hội và mỗi Ki-tô hữu cũng được mời gọi tiếp tục làm người hào phóng gieo hạt giống Tin Mừng như Chúa Giê-su. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.”

  1. Cứ miệt mài gieo Tin Mừng Giê-su

            Mọi người đã lãnh bí tích Rửa Tội được mời gọi nhớ lại bổn phận gieo hạt giống Tin Mừng trong bối cảnh mình sống: trong gia đình, trong nơi làm việc và xóm làng, giữa giáo xứ hay trong nhóm bạn của mình. Chúng ta thường than phiền thiếu vắng hạnh phúc trong gia đình, bất an trong xã hội, tình huynh đệ sứt mẻ nhiều v.v, mà quên rằng thế giới chúng ta sống đều gồm những gì chúng ta tạo ra. Gieo hận thù, thì gặt lấy hận thù, gieo lời Chúa thì gặt được bình an, gieo Tin Mừng thì người nghe sẽ biết Chúa và tin vào Chúa. Nếu mỗi chúng ta không mệt mỏi gieo Tin Mừng Giê-su mỗi ngày và mọi nơi, thì tình trạng truyền giáo không còn đáng buồn như nhận định của Đức Gioan Phaolô II.

Nhưng bi kịch trong thời đại chúng ta là những Ki-tô hữu tin vào Chúa Giê-su thì lại thiếu niềm xác tín và lửa truyền giáo, trong khi những người cuồng si thế gian thì lại quá hăng say cuồng nhiệt cổ xúy. Đức cha Fulton Sheen nhận định như thế đó! Nếu trong mỗi tín hữu có chút lửa Thánh Thần làm bừng cháy tâm hồn truyền giáo, thì mọi gia đình và mọi người đã được nghe và đón nhận Tin Mừng Giê-su rồi. Vì vậy, lời Chúa hôm nay bảo chúng ta, cứ miệt mài như Chúa Giê-su gieo hạt giống Tin Mừng và Chúa chỉ mong chờ như thế. Cứ nói lời Chúa trong gia đình, cứ truyền đạt đức tin trong gia đình, cứ chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin cho bạn bè, cứ khích lệ nhau sống lời Chúa, rồi “ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm mọc lên.”

Lời Chúa hay những lời chia sẻ đức tin và việc giới thiệu Chúa Giê-su được xem là hạt giống Chúa muốn chúng ta gieo vào tâm hồn con người thời đại. Người gieo “ngủ hay thức, đêm hay ngày”, hạt giống sẽ đâm mầm và mọc lên, người gieo giống không biết điều gì khiến hạt giống nẩy mầm và mọc lên. Cũng vậy, chúng ta không biết sự can dự của Chúa Thánh Thần làm cho Tin Mừng Giê-su nẩy nở và phát triển thế nào trong tâm hồn người nghe và đón nhận. Tự Lời Chúa có sức mạnh của Thánh Thần, sức mạnh từng biến đổi 11 tông đồ nhát đảm thành những người nhiệt thành loan Tin Mừng; sức mạnh từng biến đổi những người tội lỗi như Gia-kêu, Matthêu, Augustinô thành những người gây cảm hứng cho nhiều người tội lỗi trở lại; sức mạnh từng làm cho Giêrêmia và những người bủn rủn muốn khước từ bổn phận loan báo Tin Mừng được cảm nhận sức mạnh thần linh của Chúa và thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ,” rồi đảm trách lại bổn phận người gieo lời Chúa.

Xin Chúa cho chúng con nhớ lời Chúa hôm nay, để ai nấy không mệt mỏi gieo Tin Mừng Giê-su và có được kinh nghiệm đức tin như các vị trung thành gieo lời Chúa, để chu toàn bổn phận thừa sai của chúng con trong môi trường chúng con sống.

