Chúa Nhật II Thường Niên Năm C
CHÚA NHẬT, Ngày 19/01/2025
Thánh vịnh tuần II.
Giáo xứ Thanh Bình Chầu Thánh Thể.
GIÁO HUẤN SỐ 8
Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ
TRONG CẦU NGUYỆN LIÊN LỈ (tiếp theo)
“Cần nhớ rằng “việc chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, sẽ phục hồi nhân tính của chúng ta, ngay cả khi nhân tính ấy đã bị tan vỡ bởi những lộn xộn của đời sống này, hay đã hư hỏng do tội lỗi. Chúng ta không được làm suy yếu sức mạnh của khuôn mặt Đức Kitô”. Vì thế xin cho phép tôi đặt câu hỏi: Có chăng những khoảnh khắc bạn thinh lặng đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, những khi mà bạn thanh thản dành thời giờ với Người, cho phép Người đăm chiêu nhìn bạn? Bạn có để cho ngọn lửa của Người cháy lên trong lòng mình không? Trừ phi bạn cho phép Người đốt nóng mình thêm nữa với tình yêu và sự dịu dàng của Người, bạn sẽ không thể bắt lửa được. Như vậy thì làm sao bạn có thể đốt nóng trái tim người khác bằng lời nói và chứng tá của bạn? Nếu khi chăm chú nhìn khuôn mặt của Đức Kitô bạn cảm thấy khó khăn việc để cho Người chữa lành và biến đổi mình, thì bạn hãy đi vào trong trái tim của Chúa, đi vào trong các vết thương của Người, vì đó là chỗ của lòng thương xót thần linh.” (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 151).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Lời Chúa: Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11
Bài Ðọc I: Is 62, 1-5
“Người chồng sẽ vui mừng vì vợ”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi, cho đến khi Ðấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Ðấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời. Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Ðấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư.
(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 9-10ac
Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân
Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên chúa, hãy chúc tụng danh Người.
Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.
Xướng: Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người.
Xướng: Hãy mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.
Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 4-11
“Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích. Người thì được Thánh Thần cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin, trong cùng một Thánh Thần; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh, trong cũng một Thánh Thần đó; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng. Nhưng cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Người ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 2, 1-12
“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
{Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.}
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
SỐNG GIAO ƯỚC VỚI CHÚA SẼ KHÔNG THIẾU ÂN SỦNG
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Thánh Kinh Cựu Ước phác hoạ dung mạo của một Thiên Chúa can thiệp vào trong lịch sử loài người như một Đấng tìm đến với con người, yêu thương và vẫn mãi sắc son với tình yêu thuở ban đầu” dành cho con người. Người là Đấng “vô thuỷ vô chung” trong chính chọn lựa tự do yêu thương của Người. Người là vị Thiên Chúa của lời hứa và giao ước mà Thiên Chúa ký kết với Dân Người. Vì vậy, đối với Thiên Chúa, Ngài dường như không thể sống thiếu con người, vị “Thiên Chúa của con người và cho người”. Đối với Thiên Chúa là thế, còn với Dân được Thiên Chúa tuyển chọn thì sao? Nhìn vào chiều dài của lịch sử dân Ít-ra-en, họ đã không một mực trung thành với Thiên Chúa. Họ đã phản bội với giao ước: thờ ngẫu tượng và sống như dân ngoại, để rồi lãnh lấy hậu quả khi phải trải qua những kinh nghiệm đau thương của việc ly khai, thành Giêrusalem bị tiêu huỷ, dân bị lưu đày. Thế nhưng, một lần nữa, vì tình yêu, Thiên Chúa lại tỏ lòng xót thương với dân Người đã chọn, vẫn trung thành với giao ước và lời hứa cứu độ của Người. Hơn thế nữa, Thiên Chúa muốn lập một giao ước mới và vĩnh cửu, một giao ước mà con người không thể bẻ gãy, một giao ước mãi mãi cột chặt Thiên Chúa với con người, một giao ước mà trong sách Hôsê, Thiên Chúa gọi là cuộc “hôn nhân vĩnh cửu” (x. Hs 2, 18 – 21), còn trong bài đọc 1 ngày hôm nay, tiên tri Isaia nói Thiên Chúa như là vị hôn phu của dân Người, khi Ngài nói: “Như một thanh niên kết hôn với một trinh nữ, Đấng sáng tạo ngươi sẽ kết hôn với ngươi, như là một chú rể vui hưởng nơi cô dâu thì Thiên Chúa của các ngươi sẽ vui hưởng nơi các ngươi”. Và đến câu chuyện tiệc cưới Cana mà Thánh Gioan mô tả hôm nay nhằm nhắc lại giao ước cũ được tỏ hiện là Giao Ước mới và đời đời giữa Chúa và dân của Người.
Rõ ràng, đoạn Phúc Âm làm sáng tỏ rằng Giao Ước của Thiên Chúa với chúng ta là một Giao Ước của tình yêu quảng đại, trung thành và hy sinh cho nhau giống như tình yêu vợ chồng dâng hiến cho nhau. Thứ nhất, chi tiết của câu chuyện Phúc Âm tỏ lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa thì quảng đại và phong nhiêu. Phúc âm kể gần đó có sáu chum đá, mỗi chum chứa được mười lăm đến hai mươi lăm thùng nước vậy 6 chum thì có khoảng sáu trăm lít. Chúa Giêsu đã hướng dẫn cho những người giúp việc đổ nước đầy tới miệng. Cana là một thành phố nhỏ, có lẽ đó chỉ có khoảng 1 một khách bao gồm cả môn đệ của Chúa Giêsu và Mẹ Người. Khi Chúa Giêsu biến nước thành rượu, những người khách không những đã có đủ uống mà còn dư thừa, vì tới gần sáu trăm lít rượu. Tình yêu của Thiên Chúa thì phong nhiêu giống như thế . Ý nghĩa sâu hơn ở đây, Lời Chúa muốn nói là Tình yêu của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài thì phong nhiêu luôn ban phát cho tất cả mọi người không trừ một ai trong Giao Ước mới của Người trong đó có chúng ta qua Chúa Giêsu.
Cho nên việc Chúa Giêsu đến tham dự bữa tiệc cưới nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa yêu thương con người nên đã đến ở giữa loài người. Không những đến ở giữa loài người, Thiên Chúa còn trở nên một người bạn thân thiết của con người, đồng hành với con người, chia vui sẻ buồn với con người. Chưa bao giờ người ta thấy một Thiên Chúa gần gũi đến thế, thân tình đến thế. Với tình thân, Thiên Chúa đã đến hiệp thông với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn mời Chúa đến nhà của mình: gia đình mình, tâm hồn mình và cuộc sống của mình bởi vì có những lúc chúng ta cũng thiếu “rượu”, đó là những bất trắc trong cuộc sống. Vì vậy, sự hiện diện của Chúa giúp ta vượt qua được những bất trắc nhan nhản trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Cụ thể đó là những thiếu thốn về vật chất: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu thốn tiền cho con đi học, thiếu thốn thuốc men khi bệnh tật. Có những thiếu thốn về tinh thần: thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau, thiếu khuyên bảo dạy dỗ con cháu, thiếu kính trọng trong đối xử, thiếu tế nhị trong lời nói. Nhưng trầm trọng nhất là những thiếu thốn về đời sống đạo đức: thiếu đức tin, thiếu lòng đạo đức sốt sắng, thiếu công bằng bác ái, thiếu trách nhiệm duy trì đời sống đức tin trong gia đình, trong cộng đoàn hay giáo xứ.
Chúng ta nên nhớ rằng tại Cana Chúa Giêsu biến nước thành rượu. Trong khi cử hành Thánh Lễ, Chúa Giêsu đã biến bánh và rượu thành Thịt và Máu Người như để tưởng nhớ lại sự chết và sự Phục Sinh của Người. Vì vậy, mỗi khi cử hành Thánh lễ sẽ nhắc nhở chúng ta về tình yêu phong nhiêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy nhớ rằng bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành là một Giao Ước mới, là sự hiệp nhất giữa chúng ta với Chúa và những người khác trong Giáo Hội. Vì thế, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 dạy chúng ta rằng Thiên Chúa ban cho mỗi người đặc sủng khác nhau trong một Thần Khí duy nhất, chúng ta hãy dùng những đặc sủng ấy mà phục vụ, xây dựng thành gia đình, cộng đoàn hiệp nhất hòa thuận thương yêu nhau. Để được như vậy, mỗi người chúng ta hãy sống trong vui tươi và hy vọng, sẵn sàng hy sinh xây dựng hạnh phúc cho nhau và làm theo Lời Chúa. Đọc Phúc Âm, học hỏi và đem ra thực hành hầu để Lời Chúa hướng dẫn mọi lời ăn tiếng nói của mình; để Lời Chúa soi sáng những suy nghĩ của mình; để Lời Chúa điều khiển mọi việc làm của mình. Chính lúc ấy, chúng ta sẽ được Chúa dẫn dắt vượt qua những thiếu thốn. Sống với Chúa, trung thành sống giao ước với Chúa, chúng ta sẽ được Chúa đưa vào dự bữa tiệc cưới trên trời, lúc đó chàng rể đích thật là Đức Kitô sẽ cho ta nếm rượu mới tuyệt ngon trên thiên đàng, đó là hạnh phúc không bao giờ tàn phai. Amen.
SUY NIỆM II
THIÊN CHÚA TRONG TIỆC CƯỚI
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.
Mục Lục Bài Viết
Dấu lạ đầu tiên
Đức Giêsu được mời đến dự tiệc cưới tại Cana, cùng với Thân Mẫu, và Người đã đến, vừa với tư cách bạn hữu, vừa với tư cách họ hàng. Liệu người có biết rằng tại đây, trong đám cưới này, Người sẽ khơi mào các dấu chỉ mà Người sẽ hoàn thành trong suốt thời gian tại thế của mình?
“Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người” (Ga 2,11).
Thánh Gioan đã viết như thế vào cuối trình thuật tiệc cưới Cana. Câu kết luận vắn tắt này chứng tỏ Gioan là người biết đọc và hiểu những gì đã xảy ra. Quả thế, ngay đầu Tin Mừng thứ Tư, tác giả đã viết: Lúc khởi đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa (1,1). Đức Giêsu là Ngôi Lời và cũng chính là Đấng Mêsia được sai đến trần gian: dấu lạ đầu tiên này diễn tả trong thời gian vinh quang vĩnh cửu của Đức Giêsu. Tác giả thuật lại dấu lạ này để người tín hữu tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, và vì tin, họ sống nhờ danh Người (Ga 20,30-31).
Không phải là tình cờ khi tiệc cưới này diễn ra vào vào giai đoạn đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã kết hôn với nhân loại: đó chính là Tin Mừng, mặc dù các thực khách lúc này chưa biết rằng Con Thiên Chúa đang ngồi cùng bàn với họ, và cũng chưa biết rằng Đức Giêsu chính là Vị Hôn Phu đích thực. Trong tiệc cưới này, sự hiện diện của Vị Hôn Phu là một mặc khải trọn vẹn về các mầu nhiệm: chính Người giữ lại rượu ngon cho đến mãi bây giờ mà người chủ tiệc không biết.
Rượu là thành quả từ cây nho và công lao của con người, là thức uống tuyệt hảo trong tiệc cưới. Đó chính là mạch máu của đất đã thấm đượm ánh mặt trời, với biết bao vất vả của người trồng nho trong suốt cả năm. Rượu được đưa ra vào phần cuối bữa tiệc, quả không phải là thứ rượu tầm thường. Đó chính là ơn cứu chuộc, là sự sống.
Theo tác giả Gioan, thứ rượu này được múc ra từ những chum đá đựng nước dùng cho việc thanh tẩy. Nước này biểu tượng cho một thứ thể chế tôn giáo, một thế giới cũ thiên về nghi thức. Giờ đây Đức Giêsu đến để biến nước ấy thành rượu: thế giới cũ bị đổ nhào, nhường chỗ cho một thế giới mới. Lúc này, cuộc lễ mới thực sự bắt đầu, vì người ta được uống một thứ rượu xứng đáng là dấu chỉ Nước Trời như các ngôn sứ từng loan báo.
Cái nhìn của Gioan còn đi xa hơn: trong câu chuyện có vẻ bình thường này, người ta thấy toàn bộ Tin Mừng của Đức Giêsu đang bắt đầu nảy mầm: Giờ đã điểm mở đầu cho giờ chung cuộc là Đức Giêsu đổ máu ra trên thập giá để hoàn tất tiệc cưới giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Như vậy, Cana là một khởi đầu kỳ diệu và là biểu tượng về mầu nhiệm cứu độ! Ngay từ lúc khởi đầu, Đức Maria đã có mặt và can thiệp, mặc dù Mẹ chưa hiểu hết (“Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con?”). Cana quả là dấu chỉ đầu tiên, nhưng lại tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. Tất cả đều đã bao hàm trong biến cố này, nếu người ta biết đọc!
Những lễ hội
Trước đây, người Do thái vẫn thường được hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Người ta có thể đến gặp Người ở đâu? Người ta có thể nhìn thấy Người và nghe tiếng Người ở đâu? Và họ thường trả lời Thiên Chúa ở tại Giêrusalem. Đền thờ là nơi Người ngự.
Hôm nay, qua câu chuyện Tin Mừng, câu trả lời đã khác đi: Thiên Chúa đang ở trong tiệc cưới, cùng bàn với những thực khách.
Cana không chỉ đồng nghĩa với phép lạ đã được chú giải cả ngàn lần. Đó chính là một nơi cao của Tin Mừng. Xưa kia, Thiên Chúa đã từng bày tỏ vinh quang của Người tại Sinai, tại Bêlem, và Đền thờ; còn giờ đây, Thiên Chúa xuất hiện tại Cana, trong một tiệc cưới. Địa danh này diễn tả một phương thức hiện diện mới của Thiên Chúa, của giao ước.
Do đó, người ta có thể gọi? Đức Giêsu là Thiên Chúa của các núi cao, là Hữu Thể Vĩnh Cửu. Qua sự hiện diện mới này của Thiên Chúa, cuộc đời trở nên sống động hơn, đẹp đẽ hơn, bởi vì luôn chất chứa trong mình một niềm hy vọng, một sự chấp nhận.
Khi chấp thuận lời mời đến tham dự tiệc cưới tại Cana, Đức Giêsu muốn khai mạc lễ hội của niềm vui, lễ hội của tình yêu, lễ của đôi vợ chồng. Sự hiện diện của Đức Giêsu tại tiệc cưới Cana đưa ta trở về với cuộc lễ tại vườn Êđen, trở về với tình trạng nguyên thủy, hay nói cách khác, sự hiện diện ấy là việc thánh hiến tình yêu.
Quả thế, sự hiện diện của Đức Giêsu tại tiệc cưới là một cuộc lễ với nhiều ý nghĩa.
- Lễ của giao ước: người Kitô hữu quan niệm hôn nhân là một bí tích, tức là dấu chỉ hoàn hảo nhất về mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người,. Đời sống vợ chồng là một dấu chỉ hữu hình về tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh.
- Lễ Hiển Linh: đây không phải chỉ là một phép lạ, nhưng còn là sự bày tỏ chính thức của Thiên Chúa. Chính Người có mặt trong tiệc cưới, cùng ăn cùng uống với các thực khách.
Cuộc hiển linh này không phải là của Đức Chúa Toàn Năng, nhưng là của Thiên Chúa Bêlem, người bạn của các mục đồng và các đạo sĩ, bạn của những người khiêm tốn và của những người dám phiêu lưu, của những người nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần.
- Lễ thánh: Thiên Chúa xuất hiện không phải với những nghi thức long trọng. Chính sự hiện diện của Người làm cho những địa điểm, những con người, những đồ vật tại đó trở nên thiêng thánh, bởi vì Người thánh hóa tất cả. Người ta sẽ còn gặp Thiên Chúa tại bờ giếng Giacob, ở bàn ăn nhà người thu thuế, tại nghĩa trang, trước ngôi mộ của người bạn, sau nữa tại thập giá. Tại tất cả những nơi đó, Người sẽ biến đổi sự chết thành sự sống.
Thiên Chúa ở Cana là như vậy.
Cuộc đời là tiệc cưới
Đức Giêsu có mặt tại Cana và biến nước thành rượu ngon. Đối với chúng ta, biến cố này có ý nghĩa gì?
Người đã có mặt ở Cana, để cho ta thấy Người cũng có mặt trong những biến cố khác nhau của đời ta. Sự hiện diện của Người trong những biến cố này làm cho chúng ta nhận ra quyền năng của Người. Đồng thời làm cho tất cả sự kiện mang một ý nghĩa mới, ý nghĩa đặc biệt.
Thật thế, cũng như sự hiện diện của Đức Giêsu tại tiệc cưới Cana làm cho bữa tiệc này trở thành một dấu chỉ về sự can thiệp của Thiên Chúa, thì sự hiện diện của Người trong cuộc đời chúng ta cũng đem lại giá trị vĩnh cửu. Chính Đức Giêsu làm cho bữa tiệc của nhân loại được trọn vẹn và tràn đầy niềm vui. Do đó, nếu không có Đức Giêsu, mọi bữa tiệc của nhân loại vẫn còn dang dở và niềm vui chưa tới mức trọn vẹn.
Chính Đức Giêsu muốn có mặt trong cuộc đời chúng ta để biến tất cả thành những dấu chỉ của niềm vui và hy vọng. Người đến và biến cuộc đời ta thành mối tương giao để qui hướng về một điểm duy nhất là tình yêu.
Vì vậy, dù cuộc đời chúng ta có thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn hiểu rằng Đức Giêsu đang chia sẻ với chúng ta, Người đang nâng đỡ và đang chiến đấu cùng với chúng ta. Đó là điều ta phải tin tưởng.
Chúng ta phải tin vào quyền năng của Đức Giêsu: Người có thể biến đổi tất cả. Người làm cho cuộc đời vô vị và tầm thường của chúng ta thành một cuộc sống có giá trị. Người có thể sử dụng những nỗi yếu đuối của chúng ta làm chất liệu cho một cuộc đời mới. Phải tin tưởng vào Người.
Tuy vậy, một điều nữa là phải muốn thay đổi. Đôi khi chúng ta vẫn chống chế: Nước đã biến thành rượu, rượu đã trở nên Máu Đức Kitô. Điều ấy đã xảy ra tại Cana, tại đồi Canvê, nhưng cuộc đời thì khác.
Cần nhớ rằng, nếu không muốn biến đổi, thì chúng ta chưa sám hối thực sự. Chỉ khi nào sẵn sàng làm theo điều Người chỉ, lúc ấy chúng ta mới có thể buớc vào lễ hội của Thiên Chúa, lễ hội của niềm vui.
SUY NIỆM III
TÌNH YÊU HÔN NHÂN: GIAO ƯỚC VĨNH CỬU VÀ CAM KẾT ĐỜI ĐỜI
Jn.nvh
Kính thưa cộng đoàn, hôm nay chúng ta tụ họp trong thánh lễ này để cùng nhau suy niệm về tình yêu và gia đình, về một trong những bí tích quan trọng nhất mà Chúa đã thiết lập – bí tích hôn phối. Đây là dấu chỉ của tình yêu vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và nhân loại, đồng thời là nền tảng của xã hội và Giáo Hội. Chúng ta không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, gia đình đang phải đối mặt với nhiều thử thách. Những gia đình trẻ ngày nay, đặc biệt là những gia đình vừa bắt đầu hành trình hôn nhân, đang phải đối diện với nguy cơ đổ vỡ. Tình yêu và hôn nhân, vốn được xem là nền tảng vững chắc của cuộc sống, đôi khi lại bị thử thách quá lớn.
Tình yêu trong hôn nhân – ân huệ và trách nhiệm
Hôn nhân là một ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng. Nó không phải là một giao ước giữa hai người bình thường, mà là một giao ước thiêng liêng, được đặt dưới sự bảo trợ của Thiên Chúa. Trong Sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy rằng Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ và truyền cho họ yêu thương nhau, trở thành một gia đình, để cùng nhau xây dựng cuộc sống. Vì vậy, tình yêu trong hôn nhân không chỉ đơn giản là sự kết nối giữa hai cá nhân mà còn là một tình yêu mang tính cộng đồng, hướng tới sự phát triển chung của gia đình và xã hội.
“Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Amoris Laetitia nhấn mạnh: gia đình không chỉ là nơi sinh ra và nuôi dưỡng con cái, mà còn là nơi gặp gỡ Chúa, một cộng đoàn tình yêu, một nơi để sống đức tin và niềm vui. Ngài khẳng định rằng gia đình là nền tảng của Hội Thánh và của xã hội. Chính vì thế, khi gia đình bị đe dọa, chúng ta cũng không chỉ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng cá nhân mà còn là một thử thách cho toàn xã hội và cộng đoàn Kitô giáo của chúng ta.”
Trong thế giới ngày nay, tình yêu này đôi khi bị làm cho mờ nhạt bởi những quan điểm tiêu cực và thiếu sự hiểu biết về giá trị đích thực của hôn nhân. Có không ít gia đình trẻ đã phải đối mặt với đổ vỡ vì thiếu sự kiên nhẫn, thiếu tình yêu chân thành và, quan trọng hơn, thiếu sự hiểu biết về sự thánh thiện của bí tích hôn phối. Một số bạn trẻ, thay vì tìm kiếm tình yêu thiêng liêng trong hôn nhân, lại tìm kiếm một mối quan hệ tạm thời, dễ dàng thay đổi, không có cam kết dài lâu. Họ dễ dàng coi thường bí tích hôn phối và không ngần ngại lựa chọn chuẩn hôn phối khác đạo, bất chấp những giáo huấn của Giáo Hội.
Mẹ Maria và Chúa Giêsu
Chúng ta không thể không nhắc đến hình ảnh của Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong câu chuyện biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana. Mẹ Maria, với sự nhạy bén và tấm lòng đầy yêu thương, đã nhận ra nỗi lo lắng của gia đình chủ tiệc. Mẹ đã hướng dẫn những người giúp việc làm theo lời của Chúa Giêsu. Khi thiếu thốn, Mẹ Maria không khuyên gia chủ bỏ cuộc, mà khuyên họ tìm đến Chúa, với lòng tin tưởng. Câu nói của Mẹ Maria: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”, chính là một lời khuyên quý báu cho tất cả chúng ta, đặc biệt là trong cuộc sống gia đình. Nếu các đôi vợ chồng và các gia đình biết lắng nghe và thực hành lời Chúa, họ sẽ tìm thấy nguồn vui và bình an trong cuộc sống hôn nhân của mình.
Chúa Giêsu, với phép lạ tại Cana, đã cho chúng ta thấy rằng tình yêu hôn nhân phải là một tình yêu phong phú, không thiếu thốn, luôn luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Rượu mà Chúa Giêsu biến từ nước chính là biểu tượng của tình yêu tràn đầy, là sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hôn nhân của chúng ta.
Hôn nhân: sự hiệp nhất giữa vợ chồng và với Chúa
Trong bài đọc hôm nay, chúng ta cũng được nghe lời ngôn sứ Isaia, người đã diễn tả hình ảnh về sự hiệp nhất tuyệt vời giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Ngài nói: “Người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi.” Đây là một hình ảnh thật đẹp về sự hiệp nhất trong hôn nhân. Tình yêu giữa vợ và chồng không phải là một tình yêu chỉ hướng vào nhau, mà là tình yêu mở rộng ra, kết nối cả vợ chồng với Thiên Chúa, với cộng đồng, và với thế giới xung quanh. Hôn nhân, do đó, không chỉ là mối liên kết cá nhân mà còn là sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhân loại.
Tình yêu trong hôn nhân – một cam kết đời đời
Anh chị em thân mến, trong khi xã hội ngày nay đang chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ ly dị và các vấn đề gia đình, chúng ta, những người Kitô hữu, được mời gọi sống tình yêu hôn nhân như một cam kết đời đời. Hôn nhân là một giao ước không thể phá vỡ, vì nó là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúa Giêsu đã không thay đổi tình yêu của Ngài dành cho Giáo Hội, mặc dù chúng ta, Giáo Hội, có lúc phản bội và xa lìa Ngài. Chính vì thế, mỗi khi chúng ta đứng trước những thử thách trong đời sống hôn nhân, chúng ta cần nhìn lên Chúa Giêsu, mẫu mực của tình yêu vĩnh cửu và không thay đổi.
“Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rằng tình yêu trong gia đình không chỉ là cảm xúc thoáng qua mà là sự chọn lựa mỗi ngày để yêu và chấp nhận nhau, ngay cả trong những lúc khó khăn. ‘Tình yêu trong hôn nhân là sự cam kết, là quyết định mỗi ngày để yêu và chấp nhận nhau,’ ngài viết trong Amoris Laetitia. Điều này nhắc nhở chúng ta: tình yêu vợ chồng không phải chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà là một hành trình, là sự kiên trì trong việc chăm sóc và tha thứ cho nhau mỗi ngày.”
Anh chị em thân mến, trong đời sống gia đình mỗi người chúng ta hãy làm mới lại cam kết sống hôn nhân của mình dưới ánh sáng của Tin Mừng. Nếu gia đình chúng ta đang đứng trước thử thách, hãy tìm về với Chúa, lắng nghe lời Mẹ Maria: “Hãy làm theo những gì Người bảo.” Hãy tin tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ luôn ban ơn và sự giúp đỡ để tình yêu của bạn không thiếu thốn, nhưng luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Chúng ta cầu nguyện cho tất cả các gia đình, đặc biệt là những gia đình đang gặp khó khăn, để họ biết mở lòng ra với Thiên Chúa và đón nhận sự bình an mà Chúa ban tặng. Xin cho mỗi người chúng ta luôn sống trong sự hiệp nhất và yêu thương, để hôn nhân trở thành một dấu chỉ sống động của tình yêu vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Amen.
Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 2 Thường Niên, Năm C
Nguồn: giaophancantho.org
NGƯƠI CHO TA CÁI GÌ
Thi hào Rabindranath Tagore mô tả phần thưởng cho việc quy phục hoàn toàn trong tác phẩm Gitanjali. Người ăn xin đi hết nhà này đến nhà khác trên con đường làng. Lúc đó, ông bỗng nhìn thấy cỗ xe bằng vàng của nhà vua ở đằng xa. Niềm hy vọng của ông tăng cao. Ông nghĩ những ngày tháng tồi tệ của mình sẽ kết thúc, và ông đứng chờ vua bố thí. Cỗ xe dừng lại nơi ông đứng. Nhà vua bước xuống khỏi cỗ xe với một nụ cười. Người ăn xin cảm thấy rằng may mắn của cuộc đời mình cuối cùng đã đến. Bấy giờ, nhà vua đưa tay phải ra và hỏi: “Ngươi cho ta cái gì?” Người ăn xin bối rối và sau đó từ trong túi vải ông từ từ lấy ra một hạt thóc nhỏ nhất và đưa cho vua. Vào cuối ngày, ông dốc cái túi trên sàn và nhìn thấy một hạt vàng nhỏ trong đống thóc. Ông hối hận vì mình đã không trao toàn bộ số thóc cho vua.
* Bạn thân mến, bất cứ thứ gì được dâng cho Chúa đều được biến thành thứ quý giá. Thị trấn tầm thường Cana, những chiếc chum đá, những con người bình dân đều trở nên đáng kể khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu. “Điều kiện duy nhất là đổ đầy chúng đến miệng chum”, là quy phục Chúa vô điều kiện mà không giữ lại chút nào. (Cha Bobby).
- ƠN BIẾN ĐỔI
Người ta nói rằng nhà văn Leo Tolstoy đã trải qua một cuộc biến đổi kỳ diệu. Ông đã kể về điều đó trong một cuốn sách có tựa đề, Sự hoán cải của tôi. Tolstoy viết: “Khi đức tin đến với tôi, tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô, và tất cả cuộc sống của tôi bỗng nhiên thay đổi. Tôi không còn ham muốn điều mà trước đây tôi đã từng ham muốn; và mặt khác, tôi lại ước muốn điều mà trước đây tôi chưa từng mong muốn. Những gì trước đây thường tỏ ra tốt trong mắt tôi thì lại xuất hiện xấu xa, và điều mà trước đây từng là xấu xa lại tốt”. Trước khi hoán cải, Tolstoy đã có được danh tiếng và tài sản nhờ những tác phẩm tuyệt vời của mình. Nhưng ông ta không bằng lòng. Ông viết: “Tôi đã đấu kiếm, tôi đánh bạc, tôi phung phí tài sản, vơ vét mồ hôi công sức của những người nông dân và lừa dối họ. Nói dối, trộm cướp, ngoại tình đủ kiểu, say xỉn là lẽ sống của tôi”. Sự cải đạo của ông, một trong những sự kiện kịch tính nhất của thời hiện đại, đã mang lại cho cuộc đời ông một mục đích mới, một ý nghĩa mới và, ông khẳng định, một sự hài lòng thường xuyên. [William E. Thorn, Catch the Little Foxes That Spoil the Vine (Old Tappan, New Jersey: Fleming H. Revell Co., 1980).] Tất cả chúng ta đều nhớ câu chuyện về một ông già nghiện rượu đã chấm dứt cơn nghiện của mình. Khi được hỏi về phép lạ biến nước thành rượu của Chúa Giêsu, ông trả lời: “Tôi không biết về điều đó, nhưng tôi biết rằng trong nhà tôi, Chúa Giêsu đã đổi rượu whisky thành đồ đạc.”
* Nhiều triệu người trong nhiều thế kỷ đã cảm nghiệm ơn biến đổi dưới bàn tay của Chúa Kitô. Phép lạ tại tiệc cưới Cana cho chúng ta bài học đó.
- CHO TIỀN CƯỚI
Mẹ Têrêsa ở Calcutta kể câu chuyện này: Cách đây vài tuần, có cặp đôi trẻ tuổi đến nhà chúng tôi và cho tôi một số tiền khá lớn để nuôi người nghèo. Ở Calcutta, mỗi ngày chúng tôi nấu ăn cho 9000 người. Hai người ước muốn tiền của họ được dùng để nuôi những người đói khổ này. Và tôi hỏi họ: “Các bạn lấy đâu ra nhiều tiền như vậy?” Họ trả lời: “Hai ngày trước chúng tôi đã kết hôn. Trước đám cưới, chúng tôi quyết định sẽ không chi tiền cho những bộ quần áo cưới đặc biệt cũng như không tổ chức tiệc cưới. Chúng tôi muốn số tiền đó sẽ đến tay những người nghèo.” Đối với những người theo đạo Hindu thuộc đẳng cấp cao, hành động như vậy là một việc đáng xấu hổ. Bạn bè và người thân của họ không thể tưởng tượng nổi một cặp đôi xuất thân từ những gia đình nổi tiếng như vậy lại kết hôn mà không có trang phục cô dâu và một tiệc cưới đàng hoàng. Vì vậy, Mẹ Têrêsa hỏi họ: “Tại sao bạn lại cho tất cả số tiền này?” Họ đã đưa ra câu trả lời đáng ngạc nhiên cho mẹ: “Chúng tôi yêu nhau rất nhiều và chúng tôi muốn hy sinh đặc biệt cho nhau ngay khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân”.
* Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên để cứu vãn danh dự cho một cuộc hôn nhân. (Cha Benitz).
- LÍ LUẬN
Niềm tin phổ biến rằng “Chúa Giêsu không phải là người bài rượu”, mà là một người uống vừa phải, người thậm chí đã “tạo ra loại rượu có chất lượng cao một cách kỳ diệu tại Cana” và tổ chức Bữa Tiệc Ly với rượu, thì chắc chắn đã ảnh hưởng đến thói quen uống rượu của hàng triệu Kitô hữu trên khắp thế giới hơn bất kỳ điều gì khác mà Kinh Thánh nói về việc uống rượu. Lý do rất đơn giản: Gương sáng và những lời dạy của Chúa Kitô là chuẩn mực cho niềm tin và sự thực hành của Kitô giáo. Nếu Chúa Giêsu làm ra, khen ngợi và sử dụng rượu, thì khó có thể có điều gì sai trái về bản chất của việc uống vừa phải đồ uống có cồn! Nói một cách đơn giản: “Nếu rượu là tốt đối với Chúa Giêsu, thì rượu cũng tốt đối với tôi!”
- VODKA CÓ ĐƯỢC PHÉP KHÔNG
Có một truyền thuyết kể rằng vào cuối thời trung cổ, Sa hoàng Nga đã đi đến kết luận rằng để thống nhất đất nước của mình, cần phải có một quốc giáo mà tất cả mọi người phải thuộc về. Ông đã cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các lựa chọn của mình. Cuối cùng, ông quyết định chọn một danh sách ngắn gồm ba tôn giáo: Hồi giáo, Phật giáo và Kitô giáo. Ông gọi đại diện của từng tôn giáo đến tòa của mình ở Nga, và yêu cầu mỗi người nêu trường hợp của tôn giáo của họ trước bản thân ông và các cố vấn của ông. Người đại diện Hồi giáo phát biểu trước. Ông nói về tính nhân đạo của Hồi giáo, về lòng khoan dung đối với người khác, về sự tôn trọng đối với khoa học và văn hóa, và cách nó đi kèm với một hệ thống pháp luật tốt đẹp đã được tu chỉnh và hoàn thiện qua nhiều thế kỷ. Khi hoàn thành màn chào sân của mình, người này hỏi Sa hoàng xem có điều gì khác mà ông muốn biết nữa không. “Một điều,” Sa hoàng nói với anh ta: “Allah có ưa thích Vodka không?” Sứ giả Hồi giáo lắc đầu và nói với ông “không”, rằng rượu là một điều ghê tởm đối với Allah, và không được phép. “Kế tiếp!” Sa hoàng kêu, và một tu sĩ Phật giáo được dẫn ra. Nhà sư giải thích những lời dạy cơ bản của Đức Phật, về cuộc sống là đau khổ và làm thế nào Đức Phật chỉ ra con đường để chấm dứt đau khổ. Cuối cùng, nhà vua cảm thấy buồn chán và nói: “Tôi sẽ nói cho bạn biết làm thế nào để tôi chấm dứt đau khổ: Rượu vodka! Đức Phật của bạn có gì để nói về điều đó?” Nhà sư nói với vua rằng chất say là một cản trở cho sự giác ngộ và không được phép sử dụng trong Phật giáo. “Kế tiếp!” Sa hoàng kêu lên, và một tu sĩ Chính thống giáo được đưa vào. Nhưng trước khi ông này có thể bắt đầu trình bày giáo lý sơ cấp của mình, Sa hoàng đã ngăn anh ta lại: “Chỉ cần nói với tôi một điều, Chúa Giêsu của bạn có cho phép uống vodka không?” Tu sĩ nói: “Bạn đang giỡn hả? Chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn rượu và bánh trong mỗi buổi cử hành Thánh Thể.” Sa hoàng tuyên bố: “Bây giờ tôi biết tôi là ai!” “Tôi là một Kitô hữu! Hãy rửa tội cho tôi, và tất cả dân tộc của tôi”.
* Chúng ta có thể tưởng tượng rằng vua cũng đã ra lệnh cho dân chúng uống rượu vodka để ăn mừng. (Cha Kayala).
- CÁC SỨ VỤ KHÁC NHAU
Mỗi bạn trẻ đều mơ ước lớn lên mình sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại trên thế giới. Tuy nhiên mỗi người cao tuổi đều nhận ra rằng trải qua năm tháng ông đã rất ít hoàn thành được mơ ước của mình. Nếu người già là phi hiện thực, ông tiếc nuối giấc mơ chưa thành. Nếu thực tế, ông sẽ cảm ơn Chúa đã cho ông một vài chiến thắng nhỏ trong cuộc đời của mình. Pierre Toussaint là một người thực tế từ khi còn trẻ cho đến khi về già. Ông là một nô lệ da đen, nhưng ông ta hiểu rằng Thiên Chúa đã để cho ông là người da đen và một nô lệ để thực hiện ơn cứu độ của mình trong bối cảnh xã hội đó. Toussaint sinh ra ở Haiti năm 1766 và mất ở thành phố New York năm 1853. Ông là nô lệ của Berards, một gia đình chủ đồn điền người Pháp tại Haiti; nhưng là một nô lệ tại gia hơn là một nô lệ ngoài đồng, ông lớn lên trong bầu không khí được chăm sóc tại nơi ở của họ. Khi Cách mạng Pháp đến Haiti, gia đình Berards chạy trốn đến thành phố New York để được an toàn. Họ dẫn theo Pierre và một số nô lệ khác của gia đình. Sau đó, ông Berard quay trở lại Haiti để xem liệu ông có thể vớt vát tài sản của mình hay không, nhưng ông đã bất ngờ chết ở đó. Trong khi đó Pierre đã học việc cho một thợ làm tóc. Giờ đây, thu nhập từ công việc của một thợ hớt tóc giúp ông có thể chu cấp cho người góa phụ Berard già yếu trong suốt quãng đời còn lại của bà. Trên giường bệnh, bà đã giải thoát ông khỏi những ràng buộc của kiếp nô lệ. Ít ra thì bà cũng đánh giá cao những gì ông đã làm cho bà. Là thợ hớt tóc hàng đầu ở “Little Old New York”, Toussaint được biết đến và ngưỡng mộ bởi những bà khách hàng của ông, hầu hết đều thuộc các gia đình xã hội trưởng giả ở New York. Ông có ảnh hưởng sâu sắc đến những người phụ nữ này, những người hầu hết theo đạo Tin lành, nhờ sự dịu dàng, tính cách Kitô hữu và sự khôn ngoan của ông. Luôn luôn là một người Công giáo sùng đạo, ông đã đóng góp từ thu nhập khấm khá của mình cho mọi hoạt động từ thiện tốt đẹp ở đây và ở nước ngoài. Ông cũng có nhiều tổ chức từ thiện riêng. Khi ông cảm thấy rằng những người da trắng nghèo khó có thể không thoải mái khi nhận được sự hỗ trợ từ một người da đen, ông đã tinh tế cung cấp nhu cầu của họ một cách ẩn danh. Khi ông mất, cha xứ của nhà thờ Thánh Patrick cũ đã có một bài điếu văn cảm động tại đám tang của người đàn ông đáng chú ý này. Ngài nói: “Chỉ còn lại một số ít giáo sĩ bận tâm về lòng sùng kính và nhiệt thành đối với Giáo hội, và vì sự vinh hiển của Thiên Chúa; còn trong số giáo dân thì không có ai.”
* Pierre Toussaint chắc chắn đã trải nghiệm điều mà thánh Phaolô sẽ gọi là “mỗi người một sứ vụ khác nhau”. Nhưng giống như tất cả các sứ vụ được Chúa giao, Pierre cũng phục vụ “vì lợi ích chung” (1 Cr 12: 7; bài đọc hai hôm nay). Án phong thánh cho Pierre Toussaint đã được mở ra từ vài năm trước. Sẽ là một sự vui mừng tột độ nếu một ngày nào đó Giáo hội có thể tung hô người nô lệ da đen này là thánh Pierre Toussaint. (Ngài được tuyên bố là Đấng Đáng Kính vào năm 1996). (Cha Robert F. McNamara).
- CÙNG MỘT SỰ PHỤC VỤ
Một người đàn ông đã làm chồng mười năm đang tham khảo ý kiến của một chuyên gia tư vấn hôn nhân. “Khi mới kết hôn, tôi rất hạnh phúc. Khi tôi trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả ở cửa hàng, con chó nhỏ của tôi chạy quanh sủa và vợ tôi mang dép cho tôi với một nụ cười ấm áp. Bây giờ sau tất cả những năm đó mọi thứ đã thay đổi. Bây giờ về đến nhà, con chó mang dép vào là vợ tôi sủa”. Nhân viên tư vấn nói: “Tôi không biết bạn đang phàn nàn về điều gì, bạn vẫn nhận được cùng một việc phục vụ mà!”
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm