Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B – Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Bài đọc I: 2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29
Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.
Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”
Bà nói với người con út : “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”
Đó là Lời Chúa
Hoặc đọc: Kn 3, 1-9
“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.
Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-39
Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?
Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.
Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.
Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 5,10
Alleluia, alleluia! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Alleluia
Phúc Âm: Lc 9,23-26
Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
HY VỌNG KHÔNG LÀM THẤT VỌNG
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Trong sắc chỉ năm thánh 2025, “Spes non confundit, Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Mọi người đều hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Dù vậy, tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ” (1). Vâng, Các bài Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tìm ra những lý do cho niềm hy vọng ấy.
Bài đọc 1, Tiên tri Đanien thường viết văn chương mạc khải nói về thời cánh chung sẽ đến, thời đó ngặt nghèo chưa từng thấy. Đến bài Tin Mừng, Thánh Máccô cũng dùng văn chương mạc khải mô tả những tai họa thảm khốc của vũ trụ, nhắm mục đích mạc thị về Đấng Cứu Thế sẽ quang lâm để lãnh đạo Israel dân Người trong ngày sau hết. Và bài học rút ra là đến ngày ấy xảy ra, Chúa Giêsu quang lâm còn thấy đức tin của chúng ta nữa không? Vậy, chúng ta đối diện với một bí nhiệm đáng cho ta khiếp sợ: mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, các tinh tú từ trời sa xuống, tất cả ám chỉ những gì diễn ra ngày cánh chung trong lĩnh vực đức tin. Chẳng hạn, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta mừng lễ hôm nay cũng vậy. Khi biết trước bản án tử hình, xử trảm, phanh thay, tùng xẻo… Các Ngài có còn niềm hy vọng tin vào Thiên Chúa không? Còn chúng ta khi gặp cơn hiểm nguy về thân xác, nhất là biết căn bệnh của mình là trái bom nổ trong vài ngày, vài tuần, chúng ta còn hy vọng Chúa không, tương lai chúng ta sẽ kết liễu trong một thảm họa mịt mùng, chúng ta còn đức tin không? Trong viễn tượng đó, làm thế nào để bảo toàn niềm hy vọng? Để trả lời chúng ta hãy đặt 2 câu hỏi: Hy vọng của chúng ta phải hướng về ai và mục tiêu nào?
Thứ nhất, hy vọng của chúng ta phải hướng về sự hiển trị của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trong ngày sau hết. Người ta sẽ thấy Con Người đến với quyền năng cao cả và vinh quang. Những kẻ nào làm cho ánh sáng đức tin ra tối tăm sẽ bị khai trừ, không được hiệp thông vinh hiển với Đức Kitô. Trái lại, những ai thành tâm thiện chí tin vào Đức Giêsu, những kẻ ‘được tuyển chọn’ sẽ được thu họp từ bốn phương, từ tận cùng mặt đất đến tận cùng chân trời, để được ohục sinh hiển trị với Chúa. Do đó, bất kể những thăng trầm trong lịch sử loài người, và cả trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy các Thánh đặc biệt là các Thánh tử đạo tại Việt Nam của chúng ta đã đặt niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, Chúa tể vũ trụ. Chính vì thế, dù có bị roi đòn, gươm vung… các Ngài vững tin rằng: “Chúa Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. […] Niềm hy vọng này không làm cho chúng ta phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,1-2.5).
Thứ hai, niềm hy vọng của chúng ta hướng đến mục tiêu nào? Niềm hy vọng của chúng ta phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá như Lời Thánh Phaolô xác tín: “Nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5,10). Vâng, chính sự sống của Chúa Giêsu được biểu lộ nơi đời sống đức tin của chúng ta, khởi đầu bằng phép Rửa, tăng triển trong sự mở lòng trước ân sủng của Thiên Chúa qua việc lãnh nhận các bí tích từ đó đức tin của chúng ta được sinh động và can trường bởi đó niềm hy vọng của chúng ta luôn được đổi mới và nên vững mạnh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chính Chúa Thánh Thần luôn hiện diện cùng Giáo hội lữ hành để chiếu tỏa ánh sáng hy vọng trên chúng ta. Ngài giữ cho ánh sáng đức tin chúng ta luôn cháy như một ngọn đuốc không bao giờ tắt để nâng đỡ và ban sinh lực cho chúng ta. Do đó, niềm hy vọng của chúng ta không lừa dối cũng không làm thất vọng vì nó dựa trên niềm xác tín: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? […] Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”. Đúng thế, Thánh Phaolô xác tín rằng: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35.37-39). Đó là lý do tại sao niềm hy vọng này không nhượng bộ trước khó khăn: vì nó đặt nền tảng trên đức tin và được nuôi dưỡng bởi đức ái. Nó giúp chúng ta tiến bước trong cuộc sống. Vì thế, Thánh Augustinô đã viết: “Dù ở bậc sống nào, người ta cũng không thể sống nếu không có ba tâm tình này: tin, cậy [hy vọng], mến”.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người lấy niềm hy vọng vào Chúa Giêsu như lẽ sống để định hướng, hoặc vạch ra phương hướng và mục tiêu cho đời sống của người tín hữu mọi lúc mọi nơi và mọi ngày vì chúng ta kông biết ngày nào Chúa đến. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). Vậy với Chúa Giêsu Thánh Thể mà chúng rước Ngài vào trong lòng, chúng ta hãy hân hoan vui mừng và hy vọng bình an để luôn tỉnh thức sống trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh như Các Thánh Tử đạo tại Việt Nam vậy. Amen.
SUY NIỆM II
MỜI BẠN LÀM NHÂN CHỨNG
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật
Có lần nào ai trong chúng ta vào tòa án chưa nhỉ! Những hàng băng ghế lạnh ngắt, những khung cửa nặng nề, và một bầu khi uy nghiêm đến lạnh người Đến khi bị can bị dẫn ra thì cả cử tọa đều nhướng cổ lên để nhìn nó cho rõ, rồi lắng nghe những lời của bị cáo Nếu hắn có lỗi mà còn bai bải chối, thì cả phòng xử án cảm thấy tức tối, ai cũng muốn giơ tay lên xin làm nhân chứng, nói rõ các tội của bị can
Vậy hôm nay chúng ta dự một phiên tòa nhé!
Chiếu theo sắc lệnh thành lập tòa án lương tâm nhân loại. Chiếu theo biên bản điều tra về hết mọi việc đã xảy ra trong trời đất.
Chiếu theo lệnh truy tố của mỗi người sống trên trần gian.
Tôi, tuyên bố khai mạc phiên tòa đại hình…
Và truyền dẫn bị cáo ra trước vành móng ngựa Bị cáo bị dẫn ra kìa, hắn là ai thế! Có vẻ quen quen, ai nấy đều như đã thấy hắn ở một nơi nào đó Hắn tàng hình rất khéo Nhưng chẳng sao thoát được ánh mắt theo dõi và phân xử của cuộc đời Nơi đây, chính cuộc đời ngồi vào ghế công tố và bắt đầu đọc bản cáo trạng
Thưa quý tòa,
Hôm nay, cuộc đời xin ngồi vào ghế công tố để lôi cổ ra tòa một tên tội phạm đại hình sừng sỏ nhất. Hôm nay, cuộc đời xin đưa ra xét xử một vụ án gớm ghê nhất, nặng nề nhất và gây tác hại cho hết mọi người khắp nơi. Nếu nói toạc ra, thì hết thảy mọi người đang ngồi trên chiếc băng trong pháp đình này đều nhất tề đứng lên xin làm nhân chứng về những tội của bị can. Ai ai cũng là nạn nhân của bị cáo sừng sỏ này. Chỉ cần lật qua chồng hồ sơ ghi trong cuốn Kinh Thánh này đây, công tố viên cuộc đời đã đủ chứng cớ buộc bị cáo những tội hết sức gớm ghê.
Đó là: Hết thảy mọi người lẽ ra muôn đời phiêu phiêu trong cõi hư không, lại trở thành những con người thở hít hơi sự sống (x. St 2,7). Bị cáo chính là thủ phạm đã:
Vạch cương giới cho biển
Đặt nền móng cho trái đất
Và cột chặt mọi người canh cánh bên hắn ta, tựa như một đứa trẻ được cưng chiều. (Cn 8,29)
Đến khi loài người là đứa trẻ được cưng chiều đó len lén thoát khỏi tầm tay “kìm kẹp” của bị cáo, trong một chuyến rong chơi thưởng thức cây nhà lá vườn ở địa đàng (x. St 3,6) tưởng đã thoát, nhưng hắn ta vẫn một mực theo đuổi (x. Hs 11,8). Hắn ta rượt theo loài người ví thể gã chăn trâu, chăn bò rượt theo một con chiên lạc đàn (x. Lc 15,4). Cuối cùng, hắn cũng bắt được loài người, tóm lấy cổ và tống vào một nông trường vĩ đại rộng khắp hoàn vũ (x. St 12,8), chia công tác phải “vun tưới cây cỏ, chăn nuôi chim trời cá biển và muôn thú” (St 2,30). Sau khi giao công việc cho loài người, hắn trốn biệt với lời dặn “cố mà làm ăn, mai mốt Ta trở lại là phải nộp cả vốn lẫn lời đấy nhé!” (x. Lc 19,13-23).
Thế mà chưa hết. Hắn còn mưu toan đột nhập vào thế giới.
Chứng cớ rành rành đây:
Tuy vẫn là Thiên Chúa…
Nhưng trở thành giống hẳn người đời đem thân phận đội lốt người phàm (x Pl 2,6 7)
May thay, nhân dân đã kịp thời phát hiện hành động đột nhập này, và kiên quyết trừng trị trong một phiên tòa hỗn loạn dưới quyền chánh án mềm mỏng Philatô (x. Ga 19,15). Hắn ta đã bị tuyên án tử hình, đã bị hành quyết, lôi xác vất ra bên ngoài thành phố (x. Mt 21,39).
Ấy thế mà bị cáo vẫn không hề hối lỗi, cho tới hôm nay, hắn còn tiếp tục “ở lại trên hoàn cầu cho tới tận cùng thời gian” (Mt 28,28), lúc nào cũng đứng chực bên cánh cửa khép kín của thế giới, đưa tay gõ dồn dập, chỉ chờ đợi ai hé mở là chui tọt vô, leo lên bàn ăn, ăn chia một bữa cơm tối (x. Kh 3,20).
Từ những bằng chứng đó, công tố viên đề nghị truy tố trước tòa án lương tâm thế giới:
Bị cáo: Thiên Chúa – hiện thân cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô.
Can tội: Yêu thương, dám yêu thương thế giới, cho dù bị cự tuyệt vẫn không ngừng đeo đuổi.
Đề nghị: quý tòa tuyên một bản án thật nghiêm khắc và tra hỏi cặn kẽ các nhân chứng đang hiện diện đầy đủ trong phiên tòa.
* * * * *
Bất kỳ lúc nào, và ở khắp mọi nơi, phiên tòa trần gian cũng đang phán xử Thiên Chúa như thế đó. Tòa mời mỗi người ra làm nhân chứng Bạn có thấy Thiên Chúa phạm tội yêu tầy đình đó không? Xin mời ra làm chứng Đôi khi chính bạn còn là nạn nhân của tội tầy đình đó nữa chứ! Thế thì, hỡi hết thảy những nạn nhân của Thiên Chúa, các bạn có dám ló mặt ra cho cuộc đời nhìn thấy những dấu hằn yêu thương mà bị cáo đã in trên con người và cuộc đời của chúng ta không?
Ngày nay, chúng ta thành kính nhớ lại lời làm chứng của vô vàn anh chị tín hữu đã nêu lên trên đất Việt chúng ta vào những thế kỷ trước. Tử đạo là một cách làm chứng cho “tội yêu của Thiên Chúa” Tòa án cuộc đời còn tiếp tục nhóm họp, và sẽ tra hỏi cặn kẽ lời chứng của mỗi người Khi cuộc đời hỏi đến, chúng ta có bằng chứng để nêu ra tố cáo tội yêu của Thiên Chúa không? Đã bị làm nạn nhân của Thiên Chúa rồi, ta có dám trưng ra vết hằn yêu thương mà Thiên Chúa đã in sâu trên cuộc đời mình không?
Những con người bị Thiên Chúa yêu thương, hôm nay sẽ làm chứng tình yêu đó bằng cách nào? Mỗi người hãy tìm ra lý lẽ mạnh nhất để cho cuộc đời đủ bằng chứng kết án
Quả thật, vịn vào bằng chứng của ông này, bà này, anh này, chị này… Tòa nhất trí quyết định bị cáo “Thiên Chúa quả đang phạm tội yêu thương thế giới”
(viết theo anh Thanh Nhơn)