 

SUY NIỆM III

Hãy làm cho mầm sống Nước Trời và Hạt giống Tin Mừng ở trong tôi lớn mạnh và triển nở

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Chúa Giêsu hay rao giảng về Nước Trời và Nước Thiên Chúa. Vậy, Nước Trời, Nước Thiên Chúa là gì? Nước Trời hay Nước Thiên Chúa có giống nhau không? Thưa Nước Trời và Thiên Chúa là một. Nước Trời, quả thật là một hình ảnh thật khó có thể diễn tả hết bằng lời và cũng không thể so sánh một cách đầy đủ bằng một hình ảnh nào, chính vì thế Đức Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau để mạc khải về Nước Trời: Nước Trời giống như vườn nho mà Thiên Chúa là người chủ vườn, như chuồng chiên mà Thiên Chúa là mục tử, như mẻ lưới được quăng xuống biển và bắt được nhiều cá, hôm nay Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt cải để trình bày về Nước Trời.

Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Ezekien nói đến cây Hương bá rằng: Ngày ấy, từ ngọn cây hương bá cao chót vót, Đức Chúa sẽ ngắt một chồi non, chính Ta sẽ trồng chúng trên đỉnh núi cao vời vợi… nó sẽ trổ cành kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Vâng, hình ảnh vườn cây của Thiên Chúa mà Ngôn sứ Ezekien nói tới, đã được Đức Giêsu sử dụng để nói về Nước Trời. Chính Đức Giêsu là Đấng sẽ gầy dựng nên một dòng giống mới, một khu vườn mới, vườn của Nước Trời. Trong vườn này, được trồng toàn những cây giống đã được tuyển chọn, và tưới gội bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Ngài, và chính Thiên Chúa sẽ bảo vệ và làm cho vườn cây mới này được nên xanh tươi và sinh nhiều hoa quả tốt lành. Chính vì thế, qua dụ ngôn hạt cải, hạt cải tuy nhỏ bé, vậy mà khi nảy mầm đâm nhánh, nó lại trở thành một cây to lớn đến độ chim trời có thể đến nương náu dưới cành. Chúa Giêsu muốn nói đến sức mạnh nội tại, sức mạnh lan tỏa của Nước Trời, những ai đón nhận Nước Trời và lời rao giảng, giới răn, giáo huấn và bước đi theo Ngài, người ấy sẽ có sức mạnh từ bên trong tâm hồn và sẽ lớn mạnh trong đời sống đức tin, cây đức tin sẽ trổ sinh hoa trái thiêng liêng thánh thiện trong cuộc đời và có ích cho mọi người.

 Nhưng sâu xa hơn, qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn chất vấn về mầm sống Nước Trời và hạt giống Tin Mừng trong mảnh đất tâm hồn của chúng ta hôm nay như thế nào rồi, vì chúng ta là những Kitô hữu, tức là những người có Chúa Kitô, thuộc về Chúa Kitô, nên Nước Trời ở trong tâm hồn là chính sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa và Hạt giống Tin Mừng chính là Lời Hằng Sống của Chúa có trong con người và tâm hồn ngay khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội. Vâng, mầm sống Nước Trời và Hạt giống Tin Mừng đã được gieo trong tâm hồn ngày chúng ta lãnh Bí tích Rửa tội, và chúng ta được chăm bón và vun tưới bằng Lời Chúa, lãnh nhận các Bí Tích nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội, vấn đề là mầm sống Nước Trời ở trong tâm hồn ta hôm nay đang ở tình trạng nào? Hạt giống đức tin, hạt giống Tin Mừng ở trong cuộc sống chúng ta có thực sự tươi tốt như cây cải xum xê hay là chỉ cây cỏ dại đang sống một cách èo uột không sinh hoa kết trái thiêng liêng?

Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài chính là Nước Trời, có Đức Giêsu là có cả Nước Trời, vì chưng Chúa Giêsu đã có lần nói với những người Do Thái: “Nếu các ông tin và đón nhận Tôi, thì Nước Trời đang hiện diện trong lòng các ông”. Vậy, giữ Lời Đức Giêsu và đem ra thực hành, chúng ta đang làm cho sự sống Nước Trời và Tin Mừng sinh hoa thơm trái ngọt cho Chúa và cho đời. Như vậy để chứng tỏ chúng ta là công dân Nước Trời, chúng ta phải có Chúa và Lời của Ngài trong tâm hồn, cuộc đời và hành động của mình. Nhưng, thực tế trong cuộc sống, chúng ta chỉ có Chúa khi đến nhà thờ, chỉ có Chúa trong tâm và trên môi miệng, mà không hề có Chúa trong cuộc sống và trong các hành động của mình, chính vì vậy mà hành động của chúng ta toàn là sự gian ác bất công, gian dối, tội lỗi… chính vì thế nên cuộc sống của chúng ta đôi lúc không khác gì cuộc sống của dân ngoại, thậm chí còn tệ hơn cả những người dân ngoại. Chẳng hạn như ông Giuđa ítcariốt hay Mađalêna tội lỗi… Cho nên, Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô khẳng định rằng: “Ai ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa”.

Vậy, chỉ khi có Nước Trời đồng thời sống Lời Chúa bằng hành động, việc làm cụ thể, cây đức tin của chúng ta mới có thể sinh được hoa trái của Nước Trời: sự bình an, niềm vui, lòng quảng đại, nhân ái yêu thương, là khoan dung, nhân từ độ lượng… Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết trở nên Nước Trời ngay trong xã hội hôm nay, làm cho Mầm sống Nước Trời và hạt giống Tin Mừng nảy nở sự sống, trổ cành đâm nhánh trong thế giới và trở thành nơi nương náu an toàn cho mọi người, từ trong gia đình ra xã hội: vậy, các bậc cha mẹ hãy làm cho gia đình của mình được che phủ bởi bóng mát của Nước Trời, hãy để cho những hoa trái là lòng nhân ái sự khoan dung tha thứ, sự thông cảm lắng nghe được nảy nở trong gia đình, hãy đem đến cho gia đình mình sự bình an thay cãi vã, sư tha thứ thay cho giận hờn, tiếng nói tiếng cười thay cho những lời chửi bới. Hãy làm cho gia đình mình thực sự trở thành nơi nương náu an tòan cho con cái, để mọi thành viên cảm nhận được gia đình chính là nơi nghỉ ngơi an toàn, là nơi mà mỗi người đều được đón nhận thông cảm và tôn trọng.

Còn các bạn trẻ thân mến, nhiều bạn trẻ ngày nay hầu như chỉ còn dành sự quan tâm đến thế giới ảo,  công ăn việc làm, danh vọng, mê độ bóng đá, mê game mà bỏ bê việc phụng thờ Chúa và giữ giới răn của Người. Xin Chúa ban cho các bạn ơn khôn ngoàn để biết làm cho Nước Trời và hạt giống Tin Mừng lớn lên trong cuộc đời các bạn bằng cách sống công chính, thánh thiện, công bằng và tiết độ hầu xứng đáng là con cái Thiên Chúa và công dân Nước Trời. Amen.

SUY NIỆM IV 

HẠT GIỐNG NHỎ

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật

Cộng đoàn Kitô hữu tại Rôma – Tin Mừng được gửi cho cộng đoàn này – chắc chắn đã hân hoan đón nhận Tin Mừng  Thế nhưng, theo dòng thời gian, sau những cuộc trở lại nối tiếp nhau, dần dần họ cảm thấy nghi ngại, họ cảm thấy một áp lực nào đó đang đè trên họ  Họ cảm thấy mình chỉ là một nhóm người nhỏ bé trong cả Đế quốc mênh mông, mặc dù họ sống tại thủ đô  Mà nếu nói đến cả thế giới, họ càng cảm thấy rõ ràng mình chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ  Từ cái nhìn này về thực tại, họ nêu lên câu hỏi: làm thế nào giữ vững được lòng tin vào tương lai do Thiên Chúa an bài?

Để trả lời cho họ, thánh Máccô thuật lại dụ ngôn hạt giống  Tác giả không giải thích theo kiểu của thánh Mátthêu sẽ làm sau này là thiên về ý nghĩa luân lý  Trái lại, Tin Mừng thứ hai nhấn mạnh đến chiều hướng kêu mời lòng tin, thúc đẩy xác tín và trông cậy

Chắc chắn rằng, khi kêu gọi các môn đệ và giao cho các ông tiếp tục sứ mệnh của Người, Đức Giêsu đã thấy rõ sự không đồng đều giữa công trình của Người và trách nhiệm to tát phải hoàn thành  Chúa Cha đã trao cho Người sứ mệnh cứu độ cả trần gian, và sứ mệnh ấy được giao lại cho một nhóm người quê mùa chất phác, tựa như một hạt giống nhỏ được gieo vào trong một mảnh đất quá lớn  Thế nhưng qua dụ ngôn, Đức Giêsu khẳng định, một phần hạt giống chứa đựng cả một sức mạnh phi thường không ai ngờ tới, phần khác con người phải kiên nhẫn, tức là phải chấp nhận thời gian  Quyền năng của Thiên Chúa thật lớn lao, hay nói cách khác là vô giới hạn  Điều này đã được chứng minh trong công trình sáng tạo: vũ trụ đã được dựng nên từ hư vô, chỉ nhờ quyền năng Thiên Chúa mà vũ trụ và con người được tạo thành

Kèm theo đó, quyền năng của Thiên Chúa tràn ngập tình yêu thương  Chính do lòng yêu thương mà Người đã tạo thành thế giới, đã gieo hạt giống vào lòng đất  Tình yêu thương ấy sẽ không để cho công trình đã được khởi đầu bị tan rã, không để cho hạt giống bị vùi dập mãi trong lòng đất  Những điều này được khẳng định mỗi lúc một rõ hơn, một mạnh mẽ hơn khi nhân loại tiến sâu thêm vào sự năng động của Thiên Chúa

Qua dòng lịch sử, người Kitô hữu đã nhận thấy khẳng định của Đức Giêsu hoàn toàn đúng đắn: hạt giống xưa kia được gieo tại Paléttin, nay đã nảy mầm và đang phát triển, dù có những trở ngại  Đó là bảo đảm về một tương lai vẫn luôn mở ra

Chăm sóc hạt giống

Thiên Chúa ở đâu trong thế giới loài người? Người ngoại giáo thường nêu lên với chúng ta câu hỏi ấy, và chúng ta cũng có lúc đặt ra cho chính mình

Để trả lời câu hỏi này, một số Kitô hữu cố gắng giải thích bằng cách ca tụng những thành quả của Giáo Hội thực hiện

Mùa Thường niên 203

trong quá khứ, điều mà ai ai cũng thấy  Họ trình bày về Vương Quốc Thiên Chúa theo những kết quả  Còn Tin Mừng lại nói về Vương Quốc Thiên Chúa theo một cách khác: hạt giống nhỏ bé khó nhìn thấy nhưng luôn phát triển thêm

Nói như thế không có nghĩa là chối bỏ giá trị dấu chỉ của những thành tựu Kitô giáo đã thực hiện trong lịch sử: những thành tựu này chứng tỏ hạt giống đã tạo ra những hiệu quả tích cực trong thế giới  Tuy nhiên, hạt giống có thể bị chết mà không phát sinh gì cả, có chăng nó chỉ có ý nghĩa là gợi lên hình ảnh về quá khứ

Hiện nay, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy Giáo Hội vẫn chưa làm thay đổi toàn thế giới  Cây cổ thụ mà Đức Giêsu loan báo chưa bao trùm hết mọi miền  Tuy vậy, các dụ ngôn của Đức Giêsu không có mục đích trách cứ con người vì những khiếm khuyết của họ, xét như họ là những chứng nhân hiện tại về sự hiện diện của Thiên Chúa  Dụ ngôn của Đức Giêsu chỉ nhằm khơi lên niềm tin tưởng về tương lai  Cần phải biết đợi chờ, đừng nôn nóng

Giáo Hội không bao giờ được phép quên điều này: xét bề ngoài có vẻ như Thiên Chúa chẳng hoạt động gì, nhưng thật ra Thiên Chúa không hề lơ là với công trình Người đã khởi đầu  Nói đúng hơn, Thiên Chúa vẫn hoạt động và đưa mọi sự đến mục đích Người muốn chứ không nhằm phô trương bên ngoài  Vương Quốc của Người sẽ phát triển cách kỳ diệu, chẳng cân xứng gì với sự nhỏ bé lúc ban đầu  Cái chết của Đức Giêsu, hạt lúa đầu tiên được gieo vào lòng đất, sẽ là bảo đảm cho sự phát triển này

Vì vậy, người Kitô hữu cần phải tin tưởng  Họ phải đứng vững và nhận ra những thay đổi có tác động đến sự hiện diện của Đức Kitô  Để làm được điều này trong khi đang “phải tản mác khắp nơi” (K Rahner), Giáo Hội luôn phải trở về với nguồn mạch của mình là Tin Mừng  Xưa kia, các Kitô hữu thời sơ khai đã anh dũng làm chứng thái độ trung thành của mình giữa một xã hội thù nghịch, không phải bằng những cơ cấu chặt chẽ hay các phương tiện hùng hậu, nhưng là bằng thái độ sám hối và làm chứng  Chính thái độ này và chỉ thái độ này, mới có thể chinh phục tâm hồn con người về cho Đức Kitô  Để một hạt giống có thể nảy mầm và phát triển, cần phải có thời gian cũng như cần có các điều kiện và sự chăm sóc thích hợp

Cây vẫn âm thầm mọc lên

Dấu chỉ về một Thiên Chúa luôn hành động: điều này có nghĩa là công trình chưa hoàn tất và cũng không thể hoàn tất do hoạt động của chúng ta  Thiên Chúa vẫn hoạt động giữa một nhân loại tội lỗi và biến đổi nhân loại ấy  Đó là sự nảy mầm bất ngờ, và chúng ta có thể cộng tác bằng cách tiếp tục loan báo Tin

Mừng

Đàng khác, có những lúc chúng ta nghi ngờ về tương lai của Giáo Hội  Có những lúc trong đời ta dường như tất cả đều sụp đổ  Những lúc như thế, chúng ta đừng quên rằng vẫn có những chuyển dịch bí mật, vẫn có những thay đổi âm thầm, trong đó nhịp điệu của ân sủng gặp gỡ nhịp điệu của tự nhiên  Lúc ấy, một cái chết – về bất cứ phương diện nào – chỉ là mặt trái, và thật ra, chỉ là khúc dạo đầu cho một cuộc sống mới, cho một cuộc phục sinh

Mùa Thường niên  205

Khi gieo hạt giống vào lòng đất, người nông dân trao cho nó nhịp điệu của cuộc sống, cho nắng, cho mưa, v v… Xác tín của người nông dân không phải là thứ xác tín toán học, nhưng là loại tin tưởng dựa trên kinh nghiệm  Anh hiểu rằng hạt giống phải chịu thối rữa, và chính từ sự phân hủy này, mầm sống được vươn lên  Bởi vì, ngay trong hạt giống đã hàm chứa một sức sống, và hạt giống loại cây nào sẽ nảy sinh mầm sống của cây ấy chứ không phải loại cây khác  Hình ảnh trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Đức Giêsu và hạt giống Tin Mừng

Hãy nhắm mắt lại, đừng để ý đến những gì đang xảy ra trước mắt, để nhận ra thực tại bí nhiệm của Thiên Chúa đang lớn lên trong thinh lặng mà ta không thấy  Hãy biết kiên nhẫn đợi chờ và làm việc của mình  Đến thời của nó, cây sẽ sinh trái

* * * * *

Vương Quyền Thiên Chúa được đề nghị và được đón nhận thật kín đáo giữa lòng cuộc sống nhân loại: trong ý thức, trong ánh mắt của mỗi người, trong cách xử sự với người khác và trong cả những cung cách đối xử của tập thể, trong việc cùng nhau tìm kiếm, trong nhân loại rộng lớn, tóm lại trong cuộc sống.

Các công dân của Nước Trời là những con người biết ngạc nhiên: đối với họ, tất cả mọi sự đều có thể nói về Thiên Chúa bằng ngôn ngữ hiện diện hay vắng mặt. Đó là những con người đang tạo nên ánh sáng và tình thương, những con người sống. Đức Giêsu đã nói với họ rằng

Thiên Chúa tha thứ và chữa lành, Người không ngừng khơi nguồn cho những cuộc sinh ra mới, không ngừng kêu gọi con người đi tới…

 (Gérard Bessière, Thiên Chúa mãi trẻ trung, tr. 31)