Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(1V. 17, 10-16; Dt. 9, 24-28; Mc. 12, 38-44)
Bài Ðọc I: V 17, 10-16
“Bà góa lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông Ê-li-a”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, tiên tri Ê-li-a chỗi dậy lên đường đi Sa-rép-ta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”.
Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”.
Ê-li-a trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en truyền rằng: ‘Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất’”.
Bà đi làm theo lời ông Ê-li-a; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Ê-li-a mà phán.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 1).
Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.
Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.
Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Si-on hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.
Bài Ðọc II: Dt 9, 24-28
“Ðức Ki-tô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội lỗi”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Ðức Giê-su không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Ki-tô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 24, 42a và 44
Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng: vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 41-44 {hoặc 38-44}
“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
Khi ấy, {Chúa Giê-su phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà góa: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”.}
Chúa Giê-su ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
LÒNG QUẢNG ĐẠI
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta hai bà góa nghèo và đạo đức chân thành nhưng rất giàu lòng quảng đại: một bà thời ngôn sứ Êlia và một bà thời Chúa Giêsu. Cụ thể, bài đọc 1 Sách Các Vua kể rằng thời ngôn sứ Êlia, khi Thiên Chúa làm hạn hán trên đất nước Do Thái để phạt vua của nước này, ngôn sứ Êlia được lệnh Chúa tạm lánh sang xứ Sarépta. Ở đó ngôn sứ đã gặp một bà góa đầy lòng tin cậy vào lời hứa của Chúa, bà đã hy sinh quảng đại dâng chút bột và dầu còn lại làm bánh nuôi ngôn sứ ăn, vì thế Chúa đã trả công bội hậu cho bà và đứa con trai duy nhất thoát cảnh đói. Đến thời Chúa Giêsu, Tin Mừng Máccô kể rằng Chúa Giêsu ngồi trong Đền thờ, quan sát thấy một bà góa đang sống trong cảnh túng thiếu, thế mà bà đã đem cả số tiền lương công lao động của mình, tức là những gì bà có để nuôi sống mình, bỏ vào hòm tiền dâng cúng cho nhà thờ, và Chúa đã khen bà là bỏ nhiều, dâng cúng nhiều hơn những người giàu khác.
Tại sao Chúa Giêsu để mắt bà góa bỏ tỏ hai đồng xu vào thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ? Bởi vì, Người đã nhận ra được món quà giá trị dâng cúng của bà tuy có 2 đồng nhỏ bé nhưng bà đã dâng cho Chúa tất cả những gì mình có để sống, một sự quảng đại phi thường. Điều đáng chú ý là chúng ta thấy tại sao Chúa Giêsu không nói trực tiếp nói và ngợi khen lòng quảng đại của bà mà lại nói với các Tông đồ. Bởi vì, Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, Ngài đã nhìn thấy lòng của bà và biết rằng khi bà quảng đại như thế bà biết và tin rằng Thiên Chúa thấu hiểu và ban ân sủng cho mình như bà góa ở xứ Sarépta đã được Thiên Chúa chúc phúc vì sự quảng đại của bà trong việc nuôi nấng tiên tri Êlia, mặc dù có nạn đói xảy ra trong vùng, bà và con trai bà có thể ăn suốt một năm từ hũ bột và bình dầu mà bà đã chia sẻ cho vị tiên tri của Thiên Chúa.
Từ lòng quảng đại của hai bà góa, Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hương đến Lòng quảng đại của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta món quà cao quý hơn nhiều đó là Chúa Giêsu Kitô. Vâng, Chúa Giêsu tuôn đổ tình yêu quảng đại dành cho chúng ta tất cả những gì Ngài có khi Ngài ở trên thánh giá. Ngài đã giang tay ra ra ôm hết mọi người trong hố sâu tội lỗi để kéo chúng ta đến với sự thánh thiện và lòng quảng đại của Ngài. Không một người nào là không có ý nghĩa đối với Ngài, giống như là một đồng xu không hề có giá trị nhưng Ngài đánh giá cao giá trị dâng tặng. Tất cả chúng ta tuy tội lỗi yếu đuối nhưng đều quý giá trong đôi mắt Ngài. Vì vậy, Thiên Chúa luôn trân trọng và quí mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng cho Ngài. Những lễ vật càng đơn sơ nhỏ bé dưới mắt người đời thì lại càng có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của những âm thầm đau khổ, những hy sinh quên mình từng ngày, những việc làm vô danh…. Thiên Chúa cao sang tuyệt đối. Ngài là chủ tể mọi loài mọi vật. Mọi sự chúng ta có đều bởi Chúa và thuộc về Chúa. Vì thế, chúng ta có gì đáng để dâng Chúa đâu! Chúng ta quá bé bỏng, nghèo nàn trước Thiên Chúa cao sang. Chúng ta có thể nghèo tiền của, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng không ai trong chúng ta có thể sống mà không có trái tim với những khả năng yêu thương. Đó là cốt lõi, là cái làm cho chúng nên giá trị trước mặt Thiên Chúa và xứng đáng sống trong cộng đồng nhân loại. Vì vậy, chỉ có Hội Thánh công giáo mới có kinh Thương xác và linh hồn bảy đức tính cao quý, để nhắc nhở chúng ta không chỉ đọc kinh này trên môi miệng mà thấm vào con tim, chảy trào ra tay chân chính là việc làm quảng đại của chúng ta: cho kẻ đói ăn cho kẻ rách rưới ăn mặc, an ủi kẻ âu lo, tha kẻ dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta, chôn xác kẻ chết và cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết…
Khi chúng ta đến tham dự Thánh Lễ, chúng ta cảm nghiệm được lòng quảng đại của Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài đã nuôi dưỡng chúng ta bằng Thịt và Máu Ngài. Bí tích Thánh Thể là một món quà lớn lao và vĩ đại hơn món quà được ban cho bà góa ở Serépta vì chưng Chúa Giêsu thì lớn hơn Êlia. Với món quà của bí tích Thánh Thể như là động cơ thúc đẩy và thêm sức mạnh cho chúng ta, để chúng ta có thể bắt đầu thực hiện sự quảng đại của chúng ta với Chúa và tha nhân tuy nhỏ bé nhưng đó cả cả tấm lòng và cuộc sống của chúng ta.
Ước gì mẫu gương những lòng quảng đại của hai bà góa và nhất là món quà lớn nhất mà Chúa Cha ban tặng cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Người Con Chí Ái của Ngài, giúp chúng ta được thêm can đảm và quảng đại theo gương Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu không ngừng dâng lên Thiên Chúa và trao tặng mọi người của lễ tình yêu hy sinh cao đẹp nhất của chúng ta. Đừng để khi tôi lầm lỡ, mới biết sớt chia với người lỡ lầm. Khi tôi nghèo đói, tôi sẽ hiểu nỗi đau người lầm than. Khi tôi gian nan mới biết sớt chia với người khốn cùng. Khi tôi đau khổ, đời tôi mới biết cảm thông. Khi tôi buồn chán mới biết nỗi đau nơi người thất vọng. Khi tôi mù lòa tôi sẽ hiểu bóng đêm và sợ hãi. Khi tôi cô đơn, mới biết xót xa với người cô quạnh. Khi tôi thất vọng, đời tôi thấu nỗi chờ mong. Khi tôi quỵ ngã mới biết đỡ nâng những người sa đọa. Khi tôi oà khóc tôi sẽ hiểu nước mắt sao buồn quá. Khi tôi lang thang mới biết đắng cay với người không nhà. Khi tôi đơn độc thì thương ai mất mẹ cha. Chính khi ấy chúng ta quá hững hờ, quá thờ ơ và quá ích kỷ vì trái tim ta quá chai đá và băng giá. Vậy, chúng ta hãy siêng năng cầu xin Thiên Chúa ban yêu thương vào trái tim mình. Xin Chúa dạy chúng ta yêu thương và quảng đại để bình an và hạnh phúc được chan hòa khắp nơi. Amen.
SUY NIỆM II
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật
HAI ĐỒNG HAY LÀ CẢ CUỘC SỐNG
Dâng tặng điều quý nhất
Bài Tin Mừng hôm nay nêu lên sự đối nghịch giữa hai thái độ: một bên là thái độ phô trương của những kinh sư tham lam và gian tà, một bên là thái độ tràn đầy niềm tin tưởng và khiêm tốn của bà góa nghèo Đức Giêsu đã phê phán lối sống ham danh vọng và chạy theo lợi lộc của giới kinh sư Ngược lại, Người khen ngợi lòng quảng đại của người đàn bà Trong bố cục của Tin Mừng thứ hai, trình thuật này rất có ý nghĩa: Đức Giêsu sắp bước vào cung thánh trên trời, sau khi đã dâng hiến chính mình, một lần cho tất cả, và bị liệt vào hàng những người hèn kém nhất
Người ta vẫn thường có khuynh hướng giải thích bản văn Tin Mừng này theo nghĩa đối nghịch giữa người giàu và kẻ nghèo Thực ra, ý nghĩa này không phù hợp với toàn bộ phần Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay Xét cho cùng, đời sống của các kinh sư không được sung túc cho lắm, nếu không muốn nói là thiếu thốn Trong khi đó, các bà góa, vốn bị các kinh sư ức hiếp, lại là những người có cuộc sống khá giả hơn Tuy nhiên, trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, bà góa này là một người nghèo
Bài Tin Mừng cũng nêu lên sự đối nghịch, nhưng là sự đối nghịch giữa những người mong muốn, hành động như thể cả thế giới phải xoay quanh mình và những người đến với thế giới bằng cách ban tặng chính mình
Người ta có thể nói kinh sư là đại diện cho giai cấp quý tộc và giàu có về kiến thức Họ có vai trò rõ ràng trong xã hội và họ cũng ý thức về điều đó Họ chỉ hiện hữu trong một cộng đoàn khi có một cử tọa ủng hộ, chấp nhận ý kiến của họ Tùy theo sự hấp dẫn về kiến thức và thiêng liêng (thường là giả tạo), họ có thể tìm được nguồn lợi vật chất và sử dụng quyền hành của mình Nhưng điều cốt yếu là họ luôn coi mình là trung tâm Theo nghĩa này, kinh sư là người giàu có
Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng đựng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem dân chúng bỏ tiền vào đó ra sao.
Người ta có thể tưởng tượng ra những tâm tình khác nhau của những người dâng cúng cho Đền Thờ Người giàu thì cảm thấy hãnh diện, thỏa mãn và muốn cho người khác thấy lòng quảng đại của họ, trong khi đó chỉ là phần nhỏ, không đáng gì so với của cải họ có
Người nghèo như bà góa thì kín đáo và khiêm tốn bỏ mấy đồng tiền rách nát vào trong hòm, và cảm thấy mình thiếu thốn
Đức Giêsu ngồi đó Người chứng kiến tất cả Người không coi bà là hèn kém hơn những người đã bỏ vào thùng một số lớn Tuy vậy, Người cũng không phê phán các kẻ giàu có như đã có lần xảy ra khi những kẻ giàu có muốn phô trương để khẳng định vị thế của mình Ở đây, Đức Giêsu chỉ đưa ra một nhận định: bà góa nghèo này đã cho tất cả, tất cả những gì bà có để sống Bà đã trao tặng chính sự sống của mình Bà dâng hiến chính mình
Trong thực tế, khi bày tỏ nhận định trên, Đức Giêsu đã bày tỏ thái độ sâu xa của Người Người phê phán và ca ngợi dựa trên những lựa chọn nền tảng Người vẫn giảng dạy Câu chuyện Tin Mừng hôm nay chỉ tóm tắt điều mà Tin Mừng Máccô không ngừng thuật lại: vinh quang đích thực của Thiên Chúa chỉ có thể hiểu như là phục vụ và trao tặng
Gắn liền với lịch sử
Đó là một bà góa nghèo, một người đàn bà không có đàn ông ở bên cạnh Bà có con cái không? Bà còn trẻ hay đã già? Không ai rõ Cũng chẳng ai biết tên bà là gì Một người đàn bà vô danh, cô đơn và nghèo túng
Bà hiểu rằng mình đã ra nghèo túng vì không còn người bạn đời Bà yếu đuối, không nơi nương tựa, không chỗ đứng trong xã hội, một xã hội mà người phụ nữ chỉ có giá trị nhờ người chồng Bà xuất thân từ một gia đình nghèo, và đến lúc này vẫn nghèo Nói tóm, bà là đối tượng của các mối phúc thật
Thử tưởng tượng một chút: bà đang ở nhà và lấy phần bột nhỏ nhoi của mình đem nhồi rồi đem nướng Bánh chín và thơm lừng như tập tục Do Thái Thế nhưng, không có đàn ông để dâng lời cầu nguyện Có lẽ có một vài buổi chiều, bà cảm thấy không chịu nổi: trong nhà chẳng còn gì và cũng không có ai Lúc ấy bà tìm đến nhà một người bà con: tại đây bà được tiếp đón niềm nở, và bà cùng góp tay nhồi bột, làm bánh để chuẩn bị mừng lễ Nhưng tâm hồn bà vẫn cảm thấy cô đơn, đang khi người khác sống có nhau
Hôm nay, bà lên Đền Thờ Bà vẫn thường lui tới đây và không hề bỏ một cử hành nào Điều này làm bà vui Đền Thờ thật nguy nga lộng lẫy, đám đông dân chúng rất hân hoan, ăn mặc lịch sự Tất cả những người đàn ông, đàn bà và con trẻ, họ đến đây để cùng nhau ca tụng cuộc sống và thương khóc những người đã chết: họ là dân tộc của bà, một dân tộc lớn lao và cổ kính Đó là gia đình của bà, gia đình đã khởi đầu với Ápraham và có thể trước đó nữa Gia đình này vẫn không ngừng phát triển bao lâu còn có những người đàn ông và đàn bà Do Thái để sinh ra những đứa trẻ, và giúp chúng lớn lên trong niềm kính sợ lề luật, lớn lên trong tình bằng hữu với Thiên Chúa Đã từ lâu lắm rồi, nhà Thiên Chúa là nhà của bà
Không phải lúc nào bà cũng hiểu hết mọi điều người ta hát trong Đền Thờ, nhưng bà biết rõ ý nghĩa của những bài ca này Đó là Lề Luật Lề Luật vẫn đồng hành với dân trong lịch sử và giúp họ chọn điều lành, ghét điều ác…
Trong lịch sử này, người đàn bà vô danh ấy luôn cảm thấy hạnh phúc Bà sống trong lịch sử này và hân hoan nhận thấy mình có liên đới với các tổ phụ Ápraham, Môsê, với ngôn sứ Êlia và với vua Đavít… Bà thường xuyên lên Đền Thờ và vẫn có thói quen bỏ vào thùng một hay hai đồng tiền, với mong ước Đền Thờ mỗi ngày thêm đẹp hơn và lịch sử giữa Thiên Chúa với con người được liên tục Đối với bà, cử chỉ ấy không phải là của dâng cúng, nhưng là điều cần thiết cho cuộc sống tựa như lửa, nước và bánh
Trong cảnh nghèo khổ ấy, việc chia sẻ của bà đã dẫn bà đến gặp được Thiên Chúa
Chúng ta không mồ côi
Nếu như cử chỉ của bà góa nghèo mời gọi chúng ta đừng xét đoán theo bề ngoài, cũng như thúc bách chúng ta tra vấn chính mình về điều cần thiết và điều dư thừa, thì hơn nữa, cử chỉ ấy còn đánh thức lương tâm chúng ta vốn ngả theo các ngẫu tượng Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, chúng ta không mồ côi “Thiên Chúa của ngày mai cũng chính là Thiên Chúa của ngày hôm nay” (I Cottolengo)
Bà góa nghèo đã thực sự dâng hiến cho Thiên Chúa chính sự sống của mình Phần chúng ta, chúng ta có dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa? Thông thường, chúng ta chỉ dâng cho Người phần dư thừa: tiền bạc, hoạt động, tư tưởng, tâm hồn Chúng ta có đặt chính sự sống của chúng ta vào trong bàn tay ân cần và yêu thương của Thiên Chúa?
Trong xã hội chúng ta ngày nay, một xã hội luôn cố gắng giảm thiểu tối đa những nguy cơ có thể xảy ra, một xã hội luôn tìm kiếm sự an toàn, thì việc tín thác vào Thiên Chúa có vẻ như điên rồ Tuy nhiên, thái độ tín thác không có nghĩa là vô tâm Tình thương quan phòng của Thiên Chúa vẫn bao bọc các con chim nhưng không hề ngăn cản chúng cộng tác vào kế hoạch của Người
Cuối cùng, một người con của Thiên Chúa không thể hoạt động đơn lẻ, như thể chỉ trông cậy vào chính mình Luôn cần có những nhóm người biết cộng tác và chia sẻ, biết quan tâm cùng nhau tìm tòi phương thức giúp nhau cảm nghiệm được tình thương của Cha trên trời
* * * * *
Bạn vẫn thường nói
“Tôi sẽ trao tặng, nhưng chỉ cho người nào xứng đáng”. Các cây cối trong vườn của bạn, cả súc vật trong cánh đồng đâu nói như vậy.
Chúng cho đi để sống bởi vì giữ lại là chết.
…
Thật ra, chính sự sống cho đi lại đem lại sự sống.
Đang khi bạn nghĩ rằng mình là người cho thì bạn chỉ là người làm chứng.
(theo Khalil Gibran)