Lễ Thánh Phêrô Và Thánh Phaolô Tông Đồ


DUY NHẤT TRONG NHỮNG KHÁC BIỆT

Lễ thánh Phêrô và Phaolô

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Giá như Giáo Hội tách ngày lễ trọng kính hai thánh Phê-rô và Phaolo riêng ra thì hay biết mấy, mỗi vị được cử hành long trọng một ngày, rõ ràng. Nhưng chắc chắn Giáo Hội có lý do khi mừng hai vị thánh trụ cột của Giáo Hội vào một ngày, mặc dù có sự khác biệt lớn giữa hai ngài.

  1. Khác biệt giữa thánh Phê-rô và Phaolô

            Giữa thánh Phê-rô và thánh Phaolo có những khác biệt rất lớn về văn hoá và về hành trình đức tin. Thánh Phê-rô là người chài lưới, ít học; trong khi thánh Phaolo là người trí thức, môn sinh của vị danh sư Do Thái thời bấy giờ, Gamaliel. Thánh Phê-rô là người môn đệ đi theo Chúa từ những ngày đầu; trong lúc thánh Phaolo mãi sau này mới đi theo Chúa. Thánh Phê-rô rất gần gũi với Chúa, cùng theo Chúa trên các nẻo đường truyền giáo, cùng chịu nhiều gian nan với Chúa; trong lúc thánh Phaolo có thời đi bắt đạo, giết chết các tín hữu Chúa. Thánh Phê-rô nhắm loan báo Tin Mừng cho dân Do Thái; còn thánh Phaolo là “tông đồ dân ngoại.” Thánh Phê-rô là tông đồ của Chúa; thánh Phaolo không nằm trong số Mười Hai tông đồ v.v. Thông thường, những khác biệt giữa con người trong xã hội rất dễ sinh ra mẫu thuẫn và xung đột. Chiến tranh cũng từ những mẫu thuẫn, bất hoà phát sinh xung đột. Thế mà Giáo Hội lại mừng lễ trọng kính hai con người đầy khác biệt đó vào một ngày. Tại sao vậy? Thưa, vì các ngài hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin vào Chúa Ki-tô, các ngài cộng tác với nhau phục vụ cùng thi hành một sứ mạng, đó là truyền giáo.

  1. Cùng một phép Rửa, cùng một đức tin, cùng một sứ mạng

            Thánh Phê-rô và thánh Phaolo hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin. Thánh Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là “Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Thánh Phaolô tuyên xưng “mọi miệng lưỡi đều phải mở ra mà tuyên xưng rằng Chúa Giê-su là Chúa” và hễ ai mở miệng tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa, thì sẽ được cứu độ (Rm 10,9). Đức tin đã liên kết các ngài lại với nhau, bởi trong cùng một Chúa Thánh Thần mà các ngài cùng tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa. Thánh Phaolo xác tín như thế (x. 1Cor 12,3).

            Thánh Phê-rô và thánh Phaolo hiệp nhất với nhau trong cùng một sứ mạng truyền giáo. Một câu nói nổi tiếng của văn hào Antoine de Saint Éxupery được nhiều người biết đến: “Yêu nhau không phải nhìn nhau, nhưng cùng nhìn về một hướng.” Các ngài không phải nhìn vào những khác biệt của nhau để sinh ra xung đột, nhưng cùng nhìn về bổn phận truyền giáo để nhận biết rằng đó là bổn phận của cả hai: “Chúng ta là Giáo Hội”, sứ mạng của “chúng ta” là truyền giáo. Vì thế, không hề có sứ mạng của anh, sứ mạng của tôi, sứ mạng của chị hay của cộng đoàn này, của nhóm kia, mà là sứ mạng của chúng ta. Cho sứ mạng này, khi được Chúa giao cho sứ mạng, thánh Phê-rô đã thưa với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Thánh Phaolo quả quyết: “Tôi rao giảng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh”, và “tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai.” Như vậy, một khi người ta không còn ý thức và trách nhiệm cho một sứ mạng truyền giáo, thì những khác biệt giữa họ là nguyên cớ mâu thuẫn; ngược lại, khi ai nấy ý thức trách nhiệm đối với sứ mạng Chúa giao, thì họ cùng nhìn về một hướng và cùng gánh vác trách nhiệm với nhau. Những người đứng ngoài mới dễ trở thành nguyên nhân phê phán, đố kỵ, ghen tương; những người cùng làm việc với nhau, sự thông cảm làm nảy sinh lòng nhẫn nại, chịu đựng những khác biệt nhau. Nói như thánh Phaolo, họ chịu hết tất cả mọi sự, miễn là Chúa Ki-tô được rao giảng.

Trong ngày lễ thánh Phê-rô và Phao-lô, chúng nhận ra giữa chúng ta có những khác biệt như các thánh Phê-rô và Phaolo. Chúng ta khác nhau về vùng miền: người bắc, người trung, người nam, quê quán khác nhau, lại đến ở trong cùng một giáo xứ. Chúng ta khác biệt nhau về trình độ: người chỉ khiêm tốn học được vài lớp, người thì học sâu rộng, thành công. Người thì có nhiều khả năng, người thì ít khả năng v.v. Những khác biệt đó cũng là cơ hội cho giáo xứ phong phú, sống tình huynh đệ phục vụ cho công cuộc truyền giáo của giáo xứ. Đáng tiếc, những khác biệt giữa chúng ta đôi khi làm ngưng trệ sinh hoạt của giáo xứ và làm tổn thương nhau.

Nay, chúng ta theo gương của hai vị trụ cột của Giáo Hội để cùng nhận ra chúng ta có cùng một Phép Rửa, cùng một đức tin, cùng một sứ mạng truyền giáo để cộng tác với nhau. Chúa cho chúng ta cùng một trong giáo xứ này là để chúng ta cùng bắt tay nhau truyền giáo. Nếu mọi người ý thức được mời gọi cùng chung lan truyền đức tin và truyền giáo, thì giáo xứ này là nơi mọi tín hữu được đầy niềm vui thánh thiện, chứ không là nơi xung đột, mâu thuẫn.

Kinh nghiệm của thánh Phaolo cho biết, những gì chúng ta làm cho anh em mình, là làm cho Chúa Giê-su. Khi đi bắt các tín hữu, thánh Phaolo bị ngã ngựa. Bấy giờ Chúa Giê-su hỏi: “Saolô, sao người bắt bớ ta?” Có lẽ Phaolo ngạc nhiên, Phaolo có bắt bớ Chúa Giê-su đâu mà nói bắt bớ Chúa? Phaolo chỉ bắt các người theo Chúa thôi mà? Chúng ta cũng phải nhận ra điều này, khi cản trở, ghen tỵ, ghen ghét anh em mình, là chúng ta đang ghen tỵ, cản trở Chúa.

Xin Chúa cho chúng con biết cộng tác với nhau truyền giáo, nhờ đó giáo xứ con ngày một tấn tới.