Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm B


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

( Đnl 6, 2-6; Dt 7, 23-28; Mc 12, 28b-34)

Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6

“Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Mô-sê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.

“Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.

“Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab

Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).

Xướng: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh.

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

Xướng: Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.

 

Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28

“Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu”.

Trích thư gởi cho tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Ki-tô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 12, 28b-34

“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giê-su và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giê-su đáp:

“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giê-su bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

Mến Chúa yêu người là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu ghép hai điều răn được ghi ở hai nơi Sách khác nhau trong Cựu Ước làm thành một điều răn duy nhất, một điều răn kép: “Mến Chúa yêu người”. Đây là một điều răn gồm một hành động yêu thương nhưng qui chiếu đến hai đối tượng. Điều răn đầu: “Mến Chúa” trích trong sách Đệ nhị luật bài đọc 1 chúng ta vừa nghe: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (Đnl 6,4-5). Điều răn sau: “yêu người” trích trong sách Lêvi: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA”(Lv 19,18). Tại sao lại Chúa Giêsu ghép hai điều răn ấy thành một điều răn duy nhất?

Bởi vì,hai giới răn này chỉ có một hành động duy nhất là yêu mến hướng đến 2: Thiên Chúa và tha nhân. Và hai đối tượng này không thể tách rời nhau, tương tự như hai mặt của một tờ giấy, không thể lấy mặt này mà bỏ có mặt kia. Nghĩa là không thể yêu Chúa cách đích thực mà không yêu tha nhân, và ngược lại. Nói khác đi, hễ thật sự yêu Thiên Chúa thì tất nhiên sẽ phải yêu người, như thánh Gioan đã từng nói: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Và hễ yêu người thật sự thì cũng chính là đã yêu mến Thiên Chúa. Như vậy, tình yêu đối với tha nhân bao hàm tình yêu đối với Thiên Chúa, và ngược lại vì chưng Đức Giêsu đã xác định rằng: yêu tha nhân là yêu chính Thiên Chúa: “Mỗi lần các ngươi yêu thương giúp đỡ cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40.45). Cho nên, thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6,2).

Cũng trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi, và yêu người thân cận như chính mình”. Cò nghĩa rằng nếu thật sự yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực”, thì cũng phải yêu tha nhân “hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực”. Vâng, yêu “hết lòng, hết trí khôn” thì quả là một điều khá trừu tượng và xem ra có vẻ dễ thực hiện, vì lòng và trí khôn là thứ không thể cân đo đong đếm được, khó kiểm chứng, và dường như có thể dùng hoài, cho hoài không hết. Còn việc yêu “hết sức lực” thì quả thật là khó, vì lực là một cái gì mang tính vật chất, rất cụ thể, và rất hạn chế. Sức lực ở đây nói một cách cụ thể là thì giờ, tiền bạc, của cải, sức khỏe, công lao của chúng ta. Vì nó giới hạn, nên có nhiều lúc ta cho ai đó thì cũng dè dật, không thoải mái được nếu cho nhiều quá hao tổn, bị thiệt thòi. Nhưng cho mà có bị hao tổn, có thiệt thòi thì mới gọi là “yêu hết lòng, hết trí khôn” chứ.

Rất nhiều Kitô cho rằng giữ đạo cốt yếu là đọc kinh, tham dự thánh lễ, chịu các bí tích là những điều quan trọng nhất vì thế họ cố gắng thực hiện những điều ấy một cách toàn hảo. Nhưng thật ra, tất cả những việc ấy chỉ là phương thế để giúp người Kitô hữu thực hiện được giới răn quan trọng nhất là mến Chúa, yêu người bởi vì việc ca tụng của chúng ta chẳng thêm gì cho Chúa và đem lại ơn cứu độ cho mình, cho tha nhân. Vì thế, trong bài Tin Mừng, ông kinh sư nói: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Lời đó đã được Đức Giêsu xác nhận là khôn ngoan, đúng đắn. Cứ theo tinh thần câu nói ấy thì yêu Chúa và thương người hết sức mình quan trọng và quí giá hơn việc tham dự các nghi thức phụng vụ, các bí tích, các kinh nguyện. Chính Đức Giêsu mạc khải cho ta biết điều ấy khi nói về ngày phán xét cuối cùng rằng Thiên Chúa không hề phán xét về việc ta có tham dự các nghi thức phụng vụ hay không, hay tham dự thế nào, mà chỉ xét về việc ta đã làm gì để tỏ ra mình yêu thương tha nhân mà thôi. Đức Giêsu đã coi trọng phong cách đối xử yêu thương với tha nhân, sự hòa thuận với những người chung quanh còn hơn việc dâng lễ vật toàn thiêu cho Thiên Chúa nữa (Mt 5,23-25). Biết bao người chu toàn hết sức tốt đẹp những nghi thức phụng vụ mà lại đối xử với tha nhân chẳng ra làm sao, chẳng có tình có nghĩa gì cả, thì thử hỏi đạo đức kiểu ấy có ích lợi gì cho họ trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét?

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta xác tín và quyết tâm thực hành Lời Chúa trong thư Thánh Gioan dạy trong bài đọc 2: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương”. Vậy, xin Chúa cho chúng con biết: “yêu thương trọn đời, biết yêu thương ngàn đời, yêu thương cả cuộc đời, yêu thương hết mọi người. Cho chúng con mãi ghi sâu tình Chúa, mãi yêu thương mọi người, thân chúng con đã có thiệt thòi, nhưng con vẫn trọn tình yêu người mến Chúa, Chúa ơi. Cho dẫu thân chúng con dẫu bao nhiêu khổ đau, thân chúng con dẫu bao nhiêu muộn phiền, chúng con xin Ngài dủ tình, và Ngài luôn đỡ nâng. Lạy Chúa, chính Ngài là tình yêu, tình yêu chúng con tôn thờ, tình yêu ôi cao vời vượt trên muôn núi đồi. Lạy Chúa, chính Ngài là tình yêu, đời chúng con luôn cậy nhờ, dù gian nguy trong đời tình chúng con vẫn rạng ngời”. Amen. (Bài hát “Cho con biết yêu thương”, Lm Từ Duyên).  

 

SUY NIỆM II

HÃY NGHE ĐÂY

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Các bài đọc hôm nay nhắc nhở chúng ta về một trong những chân lý quan trọng nhất của Thánh Kinh, hay nói đúng hơn, giữa cả hai giới răn  Giới răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa và giới răn thứ hai là yêu mến tha nhân  Cả hai giới răn đều đã được nói đến trong Cựu Ước  Đức Giêsu đã đặt hai giới răn bên cạnh nhau và cho thấy cả hai liên hệ chặt chẽ với nhau  Các Rabbi chưa bao giờ nghĩ đến điều này  Còn đối với các Kitô hữu, đây là nét đặc trưng của đời sống tôn giáo

Cả một dân tộc yêu mến Thiên Chúa

Hẳn có người sẽ đặt câu hỏi: liệu những người thời Cựu Ước có thể thực sự yêu mếnThiên Chúa? Để trả lời, ta có thể đọc lại thánh vịnh 17 trong phần đáp ca của ngày hôm nay  Một tác giả thánh vịnh, tức là một người Israel nêu lên:

Con yêu mến Ngài,

Lạy Chúa là sức mạnh của con.

Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy là Đấng giải thoát con. Lạy Thiên Chúa con thờ,  là núi đá cho con trú ẩn,

là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng  là thành trì  bảo vệ.

Ta còn có thể đọc được những lời tương tự trong toàn bộ Thánh vịnh, chẳng hạn như: Như nai rừng mong mỏi  tìm về suối nước trong  hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.  Linh hồn con khao khát Chúa Trời  là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến  vào bệ kiến tôn nhan? (Tv 41)

Những người nam nữ của dân tộc Do thái có yêu mến Thiên Chúa? Ta có thể nói mà không nghi ngờ là Đức Trinh Nữ Maria, các Tông đồ đã sống những lời này của kinh nguyện Do thái  “Nghe đây, hỡi Israel! Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em”.

Ngoài những vị này, toàn dân cũng đều đọc đi đọc lại những lời của sách Đệ nhị luật  Chắc chắn rằng vẫn có những người đọc những lời này mà không có đời sống phù hợp  Dẫu vậy, đây vẫn là những tâm tình ăn sâu vào cuộc sống người Do thái, cả cá nhân lẫn tập thể

Giới răn thứ nhất

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một kinh sư hỏi Đức Giêsu: Thưa Thầy, trong mười điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu? Đức Giêsu trả lời bằng cách nêu lên lời kinh Do thái: “Nghe đây, hỡi Itraen, ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”.

Như thế, khi nhắc lại lời kinh nguyện hằng ngày, Đức Giêsu cho thấy trọng tâm của mặc khải  và của toàn bộ đời sống tín hữu là “yêu mến Đức Chúa”  Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giêsu không dừng lại ở đó  Ông kinh sư hỏi Đức Giêsu điều răn trọng nhất; sau khi trả lời, Người thêm: “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”

Thánh Gioan Tông đồ làm vọng lại câu trả lời của Đức Giêsu khi viết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến

Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. (1Ga 4,20)

Lòng yêu mến tha nhân như “đá thử vàng” về lòng yêu mến Thiên Chúa: làm sao người ta có thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến những người do Thiên Chúa dựng nên

Đằng sau mớ lệnh truyền

Ông kinh sư dường như không lấy làm ngạc nhiên khi nghe câu trả lời của Đức Giêsu  Ông lập lại cách gần giống lời của Đức Giêsu: “Thưa thầy. Thiên Chúa là Đấng duy nhất. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu mến người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”.

Câu trả lời gây ngạc nhiên  Con người ngày xưa sống trong một thế giới tôn giáo coi việc sát tế các con vật như một điều quan trọng, và các kinh sư (đồng nghiệp với ông) vẫn cắt nghĩa các khoản luật cách chi ly  Như người ta biết, có 613 khoản luật, trong đó có 365 khoản xác định điều không được làm và 248 điều được làm  Cả một mớ lệnh truyền  Các ngôn sứ đã từng đề cập đến sự lạm dụng này và thường nhắc nhở rằng điều tiên quyết là yêu mến  Và ở đây, theo lời Đức Giêsu, ông kinh sư cách nào đó, đã quên hết những điều vô phép và rườm rà để nhìn nhận điều cốt yếu duy nhất: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa  Ngươi phải yêu mến người thân cận

Đức Giêsu nói với ông kinh sư: “Ông không còn xa nước Thiên Chúa đâu” quả là  lời tuyệt diệu  Lời ấy công bố: người này biết rằng tình yêu là con đường của Vương quốc  Tuy vậy, lời ấy cũng đáng sợ vì hiểu biết thôi thì chưa đủ  Người ta không thể vào Vương quốc với sự hiểu biết, cũng không phải do ý muốn  Người ta chỉ có thể vào Vương quốc bằng tình yêu  Biết rằng tình yêu là con đường đã là điều tốt, nhưng còn phải bước đi trên con đường ấy

Lạy Chúa, xin mở rộng tim con khi con bị đóng kín, xin làm nó mềm đi khi nó ra chai cứng, xin sưởi ấm khi nó bị giá lạnh, xin ban an bình khi nó bị xao động,  xin tẩy sạch khi nó bị nhuốc nhơ,  xin chữa lành khi nó bị thương tích,  và xin hàn gắn khi nó bị vỡ tan.

Và nhờ thế, chúng con là những môn đệ của Chúa có thể đem lại nhiều hoa trái tình yêu. Amen.

 

SUY NIỆM III

ĐƯỢC SINH RA TỪ TÌNH YÊU VÀ ĐƯỢC MỜI GỌI YÊU THƯƠNG

(Hội An 3/11/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12,29-31). Như vậy, yêu thương không chỉ là chủ đề của Tin Mừng hôm nay, mà còn là trọng tâm của đời sống Ki-tô hữu. Tuy nhiên, thay vì để con tim sống tự phát, yêu thương trở thành một điều răn, một mệnh lệnh, một gượng ép sao? Phải, chúng ta không thể bị ép buộc yêu, nhưng vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nên chúng ta yêu mến Ngài trên hết mọi sự và được mời gọi yêu thương mọi người.

  1. Chúng ta được sinh ra từ tình yêu

Nói đến tình yêu, chúng ta thường nghĩ đến lãng mạn, hẹn hò, hôn nhân v.v, nhưng tình yêu mà nhờ đó chúng ta được hiện hữu và thúc đẩy sống theo thì lớn hơn, mạnh mẽ hơn bất cứ tình yêu nào, tình yêu đó là Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu.”

Chúng ta được sinh ra từ tình yêu Thiên Chúa. Từ trước muôn đời, chúng ta được ẩn giấu trong lòng bàn tay của Thiên Chúa. Vì thế, trước khi bất cứ con người nào chạm đến chúng ta, thì Thiên Chúa đã chạm đến chúng ta trước khi ta còn trong lòng mẹ. Ngài yêu thương chúng ta trước bất kỳ con người nào, bằng một tình yêu đầu tiên, một tình yêu vô điều kiện. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là một tình yêu vĩnh cửu, nghĩa là tình yêu Thiên Chúa hiện diện trước khi chúng ta được sinh ra và sẽ tồn tại sau khi chúng ta chết. Không có người cha mẹ nào có thể yêu thương con cái cách hoàn hảo, không có người chồng người vợ nào yêu thương nhau bằng tình yêu không bờ bến, không có tình người nào mà không rạn nứt, chỉ tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu, một tình yêu không bao giờ đứt đoạn. Thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gioan 3,16). Chúng ta được sinh ra từ tình yêu vĩnh cửu ấy và cuộc đời chúng ta được phủ tràn tình yêu đó của Thiên Chúa.

  1. Được mời gọi yêu thương

Theo thánh Gioan, “chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19). Chân phước Henry Newman giải thích: “Chúa muốn chúng ta là con yêu dấu của Ngài và bảo chúng ta hãy trở nên yêu thương như Ngài.” Yêu thương ai? Ai là đối tượng tình yêu của tôi? Hôm nay, lời Chúa nói rõ: trước tiên phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực; thứ đến, yêu người thân cận như chính mình.

Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.  Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là tình yêu xuất phát từ đức tin của chúng ta. Tình yêu này đòi hỏi chúng ta đặt Thiên Chúa làm người là Chúa Giê-su làm trung tâm, là nguồn tình yêu và mục đích tối thượng của đời sống. Chúng ta thể hiện tình yêu với nhiều người như gia đình, bạn bè, sự nghiệp v.v, tuy nhiên, chúng ta không thể yêu họ như nhau, mà chỉ yêu một người trong họ trên hết. Chúa muốn người môn đệ phải yêu Chúa ở vị trí trên hết đó, yêu mến Chúa hơn hết mọi sự. Đây là lý do Chúa nói với các môn đệ rằng ai yêu cha mẹ, con trai, con gái v.v hơn Chúa thì người đó không xứng đáng là môn đệ Chúa, nghĩa là đừng phạm tội chống lại Chúa để làm hài lòng cha mẹ hay bất cứ ai, hay để được bất cứ thứ tiền bạc, của cải, chức tước nào. Yêu mến Chúa trên hết mọi sự là lấy Chúa làm gia nghiệp và giữ lòng biết ơn Chúa. Là người Ki-tô hữu, chúng ta không thấy khó khăn trong việc yêu mến Chúa, nhưng yêu mến Chúa trên hết mọi sự lại khiến nhiều người chùn bước, bởi tình yêu ấy đòi hỏi chúng ta luôn làm hài lòng Chúa, bằng cách năng tham dự thánh lễ, siêng năng cầu nguyện và phục vụ Giáo Hội Chúa, tránh xa tội lỗi.

Yêu mến Chúa trên hết mọi sự là nghe và giữ lời Chúa. Chúa nói: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy” (Ga 14,23-24). Tình yêu Chúa không bao giờ là thứ tình cảm suông, nhưng đòi buộc phải có hành động, như Chúa Giê-su vì yêu mến Chúa Cha đã vâng lời và chấp nhận mọi sự để thánh ý Cha thực hiện. Tình yêu Chúa đòi buộc chúng ta nghe và sống theo lời Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ngược lại, không yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn thì không nghe và không giữ lời Chúa. Phải chăng đó là tình trạng của chúng ta và gia đình chúng ta lúc này, chưa đọc lời Chúa nên chưa giữ lời Chúa. Vậy, chúng ta cùng gia đình bày tỏ lòng yêu mến Chúa bằng cách bắt đầu thói quen đọc, suy niệm và thực hành lời Chúa hằng ngày.

Yêu mến tha nhân. Yêu mến tha nhân là cách thể hiện tình yêu dành cho Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: “Ai không thể yêu người anh em mà mình nhìn thấy, thì không thể nào yêu mến Thiên Chúa là Đấng mà họ không nhìn thấy.” Đức Phanxicô khẳng định: “Nếu bạn nói bạn yêu Chúa nhưng lại ghét anh em, thì bạn là kẻ nói dối. Không có sự nhượng bộ nào hết.” Như vậy, ngoài cách trực tiếp thể hiện tình yêu Chúa như thờ phượng, vâng phục, ca ngợi, tạ ơn và cảm tạ Thiên Chúa, việc yêu thương và phục vụ người khác là một cách thế thể hiện tình yêu dành cho Chúa. Tha thứ, cảm thông, ủi an, thăm viếng, giúp đỡ và cầu nguyện cho người khác là cách thế vâng lời Chúa: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”

Xin Chúa cho con dạt dào tình yêu Chúa và cho tâm hồn, thân xác con chỉ thuộc về Chúa và dành cho Chúa mà thôi. Xin cho con theo gương Chúa thể hiện tình yêu thương anh chị em con, nhất là người đang ốm đau, nghèo đói và đưa dẫn những ai đang xa Chúa được trở về với Chúa.

 

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

Nguồn: giaophancantho.org

  1. NƯỚC TRỜI LÀ PHỤC VỤ

Một người thợ rèn trong làng ngày kia nhận được một thị kiến. Một thiên thần hiện đến với anh và nói: “Đã đến lúc anh phải bỏ lại tất cả để về Thiên đàng.” Người thợ rèn nói: “Tôi cảm tạ Chúa đã thương nhớ đến tôi, nhưng như ngài biết đấy, mùa gieo trồng ở đây sắp đến rồi: người dân trong làng sẽ cần tôi sửa chữa những cái cày, cái bừa, ngựa thồ phải bịt móng…Tôi không thể sống vô tâm với người đồng hương làng xóm của mình, vậy ngài có thể hoãn lại chuyện vào Nước Trời cho đến khi tôi làm xong những việc này không?” Thiên thần nhìn anh một cách cảm kích đầy yêu thương. Người thợ rèn tiếp tục công việc của mình. Tuy nhiên vào lúc sắp hoàn thành thì anh lại nghe tin một người hàng xóm bị bệnh nặng giữa mùa gieo sạ. Lúc ấy, thiên thần lại xuất hiện, người thợ rèn chỉ ra phía cánh đồng cằn cỗi và cầu khẩn: “Ngài có thể gia hạn đời sống vĩnh cửu của tôi để chậm lại một chút có được không? Nếu tôi không hoàn tất công việc của mình, gia đình bạn tôi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.” Một lần nữa thiên thần lại mỉm cười và biến mất. Người bạn của thợ rèn được khỏi bệnh. Nhưng nhiều chuyện bất ngờ lại xảy ra: kho thóc của một người khác bị hỏa hoạn; người kế tiếp lại chịu cảnh tang gia, đau khổ trước cái chết của vợ mình. Rồi tiếp nữa là người thứ tư, thứ năm cứ xảy ra những vận hạn gần như vậy…Bất cứ khi nào thiên thần xuất hiện, người thợ rèn chỉ có thể dang hai tay ra với cử chỉ đầu hàng số phận và đau xót, đồng thời hướng mắt thiên thần về những nơi đau khổ để ngài nhìn thấy được. Vào một buổi tối nọ, người thợ rèn bắt đầu nhớ về vị thiên thần và ngẫm nghĩ làm thế nào mà anh đã thuyết phục được thiên thần gia hạn cho mình một thời gian dài như vậy. Giờ đây anh cảm thấy mình đã già yếu và rất mệt mỏi, anh cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn gửi thiên thần đến một lần nữa, con xin tuân lệnh ngay.” Anh vừa nói thì thiên thần xuất hiện trước mặt. Người thợ rèn nói: “Nếu ngài vẫn muốn đưa tôi đi, thì ngay bây giờ tôi đã sẵn sàng bước vào Nước Trời.” Thiên thần nhìn người thợ rèn, mỉm cười yêu mến, và nói: “Vậy chứ anh nghĩ mình đã sống ở đâu trong suốt những năm qua?” (Jack McArdle trong “And That’s the Gospel Truth”).

  1. TÔN GIÁO ĐÍCH THỰC

Moses Mendelson kể câu chuyện về một người phụ nữ đến gặp một danh sư mô phạm và hỏi ông: “Thưa thầy, làm sao tôi biết được tôn giáo nào là đúng?” Vị tôn sư trả lời bằng một câu chuyện về một ông vua vĩ đại và thông thái có ba người con trai. Vị vua này có một bửu bối gia truyền – một chiếc nhẫn nhiệm mầu tạo ra trong tâm hồn ông lòng trắc ẩn, sự hào phóng và tinh thần nhân hậu. Khi ông hấp hối, từng người con của ông đến gặp ông và xin người cha ban cho mình chiếc nhẫn. Quả thật ông đã từng hứa với mỗi người con rằng ông sẽ trao cho họ chiếc nhẫn ấy. Bây giờ làm sao ông có thể thực hiện được điều đó cho cả ba người con trai? Và đây là những gì ông đã làm. Trước khi chết, ông cho gọi một nhà kim hoàn tài giỏi nhất trong vùng đến và yêu cầu người này làm hai phiên bản giống hệt chiếc nhẫn nguyên thủy. Sau khi ông qua đời, mỗi người con của ông đều được tặng một chiếc nhẫn. Nhưng không lâu sau đó họ nhận ra rằng mỗi người đều có một chiếc nhẫn, như vậy hai trong số đó phải là hàng giả. Chỉ một cái mới là đồ thật. Vì vậy họ cùng đi đến gặp một giám quan và yêu cầu ông giúp họ xác định đâu là chiếc nhẫn thật. Như vậy họ mới có thể biết rõ đích danh ai là người thừa kế. Tuy nhiên, viên giám quan cũng không thể phân biệt được ba chiếc nhẫn. Vậy ông ta nói: “Chúng ta sẽ theo dõi xem người con nào cư xử một cách hòa nhã, quảng đại và tử tế nhất, thì sẽ biết ai đã sở hữu chiếc nhẫn nguyên thủy.” Và kể từ ngày đó, mỗi người con trai sống như thể mình là người thủ đắc chiếc nhẫn thần, và không ai phân biệt được ai là người nhân hậu, hào phóng và tốt bụng nhất. Thế rồi, vị tôn sư kể câu chuyện này nói với người phụ nữ, “Nếu bà muốn biết tôn giáo nào là đúng, cứ nhìn xem tôn giáo nào thể hiện tình yêu Thượng Đế đối với con người.” (Daniel E. H. Bryant)

  1. YÊU NGƯỜI THÂN CẬN

Khi William Penn được vua Charles II ban cho đất đai ở Tân Thế giới, ông cũng được trao quyền sẵn sàng chiến đấu với thổ dân da đỏ để bảo vệ tài sản. Nhưng Penn từ chối xây dựng pháo đài và tuyển mộ binh lính trong tỉnh của mình. Thay vào đó, ông đối xử rất tử tế và bình đẳng với người da đỏ. Tất cả các tranh chấp giữa hai nhóm chủng tộc đều được giải quyết bằng những cuộc trao đổi giữa đại diện người da trắng và đại diện người da đỏ. Khi Penn qua đời, người dân da đỏ đã thương tiếc ông như một người bạn. Sau cái chết của Penn, các vùng thuộc địa khác liên tục bị người da đỏ tấn công. Tuy nhiên, Pennsylvania không bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công như vậy, bởi vì cộng đồng ở đó duy trì quyết định không chấp nhận vũ trang. Nhiều năm sau, người Quakers- một tổ chức Tin lành chủ trương sống tình thân hữu-  bị loại khỏi bang, và vùng thuộc địa này bắt đầu xây dựng pháo đài và huấn luyện binh lính để chống lại sự xâm lược có thể xảy ra. Họ ngay lập tức bị tấn công, và rồi các cuộc tranh chấp ác liệt liên tiếp nổ ra. [Don M. Aycock, Walking Straight in a Crooked World (Nashville: Broadman Press, 1987).]

* William Penn hiểu rằng chìa khóa của tất cả mối quan hệ giữa con người với nhau là: yêu người lân cận như yêu chính bản thân mình. Và chúng ta biết yêu người lân cận khó biết bao?

  1. DÁNG ĐỨNG CỦA CÂY DỪA

Cây dừa ở Việt Nam được xếp vào loại cây công nghiệp. Tuy nhiên dừa cũng là một loại cây ăn quả rất thú vị. Có thể chúng ta đã rắc cơm dừa lên bánh ăn hoặc các loại kem. Quả dừa không chỉ dùng làm thực phẩm mà từng bộ phận của quả dừa đều có thể dùng vào việc gì đó. Lớp vỏ cứng bên ngoài có thể dùng làm chén bát, cốc, gáo. Dầu dừa có thể được sử dụng để nấu ăn. Bên trong quả dừa còn có phần “thịt” có thể ép thành nước cốt dừa. Nó có thể được ăn hoặc được chế biến thành các sản phẩm khác. Gỗ của cây dừa được dùng để cất nhà cửa và làm những đồ gia dụng. Và những sợi của vỏ dừa có thể được dùng để đan giỏ, dệt dây thừng, thảm, và những thứ tương tự. Mỗi bộ phận của cây dừa đều có thể được sử dụng cho những việc hữu ích. Bạn có bao giờ nghĩ mình là một quả dừa chưa? Vâng, đó là điều tôi muốn bạn nghĩ tới ngay bây giờ. Lời Chúa nói rằng chúng ta phải sử dụng từng bộ phận của mình để yêu mến Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói điều răn quan trọng nhất là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Và Ngài cũng nói rằng chúng ta phải yêu người thân cận như chính mình. Trái tim, tâm hồn, trí óc, sức mạnh của chúng ta: đó là tất cả. Nếu chúng ta thực sự yêu Chúa, thì chúng ta sẽ yêu Ngài trọn vẹn, với tất cả những gì mình có.

  1. BÀI KIỂM TRA THÌ THẦM

Trong cuốn sách của mình, Bài kiểm tra thì thầm, Mary Ann Bird chia sẻ một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời bà. Bà sinh ra đã bị hở hàm ếch. Khi bà bắt đầu đi học, các bạn cùng lớp cho bà biết rằng bà là một con người kì dị: một cô bé có môi lệch, mũi xẹo, răng lệch và giọng nói ấp úng. Nếu chúng có hỏi điều gì đã xảy ra với môi của bà, bà chỉ nói rằng bà bị ngã vập trên một mảnh thủy tinh sắc nhọn. Bà cảm thấy dễ chấp nhận hơn khi nói mình bị thương hơn là bị sinh ra dị dạng. Mary Ann vẫn tin chắc rằng không ai ngoài gia đình bà có thể yêu thương bà. Tuy nhiên, khi lên lớp 2, bà được giao cho một giáo viên hướng dẫn, bà Leonard, một người luôn vui tươi, bén nhạy, và lanh lợi. Người hướng dẫn có những đức tính này sẽ được bọn trẻ yêu mến và kính trọng. Hàng năm ở trường, học sinh được yêu cầu kiểm tra thính lực. Khi đến ngày Mary Ann phải thực hiện, bà phải đứng từ xa, bịt một bên tai và lắng nghe kỹ điều gì đó mà giáo viên sẽ thì thầm vào tai học sinh để chúng lặp lại. Thường thì giáo viên sẽ nói những câu như “Bầu trời xanh ngắt” hoặc “Đôi giày của con màu gì?” Nhưng hôm đó bà Leonard đã nói chín từ sẽ làm thay đổi hẳn cuộc đời của một cô bé khi bà thì thầm: “Ước gì con là con gái nhỏ của mẹ.” Vào chính lúc đó, Mary Ann biết mình được yêu như chính con người thật của  mình, và cuộc đời của bà đã thay đổi hoàn toàn.

* Chỉ tình yêu mới có thể làm được điều đó. Tình yêu có thể hoàn toàn biến đổi cuộc sống của một con người. (Theo cha Ken Larson).

  1. TÌNH YÊU DÂNG HIẾN

Sau một chiến thắng vĩ đại, vua Kyrô vương quốc Ba Tư đã bắt được một hoàng tử, vợ và con cái của anh làm tù nhân. Khi những người này được đưa vào lều, vua Kyrô nói với hoàng tử: “Ngươi sẽ hiến tặng cho ta điều gì nếu ta thả ngươi?” Hoàng tử  trả lời: “Tôi sẽ trao cho ngài một nửa tất cả những gì tôi có.” Vua Kyrô tiếp tục hỏi: “Và ngươi sẽ dâng tặng ta những gì nếu ta thả con cái của ngươi?” “Tâu bệ hạ, thần sẽ trao lại cho ngài tất cả những gì thần sở hữu.” Nhà vua hỏi thêm: “Nhưng ngươi sẽ biệt tặng ta điều gì nếu ta để vợ ngươi được tự do?” Hoàng tử quay sang nhìn người mình hết mực yêu mến, và không chút do dự trả lời: “Nếu bệ hạ phục hồi tự do cho vợ tôi, tôi sẽ trao chính mạng sống của tôi cho ngài.” Vua Kyrô tỏ ra xúc động trước tình yêu nồng nàn của anh đối với vợ, đã thả cả gia đình mà không yêu cầu điều gì. Tối hôm đó, hoàng tử nói với vợ: “Em không nghĩ Kyrô là một người đàn ông rất đẹp trai và lịch lãm sao?” Cô vợ trả lời: “Em không hề để ý đến ông ta”. Chồng kêu lên: “Em ơi, vậy con mắt của em lúc đó để ở đâu?” Cô ấy trả lời: “Em chỉ để ý đến người đã nói sẽ hy sinh cuộc đời cho em thôi.” (Tài liệu SNB, cha Tony thuật lại)

  1. TÌNH YÊU HI SINH

Ở nước Anh thế kỷ XVI, đại tướng Oliver Cromwell ra lệnh xử bắn một người lính vì anh ta bị cáo tội cứ kéo chuông trộm tòa lâu đài vào mỗi buổi tối. Nhưng vào đêm quyết định số phận của người lính, người ta không nghe thấy một âm thanh nào phát ra từ tháp chuông. Đó là vì cô gái đính hôn với người sắp bị kết án đã trèo lên tháp và bám vào quả lắc để ngăn chuông phát ra tiếng. Cô gái bị bắt và điệu ra trước Cromwell để kể lại hành động của mình, cô chỉ khóc và cho ông xem bàn tay bầm tím và chảy máu của cô. Cromwell rất cảm kích, ông nói: “Người yêu của bạn được sống là nhờ sự hy sinh của bạn đấy. Anh ta sẽ không bị bắn!” (Tài liệu SNB).

  1. TÌNH YÊU ĐÓN NHẬN

Một câu chuyện do báo chí thuật lại đưa ra cho chúng ta một giai thoại cảm động. Câu chuyện kể về Donna, người được cho biết sẽ chỉ có thể sống được vài tháng nữa sau khi các bác sĩ phát hiện ra rằng cô bị thoái hóa cơ tim. Người bạn trai mười tám tuổi của cô đã có linh cảm về cái chết của chính mình. Anh nói với mẹ rằng, khi anh chết anh muốn Donna có được trái tim của mình. Ba tuần sau, anh ta chết vì vỡ mạch máu não. Trái tim của anh đã được cấy ghép vào cho Donna, đúng như những gì anh mong muốn.

* Yêu người lân cận như chính mình cũng được hiểu theo chiều ngược lại: mở rộng tâm hồn đón nhận quà tặng tình yêu được trao ban.

            Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm