Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C


CN.4.MC.C

(Gs 5,9a.10-12; Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32)

Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy

 

Chúng ta đang sống trong tháng thánh Giu-se. Thánh Giu-se noi gương Thiên Chúa thương xót người tội lỗi. Người ta kể rằng : Ở phố Auteuil (Ô-tơi), ngoại ô thủ đô Paris, có hai người hốt rác. Một ngày kia đang xúc rác đổ vào xe, một anh đã xúc được một tượng thánh Giu-se. Anh định vất lên xe đem đi đổ, thì anh kia xin : “Tao cũng như mày bỏ đạo từ lâu, nhưng thấy mặt ông này dễ thương, tao muốn đem về nhà“.

Nhà anh chẳng có bàn thờ. Anh đặt tượng thánh Giu-se trên mặt lò sưởi. Cháu gái ông kiếm được hai cây đèn đặt hai bên. Đến tháng thánh Giu-se đứa cháu mua hai cây nến và hái mấy nhánh hoa dại trong vườn cắm vào lọ dâng kính thánh Giu-se.

Về già, ông hốt rác mắc nhiều thứ bệnh, nằm chờ chết trên giường. Đứa cháu nói : “Nội ơi, cháu đi mời cha xức dầu cho nội nhé !

Ông nói : “Ông bỏ Chúa lâu rồi. Chúa không còn nhớ đến ông đâu“.

Mấy hôm sau, ông gọi cháu đến bên giường và kể : “Mấy đêm nay, ông mơ có một ông già nào đó gọi ông về trời“.

Cháu hỏi : “Hình dáng ông già đó như thế nào ?“.

Ông tả : “Tóc bạc, tay cầm gậy“.

Đứa cháu reo lên : “Ông thánh Giu-se đó. Ông ở trên lò sưởi đó kìa. Ngài nhớ ơn ông đem Ngài về nhà mình. Ngài về bảo ông mời cha đến giải tội xức dầu cho ông đó“.

Sau khi xưng tội xức dầu, ông già nhắm mắt chết trong bàn tay thánh Giu-se.

“Hãy đến cùng Giu-se” ! Xin thánh Giu-se giúp chúng ta trở vể với Chúa, trở về với người cha nhân hậu.

BTM : Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” trong BTM, chúng ta không lấy làm lạ, khi Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi. Trong Mùa Chay chúng ta nghe hoài lời Chúa sau đây : “Ta lấy mạng sống Ta mà thề : Ta đâu muốn cho kẻ dữ phải diệt vong, nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống

Người cha nhân hậu, tức là Thiên Chúa, hằng ngày vẫn trông chờ “đứa con hoang” trở về : “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Lại còn bảo đầy tớ : “Mau đem áo đẹp ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi bắt bê béo mở tiệc ăn mừng” (Lc 15,22-23).

Áo tượng trưng địa vị làm con. Nhẫn tượng trưng quyền hành. Khi Đức Bê-nê-đíc-tô XVI từ chức, chiêc nhẫn giáo hoàng được đập nát. Giầy tượng trưng người tự do, nô lệ không được đi giầy.

Thiên Chúa yêu thương như vậy. Còn loài người thì không. Loài người là người anh cả. Khi ở ngoài đồng về đến nhà “nghe tiếng đàn ca nhảy múa” (Lc 15,25), được người đầy tớ chạy ra cho biết “em cậu đã về và cha cậu làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe” (Lc 15,27), anh liền “nổi giận và không chịu vào nhà” (Lc 15,28).

Bđ2 : Không phải ngày nay Thiên Chúa mới thương loài người tội lỗi, mà ngay từ khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã thương, đã hứa ban Đấng Cứu Thê để tha tội. Thiên Chúa nói với con rắn “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy” (St 3,15).

Trong bđ2, thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Cô-rin-tô : “Mọi sự đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hòa giải với Người” (2Cr 5,18).

Bđ1 : Thiên Chúa dùng cái chết của Đức Ki-tô, Con Ngài, mà tha tội cho loài người. Cái chết của Chúa Ki-tô được ví như con chiên Vượt Qua của dân Do-thái. Máu con chiên đã giải thoát người Do-thái khỏi kiếp nô lệ Ai-cập, thì máu Con chiên Giê-su cũng giải thoát loài người khỏi kiếp nô lệ ma quỉ, tội lỗi. Trong bđ1, sách Giô-suê, đã nhắc lại lòng thương bao la của Thiên Chúa : “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập” (Gs 5,9).

Đọc câu chuyện tổng thóng Chavez (Cha-vê) nước Venezuela (Vê-nê-du-ê-la) trở lại, chúng ta thấy lòng Chúa thương những người tội lỗi biết là dường nào !

Tổng thống Chavez qua đời ngày 5-3-2013. Khi thông báo cho quốc dân biết về cái chết của tổng thống. Phó tổng thống Nicolas Maduro (Ni-cô-la Ma-đu-rô)  nói : “Tổng thống đã trở về với Chúa“. Ông dùng cụm từ “clinging to Christ” (bám lấy Chúa), để chỉ những hành động của tổng thống trong tuần lễ cuối đời. Vào lúc lâm chung, tổng thống đã yêu cầu được phó linh hồn và xin nhận bí tích xức dầu.

Một biến cố thật lạ lùng. Vì từ khi lên nắm chính quyền vào năm 1999, tổng thống Chavez là một người hung hăng chống đối Giáo Hội. Năm 2002 tổng thống đã gọi các Giám mục Venezuela là “khối ung nhọt” phá hoại các mục tiêu cách mạng của ông. Đồng thời ông yêu cầu Tòa Thánh đừng can thiệp vào công việc nội bộ đất nước của ông.

Chúng ta hãy chạy đến thánh Giuse, xin Ngài  giúp chúng ta trở về với Chúa.

       10-3-2013

————

CN.4.MC.C

Thánh Phao-lô Hạnh đã được lãnh phúc tử đạo cũng do một thảm cảnh đau thương của cuộc đời.Thánh Phao-lô Hạnh sinh tại Tân Triều, Biên Hòa. Cha mẹ đạo đức. Lớn lên đến Chợ Quán buôn bán. Nghề buôn bán đã làm cho thánh Phao-lô Hạnh trở thành kẻ gian xảo, cướp bóc. Lập băng đảng để ăn cướp và bắt chẹt những người cô thế cô thân. Một lần kia, chứng kiến cảnh đàn em bóc lột một thiếu nữ nghèo khổ. Thánh Phao-lô Hạnh động lòng, đứng ra can ngăn và bắt phải trả lại của cải cho nạn nhân. Đàn em tức giận và nuôi lòng căm thù. Nó đi báo với nhà cầm quyền : thánh Phao-lô Hạnh là người Công giáo và làm tay sai cho Pháp. Thánh Phao-lô Hạnh bị bắt. Thánh Phao-lô Hạnh cảm nghiệm được lòng người, nhận ra được sự giả trá của cuộc đời. Ra trước tòa, quan hỏi : “Anh có phải là Ki-tô hữu không ?”. Ngài chẳng những nhận mình là Ki-tô hữu mà còn nhấn mạnh : “Sẽ là Ki-tô hữu cho đến chết”. Lính đã căng thân thánh Phao-lô Hạnh ra đánh đòn, lấy kìm kẹp vào người, dùng thanh sắt nung đỏ dí vào người. Mọi cực hình chỉ làm cho thánh Phao-lô Hạnh tin rằng : chỉ có Chúa mới là thật, là tốt lành. Ngày 28-5-1859 thánh Phao-lô Hạnh bị chém đầu tại Chí Hòa. Giáo dân đem về chôn tại nhà thờ Chợ Quán.

Thánh Phao-lô Hạnh tin Chúa là người cha nhân hậu, nên ngài sẵn sàng chịu mọi khổ đau, để được hạnh phúc thiên đàng.

Nghe lời Chúa trong các thánh lễ Mùa Chay, như những câu đáp ca chúng ta đọc, chúng ta hát, đều toát lên sự dịu dàng, nhẹ nhàng, êm ái, yêu thương và tha thứ, chẳng hạn câu đáp ca chúa nhật tuần trước : “Chúa từ bi và nhân hậu”, câu đáp ca chúa nhật hôm nay : “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy”, hay câu đáp ca chúa nhật tới : “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại ! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui”.

Ba bài sách thánh thánh lễ hôm nay quả thật “Chúa từ bi nhân hậu”, “Chúa tốt lành”, “việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại, ta thấy mình chan chứa một niềm vui”.

 

Bài TM : Còn hình ảnh nào diễn tả lòng tha thứ yêu thương của Thiên Chúa bằng dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” trong bài TM.

Theo phong tục người Do Thái, khi người cha qua đời thì mới được hưởng gia tài để lại. Người con thứ đã đòi khi người cha còn sống. Làm như thế chẳng khác nào muốn người cha chết  đi cho rảnh mắt. Thật là bất hiếu !

Gia tài chia cho đáng lý phải được xử dụng vào những việc hữu ích, người con thứ lại phung phí trong rượu chè, trai gái. Thật là tội lỗi !

Người con thứ biết mình chẳng đáng làm con, làm người làm công cũng chẳng đáng nữa.

Thế mà người cha tha thứ tất cả, còn đối xử như một người con. Mặc áo mới tức là trả lại địa vị làm con, xỏ nhẫn tức là trả lại quyền làm con, xỏ giày vào chân tức là coi con là người tự do, chứ không là người nô lệ.

Người cha đối xử với “người con hoang đàng” không một chút hằn học, giận ghét. Trái lại ngưới anh cả đối xử với người em đầy hằn học, ghen tị. Người anh không còn nhìn nhận là em mình, gọi bằng một cái tên xa lạ “thằng con của cha” (15,30), coi em là đứa đàng điếm chơi bời “nuốt hết của cải với bọn điếm” (15,30)   Ghen với em vì cha đã giết bê béo mở tiệc ăn mừng.

Thiên Chúa thì tốt lành; còn loài người chúng ta thì thù hằn độc ác. Tình thương của Thiên Chúa không chỉ diễn tả bằng lời nói, bằng hình ảnh, mà bằng những hành động cụ thể, những việc làm cứu vớt. Với bđ1 hành động cụ thể là giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách Ai-cập. Với bđ2 là sai Chúa Giêsu xuống thế cứu chuộc loài người.

 

Bài đọc 1 : Sách Giô-suê kể chuyện dân Ít-ra-en được Thiên Chúa giải thoát khỏi kiếp làm nô lệ người Ai-cập, được vào đất hứa, được cày cấy trồng trọt, và hôm nay họ được hưởng dùng hoa mầu của Đất Hứa, được cử hành lễ Vượt Qua chính trên mảnh đất của mình. Thiên Chúa nói với ông Giô-suê : “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai Cập” (Gs 5,9a).

 

Bài đọc 2 : Dù con người cố chấp chôi từ tình thương Thiên Chúa, mà chạy theo ma quỉ tội lỗi, Thiên Chúa vẫn không bỏ. Thiên Chúa tìm đủ mọi cách để cứu vớt con người, giải thoát con người khỏi nanh vuốt của ma quỉ tội lỗi. Cách cuối cùng là Thiên Chúa sai Chúa Giêsu xuống thế, để chết cho tội lỗi loài người.

Thánh Phao-lô trong bđ2 đã xác quyết với các tín hữu Cô-rin-tô : “Thiên Chúa đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta hòa giải với Người…Người không còn chấp nhận tội nhân loại…Đấng chẳng biết  đến tội lỗi, thì Thiên Chúa  đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi” (2Cr 5,18.19.21).

Và thánh Phao-lô kêu gọi chúng ta bỏ đàng tội lỗi mà trở về với Thiên Chúa : “Chúng tôi nài xin anh em hãy lo cho mình được hòa giải với Thiên Chúa” (2Cr 5,20).

Nhưng dễ chi làm cho một người tội lỗi trở lại với Thiên Chúa, dễ chi làm cho một người từ bỏ điều xấu để làm những điều tốt, dễ chi làm cho một người ác sống hiền lành thánh thiện. Bao nhiêu lần chúng ta khuyên bảo, bao nhiêu lần chúng ta năn nỉ, vẫn như nước đổ lá khoai, nước đổ đầu vịt.

Sống trên đời con người luôn bị cám dỗ làm điều xấu, muốn làm điều tốt cũng không nổi. Chỉ có ơn Chúa, chỉ có sức mạnh thiêng liêng mới cứu vớt được người tội lỗi.

Xin thánh Giu-se giúp đỡ chúng ta.

14-3-2010

————

CN.4.MC.C

Trong tập sách “Truyện Lạ Về Thánh Giuse” kể rằng : có một bà người Canađa theo đạo Tin Lành. Bà rất thù hằn với người Công Giáo. Bà bị bệnh nặng, đã vào chữa trong các nhà thương mà không khỏi. Bà đành chịu cho đem vào chữa trong nhà thương Công Giáo. Bà vào bệnh viện đúng tháng thánh Giu-se. Các dì phước trong nhà thương thường khuyến khích các bệnh nhân kêu cầu thánh Giu-se. Bà khước từ nói :

– Thánh Giu-se à ? Tôi chẳng biết  ông ấy là ai ?

Vì nhà thương được đặt tên thánh Giu-se, các dì thưa lại :

– Bà ở trong Nhà Ngài mà lại không biết Ngài sao ?

Dù bà rất hằn học và cứng lòng, các dì cũng vẫn dịu dàng và không nản chí. Khi làm tuần chín ngày kính thánh Giu-se, các dì xin thánh Giu-se thương bà.

Một ngày kia các dì đem ảnh thánh Giu-se đến khoe với bà. Bà cầm lấy, ngắm nghía và hỏi :

– Ai đây ?

Các dì thưa :

– Thánh Giu-se đấy !

Lần này bà không từ chối. Bà xin các dì kể cho bà nghe thánh Giu-se là ai. Các dì đọc các chuyện thánh Giu-se trong Kinh Thánh cho bà nghe. Bà xin các dì cho bà mượn cuốn Kinh Thánh để bà đọc. Đến giữa tháng thánh Giu-se thì bà xin theo đạo. Cha tuyên úy nhà thương dạy giáo lý cho bà và rửa tội cho bà đúng vào ngày cuối tháng thánh Giu-se năm 1867. Hôm sau bà qua đời. Thánh Giu-se đem bà về thiên đàng.

Chúng ta hãy chạy đến thánh Giu-se, xin Người giúp chúng ta trở về với Chúa, với ”người cha nhân hậu”.

Thường người ta gọi bài TM Chúa nhật hôm nay là câu chuyện “Người Con Hoang Đàng” và người ta cũng ít khi để ý đến phần thứ hai, phần “Người Con Cả”. Vì thế, người ta chỉ đọc được ý nghĩa sám hối trở về của người con thứ, mà không khám phá ra tấm lòng thương yêu của người cha; đồng thời người ta cũng không nhận ra sự nhẫn tâm, hẹp hòi của người con cả.

Theo luật Do-thái, khi sắp qua đời, người cha chia giai tài cho các con trai. Người con cả được 2/3 gia tài, người con thứ được 1/3. Người cha còn đang sống, vậy mà người con thứ đòi chia giai tài, thì chẳng khác nào muốn cha mình chết quách đi cho rồi !

Khi ăn tiêu hết sạch, trong vùng lại xảy ra nạn đói, người con thứ đành phải đi ở cho một  người dân trong vùng, nghĩa là cho người ngọai giáo. Đối với người Do -thái, người ngọai giáo là kẻ thù, là người thuộc ma qủi. Làm đầy tớ cho kẻ thù, cho ma qủi thì chẳng còn giá trị gì nữa. Nhục hơn nữa anh ta còn bị bắt đi ra đồng chăn heo. Heo là con vật ô uế, người Do-thái bị cấm đụng chạm và ăn thịt heo.

Nhưng có khổ sở, có nhục nhã mới biết “mở mắt”. Người con thứ bấy giờ hồi tâm tự nhủ : “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha” (Lc 15,17-18).

Người con thứ trở về nhà cha, chỉ vì cái bụng đói, vì chén cơm manh áo, vì cơm dư gạo thừa của nhà cha, chứ anh chưa cảm được lòng bao dung tha thứ của người cha. Anh đâu có biết rằng khi anh chưa trở về, thì người cha đã nhớ anh từng giây từng phút. Hằng ngày ông ra cổng ngóng trông anh về. Vì thế, “anh ta còn ở đằng xa, người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để” (15,20).

Anh cũng đâu ngờ rằng người cha thương anh hơn anh nghĩ. Anh định nói : “Con đắc tội với Trời, và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Anh mới nói tới câu : ‘chẳng còn đáng gọi là con cha nữa’, thì cha anh đã như bịt miệng anh lại, không cho anh nói câu : “Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

Người cha vẫn coi anh là con, chứ không coi anh là người làm công, là đầy tớ. Ông gọi các người làm đến và bảo : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu (áo tượng trưng địa vị làm con), xỏ nhẫn vào ngón tay (nhẫn nói đến uy quyền), xỏ dép vào chân cậu (dép dành cho người tự do, người nô lệ đi chân không), rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (15,22-24).

Trái với lòng bao dung và quảng đại của người cha, lòng của người con cả thật hằn học và bủn xỉn.

Anh nói với cha anh : “Thằng con của cha đó” (15,30), anh không còn nhận nó là em của anh, và anh là anh của nó nữa. Người cha đâu có kể tội, lên án; còn anh, anh kể tội và lên án em mình : “Thằng con của cha đó…đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm” (15,30). Cha anh giết bê béo ăn mừng; còn anh lại nổi giận, không vào nhà dự tiệc mừng. Cha anh ra mời, anh cũng không thèm vào.

Cứ tưởng từ xưa tới nay, anh ở trong nhà, anh làm việc vì tình nghĩa cha con, vì tình thảo hiếu đền ơn; hóa ra anh là người ngòai nhà, anh là người làm công, nên nay anh đòi trả công. Anh nói : “Đã bao nhêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè” (15,29). Anh sống vì tiền bạc, chứ không vì tình nghĩa.

Chúa Giê-su kể câu chuyện “Người Cha Nhân Hậu”, khi những người Pha-ri-sêu và kinh sư thấy những người thu thuế và tội lỗi năng lui tới với Chúa (15,1), như thánh Lu-ca mở đầu câu chuyện  : “Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư xầm xì với nhau : ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (15,2

Ai  nghe câu chuyện này cũng hiểu : người cha là Thiên Chúa, người con thứ là người tội lỗi, và người con cả là những người Pha-ri-sêu và kinh sư.

Chúa Giêsu cũng không chỉ kể một câu chuyện “Người Cha Nhân Hậu”, mà trước đó Chúa đã kể hai câu chuyện “Con Chiên Lạc” và “Đồng Bạc Bị Mất”.

Con chiên lạc tượng trưng cho của cải, của cải chỉ có gía trị 1 phần 100, 1 trên 100 con chiên.

Đồng bạc bị mất tượng trưng cho tiền bạc, tiền bạc giá trị hơn, song cũng chỉ là 1 phần 10, 1 trên 10 đồng bạc.

Người con thứ tượng trưng cho người tội lỗi, dù tội lỗi tầy trời cũng vẫn có giá trị gấp bội, 1 phần 2, 1 trên 2 đứa con.

Chiên chỉ có giá trị 1 phần 100 mà còn đi tìm; đồng bạc chỉ có giá trị 1 phần 10 mà còn đi tìm, thì huống hồ là người tội lỗi gía trị 1 phần 2, làm sao không đi tìm ?

Qua câu chuyện “Người Cha Nhân Hậu”, chúng ta mới thấy lòng Chúa khoan dung và tha thứ; trái lại lòng con người chúng ta vừa hẹp hòi, lại vừa nhẫn tâm.

Xin thánh Giu-se giúp chúng ta trở về với Chúa.

18-3-2007

—————–

CN.4.MC.C

“Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy”. Đó là lời đáp ca của Chúa nhật IV Mùa Chay hôm nay. Qua những biến cố cuộc đời của chính mình, chắc hẳn chúng ta đã cảm nghiệm được Chúa tốt lành. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay đã cho chúng ta biết dân Do Thái, thánh Phao-lô và người con hoang đàng đã cảm nghiệm được Chúa tốt lành.

 

Bài đọc 1 :  Sách Xuất Hành đã kể lại lễ Vượt Qua đầu tiên, khi người Do-thái ra khỏi nước Ai-cập như sau : “Đức Chúa phán với ông Mô-sê và A-ha-ron trên đất Ai-cập…Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en :…Ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tùy theo số người… Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không qúa một tuổi…Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng…Các ngươi phải ăn thế này : lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã : đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa” (Xh 12,1-11).

Sách Xuất Hành kể tiếp : “Ông Mô-sê nói : Khi được vào đất mà Đức Chúa ban cho anh em như Người đã phán, anh em sẽ giữ nghi lễ đó. Khi con cháu anh em  hỏi anh em : ‘Nghi lễ này có ý nghĩa gì’, anh em sẽ trả lời : Đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Ít-ra-en tại Ai-cập khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn” (Xh 12,25-27).

Lễ Vượt Qua đầu tiên trong sách Xuất Hành dưới thời ông Mô-sê là lễ mừng “vượt qua” cảnh nô lệ Ai cập. Lễ Vượt Qua trong bđ1 thời ông Giô-suê là lễ mừng được vào xứ Ca-na-an. Chúng ta biết sách Giô-suê được hoàn thành trong thời dân Do-thái bị lưu đày bên Ba-by-lon. Sách kể lại cuộc hành trình vào đất Ca-na-an và phân chia đất đai cho 12 chi tộc, để nói lên Thiên Chúa đã giữ lời hứa với các tổ phụ và ông Mô-sê. Vậy bây giờ, tuy sống trong cảnh lưu đày mất nước, dân Do- thái hãy vững tin vào lời hứa của Chúa, sẽ có ngày Chúa ra tay giải thoát và cho trở về lại với xứ sở quê hương, miễn là trung thành với Lề luật của Chúa. Qủa thật, 50 năm sau, Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày Ba-by-lon và cho trở về xây dựng lại Đền thờ Giê-ru-sa-lem và quê hương.

 

Bài Tin Mừng : Người ta thường đặt tên cho câu chuyện trong bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay là “Người con hoang đàng”, nhưng đúng hơn phải gọi tên cho câu chuyện là “Người cha nhân hậu”.  Có nhà Thánh Kinh còn đặt tên là “Người cha có hai người con”, nghĩa là một đứa cảm nghiệm được lòng cha, một đứa thì  không.

Qua câu chuyện, người con út đã cảm nghiệm được lòng cha tốt lành biết mấy. Người con út tội lỗi ngập đầu, nhưng người cha tha hết.

Tội thứ nhất là : theo tục lệ, chỉ khi người cha chết mới được chia gia tài, người con cả được 2/3, người con út được 1/3. Cha còn sống mà đòi chia gia tài, người con út đã hành động chẳng khác gì muốn cho cha mình chết đi cho rồi.

Tội thứ hai là phung phí của cải, mà người anh cho là tội “nuốt hết của cải của cha với bọn điếm” (Lc 15,30).

Người con út biết tội mình qúa nặng, nên khi trở về chỉ dám xin cha “coi như một người làm công cho cha”, chứ không “đáng gọi là con” (15,19). Nhưng, lòng thương của cha vượt qúa ý nghĩ của anh, anh đã không ngờ cha anh tốt lành vô cùng : “ôm cổ anh và hôn lấy hôn để” (15.20). Thấy cha thương qúa đỗi như vậy, anh chỉ có thể nói được “Con đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”, anh không thể nói thêm “xin coi con như một người làm công cho cha”. Nói thêm là phụ lòng cha, lòng cha yêu thương và tha thứ.

Hơn nữa, người cha đã mong mỏi đứa con trở về từ lâu, nên khi thấy con đã đủ, không cần con phải xin lỗi, phải phân trần. Chẳng những không coi con là người làm công, người cha còn trả lại quyền làm con cho anh. Người cha bảo đầy tớ : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu” (15,22). Quần áo biểu tượng cho phẩm giá, nhẫn biểu tượng cho quyền bính, còn dép chỉ dành cho người tự do, nô lệ đi chân không. Rồi người cha bảo “đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng” (15,23).

Người ta thường kể câu chuyện đến đó là hết, quên đi phần người anh cả. Người anh cả ở ngoài đồng về “nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra hỏi xem có chuyện gì” (15,25-26). Khi biết là cha mở tiệc ăn mừng thằng em trở về, thì “nổi giận và không chịu vào nhà” (15,27-28). Cha ra mời, anh cũng không vào. Anh không thể chung vui, không thể mừng đứa em “đã chết, nay sống lại; đã mất nay lại tìm thấy” (15,32).

Người con út đã cảm nghiệm được người cha “tốt lành biết mấy”, còn người anh không cảm nghiệm được. Cảm nghiệm được lòng cha, người con út chỉ đáng là người làm công thì nay được nhận làm con. Không cảm nghiệm được lòng cha, người anh là con thì nay tự mình nhận là người làm công. Là người làm công thì chỉ coi cha là ông chủ phải trả công cho mình : “Đã bao năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè” (15,29), và coi người em là người dưng nước lã, không phải là  em mình : “Còn thằng con cha đó” (15,30).

Tại sao người em cảm nghiệm được lòng cha, còn người anh thì không ?

1- Vì người em nhận ra tội lỗi của mình : “Con thật đắc tội với Trời và với cha” (15,18). Còn người anh không nhận ra tội mình, chỉ nhìn thấy tội của người em. Người anh giống như những người Pha-ri-sêu và các kinh sư xầm xì với nhau về Chúa Giê-su : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (15,2-3). Không nhận ra tội, thì cũng không nhận ra lòng cha tốt lành.

2- Vì người em đã phải sống trong thảm cảnh xa cha : “Phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng, … sai anh  ra đồng chăn heo,…ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho, …phải chết đói ở đây” (15,15-17). Heo là vật ô uế. Người Do thái không được nuôi heo, mà cũng không được ăn thịt heo. Phải đi chăn heo, ăn cám heo là nỗi nhục, không còn gì là phẩm giá. Có xa nhà mới nhớ nhà. Có bệnh tật mới qúi sức khoẻ. Đau khổ đôi khi cũng giúp con người đứng lên, làm lại cuộc đời.

Cuốn phim “ The Passion of Christ” (Cuộc Thương khó của Chúa Kitô) là cuốn phim ăn khách nhất hiện nay. Đạo diễn là ông Mel Gibson. Ông đẹp trai. Ông mong là một tài tử nổi tiếng. Ông bị bọn cướp đánh. Mặt mũi trở nên xấu xí. Ông buồn. Ông muốn đi tự tử. Ông vào nhà thờ. Ông gặp được một linh mục. Linh mục an ủi ông và giúp ông sửa lại khuôn mặt. Ông trở thành một tài tử nổi tiếng của Hollywood. Tiền nhiều và tiếng tăm làm ông sa đọa. Ông nghiện rượu. Ông đọc một cuốn sách do một nữ tu viết vào thế kỷ 18. Ông làm lại cuộc đời. Ông hứa sẽ làm một cuốn phim, để biểu lộ đức tin và diễn tả cuộc thương khó của Chúa đã chịu vì tội lỗi loài người.

 

Bài đọc 2 : Thánh Lu-ca còn kể hai câu chuyện nữa là “Con chiên lạc” và “Đồng bạc bị mất”, nhưng câu chuyện “Người cha có hai người con” nói lên lòng Chúa tốt lành hơn cả, vì con chiên chỉ có giá trị 1/100, đồng bạc là 1/10, còn con người là 1/2. Con người có giá trị cao vời. Chính vì thế, trong bđ2, thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đã nói lên lòng Thiên Chúa tốt lành : sai Chúa Ki-tô xuống thế để tha tội cho loài người : “Đấng chẳng biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính” (2Cr 5,21).

Ước gì trong Mùa Chay này chúng ta xin thánh Giu-se giúp chúng ta cảm nghiệm được Chúa tốt lành, Chúa thương chúng ta.

Linh mục Nguyễn Trung Thành