Đại Lễ Giáng Sinh


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

Bài Ðọc I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6)

“Chúa ban Con của Người cho chúng ta”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]

Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Ðavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 11-12. 13

Ðáp: Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Ðức Kitô, Chúa chúng ta

Xướng:  Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người..

Xướng:  Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc..

Xướng:  Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.

Xướng:  Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành..

 

Bài Ðọc II: Tt 2, 11-14

“Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 2, 10-11

Alleluia, alleluia! – Ta báo cho anh em một tin mừng: Hôm nay Ðấng Cứu Thế, là Chúa Kitô, đã giáng sinh cho chúng ta. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 2, 1-14

“Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Ðavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Ðavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.

Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.

Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.

Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Ðó là lời Chúa.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA LỄ RẠNG ĐÔNG

Bài Ðọc I: Is 62, 11-12

“Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa làm cho nghe thấy tận cùng cõi trái đất rằng: Hãy nói với thiếu nữ Sion: Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến. Người đem theo phần thưởng với Người và sự nghiệp trước mặt Người. Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân thánh. Còn ngươi, ngươi sẽ được gọi là thành quý chuộng, thành không bị bỏ rơi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1 và 6. 11-12

Ðáp: Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta.

Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy nhảy mừng, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui! Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.

Xướng: Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người!

 

Bài Ðọc II: Tt 3, 4-7

“Chúa đã cứu độ chúng ta theo lượng từ bi Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Khi Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta, bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 2, 14

Alleluia, alleluia! – Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 2, 15-20

“Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: “Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Ðó là lời Chúa.

LỄ ĐÊM

SUY NIỆM I

HÀI NHI GIÊ-SU LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

(Hội An 24/12/2024)

Lm. Gius Nguyễn Văn Thú

Một lần nữa thế giới lại mừng lễ Giáng sinh. Bầu khí an bình lan tỏa khắp nơi, thậm chí, nhiều lời kêu gọi mọi cuộc chiến trên thế giới ngừng bắn, để ai nấy được hưởng sự an hòa của đêm thánh, được nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thót giữa đêm ngổn ngang giá lạnh. Tuy nhiên, trong lúc tưng bừng mừng lễ, hàng triệu người bỏ lỡ niềm vui đích thực của lễ Giáng sinh, đó là quên rằng hôm nay là ngày mừng Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người đã giáng sinh ở giữa nhân loại chúng ta cách đây hơn 2.000 năm, là ngày trọng đại đối với nhân loại, đến nỗi lịch sử nhân loại phải bước sang một thời kỳ mới.

Vào đêm Giáng sinh năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc một biến cố kéo dài một năm được gọi là Năm Thánh. Năm Thánh này sẽ tập trung vào chủ đề “Những người hành hương của Hy vọng”. Biến cố giáng sinh cho thấy rõ, niềm hy vọng của nhân loại là một con người chứ không phải một ý niệm trừu tượng. Niềm Hy Vọng đó nằm trong máng cỏ và được các thiên thần trên trời ca ngợi. Niềm Hy Vọng đó chính là Đấng các ngôn sứ gọi là “Emmanuel,” Thiên-Chúa-ở cùng-chúng-ta. Đấng là Hy Vọng nằm trong máng cỏ đã làm cho Mẹ Maria và thánh Giuse ngạc nhiên, đã lôi cuốn các mục đồng đến thờ lạy và hấp dẫn các đạo sĩ thông thái từ phương đông đi đến cuối con đường hy vọng và gặp được Hài Nhi Giê-su, Đấng là Hy Vọng. Chúa Giê-su là niềm hy vọng của nhân loại mọi thời.

  1. Hài Nhi Giê-su là Niềm Hy Vọng của nhân loại

Giữa một dân tộc đầy tội lỗi như dân Israel hay một thế giới đang bị tội lỗi hủy hoại dần dần, thì sẽ không có bất kỳ nguồn hy vọng nhân loại nào có thể cứu lấy. Một nền giáo dục sẽ không giải quyết vấn đề. Một chính phủ cũng không có đủ quyền năng làm cho thế giới tốt hơn, đặt ra nhiều luật lệ cũng chẳng đi tới nguồn cội vấn nạn. Đó là lý do Thiên Chúa đến cứu độ con người và như thánh Phaolô tuyên xưng, Ngài là niềm hy vọng của chúng ta trong một thế giới chới với (x. 1Tm 1,1).

Là niềm hy vọng của nhân loại, Thiên Chúa khai mở con đường hy vọng bằng lời hứa sẽ ban Đấng cứu độ cho thế giới. Khi con người phạm tội và mọi sự bế tắc, thì Thiên Chúa hứa ban Đấng cứu độ. Dựa vào lời hứa của Thiên Chúa, nhân loại như những người lữ hành bước đi trong lịch sử của mình với niềm hy vọng Đấng cứu độ sẽ đến giải thoát khỏi tội lỗi và mọi hậu quả của tội lỗi. Lời hứa ban Đấng cứu độ càng rõ hơn, làm dậy lên niềm hy vọng cho nhân loại, ngay cả trong cuộc đời khốn khổ của kiếp lưu đày, khi ngôn sứ Isaia loan báo: “Chính Đức Chúa sẽ ban cho các ngươi một dấu. Này đây một trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). “Emmanuel” có nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Đứa con người trinh nữ sinh ra sẽ là niềm hy vọng của toàn thể nhân loại mong đợi, bởi đó là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại, là Đấng Hy Vọng mà mọi người trên đường hy vọng sẽ gặp cuối con đường hy vọng.

Đến thời đến buổi, Thiên Chúa tỏ một dấu hiệu trên bầu trời thu hút sự chú ý của các nhà thông thái, một ngôi sao lạ như ngọn đèn dẫn đường. Là những người lữ hành, các nhà thông thái nhìn thấy ngôi sao. Họ nhìn thấy ngôi sao như tia hy vọng sáng lóe lên trong hành trình tìm kiếm niềm vui giữa cảnh tăm tối của đêm giá lạnh, nhưng họ vẫn biết rằng còn điều gì hơn thế nữa, hơn dấu hiệu ngôi sao. Ngôi sao này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, còn họ tiếp tục đi trong con đường hy vọng và cuối cùng, họ gặp thấy Đấng là Niềm Hy Vọng của họ trong hình hài một Hài Nhi được quấn tã nằm trong máng cỏ. Họ quỳ xuống sụp lạy Ngài và dâng lễ vật. Thờ phượng Chúa Giê-su là niềm vui mừng gặp gỡ Đấng là Hy Vọng cho những ai đi trên con đường hy vọng và cũng là khởi đầu mối tương quan của những người hành hương với Chúa Giê-su trong cuộc hành trình hy vọng tiến về Chúa Cha.

  1. Để Đấng là Hy Vọng lớn lên trong ta

  Từ tia sáng hy vọng của một ngôi sao, các nhà thông thái và các mục đồng lần đầu tiên gặp Chúa Giê-su. Còn con đường chúng ta đi? Chúng ta giống các nhà đạo sĩ thông thái. Giữa những thao thức và gian truân của cuộc đời, nhất là sự ràng buộc của tội lỗi cứ quấn lấy làm tâm hồn chúng ta trở ra nặng nề khó thở, chúng ta muốn tìm một giải pháp cho gánh nặng ấy. Hôm nay, Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta đi vào con đường hy vọng của Ngài. Chúng ta cùng tiến bước.

Như những nhà đạo sĩ thông thái, chúng ta ngước nhìn lên với niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Abraham được Thiên Chúa kêu gọi ngước nhìn lên, dân Chúa cũng được thánh Phaolô mời gọi ngước nhìn lên như thế, vì niềm hy vọng cuộc đời chúng ta không đến từ một ai khác ngoài Thiên Chúa. Ngước nhìn lên, chúng ta sẽ gặp thấy ánh sáng Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta như ngôi sao, cho đến khi chúng ta tìm thấy điều mình tìm kiếm là Thiên Chúa. Nhưng thay vì gặp thấy một Thiên Chúa quyền năng đáng sợ, chúng ta gặp Ngài là một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ, Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng -chúng-ta, chính là Niềm Hy Vọng của chúng ta.

Ai nấy trong chúng ta đều có kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ đầu tiên với Thiên Chúa làm người. Gặp gỡ Hài Nhi Giê-su, các đạo sĩ thông thái để Chúa Hài Đồng lớn lên trong họ, họ sống thân thiết với Chúa mọi ngày. Cuộc đời của các mục đồng là những người sống đơn sơ cũng có kinh nghiệm để Chúa Hài đồng lớn lên trong họ. Chúng ta cũng hãy để Chúa Hài Đồng lớn lên trong chúng ta, nghĩa là làm cho sự thân thiết với Chúa ngày càng lớn lên bằng đời sống cầu nguyện, đọc lời Chúa và tham dự thánh lễ và trò chuyện với Chúa cách cá vị. Đó là lúc chúng ta gặp Chúa Giê-su, Đấng là Hy Vọng của chúng ta và là tác nhân hy vọng mọi ngày đời của chúng ta.

Xin Chúa cho chúng con biết đặt hy vọng vào Chúa và phó thác đời con cho Chúa.

SUY NIỆM II

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

CÁI ĐÊM HÔM ẤY…

Đêm tối và đứa trẻ

Ðêm nay, bầu trời cũng tối như mọi đêm, cũng lặng lẽ và giá lạnh như những đêm đông khác.

Ðêm nay, mỗi người vẫn ngủ yên trong mái nhà của mình, hay miên man với những thú vui của mình.

Ðêm nay, mỗi người vẫn có những dự tính phải lo toan, hay vẫn oằn vai dưới gánh nặng cuộc sống.

Và cũng đêm nay, một đứa trẻ vừa mới chào đời tại một hang đá bên ngoài thành phố, bởi vì cha mẹ của đứa trẻ “không tìm được chỗ trong quán trọ.”

Cùng lúc ấy, những người chăn chiên đang canh giữ đàn vật tại cánh đồng được nghe lời loan báo: “Hôm nay, Ðấng cứu độ anh em đã ra đời trong thành vua Đavít, Người là Ðấng Kitô, là Ðức Chúa.”

Quả thật, “trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, yếu đuối như bất cứ đứa trẻ nào khác, chính là Con Thiên Chúa làm người.

Chính trong đứa trẻ này, “Thiên Chúa đã nhảy ra khỏi tàu” (ÐHY Etchegaray), Người đã từ vĩnh cửu bước vào trong thời gian, đã từ vô cùng đi vào hữu hạn.

Thiên Chúa làm người có nghĩa là giữa Thiên Chúa vĩnh cửu và con người hữu hạn đang thành hình một cộng đổng nhân vị, một tương giao thâm sâu vượt trên mọi thứ tương giao khác. Qua trẻ thơ bé nhỏ và yếu đuối này, cộng đổng nhân vị giữa Thiên Chúa và loài người đạt tới tầm mức cao cả nhất của sự hòa hợp: Thiên Chúa đón nhận con người vào trong cuộc sống thần linh, con người được đối diện trực tiếp với Thiên Chúa. Hay nói cách khác, đó là một cộng đổng mà “một trái tim cạnh một trái tim” (K. Rahner). Con người được nghe tiếng thì thầm của Thiên Chúa, lời tình yêu, và Thiên Chúa đón nhận toàn bộ cuộc sống của con người với tất cả những khổ đau và phiền muộn của thân phận này.

Như thế, giữa đêm đông giá lạnh của trần gian, Thiên Chúa đã đến để thắp lên ngọn lửa vĩnh cửu, ngọn lửa đem lại hơi ấm và ánh sáng.

Giữa đêm đông của cô đơn và đam mê, giữa đêm đen của chia rẽ và hận thù, Thiên Chúa đã đến để xóa tan mọi hiềm khích và nghi ngờ. Người đã đến để trao tặng bình an và bắt đầu công cuộc quy tụ tất cả thành một. Người đã đến để lập một trật tự mới, trật tự trong quy tụ và bình an.

Giữa bóng tối của lầm lạc và tuyệt vọng, Thiên Chúa đã đến để vạch ra một con đường, bởi vì trẻ sơ sinh bé nhỏ ấy là một con người cao cả, Con Người đích thực. Nơi Con Người ấy, nhân loại bắt đầu một đời sống mới, hướng nhìn về tương lai phía trước với hy vọng và mục đích rõ ràng. Nơi Con Người ấy, nhân loại được “làm người”, tức là trở thành con người đúng nghĩa, trở thành con Thiên Chúa.

Giữa bóng tối của khổ đau và đợi chờ, Thiên Chúa đã thực hiện toàn bộ những lời hứa trong Cựu Ước. Người can thiệp vào lịch sử nhân loại cách dứt khoát để cứu độ những kẻ là Dân của Người.

Qua trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ, Thiên Chúa đã bắt đầu cuộc gặp gỡ chung cuộc với nhân loại: trước hết qua những người chăn chiên, và sau đó, qua những hiền sĩ từ phương Ðông đến. Cái hang đá tầm thường này trở thành điểm gặp gỡ, đồng thời cũng là nơi khởi đầu cho một hành trình rất dài: hành trình của chính đứa trẻ, hành trình của toàn thể nhân loại tiến về với Thiên Chúa là Cha.

Ðêm nay, một đêm ngắn ngủi nhưng lại rất dài, một đêm như mọi đêm, nhưng lại là vĩnh cửu, là khởi đầu của Lịch Sử.

Thiên Chúa, Người vẫn thế

Cho đến ngày nay, vẫn còn không ít người lấy làm ngạc nhiên khi đọc lại lời loan báo của sứ thần với những người chăn chiên: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Tại sao Thiên Chúa lại xuất hiện trong khung cảnh tầm thường và khó nghèo như thế?

Quả thực, con người phải luôn cố gắng giữ mình để khỏi choáng váng trước những “cách thế” của Thiên Chúa. Mỗi biến cố do Thiên Chúa đề xuất phải được đón nhận trong lòng tin chứ không phải chỉ bằng lý luận. Con người phải luôn sẵn sàng tìm hiểu điều Thiên Chúa muốn dạy bảo qua từng hoàn cảnh, đôi khi rất khó tưởng tượng.

Thiên Chúa vẫn thế, Người thường xuất hiện ở những nơi người ta ít chờ đợi Người nhất. Người thực hiện những kỳ công theo cách thế riêng của Người. Chỉ có Thiên Chúa mới đưa ra những sáng kiến lạ lùng, và chỉ những ai có tinh thần trẻ trơ mới có thể hiểu được.

Tuy vậy, không phải Thiên Chúa muốn hù dọa con người hay làm cho họ bị choáng ngợp. Chính Người là Tình Yêu, tình yêu đích thực. Tình yêu ấy luôn thực hiện những điều tốt đẹp cho con người. Và cũng tình yêu ấy luôn có những cách thế phù hợp để tự bày tỏ chính mình, đồng thời bày tỏ những điều lớn lao, vượt trên mọi thứ suy luận phàm trần.

Như thế, trong khung cảnh êm đềm của ngày lễ Giáng Sinh, sứ điệp của Thiên Chúa chính là tình yêu được trao tặng cho nhân loại, đặc biệt cho những thành phần vốn bị xã hội coi thường, những thành phần bị gạt ra bên lề, chẳng hạn như những người chăn chiên đang ngủ đêm tại cánh đổng.

Do đó, Con Trẻ Bêlem trở thành một bài học về những sáng kiến diệu kỳ của Thiên Chúa, Con Trẻ ấy cũng là một mẫu gương cho bất cứ ai muốn gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn đến với con người trong những cái bình thường, bình thường đến nỗi họ không nhận ra. Nhưng đằng sau cái bình thường ấy, lại là những điều quá lớn lao mà chưa bao giờ họ ngờ tới.

Tiếng nói cuối cùng

“Thiên Chúa đã đến, Người hiện diện, hoàn toàn khác với những điều chúng ta mong muốn. Trong biến cố này, mọi chuyển động đều hướng về một đích điểm duy nhất, và tận điểm đã được xác định rõ ràng. Chúng ta được kêu mời, cùng với cả trần gian, đến chiêm ngưỡng khuôn mặt của chính Thiên Chúa với tất cả nét huy hoàng rực rỡ. Công bố mầu nhiệm Giáng Sinh chính là bày tỏ cho toàn thế giới biết rằng, qua Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã nói lên tiếng nói cuối cùng, tiếng nói thâm sâu và tuyệt vời. Lời ấy đã được gieo vào giữa lòng nhân loại và không thể bị lấy mất được, bởi vì đó là một hành động dứt khoát của Thiên Chúa, và bởi vì chính Thiên Chúa vẫn đang hiện diện giữa thế giới. Lời ấy chính là một lời tâm sự, một lời reo vui có ý nghĩa là: “Ôi trần gian, Ta mến thương ngươi! Ôi con người, Ta yêu mến ngươi! …””

(Theo K.Rahner)

 

SUY NIỆM III

CON THIÊN CHÚA ĐẾN ĐỂ BAN BÌNH AN VÀ GẶP GỠ CON NGƯỜI

Kính thưa cộng đoàn. Đêm nay, cả vũ trụ dường như lắng lại. Dưới ánh sáng lung linh của ngôi sao dẫn đường, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm một mầu nhiệm lớn lao: Con Thiên Chúa đã đến với nhân loại. Giáng Sinh không chỉ là một lễ hội, một kỷ niệm lịch sử. Giáng Sinh là lời mời gọi để mỗi người chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa đang đi bước trước, đến để gặp gỡ con người, để ban bình an, và để trao tặng tình yêu.

Hãy thử nhìn lại câu chuyện đầu tiên của đêm Giáng Sinh. Một Hài Nhi bé nhỏ được sinh ra tại Bê-lem, trong một hang đá đơn sơ. Không ánh hào quang rực rỡ, không cung điện xa hoa. Chỉ có Mẹ Maria, Thánh Giuse, và một vài mục đồng đơn sơ. Tại sao Thiên Chúa lại chọn cách đến với chúng ta như vậy? Đơn giản thôi, vì Chúa muốn nhắn nhủ: Ngài không đến để tìm quyền lực, Ngài đến để gặp gỡ. Ngài không đến để phán xét, Ngài đến để yêu thương. Ngài không đến để tạo khoảng cách, Ngài đến để đồng hành.

Khi các thiên thần loan báo tin vui cho các mục đồng, họ hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14). Đó không chỉ là một lời ca tụng, mà còn là một thông điệp trọng tâm của Giáng Sinh: Bình an mà Chúa Giê-su mang đến không phải là sự vắng bóng xung đột, mà là hòa giải. Là sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.

Trong sách Isaia, Chúa Giê-su được gọi là “Hoàng Tử Bình An” (Is 9,6). Ngài mang lại bình an cho tâm hồn chúng ta qua sự tha thứ và lòng thương xót. Nhưng điều đáng suy nghĩ là: Bình an ấy không tự nhiên mà có. Bình an đòi hỏi chúng ta phải dám thay đổi, dám nhìn vào chính mình.

Tôi nhớ một câu chuyện đơn giản nhưng rất ý nghĩa.

Quạ và chim bồ câu là bạn tốt của nhau, cùng sống trong một khu rừng. Một ngày kia, quạ quyết định rời đi vì cảm thấy mọi người không thích tiếng kêu của mình. Trước khi đi, quạ nói với bồ câu:

“Mọi người ở đây ghét tiếng kêu của tôi. Tôi không thể ở lại được nữa.”

Chim bồ câu đáp lại:

“Nếu không thay đổi tiếng kêu của mình, thì dù cậu bay đến đâu, mọi chuyện cũng sẽ như cũ.”

Quả thật, nếu chúng ta chỉ đổ lỗi cho người khác, chúng ta sẽ mãi mãi không tìm thấy bình an. Nhưng khi biết nhìn lại chính mình, biết sửa đổi bản thân, mọi chuyện sẽ sáng tỏ. Bình an bắt đầu từ sự thay đổi trong tâm hồn.

Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục đi vào cuộc đời chúng ta, để mời gọi mỗi người trở thành sứ giả bình an. Chúa Giê-su đến không phải để giải quyết mọi vấn đề thay chúng ta, mà để dạy chúng ta cách sống bình an, bằng yêu thương, tha thứ và hòa giải.

Kính thưa cộng đoàn, đêm nay, trong ánh sáng của Hài Nhi Bê-lem, mỗi chúng ta hãy tự hỏi:

  • Tôi đã để Chúa thực sự bước vào tâm hồn mình chưa?
  • Tôi có đang sống như một người kiến tạo bình an, bắt đầu từ gia đình, từ cộng đoàn nhỏ bé của mình không?

Bình an của Chúa không phải là một cảm giác thoáng qua, mà là một sự biến đổi từ bên trong. Như lời chim bồ câu nhắc nhở quạ, điều cần thay đổi không phải là hoàn cảnh, mà chính là tâm hồn chúng ta.

Kính thưa cộng đoàn. Trong đêm thánh này, xin Chúa Giê-su – Hoàng Tử Bình An – chạm đến mỗi tâm hồn chúng ta, xua tan mọi gánh nặng và lo âu. Giáng Sinh không chỉ là một khoảnh khắc kỷ niệm mà còn là lời mời gọi bước vào hành trình hy vọng. Chúa Giê-su đã đến trần gian không chỉ để ban bình an mà còn để khơi dậy trong chúng ta niềm hy vọng vững chắc: hy vọng vào tình yêu của Thiên Chúa, hy vọng vào sự hòa giải, và hy vọng vào một tương lai đầy ánh sáng.

Trong bối cảnh Năm Thánh Giáo Hội hoàn vũ 2025 với chủ đề “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”, mỗi chúng ta được mời gọi trở thành những người hành hương trên hành trình đức tin. Hành hương là một cuộc hành trình không chỉ hướng đến một đích đến cụ thể, mà còn là hành trình biến đổi nội tâm, hành trình bước đi với niềm tin vào Chúa và hy vọng vào ơn cứu độ của Ngài.

Hãy để đêm nay khơi dậy trong mỗi chúng ta ước muốn trở thành những người hành hương của hy vọng, bước đi cùng Chúa trên con đường yêu thương và hòa giải. Hãy để ánh sáng và bình an của Hài Nhi Giê-su dẫn dắt chúng ta qua mọi thử thách của cuộc đời, để chúng ta không chỉ sống hy vọng mà còn trở thành sứ giả hy vọng cho thế giới.

Xin Mẹ Maria và Thánh Giuse, những người hành hương đầu tiên đến Bê-lem, cầu bầu cho chúng ta biết sống phó thác và can đảm trên hành trình này. Và trong ánh sáng của đêm Giáng Sinh, chúng ta hãy cùng nhau dâng lời cầu nguyện:

“Lạy Chúa, xin cho con trở thành ánh sáng và niềm hy vọng giữa thế giới, để bất cứ nơi đâu con đến, con có thể mang bình an và tình yêu của Chúa đến với mọi người.” Amen.

Jn. nvh

LỄ BAN NGÀY

 SUY NIỆM I

HÀI NHI GIÊ-SU – NGÀI LÀ THIÊN CHÚA

(Hội An 25/12/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Chúng ta hãy tưởng tượng, một đứa trẻ lạc mất trong trung tâm thương mại lúc đi mua sắm mừng giáng sinh, cha mẹ của em sẽ thế nào? Dù đã mất công hằng giờ mà không tìm gặp, cha mẹ đứa trẻ có bỏ rơi nó không? Như đứa trẻ bị lạc xa cha mẹ, tội lỗi cũng làm cho chúng ta xa Chúa, Thiên Chúa vẫn kiên trì tìm kiếm chúng ta. Ngài tìm kiếm không phải vì không tìm thấy chúng ta, nhưng vì chúng ta trốn mặt Thiên Chúa. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn không ngừng cất tiếng gọi chúng ta, như từng gọi A-đam sau khi ông phạm tội: “A-đam, ngươi đang ở đâu?”, dẫu Thiên Chúa biết rõ nơi A-đam đang lẩn trốn. Đó là lý do Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta về sự đeo đuổi của Thiên Chúa, hầu chúng ta trở lại và sống tình thân với Ngài: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta”, “Ngôi Lời đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).

  1. Hài Nhi Giê-su, Ngài là Thiên Chúa

          “Ngôi Lời đã đến làm người”, “Ngôi Lời đã đến nhà của mình” được sứ thần loan báo, Ngài là “Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đức Ki-tô Đức Chúa. Cứ dấu này mà anh em nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Sứ điệp Tin Mừng hôm nay loan báo cho chúng ta biết, Hài Nhi Giê-su nằm trong máng có là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, Đấng mà nhờ Ngài vạn vật được tạo thành, Ngài là sự sống và là ánh sáng chiếu soi nhân loại. Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người lớn lao như thế, nhưng xem ra không có gì vĩ đại hay phi thường đối với các mục đồng và ba đạo sĩ thông thái. Điều họ thấy đơn giản chỉ là một trẻ thơ như bao trẻ thơ khác, cần người mẹ chăm sóc, được quấn tã nằm trong máng cỏ.

Theo Đức Bênêđictô, chọn cái bé nhỏ và tầm thường là cách thế Thiên Chúa đến với con người. “Ngài chọn trái đất, một hạt bụi trong vũ trụ, làm nơi hành động; trong đó, dân tộc yếu đuối như Israel lại được chọn để mang lấy lịch sử của Ngài; rồi nơi Nazareth, một chốn hoàn toàn không ai biết đến, trở thành quê hương Ngài; và rồi cuối cùng, Con Thiên Chúa lại sinh ra ngoài làng Bê-lem, trong một chuồng súc vật.” Trong cách thế khiêm tốn đó, Thiên Chúa ban cho chúng ta món quà giáng sinh là chính Thân Mình Ngài, là Con Một của Ngài, là Ngôi Lời của Ngài.

Món quà giáng sinh Thiên Chúa ban là Chúa Giê-su, là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Ngài luôn hiện diện với chúng ta. Sự hiện diện của Ngài đổ xuống ân phúc cứu độ chúng ta như thác nước từ trời cao đổ xuống đất thấp, cho chúng ta dễ dàng tiếp nhận. Tiếp xúc với một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ có gì khó khăn? Tiếp xúc với một Thiên Chúa tuy cao cả, nhưng đã trở nên phận người ở giữa chúng ta thì có gì ngăn cách? Chỉ cần chúng ta khiêm tốn đón nhận Quà Tặng Ngôi Lời làm người như Ngôi Lời đã khiêm tốn đến với chúng ta, vì ngay cả Thiên Chúa cũng không thể làm gì được với người kiêu ngạo. Tại Bê-lem hôm ấy chỉ có hai nhóm người nhận ra Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, đó là những mục đồng và các đạo sĩ thông thái, những người bình dân và trí thức-khá giả, những người không bao giờ biết đến một cuốn sách và những người không không bao giờ cho rằng mình biết hết mọi sự, nhờ đó họ nhận biết Thiên Chúa ở rất gần họ, để họ yêu Ngài, gọi Ngài, và chạm đến Ngài. Ngài nằm trong máng cỏ và có thời gian cho chúng ta gặp và sống thân thiết với Ngài, vì Ngài ở cùng chúng ta.

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể gặp Ngài?

  1. Nào ta đến tôn thờ Ngài

          Trước hết, cần tính hiếu kỳ thánh thiện nơi mỗi chúng ta. Từ ngôi sao lạ trên trời, các đạo sĩ hiếu kỳ đặt câu hỏi: “Vị vua mới sinh ra hiện đang ở đâu?”, còn các mục đồng sau khi nghe sứ thần loan báo, đã hiếu kỳ chạy đến hang lừa chiên và nhìn thấy một Hài Nhi nằm trong máng cỏ, người mà thiên thần nói là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa làm người. Gặp Ngài, gương mặt của Hài Nhi Giê-su đã chạm đến trái tim của mỗi người trong họ và in hằn trong trái tim họ hình ảnh Thiên Chúa tình yêu. Tính tò mò thánh thiện cũng đã giúp Mô-sê tiếp xúc với Thiên Chúa và thưa với Ngài: “Ngài là ai?”, đồng thời nghe được câu trả lời của Thiên Chúa. Cứ nhìn các nhà khoa học, các nhà báo, thần học gia v.v, họ đã biết tò mò và sự tò mò lành mạnh đã giúp cho họ gặt hái nhiều kết quả trong đời sống. Cũng vậy, tính hiếu kỳ thánh thiện cũng giúp mỗi chúng ta ngạc nhiên trước sự hiện diện của Thiên Chúa làm người hôm nay trong các bí tích, đặc biệt trong lời Chúa và bí tích Thánh Thể, nhờ đó chúng ta biết đặt câu hỏi tại sao Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến thế? Tại sao hôm nay Ngài vẫn còn ban Con Một Ngài là Chúa Giê-su cho chúng ta? Và chúng ta chạy đến với Thiên Chúa làm người hôm nay trong thánh lễ, trong các bí tích, trong lời Chúa, nhất là trong bí tích Thánh Thể.

          Thứ đến, thái độ duy nhất khi gặp Chúa Giê-su là thờ phượng Ngài, bởi Ngài không chỉ là em bé được quấn trong khăn tã, mà còn là Thiên Chúa được quấn trong xác thịt, là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hãy xem thái độ của những người đến với Chúa:

Mẹ Maria quỳ chiêm ngắm và suy đi nghĩ lại trong lòng tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa và sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa; thánh Giuse nhớ lại lời sứ thần báo cho biết Hài Nhi này được sinh ra bởi phép Chúa Thánh Thần và Ngài là Thiên Chúa và thánh Giuse hết lòng tôn thờ Chúa Giê-su; những người chăn chiên ngạc nhiên trước Hài Nhi Giê-su, Đấng chia sẻ phận người nghèo khó của họ, họ ngợi khen Thiên Chúa về những điều được báo về Hài Nhi Giê-su;  những đạo sĩ thông thái cung kính sụp lạy Chúa và mở kho báu dâng cho Chúa, bởi họ biết Ngài là vị vua mới sinh, là Đấng Cứu Thế. Khi trở về, họ loan báo Tin Mừng này.

          Còn chúng ta hôm nay thì sao?

          Chúng ta tập quỳ gối trước máng cỏ, trước Thánh Thể để thờ phượng Chúa, quỳ gối cảm ơn Chúa sau khi rước Chúa, quỳ gối thờ Chúa khi vừa vào nhà thờ. Việc kết hiệp với Chúa trong ngày sống bắt đầu từ lần đầu tiên khiêm tốn quỳ gối thờ phượng Chúa như thế. Và không thể nào chúng ta câm nín là không loan báo niềm vui được gặp Chúa và thờ phượng Chúa. Xin cho lòng yêu mến Chúa trong con bắt đầu từ hôm nay.

SUY NIỆM Ii

HÀI NHI GIÊSU NGUỒN HY VỌNG KHÔNG LÀM TA THẤT VỌNG

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 

Năm Thánh cứu chuộc chính thức được khai mạc với việc mở Cửa Thánh vào đêm qua Mừng con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Trong sắc chỉ năm thánh 2025, “Spes non confundit, Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Mọi người đều hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Dù vậy, tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ” (1). Vâng, còn chúng ta thì khác, các bài Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tìm ra niềm hy vọng của chúng ta hôm nay có lý vì chúng ta biết hy vọng vào ai? Tại sao phải luôn sống trong hy vọng? Mục đích hy vọng của chúng ta là gì?

Trước hết, tại sao chúng ta phải hy vọng và hy vọng vào ai? Vì theo Thánh Kinh Cựu ước nói sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban ơn cứu độ cho con người rằng dòng giống người phụ nữ sẽ đạp đầu con rắn, quỷ dữ gây nên tội lỗi (St 3,15). Và kể từ đó dọc dài lịch sử cứu độ, các tổ phụ luôn đặt hy vọng cứu độ vào Thiên Chúa chẳng hạn Thiên Chúa nói với Áp-ra-ham rằng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, ông đã hy vọng vào lời của Thiên Chúa và từ đó ông hằng vâng phục thánh ý Người (St 12,1-9). Đến tiên tri Isaia trong bài đọc 1 chúng ta vào nghe, đã tuyên bố: “Hãy nói với thiếu nữ Xi-on : Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới. Chúng sẽ được gọi là “dân thánh”, là “những người được Đức Chúa cứu chuộc” (Is 62,11-12). Rồi tới thời Vua Đavít tổ tiên của Chúa Giêsu cũng kêu lên rằng: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành lũy chở che: Tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62,6-7). Như vậy, Dân Chúa trong Cựu Ước luôn đặt hy vọng vào Thiên Chúa và mang nhiều sắc thái đa dạng trong cuộc sống đặc biệt chỉ người sống mới hy vọng. Do đó, Dân Do-thái luôn đặt hy vọng vào giao ước cũng như lời hứa của Thiên Chúa đối với cha ông họ. Trong khi Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín với giao ước và lời hứa của Người thì dân Do-thái lại phản loạn, bất tuân. Dưới ách nô lệ Ai-cập, Mô-sê đã dẫn dắt dân Do-thái trong hành trình 40 năm vượt qua sa mạc để đạt được hy vọng là về Đất Hứa. Đây cũng là hành trình đầy gian nan, thử thách về hy vọng của dân này. Dưới thời Đa-vít và sau đó là Sa-lô-môn, dân Do-thái hy vọng rằng vương quốc của họ sẽ trường tồn vạn kỷ, nhưng hy vọng đó đã không trở thành hiện thực bởi vì Dân đã bất trung với giao ước nên suy tàn. Trong thời lưu đày Ba-by-lon, dân Do-thái luôn hy vọng trở về quê cha đất tổ. Và hy vọng của họ được Chúa cho thỏa lòng. Qủa thật, Dân Do-thái được hồi hương và xây lại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Họ hy vọng là Đấng Mê-si-a sẽ xuất hiện. Nên tiên tri I-sai-a đã nói tiên tri: “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11,1-2). Và điều đó được ứng nghiệm trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe Thánh Luca mổ tả một hài nhi đặt nằm trong máng cỏ, Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người. Với biến cố giáng sinh, Đức Giê-su trở thành ‘Chiếc Cầu Hy Vọng’ nối kết vĩnh cửu với thời gian, bản tính Thiên Chúa với bản tính con người, môi trường thánh thiện với môi trường tội lỗi. Vì vậy, từ đây Hài nhi Giêsu là nguồn hy vọng đích thực của chúng ta khi còn sống hay đã qua đời vì chưng Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật, trừ quỷ hay hồi sinh kẻ chết là những dấu chỉ hy vọng giúp con người hướng về sự ‘chữa lành toàn vẹn’ (tinh thần và thể xác) chúng ta hôm nay và trong ngày sau hết. Qua việc hồi sinh kẻ chết, Đức Giê-su mời gọi mọi người đặt niềm tin và hy vọng vào sự sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Đó cũng là mục đích hy vọng của chúng ta hôm nay mà kinh Trông Cậy (kinh hy vọng) chúng ta thường kêu xin một cách xác tín: Lạy Chúa, con trông cậy vững vàng, vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được”.

Chúa Đức Giêsu giáng sinh làm người để đồng hành với chúng ta giữa muôn lầm than, thử thách, đau khổ. Nhìn Chúa Giêsu hài đồng nằm trong máng cỏ và nhìn vào lên Thánh giá và xuống Thánh Thể trên bàn thờ, chúng ta thấy Ngài chính là nguồn hy vọng cao cả nhất, đáp ứng mọi khát khao mong chờ của chúng ta qua muôn thế hệ. Với Đức Giê-su, hy vọng của chúng ta ‘có hình có dạng’ chứ không trừu tượng nữa bởi Người là Hy Vọng (viết hoa). Trong hành trình trần thế, Chúa Giê-su vừa chia sẻ hy vọng với con người, vừa cho con người biết đâu là hy vọng đích thật. Người đã diễn tả quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa qua việc đem lại hy vọng cho những người nghèo đau khổ, tội lỗi, bệnh hoạn tật nguyền hay bị quỷ ám, hay đã qua đời. Ngài không làm chúng ta thất vọng bao giờ. Chẳng hạn, Người nạn nhân bị thương tích trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, tội lỗi như Maria Madalêna, như người bệnh phong hay đứa bé bị quỷ ám hay Anh Lazarô…

Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô xác tín rằng chúng ta nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Vậy, Năm Thánh cứu chuộc đã bắt đầu, chúng ta là những người hành hương hy vọng không chỉ trong suốt năm này mà cả đời sống dương gian chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng trước ân sủng của Thiên Chúa qua việc lãnh nhận các bí tích, nhất là Lời Chúa và Thánh thể Ngài, từ đó đức tin của chúng ta được sinh động và can trường bởi đó niềm hy vọng của chúng ta luôn được đổi mới và nên vững mạnh trước bất cứ hoàn cảnh nào: khi thịnh vượng cũng lúc gian nan, khi ốm đau, bệnh tật cũng như lúc mạnh  khỏe nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chính Chúa Thánh Thần luôn hiện diện cùng Giáo hội, những con người hành hương hy vọng hôm nay. Ngài giữ cho ánh sáng đức tin chúng ta luôn cháy như một ngọn đuốc không bao giờ tắt để nâng đỡ và ban sinh lực cho chúng ta. ”. Đó là lý do tại sao niềm hy vọng của chúng ta không được nhượng bộ trước mọi khó khăn, đau khổ, thử thách hay thậm chí là cái chết vì nó dựa trên niềm xác tín: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? […] Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Amen.

SUY NIỆM III

NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI VÀ Ở GIỮA CHÚNG TA

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

Vốn dĩ là Thiên Chúa

Lời hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”(Ga 1,1). Khởi đầu Tin Mừng, trước khi nói đến sinh nhật trần gian của Đức Giêsu, thánh Gioan giới thiệu cho chúng ta nguồn gốc vĩnh hằng của Ngôi Lời: đã có từ muôn thuở trong Chúa Cha, ngang bằng với Chúa Cha, nhưng lại phân biệt với Chúa Cha. Ngôi Lời đã diễn tả Chúa Cha một cách tuyệt đối đến độ, không có Người, chẳng có gì được tạo thành. Người là sự sống và sự sáng thế gian, là tình thương quảng đại và kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa đối với con người. Người đến với thế gian và Người ở giữa thế gian.
Vì loài người chúng tôi

“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”(Pl 2,6-7). Trút bỏ vinh quang, Ngôi Lời vĩnh cửu đã thực sự trở nên Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, cư ngụ giữa chúng ta để cứu chúng ta khỏi ách tội nợ và để chia sẻ chính sự sống thân tình của Ba Ngôi cho ta. Vì tình thương bao la đối với tạo vật đang đắm chìm trong phận người tội lụy, Chúa Cha không ngại sai Người con yêu dấu đến nhập thể làm người để ở giữa nhân loại và làm trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại. “Do đó, bằng đường lối Nhập Thể đích thực, Con Thiên Chúa đã đến để làm cho loài người thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (Vat. II, TG 3). Đó chẳng phải vì “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4) đó sao?

Và để cứu rỗi chúng tôi: Người đã nhập thể …

Vĩ đại quá! Kỳ diệu quá! Vốn dĩ là Thiên Chúa cao vời khôn ví, Người đã đảm nhận thân phận con người. Và vì thế, Người muốn biểu lộ tình thương tuyệt mức của Thiên Chúa dành cho con người, như một cuộc trao đổi kỳ diệu: “Vinh quang Thiên Chúa, con người được sống” (“Gloria Dei, homo vivens”, T.Irênê). Con người được sống vì tội lụy được thứ tha, án phạt được xá giải, bất hạnh trở thành vạn phúc, tạm bợ nên vĩnh cửu. “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước khi cả tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4) và “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại với Người và cùng ngự trị với Người trên cõi trời” (Ep 2,4-6). Người là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15) trong thân phận một con người như chúng ta. “Chính nơi Người, bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, và nơi chúng ta, bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Việc Người nhập thể, một cách nào đó, Người đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người như chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (Xc. Vat. II. GS 22; 2Cr 5,18-19; Cl 1,20-22).

…Trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người

Ngôi Lời Nhập Thể: một công trình nhiệm mầu vĩ đại do Thiên Chúa sáng kiến để soi sáng và cứu độ toàn thể thế giới đang chìm trong u tối và lầm than. Chiếu chỉ của Xêda bắt buộc Đức Maria và thánh Giuse rời bỏ “túp lều nhỏ” ở Nadarét lên đường đến Bêlem. Lặng thầm, các Ngài bước đi trở về trong sự tuân phục của đức tin chân thành và phó thác với tình mến sâu xa (Rm 8, 28).

Và không phải là tình cờ ngẫu nhiên. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã muốn “cắm lều” giữa loài người trong dòng lịch sử nhân loại: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel”(Ml 5,1). Người đã giáng sinh làm người trong điều kiện thật khiêm hạ và đơn sơ: “Bởi không có chỗ cho Người trong nhà trọ”, Người được sinh ra trong máng cỏ, được bọc trong tã như một kẻ nghèo hèn (Lc 2,7). Thân phụ mẫu của Người, dù “biết” người con sắp sinh ra là Con Thiên Chúa, nhưng vẫn tín thác trọn vẹn cho đường lối của Thiên Chúa vốn rất khác với đường lối của nhân loại. Hai ông bà, với lòng khiêm hạ sâu xa, luôn đặt niềm tin hoàn toàn vào Thiên Chúa để Thiên Chúa thực hiện kế hoạch nhiệm mầu của Người. Chính trong thinh lặng và đêm đen, Đức Maria đã hạ sinh “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32) như đã được tiên báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùngchúng-ta”(Mt 1,23).

Đêm hôm ấy và đêm hôm nay

Đêm hôm ấy, lâu rồi, xa rồi, Con Trẻ ấy đã được sinh ra. Đêm hôm ấy, không có chỗ cho Người, để rồi, Người đã được sinh ra trong máng cỏ súc vật thấp hèn. Thiên hạ khát mong Chúa, tìm kiếm Chúa, chờ đợi Chúa, để rồi như thế đấy! Con Trẻ ấy là “Con Thiên Chúa”, là Lời của Thiên Chúa và chính Thiên Chúa lại được ngỏ với loài người như thế chăng? Có thể nói: nơi Con Trẻ ấy, Thánh Tử ấy, Lời của Thiên Chúa đã đạt đến tuyệt đỉnh: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các Thánh Tử”(Hr 1,1-2a). Quả là Thiên Chúa đã “biểu dương sức mạnh và công trình cứu độ của Ngài để người bốn bể nhìn thấy”(Is_52,10).

Nhưng, như Gioan, đêm hôm nay và những “đêm đen” của đức tin trong đời thường, chúng ta vẫn như bị choáng ngợp bởi mầu nhiệm này. Người vẫn “nói” với ta, vẫn “chia sẻ kiếp người” như ta và vẫn là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Người là Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình để lôi cuốn chúng ta yêu mến những thực tại vô hình. Làm thế, Người cố ý cho ta thấy, ta nghe, ta gặp, ta đón tiếp và ta ở với Người và trong Người. “Người đã đến nhà mình, nhưng Người nhà chẳng chịu đón tiếp”. Bản hiến chương Nước Trời do Người công bố vẫn như một thách đố lớn lao để Người có thể “làm người và ở giữa chúng ta”. Chính nhờ Người, với Người và trong Người, hạnh phúc và bình an không còn ngoài tầm tay nữa, mà luôn cận kề bên ta, nơi những người đói khát, rách rưới, tù tội, đau khổ, cô thế cô thân … (Mt 25). Đó chính là hạnh phúc và bình an của “những ai đón nhận Người … thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).

Bài tình ca của người Tông đồ

“Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.

Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha, và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người, những điều này chúng tôi viết ra, để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1Ga 1,3-4).

Như giọt nước hòa tan trong rượu, chúng ta chân thành khiêm cung khẩn nguyện: “Xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con”.

SUY NIỆM IV

THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Anh chị em thân mến,

Có một câu chuyện kể rằng, tại một vùng đất xa xôi, một vị vua giàu có và quyền uy quyết định tổ chức một bữa tiệc lớn để mừng sinh nhật của mình. Ông sai người mời tất cả các quý tộc, người nổi tiếng, và những nhân vật quan trọng trong vương quốc đến dự tiệc. Thế nhưng, vào ngày diễn ra, nhà vua lại bất ngờ từ bỏ cung điện lộng lẫy, đi đến một khu ổ chuột trong thành phố. Tại đây, ông bước vào từng căn nhà tồi tàn, ngồi xuống chia sẻ bữa ăn đơn sơ, trò chuyện, và mang niềm vui đến cho những người nghèo khổ, bệnh tật, bị lãng quên.

Một cận thần ngạc nhiên hỏi: “Thưa bệ hạ, tại sao ngài bỏ bữa tiệc lộng lẫy với những người quan trọng để đến đây?”

Nhà vua đáp: “Ta muốn ở bên những ai thực sự cần sự hiện diện của ta, bởi chỉ nơi đây, ta mới cảm nhận được ý nghĩa trọn vẹn của tình yêu.”

Câu chuyện ấy, anh chị em thấy, chính là hình ảnh sống động về mầu nhiệm Nhập Thể mà chúng ta cử hành hôm nay. Thiên Chúa, Đấng quyền uy và vinh quang, đã từ bỏ ngai vàng thiên quốc, xuống thế làm người trong thân phận một hài nhi yếu đuối, sinh ra nơi máng cỏ nghèo nàn ở Bê-lem. Sự kiện này là đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại: Ngài không chỉ đến để ban tặng, nhưng đến để ở cùng chúng ta.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể

Bài đọc hôm nay mở ra cho chúng ta những chân lý tuyệt vời về sự kiện này. Trong sách Isaia, tiên tri loan báo: “Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.” Điều đó có nghĩa là niềm vui Giáng Sinh không chỉ dành cho một nhóm người, mà là cho cả nhân loại. Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã hóa thành nhục thể để mọi người – bất kể địa vị, hoàn cảnh – đều có thể chạm đến Thiên Chúa.

Trong thư gửi tín hữu Do Thái, tác giả nhấn mạnh rằng Thiên Chúa, Đấng đã nói qua các tiên tri, nay nói với chúng ta qua chính Con của Ngài. Đức Giêsu Kitô không chỉ là người mang lời Thiên Chúa, mà chính Ngài lời ấy – ánh sáng chiếu soi bóng tối của thế gian.

Bài Tin Mừng của Thánh Gioan tiếp tục mời gọi chúng ta suy niệm sâu hơn: “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta.” Ngôi Lời, Đấng tạo dựng vũ trụ, đã bước vào thế giới với tất cả sự nhỏ bé, để từng người chúng ta cảm nhận được tình yêu cụ thể, gần gũi, và sống động của Thiên Chúa.

Sống mầu nhiệm Giáng Sinh

Anh chị em thân mến, mầu nhiệm Nhập Thể không chỉ là biến cố lịch sử, mà còn là lời mời gọi chúng ta thay đổi cách sống. Hài Nhi Giêsu đã đến, nhưng Ngài có thực sự được sinh ra trong tâm hồn, gia đình, và xã hội của chúng ta không?

  1. Đón nhận Đức Giêsu trong gia đình

Như nhà vua trong câu chuyện đã chọn đến với những người nghèo khổ, Thiên Chúa cũng muốn hiện diện trong chính mái ấm của chúng ta. Hãy biến gia đình mình thành một hang đá Bê-lem thu nhỏ, nơi tình yêu, sự tha thứ, và niềm vui luôn hiện diện. Những cử chỉ nhỏ bé như lời cảm ơn, lời xin lỗi, hay một bữa cơm sum vầy cũng có thể làm bừng sáng “ánh sáng Giáng Sinh” trong gia đình.

  1. Trở thành người rao truyền ánh sáng

Isaia đã ca ngợi những “bước chân rao tin vui” là đẹp biết bao. Mỗi người chúng ta, bằng chính đời sống của mình, có thể trở thành những ngọn đèn nhỏ, soi sáng môi trường xung quanh. Một lời nói tích cực, một hành động bác ái, hay sự kiên nhẫn trong những thử thách đời thường cũng là cách để loan báo Tin Mừng.

  1. Chia sẻ với những người khó nghèo

Hài Nhi Giêsu không chọn sinh ra trong cung điện, nhưng nơi máng cỏ, để đồng hành với những người thấp hèn nhất. Ngài mời gọi chúng ta mở lòng đến với những người nghèo khổ, bị bỏ rơi. Một món quà nhỏ, một lời động viên, hay một hành động bác ái cũng đủ để ánh sáng của Ngài lan tỏa.

Anh chị em thân mến, hãy nhìn lên máng cỏ Bê-lem trong thánh lễ hôm nay. Nơi đó, chúng ta thấy bài học về sự khiêm nhường, sự tự hiến, và tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa đã đến, để không ai cảm thấy bị bỏ rơi, để tất cả chúng ta tìm thấy hy vọng và bình an.

Hãy để Ngài sinh ra một lần nữa trong trái tim chúng ta, để từ đó, chúng ta trở thành những ánh sao dẫn đường cho thế giới. Cùng với các mục đồng và các nhà đạo sĩ, chúng ta hãy sống một đời sống chứng tá về tình yêu, sự khiêm nhường, và niềm vui đích thực trong Đức Giêsu Kitô.

Kính chúc anh chị em một mùa Giáng Sinh tràn đầy ân sủng và bình an!     

Jn.nvh

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

(Nguồn: giaophancantho.org)

  1. NGUỒN GỐC LỄ GIÁNG SINH

Nhiều học giả tin rằng Lễ Giáng Sinh được mừng vào ngày 25 tháng 12 để thay cho một lễ kỷ niệm ngoại giáo gọi là Sự ra đời của Mặt trời bất khuất. Người La Mã gọi kỳ nghỉ đông của họ là Saturnalia, tôn vinh vị thần nông nghiệp, Saturn. Sau đó, lịch của tháng Giêng được tổ chức để mừng chiến thắng của sự sống trước cái chết. Toàn bộ thời gian này được gọi là Dies Natalis Invicti Solis, Sinh nhật của Mặt trời Vô song, hay Saturnalia. Vì ngày 25 tháng 12 là ngày của Đông chí (ngày ngắn nhất trong năm, sau đó ngày bắt đầu kéo dài trở lại, thể hiện chiến thắng của mặt trời trước bóng tối), nên nó được chọn là ngày vui mừng. Khi Kitô giáo được công nhận là tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã, Giáo hội đã chọn ngày này để kỷ niệm sự ra đời của Mặt trời đích thực – Con Thiên Chúa, Đấng chiến thắng quyền lực bóng tối. Một giả thuyết khác ủng hộ việc cử hành lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 theo Kinh Thánh. Thuyết này cho rằng việc truyền tin cho Dacaria về sự ra đời của Gioan Tẩy Giả xảy ra trong dịp lễ Yom Kippur, khoảng ngày 25 tháng 9, đặt sự ra đời của Gioan sau chín tháng, vào ngày 25 tháng Sáu. Vì thiên thần báo cho Đức Maria biết bà Êlisabét đang mang thai tháng thứ sáu, nên biến cố Truyền tin và sự thụ thai Chúa Giêsu diễn ra vào khoảng ngày 25 tháng 3 dẫn đến việc Chúa Giêsu sinh ra đời sau 9 tháng, vào khoảng ngày 25 tháng 12. Cái tên Giáng Sinh  (Christmas) bắt nguồn từ đâu? Vào thời trung cổ, lễ Giáng Sinh diễn ra dưới hình thức một Thánh lễ đặc biệt được cử hành vào nửa đêm trước ngày Chúa giáng sinh. Vì đây là lần duy nhất trong năm Giáo hội Công giáo cho phép tổ chức Thánh lễ lúc nửa đêm, nên nó nhanh chóng được biết đến trong tiếng Anh cổ là Christes Masse (Lễ của Chúa Kitô), từ đó xuất phát từ Christmas (Giáng Sinh).

  1. BIẾN ĐỔI

Vị vua xứ Balkh (bắc Afghanistan) tên là Ebrahim ibn Adam giàu có theo cách mà người ta thường nghĩ. Tuy nhiên, ông luôn sống chân thành và không ngừng cố gắng để trở nên giàu có cả về mặt thiêng liêng. Một đêm nọ, nhà vua bị đánh thức khỏi giấc ngủ bởi một tiếng động mạnh trên mái nhà phía trên giường của mình. Hoảng hốt, ông hét lên: “Ai đó?” Đáp lại từ mái nhà: “Một người bạn, tôi bị mất lạc đà rồi.” Bực tức trước sự ngu xuẩn đó, Ebrahim hét lên: “Đồ ngu! Bạn muốn tìm kiếm một con lạc đà trên mái nhà à?” Giọng nói từ mái nhà trả lời: “Đồ ngốc! Có phải bạn đang tìm kiếm Chúa trong quần áo lụa là và nằm trên chiếc giường vàng không?”

* Câu chuyện này, theo nhà thần học dòng Tên Walter G. Burghardt kể lại, cho thấy thế nào mà cuộc đối thoại đơn giản này đã khiến nhà vua thay đổi và trở thành một vị thánh đáng chú ý nhất. Mỗi dịp Giáng Sinh, Chúa Giêsu đều hỏi mỗi người chúng ta cùng một câu hỏi: “Các con tìm Thầy ở đâu? Trong những thánh đường được trang hoàng lộng lẫy hay trong chuồng bò của những người nghèo và túng thiếu?” Các bài đọc Kinh Thánh tối nay cho chúng ta biết tìm kiếm Chúa Cứu Thế ở đâu.

  1. HẠT LÚA

Có một bài thơ rất hay của nhà thơ thần bí Ấn Độ, Rabindranath Tagore, ca ngợi phần thưởng của sự bố thí quảng đại. Bài thơ kể câu chuyện về một vị vua thường xuyên đến thăm người dân của mình, ông đi qua các con phố trên một cỗ xe. Một buổi sáng, khi nhà vua đi ngang qua nơi nọ, một người phụ nữ ăn xin đứng bên vệ đường với cái bát ăn xin của mình định xin vua bố thí. Tuy nhiên, khi nhà vua đến gần bà, ông bước xuống khỏi xe của mình và đưa tay ra như thể mong đợi một món quà từ người phụ nữ. Vui mừng và ngạc nhiên, người phụ nữ cho tay vào chiếc túi đeo trên vai, lấy ra một nhúm thóc và đưa cho nhà vua với đôi bàn tay run run. Nhà vua rất hài lòng; ông mỉm cười với bà, đặt quà tặng của bà vào túi của ông và đưa lại cho bà một nhúm ngũ cốc từ túi bên kia của ông. Khi người phụ nữ trở lại túp lều nhỏ của mình vào buổi tối hôm đó và kiểm tra các hạt gạo mà bà đã nhận được vào ngày hôm đó, bà rất ngạc nhiên khi thấy những gạo đã trở thành hạt vàng. Bạn có thể tưởng tượng, tất cả sự ngạc nhiên và tiếc nuối của người phụ nữ khi bà nhận ra rằng, ước gì bà đã dâng tất cả hạt thóc của mình cho nhà vua.

* Chúng ta hãy dâng những món quà cho Chúa Hài Đồng là trái tim tràn đầy tình yêu thương và một quyết tâm mạnh mẽ và chân thành.

  1. CHA LÀ MỘT NGƯỜI TỐT

Trong cuốn tiểu thuyết hay của Alan Paton, Cry the Beloved Country (Khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu), có một chàng trai được sinh sau đẻ muộn. Anh rời nhà ở miền núi và đi xuống thành phố. Anh ta không bao giờ viết hoặc gửi lại tin tức cho cha mẹ mình. Cuối cùng, người cha già quyết định lên thành phố tìm con trai. Bởi vì không quen biết thành phố, người cha đã gặp nhiều khó khăn ở đó. Ông hoang mang và bối rối, và không biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng, ông đến với một linh mục, người đã nghe câu chuyện của ông và quyết định giúp ông. Ông chuyển đến sống cùng với vị linh mục, người luôn hết lòng dành thời gian để cố gắng giúp ông lần ra manh mối, tìm theo dấu vết của con trai ông. Và cuối cùng họ đã đạt được mục đích. Ông lão với đôi mắt ngấn lệ, cố gắng cảm ơn vị linh mục về tất cả những gì ngài  đã làm cho ông. Ông không thể tìm được lời lẽ nào mà chỉ nói đơn giản: “Cha là một người tốt.” Vị linh mục trả lời: “Tôi không phải là người tốt. Tôi là một kẻ tội lỗi và ích kỷ. Nhưng Chúa Cứu Thế Giêsu đã đặt tay trên tôi, thế thôi.”

*  Thật khó để tìm được một người tốt. Nhưng Chúa đã gửi đến một người – một Người Tốt – để chỉ cho chúng ta những bí ẩn của cuộc sống. Một Người tốt sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Vì, như Thánh Phaolô đã nói: “Tình yêu thương không bao giờ mất được” (1 Cr 13,8). (Voicings.com).

  1. KHÁC BIỆT

Một sinh viên hỏi một giáo sư Kitô giáo rằng Khổng Tử và Đức Phật khác với Chúa Kitô như thế nào. Vị giáo sư đáp lại bằng một dụ ngôn. Một người phụ nữ bị rơi xuống hố sâu. Cố gắng hết sức, nhưng bà ấy không thể trèo ra ngoài. Khổng Tử nhìn vào, ông nói với bà: “Cô gái đáng thương, nếu bạn chú ý đến tôi, ngay từ đầu bạn sẽ không rơi vào đó.” Rồi ông biến mất. Đức Phật đến gần. Ông cũng phát hiện ra người phụ nữ. Ông ấy tự nhủ: “Nếu cô có thể thoát ra khỏi cái hố đó, tôi có thể giúp đỡ cô một cách chân chính.” Rồi ông tiếp tục cuộc hành trình của mình. Cuối cùng Chúa Giêsu đến. Người phát hiện ra người phụ nữ. Người cảm động với lòng thương xót. Người  nhảy xuống hố ngay lập tức để giúp cô ra ngoài.

* Câu chuyện này minh họa mầu nhiệm Nhập Thể. Chúng ta quy tụ nơi đây để cử hành biến cố Thiên Chúa đến với mỗi người chúng ta. Người là Con Thiên Chúa đến giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. (C.S. Lewis).

  1. HỒNG ÂN KHÔN TẢ

Xưa kia, ở Ba Tư có một vị vua thông thái và tốt lành. Ông yêu người dân của mình. Ông muốn biết họ sống như thế nào. Ông cũng muốn biết về những khó khăn của họ. Ông thường mặc quần áo của một người lao động hoặc một người ăn xin và đến nhà của những người nghèo. Không ai mà ông đến thăm nghĩ rằng ông là người cai trị của họ. Một lần ông đến thăm một người đàn ông rất nghèo sống trong một cái hang. Vua ăn thức ăn thô mà người nghèo ấy ăn. Ông nói những lời vui vẻ, tử tế với người bất hạnh ấy. Sau đó ông rời đi. Thời gian sau, ông lại đến thăm người đàn ông tội nghiệp ấy và tiết lộ danh tính của mình bằng cách nói: “Ta là vua của ngươi!” Nhà vua nghĩ rằng người đàn ông chắc chắn sẽ xin một món quà hoặc đặc ân nào đó, nhưng ông ta đã không làm thế. Thay vào đó, ông nói: “Ngài đã rời bỏ cung điện và vinh quang của mình để đến thăm tôi ở nơi tối tăm, thê lương này. Ngài đã ăn các thức ăn tôi đã ăn. Ngài đã mang đến niềm vui cho trái tim tôi! Đối với những người khác, ngài đã ban tặng những món quà phong phú của mình. Còn đối với tôi ngài đã ban chính mình!

* Đức Vua vinh hiển, Chúa Giêsu Kitô đã phó chính Người cho bạn và tôi. Kinh Thánh gọi Người là “Hồng Ân khôn tả!” Không rõ nguồn.

  1. GIỮ LỜI HỨA

Một lần kia, những người dân của một giáo xứ rất nghèo đã quyết tâm mua một bộ tượng giáng sinh đắt tiền cho hang đá của họ. Họ đã làm việc chăm chỉ và cố gắng để có được một bộ tượng bằng sứ quý hiếm cho hang đá của mình. Nhà thờ được mở cửa vào ngày lễ Giáng Sinh để giáo dân vào thăm hang đá. Vào buổi tối, khi cha xứ đi khóa cửa, ngài ngạc nhiên phát hiện ra hài nhi Giêsu đã biến mất. Khi đứng ở đó, ngài nhìn thấy một bé gái với một chiếc xe đẩy đang bước vào nhà thờ. Cô đi thẳng đến hang đá, bế em bé Giêsu ra khỏi xe đẩy và âu yếm đặt em vào trong máng cỏ. Khi cô đang trên đường đi ra thì vị linh mục chặn cô lại và hỏi cô đang làm gì với Hài Nhi Giêsu. Cô nói với ngài rằng trước lễ Giáng Sinh, cô đã cầu nguyện với Chúa Giêsu hài đồng cho một chiếc xe đẩy. Cô đã hứa với Ngài rằng nếu cô có được, Ngài sẽ được đi chuyến đầu tiên trong đó. Cô ấy đã nhận được chiếc xe đẩy của mình nên cô đã giữ lời hứa trong cuộc mặc cả.

* Lễ Giáng Sinh khơi dậy lòng quảng đại nơi mọi người, nhất là nơi trẻ em. Món quà của chúng ta dành cho Ngài là gì? (Flor McCarthy in New Sunday and Holy Day Liturgies).

  1. QUÁ NHỎ

Tôi vừa đọc một câu chuyện về một giáo viên ở Anh, người đã giám sát học sinh làm một hang đá Giáng Sinh ở một góc lớp học của cô. Các em học sinh hào hứng và nhiệt tình khi dựng hang đá và trải sàn bằng rơm thật, sau đó chúng xếp các tượng Đức Mẹ Maria và thánh Giuse, các mục đồng và ba Vua cũng như các loài động vật một cách ngay ngắn. Các học sinh đặt tất cả các nhân vật đối diện với chiếc nôi nơi Hài Nhi Giêsu nhỏ bé nằm trong đó. Một cậu bé chăm chú nhìn và nhận thấy có điều gì đó không ổn. Cậu tiếp tục quay lại hang đá, và mỗi lần đứng đó cậu hoàn toàn bị cuốn hút nhưng trên khuôn mặt cậu lại mang một vẻ bối rối. Cô giáo chú ý đến cậu và hỏi: “Có chuyện gì không? Bạn có thấy vấn đề gì không? Bạn muốn biết về điều gì?” Với đôi mắt vẫn dán vào khung cảnh máng cỏ nhỏ bé, cậu bé chậm rãi nói: “Điều cháu muốn nói là nó quá nhỏ, làm sao Chúa có thể nằm gọn trong đó?” (Cha King Duncan).

* Chúa vẫn nằm trong đó, cho dù chúng ta có cố gắng thế nào, cho dù chúng ta làm việc chăm chỉ đến đâu, cho dù ý định của chúng ta trong cuộc sống là gì, một cách nào đó, chúng ta không thể làm đủ cho Ngài.

  1. MỘT NGƯỜI ĐƠN ĐỘC

Ông sinh ra trong một ngôi làng hẻo lánh, là con của một người phụ nữ nông dân. Ông lớn lên ở một ngôi làng khác, nơi ông làm việc trong một cửa hàng mộc cho đến khi ông ba mươi tuổi. Sau đó, trong ba năm, ông là một nhà thuyết giáo lưu động. Ông chưa bao giờ viết một cuốn sách. Ông không bao giờ làm việc tại một văn phòng. Ông chưa bao giờ có một gia đình hoặc sở hữu một ngôi nhà. Ông không học đại học. Sau khi lưu trú ở Ai Cập khi còn nhỏ, ông chưa bao giờ đi quá 200 dặm từ nơi ông sinh ra. Ông đã không làm bất cứ điều gì mà người ta thường cho là vĩ đại. Ông ta không có thành tích nào ngoài bản thân ông. Ông chỉ mới 33 tuổi khi quần chúng quay lưng lại với ông. Bạn bè của ông đã bỏ chạy. Ông đã bị giao cho đối thủ của mình và trải qua hai phiên tòa chế nhạo. Ông đã bị đóng đinh vào cây thánh giá giữa hai tên trộm. Khi ông sắp chết, những kẻ hành quyết ông rút thăm để lấy quần áo của ông, tài sản duy nhất ông có trên trái đất. Khi chết, ông được an táng trong một ngôi mộ mượn nhờ lòng thương hại của một người bạn. Hai mươi thế kỷ đã đến rồi đi, và ngày nay ông là nhân vật trung tâm của loài người, là người lãnh đạo sự tiến bộ của nhân loại. Tất cả các đội quân từng chiến đấu, tất cả các lực lượng hải quân từng ra khơi, tất cả các nghị viện từng hội họp, tất cả các vị vua từng trị vì, gộp lại, đều không ảnh hưởng đến cuộc sống con người trên trái đất nhiều bằng Con Người sống đơn độc đó.

Lm Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm